Sự kiện Nhật đảo chính Pháp tháng 3 năm 1945 qua Hồi ký Đại sứ Nhật Masayuki Yokoyama (kỳ cuối)

Kỳ cuối: Hành động sau ngày 9 tháng 3 năm 1945 (tiếp)

B. Thay đổi của Chính phủ An Nam

1. Đức Kim Thượng Bảo Đại quyết định cải tổ Chính phủ

Sáng ngày 16 tháng 3, Ngài Phạm Quỳnh nói với tôi rằng Ngài vừa có một buổi yết kiến rất quan trọng vào chiều tối ngày hôm trước, trong đó Đức Kim Thượng Bảo Đại đã bày tỏ quyết định tự đảm đương mọi trách nhiệm liên quan tới công việc của Nhà nước An Nam Độc lập. Đức Kim Thượng mong muốn thành lập một Chính phủ lớn mạnh mà chính Đức Kim Thượng sẽ làm chủ toạ. Bản thân Ngài Thượng thư cũng đã từng nghĩ đến việc cần phải thực hiện một cuộc đại cải tổ, nhưng Ngài muốn nó diễn ra theo từng giai đoạn. Trước hết là tổ chức lại Nội các bằng cách giữ lại hai Thượng thư hiện tại và chọn ra sáu vị Bộ trưởng mới từ những cá nhân ưu tú và năng nổ. Nhưng vì Đức Kim Thượng đã thông báo với Ngài về ý định sẽ tự tay điều hành chính trị, nên Ngài chỉ còn cách bước sang một bên trước mặt Hoàng Đế. Dù thế nào, Ngài vẫn luôn toàn tâm toàn ý phục vụ Đức Kim Thượng với tất cả lòng trung thành.

Sáng thứ Năm ngày 17, Đức Kim Thượng triệu tập tôi tới văn phòng của Ngài và giải thích cho tôi quan điểm của Ngài về tính cấp thiết của việc cải tổ chính phủ để giữ trật tự xã hội, để xoa dịu tâm lý lo lắng và kích động của quần chúng nhân dân, và để ngăn chặn âm mưu của các đảng phái chính trị đang phá rối hòa bình chung. Đức Kim Thượng cho rằng Nội các của Phạm Quỳnh không đủ khả năng đáp ứng tình hình. Để giải quyết vấn đề này, Ngài quyết định sẽ đích thân điều hành Nhà nước. Sau khi nói vậy, Ngài cho tôi xem dự thảo Sắc lệnh Đế quốc, trong đó tuyên cáo rằng:

(i) Chính sách của Đế quốc kể từ nay sẽ dựa trên nguyên tắc “Dân trên hết”;

(ii) Hoàng Đế sẽ hiệu triệu tất cả các hiền tài nhân sĩ, những người cho đến nay vẫn đứng ngoài quyền lực chính trị và những người đã lui về ở ẩn trong cũng như ngoài nước;

(iii) Những cải cách cần thiết sẽ được thực hiện vào thời điểm phù hợp và sẽ được công bố tới dân chúng sau khi quyết định được đưa ra.

Đức Kim Thượng bày tỏ hy vọng rằng tôi sẽ đồng tình với kế hoạch này, và rằng tôi sẽ trình bày thẳng thắn các nhận xét mà tôi có về chính sách của Ngài.

Tôi thầm nghĩ rằng một cải cách như vậy có thể gây ra một số chuyện phức tạp và khiến các nhà chức trách quân sự của chúng tôi phải bận tâm vì liên quan tới chính sách giữ nguyên hiện trạng. Nhưng mặt khác, Chính quyền Quân sự Nhật đã quyết định để Chính phủ An Nam tự quyết tất cả những gì liên quan đến chính sách nội bộ của đất nước, hoàn toàn không can thiệp vào những việc không ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Ngoài ra, tôi cũng biết rằng Đức Kim Thượng kiên quyết theo đuổi một chính sách hữu hiệu trên quy mô lớn vì một nền quân chủ dân chủ. Tôi chỉ có thể thuận theo ý nguyện của Ngài và năng lực mà Ngài thể hiện trong các kế hoạch đó.

Đức Kim Thượng Bảo Đại đưa cho tôi một danh sách các nhân vật quan trọng mà Ngài muốn tham khảo ý kiến của tôi càng sớm càng tốt để có thể thành lập một Chính phủ mới dưới sự bảo hộ của Hoàng Đế. Danh sách đề xuất đó bao gồm Ngài Hoàng Trọng Phu, Trần Văn Thống, Tiến sĩ Cao Xuân Cam, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (Hà Nội), Bác sĩ Trần Đình Nam (Đà Nẵng), ông Trần Trọng Kim (Bangkok hoặc Shonan[1]) và Ngài Ngô Đình Diệm (Sài Gòn). Đức Kim Thượng đề nghị tôi gửi cho họ giấy triệu tập của Ngài và hỗ trợ họ di chuyển tới Huế. Tại thời điểm đó, người ta chỉ có thể di chuyển bằng ô tô trong đêm, và chỉ quân đội của chúng tôi mới có thể đảm bảo an toàn cho những chuyến đi như vậy. Tôi hứa với Đức Kim Thượng sẽ thông báo ngay mong muốn của Ngài cho các nhà chức trách quân sự cấp cao của chúng tôi, những người sẽ làm mọi điều cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến đi tới Huế của những nhân vật này.

2. Nội Các Phạm Quỳnh từ chức và Đức Kim Thượng Bảo Đại tham khảo ý kiến của các nhân vật chính trị

2.1. Nội các Phạm Quỳnh từ chức

Sắc lệnh Đế quốc tuyên cáo ba chỉ thị Cải cách Chính trị nêu trên đã được ký và chính thức ban hành vào ngày 19 tháng 3. Cùng ngày, nội các Phạm Quỳnh đã xin từ chức tập thể. Đức Kim Thượng chấp thuận đề nghị này và yêu cầu mỗi Thượng thư tiếp tục giải quyết các công việc hiện tại trong khi đợi tân Nội các thành lập. Ngài Phạm Quỳnh nhờ tôi công bố Sắc lệnh Đế quốc (số 3) rộng rãi trên cả nước và chuyển điện báo tới các lãnh đạo tỉnh những mệnh lệnh khẩn cấp liên quan tới việc Ngài từ chức, khích lệ họ bình tĩnh trong khó khăn và luôn luôn trung thành với Đức Kim Thượng Hoàng Đế.

Sắc lệnh Đế quốc này gây xôn xao dư luận An Nam: rất nhiều lời đồn đại  về Chính phủ tương lai nhanh chóng lan rộng khắp cả nước.

Ngay lập tức, Đức Kim Thượng đích thân tiến hành quá trình tham khảo ý kiến cần thiết để thành lập tân Chính phủ, trước tiên là từ các nhân vật chính trị tại Huế như Ngài Thái Văn Toản, Ngô Đình Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, v.v… Những người sống ở xa thì đến nơi rất muộn: Trần Đình Nam từ Đà Nẵng vào ngày 30 tháng 3, bốn nhân vật khác từ Hà Nội vào ngày 2 tháng 4, và ông Trần Trọng Kim trở về từ Bangkok vào ngày 6 tháng 4. Ông Ngô Đình Diệm ở gần Sài Gòn nhưng chưa bao giờ chịu đến Huế để tham vấn chính sách.

2.2. Đề xuất chính trị của các nhân vật được tham khảo ý kiến

Vì những cuộc tham vấn này của Đức Kim Thượng Bảo Đại chỉ mang tính chất chính trị đối nội, nên tôi đã giữ khoảng cách với tất cả các cuộc trao đổi với những nhân vật được triệu tập. Tuy nhiên, từng người trong số họ đã cập nhật cho tôi biết nội dung trao đổi khi họ yết kiến Đức Kim Thượng. Qua đó, tôi được biết rằng các nhân vật này đều khuyên Đức Kim Thượng nên triệu tập ông Ngô Đình Diệm – một người rõ ràng là rất có uy tín – để thành lập một chính phủ liên hiệp quốc gia tập hợp được tất cả các đảng phái chính trị. Đặc biệt, họ đề xuất áp dụng chế độ quân chủ lập hiến dân chủ cho Đế quốc mới, bởi theo họ, đó là chế độ phù hợp nhất với tinh thần của dân tộc An Nam. Vì thế, họ nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành khẩn cấp các cuộc tổng tuyển cử nhằm tập hợp một Quốc hội và chuẩn bị đệ trình một bản Hiến pháp mới để Quốc hội này thông qua càng sớm càng tốt. Đồng thời, họ cũng đặt vấn đề khôi phục chủ quyền lãnh thổ của Đế quốc An Nam tại Nam Kỳ và ba thành phố “nhượng địa” của thực dân Pháp (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng), cử một đại biểu Đế quốc tại Bắc Kỳ để thay thế Thống sứ ở Hà Nội, và đặt dưới quyền của Chính phủ An Nam các Tổng nha Chuyên môn mà từ trước đến nay vẫn do Phủ Toàn Quyền Đông Dương nắm toàn quyền kiểm soát.

Tôi cho rằng các vấn đề này hoàn toàn đi ngược lại chính sách giữ nguyên hiện trạng của giới chức quân sự Nhật. Nhưng ngay khi ba nguyên tắc chính trị cơ bản của Nhà nước mới được công bố, tất cả những vấn đề này sớm hay muộn cũng sẽ được đặt ra. Tôi không có cách nào để ngăn chặn các sự kiện đang diễn ra nhanh chóng này. Tôi đành phải chấp nhận yêu cầu của Đức Kim Thượng Hoàng Đế với sự nhất trí ủng hộ của tất cả các nhân vật đề cập ở trên. Với vai trò là cơ quan liên lạc, tôi không có cách nào khác là chuyển tới Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhật Bản những yêu cầu đó.

3. Những khó khăn trong việc thành lập tân Nội các

3.1. Lựa chọn ông Ngô Đình Diệm

Đức Kim Thượng Bảo Đại đã triệu tập tôi tới Triều đình vào sáng ngày 4 tháng 4 và cập nhật cho tôi kết quả các buổi tham vấn. Đức Kim Thượng yêu cầu tôi chuyển ngay tới ông Ngô Đình Diệm ý định của Ngài là thành lập Chính phủ Liên hiệp Quốc gia mà ông Diệm sẽ được chỉ định làm Nội các Tổng trưởng. Đức Kim Thượng cũng đề nghị tôi gửi điện báo tới Tổng đốc Phan Thiết, khẩn cầu ông ta tới gặp ông Diệm tại Sài Gòn để giúp ông Diệm quyết định đồng ý đảm nhận nhiệm vụ nặng nề này. Đức Kim Thượng giải thích với tôi rằng tất cả những người được hỏi ý kiến đều có quan điểm thống nhất rằng Diệm là người duy nhất có khả năng giải quyết tình hình nghiêm trọng hiện nay và xây dựng được một Liên hiệp Quốc gia bằng cách tập hợp tất cả các đảng phái chính trị xung quanh ông ta. Đức Kim Thượng nói với tôi rằng, trong hoàn cảnh này, Ngài sẵn sàng từ bỏ ý định ban đầu của mình về việc sẽ đích thân đảm nhận trách nhiệm điều hành đất nước. Có vẻ như Đức Kim Thượng cho rằng sẽ không thể xây dựng Liên hiệp Quốc gia nếu Ngài đích thân đứng đầu phong trào này. Đó là lý do mà Đức Kim Thượng nóng lòng muốn đưa ông Ngô Đình Diệm đến Huế càng sớm càng tốt.

3.2. Từ chối với lý do sức khoẻ

Tôi đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để các nhà chức trách quân sự có thẩm quyền của chúng tôi cố gắng thuyết phục ông Diệm về sự cần thiết phải chấp nhận đề nghị của Đức Kim Thượng Hoàng Đế. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ đợi, chỉ đến tối hôm 12 tháng 4 tôi mới nhận được điện báo trả lời rằng ông Diệm từ chối lời đề nghị của Đức Kim Thượng. Ông ta nói rằng cuộc sống lưu vong và ẩn cư trong nhiều tháng khiến ông rất mệt mỏi, và rằng sức khỏe yếu nói chung không cho phép ông ta đảm nhận các nhiệm vụ nặng nề.

Ngày 13 tháng 4, tôi nhấn mạnh thêm một lần nữa với Bộ Tham mưu về tầm quan trọng của việc ông Diệm chấp nhận yêu cầu mà Đức Kim Thượng Bảo Đại đã bày tỏ, nhằm đáp ứng nguyện vọng của dư luận và xây dựng một Liên hiệp Quốc gia đáng mong đợi từ mọi góc độ. Nhưng ông Diệm vẫn kiên quyết từ chối.

3.3. Lý do bí mật đằng sau lời từ chối này

Sau này, khi đến Sài Gòn vào đầu tháng 5, tôi mới được biết nguyên do thật sự đằng sau lời từ chối của ông ta:

(i) “Ông Diệm đã thề trung thành với Hoàng thân Cường Để, lưu vong bên Nhật từ bốn mươi năm qua. Chính sách của Nhật là giữ Đức Kim Thượng Bảo Đại trên ngai vàng của An Nam, nên cũng dễ hiểu khi ông ta không thể bỏ rơi Hoàng thân để phục vụ Hoàng Đế – người mà ông ta cho rằng quá thân Pháp”.

(ii) “Ông Diệm tin chắc rằng Liên hiệp Quốc gia sẽ không thể thành hiện thực nếu không sớm giành lại được chủ quyền lãnh thổ của An Nam đối với Nam Kỳ và ba thành phố nhượng địa của Pháp, đồng thời cũng cần phải bãi bỏ Phủ Toàn Quyền để củng cố nền độc lập của Đế quốc. Tuy nhiên, Quân đội Nhật Bản tại thời điểm này có vẻ phản đối những thay đổi như vậy”.

Có vẻ như giới chức quân sự có thẩm quyền phía chúng tôi đã làm mọi cách để ông ta hiểu rằng lợi ích Quốc gia phải đứng trên các cảm xúc cá nhân, và rằng một khi lên nắm quyền thì ông ta sẽ xây dựng được Liên hiệp Quốc gia và củng cố nền độc lập, mọi việc khác sau đó sẽ tự nhiên được giải quyết. Nhưng Ngô Đình Diệm là một người cố chấp, ông ta chưa bao giờ chịu từ bỏ các nguyên tắc của mình.

4. Thành lập Nội các Trần Trọng Kim

Sáng ngày 13 tháng 4, Đức Kim Thượng Bảo Đại trước tiên bày tỏ với tôi rằng Ngài rất mong muốn được thấy ông Ngô Đình Diệm đồng ý đảm nhiệm vị trí Nội các Tổng trưởng, vì đất nước không thể kéo dài quá lâu tình trạng thiếu một Chính phủ mới đủ vững mạnh và có khả năng xử lý tình hình mới; rằng nếu ông Diệm tiếp tục cố chấp từ chối, Đức Kim Thượng sẽ buộc phải xem xét một phương án khác cho tân Chính phủ. Để chuẩn bị cho tình huống thứ hai, Đức Kim Thượng đã tiếp cận ông Trần Trọng Kim, người được tiến cử làm ứng cử viên số hai. Ông Kim sẽ nhận nhiệm vụ nặng nề này để tránh kéo dài tình trạng chính trị bất ổn. Đủ loại tin đồn đã bắt đầu lan đi khắp cả nước, cho thấy sự sốt ruột của dân chúng và sự e ngại của quan lại các tỉnh – những người thiếu kiên quyết trong quản lý hành chính và lo sợ các thay đổi chính trị sẽ gây bất lợi cho mình.

Khi tôi đến gặp Đức Kim Thượng vào lúc 16 giờ, ngày 16 tháng 4 để xác nhận với Ngài rằng ông Diệm vẫn cương quyết từ chối, Đức Kim Thượng đã nói ngay với tôi về một dự thảo Sắc lệnh Đế quốc liên quan đến việc thành lập tân Nội các do ông Trần Trọng Kim đứng đầu. Đức Kim Thượng đã ngay lập tức triệu tập ông Kim và Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, người đưa tôi danh sách đầy đủ các tân Bộ trưởng sau khi đã được Hoàng Đế phê duyệt lần cuối. Khi tôi hỏi họ liệu tất cả các ứng viên này đã được hỏi ý kiến hoặc đã nhận lời hay chưa, thì ông ta trả lời rằng một số người đã đồng ý, một số khác thì chưa, nhưng những người đó vẫn phải tuân theo mệnh lệnh của Hoàng Đế mà không được bàn cãi, tránh chậm trễ trong việc đưa ra giải pháp [cho tình hình hiện tại].

Hôm sau, ngày 17 tháng 4, Sắc lệnh số 5 đã được ban hành và công bố với danh sách các tân Bộ trưởng sau:

Nội các Tổng trưởng:              Ngài Trần Trọng Kim (Nhà giáo, nhà sử học)

Bộ trưởng Nội vụ:                    Bác sĩ Trần Đình Nam

Bộ trưởng Ngoại giao:             Luật sư Trần Văn Chương

Bộ trưởng Tài chính:               Luật sư Vũ Văn Hiền

Bộ trưởng Kinh tế:                   Bác sĩ Hồ Tá Khanh

Bộ trưởng Tiếp tế:                   Nguyễn Hữu Thí (Y sĩ, Thương gia)

Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật: Hoàng Xuân Hãn (Giáo sư toán học)

Bộ trưởng Tư pháp:                Luật sư Trịnh Đình Thảo

Bộ trưởng Công chính:            Lưu Văn Lang (Kỹ sư bách nghệ)

Bộ trưởng Y tế và Cứu tế:       Bác sĩ Vũ Ngọc Anh

Bộ trưởng Thanh niên:            Luật sư Phan Anh

Tất cả các vị này đều nhanh chóng nhận lời và đến Huế để nhận các chức vụ cấp cao của họ. Những người từ Sài Gòn cũng đều đến từ trước cuối tháng 4, duy chỉ có ông Lưu Văn Lang là khước từ đề nghị của Đức Kim Thượng với lý do tuổi cao sức yếu, không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nội các Trần Trọng Kim, ngày 8/5/1945 (Nguồn: báo Trung Bắc Chủ Nhật số 246, ngày 27/5/1945)

C. Thái độ của “những người vắng mặt”

“Những người vắng mặt” ở đây là các nhân vật chính trị người An Nam từng thân Nhật nhưng lại không tham gia vào các hoạt động của chính phủ từ sau ngày 9 tháng 3. Như tôi đã đề cập về trường hợp ông Ngô Đình Diệm, lời giải thích của tôi về thái độ của ông ta cũng là manh mối giúp chúng ta hiểu hơn về thái độ của những người khác trong hoàn cảnh tương tự. Tôi sẽ phân tích thêm dưới đây để làm sáng tỏ các lý do khiến họ cáo lui và những hành động họ có thể thực hiện trong tương lai.

1. Hoàng thân Cường Để có thể trở lại

Đa số những người vắng mặt đều không đích thân quen biết Hoàng thân Cường Để, người đã sống lưu vong tại Nhật trong suốt hơn 40 năm qua. Tuy nhiên, họ coi Ngài như một biểu tượng thiêng liêng cho việc thống nhất tất cả các phong trào dân tộc chủ nghĩa để hướng tới độc lập. Họ hy vọng rằng khi nền bảo hộ của Pháp bị bãi bỏ, Hoàng thân sẽ quay trở về quê hương để bước lên ngai vàng An Nam thay cho Đức Kim Thượng Bảo Đại, người mà theo họ là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác với Pháp. Sau ngày 9 tháng 3, nhiều người thất vọng khi kỳ vọng đó không được thực hiện ngay lập tức; một số khác thậm chí còn chỉ trích Chính quyền Nhật Bản đã không đáp ứng mong muốn của họ là được tập hợp xung quanh biểu tượng sống về chủ nghĩa dân tộc của An Nam này. Họ ngạc nhiên khi Hoàng đế Bảo Đại vẫn tại vị dưới sự hậu thuẫn của Quân đội Nhật Bản, trong khi người họ tôn sùng là Hoàng thân Cường Để còn đang ở Nhật Bản, thay vì được đưa trở về Đông Dương để bù đắp cho sự kiên trung của ông với sự nghiệp độc lập dân tộc. Đối với họ, đó là một nỗi bất công mà họ không tài nào hiểu nổi tại sao. Nhiều người trong số họ đã lấy đó làm lý do để cáo lui, không tham gia vào điều hành đất nước.

Đức Kim Thượng Bảo Đại không hề phớt lờ cảm xúc của những nhà hoạt động dân tộc chủ nghĩa này đối với vị Hoàng thân lưu vong. Ngay từ những giây phút đầu tiên trong mối quan hệ chính thức giữa hai chúng tôi, Đức Kim Thượng đã bày tỏ với tôi mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho Hoàng thân quay trở về Huế và dành cho ông một sự tiếp đón trịnh trọng, tương xứng với vị thế và với quá khứ của Hoàng thân. Từ góc độ chính trị đối nội, đó là một hành động rất quan trọng mà Đức Kim Thượng muốn thực hiện; đồng thời cũng là một nghĩa cử hữu hảo, công tâm và tin tưởng đối với vị Hoàng thân mà từng bị coi là đối thủ nguy hiểm nhất của Ngài. Tôi không quên chuyển ý kiến này tới Tướng Tsuchihashi.[2] Mặt khác, ngay tại Nhật, một số chính khách và vài thành viên Hội Rồng Đen có thiện cảm mạnh mẽ với Hoàng thân Cường Để. Họ mong Hoàng thân sớm được trở về quê hương sau ngày 9 tháng 3. Nhưng các nhà chức trách quân sự cấp cao, những người luôn muốn hạn chế hết mức có thể việc thay đổi hiện trạng chính trị tại Đông Dương, lại không muốn vị Hoàng thân gây phiền hà cho chính quyền của Đức Kim Thượng Bảo Đại vì chính quyền này đã đồng ý hợp tác với Nhật Bản.

Các cơ quan quân sự tại Hà Nội và Tokyo đã nhanh chóng làm mọi thứ cần thiết để xây dựng được sự thấu hiểu trọn vẹn giữa Đức Kim Thượng Bảo Đại và Hoàng thân Cường Để nhằm tránh mọi hiểu lầm khi Hoàng thân về nước. Khi Ngài Trần Trọng Kim viếng thăm Tướng Tsuchihashi lần cuối tại Hà Nội, hai bên đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề này. Trong buổi yết kiến đầu tiên của tôi sau khi từ Hà Nội về (Huế), Đức Kim Thượng Bảo Đại đã bày tỏ với tôi sự mãn nguyện của Ngài về thỏa thuận đó và đề nghị tôi cùng Tổng trưởng Trần Trọng Kim xem xét cơ hội công bố một thông cáo chính thức về vấn đề này, nhằm trấn an tinh thần của một số người ủng hộ Cường Để. Giới chức Quân sự tại Hà nội dù nhận thức được lợi ích của một thông cáo như vậy nhưng đã yêu cầu tôi đề xuất với Chính phủ Đế quốc Việt Nam phải thận trọng và hạn chế đưa ra thông cáo cho đến khi có điện báo rằng Hoàng thân đã chính thức rời khỏi Nhật Bản.

Trên thực tế, vị Hoàng thân ngoài 60 tuổi đã không thể nhanh chóng di chuyển từ nơi ở của mình tại thành phố Sendai thuộc phía Bắc Nhật Bản để tới Tokyo, nơi chuyến bay hồi hương của ông đã được chuẩn bị; và việc chiến tranh kết thúc trước khi ông kịp rời Nhật Bản đã không cho phép thực hiện kế hoạch đó. Một số người cho rằng nếu ông trở lại Huế sớm hơn, vào tháng 5 chẳng hạn, thì ông đã có thể đảm bảo những người ủng hộ mình hợp tác với Quân đội Nhật Bản, và Việt Minh sẽ không thể giành thắng lợi dễ dàng như họ đã thành công vào tháng 8. Cá nhân tôi rất nghi ngờ về điều đó vì Hoàng thân Cường Để không còn trẻ nữa, và cũng không quen với các hoạt động chính trị hiện đại của đất nước. Tôi tin rằng sau bốn thập kỷ vắng mặt, ông đã bị mất phương hướng trước tất cả những thay đổi của đất nước, khi các điều kiện chính trị, xã hội của dân tộc An Nam đã khác trước rất nhiều. Cuộc nổi dậy mà ông là nhân vật trung tâm và khiến ông phải chạy trốn sang Nhật là một cuộc nổi dậy của chế độ quân chủ, được dẫn dắt bởi tầng lớp lãnh đạo đất nước chống lại Pháp, những kẻ đã áp đặt nền bảo hộ lên họ. Còn bây giờ, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, chính quần chúng nhân dân là những người nổi dậy chống lại các nhà chức trách hiện tại của đất nước với những cáo buộc về chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân. Tôi tin rằng kể cả vị Hoàng thân này có sớm quay về đi chăng nữa thì vẫn khó có thể thay đổi được tình hình, và Việt Minh vẫn sẽ thành công trong hành trình tiến nhanh về phía quyền lực.

2. Yêu sách chủ quyền

Như tôi đã giải thích trong phần Đức Kim Thượng Bảo Đại tổ chức tham vấn chính sách bên trên, tất cả những người được hỏi ý kiến đều nhất trí và tích cực bày tỏ với Đức Kim Thượng về tầm quan trọng của các yêu sách chủ quyền liên quan tới Nam Kỳ và ba thành phố đã nhượng cho Pháp. Có thể nói, đó là ước nguyện chung của tất cả tầng lớp trí thức tại An Nam và Bắc Kỳ. Ngài Phạm Quỳnh đã nói với tôi về điều này ngay từ những cuộc hội đàm đầu tiên sau Tuyên cáo Độc lập, và Đức Kim Thượng Bảo Đại cũng lo ngại về quan điểm của Chính quyền Nhật Bản về vấn đề này. Theo chỉ thị từ các cơ quan cấp cao, tôi thường trả lời với đại ý như sau: “Về nguyên tắc, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền riêng của một nhà nước độc lập, và nhà nước đó có toàn quyền yêu cầu [Pháp] trao trả lại chủ quyền đối với các lãnh thổ từng sở hữu trước đây. Nếu các ông quyết định hủy bỏ các hiệp định Pháp – An Nam liên quan tới việc nhượng lại những lãnh thổ này thì chúng tôi không thể ngăn cản các ông làm điều đó. Tuy nhiên, theo chúng tôi, không có lý do gì phải sốt sắng cả; vì với tình hình hiện tại, quyết định này sẽ gây khó khăn về chính trị và hành chính cho các ông khi phải ôm đồm quá nhiều trách nhiệm cho một khu vực rộng lớn với dân số đông như Nam Kỳ và ba thành phố thuộc Pháp đó. Các ông đã có đủ thứ phải làm ở An Nam và Bắc Kỳ. Khi các ông đã đảm bảo được nền độc lập vững chắc tại hai xứ phía Bắc này và có một chính phủ được tổ chức tốt, việc quản lý hành chính các vùng lãnh thổ khác sẽ trở nên dễ dàng hơn. Quân đội Nhật Bản cũng muốn tránh những thay đổi quá lớn trong lĩnh vực chính trị, khi mà họ vẫn còn quá nhiều việc phải làm để phòng vệ cho đất nước này. Trong trường hợp này, kiên nhẫn là thượng sách”.

Ngài Phạm Quỳnh khuyên Đức Kim Thượng Bảo Đại chờ đợi thêm một thời gian nữa trước khi đưa ra quyết định về vấn đề này. Nhưng Chính phủ Trần Trọng Kim tỏ ra hăng hái và háo hức muốn thấy những yêu sách chủ quyền này thành công. Họ không hài lòng với thái độ nêu trên của giới chức Nhật Bản, và bất chấp những lời giải thích lặp đi lặp lại của tôi, Chính phủ Trần Trọng Kim vẫn nhất quyết giành lại chủ quyền đối với Nam Kỳ và ba thành phố thuộc Pháp càng sớm càng tốt.

Thực ra, chính “những người vắng mặt” là những người đặc biệt bất mãn và từ chối hợp tác với Quân đội Nhật Bản hay tham gia vào chính quyền. Cảm thấy bị đe dọa bởi sự cáo lui của họ, Chính phủ (Việt Nam) đã nhấn mạnh với các nhà chức trách Nhật Bản về sự cần thiết làm rõ quan điểm của họ về vấn đề này. Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Chương đề xuất một giải pháp tạm thời mà theo đó, Chính phủ sẽ tuyên bố bãi bỏ các hiệp ước liên quan và khôi phục chủ quyền của Việt Nam trên các vùng lãnh thổ này, trong khi vẫn để giới chức Nhật Bản nắm quyền quản lý hành chính cho đến khi có lệnh mới nhằm tránh những thay đổi đột ngột.

Trong lúc đó, tại Hà Nội, quan điểm của Tướng Tsuchihashi và các cộng sự quanh ông đã có một chút thay đổi: vì thiếu nhân sự Nhật có khả năng quản lý hành chính dân sự, nên ông ta muốn trao lại càng sớm càng tốt quyền quản lý ba thành phố thuộc Pháp cho các nhà chức trách có thẩm quyền người An Nam theo mức độ quan trọng, ngay khi chính phủ (Việt Nam) hoàn thành công tác chuẩn bị cần thiết. Vấn đề chủ quyền lãnh thổ vẫn tạm thời để ngỏ. Phía Quân đội cần biết liệu An Nam đã thực sự sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm chính trị và hành chính hay chưa; và liệu Chính phủ Đế quốc Việt Nam có thực sự đủ khả năng gánh vác mọi công việc thuộc phận sự của họ hay không.

Như vậy, rõ ràng có sự đối lập giữa hai quan điểm: người Nhật đặc biệt quan tâm đến khía cạnh hiện thực và khả thi của vấn đề, trong khi người An Nam lại nhấn mạnh vào khía cạnh lý tưởng và lý thuyết; một bên tìm kiếm giải pháp tốn thời gian nhưng thực tế, trong khi bên còn lại muốn một sự thu xếp nhanh chóng, dù chỉ trên danh nghĩa. Cần phải tìm kiếm một sự thỏa hiệp để thỏa mãn hai xu hướng đối lập này. Theo đó, Thông cáo của Đức Kim Thượng Bảo Đại đã được ban hành vào ngày 16 tháng 6 năm 1945 với nội dung tóm lược như sau: “Khi tuyên cáo độc lập, chúng ta cũng đồng thời muốn tái thiết lập chủ quyền trên toàn bộ các vùng lãnh thổ cũ. Nhưng hoàn cảnh đã buộc chúng ta phải dần dần giành lại lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình theo từng giai đoạn. Nhân dịp kỷ niệm ngày Thống nhất Đế quốc, ta ra lệnh cho Chính phủ khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị cần thiết để đảm trách việc quản lý hành chính các lãnh thổ cũ của chúng ta, ngoài Trung Kỳ và phần lớn Bắc Kỳ. Ta muốn gửi lời cảm ơn các nhà chức trách Nhật Bản, những người hiện đang tạm thời quản lý những vùng lãnh thổ này; và họ sẽ trao trả lại chủ quyền lãnh thổ cho chúng ta ngay khi Chính phủ chuẩn bị sẵn sàng”.

Tuyên cáo này đã được đa số những người vắng mặt hài lòng đón nhận vì họ hiểu rằng Quân đội Nhật không có ý định cản trở việc thực hiện mong muốn của nhân dân An Nam. Nếu có chậm trễ thì đó là bởi vì các công tác chuẩn bị vẫn chưa được hoàn thành.

Căn cứ vào tinh thần của tuyên cáo đó, giữa tháng 7 năm 1945, Ngài Trần Trọng Kim và Tướng Tsuchihashi đã đạt được một thỏa thuận về việc trao lại quyền quản lý hành chính ba thành phố thuộc Pháp cho Chính phủ An Nam. Các quan chức cấp cao Nhật Bản đã buộc phải đáp ứng mong muốn cháy bỏng của Nội các Tổng trưởng là tuyên bố trao trả ba thành phố này cho Đế quốc Việt Nam trong cùng một ngày thay vì theo ba lần khác nhau. Do đó, bản Sắc lệnh Đế quốc công bố ngày 20 tháng 7 có nội dung tóm lược theo trí nhớ của tôi như sau: “Theo Sắc lệnh Đế quốc ngày 16 tháng 6 vừa qua, vì mọi công việc chuẩn bị cần thiết đã được hoàn tất, nay chúng tôi xin tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của ba thành phố đã nhượng lại cho Pháp sẽ được trả về với Đế quốc An Nam kể từ ngày hôm nay. Các luật lệ và quy định tại những thành phố này sẽ được giữ nguyên cho đến khi có lệnh mới, trừ những điều khoản không tương thích với chủ quyền của Đế quốc Việt Nam. Chính phủ Đế quốc Việt Nam sẽ bổ nhiệm các thị trưởng chịu trách nhiệm quản lý hành chính những thành phố này, và quyền hạn của họ sẽ được mở rộng ra khu vực ngoại vi thành phố. Thị trưởng Đà Nẵng sẽ thuộc thẩm quyền trực tiếp của Bộ trưởng Nội vụ; còn Thị trưởng Hà Nội và Hải Phòng sẽ thuộc thẩm quyền của Khâm Sai tại Bắc Kỳ”.

Vào trưa cùng ngày, một buổi lễ đơn giản được tổ chức tại ba thành phố, và sau khi quan chức hai nước có đôi lời phát biểu theo thông lệ, Chính quyền Nhật Bản đã bàn giao toàn bộ giấy tờ hành chính cho Chính quyền An Nam.

Tình hình ở Nam Kỳ phức tạp hơn. Chỉ riêng việc chọn Khâm Sai của xứ này đã vô cùng khó khăn, và việc lựa chọn Thị trưởng cho khu Sài Gòn – Chợ Lớn cũng không kém phần gay go. Các nhà chức trách Nhật Bản không hề vội vàng, nhưng Chính phủ Việt Nam thì đã rất sốt ruột. Chính phủ đã quyết định cử một phái bộ đặc biệt tới Sài Gòn để chuẩn bị tại chỗ quá trình chuyển giao quyền hành chính tại Nam Kỳ. Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Chương dẫn đầu phái đoàn này, và ông Nguyễn Văn Sâm được tiến cử làm ứng viên cho vị trí Khâm Sai tại Nam Kỳ. Cho tới sát ngày 15 tháng 8, kế hoạch này vẫn chưa được triển khai.

Ngay khi biết khả năng chiến tranh sẽ chấm dứt, Chính phủ Việt Nam đã gấp rút bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Sâm làm Khâm Sai tại Nam Kỳ. Ông này rời Huế hôm 18 tháng 8 bằng ô tô, nhưng các cuộc khởi nghĩa của Việt Minh đã làm chuyến đi vào miền Nam của ông bị chậm lại. Khi ông ta tới Sài Gòn thì tình hình đã thay đổi, và ông ta không thể làm gì được nữa.■ (Hết)

Đặng Quốc Long, Phạm Khánh Linh dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

[1] Tên gọi Singapore dưới thời Đế quốc Nhật đô hộ (ND).

[2] Chỉ huy trưởng Quân đội Nhật tại Đông Dương (ND)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN