Sự kiện Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945 qua Hồi ký Đại sứ Nhật Masayuki Yokoyama (Kỳ 1)

Masayuki Yokoyama là một nhà ngoại giao Nhật Bản. Trong Thế chiến II, ông đóng vai trò là cố vấn kinh tế của Đại sứ Nhật tại Đông Dương, và là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nhật ở Sài Gòn. Sau khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3 năm 1945, ông trở thành đầu mối liên hệ giữa Chính phủ Nhật và chính phủ mới của Hoàng đế Bảo Đại, với chức danh là Khâm sứ tạm thời và Cố vấn cho Chính phủ An Nam. 

Chứa đựng nhiều thông tin tư liệu quý giá, hồi ký của Yokoyama về cuộc đảo chính Tháng 3 năm 1945 và các sự kiện quanh đó được lưu tại Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại ở Aix-en-Provence, Pháp. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn trong cuốn hồi ký. Ngôn từ và nội dung trong trích đoạn này thể hiện quan điểm của tác giả, chúng tôi tôn trọng và giữ nguyên để độc giả tham khảo.

***

BỐI CẢNH VIỆT NAM TRƯỚC SỰ KIỆN NHẬT ĐẢO CHÍNH PHÁP NGÀY 9-3-1945

I. Chính sách chung của Nhật tại Đông Dương

A. Các mục đích và đặc điểm của chính sách này

Từ khi Ngài Yoshizawa thiết lập Phái bộ Dân sự và Ngoại giao, các nét chủ đạo trong chính sách của Ngài là: thứ nhất, tôn trọng chủ quyền của Pháp trên toàn cõi Đông Dương và giữ nguyên hiện trạng của bộ máy hành chính Pháp; thứ hai, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Đông Dương và Nhật Bản trên cơ sở các hiệp ước và hiệp định Pháp – Nhật. Việc tiếp nối chính sách này là đơn giản và dễ dàng bởi Phủ Toàn Quyền Đông Dương đã chấp thuận hợp tác với Chính phủ Nhật, và việc thay đổi chính sách sẽ chẳng đem lại bất cứ lợi ích hoặc lợi thế nào cho Nhật. Cũng hoàn toàn vô lý và thậm chí ngu xuẩn nếu Nhật phá hoại trật tự và sự bình yên đang được duy trì ở đất nước này. Với những điều kiện thuận lợi đó, Đông Dương đang giúp đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô cần thiết cho các ngành công nghiệp cũng như nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu cho dân Nhật. Hơn nữa, Đông Dương còn là một đầu ra quan trọng cho ngoại thương của Nhật Bản trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt và mở rộng quy mô đang khiến nhiều khu vực khác khó có thể đóng vai trò cung ứng hay là thị trường xuất khẩu cho Nhật. Nhật Bản đã cạn kiệt nguồn lực khi gia tăng nỗ lực chiến tranh tại những khu vực rộng lớn và xa Mẫu quốc, nên Nhật thiếu các điều kiện nhân lực và vật lực để có thể thay đổi tổ chức chính trị và hành chính Pháp tại Đông Dương. Vì thế, mục tiêu quan trọng hàng đầu đối với Ngài Đại sứ là giữ nguyên hiện trạng ở đất nước này bằng mọi giá, trừ khi có sự thay đổi nội tại và cơ bản từ phía chính quyền thuộc địa.

Ông Masayuki Yokoyama, tác giả cuốn hồi ký (Ảnh tư liệu)

B. Thái độ của Đông Dương đối với chính sách này

Phủ Toàn Quyền Đông Dương, dưới sự chỉ đạo của Đô đốc Decoux và các cộng sự, trung thành với Chính phủ tại mẫu quốc của Thống chế Pétain, đã giữ thái độ rất đúng đắn đối với Nhật Bản và duy trì chính sách hợp tác. Thái độ đó của họ hoàn toàn dễ hiểu vì đó là lựa chọn duy nhất chấp nhận được và khả thi trong bối cảnh như vậy. Đó là quyết định hợp lý dựa trên những đánh giá thực tiễn về vị trí xa xôi của thuộc địa này, bị chia cắt liên lạc với mẫu quốc và ngày càng bị bao vây bởi các lực lượng quân sự Nhật Bản đang thắng thế. Đông Dương do đó phải dựa vào Nhật, giải pháp duy nhất cho vấn đề ngoại thương, để tìm kiếm đầu ra cho các tài nguyên thiên nhiên và tìm mua các nguồn thực phẩm cần thiết cho dân chúng. Ngoài ra, Đông Dương cũng phải tránh xung đột vũ trang với các đối thủ mạnh hơn bằng mọi giá. Xung đột là vô cùng nguy hiểm bởi Đông Dương nghèo túng và quá xa với các đồng minh từ thế giới bên ngoài.

Vì vậy, đối với cả Nhật Bản và Đông Dương thì việc duy trì quan hệ hữu nghị về mặt chính trị và phát triển quan hệ tương hỗ về kinh tế trở thành hai nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của họ ở giai đoạn này.

C. Các lợi ích chung giữa hai nước trong tương lai

Mặt khác, từ góc nhìn ngoại giao và quốc tế, các Phái bộ Dân sự của Chính phủ Nhật, đặc biệt là Phái bộ Dân sự Nhật tại Đông Dương, đều khẳng định quan điểm chiến tranh Đông Á là một cuộc chiến mà Nhật ở trong tình thế bắt buộc phải tham gia chống lại hai quốc gia nói tiếng Anh để tự giải phóng mình khỏi sự vây hãm ngày càng siết chặt. Không bao giờ có chuyện đây là cuộc chiến chủng tộc giữa người Châu Á với các chủng tộc khác trên thế giới.

Đứng trước cuộc chiến này tại Châu Á, người Pháp có quan điểm rất khác nhau, dẫn đến việc chia ra hai phe. Giới chức Pháp tại Đông Dương cũng như Chính phủ Pháp do Pétain lãnh đạo ở Mẫu quốc chấp thuận sự hợp tác chân thành với Nhật trong lĩnh vực kinh tế; còn Nhật Bản quyết định tránh xung đột với Pháp bằng mọi giá. Giới chức dân sự Nhật Bản tin rằng quan hệ hữu hảo giữa hai quốc gia sẽ góp phần nâng cao vị thế của cả hai bên trong quan hệ quốc tế những năm tiếp theo. Giới chức dân sự Pháp tại Đông Dương dường như cũng chia sẻ quan điểm như vậy, rằng bất luận kết cục của cuộc chiến này như thế nào, Đông Dương không thể tồn tại nếu xa cách tách biệt với cộng đồng kinh tế tại châu Á. Lợi ích của hai quốc gia liên hệ mật thiết không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn.

II. Hành động của Nhật tại An Nam

A. Các đơn vị phụ trách hành động

1. Theo các quy định và tập quán có hiệu lực từ lâu, toàn bộ nhân sự của các đơn vị ngoại giao và lãnh sự Nhật ở nước ngoài phải nghiên cứu mọi thứ liên quan tới tình hình chính sách đối nội của mỗi quốc gia đó, tùy theo trách nhiệm, năng lực và thẩm quyền của mình. Mỗi nhân sự phải đều đặn nộp kết quả nghiên cứu cá nhân cho từng lãnh sự và rồi người đó sẽ làm một bản báo cáo tổng hợp để chuyển đến Trưởng Phái bộ Ngoại giao (Đại sứ hoặc Công sứ). Tiếp theo, Trưởng đơn vị ngoại giao tiếp tục tập hợp các bản báo cáo tổng hợp đó và soạn thành một bản báo cáo chi tiết nhất có thể về tình hình chính sách đối nội. Bản báo cáo chi tiết này sẽ được gửi đến Chính phủ để cung cấp thông tin và sẽ được dùng để cân nhắc khi quyết định thái độ hoặc bước đi phù hợp đối với quốc gia đó. Ở Đông Dương, hệ thống như vậy đã được áp dụng từ đầu nhiệm kỳ của Ngài Yoshizawa, và riêng ở An Nam thì Tổng lãnh sự tại Huế là người nghiên cứu tất cả các vấn đề liên quan đến tình hình chính trị của xứ bảo hộ.

2. Lãnh sự quán này được mở cửa từ đầu năm 1942, đứng đầu là Lãnh sự Kawamo, kế nhiệm sau đó bởi Lãnh sự Urabe vào khoảng tháng 7 năm 1944. Ngoài hai vị trên, chỉ có ba Trợ lý Lãnh sự tại vị cho đến khi Lãnh sự quán đóng cửa vào cuối tháng 8 năm ngoái. Ngoài ra còn có hai hoặc ba thông dịch viên và nhân viên đánh máy người An Nam giúp dịch các tờ báo và thư từ tiếng An Nam sang tiếng Pháp. Như vậy, đây chỉ là một tổ chức nhỏ và yếu, nhưng lại phải xử lý hết một khối lượng công việc không ngừng gia tăng sau khi có sự hiện diện của các biệt đội quân sự và thường dân người Nhật. Vì lý do đó, các báo cáo của Lãnh sự quán này chưa bao giờ có chất lượng tương xứng với tình hình chính trị quan trọng của An Nam trong liên bang Đông Dương. Phái bộ Nhật Bản nhận thấy khiếm khuyết này nên đã đề xuất với Chính phủ về việc tăng nhân sự cho Lãnh sự quán. Tuy nhiên, điều này không trở thành hiện thực vì Lãnh sự quán không được cấp bổ sung các khoản ngân sách cần thiết. Nhân sự của Lãnh sự quán đành phải hài lòng với nguồn lực thiếu thốn. Để bổ sung các thông tin từ báo chí địa phương hoặc các tài liệu và số liệu thống kê do Tòa Khâm sứ cung cấp, họ phải có quan hệ cá nhân với những người thông tỏ các vấn đề chính trị, kinh tế, tài chính, xã hội của đất nước. Nhưng tình hình ở Huế hoàn toàn trái ngược với Hà Nội hay Sài Gòn, nhà chức trách Pháp có vẻ rất thận trọng đối với người Nhật. Các nhân vật quan trọng người Pháp và người An Nam thường tránh mọi mối quan hệ cá nhân với Lãnh sự quán Nhật và hiếm khi lui tới đó, chỉ trừ khi được mời dự các cuộc họp chính thức.

3. Điều này đã dẫn tới một tình trạng kỳ lạ: Những người An Nam bị chính quyền địa phương không ưa vì họ có xu hướng dân tộc chủ nghĩa hoặc chống Pháp thì lại có cảm tình với Lãnh sự quán Nhật. Do đó, Lãnh sự quán chỉ có thể nghiên cứu một chiều về tình hình An Nam, khát vọng của người dân, thái độ của Triều đình hoặc Chính quyền Pháp,v… Nhân sự của Lãnh sự quán dần dần trở nên có cảm tình với một số người An Nam mở lòng với họ, đồng thời hoài nghi những người Pháp có thái độ xa lánh. Tuy nhiên, theo các quy định nghiêm khắc của chính quyền cấp trên như được đề cập dưới đây, Lãnh sự quán tuyệt đối tránh can dự vào nội chính của quốc gia này.

4. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi chưa bao giờ nghe nói đến các hoạt động điều tra và dò xét do Quân đội, Hải quân hoặc Đội Hiến binh thực hiện. Phái bộ Nhật Bản nhận định rằng các tổ chức này khá tầm thường. Tất cả các giới chức quân sự này đều bận rộn với các kế hoạch chiến lược của họ. Dẫu họ có một nhân sự từ Bộ Tham mưu được đào tạo tốt với nhiều kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch và triển khai, nhưng họ không hề được tổ chức để thực hiện các hoạt động như thế, và họ cũng không quen việc này bằng giới chức dân sự. Vả lại, họ cũng không che giấu điều đó. Mỗi khi cần thông tin để trả lời các câu hỏi của lãnh đạo hoặc để thực hiện một số mệnh lệnh của Chỉ huy cấp trên, các giới chức quân sự này thường sẽ tham vấn nhân sự có thẩm quyền tại đơn vị lãnh sự của chúng tôi với tư cách cá nhân hoặc chính thức. Đơn cử như Đội Hiến binh Nhật ở Huế thường hay tham vấn các Trợ lý Lãnh sự tại Lãnh sự quán mặc dù hiểu biết của những người này không phải là toàn diện. Thông qua họ, Đội Hiến binh sẽ tiếp xúc trực tiếp với những người An Nam có thể cung cấp những thông tin có lợi. Và để đạt được mục đích, một mặt, Đội Hiến binh không bao giờ ngần ngại khơi dậy tinh thần dân tộc của những viên chức hèn mọn đó và mặt khác, sẽ uy hiếp họ bằng cách đánh giá họ như những kẻ phản bội nếu họ từ chối hợp tác. Trước thái độ vừa đấm vừa xoa với liều lượng khéo léo như vậy, làm sao mà những con người bất hạnh đó có thể từ chối cung cấp tin tức ít nhiều được tô điểm thêm dựa trên những thông tin sẵn có. Đội Hiến binh sử dụng họ như những nguồn tin riêng mà giới chức cấp cao của Phái bộ Dân sự không hề biết.

Ngoài những việc đề cập ở trên, tôi chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của đơn vị bí mật nào do giới chức dân sự hay quân đội tổ chức.

B. Hành động với Triều đình Huế và các nhân vật cấp cao ở An Nam

Luôn trung thành với các chính sách cơ bản, những viên chức cấp cao của Phái bộ Nhật không bao giờ thiết lập quan hệ bất kể là xã giao hay thân tình với Triều đình hay các nhân vật cấp cao tại Huế. Có thể nói hai bên thậm chí còn không có quan hệ chính thức bởi họ chưa hề tìm cơ hội gặp gỡ dù chỉ một lần. Do vậy, cá nhân tôi chưa bao giờ có vinh dự được diện kiến Hoàng đế Bảo Đại trước lần yết kiến ngày 10 tháng 3 mới đây mà tôi sẽ đề cập chi tiết trong chương III.

Tôi đến Huế lần đầu ngày 31 tháng 12 năm 1943 trong một chuyến đi ba ngày cùng vợ tôi. Hoàng đế Bảo Đại khi đó đang đi săn và chúng tôi có vinh hạnh được yết kiến riêng với Hoàng hậu qua sự giới thiệu của Ngài Đại sứ Grandjean tại Tòa Khâm sứ An Nam.

Nhân chuyến đi đó, tôi đã ngỏ lời nhờ Ngài Đại sứ Grandjean giới thiệu tôi với Ngài Phạm Quỳnh, người mà tôi thường xuyên được nghe nhắc tới như một triết gia và nhà nho lớn có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Pháp. Nhờ đó, ngày 2 tháng 1 năm 1944, tôi được gặp Ngài trong gần 45 phút tại văn phòng Bộ Nội vụ của Ngài. Tôi đã thực hiện chuyến thăm đặc biệt này với vai trò là Chủ tịch Viện Văn hóa. Chúng tôi tập trung trao đổi về tầm quan trọng của việc bảo tồn truyền thống văn hóa phương Đông và việc vận dụng văn hóa hiện đại phương Tây để thúc đẩy tiến bộ cho các dân tộc châu Á. Tôi rất mừng vì buổi nói chuyện đó đã cho tôi thấy sự cao quý của nhà nho này. Chúng tôi còn chưa nói chuyện chính trị trong buổi đó. Phải đến sau ngày 9 tháng 3 tôi mới được biết quan điểm chính trị của Ngài, điều mà tôi sẽ diễn giải trung thực nhất có thể trong Chương III dưới đây.

Đối với các vị Bộ trưởng khác và các nhân vật quan trọng người An Nam khác tại Huế thì tôi chưa bao giờ có cơ hội gặp gỡ, tôi không có nhu cầu cũng như thời gian để tìm kiếm họ. Lãnh sự Urabe đã gặp họ nhưng chỉ trong bối cảnh chính thức và mối quan hệ giữa họ không có tính chất chính trị nào.

Tại Hà Nội, tôi đã thường xuyên gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng người An Nam nhưng tương tự, các mối quan hệ đó chỉ dừng lại ở mức xã giao qua loa và không gì hơn ngoài khung cảnh ăn chơi của xã hội thượng lưu. Các buổi họp của Ủy ban Quan hệ Tri thức Pháp – Nhật diễn ra khá thường xuyên, trong đó có một số thành viên người An Nam thường hay lui tới. Có thể ghi nhận những gương mặt quen thuộc như các Quý Ngài Hoàng Trọng Phu, Trần Văn Thông, Phạm Lê Bổng, Tiến sĩ luật Trần Văn Chương cùng một vài nhà báo và một số thành viên từ Viện Viễn Đông Bác Cổ. Nhưng các vị này luôn cực kỳ ý tứ, chỉ trao đổi với chúng tôi về các vấn đề tri thức, văn hóa hoặc cùng lắm là kinh tế chứ tuyệt nhiên không bao giờ đề cập chuyện chính trị thời sự.

Tóm lại, sự thực là Nhật Bản bốn năm vừa qua không hề có hành động chính trị nào với Hoàng Đế, Bộ trưởng hoặc các nhân vật quan trọng xung quanh họ. Như vậy, Nhật Bản đã tuân thủ nghiêm ngặt chính sách không can thiệp vào các công việc nội bộ của Đông Dương thuộc Pháp. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là chúng tôi hoàn toàn bỏ qua các nghiên cứu về khát vọng và xu hướng chính trị của họ, v.v… Những nghiên cứu này được các cơ quan lãnh sự của chúng tôi thực hiện tốt nhất có thể như đã nêu ở trên.

C. Hành động với những người An Nam khác

Như đã giải thích ở trên, với vai trò là nhà chức trách dân sự và ngoại giao, chúng tôi không thực hiện hành động nào đối với các nhân vật quan trọng người An Nam tại Huế. Hơn thế nữa, chúng tôi còn không có bất cứ hành động chính trị nào với các giới quan lại địa phương ở Bắc Kỳ hoặc Trung Kỳ.

Tuy nhiên, tôi được biết một số viên chức cấp dưới của Phái bộ Nhật Bản và thường dân người Nhật có quan hệ cá nhân với một vài người An Nam theo chủ nghĩa dân tộc để phục vụ nhu cầu điều tra hoặc nhằm mục đích thương mại. Vì thường xuyên gặp gỡ nhau nên hai bên đã có được thiện cảm gần gũi. Mặt khác, Đội Hiến binh Nhật Bản với nhân sự không biết cả tiếng Pháp lẫn tiếng An Nam luôn sử dụng trung gian người Nhật để tuyển dụng thông dịch viên hoặc tìm kiếm những người An Nam có thể cung cấp thông tin. Nhân sự bản xứ của Đội Hiến binh thường bao gồm những người An Nam có cuộc sống bấp bênh, do đó bất mãn với chế độ chính trị hiện tại, thường xuyên có xu hướng cách mạng hoặc chống Pháp. Đó là điều đáng tiếc song chúng tôi không thể thay đổi họ. Những người An Nam điềm tĩnh, có năng lực, có gia cảnh và địa vị xã hội tương đối ổn đều không bao giờ tham gia phục vụ cho Đội Hiến binh Nhật Bản. Chỉ có một vài người An Nam bất mãn hơn đã dần dần tiếp cận những người Nhật làm việc cho Đội Hiến binh và nhờ đó được đối xử và bảo vệ như những người thân Nhật.

Trong những năm qua, một số nhân vật quan trọng người An Nam trốn được khỏi đất nước trước sự truy lùng của giới chức Pháp thì đều là nhờ sự giúp đỡ của những người Nhật đồng cảm này. Phái bộ Nhật Bản tuyệt đối tránh can dự vào những sự vụ đó. Người ta cho rằng Phái bộ đã quá thờ ơ với những người An Nam thân Nhật đáng được quan tâm và bảo vệ. Những lời gièm pha này nhiều lần đến tai tôi, và được xác nhận khi những bài phát biểu hoặc các cuộc trò chuyện của tôi với vai trò là Chủ tịch Viện Văn hóa đều nhận về rất nhiều lời chỉ trích. Chính điều này đã cản trở tôi hiểu hơn về những gì đang diễn ra vào giai đoạn đó liên quan tới hành tung của những nhân vật người An Nam này.

Các hành động đó một lần nữa chứng minh rằng sự tổ chức của Đội Hiến binh tỏ ra có hại. Thứ quyền lực vô hạn nhưng mù quáng của họ không lùi bước trước bất kỳ ai. Họ luôn khéo léo tránh xa giới chức dân sự, thậm chí còn dọa nạt rằng họ có quyền lực khủng khiếp và nguy hiểm. Tôi có thể tiết lộ một tin bí mật rằng Đại sứ Kuriyama, Tổng thư ký của Phái bộ Ngoại giao, đã phải rời Đông Dương vì lý do thù địch và những uy hiếp từ Đội Hiến binh Nhật Bản và tay chân của họ. Tiếc rằng, trong thời kỳ chiến tranh, việc xem xét cải tổ tổ chức bất thường này là không thể.

D. Những người An Nam hỗ trợ quân đội Nhật Bản

Liên quan đến việc tổ chức những người An Nam hỗ trợ Quân đội Nhật Bản, tôi không thể cung cấp thông tin nào có giá trị bởi điều đó thuộc thẩm quyền đặc biệt của các Chỉ huy Quân sự Tối cao. Quân đội Nhật Bản đã khởi sự đàm phán trực tiếp với Cơ quan Liên lạc của Quân đội Pháp. Sau đó, Phủ Toàn Quyền đã xem xét vấn đề này trên cơ sở chính trị. Đại sứ Yoshizawa đã phải trao đổi với Ngài Toàn quyền Pháp Decoux và ông Boisanger, cũng như với tướng Matijiri, người tiền nhiệm của tướng Tsuchihashi. Họ đã tìm được giải pháp phù hợp cho vấn đề tế nhị này, trong đó giới chức quân sự của chúng tôi chấp nhận một số yêu cầu của Phủ Toàn Quyền, ví dụ: không cấp vũ khí cho những trợ thủ [người An Nam] này, không được nhóm họ thành một đội quân thường trực, chỉ sử dụng họ như những nhân viên phi quân sự tại các văn phòng quân nhu, vận chuyển và chỉ tuyển dụng những người tự nguyện, v.v… Cách thức tổ chức này bước đầu đã được áp dụng thử nghiệm ở quy mô nhỏ tại Nam Kỳ vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm 1943, nhưng kết quả không khả quan vì việc tập hợp các yếu tố thuận lợi như kỳ vọng là cực kỳ khó. Bất chấp các điều kiện tuyển dụng khắc nghiệt, nhiều phần tử khả nghi đã thâm nhập thành công vào hàng ngũ và chỉ chăm chăm tìm cách lợi dụng địa vị đặc biệt đó. Chúng tôi bắt buộc phải giữ họ ở xa những đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn–Chợ Lớn. Tôi biết các mệnh lệnh dành cho họ đều bằng tiếng Nhật, theo kiểu Nhật, do đó sẽ còn gây ra nhiều khó khăn để đạt được các kết quả như mong muốn. Mục tiêu ban đầu của Bộ Tham mưu là tạo ra các đơn vị hỗ trợ cho việc phòng thủ chống lại các cuộc tấn công của kẻ thù tại bờ biển Đông Dương. Nhưng thực tế đã nhanh chóng cho thấy mục tiêu như vậy không bao giờ có thể đạt được. Số lượng trợ thủ người Việt không đáng kể, ban đầu chỉ vỏn vẹn chừng 500 người tại các trại đào tạo ở phía Nam và nhiều nhất khoảng 1500 hoặc 2000 người vào khoảng thời gian trước khi xảy ra sự kiện ngày 9 tháng 3. Cục Hàng hải Nhật Bản cũng tuyển dụng một số trợ thủ ở Sài Gòn nhưng kết quả tại đó cũng đáng thất vọng. Chưa có ai trong số họ từng bị trục xuất khỏi đất nước. Có thể nói những người An Nam hay đổ xô đến các cuộc tuyển dụng như vậy thường là những phần tử khả nghi đang cố gắng tìm kiếm một cuộc sống sung túc hơn. Việc đào tạo họ nhìn chung không hiệu quả và hiếm khi đem lại kết quả vừa ý.

Hiến binh Nhật (Ảnh tư liệu)

III. Quyết định đảo chính ngày 9 tháng 3

Trong một vài tháng trước khi xảy ra sự kiện ngày 9 tháng 3, bối cảnh quốc tế đã thay đổi nhanh chóng và trở nên cực kỳ bất lợi cho quân đội Nhật đang đóng ở Đông Dương. Sự kiện 9-3 là hệ quả đáng tiếc và không thể tránh khỏi của diễn biến đó. Để hiểu rõ hành động bất ngờ của quân đội Nhật, cần phải xem xét hai tác nhân: thứ nhất, sự thay đổi thái độ của giới chức Pháp tại Đông Dương sau khi nước Đức bại trận và chiến thắng của Chính phủ Tướng de Gaulle tại Pháp; thứ hai, nguy cơ kẻ thù (tức là Mỹ – ND) đổ bộ lên bờ biển Đông Dương ngày càng có thể xảy ra nhờ sự thắng thế của họ tại Philippines, theo đánh giá của quân đội Nhật.

A. Hậu quả của việc Đức bại trận

Từ khi lực lượng Đồng minh đổ bộ vào Pháp tháng 6 năm 1944, tình hình chính trị ở Pháp đã nhanh chóng thay đổi căn bản: Chính phủ của Thống chế Pétain sụp đổ và quyền lực của phe Tướng de Gaulle ngày càng được củng cố vững chắc và rộng rãi hơn. Bị chia cắt hoàn toàn với Mẫu quốc, Phủ Toàn Quyền Đông Dương quyết định điều hành thuộc địa rộng lớn này với toàn bộ quyền hạn được Thống chế Pétain trao cho trước đó dựa trên tiên liệu về kết cục trên. Về mặt pháp lý, đó là hướng đi duy nhất còn lại cho Toàn quyền Decoux. Nhưng về mặt chính trị, trong số các viên chức và công dân Pháp đã sớm nảy sinh những chia rẽ sâu sắc về quan điểm; nhiều người đã công khai ủng hộ các phong trào của de Gaulle. Phủ Toàn Quyền không thể tiếp tục thờ ơ trước sự thay đổi ngày càng sâu rộng của ý kiến công chúng.

Đến tháng 8 năm 1944, ông de Boisanger trong một buổi đối thoại riêng với tôi đã nêu cách nhìn của ông ta về vấn đề này như sau:

“Liên Xô tham chiến như là đồng minh với Anh – Mỹ để chống lại Đức. Nhật liên minh với Đức để chiến đấu chống lại Anh – Mỹ. Trong khi đó, Tokyo vẫn giữ vị thế trung lập, thậm chí là hữu nghị, với Matx-cơ-va và ở chiều ngược lại cũng vậy. Nếu Đông Dương thiết lập lại các mối liên hệ với Mẫu quốc và phục hồi Đế chế thuộc địa Pháp thì sẽ không có lý do gì để Nhật không thể giữ quan hệ trung lập và hợp tác với Pháp và Đông Dương như với Liên Xô, bởi điều đó là chính sách khôn ngoan và có lợi nhất đối với cả hai quốc gia. Đối với Phủ Toàn Quyền, việc tiếp tục duy trì hợp tác kinh tế với Nhật Bản là con đường duy nhất có thể làm trong bối cảnh hiện nay”.

Tôi trả lời: “Cá nhân tôi hy vọng có thể giữ nguyên hiện trạng ở Đông Dương. Tôi tin rằng các cộng sự của tôi tại Phái bộ Nhật cũng nghĩ như vậy. Nhưng chúng ta phải thừa nhận việc các ông so sánh quan hệ Pháp – Nhật và quan hệ Liên Xô – Nhật là không phù hợp với thực tế hiện nay. Thống chế Stalin chưa bao giờ tuyên chiến với Nhật Bản, trong khi Chính phủ lâm thời của Tướng de Gaulle đã khẳng định rõ ràng quan điểm thù địch với nước Nhật và tuyên bố rộng rãi trên truyền thanh về ý định giành lại Đông Dương từ tay quân Nhật Bản xâm lược. Làm sao các ông có thể mong đợi Chính phủ chúng tôi, và hơn cả là quân đội của chúng tôi, tin vào sự hợp tác của các ông nếu các ông tuyên bố vào thời điểm nhạy cảm này rằng các ông sẽ sáp nhập với chế độ mới ở Mẫu quốc để chống phe Trục và chống Nhật? Đây là một mâu thuẫn hiển nhiên và không thể giải quyết. Cách tốt nhất là tạm giữ nguyên hiện trạng, rồi sau này chính phủ ở Mẫu quốc sẽ nhận ra rằng sự trì hoãn đó là chính sách duy nhất thiết thực và có lợi cho các ông, giúp tránh được những xáo trộn và sụp đổ vô nghĩa ở Thuộc địa này.”

Ông de Boisanger không có ý định đề xuất với Đô đốc một hành động cần triển khai trước sự chuyển biến đã diễn ra ở Pháp. Ông ta muốn nghiên cứu tất cả các phương án giúp thoát khỏi tình thế bế tắc mà Phủ Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương có thể lâm vào. Ông de Boisanger lo lắng về việc này cũng như đã đoán được những lo ngại tương tự từ phía tôi.

B. Khó khăn chồng chất trong quan hệ hợp tác Pháp – Nhật

1. Thái độ của giới chức dân sự

Bắt đầu từ giai đoạn này, chính sách hợp tác Nhật Bản – Đông Dương đang trở nên ngày một trắc trở. Rõ ràng là Phủ Toàn Quyền chưa có thay đổi gì trong thái độ với chúng tôi, nhưng trên thực tế, giới chức cấp cao thường bỏ qua, thậm chí đôi khi còn âm thầm khuyến khích sự chống đối đến từ giới chức cấp dưới và một số người Pháp. Nhiều dấu hiệu đã khiến chúng tôi chú ý đến sự thay đổi không khí chính trị này, một sự thay đổi rất đáng tiếc. Từ cuối mùa hè, tất cả những yếu tố đại diện cho Chính phủ của Thống chế Pétain dần dần biến mất trên mọi lĩnh vực để nhường chỗ cho những yếu tố có thể giúp Chính phủ của Tướng de Gaulle được biết tới và ủng hộ nhiều hơn. Huy hiệu của Quốc gia Pháp (Chính phủ Vichy) và khẩu hiệu “Gia đình, Cần Lao, Tổ quốc” đã được thay thế bằng huy hiệu của nền Cộng hòa và khẩu hiệu mới “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Hội Đoàn kết Quốc gia giải tán và Hội Liên hiệp Cựu Chiến binh được khôi phục. Tất cả những chỉ dấu đó cho thấy một bầu không khí không còn phù hợp với chính sách hợp tác. Người ta có thể dễ dàng hình dung vị thế mong manh của Phủ Toàn Quyền khi không thể theo đuổi chính sách nào khác ngoài chính sách “trì hoãn” trong lúc chờ đợi ngày kết thúc chiến tranh đang đến gần và tệ hơn là sự đổ bộ của quân Đồng minh. Phái bộ Nhật Bản cũng đành giữ thế trì hoãn. Để duy trì quan hệ tốt giữa Pháp và Nhật, giới chức dân sự của hai quốc gia dù không nói công khai nhưng đã nhất trí về chính sách thận trọng và khôn ngoan này.

2. Thái độ của giới quân sự

Ngược với chính sách của giới chức dân sự, sự chống đối bắt đầu hình thành trong lực lượng quân sự của cả hai quốc gia, ban đầu là âm thầm rồi ngày càng trở nên gay gắt hơn. Mỗi bên đều che giấu ý đồ của mình trong suốt nhiều tháng liền. Dường như những dàn xếp quân sự năm 1942 và 1943 đều được tuân thủ, điều này tiếp tục giải quyết khá ổn thỏa tất cả các vấn đề có tính chất quân sự. Nhưng trong sâu thẳm, những cảm nhận rất khác nhau đang nổi lên, đặc biệt trong các lực lượng tích cực nhất của cả hai phía. Đó là tâm lý hoàn toàn đối lập với tâm lý đang bao trùm giới chức dân sự.

Về phía Pháp, phong trào “Lực lượng Nội địa Pháp ở Đông Dương” (F.F.I) nhanh chóng lan tỏa sâu rộng đặc biệt trong quân đội cũng như trong giới dân sự khi có nhiều người đã bí mật liên kết với đảng của Tướng de Gaulle. Những cuộc điều tra bí mật do giới chức của Đội Hiến binh và Bộ Tham mưu thực hiện đã cho thấy chứng cứ kết luận về mưu đồ và việc chuẩn bị chống Nhật. Tôi không thể làm rõ những việc này vì thiếu thông tin, nhưng tôi thường xuyên tình cờ được biết rằng giới quân sự của chúng tôi cực kỳ không hài lòng về những hành động đó.

Quân đội của chúng tôi ngày càng lo ngại trước các tin tức bất lợi mà họ liên tiếp nhận được từ mặt trận Thái Bình Dương. Với các bước tiến có tính toán của Mỹ từ Nam đến Bắc Thái Bình Dương, tại Philippines và về phía Đài Loan, quân đội của chúng tôi dự đoán kẻ thù sẽ đổ bộ lên bờ biển Đông Dương trong tương lai gần. Họ buộc phải tính đến việc khẩn trương chuẩn bị các phương cách phòng vệ trước cuộc xâm lăng này.

Để việc chuẩn bị phòng thủ hiệu quả hơn thì cần xem xét tất cả các khả năng về mặt tinh thần lẫn vật chất: thứ nhất, phải tính toán xem liệu có thể dựa vào sự hỗ trợ của giới chức dân sự và quân sự cũng như người dân Đông Dương; thứ hai là làm cách nào để có nguồn tài chính thiết yếu cho những chi phí khổng lồ của các cuộc tác chiến quân sự lớn. Ở đây tôi phải đưa ra những kinh nghiệm và ý kiến cá nhân của tôi về hai vấn đề quan trọng này để giúp quý vị có lời giải thích cho các nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự kiện ngày 9 tháng 3.

Bích chương của Pháp với nội dung kêu gọi người Pháp hãy cứu Đông Dương khỏi tay “quái vật Nhật Bản” (Ảnh tư liệu)

C. Các mệnh lệnh và chỉ thị của Bộ Tham mưu tại Sài Gòn

Tôi đã bị triệu tập đến Bộ Tham mưu vào 10h sáng ngày 6 tháng 3. Đợi tôi ở đó có Tướng Tsuchihashi, Tổng tư lệnh Quân đội Nhật Bản tại Đông Dương và Tướng Kawamura, Tham mưu trưởng Quân đoàn 38.[1] Những điều họ nói với tôi có thể tóm lược như sau:

1. Theo quyết định của Đại Bản doanh và theo mệnh lệnh của Tổng Hành dinh Quân Đội khu vực Tây Nam Thái Bình Dương của Nguyên soái Terauchi, nhằm tái tổ chức và tăng cường năng lực phòng thủ chung cho Đông Dương, chúng ta sẽ yêu cầu Đô đốc Decoux tự nguyện giải giáp Quân đội Đông Dương vì hệ thống hiện tại sẽ cản trở hoạt động của Quân đội Nhật Bản trong trường hợp kẻ thù đổ bộ. Đàm phán về việc này sẽ được thực hiện với Toàn Quyền thông qua trung gian là Đại sứ Matsumoto.

2. Nếu Đô đốc không đồng ý với lời đề nghị từ phía Nhật Bản, chúng ta buộc phải sử dụng vũ lực để đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, chúng ta mong muốn đất nước này chỉ phải gánh chịu hậu quả tối thiểu và hiện trạng sẽ được duy trì hết mức có thể trong mọi lĩnh vực hành chính, kinh tế và xã hội.

3. Trong trường hợp này, quyền hạn của Chính quyền Dân sự Cấp cao Pháp sẽ bị loại bỏ; chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm tạm thời quản lý bộ máy hành chính dân sự. Vì thế, không phải là chúng ta đang thiết lập một chế độ chiếm đóng quân sự thực sự ở quốc gia này. Chúng ta sẽ không coi người Pháp như kẻ thù, chúng ta không tuyên chiến chống lại nước Pháp, nhưng chúng ta phải giải giáp Quân đội Pháp ở Đông Dương. Những người Pháp đồng ý hợp tác với chúng ta sẽ được đối xử và bảo vệ chu đáo.

4. Tuy nhiên, đảm bảo có được sự hợp tác của người dân bản xứ là điều thiết yếu. Ngoài ra, vì phải tập trung cho công tác tổ chức phòng vệ, nên Quân đội Nhật Bản dựa vào sự hợp tác nghiêm chỉnh của Phái bộ Dân sự để có thể vận hành trơn tru bộ máy hành chính nhà nước.

5. Nhưng vì số lượng thành viên của Phái bộ và công dân Nhật có khả năng đảm nhiệm công việc hành chính dân sự là rất hạn chế, nên cần phải có sự hợp tác từ tất cả các cơ quan hành chính bản địa. Chúng ta chấp thuận cho An Nam, Campuchia và Lào tuyên bố độc lập nếu muốn, nhưng với điều kiện họ phải tuân thủ tối đa tổ chức hành chính của quốc gia.

6. Ông phụ trách thương lượng với Hoàng đế Bảo Đại và Chính phủ của ông ta tại Huế, để xem làm thế nào có được sự hợp tác của họ. Vì mục tiêu này, ông sẽ đi Huế vào sáng ngày 9 tháng 3 và đợi lệnh từ Bộ Tham mưu để được tiếp xúc làm việc với các nhà chức trách An Nam. Nếu Đô đốc chấp nhận lời đề nghị của chúng ta, nếu mọi việc diễn ra trong yên bình, ông có thể trở về Hà Nội sau khi được Bộ Tham mưu chấp thuận.

7. Ngược lại, nếu Đô đốc từ chối, hành động quân sự sẽ diễn ra vào đêm ngày 9 tháng 3, và kể từ thời điểm đó, ông sẽ hành động theo lệnh từ Bộ Tham mưu. Sau khi cuộc can thiệp này kết thúc, ông sẽ tới gặp và giải thích cho Hoàng đế Bảo Đại và Chính phủ của ông ta biết lý do của cuộc tác chiến này. Ông phải cố gắng hết sức làm cho họ hiểu rằng Nhật Bản không hề có tham vọng lãnh thổ nào ở đây, nhưng Nhật muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến chống phe Anh-Mỹ, và để đạt được mục đích đó, chúng ta yêu cầu sự hợp tác chân thành của họ.

8. Họ có thể đồng ý hợp tác với điều kiện An Nam được tuyên bố độc lập. Chúng ta sẽ không phản đối. Đó là hành động chủ quyền do các lãnh đạo An Nam tự phán xét, và không liên quan trực tiếp đến chúng ta. Trong tương lai, chính họ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước toàn thế giới.

9. Tuy nhiên, cần hiểu rằng vì mục đích quân sự, Quân đội Nhật Bản sẽ tự điều hành toàn bộ các cơ quan quản lý vận tải đường sắt, đường biển, đường sông và đường bộ; các dịch vụ bưu chính và vô tuyến điện; các sở cảnh sát, an ninh; và để tránh quá nhiều biến động, tất cả các Tổng nha Chuyên môn[2] thuộc quyền hạn của Phủ Toàn Quyền sẽ vẫn do Chính quyền Nhật Bản quản lý cho đến khi có thông báo mới.

10. Dù sao đi nữa thì vẫn cần phải thiết lập một văn phòng liên lạc giữa Chính phủ An Nam và giới chức quân sự và dân sự Nhật Bản, những người sẽ phụ trách các công việc của Phủ Toàn Quyền. Ông sẽ điều hành văn phòng này và tạm thời quản lý các công việc của Tòa Khâm sứ An Nam trong khi chờ đợi Chính phủ An Nam được tổ chức quy củ để có thể tự điều hành toàn bộ nền hành chính dân sự của mình.

11. Vì thế, ông có trách nhiệm làm rõ với Chính phủ An Nam tất cả các điều kiện hạn chế cần thiết cho Quân đội Nhật Bản tiếp tục chiến đấu. Ông cũng cần cố vấn và hướng dẫn Chính phủ này hành động theo chỉ đạo từ Bộ Tham mưu của chúng ta để giúp Quân đội Nhật có thể tổ chức tốt công tác phòng vệ ở quốc gia này.

12. Như trước đây, mọi chi phí cá nhân (lương bổng, phụ cấp, v.v…) của giới chức dân sự Nhật Bản sẽ được chi trả bởi các Bộ liên quan tương ứng. Chi phí vật liệu cho văn phòng của ông sẽ do Ngân khố Đông Dương chịu trách nhiệm hoàn toàn trong giới hạn ngân sách năm của Tòa Khâm sứ. Nếu Chính phủ An Nam bày tỏ nguyện vọng muốn độc lập, ông có thể tiến cử những cố vấn người Nhật khác để giải quyết các vấn đề kỹ thuật sau khi đã có được sự đồng ý từ Bộ Tham mưu và Phủ Toàn Quyền.

Những đồng nghiệp có cùng nhiệm vụ với tôi tại Campuchia hoặc Luang-Prabang cũng nhận được các chỉ thị tương tự. Chúng tôi biết rằng các đề xuất của Đại sứ Matsumoto và Bộ trưởng Tsukamoto trong nội dung chỉ thị trên đã được Bộ Tham mưu xem xét kĩ lưỡng và chấp thuận.

SỰ KIỆN NGÀY 9 THÁNG 3 TẠI HUẾ VÀ AN NAM

I. Đến Huế và nói chuyện với Đại úy Arai

Khoảng 14 giờ ngày 8 tháng 3, tôi rời khỏi Sài Gòn với Tổng Lãnh sự Konagaya và Lãnh sự Watanabe để cùng tới Tourane (Đà Nẵng) vào lúc 17h30. Tại đây, chúng tôi làm quen với tướng Nagano, Tổng tư lệnh Quân đội Nhật Bản tại An Nam và Đại tá Inai, Tham mưu trưởng Quân đội Nhật đồn trú tại Đà Nẵng. Mọi người dường như đang bận rộn thực thi các mệnh lệnh nhận được từ Bộ Chỉ huy Tối cao tại Sài Gòn do số lượng nhân sự rất hạn chế so với phạm vi tác chiến rộng lớn. Họ chỉ yêu cầu chúng tôi luôn giữ liên lạc với biệt đội trưởng tại Huế, người phụ trách cung cấp thông tin và kết nối liên lạc giữa chúng tôi với nhau. Tối muộn, chúng tôi tới Tòa công sứ tại Huế. 10 giờ sáng ngày 9 tháng 3, Đại úy Arai, chỉ huy một biệt đội nhỏ tại Huế, đến gặp tôi. Ông ta đã giải thích với tôi như sau:

“Trong trường hợp Đô đốc Decoux từ chối chấp thuận đề nghị của Nhật (thời hạn ấn định là 10 giờ tối nay), trên sóng điện báo vô tuyến, ông ta sẽ bị buộc phải giải giáp bằng vũ lực tất cả các đơn vị quân đội Pháp – Đông Dương tại Huế, kể cả các tên lính khố đỏ thuộc lữ đoàn An Nam – Lào,[3] cũng như những tên bảo an thuộc lính khố xanh đóng chốt ở Đông Nam sông Hương. Bờ bên kia sông sẽ do trung đoàn đến từ Quảng Trị đảm nhiệm theo lệnh của Đại tá Kawai. Biệt đội của ông ta có quân số không đông nên chỉ có thể giành thắng lợi trong một cuộc tấn công bất ngờ. Để đề phòng, ông Arai yêu cầu tôi không được xuất đầu lộ diện trước bất cứ ai trong cả ngày hôm đó. Ngay sau khi cuộc tác chiến kết thúc, ông ta sẽ đến hộ tống tôi tới tận Triều đình để lần đầu hội kiến với Hoàng Đế Bảo Đại”.

(Tôi hiểu rằng đó là cách ông ta lịch sự yêu cầu tôi chỉ được ở yên trong Tòa công sứ.)

Lính Pháp bị Nhật bắt giữ ở Hà Nội trong cuộc đảo chính tháng 3-1945 (Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp)

Tướng D. D. Gracey, Chỉ huy trưởng quân đội Đồng Minh tại Đông Dương, trao tăng Tướng Le Clerc, Chỉ huy quân đội Pháp tại Sài Gòn, một thanh kiếm đầu hàng của Nhật (Ảnh tư liệu)

II. Chuẩn bị cho cuộc đảo chính tại Huế

Trong suốt cuộc trò chuyện với Đại úy Arai, tôi không hề được biết bất kỳ thông tin gì về công tác chuẩn bị chiến lược của Quân đội Nhật cho cuộc tác chiến dự kiến sẽ diễn ra vào buổi tối hôm đó. Theo những gì tôi biết thì không một ai trong Lãnh sự quán của chúng tôi được thông báo. Chúng tôi đã rất lo lắng về cuộc tác chiến này khi biết rằng quân số của chúng tôi rất ít.

(A) (B) Hành động đối với lính khố đỏ và lính khố xanh

Chúng tôi cho rằng Quân đội Nhật có lẽ đã có được sự thông đồng của một số lực lượng bản địa, chẳng hạn như những người theo chủ nghĩa dân tộc. Nhưng không ai trong chúng tôi, những công chức dân sự, biết liệu Quân đội có thực sự cố gắng tìm kiếm nội ứng hay không. Điều đó khó xảy ra vì Quân đội luôn rất hoài nghi về sự trung thành của các thành phần người bản xứ. Sau đó chúng tôi hiểu được (đúng hơn là đoán) rằng, Quân đội mong đợi rằng một khi cuộc tác chiến bắt đầu, họ có thể dùng những lời kêu gọi giải thích về hành động của mình để thuyết phục một bộ phận lính bản địa chống phá, phản bội lại Pháp, nhất là những người muốn gia nhập hàng ngũ quân đội Nhật hoặc những người theo chủ nghĩa dân tộc, không muốn tiếp tục phục vụ cho Pháp. Do đó, Quân đội đã chuẩn bị những lời kêu gọi bằng ngôn ngữ bản xứ để phát dưới dạng tờ rơi hoặc truyền bá bằng lời nói tới các thành phần người bản xứ, tương tự như cách họ từng in lời kêu gọi dành cho quân đội Pháp.

(C) (D) Hành động tại Kinh thành và trong Triều đình Huế

Tôi cũng biết chắc rằng Quân đội không hề chuẩn bị cho việc thâm nhập vào Kinh thành và tiếp cận Hoàng đế Bảo Đại. Tôi cho rằng luôn vì lý do thận trọng mà Quân đội Nhật phải có thái độ bị động như vậy.

Cần lưu ý rằng sáng ngày 9 tháng 3, Đại úy Arai đã rất lo lắng về việc không biết Hoàng Đế Bảo Đại và Hoàng hậu ở đâu, vì hai người khi đó đang đi săn quanh Huế.

Chính quyền Quân sự chưa bao giờ tiếp cận Lãnh sự Urabe để tìm cách làm bất cứ điều gì với Triều đình hay các quan lại.

(E) Nội ứng tại các tỉnh thành

Quân đội của chúng tôi không thể tiếp cận được với quan lại tại các tỉnh, vì không có cộng sự nào phù hợp với một nhiệm vụ khó khăn và quy mô lớn như thế, cũng như không đủ các thông dịch viên có khả năng thực hiện được nhiệm vụ đó.

Tóm lại, mặc dù tôi không được biết chi tiết cho đến tận phút cuối, nhưng tôi nghĩ có thể khẳng định khá chắc chắn rằng việc chuẩn bị cho cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 được thực hiện nghiêm ngặt trong khuôn khổ cần thiết của chiến lược quân sự, và rằng sự chuẩn bị này gần như không hề liên quan đến lĩnh vực chính trị.

(F) Chỉ thị cho binh lính

Sau này, qua các cuộc trò chuyện cá nhân với một số sĩ quan, tôi biết được thông tin về công tác chuẩn bị quân sự tại Huế như sau: Chỉ các tiểu đoàn trưởng và một vài sĩ quan được biết – ngay trước ngày 9 tháng 3 ít lâu – về kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu tại Sài Gòn. Quân lính tuyệt nhiên không hề hay biết cho đến phút cuối. Ngay cả khi đã trang bị đầy đủ để lên đường, họ vẫn tưởng đó chỉ là một cuộc tập trận đêm như thường lệ. Họ chỉ biết sự thật trước khi vào vị trí chiến đấu, khi được hướng dẫn cụ thể và nghe giải thích ngắn gọn về mục đích chính của cuộc tác chiến là “vô hiệu hóa quân đội Pháp – Đông Dương”, như đã được đề cập trong bản Tuyên cáo số 1 của Tướng Tổng Tư lệnh được phát hành, treo, dán và phân phát khắp mọi nơi vào sáng ngày hôm sau. Họ được giải thích rõ rằng “cuộc tác chiến phải được thực hiện một cách bất ngờ và gây ít thiệt hại nhất có thể. Họ chỉ được sử dụng vũ khí khi có mệnh lệnh và tuyệt đối không được bắn giết nếu không cần thiết”. Khi trận đánh có vẻ sẽ kéo dài, quân lính bắt đầu tự hỏi tại sao không chiến đấu quyết liệt hơn để có thể nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ huy của họ đã trung thành tuân theo chỉ đạo ở trên để tránh những thiệt hại không đáng có. Chỉ sau khi trận đánh đã kết thúc thì các sĩ quan mới có thể giải thích cho quân lính kỹ càng hơn về mục đích và phương pháp của cuộc tác chiến này.

Từ những thông tin bên trên, tôi suy luận được rằng: thứ nhất, Bộ Tham mưu muốn việc giải giáp được thực hiện một cách khéo léo để tránh gây ra các thiệt hại vật chất không đáng có, và đặc biệt là hạn chế tối đa thiệt hại về người bên đối phương vì họ không coi đó là kẻ thù thật sự; thứ hai, họ muốn trận đánh phải được giữ bí mật tuyệt đối cho đến phút cuối, kể cả với lính Nhật, vì điều đó đồng nghĩa với việc các nội ứng người An Nam không thể biết trước về hành động này. (còn nữa)

Đặng Quốc Long, Phạm Khánh Linh dịch

 

[1] Đạo quân Nhật đồn trú tại Sài Gòn (ND).

[2] Cơ quan quản lý ngành dọc toàn cõi Đông Dương với các dịch vụ thiết yếu bao gồm Nha Học chính, Nha Tài chính, Nha Kinh tế vụ, Nha Canh nông, Nha Công chính, Nha Bưu chính, Nha Thương chính. Các Nha này thuộc quyền quản lý của các vị Tổng Giám đốc do Toàn quyền bổ nhiệm.

[3] B.A.L – Brigade Annam Laos (ND)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN