Sự kiện Nhật đảo chính Pháp tháng 3 năm 1945 qua Hồi ký Đại sứ Nhật Masayuki Yokoyama (Kỳ 2)

Kỳ 2: Hành động sau ngày 9 tháng 3 năm 1945

I. Tuyên cáo độc lập của Hoàng đế An Nam

A. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Hoàng đế Bảo Đại

4h30 chiều ngày 10 tháng 3, Đại uý Arai đến để đưa tôi cùng Lãnh sự Watanabe tới Kinh thành Huế. Đức Kim Thượng Bảo Đại dĩ nhiên đã kiên nhẫn đợi chúng tôi sau sự kiện diễn ra đêm trước đó. Khi chúng tôi đến nơi, Ngài đã ngay lập tức tiếp đón chúng tôi trong Phòng Yết kiến Chính thức[1] và chỉ có mình Phạm Quỳnh cùng tham dự. Đó là lần đầu tiên tôi có vinh hạnh được yết kiến Hoàng đế Bảo Đại. Sau khi giới thiệu Lãnh sự Watanabe và Đại úy Arai, tuân thủ đúng chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, tôi đi thẳng vào trọng tâm bài diễn thuyết của mình về sự kiện trọng đại này như sau:

“Đến giờ, Nhật Bản luôn trung thành với chính sách giữ nguyên hiện trạng ở Đông Dương – cách duy nhất để bảo toàn lợi ích chung cho cả hai quốc gia, và Phủ Toàn Quyền đã hợp tác với Nhật Bản. Nhưng sau những sự kiện diễn ra gần đây tại Châu Âu, Chính phủ của Thống chế Pétain đã không còn tồn tại, và ảnh hưởng chính trị từ Chính phủ của Tướng De Gaulle cho thấy họ quyết liệt chống lại Quân đội Nhật Bản tại Đông Dương. Mặt khác, diễn biến của Chiến tranh Thái Bình Dương trong thời gian gần đây không được thuận lợi cho Quân đội Nhật. Điều đó làm dấy lên mối lo ngại rằng kẻ thù có thể đổ bộ lên bờ biển Đông Dương. Bộ Tham mưu của chúng tôi mới đây đã thu được thông tin tình báo rất cụ thể về sự tồn tại của một phong trào kháng Nhật trong giới lãnh đạo Quân đội Pháp – Đông Dương, với một tỷ lệ đáng kể là thường dân Pháp. Có thể nhận định rằng ngay khi có cơ hội thuận lợi, các lực lượng Pháp – Đông Dương sẽ quay lưng chống lại Quân đội Nhật. Trước tình hình đó, với sự nhất trí của Chính phủ Nhật Bản, Bộ Tham mưu quyết định thực hiện kịp thời các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ an ninh cho chính mình và để tăng cường khả năng phòng thủ của Đông Dương trước quân xâm lược Anh – Mỹ. Với mục đích đó, thông qua trung gian là Đại sứ Matsumoto, quân đội của chúng tôi đã yêu cầu Đô đốc Decoux phải giải giáp Quân đội Pháp – Đông Dương ngay lập tức nhằm hướng tới một cách thức tổ chức phòng vệ mới cho đất nước này. Toàn Quyền đã phản đối yêu cầu này của Quân đội Nhật Bản. Do đó, chúng tôi buộc phải hành động bất thình lình để giải giáp Quân đội Pháp – Đông Dương, không để cho họ có thời gian chuẩn bị phản kháng. Hành động này vừa kết thúc tại Huế. Chúng tôi vừa được biết qua các bức điện báo quân sự rằng cuộc tác chiến đã diễn ra cùng một lúc, với cùng một cách thức tại khắp các trung tâm như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng …

Theo mệnh lệnh từ Bộ Tham mưu của Quân đội Nhật Bản và thay mặt Chính phủ chúng tôi, tôi đến để thông báo cho Bệ hạ tất cả những tin tức này, và xin Ngài lưu ý rằng, mặc dù cuộc tác chiến có vẻ bạo lực, nhưng động cơ và mục đích đều được xác định rõ ràng như tôi vừa giải thích, và Nhật Bản không hề có ý định gây hấn nào khác đối với đất nước này, cũng như không có tham vọng lãnh thổ tại Đông Dương. Tôi được giao nhiệm vụ cập nhật cho Bệ hạ và Chính phủ của Ngài về các tuyên bố chính thức được Thủ tướng Nhật Bản đưa ra trong nhiều dịp gần đây, nhắc lại cam kết rằng Nhật Bản theo đuổi Chiến tranh Đại Đông Á chỉ với mục đích duy nhất là thiết lập khối thịnh vượng chung trong khu vực rộng lớn này.

Trong hoàn cảnh này, tôi có nhiệm vụ khẩn cầu Bệ hạ và Chính phủ của Ngài kể từ giờ đồng ý hợp tác với Nhật Bản để giúp đỡ chúng tôi tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình, điều mà tương lai của tất cả các quốc gia Đông Á phụ thuộc vào. Tôi sẽ rất hân hạnh nếu được biết quan điểm của Bệ hạ và Chính phủ của Ngài về vấn đề này. Tôi phải làm báo cáo gửi Bộ Tham mưu để họ chuyển tới Chính phủ của tôi”.

B. Phản ứng của Hoàng Đế Bảo Đại

Hoàng Đế Bảo Đại rất trang nghiêm và điềm tĩnh, không để lộ bất cứ cảm xúc nào khi tiếp đón chúng tôi. Đức Kim Thượng chăm chú lắng nghe bài diễn thuyết của tôi. Ngài Phạm Quỳnh thì có vẻ xúc động hơn, nhưng nét mặt cũng dần dần giãn ra. Tôi đoán là cả hai đều có chút e sợ về những điều tôi sẽ nói; nhưng rồi họ đã dần hiểu ra rằng chủ định của quân đội chúng tôi khá có lợi cho họ, và vì thế họ có thể có được một chút hy vọng từ đó.

Hoàng đế trước tiên bày tỏ lòng biết ơn về thái độ khoan dung của Chính quyền Nhật Bản đối với Triều đình và Chính phủ An Nam, sự thấu hiểu của Ngài đối với căn nguyên của cuộc tác chiến này, cũng như chúc mừng về những thành quả quân sự đã đạt được. Tiếp đó, Ngài nói rằng Ngài chưa bao giờ hoài nghi về những ý định chân thành của Nhật Bản; nhưng Ngài rất vui khi nhận được lời khẳng định chính thức từ tôi rằng nước Nhật không hề có bất cứ tham vọng lãnh thổ nào, và vì thế, Ngài có thể coi hành động can thiệp đêm trước đó đã giải phóng đất nước và dân tộc của Ngài khỏi ách thống trị ngoại bang. Ngài cũng nói thêm rằng trong bối cảnh như vậy, Ngài sẽ có thể hợp tác với Nhật Bản để củng cố nền độc lập của An Nam. Sau đó, Hoàng đế cử Ngài Phạm Quỳnh thay mặt Chính phủ trao đổi với tôi về tất cả các khả năng liên quan đến vấn đề này.

C. Thái độ của Ngài Phạm Quỳnh

Thượng thư Phạm Quỳnh lắng nghe với sự tôn kính, rồi nói với tôi rằng Ngài hoàn toàn chia sẻ cảm nhận và ý kiến như Đức Kim Thượng vừa bày tỏ. Tiếp theo, với sự cho phép của Hoàng đế, Ngài đặt một câu hỏi mà theo Ngài là “thiết thực” và cần cụ thể hóa, vì vấn đề bây giờ là làm thế nào để đối mặt với một tình huống mới và xem xét nó dưới một góc nhìn thực tế. Câu hỏi của Phạm Quỳnh có thể tóm lược lại như sau: “Vì Quân đội Pháp – Đông Dương đã bị giải giáp, nên các nhà chức trách Pháp sẽ phải từ bỏ quyền lực chính trị và hành chính của họ. Như vậy, toàn bộ hệ thống Bảo hộ của Pháp đối với An Nam không thể tiếp tục tồn tại được nữa, và lẽ dĩ nhiên là An Nam sẽ giành lại độc lập. Để chúng tôi có thể hợp tác hiệu quả với nước Nhật, chúng tôi cần sự ủng hộ của toàn dân, và để làm được điều đó thì uy thế của Chính phủ chúng tôi phải được củng cố bằng một hành động long trọng là tuyên bố độc lập. Tôi muốn được biết một cách thẳng thắn quan điểm của Nhật về vấn đề này”.

D. Câu trả lời của tôi về yêu cầu của Ngài Phạm Quỳnh

Tôi đã trả lời như sau: “Ngài Thượng thư đã đúng khi hỏi tôi câu hỏi này. Tuyên bố Độc lập là một hành động khẳng định chủ quyền cần được đánh giá và thực thi theo quan điểm chính sách đối nội của quốc gia đương sự. Chính phủ Nhật Bản lẫn Quân đội Nhật Bản đều không thể can thiệp vào vấn đề này. Các ngài hoàn toàn được tự do hành động theo đánh giá từ Chính phủ của mình. Tuy nhiên, Bộ Tham mưu của chúng tôi tại Sài Gòn giao cho tôi trách nhiệm thông báo với Ngài rằng, để tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ đất nước này khỏi sự xâm lăng của kẻ thù, Quân đội của chúng tôi mong muốn duy trì hiện trạng chính trị và hành chính của đất nước ở phạm vi rộng nhất có thể, và lập lại trật tự hòa bình càng sớm càng tốt. Mặt khác, cũng vì mục đích tương tự, Quân đội Nhật sẽ giữ quyền quản lý và kiểm soát toàn bộ hệ thống vận tải và thông tin liên lạc, cũng như những đơn vị trực thuộc Phủ Toàn Quyền. Do đó, với tất cả các chi tiết cụ thể về sự hợp tác của chúng ta, cần phải thiết lập mối liên hệ thường trực giữa Chính phủ của Ngài và Bộ Tham mưu thuộc Quân đội của chúng tôi. Theo mệnh lệnh của Bộ Tham mưu, tôi luôn sẵn sàng cùng Ngài nghiên cứu toàn bộ các vấn đề được đặt ra để xây dựng mối quan hệ hợp tác này”.

Phạm Quỳnh nói với tôi rằng Ngài sẽ ngay lập tức triệu tập Hội đồng Thượng thư[2] đến trước Hoàng đế để truyền đạt lại với họ nội dung vừa được trao đổi trong buổi yết kiến này và để cân nhắc về những vấn đề lớn phát sinh từ đó. Ngài đề nghị tôi trở lại Bộ Lại vào 11 giờ đêm hôm đó để Ngài có thể truyền đạt cho tôi quyết định của Chính phủ. Đức Kim Thượng Bảo Đại chăm chú lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thượng thư với tôi và chấp thuận toàn bộ nội dung trao đổi. Ngay sau đấy, tôi xin phép cáo lui và không quên cảm ơn sự tiếp đón ân cần của Ngài.

E. Quyết định của Chính phủ An Nam

Như đã thoả thuận, đúng 23 giờ (ngày 10 tháng 3), tôi quay trở lại Bộ Lại cùng Lãnh sự Watanabe, và thấy Phạm Quỳnh cùng tất cả các vị Thượng thư khác đã đợi tôi ở đó. Sau màn giới thiệu, Ngài Thượng thư thông báo với tôi rằng Hội đồng Thượng thư đã nghe truyền đạt lại, và sau khi cân nhắc kỹ lưỡng thì Hội đồng vừa đưa ra quyết định với sự chấp thuận tuyệt đối của Đức Kim Thượng Hoàng đế Bảo Đại như sau: Phải ngay lập tức tuyên bố Đế quốc An Nam độc lập và nhanh chóng công bố điều đó trên toàn lãnh thổ Đế quốc cũng như với toàn thế giới. Tuy nhiên, vì Chính phủ chưa có phương tiện phổ biến thông tin rộng rãi nên buộc phải đề nghị Chính quyền Quân sự Nhật đảm nhiệm việc này.

Vừa đưa tôi một bản sao của Tuyên cáo Độc lập, Ngài vừa lịch sự hỏi liệu tôi có nhận xét gì về các điều khoản trong Tuyên cáo từ quan điểm của Nhật Bản hay không, nếu không thì Ngài sẽ trình lên cho Đức Kim Thượng phê chuẩn. Sau khi đọc lướt qua, tôi trả lời rằng tôi không thấy bất cứ nội dung nào có thể bị Nhật phản đối, vì vấn đề này thuộc chức trách của riêng Chính phủ An Nam. Sau đó tôi hứa sẽ làm những gì cần thiết để việc công bố bản Tuyên cáo này được các đơn vị Quân đội bên chúng tôi thực hiện chu đáo.

Ngày hôm sau, vào lúc 10 giờ, thứ 3 ngày 11 tháng 3 tại Cơ Mật Viện,[3] Ngài Phạm Quỳnh đã tiếp đón tôi với sự có mặt của tất cả các vị Thượng thư và trao cho tôi bản Tuyên cáo chính thức có chữ ký và ấn của Đức Kim Thượng Bảo Đại cùng chữ ký của tất cả các Thượng thư. Ngài tuyên bố với tôi rằng Chính phủ của Ngài rất vui mừng vì chứng thư trọng thể này đã đánh dấu bước đầu tiên trong một kỷ nguyên mới của lịch sử An Nam. Sau đó, Ngài đề nghị tôi:

1. như đã thoả thuận, công bố chứng thư này rộng rãi nhất có thể;

2. chuyển lời cảm ơn chân thành của Chính phủ An Nam tới Quân đội Nhật Bản vì tất cả; và

3. thông qua Chính phủ Tokyo bày tỏ lờng biết ơn của Đức Kim Thượng Bảo Đại tới Hoàng đế Nhật Bản.

Tôi trả lời Ngài rằng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết và chúng tôi ấn định một cuộc hẹn nữa vào buổi chiều cùng ngày để cùng bàn thảo những công việc khẩn cấp khác. Khi quay trở về, tôi ngay lập tức đến đơn vị I.P.P. do một nhà báo người Nhật tên Tominaga quản lý dưới quyền kiểm soát của quân đội để đưa bản Tuyên cáo Độc lập của Đế quốc An Nam ban hành theo Sắc lệnh Đế quốc số 1 ngày hôm đó (11 tháng 3). Các bức điện báo về nội dung này đã được Chính quyền Quân sự gửi tới Sài Gòn, Hà Nội và Tokyo.

Cơ mật Viện (Huế) khoảng năm 1925-1930 (Ảnh: Flickr manhhai)

F. Thái độ của các nhân vật người An Nam khác nhau

1. Thái độ cá nhân của Đức Kim Thượng Hoàng Đế

Đức Kim Thượng Bảo Đại hăng hái bắt tay vào xây dựng chính sách mới của nước An Nam độc lập. Ngài rất thông minh nên nhanh chóng nắm bắt mọi việc và luôn được thôi thúc bởi lòng yêu nước. Ý thức về bổn phận của mình với Tổ tiên và Dân tộc nên Đức Kim Thượng một khi đã đưa ra quyết định thì sẽ hết mình làm việc vì đất nước. Ngài có lần nói với tôi rằng dưới chế độ bảo hộ của Pháp, Đức Kim Thượng không được coi như nhà vua đúng nghĩa trong bất cứ hoạt động nào, mọi việc đều do Tòa Khâm sứ quyết định; và rằng bởi lẽ đó mà từ trước đến nay, Đức Kim Thượng thích dành thời gian cho săn bắn và các môn thể thao hơn là lo việc triều chính. Nhưng bây giờ, Ngài cảm thấy rất hứng thú và dành toàn tâm toàn ý cho các công việc của Nhà nước.

2. Quan điểm cá nhân của Ngài Phạm Quỳnh

Ngài Phạm Quỳnh cũng đã tận dụng thời cơ để hành động, lựa chọn một cách tự nhiên con đường mà Ngài đánh giá là tốt nhất theo dòng sự kiện bấy giờ. Đó là một người đàn ông có học thức rất cao và năng lực chính trị vượt trội. Ngài đã cáo quan về hưu một cách khôn ngoan, và tôi rất tiếc khi nghe tin Ngài đã qua đời gần đây. Tôi tôn kính vị chính khách có phẩm chất tuyệt vời này. Qua nhiều cuộc trao đổi cá nhân với Ngài khi Ngài còn đương chức, tôi nghĩ rằng mình đã hiểu được suy nghĩ của Ngài về tình trạng khi đó và về tương lai của An Nam. Ngài thường chia sẻ với tôi rằng Ngài hiểu rõ nền văn hóa Pháp và có nhiều người bạn tuyệt vời người Pháp. Điều Ngài tiếc nuối là chính sách thực dân của Chính phủ Pháp chưa bao giờ hiểu được ước nguyện của nhân dân An Nam hay lợi ích mà nước Pháp thu được nếu coi dân tộc này như bạn bè chứ không phải những kẻ thấp kém. Ngài biết các đảng phái dân tộc chủ nghĩa phán xét rằng Ngài quá thân Pháp và cho rằng Ngài đang tham gia vào trò chơi chính trị của thực dân Pháp. Tuy nhiên, Ngài tự thanh minh rằng Ngài là một người yêu nước thực sự, rằng Ngài luôn quan tâm đến việc đảm bảo một vận mệnh tốt đẹp hơn cho nhân dân An Nam trong khả năng và quyền hạn của mình, dẫu biết rằng điều đó là rất giới hạn. Ngài tuyệt đối trung thành với Đức Kim Thượng Bảo Đại, người đã hạ cố đặt mọi niềm tin vào Ngài. Khi mà đất nước còn nghèo và không có phương tiện vật chất để đấu tranh, thì chỉ còn cách duy nhất là thỏa hiệp với nước Pháp bằng lý lẽ và thuyết phục. Điều đó cần rất nhiều thời gian, sự khéo léo và kiên nhẫn. Nhưng các sự kiện bên ngoài dồn dập ập đến, và sau hành động quân sự của Nhật, các nhà chức trách Pháp bỗng nhiên phải từ bỏ quyền lực. An Nam không thể dựa vào sự bảo hộ của Pháp nữa, cả dân tộc phải bừng tỉnh và nắm lấy cơ hội này để giành lại tự do. Giờ đây, An Nam cần phải chứng minh rằng họ có khả năng tự quản lý đất nước. Nhưng Chính phủ hiện nay vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với sự thay đổi bất thình lình như vậy, và bộ máy hiện tại còn quá yếu kém để lèo lái được nhiệm vụ hết sức nặng nề của mình. Do đó, Đức Kim Thượng Bảo Đại đã ngay lập tức cân nhắc việc tổ chức lại Chính phủ, bằng cách tìm kiếm các cộng sự tốt trong số những nhân vật ưu tú người An Nam mà cho đến nay vẫn chưa từng được nắm quyền. Ngài Thượng thư cho rằng tương lai của An Nam trước hết phụ thuộc vào việc đào tạo ra những thế hệ trí thức mới. Nếu thế hệ trẻ lao động hăng say với lòng yêu nước thì tương lai của đất nước sẽ tràn đầy hy vọng, và để có được điều đó thì cần phải xem xét việc cải cách giáo dục công càng sớm càng tốt.

3. Thái độ của những nhân vật khác

Về các vị Thượng thư khác trong Chính phủ Phạm Quỳnh, tôi không biết gì về thái độ cá nhân của họ vì chưa bao giờ có cơ hội trao đổi riêng với từng người. Ngài Hồ Đắc Khải, Thượng thư Bộ Hộ[4] có vẻ rất giỏi và tích cực; Ngài Bùi Bằng Đoàn, Thượng thư Bộ Hình[5] nổi tiếng với sự chính trực. Hai vị Thượng thư này đã rất lo ngại về trách nhiệm của họ trước tình hình mới.

Những chính khách người An Nam khác tại Huế mà tôi có dịp gặp sau đó nhìn chung đều có vẻ rất thận trọng trong các vấn đề chính trị và không bao giờ công khai thể hiện quan điểm. Tuy nhiên, có duy nhất hai trường hợp ngoại lệ: (1) Ông Huỳnh Thúc Kháng, một người theo chủ nghĩa dân tộc đã ngoài 70 tuổi, người sáng lập tờ báo “Tiếng Dân”, từng cởi mở nói với tôi: “Cả Vua Bảo Đại lẫn Thượng thư Phạm Quỳnh đều không được lòng dân, vì người ta xem họ là những tay sai trung thành với Pháp. Đế quốc An Nam phải đoàn kết ba xứ Bắc, Trung và Nam. An Nam không thể tồn tại như một quốc gia độc lập nếu thiếu Bắc Kỳ và Nam Kỳ”. (2) Ngài Ngô Đình Khôi, nguyên Thượng thư, cũng nói gần tương tự: “Diệm là người phù hợp cho vị trí này, nhưng ông ta không bao giờ đồng ý làm việc dưới quyền của Đức Kim Thượng Bảo Đại hay hợp tác với Ngài Phạm Quỳnh. Đa số các quan chức nhà nước An Nam có cùng cảm nhận như vậy”.

Tôi luôn giải thích với họ rằng Quân đội Nhật Bản trên hết muốn tránh các thay đổi đó và giữ nguyên hiện trạng chính trị ở Đông Dương – nơi Quân đội đang sốt sắng tổ chức phòng thủ để chống lại nguy cơ xâm lược. Họ đều nói với tôi rằng tình hình sẽ sớm trở nên mất kiểm soát và sự thay đổi của Chính phủ là không thể tránh khỏi. Sau này, tôi nhận thấy những nhận xét của họ hoàn toàn có cơ sở.

5 vị Thượng thư (từ trái qua phải): Hồ Đắc Khải, Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn

II. Cách tổ chức An Nam sau ngày 9 tháng 3

A. Cho tới khi thành lập Chính phủ mới

1. Quản lý các công việc tại Tòa Khâm sứ

1.1. Chỉ dẫn của Bộ Tham mưu về vấn đề này

Để chuẩn bị cho hành động giải trừ quân bị các lực lượng vũ trang Pháp tại Đông Dương, Bộ Tham mưu của Quân đội Nhật Bản tại Sài Gòn đã lệnh cho tôi tiếp quản tổ chức hành chính của Tòa Khâm sứ An Nam ngay sau khi hành động này diễn ra. “Họ nói với tôi rằng biện pháp này là bắt buộc, cần đảm bảo rằng đời sống xã hội và hành chính của xứ này không phải chịu hậu quả lâu dài từ hành động đó và nhanh chóng trở lại bình thường. Hiện trạng phải được giữ nguyên trên phạm vi rộng nhất có thể, để tránh xáo trộn về cách thức tổ chức kinh tế của đất nước. Nếu một số viên chức người Pháp, đặc biệt là các kỹ thuật viên và các chuyên gia, thực sự muốn tiếp tục làm việc, chúng ta sẽ vui vẻ chấp thuận sự hỗ trợ của họ, nhưng phải chú ý tới an ninh cá nhân của họ. Về vấn đề này, các nhà chức trách dân sự phải nghiên cứu tất cả các khả năng có thể xảy ra bằng cách lấy ý kiến của các Chỉ huy trưởng hoặc Bộ Tham mưu Quân đội tại mỗi khu vực liên quan”.

Tòa Khâm sứ Trung Kỳ (Huế)

1.2. Tình hình người Pháp tại Huế

Tôi lập tức hỏi các nhà chức trách quân sự ngay tại đó về tình hình ở Huế. Họ đều tỏ ra lo ngại về những nhiệm vụ khó khăn mà họ phải gánh vác tại thời điểm đó, vì rõ ràng là không có đủ nhân lực. Trong khi đó, họ lại được báo rằng bầu không khí đang rất kích động, rằng một số phần tử người An Nam sẽ lợi dụng tình hình, và rằng những người Pháp có thể bị đe doạ.

1.3. Kết luận của chúng tôi và ý kiến của các viên chức người An Nam

Sau khi trao đổi và suy nghĩ kỹ lưỡng, cùng với đề xuất của tôi thì chúng tôi đã đi đến kết luận rằng trong hoàn cảnh này, chỉ có duy nhất khu dân cư dành riêng cho người Pháp mới có thể đảm bảo an toàn cho họ một cách hiệu quả. Trong trường hợp này, vì các văn phòng của Tòa Khâm sứ nằm ngoài khu vực đó, thực sự rất khó cho các viên chức Pháp đi về như vậy mỗi ngày. Mặt khác, tôi được biết rằng tinh thần hợp tác của họ cũng rất có vấn đề; không một vị Trưởng phòng người Pháp nào chịu làm việc với người Nhật. Do đó, cần phải tính đến việc thay thế họ bằng những vị Phó phòng là người An Nam.

Sáng ngày 12 tháng 3, tôi triệu tập tất cả các vị Phó phòng người An Nam từ nhiều văn phòng khác nhau và hỏi liệu họ có thể tiếp tục các công việc hành chính mà không còn sự hợp tác của các viên chức Pháp hay không. Họ đều nhất trí khẳng định với tôi rằng họ có thể làm như vậy mà không gặp khó khăn gì. Sau cuộc họp đó, tôi nhận ra rằng không một viên chức người Pháp nào có thể tiếp tục chỉ đạo đơn vị của người đó mà không gây rủi ro, và rằng cần thận trọng hơn, không nên nhờ đến sự hợp tác của họ.

1.4. Quyết định gạt bỏ sự hợp tác của Pháp

Do đó, dựa trên bản báo cáo của tôi về vấn đề này, các nhà chức trách quân sự đã quyết định đề nghị những viên chức cấp cao người Pháp bàn giao lại cho Phái bộ Dân sự các công việc hiện tại của văn phòng họ. Sáng ngày 14 tháng 3, tôi cùng Tổng Lãnh sự Konagaya gặp từng người tại văn phòng của họ và quá trình chuyển giao công việc diễn ra một cách lịch sự.

Sáng ngày hôm sau, tôi gặp Ngài Haelewyn[6] tại dinh thự của Ngài, nơi Ngài đang bị quản thúc cùng gia đình mình và gia đình hai anh em nhà Delsalle.[7] Tôi bày tỏ sự cảm thông với Ngài và giải thích ngắn gọn về những gì đã xảy ra.  Ngài rất tiếc khi các sự kiện hải ngoại đã gây ra tình trạng đáng buồn này mà theo ý kiến của Ngài, sẽ trở thành thảm họa với cả Đông Dương và Nhật Bản.

2. Mối quan hệ giữa Tòa Khâm sứ và các nhà chức trách An Nam

2.1. Mối quan hệ với chính quyền các tỉnh

Sau sự kiện ngày 9 tháng 3, các Công sứ Pháp[8] tại tất cả các tỉnh thuộc An Nam đã phải từ bỏ quyền lực và chịu sự quản thúc của Chính quyền Quân sự Nhật. Lãnh đạo người An Nam tại các tỉnh phải thế chỗ cho họ vì các Tòa Công sứ không thể không có người quản lý trong một khoảng thời gian dài. Các quan lại mặc dù đều bị đặt dưới sự kiểm soát của Công sứ Pháp tại tỉnh đó nhưng lại báo cáo trực tiếp cho Chính phủ An Nam, không phải cho Tòa Khâm sứ An Nam. Cần phải tạm thời thiết lập một chế độ đặc biệt giữa các lãnh đạo địa phương, đảm nhận các chức năng của Tòa Công sứ Pháp và Tòa Khâm sứ. Ban đầu, tất cả mệnh lệnh và thông tin liên lạc từ Tòa Khâm sứ đều được gửi đến lãnh đạo địa phương thông qua và dưới danh nghĩa Chính phủ An Nam. Không lâu sau đó, hệ thống này được xác định là không khả thi vì nó gây chậm tiến độ công việc một cách không cần thiết bởi phải gửi hồ sơ qua lại giữa hai văn phòng cách nhau quá xa. Do đó, Ngài Phạm Quỳnh đã ủy nhiệm cho tôi toàn quyền ký thay Ngài tất cả thư từ gửi tới lãnh đạo địa phương về mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của Tòa Khâm sứ, với điều kiện phải gửi Ngài một bản sao để Ngài nắm giữ được thông tin, giúp tránh tình trạng gửi đi các mệnh lệnh đối nghịch hoặc bị trùng lặp.

2.2. Mối quan hệ với Chính phủ An Nam

Tất cả viên chức làm việc tại Tòa Khâm sứ đều quen sử dụng tiếng Pháp, trong khi quan lại trong Kinh thành lại thích sử dụng tiếng An Nam và viết chữ Quốc ngữ. Sau khi tuyên bố độc lập, theo lẽ tự nhiên thì tất cả người dân An Nam đều thể hiện lòng yêu nước của mình bằng cách ủng hộ việc sử dụng Quốc ngữ làm ngôn ngữ chính thức. Nhưng trên thực tế, tất cả các biểu mẫu hành chính đều được in bằng tiếng Pháp, nên xét về điều kiện vật chất thì không thể thay thế toàn bộ biểu mẫu sang tiếng An Nam, đặc biệt trong giai đoạn thiếu thốn đủ thứ, hơn nữa nhiều thuật ngữ không thể dịch được sang tiếng An Nam mà không gây nhầm lẫn. Áp dụng một sự thay đổi như vậy là đi ngược lại nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng. Tất cả các phòng thuộc Tòa Khâm sứ tiếp tục làm việc bằng tiếng Pháp, nhưng ở bờ bên kia, người ta vẫn khăng khăng viết chữ Quốc ngữ.

2.3. Mong muốn hợp nhất hai cơ quan hành chính

Sự tồn tại song song của hai cơ quan hành chính mau chóng gây ra những hậu quả tai hại trong mọi lĩnh vực. Ngài Phạm Quỳnh và tôi cố gắng tránh các xung đột về quyền lực; đồng thời chúng tôi cũng hiểu rằng cần tiến hành hợp nhất hai cơ quan Chính phủ này sớm nhất có thể nhằm tập trung tất cả các hoạt động hành chính của đất nước về một phía. Luôn cẩn trọng để tránh gây xáo trộn, chúng tôi quyết định sẽ tiến hành hợp nhất một cách hệ thống theo từng văn phòng, từng Bộ, theo mức độ quan trọng và tính cấp bách của công việc. Ngoài ra, về lý thuyết, Chính phủ An Nam sẽ tiếp nhận các văn phòng khác nhau thuộc Tòa Khâm sứ vào từng Bộ tương ứng; nhưng trên thực tế thì với các viên chức giỏi của họ, chính các văn phòng này đã tạo nền móng để mỗi Bộ có thể mở rộng hoặc hình thành nên những bộ phận mới theo đòi hỏi của tình hình thực tiễn.

2.4. Khó khăn trong việc hợp nhất hai cơ quan hành chính

Thật ra, khi mỗi người chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu kế hoạch hợp nhất này, chúng tôi đã biết là có rất nhiều khó khăn. Vấn đề nan giải nhất nằm ở chỗ làm cách nào để phối hợp và thống nhất mức lương cơ bản cho các viên chức với sự khác biệt lớn giữa cán bộ người Pháp và cán bộ người An Nam. Giảm tiền lương và phụ cấp của người Pháp sẽ xâm phạm đến quyền của họ, còn nếu tăng lương cho người An Nam thì buộc phải tăng chi ngân sách. Các chuyên gia Phòng Tài chính đề xuất sử dụng khoản dự kiến hỗ trợ các viên chức Pháp trong ngân sách năm 1945 để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh lương.

Trong khi đó, toàn bộ Chính phủ Phạm Quỳnh đã phải từ chức để thành lập một Nội các mới có quy mô lớn hơn. Mọi vấn đề đều được gạt tạm qua một bên trong lúc chờ đợi Chính phủ mới. Tôi sẽ đề cập giải pháp của họ ở phần sau, khi tôi viết về các hoạt động của Chính phủ Trần Trọng Kim.■ (Còn nữa)

Đặng Quốc Long, Phạm Khánh Linh dịch

 

Chú thích:

[1] Điện Cần Chánh, nơi thường tiếp sứ bộ ngoại giao hoặc tổ chức yến tiệc của hoàng gia – ND.

[2] Lục Bộ, Cơ Mật viện bao gồm  6 vị Thượng thư – tương đương Bộ trưởng (ND).

[3] Nơi các đời Hoàng Đế triều Nguyễn và các vị quan “tứ trụ triều đình” thường bàn những việc hệ trọng của đất nước (ND).

[4] Tương đương Bộ trưởng Bộ Tài chính (ND).

[5] Tương đương Bộ trưởng Bộ Tư pháp (ND).

[6] Khâm sứ Pháp tại An Nam từ ngày 23/8/1944 – 9/3/1945, sau đó bị quân Nhật bắt giam đến ngày 24/8/1945 (ND).

[7] Edouart Delsalle, Thanh tra Trưởng các vấn đề hành chính và Abel Delsalle, Thanh tra trưởng Bảo An Đông Dương (ND).

[8] Người đứng đầu tỉnh (ND).

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN