Thời điểm của những sự thật: Trích hồi ký của tướng Navarre về Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu với bạn đọc 2 báo cáo của tướng Pháp Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, nhận định về trận Điện Biên Phủ, về Hiệp định Geneva và tình hình ở Đông Dương sau khi Pháp thua cay đắng tại Điện Biên Phủ đầu tháng 5/1954. Các báo cáo này trích từ hồi ký của Tướng Navarre, được Nguyễn Huy Cầu dịch trong cuốn sách “Thời điểm của những sự thật” do Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành năm 2004.

ĐIỆN NGÀY 30/5/1954 CỦA TƯỚNG NAVARRE GỬI VỂ PARIS

Điện này báo cáo tình hình đến ngày 30 tháng 5, ba tuần sau khi mất Điện Biên Phủ.

Đồng bằng: Việt Minh, không đợi tập hợp khối chủ lực cơ động tác chiến, đã có nỗ lực đặc biệt ở vùng Phủ Lý và một vài đồn bốt ở khu Nam. Lực lượng phòng thủ của chúng tôi ở Phủ Lý đã được tăng cường và chúng tôi đã tiến hành hai cuộc hành quân giải tỏa ở khu vực này.

Đoạn giao thông Hà Nội – Hải Phòng tương đối yên tĩnh, do sự có mặt của đại bộ phận lực lượng cơ động của chúng tôi.

Những cuộc thay quân và tập trung quân theo quyết định mới đây của Chính phủ đã được bắt đầu từ ngày 27 tháng 5 và được tiếp tục trong những điều kiện thuận lợi. Đã tăng cường cho đồng bằng hai binh đoàn cơ động lấy từ Lào về và hai tiểu đoàn dù mới tăng viện từ Pháp sang.

Bắc Lào: Có lúc người ta lo ngại một hoạt động có tính chất địa phương của Việt Minh đánh vào tuyến phòng thủ vòng ngoài của Mường Sài và Nậm Bạc, nhưng tình hình này đã sáng tỏ do việc phát hiện nhiều tiểu đoàn chủ lực đối phương đã chuyển quân lên phía Bắc. Tuy nhiên vẫn còn 3 tiểu đoàn – trong đó có 1 tiểu đoàn chính quy nhưng đã xộc xệch – ở gần Nậm Bạc và hình như đang tìm cách đánh đuổi Pháp ở đấy. Để rút binh đoàn cơ động số 7 khỏi Nam Lào, tôi đã điều từ phía Bắc về đấy phần lớn lực lượng TFEO (lực lượng Pháp ở Viễn Đông), ở phía Bắc chỉ còn 2 tiểu đoàn TFEO.

Các tướng Pháp (từ trái sang): Gilles, Navarre và Cogny tại Điện Biên Phủ ngày 29/11/1953. Nguồn: Gamma Keystone/Getty Images.

Trung Lào: Một lực lượng, chủ yếu là lục quân và các đơn vị Lào, đã được bố trí để làm tuyến ngăn chặn từ dãy đá vôi đến Na Phào. Khi nào việc phòng thủ tương đối ổn định, tôi nghĩ có thể rút nốt binh đoàn cơ động cuối cùng ở đấy để tùy theo tình hình, làm lực lượng dự bị hoặc điều về đồng bằng.

Nam Lào: Đối phương không có triệu chứng hoạt động lớn nên tôi có thể rút để điều về Bắc Bộ binh đoàn cơ động số 7 hiện đang làm nhiệm vụ bảo vệ đường số 13.

Campuchia: Nhân sự thụ động của Quân đội Hoàng gia, bộ đội đối phương đã có vài hoạt động, đặc biệt ở vùng biên giới giáp Lào.

Trên cao nguyên và khu vực Atlente: Tình hình không có gì thay đổi. Việc thay quân được chỉ thị tháng vừa rồi đã được tiến hành thuận lợi, và lợi dụng đối phương không hoạt động, tôi đã điều được về Trung phần Việt Nam một bộ phận TFEO hãy còn đang hành quân ở đây.

Trung phần Việt Nam: Việt Minh đánh mạnh ở khu vực Đà Nẵng, một trong những nơi quan trọng trong hệ thống phòng thủ hiện thời của chúng tôi. Khu vực Đồng Hới cũng bị uy hiếp, tôi đã điều tới đây binh đoàn cơ động số 10 lấy từ khu vực hành quân Atlante.

Nam Việt Nam: Hiện yên tĩnh, và tình trạng ruỗng nát tăng mạnh từ tháng 1 nay có vẻ ổn định dần. Đã có những thỏa ước được ký kết hoặc đang thương lượng giữa các thủ lĩnh giáo phái với chính phủ quốc gia. Tôi hy vọng nó sẽ dẫn đến sự sáp nhập quân giáo phái với quân chính phủ, do đó cho phép giải quyết phần nào vấn đề tuyển quân cho quân lực quốc gia hiện thời đã gần như bị đình lại.

Bộ đội Việt Minh dùng loa kêu gọi Pháp đầu hàng trong trận Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Gamma Keystone

Kết luận: Nỗ lực của đối phương giảm nhiều, trừ ở Trung phần Việt Nam có vài hoạt động mới.

Chưa rõ đối phương có mở tiến công quyết định hay không. Nếu có thì phải từ ngày 20 tháng 6 trở đi, ngày mà khối chủ lực tác chiến của Việt Minh từ Điện Biên Phủ trở về có thể sẵn sàng hành động. Trong trường hợp này, tương quan lực lượng và việc tập trung quân đang tiến hành của chúng tôi sẽ cho phép chúng tôi có thể yên tâm mà đương đầu với họ. Điểm yếu của chúng tôi là tinh thần của dân chúng và quân đội quốc gia đang bị giảm sút một cách đáng lo ngại do ảnh hưởng của Hội nghị Geneva và thêm vào đó là thất bại của chúng tôi ở Điện Biên Phủ.

Hình như Bộ chỉ huy Việt Minh chưa có quyết định về việc tiến công hay không. Điều đó còn tùy thuộc nhiều vào việc họ đánh giá sự quyết tâm của chúng tôi như thế nào.

Ký tên: Navarre

 ***

LỜI CHÚ VỀ NHỮNG HẬU QUẢ QUÂN SỰ CỦA HỘI NGHỊ GENEVA

Paris, ngày 11 tháng 6 năm 1955

Trong báo cáo tổng hợp và buổi trình bày ngày 20/5/1955 của tôi trước Ủy ban điều tra, tôi đã khẳng định quyết nghị của Hội nghị Berlin ngày 18/2/1954 – mà ông Cao ủy và tôi đều không được hỏi ý kiến quyết định sẽ mở một cuộc họp để thảo luận vấn đề hòa bình ở Đông Dương là một sự kiện tai hại, bởi nó đã làm cho tình hình quân sự mà cho đến lúc ấy chúng tôi gần như nắm trong tay đã bị rơi vào một ngõ cụt.

Những so sánh dưới dây giữa tình hình trước và sau ngày 18/2/1954 là những lý lẽ chứng minh cho lời khẳng định của tôi. 

Trước ngày 18/2/1954

– Sự phát triển của quân đội các Quốc gia liên kết và quân đội Việt Nam nói riêng, tuy không được như ý, nhưng cũng diễn ra tương đối bình thường (đánh giá hơi lạc quan của phái đoàn Pleven).

– Về tác chiến, tình hình chung là khá thuận lợi. Chúng tôi có thể hy vọng sẽ “thủ hòa” trong chiến cục 1953 – 1954 (kể cả chiến dịch Atlante). Tiến công của Việt Minh đứng lại trên các hướng phụ và có một số triệu chứng giảm xuống (Trung Lào). Tôi dự định sẽ phản công trên các mặt trận ấy (báo cáo của tôi ngày 25 tháng 2).

– Ở Điện Biên Phủ, gần như chắc chắn Việt Minh sẽ tiến công (vì ít nhất họ phải cố gắng giành được một thắng lợi để gây ảnh hưởng), nhưng họ chỉ có khả năng tiến hành một trận giao chiến trong thời gian ngắn. Thực vậy:

a. Theo tin tức rất đáng tin cậy, lượng đạn của họ mà chúng tôi đã nắm được số lượng khoảng chừng sẽ không tăng nữa (trong đó theo tin chắc chắn, lô hàng đạn pháo cuối cùng là loại đạn bảo quản xấu).

b. Chúng tôi biết Việt Minh ấn định mức thương vong cao nhất của họ là khoảng từ 6.000 đến 8.000.

c. Nhiều nguồn tin chắc chắn cho biết Việt Minh không có ý định giữ khối chủ lực tác chiến của họ trên Thượng du (Tây Bắc) quá ngoài tháng 5. Dù trường hợp thế nào, họ cũng không chuẩn bị để làm điều đó.

Quân và dân ta vận chuyển lương thực xuyên rừng cho trận Điện Biên Phủ, tháng 5/1954. Ảnh: Jean-Claude Labbe

Tình hình quân sự vậy là không xấu và ở Điện Biên Phủ, chúng tôi dự kiến trận đánh với niềm lạc quan.

Chúng tôi nghĩ rằng trận đánh này diễn ra sẽ khó khăn hơn so với Nà Sản. Có thể đối phương sẽ chiếm được một hoặc hai cụm cứ điểm, nhưng tổn thất về người và tiêu hao về đạn dược của họ sẽ nhanh chóng đạt tới mức cao nhất mà họ dự kiến. Ngay dù cho chúng tôi không khôi phục được những cụm cứ điểm đã mất thì họ không thể đánh chiếm được toàn bộ tập đoàn cứ điểm.

Vào giữa tháng 5 hoặc quá chút ít, đại bộ phận khối chủ lực tác chiến của Việt Minh sẽ phải rời khỏi Thượng du.

Lính Pháp cầm cờ trắng đầu hàng sau trận Điện Biên Phủ, tháng 5/1954. Ảnh: Jean-Claude Labbe

Sau ngày 18/2/1954

– Một nỗ lực tuyên truyền chưa từng thấy, gắn với Hội nghị Geneva và lấy nó làm chủ đề, đã được tiến hành đối với quân đội quốc gia Việt Nam (về vấn đề này, chúng tôi có một tài liệu mà tôi đã tóm tắt nội dung trong báo cáo tuyệt mật ngày 31/3). Kết quả là: ngừng tuyển quân, đào ngũ ồ ạt, từ chối đi chiến đấu và phá hoại trang bị, nhục mạ cán bộ người Pháp (có khi đi tới chỗ xâm phạm thân thể người Pháp). Từ đầu tháng 3, quân đội quốc gia Việt Nam bước vào tình trạng tan rã.

– Nhiều cuộc nghe điện đài địch (đáng tiếc là không giải mã được nên chỉ có thể phán đoán về ý định tác chiến của họ) cho chúng tôi biết rằng:

a. Có thể họ sẽ mở một cuộc tổng tiến công thực sự từ ngày 15/3 (việc này hình như được quyết định ngày 23/2), nhằm mục đích cải thiện “bản đồ chiến sự” của họ trước khi họp Hội nghị Geneva và đặc biệt nhằm “hỗ trợ cho mặt trận chính Điện Biên Phủ”. Tăng cường các hoạt động này có mục đích là “gây áp lực đối với hội nghị”.

b. “Mọi hoạt động còn tiếp diễn chừng nào hội nghị còn họp”, tức là “ít nhất cũng tới cuối tháng 7” và phải “vượt qua mọi khó khăn do mùa mưa gây ra” để cuộc chiến đấu không bị ngừng lại.

c. Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là cần thiết để “hỗ trợ” cho phái đoàn Việt Minh trong quá trình hội nghị.

– Về mặt trận Điện Biên Phủ:

a. Ngày 23/2 (5 ngày sau Hội nghị Berlin), Đại đoàn 308 bất thình lình rời Nậm Bạc trở về Điện Biên Phủ (ít nhất cho đến ngày này hành động ấy chưa được trù tính vì số người và đạn dự định tăng cường cho 308 đã quay trở lại).

b. Nhiều đơn vị bổ sung, lấy ở lực lượng dự trữ và lấy ngay ở cả quân địa phương của đồng bằng, được cấp tốc điều lên Điện Biên Phủ. Quân số lên tới 25.000 người, điều đó chỉ rõ mức thương vong mà Việt Minh quyết định chấp nhận.

c. Nhiều phương tiện mới vượt biên giới Trung – Việt: một trung đoàn cao xạ, hải tiểu đoàn pháo 105, những “dàn pháo hỏa tiễn Stalin”. Việc tổ chức trung đoàn cao xạ lúc nó vượt biên giới (với nhiều nhân viên sử dụng người Trung Quốc) chứng tỏ việc điều đơn vị này lên Điện Biên Phủ là được quyết định một cách đột ngột, hay ít ra là cũng sớm hơn dự định.

d. Nhịp độ tiếp tế đạn tăng mạnh mẽ (so với thời kỳ từ đầu tháng 12 đến đầu tháng 3, thì nhịp độ tiếp tế trong thời kỳ từ đầu tháng 3 đến ngày 7/5 gấp 3 – 4 lần). Súng đạn bây giờ được gửi thẳng từ Trung Quốc đến Tuần Giáo không cần có kế hoạch định trước (ngược hẳn lại với điều đã làm trước ngày 18/2). Xe cộ chạy suốt ngày đêm (thường bật đèn).

Đối với tôi, không nghi ngờ gì nữa là Hội nghị Geneva đã khiến viện trợ Trung Quốc tăng ồ ạt và Việt Minh quyết định phải giành lấy một thắng lợi dù phải trả bất cứ giá nào. Kết quả là chiến tranh được mở rộng, làm hư hại đến cục diện chung, giam chân quân lính ở khắp mọi nơi, và trong một chừng mực nào đó, thu hút tất cả lực lượng không quân chúng tôi, và làm thay đổi tính chất của trận Điện Biên Phủ.

Chúng tôi phải chịu đựng một trận đánh theo kiểu hao mòn, một trận đánh giúp cho Việt Minh giành thắng lợi, mà nếu đánh ngắn ngày thì họ không dám hy vọng thành công.

Khẳng định này, tôi đã phát biểu nhiều lần trong các thư từ và điện tín của tôi, ngay từ lúc mới bắt đầu cho đến suốt cả quá trình trận Điện Biên Phủ. Và nó chỉ càng được củng cố qua những tin tức tôi nhận được về sau.

Ký tên: Navarre

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN