Gặp các bà hoàng cuối triều Nguyễn

Trích hồi ký Lê Văn Hiến

Chiều ngày 30/8/1945, Vua Bảo Đại đọc Chiếu Thoái vị trước cửa Ngọ Môn ở Hoàng thành Huế, trao lại  ấn tín, quốc bảo của triều đình cho đại diện của Việt Minh, chính thức chấm dứt sự cai trị của Nhà Nguyễn và chế độ quân chủ ở Việt Nam. Đầu tháng 12 năm đó, ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ Lâm thời được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Đặc phái viên của Chính phủ ở Nam Trung bộ và Nam Bộ. Một trong các nhiệm vụ của chuyến công tác này là gặp gỡ các Hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn để chuyển lời thăm hỏi của Hồ Chủ tịch. Các cuộc gặp được kể lại trong hồi ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến, được Tạp chí Sông Hương trích đăng trong số tháng 6/1984. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc!

Gặp bà Nam Phương

Sáng ngày 10/12/1945, anh em cho biết bà Nam Phương mời tôi gặp bà 9 giờ hôm nay.

Đúng giờ hẹn, tôi và đồng chí Hải Triều (tức là đồng chí Nguyễn Khoa Văn) và một đồng chí nữa (tôi quên tên) đến cung An Định, chỗ ở của bà Từ Cung, mẹ Vĩnh Thụy, và bà Nam Phương.

Bà Nam Phương ra sân tiếp tôi và mời vào phòng khách. Phòng trang hoàng rất lịch sự và kiểu cách Âu châu. Nam Phương có tiếng là người lịch thiệp, tuy tuổi đã hơi cao, nhưng vẫn còn phong cách của một bà Hoàng có sắc đẹp nổi tiếng.

Gia đình Vua Bảo Đại – Hoàng hậu Nam Phương với Đức Từ Cung, mẹ của Vua. Ảnh: Flickr manhhai

Bà vừa rót nước trà mời khách, vừa tỏ lời hỏi thăm sức khỏe của tôi đi đường từ Hà Nội vào Huế thế nào? Tôi trả lời: “Cảm ơn bà, sức khỏe vẫn bình thường” và nói tiếp: “Trước khi đi vào đây, tôi có đến gặp Cố vấn[1] và thấy ngài vẫn khỏe mạnh”.

Khi tôi nói bà chú ý nghe một cách chăm chỉ, rồi tự nhiên bà xách ghế đến ngồi gần bên tôi và hình như bà muốn nghe lại lời tôi vừa nói. Tôi ngạc nhiên chưa hiểu ra sao thì rất may, đồng chí Hải Triều nhanh ý lại rỉ tai cho tôi biết bà nặng tai, phải nói to bà mới nghe được.

Tôi vừa nhắp cốc nước trà vừa nhắc lại rõ ràng từng câu lời tôi vừa mới nói. Bà cảm ơn, vui vẻ.

Từ đây bắt đầu vào câu chuyện chính.

– Thưa bà Cố vấn, tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy thác vào gặp bà nói lên lời hỏi thăm của Người về sức khỏe của bà và các con bà: Đồng thời Hồ Chủ tịch cũng có ý định mời bà và các cháu ra Hà Nội ở cùng với Cố vấn để cho gia đình đoàn tụ vui vẻ hơn cảnh như lâu nay mỗi người mỗi ngả. Chính phủ sẽ lo chu tất mọi việc cho ông bà[2].

Đầu tiên, khi nghe tôi nói Hồ Chủ tịch gửi lời hỏi thăm và chúc sức khỏe bà và các con, bà tỏ ý vui vẻ, phấn khởi hẳn lên. Đến khi nghe tôi nói ý định của Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội cùng ở với Cố vấn, bà có vẻ đăm đăm suy nghĩ. Thái độ như bàng hoàng không còn tự nhiên nữa.

Bà tiếp tục rót nước mời tôi và đồng chí Hải Triều. Một lúc sau, bà mới bắt đầu nói:

– Tôi xin nhờ ông Bộ trưởng báo cáo với Hồ Chủ tịch, tôi hết sức cảm động và vui sướng được cụ Chủ tịch gởi lời hỏi thăm sức khỏe mẹ con tôi, tôi xin vô cùng cảm tạ. Còn về ý định của Hồ Chủ tịch đưa mẹ con tôi ra Hà Nội cùng đoàn tụ với ông Cố vấn, tôi xin có ý kiến để trình lại với cụ Chủ tịch: Hiện nay ông Cố vấn một mình ở thủ đô Hà Nội, với phong cách và lối sống của ông, Nhà nước chu toàn cho đầy đủ cũng phải tốn kém lắm. Chính phủ vừa mới thành lập, trăm công nghìn việc, phải tốn kém bao nhiêu! Cần tránh những gánh nặng khác. Tôi và 4 con tôi trong này sống cũng tạm đủ. Với cuộc sống bình thường chúng tôi vẫn có khả năng tự lo liệu cũng được. Nếu mẹ con chúng tôi ra sống chung với ông Cố vấn, Nhà nước phải tốn kém gấp bội, tôi nghĩ như vậy là không đúng. Xin Hồ Chủ tịch cứ tạm để mẹ con chúng tôi tạm nương náu trong nầy, khi nào tình hình nước nhà ổn định và tốt dần lên, bấy giờ sẽ đặt vấn đề đoàn tụ của gia đình chúng tôi cũng chẳng muộn. Nhờ Bộ trưởng thưa lại với Hồ Chủ tịch hộ cho. Chúng tôi rất cảm ơn.

Bà Nam Phương thoái thác một cách khéo léo, lịch sự. Tuy thâm tâm của bà ra sao chưa được biết chắc chắn, nhưng cách lập luận của bà tỏ ra có lý vừa có nhân hậu. Thấy không có khả năng thuyết phục bà được nữa, tôi phải nhận sẽ báo cáo lại với Hồ Chủ tịch.

Nam Phương Hoàng hậu với các con tại Đà Lạt năm 1947. Ảnh: AAVH

Tưởng câu chuyện đến đây là xong, tôi uống hết cốc nước rồi đứng dậy định cáo từ bà ra về. Bà vội vàng giữ lại và nói: “Mời ông Bộ trưởng nán lại một chốc, tôi sẽ báo cáo với bà Từ Cung, Người sẽ vui lòng tiếp ông Bộ trưởng”. Nói xong bà vội vào nhà trong ngay.

Tôi hơi ngạc nhiên.

Đồng chí Hải Triều cho biết bà Từ Cung là vợ Khải Định, mẹ của Bảo Đại. Trong lúc tôi đang suy nghĩ sẽ tiếp xúc với bà Từ Cung như thế nào đây, thì bà Nam Phương từ nhà trong ra niềm nở mời chúng tôi vào.

Một căn phòng trang hoàng lộng lẫy, trang trí theo kiểu phong kiến phương Đông. Không có salon, chỉ một cái bàn dài chạm trổ, bóng nhoáng.

Bà Nam Phương mời tôi ngồi ghế bên phải, bà ngồi ghế bên trái.

Hai phút sau, nghe một tiếng soạt, cửa trướng từ từ mở, một bà trạc tuổi trên dưới 60, đầu chít khăn vàng, mặc áo thêu nhiều màu sắc, từ trong trướng bước ra lên thẳng trên một chiếc ghế để sẵn ở giữa giống như chiếc ngai sơn son thiếp vàng. Thấy bà Nam Phương đứng dậy, tôi cũng đứng dậy. Tôi không nhìn bà Từ Cung mà chỉ nhìn bà Nam Phương.

Sau khi bà Từ Cung ngồi, bà đưa tay mời chúng tôi ngồi.

Tôi lúng túng. “Ai sẽ bắt đầu câu chuyện đây. Bà Từ Cung chào tôi hay tôi chào bà trước? Chẳng lẽ tôi chào và nói thay mặt Hồ Chủ tịch đến thăm sức khỏe bà Khải Định? – Không thể được rồi”.

Thấy tôi chưa nói được lời gì, bà Nam Phương liền đứng dậy xin phép bà Từ Cung giới thiệu ông Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi công cán ở miền Nam, ghé thăm gia đình ông Cố vấn và đến chào bà Từ Cung.

Nhận thấy lời giới thiệu vừa khéo và đúng mức, tôi đứng lên tiếp lời.

– Được ủy nhiệm vào công cán trong nầy, trước khi ra đi, tôi có đến thăm Cố vấn, ngài luôn luôn khỏe mạnh và ngài có nhắn lời thăm gia đình. Tôi đã gặp bà Cố vấn và được bà giới thiệu đến thăm bà Từ Cung. Tôi xin tỏ lời chúc bà Từ Cung luôn luôn khỏe mạnh và trường thọ.

Bà Từ Cung nhếch miệng cười tỏ lời cảm ơn. Bà đưa tay mời dùng trà và hỏi:

– Ông Cố vấn làm việc có được Chủ tịch Hồ Chí Minh thương mến không?

Tôi trả lời: Quan hệ giữa Hồ Chủ tịch và Cố vấn luôn luôn tốt đẹp.

Hai bà đều tỏ ý vui mừng, và đều nói rất cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một lúc sau, bà Từ Cung đứng dậy cáo từ và ra lệnh cho bà Nam Phương tiếp tục tiếp tôi. Câu chuyện cũng tạm đủ, chúng tôi xin tạm biệt bà Nam Phương. Bà tiễn chúng tôi ra tận ngõ, tỏ ý vui vẻ hài lòng. Nhất là bà hài lòng về việc được giới thiệu tôi đến thăm và nói chuyện với bà Từ Cung trong lúc này.

Một vấn đề rất tế nhị mà tôi chưa nghĩ đến. Khi đến gặp bà Nam Phương, tôi không chú ý gặp bà Khải Định vì một lẽ dễ hiểu là không có nội dung gì để gặp. Một lẽ nữa, tôi với danh nghĩa được ủy thác của Hồ Chủ tịch và đại diện Chính phủ, tôi phải thận trọng trong tiếp xúc, không thể tiếp xúc tràn lan. Nhưng nghĩ lại, nếu tôi gặp bà Nam Phương xong rồi ra về không một câu hỏi thăm bà mẹ Cố vấn Vĩnh Thụy, mặc dầu bà ở cùng một nhà, thì rõ ràng đã có chỗ chưa chỉnh lắm, gây thắc mắc đối với bà Từ Cung. Bà Nam Phương đã nắm được tâm lý này, và với bản chất người lịch thiệp, nhạy cảm, đã chủ động giữ tôi lại một cách khôn khéo, thân hành tổ chức cuộc gặp gỡ giữa bà Từ Cung với tôi, tôi chỉ có tính chất hoàn toàn xã giao nhưng đối với bà Từ Cung rất có ý nghĩa.

Gặp bà Thành Thái và bà Duy Tân

Về trụ sở của Ủy ban Trung bộ, anh em cho biết đã tìm gặp được bà Thành Thái và bà Duy Tân. Hai bà hẹn chiều nay (10/12/1945) 15 giờ đến gặp tôi.

Đúng 15 giờ, hai bà cùng đến một lúc. Tôi ra chào hai bà từ ngoài cửa và mời vào phòng khách.

Hai bà hai mẫu người, có chỗ giống nhau mà có chỗ khác nhau rõ rệt. Giống nhau ở chỗ tư thế đàng hoàng, lịch sự, lễ độ phong kiến, cốt cách của vị Hoàng hậu trước đây. Khác nhau ở chỗ một bà – bà Thành Thái – vào trạc tuổi 60, ăn mặc trang nhã, nói năng lịch thiệp, cốt cách phong kiến nhưng thêm vẻ người tu hành thoát tục, bà đeo chuỗi hạt bồ đề trong người. Còn bà dâu – bà Duy Tân – trạc tuổi trên dưới 40, trang sức giản dị, vẫn còn giữ nét đẹp của thời trẻ, thời Hoàng hậu, nhưng trông bà khỏe mạnh đượm vẻ lam lũ của người thường xuyên lao động.

Tôi tiếp chuyện với hai bà, nhưng ngạc nhiên thấy rõ ràng hai phong cách đối xử với nhau cũng cách biệt tôn ti giữa bà mẹ chồng và nàng dâu, mặc dầu cả hai bà đều trải qua cương vị Hoàng hậu. Từ đầu đến cuối buổi chuyện, bà Thành Thái vì là cương vị mẹ đối với bà Duy Tân nên bà tiếp lời hết. Bà Duy Tân không nói lời nào, thỉnh thoảng bà hé miệng cười để tỏ ý đồng tình tán thưởng.

Vua Thành Thái năm 1904, ông tại vị từ năm 1889 đến 1907

Sau các lời trao đổi chào hỏi thông thường có tính cách xã giao, nghi lễ, tôi bắt đầu trình bày với hai bà:

– Thưa hai bà, tôi có nhiệm vụ đi công cán ở miền Nam. Trước khi đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh có ủy thác cho tôi đến đây tìm cho được hai bà để nói lên lời ân cần thăm hỏi của Người đối với hai bà và chúc hai bà dồi dào sức khỏe và trường thọ.

Nói đến đây, cả hai bà đều đứng dậy chắp tay vái vái vừa nói:

– Cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh! Cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Tôi nói tiếp:

– Người cũng nhắn thêm rằng từ ngày ông Thành Thái và ông Duy Tân vì lòng yêu nước, mong nước nhà tự do độc lập nên bị thực dân Pháp bắt đưa đi đầy các nơi xứ lạ, hai bà đều lâm vào cảnh lẻ loi, cô đơn đằng đẵng hàng mấy chục năm. Chắc hai bà có gặp nhiều khó khăn. Hồ Chủ tịch muốn báo để hai bà biết: Chính phủ Việt Nam từ nay sẽ trợ cấp cho hai bà hàng tháng mỗi bà 500 đồng để chi dùng trước thời buổi khó khăn này. Nếu hai bà thấy không có gì trở ngại mà vui lòng chấp thuận, tôi sẽ báo cáo với Hồ Chủ tịch để Người hài lòng.

Nghe xong, hai bà tỏ ra vô cùng xúc động, nghẹn ngào, không nói nên lời.

Ảnh chụp hai bà phi của Vua Thành Thái (1907), được cho là bà Nguyễn Thị Định – mẹ của Vua Duy Tân (phải), và Nguyễn Gia Thị Anh (trái).

Sau phút im lặng, bà Thành Thái với nét mặt cảm động bắt đầu nói:

– Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ, từ ngày chồng và con tôi vì lòng mong muốn cho nước nhà độc lập tự chủ, nên bị Pháp bắt đầy quê người đất khách, chúng tôi phải lâm vào cảnh sống lẻ loi, cô đơn không ai để ý. Ngay trong Hoàng tộc nhiều người cũng sợ phải liên lụy. Bản thân tôi phải nương nhờ cửa Phật lần lữa qua ngày. Không ngờ! Thật là không ngờ! Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới thành lập mấy tháng nay, quốc gia đại sự dồn dập, mà Cụ Chủ tịch đã nghĩ ngay đến chúng tôi, gửi lời thăm hỏi ân cần, lại còn gửi tặng cho tôi và dâu tôi, bà Duy Tân, một món trợ cấp hàng tháng rất hậu hĩ. Chúng tôi quả thật đứng trước một bất ngờ rất lớn! Rất cảm kích!

– Nghẹn ngào! Xúc động quá! Biết nói lời gì để xứng đáng với lòng chiếu cố của Người. Bây giờ xin thế này có được không? Trước nay tôi đi tu, từ nay về sau tôi vẫn tu. Buổi sáng và buổi tối, tôi thường tụng kinh niệm Phật. Kinh nhật tụng của tôi thường kết thúc bằng câu: “Cầu chúc Hoàng Triều vạn tuế, vạn vạn tuế!”. Giờ đây, thời thế đã thay đổi. Hồ Chủ tịch là lãnh tụ cao nhất và uy tín lớn nhất của quốc dân, để tỏ lòng biết ơn và quý mến Người, tôi sẽ sửa lại câu kết thúc kinh hằng ngày của tôi bằng câu: “Cầu chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn tuổi, muôn muôn tuổi!” Như vậy có được không?

Tôi trả lời: rất hoan nghênh ý nghĩ đẹp của bà.

Rồi bà nói tiếp:

– Nếu vậy thì nhờ Bộ trưởng báo cáo lên Hồ Chủ tịch chúng tôi vô cùng cảm tạ Người, và từ nay hàng ngày chúng tôi cầu mong Người sẽ sống, sống mãi với non sông đất nước.

Bà nói xong, xúc động quá, bà chớp chớp mắt hình như có chiều ngấn lệ. Tôi cũng rất cảm động, rót nước trà thêm mời hai bà.

Cuộc tiếp xúc xong, hai bà cáo từ ra về. Bà Thành Thái ra về trước. Tôi đưa bà ra tận xe. Bà Duy Tân ở nán lại vài phút. Cầm tay tôi, bà khóc nức nở, không nói ra lời. Cuối cùng bà tạm biệt với một câu ngắn gọn và chân thật:

– Ý nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng quá. Chúng tôi sống lẻ loi, cô đơn. Phải chịu đựng mấy chục năm nay với hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chỉ có Hồ Chủ tịch mới nghĩ đến chúng tôi. Xin cảm ơn Hồ Chủ tịch. Cảm ơn Bộ trưởng.

Rồi bà ra về. 

Cuộc gặp gỡ hai bà Thành Thái và Duy Tân có ý nghĩa rất tốt đẹp, đậm đà tình cảm, mang nội dung chính trị rõ nét. Các bà tin tưởng ở Hồ Chủ tịch, tin tưởng ở Chính phủ, không còn sống trong bầu không khí nơm nớp lo âu như trước nay.

Bà Thành Thái (Nguyễn Thị Định, bên trái) và con dâu – bà Duy Tân (Mai Thị Vàng)

Chỉ trong thời gian nửa năm, cục diện thay đổi nhiều lần và nhanh chóng. Thực dân Pháp bị đổ, Nhật với chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim nắm chính quyền, rồi lại bị đổ, Bảo Đại thoái vị, Chính phủ cách mạng ra đời với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà lúc ấy tên tuổi của người chưa được nhiều người biết.

Không phải chỉ có hai bà, cả Hoàng tộc, tôn thất nhà Nguyễn, con cái gia đình họ hàng các quan to của triều đình Huế trước đây đều lo âu chờ đợi, không biết rồi Chính phủ cách mạng sẽ đối đãi, xử trí thế nào đây.

Cử chỉ đẹp đẽ của Hồ Chủ tịch đối với gia đình Bảo Đại, với hai bà Thành Thái và Duy Tân, đã đánh tan bầu không khí lo sợ lâu nay. Tin hai bà được trợ cấp của Chính phủ và Hồ Chủ tịch lan ra nhanh chóng làm cho mọi người rất hoan hỉ và an tâm. Rõ ràng chính sách, cử chỉ của Hồ Chủ tịch rất tình lý, trong sáng, đi sâu vào lòng người, gây lên một hiệu quả chính trị rất rộng lớn mà mãi sau này vẫn chưa đánh giá hết.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

Chú thích:

[1] Tức Cựu hoàng Bảo Đại

[2] Ngày 1/12/1945, theo Sắc lệnh số 70 của Hồ Chủ tịch, đồng chí Lê Văn Hiến được cử làm đặc phái viên của Chính phủ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN