Thư của Hồ Chủ tịch trong ngày Thương binh

Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới bạn đọc chùm tư liệu tri ân các anh hùng, liệt sĩ và thương binh đã hi sinh thân thể, máu xương của mình vì độc lập dân tộc. Mở đầu là một đoạn trích trong bức thư của Hồ Chủ tịch gửi Ban Thường trực, Ban Tổ chức Thương binh Toàn quốc về công tác thương binh, đăng trên báo Lao động (1945 – 1953), số 63, ra ngày 26/7/1947. Tiếp đó là một phóng sự nhỏ đăng trên báo Sự thật, số 81, ngày 01/8/1947 của tác giả Hùng Phương, khi theo chân những người thương binh Vệ quốc trên mặt trận chống Pháp.

Thư của Hồ Chủ tịch trong ngày Thương binh

“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là những người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.

Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng với ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sĩ bị thương.

Tại Hội nghị Thanh niên Xã hội chủ nghĩa khu Việt Bắc, Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pồn bị mù cả hai mắt nhưng có nhiều sáng kiến cải tiến nông cụ (13/3/1960). Ảnh: Tư liệu

Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh. Nhưng tôi e trong lúc thi hành hăng hái thái quá. Vậy tôi xin đề nghị:

1. Hôm đó các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, các bộ đội trước mặt trận, những đồng bào đang đau ốm thì không nên nhịn. Còn các cơ quan, các bộ đội, các trường học, các tập thể, và toàn thể đồng bào, cá nhân đều nhịn ăn một bữa.

2. Đó là một việc nghĩa, mỗi người tự động làm, tuyệt đối không cưỡng bách.

3. Các làng, huyện, tỉnh, phủ phải thiết thực báo cáo kết quả lên Ban Thường trực toàn quốc. Nơi nào 100% nhân dân tham gia thì Ban Thường trực sẽ đăng báo khen. Kết quả cũng phải tập trung về Ban Thường trực toàn quốc để phân phối cho khắp.

4. Hôm đó tùy các giới, các tổ chức đều hăng hái tham gia, nhưng đặc biệt là đoàn thể phụ nữ, thanh niên và nhi đồng cần phải gia sức tuyên truyền, giải thích và giúp việc.

Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm sẻ áo của đồng bào ta, tôi chắc rằng ngày Thương binh sẽ có kết quả mỹ mãn.

Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng lại là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”.■

Thương binh vì nước, còn thân quản gì!”[1]

Hùng Phương

Qua một thị trấn đã phá hoại thành đất bằng, dọc theo con đường bờ ruộng nhỏ quanh co, tôi đến một nơi tạm trú của hơn hai chục anh em Vệ quốc quân bị thương vừa mới ở Quân y viện ra. Những bộ mặt xanh xao, gày gò đã cạn nhiều máu, ngơ ngác khi thấy tôi vào. Sau khi tôi đưa giấy giới thiệu là phái viên của nhà báo, anh Chính trị viên kính cẩn chào rồi ném ra một tiếng hô dõng dạc: “Nghỉ… Nghiêm!”. Tiếng nạng gỗ chạm nhau, tiếng động xô giường chiếu. Những người đương nằm vùng dậy. Tôi đứng lại, giơ tay chào và ra hiệu để anh em mệt nằm xuống.

“Nghỉ…” – Anh Chính trị viên, một vết sẹo còn đỏ vạch trên môi trái, mình mặc một bộ binh phục đã quá dãi dầu mà tôi không còn biết gọi là màu gì cho đúng.

– Các anh em mới về đây? – Tôi hỏi.

– Vâng, chúng em vừa ở Quân y viện C… ra. Trong số chúng em đây không phải ở cùng một mặt trận về. Có bốn anh ở mãi tận mặt trận Sơn La, Na Pê, biên giới Lào. Còn thì phần nhiều từ nội thành dồn ra. Đây, đồng chí An, người đã hai lần xung phong bám thành xe thiết giáp địch để ném lựu đạn vào trong. Và trong trận địch tấn công ô Cầu Giấy, anh đã bị moóc chê tiện một ống chân. Đây, đồng chí Lam trong trận giữ Việt Nam Học xá, bắnđến viên đạn cuối cùng. Lúc anh rút lui thì bị một viên đạn các bin xuyên qua hai bên má gãy năm chiếc răng. Má anh nay không còn lúm đồng tiền có duyên như trước nữa mà lũm hai vết sẹo rúm ró như hai chiếc rốn quả thị vẹo.

Một anh tay cụt đến khuỷu, nằm trên giường. Anh giơ khúc cánh tay còn sót lên, trùng trục như chiếc chày giã cua bằng thịt bám vào ngang vai, và khàn khàn ngâm:

“Tay bất cụt bất thành danh chiến sĩ,

Chân có què mới đáng Vệ Quốc quân

Có ai để nhắn vào dân:

Thương binh đâu phải là thân đã tàn”.

Hoan hô! Hoan hô! Căn nhà trở nên náo nhiệt. Tôi chăm chú hỏi và ghi. Anh em càng lại gần như muốn nó muốn nói ra nhiều, vì có lẽ ít có dịp nói, và không biết nói với ai. Nhìn trên nét mặt những kẻ hôm qua còn là những dũng sĩ xông pha nơi đạn lửa, vẫy vùng ngoài trận địa, coi nhẹ cái chết, hôm nay xa tiếng súng, lùi lại hậu phương, mang dấu vết của chiến đấu, của bệnh tật, của đau khổ, của hy sinh, tôi tự thấy hổ thẹn đã đến gặp anh em hơi muộn. Phải, anh em thương binh! Các anh đã đổ nhiều máu, các anh thật xứng đáng là những người lính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Gương dũng cảm, lòng hy sinh và nỗi đau khổ hiện nay của anh em phải được nói ra, nói ra cho hết cho dân tộc ta và thế giới cùng biết. Vì chính nó mới là tiếng nói thật của cuộc dân tộc kháng chiến mà chúng ta đang theo đuổi.

Trong số các thương binh được đưa về chăm sóc tại bệnh viện dã chiến trên chiến trường Điện Biên Phủ, nhiều người đã cụt tay, cụt chân, mù mắt… chịu thương tật vĩnh viễn. Ảnh: Tư liệu

Đã đến bữa cơm sáng. Mấy chị tiếp tế người địa phương gọn gàng giúp việc nấu nướng. Cơm bưng lên. Anh Chính trị viên mời tôi ở lại cùng ăn. Tôi không từ chối mà còn tự cho là vinh dự. Một hồi còi tập hợp. Anh em tản ra quanh các mâm cơm. Để ý nhìn, tôi thấy mâm nào cũng có vài anh gọi là còn chút khỏe lẫn với các anh em yếu. Anh chính trị viên hô anh em đứng nghiêm để một phút mặc niệm các bạn đồng ngũ và đồng bào đã bỏ mình trong cuộc kháng chiến. Rồi mọi người ngồi xuống bắt đầu ăn. Ngồi cạnh anh Chính trị viên, tôi hỏi thêm được nhiều chuyện lạ. Trong suốt bữa ăn, anh em chuyện trò rất vui.

Mấy anh bị cưa tay còn yếu, thản nhiên vừa nhai vừa chuyện, đợi từng thìa cơm của bạn ngồi bên xúc cho. Đặc biệt anh Án, người bị moóc chê tiện mất một chân ở trận Ô Cầu Giấy, ngồi lên hai miếng ống cây bương bổ đôi, bưng bát cơm, rung một đùi, xúc cho anh bạn cụt tay ngâm thơ lúc nãy. Anh đùa bạn, xúc thìa cơm giơ lên cao, hạ xuống thấp, trêu người bạn máu của anh phải ngẩng lên, cúi xuống theo đuổi thìa cơm. Và khi đã đúng đến mồm, bạn anh ngấu nghiến, tươi lên: “Vớ được Morlière rồi!”. Tất cả cười, đùa đủ đường ở trong cảnh đau thương, tàn tật. Họ kể cho nhau nghe hết chuyện này đến chuyện khác.

Nào hai anh bị đạn ở trận Vĩnh Tuy vào Quân y viện chưa khỏi cứ nằng nặc đòi trở về bộ đội. Bác sĩ ngăn lại. Hai anh thừa lúc trốn ra tìm về nơi bộ đội cũ thì bộ đội đã chuyển đi đâu không biết. Quần áo rách rưới, tiền ăn đường hết, các anh bơ vơ, đành chống gậy hát bài “con cá nó sống về nước” để cố lần mò đi tìm bộ đội thân yêu. Rồi địch đánh đến vùng đó, các anh chạy. Một anh hồi tỉnh thì thấy mình ở Quân y viện, còn anh kia không biết lạc vào đâu. Nào chuyện ba tráng sĩ nay thành ra “yếu sĩ” (hay “liệt sĩ” cũng vậy). Ở một Trung trạm kia, thấy trời nắng, cương quyết đem giặt quần, nằm trong nhà đắp chăn đợi khô. Vừa giặt xong thì báo động, máy bay đến, đành cứ quấn chăn quay trên giường với nhau, mặc cho số phận đẩy đưa. Máy bay đi, mưa đổ xuống, “yếu sĩ” bực mình chửi cả Tây lẫn mưa. Rồi đến chuyện phát điên, chuyện chiến sĩ khóc, chuyện chiến sĩ làm nũng… kể ra không hết.

Cơm nước vừa xong, tôi định hỏi anh Chính trị viên về phòng Thương binh với anh em thương binh. Chưa kịp hỏi thì trống tù và báo động đã nổi lên từ mấy làng xã, rồi càng ngày càng gần. Đã có tiếng súng nổ, và bắt đầu nổ liên tiếp. Anh Chính trị viên thổi còi tập hợp, ra lệnh cho anh em trong năm phút chuẩn bị xong để rời đi theo hướng đã định.

Họ đi như thế nào? Cả một cảnh thương tâm, rơi nước måt. Vai anh thất thểu gánh đồ đạc đi trước, rải rác theo sau từng đội cõng nhau, chống gậy dò dẫm trên đường bờ ruộng trơn, ướt. Súng địch nổ càng gần từ phía dưới sông lên. Họ loạng choạng ngã rồi lại dậy đi, rồi lại ngã. Một anh vừa chống nạng vừa vịn vai một anh ốm dở, trượt ngã xuống ruộng, kéo cả anh bạn ngã theo. Họ dỡ nhau dậy, rồi lại đi.

Súng vẫn nổ dữ dội. Anh Chính trị viên ở chậm lại, nhặt nhạnh nốt các thứ còn để sót. Anh mỉm cười bắt tay tôi và hẹn ngày tái ngộ rồi đuổi theo anh em. Tôi nhìn theo đoàn chiến sĩ bị thương càng xa dần.

Có ai để nhắn vào dân:

Thương binh vì nước, còn thân quản gì!.■

 

[1] Tiêu đề do BBT đặt

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN