Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng nói chuyện với công an viên

Năm 1946, Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện với công an viên tại Nha Cảnh sát Bắc bộ. Nội dung cuộc gặp từng được tường thuật lại trên báo Cứu Quốc, số 271, ngày 20/6/1946. Tạp chí Phương Đông xin trích đăng lại bài viết này để bạn đọc có thêm tư liệu về ngành an ninh nói riêng và công an nói chung, ở thời kì đầu của chính quyền cách mạng non trẻ.

Hà Nội, ngày 19/6/1946 – Hôm nay Huỳnh Bộ trưởng đi thăm mấy công sở. Buổi sáng, cụ đã tới Nha Thông tin tuyên truyền. Ở đây, cụ ân cần hỏi han các nhân viên trong Nha và nói đến sự hy sinh của anh em đã trải qua: lương ít, nhưng vẫn một lòng phụng sự Tổ quốc, để cùng toàn thể dân chúng theo đuổi mục đích là giành tự do cho dân tộc. Cụ khuyên anh em còn cần phải hy sinh hơn nữa, nghĩa là trước tình trạng nước nhà ngày nay, phải nỗ lực từng phút.

Sau đó, cụ sang Nha Công an Bắc bộ. Cụ đã được hai ông Giám đốc và Phó Giám đốc hướng dẫn đi thăm khắp mọi phòng làm việc. Cụ đột ngột nói một câu như thế này: “Rộng lớn thật! Ra trước đây thực dân họ coi trọng Sở Mật thám của họ một cách quá lắm!”.

Lúc vào thăm nơi nhà giam, cụ so sánh nơi đây với hồi Pháp thuộc. Cụ nói chuyện hồi cụ bị thực dân bắt nhốt tại nhà giam Côn Đảo. Nhà giam thì bẩn thỉu, làm gì có chiếu sạch sẽ như bây giờ. Rồi cụ đứng lại phòng phát thuốc đặt ngay trong trại giam, và sau khi được biết thêm ở đây còn có máy phát thanh và tủ sách cho các tội nhân xem giải trí, cụ tỏ vẻ rất vừa ý vì trong khi mọi thứ đều thiếu thốn cho mọi công dân mà ở nhà giam, các tội nhân được đầy đủ hơn cả những người sống tự do bên ngoài.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947) từng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1946 – 1947) và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giai đoạn từ 31/5 đến 21/10/1946). Ảnh: Tư liệu

Tới phòng căn cước, phòng thí nghiệm, phòng chụp dấu tay, so tự dạng, cụ đã được các viên chức chuyên môn giảng giải rất tỷ mỷ những việc làm theo khoa học trinh sát.

Sau hết, cụ ra đứng giữa sân nói chuyện một lát với các công an viên. Cụ vạch rõ ba điều chính mà ở tình trạng đặc biệt hiện thời của nước nhà, công an viên phải coi đó là những phận sự phải làm tròn: Công an viên phải cố nêu gương kỷ luật cho dân chúng theo; phải trọng quyền công dân của mọi người. Khi can thiệp tới hành động trái pháp luật của một người khác, phải nhìn thấy người đó chỉ có tội đối với Chính phủ. Ngoài ra, cần tránh mọi sự khiêu khích đối với người ngoại quốc để với thái độ của mình, dân chúng nhận định rõ hơn được thời cuộc. Và phải làm sao giữ cho tình thế khi Hồ Chủ tịch bước chân lên máy bay ở Gia Lâm thế nào, thì khi Cụ trở về nước vẫn không có chút gì thay đổi, có phương hại cho công cuộc tiến tới độc lập hoàn toàn.■

C.D.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN