Trong loạt bài tư liệu kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Tạp chí Phương Đông giới thiệu tới bạn đọc bản dịch phóng sự “Hanoi’s Red Masters Take Over” (Tạp chí LIFE số ra ngày 25/10/1954) của phóng viên ảnh người Mỹ Howard Sochurek, người đã có mặt ở Hà Nội vào thời điểm Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô. Chúng tôi giữ nguyên cách dùng từ thể hiện quan điểm của báo chí phương Tây thời đó để đảm bảo tính khách quan; các chú thích trong bài là của Ban Biên tập.
*
Tuần trước, 30.000 người lính Cộng sản đã tiến bước trên những đại lộ thênh thang của Hà Nội, sau 8 năm chiến đấu nơi rừng rậm Đông Dương trong một cuộc chiến đằng đẵng gian khổ. Họ trở về để khẳng định chiến thắng vang dội nhất của phe Cộng sản ở châu Á kể từ khi Cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc. Gương mặt khắc khổ và rõ vẻ choáng ngợp trước khung cảnh phố xá hiện đại, các chiến sĩ không tỏ ra quá hào hứng – trừ những lúc có người nước ngoài tiếp cận. Thế rồi, trước lời cổ vũ của các sĩ quan, họ bất chợt trở nên sôi nổi, giơ mũ cối màu xanh lên vẫy và nở nụ cười chiến thắng.
Khi quân Việt Minh tiến vào, lực lượng Pháp phải rời đi Hải Phòng, thành phố cảng cách thủ đô 50 dặm, nơi họ sẽ tiếp tục chiếm đóng thêm 7 tháng nữa. Trong bầu không khí căng thẳng nhưng trật tự này, việc tiếp quản Hà Nội dần dần, vốn đã được thống nhất tại Hội nghị Geneva tháng 7 vừa qua, cuối cùng cũng đã hoàn thành. Theo thỏa thuận đình chiến, 6000 cư dân Pháp của thành phố có 80 ngày để gói ghém đồ đạc, thu xếp công việc và rời đi. Tất cả bọn họ, chỉ trừ 50 người, đều làm như vậy.
Người dân Việt Nam được di chuyển và được cung cấp chỗ ở miễn phí trong lãnh thổ của Pháp phía dưới Vĩ tuyến 17. Khoảng 40.000 người đã ra đi. 300.000 người không chịu từ bỏ nhà cửa, trong số họ có những người phục tùng đứng trên phố để chào đón đoàn quân chiến thắng. Trông thấy họ, Việt Minh kịp thời huy động cả một đội tuyên truyền viên để tổ chức các hoạt động chào mừng tự phát và giăng đầy khẩu hiệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!” trên các tòa nhà.
Lá cờ hạ xuống, kết thúc một kỷ nguyên
Đối với những người lính Pháp vẫn còn cay đắng trước cảnh toàn bộ đồng bằng sông Hồng bị đem ra đổi chác và trao cho Cộng sản, những ngày cuối cùng ở Hà Nội tràn đầy các nghi thức hoài niệm. Một trung đoàn lính Ma-rốc chuyên nghiệp kiêu hãnh thực hiện buổi duyệt binh cuối cùng trên một đường băng ướt đẫm nước mưa ở vùng ngoại ô, tránh xa ánh mắt dòm ngó của người Việt. Tướng René Cogny, người đã phản đối việc cố thủ ngoan cường nhưng tai hại ở Điện Biên Phủ và rồi bị chính phủ của ông ta ngăn không cho gửi quân tiếp viện, công khai bày tỏ sự tức giận trước việc giao nộp toàn bộ tài sản của Pháp. Trong cử chỉ cuối cùng của một người lính, ông ta lái xe tới nghĩa trang của lính Pháp để tỏ lòng tri ân những người đã ngã xuống để bảo vệ đồng bằng[4]. Khi người Pháp giải tán các trụ sở của họ, 8 người lính Lê dương đã thổi một hồi kèn sầu thảm, và lá cờ Tam tài, vốn đã tung bay 68 năm qua ở Hà Nội, từ từ được hạ xuống. Hai ngày sau, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh thế chỗ của nó trên cột cờ.
Howard Sochurek
Thanh Trà (dịch)
Chú thích:
[1] Hoạt động tâm lý chiến của Mỹ và Pháp, kết hợp với những tin đồn, khiến nhiều người cho rằng nếu di cư vào Nam thì họ sẽ có cuộc sống tự do, tốt đẹp hơn.
[2] Đây là một trong những luận điểm tuyên truyền mà Mỹ sử dụng để cổ vũ người dân di cư vào Nam.
[3] Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
[4] Ý nói những người lính Pháp đã “bảo vệ” Đồng bằng sông Hồng khỏi lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.