Kỷ niệm ngày thành lập Quân giải phóng Việt Nam

Kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay, 22/12/1944 – 22/12/1947, đồng chí Trường Trinh, Tổng Bí thư Trung ương Đảng có bài viết “Kỷ niệm ngày thành lập Quân giải phóng Việt Nam” đăng trên Báo Sự thật – tiền thân của Báo Nhân dân ngày nay, số 88 ngày 19/12/1947. Tạp chí Phương Đông xin trân trọng gửi tới quý bạn đọc toàn văn bài viết của cố Tổng Bí thư Trường Trinh.    

Ngày 22/12/1944, ngày ra đời của Quân Giải phóng Việt Nam, một ngày vẻ vang của lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc.

Ngày ấy, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ chí Minh, những phần tử hăng hái nhất trong các tổ chức tự vệ ba tỉnh Cao, Bắc, Lạng họp lại thành Đội Tuyên truyền của Quân Giải phóng Việt Nam, tức là cái nhân đầu tiên của Quân đội quốc gia của ta ngày nay.

34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ảnh tư liệu

Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch vạch rõ cho chúng ta cuối năm 1944, thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã hết, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa đến; chính trị vẫn trọng hơn quân sự. Những tổ chức tự vệ thông thường không đủ nữa; phải tổ chức bộ đội tuyên truyền võ trang, lấy việc tuyên truyền khởi nghĩa làm mục đích, nhưng lấy tác chiến làm phương tiện; hay nói một cách khác, phải tuyên truyền cách mạng bằng những phương pháp thông thường và đặc biệt, nghĩa là có thể hạ đồn, cướp súng, giết giặc mà tuyên truyền.

Chỉ thị trên đây giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái thi hành. Đội quân giải phóng đã chính thức thành lập. Các tướng sĩ làm lễ tuyên thệ và đem quân xuất phát. Họ nhằm phương Nam đánh xuống. Trong vòng một tháng, họ đã hạ luôn được hai đồn nhỏ của địch: Phay Khắt và Nà ngần. Khi đánh đến Chợ Rã thì vừa gặp dịp quân Nhật làm đảo chính. Điều kiện vô cùng thuận tiện. Quân giải phóng đánh lan ra rất mau.

Trong khi ấy, bộ đội du kích do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy, cũng nổi lên đánh mạnh trong địa hạt Thái Nguyên và một phần Tuyên Quang. Ta đã biết đội quân này do cuộc võ trang khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9, tháng 10/1940) và do 8 tháng du kích Vũ Nhai (tháng 9/1941 – tháng 4/1942) đẻ ra. Nó nghiễm nhiên thành một bộ phận của Quân giải phóng Việt Nam từ tháng 4/1945, do quyết nghị của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc bộ.

Cuộc võ trang khởi nghĩa Bắc Sơn tháng 9, tháng 10/1940. Ảnh tư liệu

Sau chính biến 9/3/1945, Pháp đổ nhào, Nhật lúng túng vì bị Đồng minh phản công kịch liệt ở Thái Bình Dương, Đội Tuyên truyền của đồng chí Võ Nguyên Giáp và đội du kích của đồng chí Chu Văn Tấn phát triển rất nhanh chóng. Cả hai đội đều cướp thêm được nhiều võ khí của Pháp, Nhật và đóng một vai trò vô cùng trọng yếu trong việc thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh Bắc bộ và trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám.

Thật thế, tháng Tám năm 1945, Nhật hàng các nước Đồng minh. Quân giải phóng tức thời hạ các đồn Nhật, các thành phố trong Khu giải phóng và đánh tung ra ngoài Khu giải phóng. Đồng thời toàn quốc nhân dân nổi dậy, do các đội tự vệ chiến đấu các địa phương đi đầu. Cuộc tổng đình công chính trị đã nổ ra khắp nơi. Bảo an binh và cảnh binh nhiều tỉnh chạy sang hàng ngũ quân khởi nghĩa. Quân Nhật bị tê liệt hẳn. Nhiều nơi chúng bị ta giết và tước võ khí. Nhiều nơi khác do cuộc ngoại giao khôn khéo của ta, chúng đã trao súng lại cho ta và giữ thái độ trung lập đối với chính quyền dân chủ của ta. Chính quyền cách mạng của dân tộc ta thành lập suốt từ Nam ra Bắc.

Ngày 19/8/45, nhân dân giành được chính quyền ở Thủ đô. Ngày 29/8/1945, một đạo Quân giải phóng do tướng Quang Trung chỉ huy, từ chiến khu Việt Bắc kéo về Hà nội, giữa tiếng sấm vỗ tay và hoan hô của hàng vạn đồng bào.

Vài hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt binh tại quảng trường Nhà Hát lớn. Rồi những Đội tự vệ chiến đấu và Bảo an binh toàn quốc được chọn lọc và biên chế lại cho gia nhập đội Quân giải phóng Việt Nam.

Một tháng sau, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam ra lệnh đổi Quân giải phóng thành Vệ quốc quân tức Vệ quốc quân ngày nay.

22/12/1944 – 22/12/1947. Ba năm. Phải, mới ba năm. Quân đội quốc gia Việt Nam còn trẻ trung lắm. Nhưng đẻ ra trong quá trình cách mạng giải phóng dân tộc và được rèn luyện trong lò lửa kháng chiến, nó đã có nhiều đức tính cao quý và kỷ luật rất nghiêm. Thành phần của nó gồm đủ các hạng người trong xã hội ta, nhưng phần đông là công nông và tiểu tư sản thành thị. Từ các tầng lớp nhân dân vốn có năng lực sản xuất mọc ra, nó luôn luôn tự sản xuất một phần nào hay giúp đỡ đồng bào sản xuất. Đó là một đặc điểm của nó. Nó đánh giặc không phải chỉ bằng quân sự mà bằng chính trị nữa. Nó vừa đánh vừa chinh phục lấy sự đồng tình của quân lính địch hay làm tan rã tinh thần của chúng. Cấp chỉ huy và các đội viên của nó, trên dưới hòa hợp một lòng. Đi đến đâu, nó công tác chính trị trong nhân dân đến đó, cùng nhân dân đúc thành một khối ngăn cản quân địch. Nó thật xứng đáng là một đội quân cách mạng của dân tộc, của nhân dân. Tuy còn non trẻ, nhưng nó đã có thể sánh với những đạo quân cách mạng dưới thời Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung. Trận Sông Lô của  nó khác nào cái trận Bạch Đằng? Rồi đây, nó sẽ có những trận Chi Lăng, Đống Đa, Thăng Long nữa.

Ngày nay, nó xông pha giết giặc, đem xương máu bảo vệ nước nhà. Những tướng sĩ trung thành và gan dạ của nó thật chung đúc được những truyền thống vẻ vang của dân tộc và xứng đáng với lòng tin cậy, sự biết ơn của quốc dân.

Tuy nhiên, có phải nó đã hoàn toàn rồi không? Quyết không. Bên cạnh những ưu điểm, nó vẫn còn nhiều khuyết điểm mà nó không quên kiểm thảo thẳng thắn và nghiêm khắc. Ví như: Về chiến thuật, nó chưa giỏi đánh du kích. Về tinh thần, nó sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, nhưng kém xung phong (những trận đột kích như ở Thất khê ngày 30/7/1947 còn hiếm lắm). Về mặt võ khí và thông tin, tình báo nó còn kém địch. Nhưng nó luôn luôn có ý thức tự sửa chữa, tự bồi bổ. Đó là đặc tính của nó. Bắt nguồn trong các tầng lớp đông đảo của nhân dân, nó có một sức mạnh dồi dào vô địch, sức mạnh của quần chúng nhân dân.

Càng kháng chiến, nó càng lớn khỏe. Tinh thần nó đã cao hơn quân địch, lực lượng của nó cũng sẽ trội hơn địch. Vì chính nghĩa mà chiến đấu, nhất định nó sẽ thắng lợi. Và một ngày kia, nước Việt Nam chúng ta sẽ có một đội quân gồm đủ ba tính chất: Quần chúng, dân chủ và tối tân.■

TRƯỜNG CHINH

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN