Cơ hội trong xung đột thương mại Trung - Mỹ

Xung đột thương mại Trung – Mỹ ngày càng gia tăng, việc trả đũa giữa 2 bên về thuế XNK chưa biết khi nào có biểu hiện dừng lại.

Việt Nam là một nước có độ mở kinh tế khá sâu rộng; có mối quan hệ xuất nhập khẩu (XNK) với các nước, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu (XK) lớn của Việt Nam, với khoảng 1/5 kim ngạch; Việt Nam lại là thị trường nhập khẩu (NK) lớn từ Trung Quốc với ¼ kim ngạch NK hằng năm trong những năm gần đây.

Tổng quan sơ bộ có thể đánh giá ban đầu đó là xung đột này sẽ có tác động khó khăn, nhất là kinh tế thương mại. Khi hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế tăng lên khi vào thị trường Mỹ, chắc chắn sẽ tìm đường sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Ngược lại, những hàng hóa chất lượng cao, hàng hóa nông sản mà Mỹ có thế mạnh… khi Trung Quốc hạn chế NK vào thì chắc chắn sẽ tìm thị trường các nước, trong đó có Việt Nam đang thiếu những hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao, nguyên liệu để sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…

Nói tóm lại, 2 ông “khổng lồ” về sản xuất hàng hóa tiêu dùng và nguyên vật liệu cho sản xuất của thế giới sẽ coi Việt Nam là một thị trường XK đầy tiềm năng trước mắt cũng như trong tương lai. Đó là chưa kể một nhóm hàng hóa khác, Trung Quốc sẽ mượn thị trường Việt Nam, xuất xứ Việt Nam để xuất hàng sang Mỹ và các nước khác, tránh bớt những thiệt hại về thuế quan NK.

Xung đột thương mại Trung – Mỹ ngày càng gia tăng, việc trả đũa giữa 2 bên về thuế XNK chưa biết khi nào có biểu hiện dừng lại.

Mặt khác, khi sản xuất của Trung Quốc bị chậm lại, nguồn nguyên vật liệu đọng lại có xu hướng giảm giá là một thời cơ thuận lợi cho các nhà sản xuất nội địa Việt Nam đang nhập nguyên vật liệu của Trung Quốc. Một thuận lợi nữa là khi hàng hóa Trung Quốc bị hạn chế vào thị trường Mỹ, chúng ta phải tận dụng thời cơ để tăng quy mô XK vào thị trường Mỹ, nhất là những sản phẩm dệt may, da giày, thủy hải sản… Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế kinh tế một cách toàn diện, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho DN, tăng cường kiểm soát thị trường một cách hiệu quả, minh bạch, nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng và tạo niềm tin cho DN đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trước những tác động khó khăn của cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, nắm bắt những cơ hội có khả năng đến với chúng ta, dưới sự chỉ đạo của Chính Phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, chắc chắn Việt Nam sẽ kịp thời ứng phó với những tác động đó, góp phần vào việc phát triển kinh tế thương mại một cách hiệu quả và bền vững.

VŨ VINH PHÚ (CHUYÊN GIA KINH TẾ) – Báo Lao Động

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN