Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Không bên nào lùi bước

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ đạo nâng mức thuế xem xét đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 10% ban đầu lên 25%, Chính phủ Trung Quốc đã có động thái đáp trả khi thông báo kế hoạch áp thuế lên tới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD, đồng thời cảnh báo nước này có thể đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Nếu không đi tới một cuộc mặc cả lớn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ làm thế giới chao đảo.

Trung Quốc không có dấu hiệu thỏa hiệp

Quyết định trả đũa bất ngờ của Trung Quốc được đưa ra sau khi Chính phủ Mỹ ngày 11-7 tuyên bố sẽ áp thuế trừng phạt 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và tới ngày 2-8, Đại diện Thương mại Mỹ cho biết nước này có kế hoạch nâng mức thuế trừng phạt từ 10% lên 25%. Theo tờ Đa chiều có quan điểm thân Trung Quốc ngày 4-8, quyết định của Bắc Kinh phát đi 3 tín hiệu.

Thứ nhất, nhằm thể hiện thái độ trước khi trở lại bàn đàm phán với Mỹ về vấn đề thương mại, cho thấy Trung Quốc sẽ không đưa ra nhượng bộ hay thỏa hiệp lớn trong đàm phán. Từ khi Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc tới nay, Bắc Kinh luôn nói rằng không muốn chiến tranh thương mại, cũng không sợ chiến tranh thương mại. Nếu Mỹ khăng khăng tiến hành, Trung Quốc sẽ chiến đấu tới cùng.

Việc Trung Quốc có thái độ cứng rắn được thế giới bên ngoài nhìn nhận như một quân bài để đàm phán với Mỹ về vấn đề thương mại. Trên phương diện mở cửa thị trường, phía Trung Quốc cũng kiên trì bước đi của mình, không vì tranh chấp thương mại với Mỹ mà “loạn nhịp”.

Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc vừa có cuộc gặp bên lề AMM51 tại Singapore. Ảnh: Courier Express.

Tương tự, trong lần công bố danh sách hàng hóa Mỹ bị áp thuế trừng phạt lần này, Trung Quốc vẫn làm theo kế hoạch đã vạch ra, kiên trì thúc đẩy cải cách mở cửa, không vì Mỹ mà thay đổi và phải nhượng bộ lớn trong đàm phán thương mại.

Thứ hai, phía Trung Quốc muốn cảnh cáo nghiêm khắc Mỹ trước khi trở lại bàn đàm phán. Tháng 3-2018, Mỹ-Trung bắt đầu vòng đàm phán thương mại thứ ba, ngày 19-5 đưa ra tuyên bố chung ngừng chiến tranh thương mại. Nhưng không lâu sau, Mỹ đơn phương lật đổ kết quả đàm phán, ngày 15-6 tuyên bố sẽ áp thuế trừng phạt đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Việc Mỹ không giữ lời hứa đã khiến chiến tranh thương mại giữa hai nước leo thang nhanh chóng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố nước này mở rộng cửa cho đàm phán, nhưng phía Mỹ phải giữ lời hứa. Hiện nay có nhiều dấu hiệu cho thấy đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ trở lại quỹ đạo chính.

Thứ ba, Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa Mỹ nhưng biện pháp lựa chọn tương đối thận trọng. Tháng 6 vừa qua, phía Trung Quốc tuyên bố nước này đã chuẩn bị sẵn sàng, sẽ sử dụng tổng hợp các biện pháp, bao gồm cả biện pháp số lượng và biện pháp chất lượng. Bắc Kinh không vội vàng công bố biện pháp trả đũa mà đợi tới khi Mỹ nói sẽ nâng cao mức thuế trừng phạt.

Quyết định này ngoài việc thể hiện quyết tâm trả đũa Mỹ, còn cho thấy Bắc Kinh khá thận trọng trong lựa chọn biện pháp trả đũa. Từ đó có thể thấy nếu xét ở khía cạnh chất lượng, 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ bị Trung Quốc áp thuế trừng phạt với các mức khác nhau có tác động không hề kém 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế trừng phạt.

Cuộc chiến giữa đồng nhân dân tệ yếu với đồng USD?

Tờ Tinh đảo (Hong Kong) đưa tin, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ và đã đạt được thỏa thuận thuế quan với châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh mối đe dọa thuế quan với hàng hóa Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng những động thái này nằm trong nỗ lực của ông Trump nhằm giúp cho đảng Cộng hòa giữ được thế đa số trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. Khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến cuộc bầu cử giữa kỳ. Điều đó cũng thể hiện Tổng thống D.Trump đã tỏ rõ biết lắng nghe những lời kêu gọi của các lãnh đạo Cộng hòa tại Quốc hội khi họ bày tỏ lo lắng sẽ mất quyền kiểm soát ở Quốc hội nếu những chính sách hiện tại không chuyển hướng.

Từ dấu hiệu thuận lợi trên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng đây là thời điểm tốt để “tham chiến” với Trung Quốc. Việc “ngừng bắn” trong cuộc chiến thương mại với Liên minh châu Âu (EU) cũng có tác động đáng kể. Bắc Kinh sẽ khó có thể chống lại đòn thuế quan mới này bằng công cụ thuế quan tương ứng. Hiện tại, Bắc Kinh ngoài việc tuyên bố sẽ không lùi bước trong cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn chưa tiết lộ các biện pháp đối phó.

Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc gặp bên lề AMM51 tại Singapore. Ảnh: The State.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như cũng nhận thức rõ thế mạnh của mình trước các “ngón đòn” từ Mỹ. Tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 31-7 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định rằng, Chính phủ Trung Quốc sẽ củng cố nền kinh tế nửa cuối năm nay bằng chính sách kích thích chi tiêu, chính sách tiền tệ linh hoạt.

Do Trung Quốc duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) thấp so với giá trị thực đã khiến hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang các nước rẻ hơn, đồng thời làm cho hàng nhập khẩu từ Mỹ đắt hơn. Điều này khiến Nhà Trắng khẳng định rằng mức thuế suất 10% sẽ không hiệu quả.

Một số quan điểm cho rằng, sở dĩ Trung Quốc không có nhiều động thái để ngăn chặn sự suy giảm của đồng NDT là vì Bắc Kinh có chủ đích chiến lược trong việc làm suy yếu đồng tiền của mình, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ đòn thuế quan thương mại của Tổng thống Donald Trump với nền kinh tế Trung Quốc.

Một đồng NDT yếu sẽ giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc giành lợi thế, khiến hàng hóa nước này có mức giá rẻ hơn khi tính bằng đồng tiền của nước khác, đồng USD mạnh hơn và mức thuế suất cao của Mỹ làm cho hàng hóa Mỹ ít hấp dẫn hơn với người tiêu dùng Trung Quốc.

Trong khi đó, kể từ khi chiến tranh thương mại bùng nổ, thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục giảm kéo tăng trưởng kinh tế là tiêu dùng nội địa, công nghiệp và đầu tư của nước này giảm tốc. Trong một diễn biến mới nhất, Tập đoàn Chenxi có trụ sở ở tỉnh Sơn Đông vốn được coi là “vua đậu tương” của Trung Quốc đã nộp đơn xin phá sản vì không còn khả năng thanh toán nợ.

Một ví dụ cụ thể cho thấy sức ép khủng khiếp của Mỹ trước Trung Quốc. Chính vì vậy, cho đến gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách kiềm chế cuộc tranh chấp bằng cách đưa ra những nhượng bộ nhỏ.

Giới quan sát cho rằng, nếu Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT), phản ứng chung của các thị trường châu Á sẽ là “hoảng loạn”. Piyush Gupta, Giám đốc điều hành Ngân hàng DBS, cảnh báo rằng dù các khoản thuế mà Mỹ và Trung Quốc tung ra “chưa thực sự ảnh hưởng nhiều đến khối lượng thương mại hay giá cả hàng hóa”, song thách thức lớn nhất lại nằm ở những nguy cơ mà chưa ai dám chắc. Hướng đi của đồng NDT càng trở nên khó đoán nhất là sau động thái đe dọa áp thuế đối với số hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ mà Bắc Kinh đưa ra.

Cuộc chiến về thuế quan và tiền tệ giữa Mỹ – Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước trong khu vực.

Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người có mặt tại Singapore để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) và các hội nghị liên quan, đã hối thúc giới chức Mỹ “kiềm chế”, chỉ vài giờ sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng Tổng thống Trump đã ra lệnh tăng thuế đối với Trung Quốc để “buộc Trung Quốc phải thay đổi các chính sách và hành vi nguy hại của mình”.

Nhiều nhà quan sát khu vực cho rằng, sẽ là tốt hơn cho các nền kinh tế khu vực nếu Bắc Kinh khẳng định sẽ không hạ giá mạnh đồng NDT. Song, khi chưa có kết quả cụ thể, những lo ngại vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh nguy cơ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, đồng NDT được định giá thấp khiến giới chức các nước trong khu vực Đông Nam Á hay rộng hơn là toàn thế giới không khỏi lo ngại về việc sụt giảm số lượt du khách tới các quốc gia này do sức mua giảm.

Các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Singapore và Malaysia sẽ chịu những ảnh hưởng đáng kể. Singapore, một trong những nền kinh tế lệ thuộc thương mại nhiều nhất, đặc biệt chịu nhiều tác động do phần lớn hàng hóa xuất khẩu và tái xuất khẩu của quốc gia này là đến Trung Quốc.

Theo Tập đoàn Ngân hàng Nước ngoài Trung Quốc (Singapore), nếu tình hình giữ nguyên như hiện nay, chứ chưa nói đến việc Mỹ tăng thuế, tổng sản phẩm quốc nội của Singapore và nước láng giềng phía Bắc Malaysia cũng sẽ giảm tới 0,3%.

Những hậu quả với nền kinh tế toàn cầu

Có một thực tế là nếu những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bị đẩy lên một nấc thang mới, tình hình toàn cầu sẽ trở nên phức tạp bởi vị thế hiện tại của Trung Quốc đã nằm sâu trong các chuỗi giá trị toàn cầu, cụ thể là trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Các nhà máy công nghiệp của Trung Quốc sản xuất máy tính, các thiết bị điện tử và viễn thông cho tất cả các nhà sản xuất lớn của toàn cầu.

Theo ước tính của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), tới 80% sản phẩm có khả năng bị áp thuế là được sản xuất ở Trung Quốc bởi các công ty không phải của Trung Quốc, trong đó có các công ty từ Mỹ (chẳng hạn các sản phẩm được sản xuất cho Apple và nVidia), Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Đài Loan.

Các khoản thuế này cũng có thể tác động đến việc xuất khẩu các linh kiện từ các nước này đến Trung Quốc. Theo các nhóm ở Mỹ phản đối nghị trình theo chủ nghĩa bảo hộ của Trump, nếu các khoản thuế này được áp đặt, điều này sẽ làm tổn hại đến lợi thế cạnh tranh của các công ty công nghệ của Mỹ (vì họ sẽ mất quyền tiếp cận nền tảng sản xuất của mình ở Trung Quốc) và gây bất ổn cho các nền kinh tế của các đồng minh Mỹ ở Đông Á.

Cuộc chiến về thuế quan và tiền tệ giữa Mỹ – Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước trong khu vực.

Rõ ràng, cách làm của Mỹ là “con dao hai lưỡi”. Một số nhà bình luận và nhà sản xuất công nghệ cao tuyên bố rằng những thiệt hại tiềm tàng đối với nền kinh tế của Mỹ và các đồng minh của nước này sẽ là quá lớn.

Tranh chấp thương mại Trung-Mỹ được các chuyên gia đánh giá là một cuộc khủng hoảng trong quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ nhưng về bản chất nó là một cuộc khủng hoảng của cơ chế quản lý kinh tế toàn cầu. Tranh chấp thương mại Trung-Mỹ không chỉ là một bài kiểm tra cho quan hệ Trung-Mỹ mà còn là một phép thử đối với cơ chế quản lý kinh tế toàn cầu.

Còn theo ý kiến của một nhóm chuyên gia khác, thực chất cuộc tranh chấp này là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang triển khai một chiến lược mới ngăn chặn chính sách đầu tư của Trung Quốc mang tên “Vành đai và Con đường”. Sáng kiến Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ đưa ra đúng thời điểm này mang ý nghĩa chống lại sự ảnh hưởng toàn diện ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực này.

Một loạt câu hỏi đã được đặt ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang cận kề. Liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục tăng thuế chống lại Trung Quốc? Và khi bị dồn vào chân tường, nền kinh tế lớn nhất và nhiều ảnh hưởng nhất trong khu vực có dùng đến biện pháp hạ giá tiền tệ để trả đũa hay không?

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng bình luận: “Vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc chuẩn bị hạ giá đồng nội tệ để trả đũa các đòn tăng thuế ngày càng mạnh mẽ của Mỹ. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc đi tới cùng, một thảm họa sẽ trút xuống đầu các nền kinh tế khu vực”.

Bối cảnh này lý giải vì sao những ảnh hưởng có thể sẽ rất nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trở thành một trong những chủ đề bao trùm các hội nghị diễn ra tại Singapore. Chia sẻ với báo giới bên lề AMM 51 và các hội nghị liên quan, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nói rằng nguy cơ chiến tranh thương mại là “mối đe dọa thật sự đối với các quốc gia châu Á. Ông nhấn mạnh: “Mối đe dọa này khiến nhiều quốc gia cực kỳ lo ngại,… và nó đang ngày càng trở nên phức tạp hơn”.

Huyền Hoa Theo ANTG

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN