Cuộc Trường chinh mới: Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ

Khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại Hội nghị G20 vào tháng 6/2019, nhiều người hy vọng rằng họ sẽ đi đến một thỏa thuận nào đó nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng những hy vọng như vậy nhiều lần được khơi dậy rồi lại bị dập tắt kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu vào năm 2018.

Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn đặt câu hỏi rằng cuộc chiến này có thể kéo dài bao lâu. Nền kinh tế của hai quốc gia có mối quan hệ mật thiết với nhau đến nỗi nhà sử học Niall Ferguson đã đặt ra thuật ngữ “Chimerica” để mô tả chúng. Một cuộc chiến thương mại kéo dài hẳn sẽ gây tốn kém cho cả hai. Đó hẳn đã là một sự khích lệ đủ lớn để hai bên giải quyết những bất đồng giữa họ trước khi cuộc xung đột trở nên dữ dội hơn nữa.

Cho đến lúc này, điều đó vẫn chưa xảy ra. Sau đợt áp thuế và thuế trả đũa ban đầu đối với số hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của mỗi bên, Mỹ đã áp đặt mức thuế 10% đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu khác từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD vào tháng 9/2018. Để đáp trả, Trung Quốc đã đánh thuế từ 5%-10% đối với một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD. Kế đó, sau khi Trung Quốc rút lại các cam kết mà nước này đã đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại, Mỹ đã tăng thuế suất đối với danh mục hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD lên 25% vào tháng 5/2019. Trung Quốc đã làm theo khi tăng thuế suất đối với danh mục hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD lên tới 25%. Không chịu thua kém, Trump đã ra lệnh cho chính quyền chuẩn bị sẵn sàng để áp thuế mới đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu Mỹ làm như vậy, có thể dự đoán rằng Trung Quốc sẽ áp thuế đối với số hàng hóa còn lại trị giá khoảng 20 tỷ USD mà nước này nhập khẩu từ Mỹ.

Giống như các cuộc chiến tranh thực sự, chiến tranh thương mại có thể vượt quá tầm kiểm soát. Vào một thời điểm nào đó, những tính toán cẩn thận về phí tổn và lợi ích bắt đầu trở nên kém quan trọng hơn so với ban đầu. Một cuộc chiến thương mại có thể dễ dàng leo thang trở thành lực cản kinh tế đối với cả hai bên tham chiến. Hiện tại, cả Trung Quốc lẫn Mỹ dường như đều không quá quan tâm đến điều đó. Để hiểu được lý do tại sao, chúng ta cần xem xét quan điểm của mỗi bên về cuộc chiến thương mại này.

Quan điểm của Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại với Mỹ diễn ra vào thời điểm không mấy phù hợp. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu, Bắc Kinh đang xoay xở với việc chuyển đổi nền kinh tế của nước này từ chỗ dựa trên hoạt động đầu tư quy mô lớn và ngành sản xuất do xuất khẩu thúc đẩy sang một nền kinh tế mà ở đó tiêu dùng trong nước đóng vai trò lớn hơn. Cuộc chiến thương mại này chắc chắn đã làm phức tạp thêm tình hình. Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lý do để tin rằng họ có khả năng thắng thế trong một cuộc chiến thương mại chống lại Mỹ. Một cựu thứ trưởng của Trung Quốc thậm chí còn công khai khoe khoang những lý do đó.

Khả năng tiếp cận nguồn tài chính là một trong những tài sản lớn nhất trong kho vũ khí chiến tranh thương mại của Bắc Kinh, cho phép họ giảm nhẹ tác động của cuộc xung đột đối với nền kinh tế Trung Quốc. Theo thông tin mà các nhà bình luận Trung Quốc thường viện dẫn, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ngân hàng trung ương của nước này, nắm giữ khoảng 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Điều thậm chí còn quan trọng hơn là nợ chính phủ của Trung Quốc hiện chỉ ở mức 50% tổng sang phẩm quốc nội (GDP) (so với tỷ suất trên 100% của Mỹ và gần 240% của Nhật Bản). Điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh cảm thấy họ vẫn còn cơ hội vay thêm tiền. Và họ đã làm đúng như vậy. Tạm thời gạt sang một bên những nỗ lực kiềm chế nợ của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc, Bắc Kinh dự kiến sẽ cho phép họ phát hành chứng khoán nợ mới trị giá hơn 300 tỷ USD trong năm 2019, cao hơn 13% so với năm trước đó.

Chính phủ Trung Quốc cũng có thể chỉ đạo PBOC thúc đẩy thanh khoản tài chính như họ từng làm. PBOC có thể làm vậy theo cách trực tiếp là bơm tiền mặt, hoặc theo cách gián tiếp là hạ thấp mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng Trung Quốc (lượng tiền mà các ngân hàng Trung Quốc cần gửi ở PBOC). Trên thực tế, người ta đã phải viện tới cách tiếp cận trực tiếp vào tháng 5/2019. Sau khi chính phủ tiếp quản ngân hàng Baoshang, một nhà cho vay Trung Quốc đang gặp rắc rối, PBOC đã bơm 62 tỷ USD vào các thị trường tài chính của Trung Quốc và bơm thêm 72 tỷ USD nữa 2 tuần sau đó để xoa dịu các thị trường này. Trong năm trước đó, PBOC cũng đã 5 lần sử dụng phương pháp gián tiếp để thúc đẩy cho vay và tăng trưởng kinh tế. Và trong trường hợp điều đó không đem lại kết quả như mong muốn, thì Trung Quốc được cho là sẽ đặt ra hạn ngạch cho vay để buộc các ngân hàng nước này cho vay tiền.

Hơn nữa, Bắc Kinh đã cho thấy họ sẵn sàng can thiệp vào các thị trường bằng các cách thậm chí còn trực tiếp hơn nữa. Sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc vào năm 2015, chính phủ đã can thiệp nhằm chống đỡ giá cổ phiếu. Họ đã chỉ thị PBOC cung cấp tiền mặt cho các quỹ do chính phủ hỗ trợ. Sau đó, họ chỉ đạo các quỹ này, và thậm chí là một số công ty môi giới, mua cổ phiếu. Đến đầu năm 2016, Bắc Kinh đã đi xa đến mức cấm giao dịch hàng hóa kỳ hạn và chứng khoán phái sinh bằng cách tiến hành “điều mà theo lời phàn nàn của nhiều nhà quản lý quỹ là những chiến dịch đe dọa nhằm vào các thương nhân, cả trong lẫn ngoài nước”. Trong một số trường hợp, Chính phủ Trung Quốc đã mở các cuộc điều tra hình sự đối với các nhà quản lý bán khống cổ phiếu.

Tuy nhiên, có một đòn bẩy mà Bắc Kinh sở hữu nhưng do dự khi sử dụng, đó là giảm giá đồng nhân dân tệ. Mặc dù hành động này sẽ ngay lập tức thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, song nó cũng sẽ làm giảm bớt sức ép lạm phát mà thuế quan của Trung Quốc gây ra đối với nền kinh tế Mỹ. Tồi tệ hơn, nó sẽ phá vỡ “chốt chặn” tiền tệ không chính thức của Trung Quốc đối với đồng USD, đồng tiền mà tỷ giá của nó với đồng nhân dân tệ chưa bao giờ vượt quá mức 7 nhân dân tệ đổi 1 USD trong hơn 10 năm qua. Mặc dù đòn bẩy này về bản chất không có gì đặc biệt, nhưng việc phá vỡ nó sẽ cho thấy rằng các điều kiện kinh tế ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ đến mức Bắc Kinh không còn khả năng bảo vệ chốt chặn này nữa. Lịch sử đem lại sự chỉ dẫn về những gì có thể xảy ra tiếp theo. Trong vòng 1 tháng sau khi Trung Quốc giảm 2% giá trị đồng nhân dân tệ vào năm 2015, dự trữ ngoại hối của PBOC đã giảm gần 94 tỷ USD. Đến cuối năm đó, hơn 320 tỷ USD đã bị rút khỏi nguồn dự trữ của ngân hàng này; những kỳ vọng xuất hiện cùng lúc đó về một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn đã đẩy nhanh tốc độ của tiến trình này.

Mặc dù vậy, Bắc Kinh có thể tìm cách khiến Mỹ phải chịu các phí tổn kinh tế cao hơn. Hiệu quả của việc sử dụng biện pháp tăng thuế hơn nữa đối với hàng hóa Mỹ để đạt được mục đích đó là có hạn. Đó là vì giá trị hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc chỉ bằng 1/4 giá trị hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. (Quả thật, đó là điểm then chốt của cuộc chiến thương mại). Tuy vậy, Bắc Kinh có thể gây rắc rối cho các công ty Mỹ bằng cách làm chậm lại quá trình thông quan và phê duyệt giấy phép cho họ. Bắc Kinh thậm chí có thể cấm toàn bộ hoạt động của các công ty này ở Trung Quốc. Tuy nhiên, có khả năng bước đi đầu tiên của Bắc Kinh sẽ là hạn chế khách du lịch Trung Quốc đến Mỹ, vốn đem lại cho Mỹ tổng cộng hơn 30 tỷ USD mỗi năm. Đó là cách Trung Quốc trừng phạt Hàn Quốc vì nước này đã phớt lờ sự phản đối của Trung Quốc đối với việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ của mình vào năm 2017.

Một số người lập luận rằng PBOC có thể bán số trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 1.200 tỷ USD, vốn chiếm một phần lớn nguồn dự trữ ngoại hối của ngân hàng này. Việc này sẽ làm giảm giá các trái phiếu đó và đẩy lợi tức của chúng lên. Lãi suất của Mỹ do đó sẽ tăng cao hơn, gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ. Trong khi chiến lược như vậy là một lựa chọn rất thực tế cách đây 10 năm khi vốn dễ dàng chảy vào Trung Quốc, thì giờ đây nó không còn thực tế như trước nữa. Năm 2019, Trung Quốc đang trên đà thâm hụt tài khoản vãng lai. Nói cách khác, vốn đang chảy ra khỏi Trung Quốc. Mặc dù có thể tranh luận về việc liệu tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai của Trung Quốc mang tính cấu trúc hay chỉ là tạm thời, song chỉ riêng việc tình trạng này tồn tại thôi đã cho thấy việc đột ngột bán trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ kéo theo những rủi ro. Việc này có thể dẫn tới tình trạng thoái vốn hàng loạt khỏi Trung Quốc, do sự chênh lệch về lợi tức giữa nợ chính phủ Trung Quốc và nợ chính phủ Mỹ sẽ thu hẹp lại. Trong khi đó, khi xét tới lãi suất gần bằng 0 hoặc âm ở hầu hết các nước phát triển lớn, nhu cầu lợi tức toàn cầu có thể giải quyết ngay cả việc trái phiếu chính phủ Mỹ bán ra ồ ạt mà không gặp nhiều khó khăn, làm giảm nhẹ những tác động có hại nhất của hành động của Trung Quốc.

Những người khác đã đưa ra khả năng Bắc Kinh có thể hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm sang Mỹ, vì Trung Quốc hiện kiểm soát khoảng 90% hoạt động sản xuất mặt hàng này của thế giới. Những kim loại đó có ý nghĩa sống còn đối với nhiều thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại thông minh đến các hệ thống tên lửa dẫn đường. Nếu Bắc Kinh làm như vậy thì chắc hẳn đây không phải là lần đầu tiên. Năm 2010, Trung Quốc đưa ra hệ thống hạn ngạch cắt giảm tới 40% lượng kim loại đất hiếm xuất khẩu của nước này. Việc này đã đẩy giá các kim loại này tăng vọt trong 2 năm, khiến Mỹ đệ đơn phản đối lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Trong khi đó, cung cầu trên toàn cầu đã có sự điều chỉnh. Các nhà khai thác bên ngoài Trung Quốc đã sản xuất nhiều kim loại đất hiếm hơn, và các nhà sản xuất đồ điện tử bắt đầu sử dụng các kim loại thay thế. Vào thời điểm WTO đưa ra phán quyết có lợi cho Mỹ và Trung Quốc dỡ bỏ hạn ngạch xuất khẩu vào năm 2014, giá của hầu hết kim loại đất hiếm đã giảm xuống gần mức trước hạn ngạch. Dù một số công ty Mỹ chắc chắn đã chịu thiệt hại, song đã không có thảm họa nào giáng xuống đại đa số các công ty.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lẽ đơn giản tin rằng họ có khả năng cầm cự lâu hơn Mỹ. Chỉ vài ngày sau khi công bố đợt áp thuế mới nhất đối với Trung Quốc, Trump đã trì hoãn một phần trong kế hoạch áp thuế có liên quan tới phụ tùng ô tô sau khi một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ rằng ngành công nghiệp ô tô của Mỹ sẽ cần nhiều thời gian hơn để thích ứng với các mức thuế mới. Điều đó có thể cho Trung Quốc thấy rằng việc gia tăng sức ép kinh tế đối với Mỹ có thể khiến Trump phải chịu thua trước. Nhưng ngay cả khi ông không làm vậy, thì nhiệm kỳ tổng thống hiện tại của Trump cũng sẽ kết thúc vào đầu năm 2021. Nếu Trump không tái đắc cử, Tập Cận Bình có thể thương lượng với một vị tổng thống Mỹ mới, người mà có thể sẽ sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận có lợi hơn cho Trung Quốc.

Quan điểm của Mỹ

Trump không cư xử giống như hầu hết các chính trị gia Mỹ, bất luận điều đó là tốt hay xấu. Ông đã cho thấy mình sẵn sàng hy sinh vốn liếng chính trị ngắn hạn, thậm chí là lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ, để giành được tính cạnh tranh kinh tế lâu dài cho Mỹ. Ông dường như cũng chuẩn bị sẵn sàng để nền kinh tế Mỹ có thể đương đầu với một cuộc chiến thương mại. Trong năm đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông đã cắt giảm thuế, tạo lực đẩy cho nền kinh tế Mỹ mà phần lớn đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều đó đã giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục và làm gia tăng khả năng của nền kinh tế Mỹ trong việc hấp thụ các cú sốc tiêu cực.

Mặc dù Washington đôi khi cảm thấy họ có ít đòn bẩy kinh tế hơn Bắc Kinh, như Trump đã bày tỏ qua những dòng tweet của mình, song Mỹ có một số tài sản tự nhiên trong một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trong số chúng, trước hết phải kể đến việc nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn so với chiều ngược lại. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm 0,7% GDP của Mỹ, trong khi đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm tới 4,5% GDP của Trung Quốc. Trong khi phí tổn kinh tế dài hạn của một cuộc chiến thương mại có thể được phân bổ đều hơn, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây ước tính rằng trong ngắn hạn, cuộc chiến thương mại sẽ khiến tăng trưởng GDP của Mỹ sụt giảm ở mức khiếm tốn (0,3%-0,6%) nhưng lại khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc sụt giảm nhiều hơn (0,5%-1,5%).

Ngân hàng dự trữ liên bang – ngân hàng trung ương của Mỹ – là một tài sản có giá trị khác trong cuộc chiến thương mại. Trong khi các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ không thể trực tiếp chỉ đạo chính sách của ngân hàng này, nó phản ứng khá nhanh nhạy trước những thay đổi trong quỹ đạo của nền kinh tế Mỹ. Nếu Ngân hàng dự trữ liên bang nhận thấy cuộc chiến thương mại bắt đầu gây thiệt hại thực sự về kinh tế, thì có khả năng họ sẽ hạ thấp lãi suất ngắn hạn của Mỹ nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Ngân hàng dự trữ liên bang cũng tỏ ra sẵn sàng thực hiện các biện pháp tiền tệ cực đoan, bao gồm cả việc mở rộng bảng cân đối kế toán, để giúp nền kinh tế Mỹ nếu cần thiết. Với sức mạnh như vậy, Ngân hàng dự trữ liên bang có thể là một công cụ rất mạnh trong cuộc chiến thương mại. Nhưng cho đến nay, cơ quan này đã từ chối đóng một vai trò trực tiếp như vậy.

Đương nhiên, Chính phủ Mỹ không thiếu đòn bẩy có thể sử dụng để chống lại Trung Quốc. Một vài trong số này khá dễ đoán. Tháng 5/2019, Chính quyền Trump đã tiết lộ kế hoạch hỗ trợ 16 tỷ USD cho nông dân Mỹ khi các sản phẩm nông nghiệp của họ phải chịu mức thuế cao hơn do Trung Quốc đặt ra. Tuy nhiên, các đòn bẩy khác cũng đáng chú ý. Cũng trong tháng 5/2019, Washington đã cấm các công ty Mỹ làm ăn kinh doanh với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc. Điều đó có thể đã gây khó khăn cho Huawei. Không được quyền truy cập vào các ứng dụng Android của Google, các sản phẩm của Huawei sẽ kém cạnh tranh hơn rất nhiều. Và giờ đây, Chính phủ Mỹ được cho là đang xem xét việc đưa các công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen. Đương nhiên, Bắc Kinh có thể trả đũa theo cách tương tự. Nhưng hiện nay họ có ít mục tiêu hơn trước đây. Đó là vì Bắc Kinh đã chỉ đạo các công ty quốc doanh của Trung Quốc ngừng mua hàng từ các công ty lớn của Mỹ như Cisco, IBM và Oracle từ cách đây 5 năm.

Tuy vậy, không giống như Bắc Kinh, Washington hầu như không có lý do gì để tin rằng họ có thể cầm cự lâu hơn chế độ hiện tại của Trung Quốc, đặc biệt là sau khi triết lý chính trị của Tập Cận Bình được ghi vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2017. Tuy nhiên, Washington có thể hy vọng cầm cự lâu hơn “đường băng kinh tế” của Trung Quốc. Việc nền kinh tế Trung Quốc đang hạ nhiệt và những khoản nợ khổng lồ mà chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và ngày càng nhiều ngân hàng ở Trung Quốc đang phải gánh chịu có thể làm hạ nhiệt nền kinh tế một cách nhanh chóng hơn nữa là điều mà ai cũng biết. Hiện tại, niềm tin vào 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Trung Quốc như là phương kế cuối cùng đã giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng nếu gây đủ sức ép đối với nền kinh tế Trung Quốc và có đủ nhiên liệu cho nền kinh tế Mỹ, Washington có thể làm suy yếu nguồn dự trữ đó và đẩy Trung Quốc vào cái có thể là một phản ứng dây chuyền các thảm họa kinh tế.

Quan điểm nào đúng đắn hơn?

Với nhiều chiến lược chiến tranh thương mại đan xen như vậy, thật khó có thể nhận biết được quan điểm nào đúng đắn hơn. Một bảng tính điểm đơn giản đánh giá riêng biệt từng chiến lược sẽ không thể nắm bắt được cách mà tất cả những chiến lược này tương tác với nhau. Thay vào đó, việc theo dõi các thị trường, vốn có hiệu quả trong việc tổng hợp lượng thông tin khổng lồ, có thể là cách tốt nhất để biết được quan điểm nào thâu tóm tình hình hiện tại. Vì thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tương đối nông, nên thị trường tốt nhất để theo dõi có thể là thị trường tiền tệ, nhất là giao dịch bằng cặp tiền tệ là đồng nhân dân tệ và đồng USD. Mặc dù Trung Quốc hạn chế giao dịch bằng cặp tiền tệ này ở mức đã xác định trước, song đồng tiền của Trung Quốc có thể trôi nổi trong giới hạn đó. Và sự dao động của đồng tiền này có thể nói lên nhiều điều.

Nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm so với Mỹ, thì đồng nhân dân tệ tự nhiên sẽ yếu hơn so với đồng USD. Cuối cùng, nó sẽ vượt ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD, bất luận những gì Trung Quốc có thể làm để ngăn chặn điều đó. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là đồng nhân dân tệ mất giá như thế nào. Nó sẽ giảm giá một cách có trật tự hay hỗn loạn? Sự sụt giảm nhanh chóng sẽ cho thấy tình trạng mất niềm tin vào khả năng của Trung Quốc trong việc giữ cho nền kinh tế nước này vận hành đều đặn. Điều đó có thể báo trước những vấn đề lớn hơn đối với Trung Quốc, có thể bao gồm cả một cuộc khủng hoảng nợ hay dòng vốn chảy ồ ạt ra bên ngoài. Rốt cuộc, một đồng tiền giảm giá sẽ không thu hút được vốn. Tháng 5/2019, khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bùng phát, giá trị đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã giảm 2,5% chỉ trong hơn 1 tuần.

Cuộc trường chinh

Với việc mỗi bên tỏ ra khá thoải mái khi cho rằng họ có thể cầm cự lâu hơn đối thủ trong cuộc chiến thương mại, không bên nào có nhiều động lực để nhượng bộ vào lúc này. Do đó, việc Trung Quốc rút lại những cam kết mà họ đã đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại trước đó hầu như không gây ngạc nhiên. Trong khi đó, có lẽ Chính quyền Trump hầu như không cảm thấy sức ép khiến họ phải vội vàng tiến tới một thỏa thuận, nhất là nếu thỏa thuận đó không đáp ứng mục tiêu của họ.

Trái lại, điều gây ngạc nhiên là Trump hầu như không bị các đối thủ chính trị dường như rất kiên quyết trong đảng Dân chủ chỉ trích về cuộc chiến thương mại này. Cho đến nay, họ chỉ phê phán các chiến thuật của ông chứ không chỉ trích chính cuộc chiến này. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, một trong những chính trị gia cấp cao nhất của đảng Dân chủ, thậm chí còn lên tiếng khích lệ hành động của Trump. Trong khi điều đó có vẻ đáng chú ý, người ta cần nhớ rằng chính đảng Dân chủ mới là đảng có truyền thống ủng hộ các chính sách mang tính bảo hộ hơn. Quả thật, Trump gặp nhiều rắc rối hơn với các thành viên trong chính đảng Cộng hòa của ông, những người từ lâu đã ủng hộ thương mại tự do. Do vậy, ngay cả khi Bắc Kinh phải đối phó với một vị tổng thống Mỹ mới sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Mỹ, họ có thể sẽ không phải đối phó với một cách tiếp cận hoàn toàn mới, nhất là nếu các mức thuế của Chính quyền Trump đã đem lại những tiến triển.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có lẽ chỉ mới chứng kiến cái kết của sự khởi đầu và còn lâu mới chấm dứt. Tháng 5/2019, Tập Cận Bình phát biểu tại Trung Quốc rằng nước này đang ở trong “cuộc trường chinh mới”, đề cập tới chuyến hành trình nổi tiếng dài 4.000 dặm mà những người cộng sản Trung Quốc đã thực hiện để thoát khỏi kẻ thù vào những năm 1930. Tập Cận Bình có thể đã phát tín hiệu đến người nghe ở trong và ngoài nước rằng cuộc chiến thương mại có thể kéo dài. Nếu đúng như vậy, thì đối với Mỹ, việc chuẩn bị đối phó với thuế quan và những biến động kinh tế kéo dài sẽ là khôn ngoan. Tương tự, Tập Cận Bình cần đảm bảo rằng “cuộc trường chinh mới” của Trung Quốc do ông dẫn dắt sẽ không bị thất bại.

Felix K. Chang là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại, Mỹ (FPRI). Bài viết được đăng trên FPRI.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN