Đối đầu thương mại, Mỹ - Trung bước vào Chiến tranh Lạnh 2.0?

Một số chuyên gia cho rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh mới về kinh tế, có thể kéo dài dai dẳng sau nhiệm kỳ Trump.

Ngày 24/9, khoản thuế mới mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt lên hàng hóa xuất khẩu của nhau sẽ bắt đầu có hiệu lực. Với Mỹ sẽ là 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn với Trung Quốc là 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Cùng ngày, những tương tác quan trọng sẽ bắt đầu diễn ra ở New York, nơi cuộc họp hàng năm của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bắt đầu.

Tổng thống Donald Trump dường như tự tin Mỹ sẽ giành phần thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Song ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương, mọi người đang lờ mờ nhận thấy một thực tế u ám: Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh mới về kinh tế, cuộc chiến có thể kéo dài dai dẳng sau khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ, theo New York Times.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh tháng 11/2017. Ông Trump dường như tự tin rằng Mỹ sẽ giành phần thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Không ai muốn mất mặt

Lập trường của ông Trump đã khiến Bắc Kinh hoang mang, khó chịu, cảm thấy bị khiêu khích và quyết định trả đũa dù bị đe dọa thuế quan với gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Bắc Kinh cũng chủ động hủy chuyến đi Washington tuần này của Phó thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc.

Thế bế tắc về ngoại giao đang khiến nhiều người trong giới doanh nghiệp và chính sách cân nhắc khả năng Mỹ vướng vào cuộc chiến thương mại kéo dài và gây tổn thất nặng nề về kinh tế trong nhiều năm tới, và tự hỏi Mỹ sẽ được gì từ cuộc chiến này, nếu có.

“Chuyện này sẽ kéo dài”, tỷ phú Jack Ma, chủ tịch tập đoàn Alibaba, cảnh báo về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung trong một cuộc gặp với các nhà đầu tư tại Hàng Châu, Trung Quốc, hồi đầu tuần trước. “Nếu anh muốn phải giải pháp ngắn hạn thì không có đâu”.

Ông Kevin Rudd, cựu thủ tướng Australia và là chuyên gia về Trung Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng năm 2018 báo hiệu “khởi đầu của cuộc chiến hoàn toàn khác: cuộc chiến về thương mại, cuộc chiến về đầu tư và về công nghệ giữa hai siêu cường quốc trong thế kỷ 21, mà không biết đâu là điểm dừng”.

Những dấu hiệu về hệ lụy đã rõ ràng: Jack Ma rút lại cam kết tạo 1 triệu việc làm ở Mỹ. Tỷ phú Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã rằng “cam kết được đưa ra dựa trên tiền đề về quan hệ đối tác thân thiện và quan hệ thương mại hợp lý giữa Mỹ và Trung Quốc”, một tiền đề mà ông thấy giờ không còn tồn tại nữa. “Thương mại không phải là một thứ vũ khí”, ông nói.

Container hàng hóa từ Trung Quốc cập cảng Los Angeles, Mỹ, vào năm 2010. Ảnh: Reuters.

Theo New York Times, động thái “ăn miếng trả miếng” mới nhất khiến khả năng hai bên nhượng bộ càng trở nên mong manh, ít nhất là vào lúc này, khi cả hai đều không muốn đầu hàng và Trung Quốc cố duy trì lập trường cứng rắn, bất chấp nền kinh tế đã đi xuống, điều mà ông Trump rõ ràng xem là khởi đầu để để ép Bắc Kinh làm theo ý mình.

TT Trump đang ở thế thượng phong?

Các trợ lý cho ông Trump nói tổng thống tin rằng Mỹ đang ở thế tay trên so với Trung Quốc, với khả năng áp đặt thuế quan lên một lượng hàng hóa lớn hơn nhiều con số Trung Quốc có thể đáp trả vì Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Và trong khi việc đánh thuế không được lòng các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa, nông dân và các nhà sản xuất, cách tiếp cận về thương mại của ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ lớn trong nhóm cử tri bầu cho ông.

Phía Trung Quốc có lý do chính trị riêng để không đầu hàng. Đối với Chủ tịch Tập, việc nhượng bộ trước tổng thống Mỹ sẽ được coi là dấu hiệu của sự yếu đuối, theo các nhà phân tích.

Và họ không nhìn thấy dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng từ bỏ “Made in China 2025”, chương trình giúp Trung Quốc thống trị các ngành công nghệ cao như robot, trí tuệ nhân tạo…, vốn là lãnh địa của Mỹ và châu Âu. Ông Trump đã xác định đây là sáng kiến chính sách cần phải được ngăn chặn.

Sau nhiều tháng với các cuộc đụng độ bầm dập với chính quyền Trump, các quan chức Trung Quốc đã nhận ra họ sẽ cần phải thay đổi chính sách về thương mại và tiếp cận thị trường. Song các chuyên gia cho rằng ông Tập, cũng như ông Trump, không dễ gì đánh liều chấp nhận mất mặt bằng việc nhượng bộ trước áp lực của Mỹ.

“Trung Quốc cũng có chính trị”, ông Rudd nói. “Trong chính trị nội bộ Trung Quốc, toàn bộ khái niệm ‘rút lui’ và ‘thể diện’ vô cùng quan trọng như trong chính trị Mỹ”.

Các chuyên gia cho rằng ông Tập, cũng như ông Trump, không dễ gì đánh liều chấp nhận mất mặt bằng việc nhượng bộ đối phương. Ảnh: Getty.

Hình thế của cạnh tranh chiến lược

Hầu hết cảnh báo về sự manh nha của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới xuất phát từ Trung Quốc. Các nhà phân tích Trung Quốc nói Bắc Kinh đã điều chỉnh phản ứng với cuộc chiến thương mại khi căng thẳng ngày càng nóng lên, cảnh báo xung đột có thể leo thang.

“Trung Quốc đã thay đổi, từng coi đây chủ yếu là xung đột thương mại nhưng giờ coi đây là một phần trong cuộc cạnh tranh chiến lược”, South China Morning Post dẫn lời ông Vương Dũng, giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh. “Giờ Trung Quốc đang chuẩn bị cho trận chiến dài hơi, cũng như cho kịch bản tồi tệ nhất là cuộc Chiến tranh Lạnh mới, thậm chí là chiến tranh nóng”.

Theo chuyên gia Bùi Mẫn Hân, giáo sư tại Đại học Claremont McKenna, bất chấp những tuyên bố cứng rắn và mạnh mẽ (ông Tập cam kết sẽ “trả đũa”), giới lãnh đạo Trung Quốc chắc hẳn vô cùng lo lắng.

Sự đổ vỡ trong quan hệ Trung – Mỹ những năm qua, không nghi ngờ gì, là diễn biến gây tổn thất về chiến lược mà không nhiều người ở Bắc Kinh mong đợi. Đây là thực tế dù cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ năm 2010, nhất là việc bồi lấp đảo nhân tạo trên Biển Đông, là nguyên nhân cơ bản khiến mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới chuyển dần từ can dự sang đối đầu.

“Giờ đây đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập phải sớm quyết định làm thế nào để giảm nhẹ hậu quả bất lợi, không chỉ là từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, mà còn là từ cuộc cạnh tranh địa chiến lược Trung – Mỹ dài hơi mà có thể bùng nổ thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, ông Bùi viết trên Nikkei Asian Review.

Vị chuyên gia cho rằng một trong những quyết định khó khăn mà ông Tập phải đưa ra là có rút lại những chính sách đối ngoại đầy tham vọng và đắt đỏ của ông hay không. Trước khi quan hệ Mỹ – Trung rạn nứt và chiến tranh thương mại bùng nổ, ông Tập đã đưa ra hàng loạt sáng kiến nhằm thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách siêu cường toàn cầu.

Tham vọng đó bao gồm việc mở rộng viện trợ nước ngoài của Trung Quốc và Sáng kiến “Vành đai, Con đường”, chương trình toàn cầu trị giá 1 nghìn tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối Á – Âu – Phi. Vì kết quả gần như chắc chắn của cuộc chiến tranh thương mại kéo dài là sự suy giảm đáng kể về xuất khẩu và thu nhập ngoại hối của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ cần phải bảo tồn dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng tiền và duy trì cán cân thanh toán. Nói cách khác, Trung Quốc không còn có khả năng đổ tiền cho các dự án đối ngoại đắt đỏ như thế nữa.

Tuy nhiên, việc từ bỏ các dự án liên quan chặt chẽ với ông Tập sẽ là khó khăn đối với Trung Quốc. Về mặt chính trị, sự rút lui này sẽ khiến ông Tập mất thể diện nghiêm trọng. Thật khó tưởng tượng rằng những quan chức cấp dưới sẽ mạo hiểm sự nghiệp hoặc an ninh cá nhân của họ để đề xuất một chính sách như vậy, theo giáo sư Bùi.

Ông Tập nâng ly khi phát biểu tại tiệc chiêu đãi Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh tháng 5/2017. Việc từ bỏ các dự án liên quan chặt chẽ với ông Tập sẽ là khó khăn đối với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, việc tái định hình quan hệ chính trị và kinh tế Mỹ – Trung là điều mà các phe phái cả cánh tả lẫn cánh hữu ở Mỹ ủng hộ và đây là nguyên nhân khiến cuộc chiến thương mại trở nên trầm trọng, Financial Times nhận định.

Phe diều hâu trong chính quyền Trump, như Cố vấn Thương mại Peter Navarro và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, đang chơi một ván bài hoàn toàn khác. Họ tin rằng lợi ích quốc gia dài hạn của là tách khỏi Trung Quốc về mặt kinh tế.

Có rất nhiều người ở Lầu Năm Góc đồng ý với kế hoạch này. Nhiều người trong số họ sẽ vẫn ngồi ở các vị trí quyền lực rất lâu sau khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ. Họ có ưu tiên nghị sự khác nhau, nhưng đều xoay quanh quan điểm rằng Mỹ và Trung Quốc đang ở trong cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài, và kết quả là, chính sách thương mại và chính sách an ninh quốc gia của Mỹ không nên tách rời nữa.

Ông Kerry Brown, giám đốc Viện Trung Quốc Lau thuộc Đại học King ở London, gọi tình thế xung đột hiện tại là “cuộc đấu tranh tâm lý quy mô lớn” giữa hai cường quốc và cảnh báo cuộc chiến này chứa đầy nguy cơ. Bản thân Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong khi Mỹ quyết tâm duy trì vị thế siêu cường thống trị.

“Không có chuyện người Mỹ sẽ chấp nhận một thế giới mà Trung Quốc hay bất cứ ai khác là số 1”, ông Brown nói. “Điều chúng ta đang thấy là nỗ lực rất có tính toán của Mỹ nhằm làm chậm quá trình này và cố ứng phó với nó”.

Ông Trump phát biểu trước những người ủng hộ trong một sự kiện tại bang Virginia hồi tháng 8/2018. Ảnh: Reuters.

Trật tự kinh tế mới

Khi cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung lan rộng ra nhiều lĩnh vực, thậm chí có những lo lắng rằng căng thẳng thương mại về lâu dài có thể khiến viễn cảnh về một cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc là điều có thể xảy ra. Một câu hỏi được đặt ra ngay lúc này là: Liệu cuộc chiến thương mại sẽ kết thúc thế nào?

Ông Brown cũng như một số nhà phân tích khác không cho rằng Mỹ, Trung đang bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, viện dẫn sự phụ thuộc ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ cho rằng sự khác nhau cơ bản giữa Chiến tranh Lạnh Mỹ – Liên Xô trước đây và xung đột Mỹ – Trung hiện nay là: nền kinh tế Liên Xô hoàn toàn biệt lập, không liên quan đến nền kinh tế phương Tây do Mỹ dẫn dắt.

“Tôi không nghĩ chúng ta sẽ kết thúc với việc nước này chế ngự được nước kia”, ông Richard McGregor, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Lowy ở Australia, đánh giá trên Los Angeles Times.

“Tôi nghĩ chuyện này nghiêm trọng. Nó đa chiều và hoàn toàn có thể kéo dài trong vài thập kỷ nữa. Nhưng nó sẽ tệ đến thế nào? Tôi không nghĩ có ai đó nói về xung đột quân sự toàn diện hay thậm chí và tranh chấp quân sự lẻ tẻ”.

Nơi mà Washington và Bắc Kinh có thể đi đến trong thập kỷ tới là một thực tế phức tạp hơn nhiều, theo một ý kiến trên Atlantic. Mỹ và Trung Quốc đang cùng tạo ra một “vùng xám” vô định mới, không chỉ là sự chia rẽ kinh tế từng định hình quan hệ Mỹ – Liên Xô trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, mà còn là thoát ra khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ cao được nhìn thấy trong những năm đầu thế kỷ 21.

“Sự ủng hộ rộng rãi tại Mỹ dành cho lập trường cứng rắn hơn về kinh tế hơn với Bắc Kinh, bối cảnh chính trị trong nước phức tạp ở Trung Quốc, và nhận thức của cả hai về nhu cầu đa dạng hóa một cách lành mạnh quan hệ kinh tế, sẽ có thể tạo ra một loại quan hệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc, và từ đó, có thể hình thành nên bối cảnh mới cho trật tự thế giới”, tác giả Abigail Grace, nghiên cứu viên tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ giai đoạn 2016-2018, viết.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể đưa đến một trật tự thế giới mới về kinh tế. Ảnh: Getty.

Dù các thiết chế quan trọng, như Phòng Thương mại Mỹ, cho rằng thuế là công cụ không thích hợp để theo đuổi cuộc chiến thương mại, rõ ràng là việc thay đổi chính quyền sẽ không làm giảm đi đáng kể khao khát của Mỹ dành cho sự thay đổi có hệ thống trong quan hệ kinh tế. Nói cách khác, tranh chấp đã xảy ra và sẽ còn kéo dài sau nhiệm kỳ của ông Trump. Nhận thức truyền thống của cả hai đảng tại Mỹ, rằng đối thoại với Bắc Kinh có thể giúp thay đổi cách tiếp cận của Trung Quốc, đã bị phá vỡ.

Và một điều rõ ràng bây giờ là không còn đường để hai nước quay trở lại nguyên trạng.

Theo Zing News

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN