Khi nhắc đến Đại tá an ninh Nguyễn Tài (biệt danh Tư Trọng), chúng ta không thể không nhắc tới cuộc chiến đấu đầy cam go giữa ông với tình báo địch trong thời gian ông bị Mỹ ngụy bắt tại Sài Gòn. Nguyễn Tài từng bị giam giữ và tra tấn suốt gần 5 năm, từ cuối năm 1970 đến khi được bộ đội ta giải thoát trưa ngày 30/4/1975, nhưng ngay cả những tên điệp viên sừng sỏ nhất của CIA và của chính quyền miền Nam Việt Nam, với các kỹ thuật hỏi cung và tra tấn tinh vi cả về thể xác lẫn tâm lý, cũng không thể khuất phục được ông. Tạp chí Phương Đông trích giới thiệu với độc giả một phần trong cuốn hồi ký “Đối mặt với CIA” của đồng chí Nguyễn Tài, do Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành năm 2012, để bạn đọc cùng thấy được “tinh thần thép” của người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Sau khi tôi bị địch bắt, anh Ba Tâm gửi thư cho Hai T. là cán bộ Điệp báo ở trong nội thành Sài Gòn: Tìm Nguyễn Văn Lắm, bị bắt trên sông Cửu Long ngày 23/12/1970, hiện giam ở đâu để lo tiền chuộc. Đồng thời lại giao cho Hai T. tìm mối mua máy PRC.25[1].
Bọn tình báo trung ương ngụy cho là đường dây của Hậu cần quân Giải phóng, nên bố trí bắt vụ mua máy PRC.25. Không ngờ bắt được Hai T. Chúng khám nhà, thì bắt được thư nói trên của anh Ba Tâm, mà Hai T. chưa hủy.
Nên tuy bọn Mỹ làm trắc nghiệm đã bị tôi đánh lừa; nhưng bọn tình báo ngụy thì khẳng định tôi là cán bộ An ninh, chứ không phải của Cục Nghiên cứu.
Còn tôi vẫn nhận là Đại úy Nguyễn Văn Hợp, thuộc Cục Nghiên cứu miền Bắc; mới vào Nam thì bị bắt.
*
Tôi vẫn chờ bọn chúng tra tấn. Nên lúc đó đi tiêu chảy nhiều máu, tôi cũng chẳng báo xin thuốc. Chúng tiếp tục cho người đến chụp ảnh tôi.
Hồi đó, tôi thường bị cảm. Nên tôi nghĩ là vì thế bọn chúng còn để tôi yên.
Khoảng cuối tháng 4 hay đầu tháng 5/1971, một hôm thằng Mập đến nói:
– Lúc này anh bệnh quá, nên cấp chỉ huy tôi cho phép anh ban ngày được mở cửa xà lim cho thoáng, chỉ khóa trưa và đêm; ban ngày anh được phép ra cửa phòng đi lại tập thể dục.
Tuy nó nói thế, nhưng tôi lại thấy các cửa nhỏ ở các xà lim khác đều bị gắn bìa, chỉ có một lỗ nhỏ; tôi thấy ngay, đây lại là một màn nhận diện mới. Nên vẫn chú ý quan sát.
Một hôm thằng Mập hỏi:
– Anh đọc được tiểu thuyết Pháp không?
Tôi nghĩ bình phong Nguyễn Văn Hợp, nói là đi Pháp, nên chúng muốn kiểm tra đây.
Bèn đáp:
– Tôi đọc được chữ Pháp như chữ Việt.
Y đưa cho mượn một cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp, loại không xấu lắm. Y nói:
– Ngoài này có bàn ghế, Anh có thể ra ngoài ngồi đọc.
Sân trong nhà lồng rộng; thấy có bàn và ghế kê ở giữa.
Tôi cảnh giác: Ngồi đó anh em nào nhận diện, tưởng mình đã đầu hàng, chịu chúng mua chuộc, thì vừa xấu cho mình, vừa hại cho anh em thêm dao động. Cho nên, tôi luôn luôn ngồi ở bậu cửa của phòng giam, để ai thấy cũng biết tôi vẫn là tù.
Nó bảo có thể mặc quần áo dài – mà tù binh nào cũng được phát để mặc lúc đi cung – nhưng tôi cứ quần đùi áo thun, để cho anh em nào thấy khỏi hiểu lầm.
Bỗng một chiều, thằng Mập nhỏ đến hỏi:
– Anh đọc tiểu thuyết tiền chiến, tôi cho anh mượn.
Rồi nó đưa cho tôi mượn cuốn “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan. Tôi làm bộ bình thường. Nó hỏi:
– Anh có đọc văn Nguyễn Công Hoan không?
Tôi ngầm đoán nó có dụng ý gì đây, nên đáp:
– Đi học có đọc.
Sau đó vài hôm, nó lại đưa truyện của Lê Văn Trương.
Rồi, nó đưa cuốn “Nhà văn hiện đại”- nghiên cứu phê bình của Vũ Ngọc Phan – trong đó có in ảnh của cha tôi. Tôi càng thấy rõ dụng ý nó muốn xem mình phản ứng ra sao. Tôi đọc bình thường, từ đầu đến cuối. Nhìn ảnh cha tôi, tôi tự hứa không làm tổn hại gì cho Đảng cũng như cho danh dự gia đình.
Trong cuốn này, có đoạn trích “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, tả hai mẹ con nhường khoai cho nhau trước khi đứa con bị đem bán. Đọc đến đoạn này, tôi càng xúc động; rồi tìm cách học thuộc lòng cả đoạn đối thoại tuy ngắn nhưng đầy ý nghĩa. Làm như vậy để tiếp tục hun đúc cho mình tình giai cấp, trách nhiệm đấu tranh. Nhiều lúc đọc mà tôi rưng rưng nước mắt. Thằng địch có ác ý của nó; nhưng không dè nó lại giúp thêm cho tôi vũ khí tinh thần.
*
Một hôm, tụi gác bầy chuyện đánh bài Tây ở bàn kê sát cửa phòng giam tôi. Rồi một thằng hỏi:
– Bên các anh có chơi bài loại này không?
Với bình phong là Đại úy Hợp và coi như đã xong cung, nên tôi làm ra bộ thoải mái, trả lời:
– Chúng tôi có đánh, nhưng khác cách ở đây các ông đang chơi.
Chúng nó yêu cầu tôi chỉ dẫn, đưa một ghế cho tôi rồi tụi nó quây quanh xem. Tôi đánh tú lơ khơ. Chúng nó pha trà mời uống, đưa kẹo; tôi không ăn, chỉ uống nước.
Dở chừng, thằng Mập đi ngang nói:
– Vui quá nhỉ, ông nào chi tiền đây?
Tôi đoán có thể có người đứng xem bí mật, nhưng chẳng có hại gì.
Một chiều, tụi nó bày cờ tướng. Đánh chán với nhau, hỏi tôi:
– Anh biết cờ tướng không?
– Biết, mà đánh kém thôi – tôi đáp.
Chúng rủ tôi đánh cờ. Tôi từ chối. Tên gác đến dẹp sách, bảo tôi đánh cờ.
Tôi đoán chúng có dụng ý. Nhưng mình coi như cung xong, thì nên đàng hoàng. Nên tôi chọn thế ngồi quay lưng ra phía có các chỗ mà chúng đã có thể bố trí người nhận diện. Đánh một ván thua, một ván được.
Tôi kêu đã đến giờ được đi tắm; vậy cho tôi đi tắm. Tắm xong, tôi vào phòng nằm đọc tiếp sách. Bọn chúng không làm sao được, bèn cho một thằng vào thu sách, ép tôi ra đánh nữa.
Lần này chúng chiếm sẵn chỗ; buộc tôi phải ngồi quay mặt ra.
Vừa đánh vài nước cờ, cửa ra vào bỗng mở toang. Một thằng đẩy cửa vào, đèn chụp ảnh lóe sáng. Tôi cau mặt, bỏ bàn cờ trở về phòng giam.
Lúc ấy, tôi nghĩ là chúng định chụp ảnh bêu xấu tôi. Thấy bọn chúng đã bắt tôi trong tay, mà phải làm kiểu tầm thường đó. Nhưng cũng bực mình đã bị hớ.
Chiều tối, thằng Mập nhỏ đến gác. Nó gợi chuyện, thấy tôi đi lại trong phòng, bèn hỏi:
– Thần kinh anh căng thẳng phải không?
– Bắt người ta trong tay mà phải chụp ảnh lén tầm thường quá – tôi đáp.
Trưa hôm sau. Mọi ngày không cho tắm trưa. Vậy mà hôm đó thằng Ba mở cửa bảo đi tắm. Xong y đưa dao cạo bảo cạo râu; đưa lược chải đầu. Lát sau, y đưa áo quần pyjama (loại nó phát cho tù binh) bảo mặc. Và nói:
– Hôm nay “ông sếp” ở đây muốn gặp anh.
Một lát, y đến đưa băng keo dán mắt, rồi đeo kính đen ra ngoài, không còng tay. Dắt tôi đi.
Qua sân, tôi ngỡ chúng đưa vào cái phòng lạnh mọi lần. Mà không phải. Đưa đi qua như thể một hành lang, đi ngang thấy mùi thuốc bệnh viện nồng nặc, tôi không hiểu là chỗ nào (sau tôi đoán hay là chỗ làm kỹ thuật về hóa của chúng).
Đi ngang thì nghe một thằng nói “coi chừng thấy hết cả bây giờ”.
Đến chân một cầu thang, có ánh sáng rõ.
Bỗng, thấy dẫn quay trở lại về phòng giam. Mở băng mắt. Thằng gác bảo tôi chờ.
Độ nửa giờ sau, lại làm như cũ. Và dẫn đi.
Lên hết thang gác, đến hành lang lầu, đi thẳng đụng một cửa phòng.
Vào. Tụi chúng gỡ mắt. Và xin lỗi: “Đây là bất đắc dĩ phải dùng biện pháp đó”.
Tôi thấy mình đang đứng trong một phòng làm việc loại sang trọng, có một bàn giấy. “Thằng làm phách” ngồi đó. Tủ rất nhiều sách. Rèm vải xanh. Cạnh đó có một bộ sa-lông loại đắt tiền. Trước bàn giấy có hai ghế bành da.
Tôi đứng nguyên. “Thằng làm phách” nói:
– Mời Đại tá ngồi.
Tôi làm bộ ngơ ngác:
– Chắc ông cho gọi lầm người. Tôi là đại úy Hợp.
Y nói:
– Ông cứ ngồi, rồi ông sẽ hiểu.
Tôi ngồi. Y nói rất dài. Cùng lúc nói, y có các hành động sau đây.
Trước hết, y đưa một tấm ảnh chụp cha tôi, phóng to, xem ra là chụp lại ở báo nước ngoài. Nó hỏi:
– Ông biết ai đây?
Tôi đáp:
– Tôi không biết.
Y đưa một tấm ảnh chụp đông người, trong đó có anh Trường Chinh, anh Văn, anh Việt, anh Thanh, anh Cả, anh Thọ, và chú Lương tôi (tấm hình này có lẽ chụp ở Việt Bắc, trước hồi anh Thọ đi vào Nam thời kháng chiến chống Pháp).
Y hỏi:
– Ông biết ai?
Tôi đáp:
– Tôi không biết,
Y nói:
– Có Trường Chinh mà ông không biết ư? Có cả chú ông nữa.
Rồi y nói một tràng, nào là:
– Chúng tôi để ông nghỉ cả tháng nay, còn chúng tôi rất bận.
Nào là:
– Chúng tôi biết ông là Đại tá Nguyễn Công Tài. Người trong ảnh là cha ông, ông Nguyễn Công Hoan. Và người khác trong ảnh là ông Lê Văn Lương, chú ông. Riêng về ông, chúng tôi đã chụp ảnh và cho trộn lẫn cùng với hàng 60 tấm ảnh khác (nó đưa 2 tấm bìa dán đầy ảnh cùng cỡ), và ít nhất có 20 người đã nhận ra ông. Chiều qua, khi ông đánh cờ, có người kêu tên Tư Trọng, thì ông hoảng hốt, chúng tôi đã ghi được bằng ảnh (y đưa ảnh và đọc báo cáo của mấy thằng gác).
Tôi trả lời luôn:
– Các ông nhầm, tôi không nghe gì, mặt tôi khó chịu vì thấy các ông đã giam giữ tôi, mà còn phải chụp lén.
Y nói:
– Chúng tôi đã cho người đi hết Côn Sơn, Phú Quốc, Tân Hiệp, gặp tất cả những người đã biết ông; đã gặp cả người quen với thân nhân của ông từ hồi ông còn nhỏ. Chúng tôi biết ông là ai. Nên chúng tôi phải làm cẩn thận, để ông không xem thường chúng tôi.
Y tiếp:
– Tôi đọc để ông nghe lý lịch của ông. Tên ông là Nguyễn Công Tài, tức Tư Trọng, Ba Sáng, Tư Duy. Ông đã từng làm Trưởng ty Công an Hà Nội, Hải Dương hồi kháng Pháp. Sau 1954, ông làm Vụ trưởng Bảo vệ Chính trị Bộ công an. Ông đã đi cùng cụ Hồ Chí Minh ra nước ngoài. Ông vào Nam làm Trưởng ban An ninh Sài Gòn và là Ủy viên Ban An ninh R, Ủy viên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn. (Nghe y đọc, tôi thấy chúng không hiểu sâu. Vì tên thật của tôi là Nguyễn Tài Đông; khi tham gia cách mạng tôi dùng chữ đệm làm tên; nhiều người cứ tưởng nhầm và gán cho tôi tên là Nguyễn Công Tài. Tôi cũng thấy chúng nói bậy, vì hai địa phương Hà Nội và Hải Dương không có liên quan gì với nhau).
Y đọc một số đoạn lời khai cung của một số người.
Xong, nó hỏi:
– Ông biết Hai Lâm không? (Tôi giật mình: Ban An ninh Phân khu 2 quanh Sài Gòn có anh Hai Lâm, đã họp với tôi nhiều lần).
Nhưng tôi bình thản đáp:
– Tôi không biết.
Y đọc tiếp:
– Hai Lâm ở ngoài Trung nghe nói anh Tài đã vào Nam, nay là Ủy viên An ninh R, nên viết thư thăm (tôi nghĩ trong bụng: Vậy không phải Hai Lâm Phân khu 2; nhưng không rõ là ai đây).
Rồi y đọc một đoạn khác:
– Ông ấy hỏi thăm thị xã Mỹ Tho có chỗ trọ không? Tôi đoán chắc ông này sắp họp Thành ủy gì đây, nên hỏi đường đi.
Nghe đến đây, tôi đoán ngay là thằng Tám Bo, Quận ủy viên Liên quận 2/4 đã phản. Về việc đó, tôi có hỏi nó xen vào công việc, trước khi tôi bị bắt không lâu. Vậy chỉ thằng đó mới biết tôi là Thường vụ Thành ủy; và bí danh Tư Duy tôi chỉ dùng với các liên quận mà tôi phụ trách.
Y nói tiếp:
– Chúng tôi muốn nói để ông rõ, chúng tôi muốn trao đổi một số tù binh đặc biệt; đổi ông lấy mấy đại tá tình báo của chúng tôi. Việc này sẽ giao dịch thẳng với Bộ Công an Bắc Việt, không qua ngoại giao ở Paris. Tôi có thể để cho ông được viết về Bộ Công an Bắc Việt, chúng tôi điện và lấy trả lời cho ông. Cho nên, chúng tôi yêu cầu ông nhận tên, chức vụ, phương vụ của ông trong Mặt trận để chúng tôi tiện trao đổi tù binh. Vậy thôi. Ông là người lớn, chúng tôi nói chuyện thẳng. Chúng tôi sẽ đối xử tử tế. Còn đối với Đại úy Hợp, thì xin nói để ông rõ, chúng tôi sẽ dùng mọi biện pháp.
Để nó nói hết, tôi mới nói đại ý:
– Các ông nhầm người. Trên đời có nhiều người giống nhau. Tôi xin nói một điều nhầm của ông: Tôi có 4 con, mà bản của ông đọc lại nói tôi có 3 con. Tôi xin nhắc lại để ông rõ: Tôi là Đại úy Nguyễn Văn Hợp, thuộc Cục Nghiên cứu.
Đôi co mãi. Nó tóm lại:
– Thôi, ông về nên suy nghĩ. Rồi ông sẽ trả lời tôi.
Cuối cùng nó nhắc lại lời đe dọa.
Trở về phòng giam, tôi thấy như vậy là tung tích đã bị lộ. Khi bảo dẫn đi, tên Kiệt ra bộ bảo bọn gác săn sóc chu đáo.
Ngày hôm sau, bỗng dưng chúng cho ăn cơm bầy trong một cái mâm có rau muống (chắc nó nghiên cứu tâm lý người Bắc); và ngoài hai bữa cơm, buổi sáng cho ăn lót dạ.
Thỉnh thoảng thằng Mập vẫn đến gợi chuyện. Dụ tôi nên nhận đi. Nó nói:
– Nghe nói anh bệnh quá, cấp trên tôi rất muốn đưa anh đi trị bệnh hoặc ở Nhật hoặc ở một nước khác, hoặc vào bệnh viện Mỹ dành cho cấp tướng.
Tôi đáp:
– Nếu tôi được tự do, thì các bệnh viện ở Hà Nội đủ sức trị bệnh cho tôi.
Vài bữa sau, tên Kiệt cho dẫn tôi lên cái phòng lạnh (đã ngủ mấy đêm trước).
Y hỏi:
– Ông đã nghĩ kỹ chưa? Nếu ông xác nhận, mà không muốn về Bắc, thì chúng tôi sẵn sàng cấp cho ông 20 triệu và một biệt thự ở Thụy Sĩ để sống lưu vong ở đó.
Tôi trả lời:
– Tôi là Đại úy Hợp, các ông nhầm người. Tôi sống và chết trên mảnh đất Việt Nam, không nhận tiền và lưu vong đi đâu cả.
Y lại nhắc chuyện trao đổi tù binh, và cũng nhắc chuyện đi chữa bệnh ở nước ngoài. Tôi từ chối. Y đe nếu tôi không nhận tên thật, thì bắt buộc chúng phải cho đàn em của tôi đến vạch mặt tôi.
Mấy hôm sau, tôi lại bị gọi lên.
Vẫn như cũ. Tôi cũng thấy cần biết những ai đã phản, trong số người sẽ đến để nhận diện tôi.
Bữa tên Kiệt gặp tôi tại phòng làm việc, nó nói hôm đó 19 tháng 5. Đến bây giờ có lẽ đã là cuối tháng 5 năm 1971.
Sau hai lần dụ dỗ thất bại, một hôm chúng dẫn tôi lên phòng lạnh.
Ở đó, thằng Kiệt ngồi sẵn. Có một người mặc pyjama tù binh ngồi gần bàn. Một ghế trống cho tôi ngồi.
Người này, mặt phù thũng, tỏ ra ở tù đã lâu. Nhìn mặt, tôi mới nhớ: À, ra là thằng Tiên; cán bộ Công an khu 5 tập kết; và đã là cán bộ trong Cục Bảo vệ chính trị Bộ Công an, thời kỳ tôi làm Cục trưởng. Y đi Nam khoảng năm 1962, làm Điệp báo.
Thằng Kiệt gọi tên Tiên là Hai Lâm. Tôi mới biết ra đây là Hai Lâm, người đã khai về tôi.
Thằng Tiên nói:
– Tôi đã làm việc dưới quyền ông Tài ở Cục Bảo vệ Chính trị ngoài Bắc. Khi nghe tin ông Tài vào Nam công tác, có gửi thư thăm. Ông Tài là Ủy viên Ban An ninh R, trực tiếp phụ trách An ninh Sài Gòn.
Tôi nói:
– Tôi không quen người này, tôi là Đại úy Nguyễn Văn Hợp, thuộc Cục Nghiên cứu.
Thằng Kiệt hò hét, bỏ ra một lúc.
Tôi nhìn thằng Tiên trừng trừng, nó không dám nói gì; đưa mắt nhìn lên trần nhà, tỏ vẻ sợ sệt có người quan sát.
Thằng Kiệt bắt thằng Mập mang máy ghi âm đến, buộc tôi thề, không phải là Nguyễn Tài, Cục trưởng Bảo vệ Chính trị. Tôi không hiểu chúng nghĩ sao, mà bắt người Cộng sản thề như vậy, thật buồn cười.
Tôi nói:
– Với đầy đủ tinh thần trách nhiệm của tôi, tôi xin thề không phải là Đại tá Tài, mà chỉ là Đại úy Hợp.
Nó không chịu chữ “tinh thần trách nhiệm” mà bắt đổi ra câu “đặt tay trên đầu cha mẹ vợ con”. Tôi cũng nói như vậy cho xong.
Không đạt kết quả, nó cho thằng Tiên ra; và dẫn một người khác vào…
[lược bỏ một đoạn kể về những kẻ phản bội vào nhận diện]
*
Bọn phản bội đến nhận diện, tôi không chịu. Cho nên tôi chờ đợi chúng sẽ tra tấn. Phân tích hoàn cảnh của tôi, tôi thấy rằng địch cũng đã biết đích xác tôi là ai. Và tôi thừa hiểu rằng cán bộ càng cao thì càng ăn đòn nhiều, chúng càng tìm cách khai thác tài liệu nhiều hơn. Có điều là, qua bản tài liệu thằng Kiệt đọc ngày 19 hay ngày 20 tháng 5 gì đó, thì tỏ ra nội dung hoạt động của bản thân tôi, chúng cũng chỉ mới biết một cách hời hợt mà thôi.
Về câu chuyện trao đổi tù binh thẳng với Bộ công an, tôi khẳng định là chúng nói láo; nhưng chiến tranh nhất định sẽ kết thúc, vấn đề trao đổi tù binh phải đặt ra. Và theo một số đồng chí vào Nam kể lại cho tôi hay, thì ta cũng tóm được nhiều thằng phi công Mỹ vào loại sừng sỏ. Ngay năm 1967, tôi đã được biết bọn Mỹ ở Sài Gòn rất ham vấn đề tù binh, nên đã chịu thả một số đồng chí ta. Nhưng đến khi nổ ra Mậu Thân, thì chúng mới giết anh Chín Ka và chị Hai Riêng. Bởi thế, nếu phải chết thì tôi cũng không tiếc; còn nếu sống thì ngày trở về không đến nỗi vô hy vọng.
Thỉnh thoảng thằng Mập lại đến. Nó làm bộ khẩn khoản tôi nhận, chỉ cần nhận tên thôi, để việc giao dịch trao trả tù binh có thể tiến hành. Tôi vẫn chỉ nhận là Đại úy tình báo Nguyễn Văn Hợp.
Một lần buổi tối, thằng gác mở cửa phòng giam, gọi tôi ra ngồi bên cái bàn trong nhà lồng. Thằng Mập đến nói độ nửa giờ. Đại ý, nó được lệnh cấp trên nó truyền đạt đến tôi một số ý:
– Chúng tôi đã khẳng định anh là Đại tá Tư Trọng. Dù anh chối, chúng tôi cũng không chấp nhận. Đã anh hùng thì chối làm gì; hãy nhận tên thật mà đối đầu với chúng tôi. Anh không nhận thì chúng tôi sẽ làm tiếp, dù phải nhiều năm, cho đến lúc anh phải nhận. Mà đợi chúng tôi đánh anh không chịu nổi, mới nhận thì lúc đó chúng tôi sẽ không chịu nữa. Chúng tôi yêu cầu anh nghĩ kỹ trong vài ngày, rồi trả lời.
Thằng Mập còn nói thêm ý nó:
– Anh chỉ có một mình, chúng tôi có cả trăm bộ óc, chỉ nghĩ cách đối phó với anh thôi. Ở miền Nam thì cơ quan tôi là cơ quan phản gián cao nhất, trong đó bộ phận chúng tôi là giỏi nhất. Đối với Đại tá Tư Trọng, mà tôi đã nghe tiếng, thì có thể chúng tôi chỉ là đàn em; nhưng với Đại úy Hợp, thì chúng tôi nhất định không chịu thua.
Ngày hôm sau, nó lại mò vào phòng giam, hỏi:
– Anh đã nghĩ chưa?
Tôi đáp:
– Tôi là Đại úy Hợp.
Chiều hôm đó, sắp mưa, bỗng thằng gác mở cửa phòng giam, gọi ra.
Nó đưa tôi một cuốn tạp chí bằng chữ Pháp, bảo tôi:
– Anh dịch thử cho tôi một đoạn, để trên người ta đánh giá trình độ Pháp văn của anh.
Vì trong bình phong Đại úy Hợp, có nói sẽ đi Pháp, nên tôi không thể từ chối. Vả lại, tôi nghĩ, nó cũng chẳng lợi dụng phá gì được mình về ảnh hưởng chính trị. Vì đầu đề của bài báo là “La redoutable marine soviétique”.
Tôi cầm bài báo đọc một lần, xong đặt bút dịch ngay: “Hải quân Xô viết đáng gờm”, và nội dung bên trong là của một Thủy sư đô đốc Mỹ, mô tả về tiềm lực Hải quân Liên Xô.
Thằng gác cứ giục; tôi thì viết nắn nót, cốt để người nào đọc sẽ thấy như một bản viết không được viết thoải mái.
Sau cùng, dịch độ vài trang viết, nó kêu trễ quá, thu lại mang đi.
Sáng hôm sau nữa, thằng Mập lại đến. Vừa hỏi lại ý cũ, vừa nằn nỉ:
– Người khác, chúng tôi đập cho một tuần là xong, với anh chúng tôi đã bị kéo dài quá rồi.
Tôi vẫn trả lời:
– Muốn trao đổi tù binh thì cứ trao đổi, tôi vẫn chỉ là Đại úy Hợp.
Nó gắt:
– Nói chuyện với anh vô ích.
Gần trưa, bọn gác mở cửa phòng, kêu tôi ra. Chắc chúng chuẩn bị “chơi” bài bản mới.
Thằng Mập ngồi ở bàn, nó bảo tôi ngồi rồi nói:
– Anh rất ngoan cố. Đánh anh thì lúc nào cũng được. Nhưng chúng tôi muốn để anh thấy về chuyên môn, chúng tôi không đáng để anh khinh chúng tôi, hoặc anh nói do chúng tôi đánh mà anh phải nhận. Nên chúng tôi đưa anh xem mấy thứ này, để anh thấy rõ chúng tôi không hề nhầm lẫn.
Sau đó, nó lấy bản dịch chiều hôm trước do tôi viết. Và đưa ra một hình chụp một bức thư do tay tôi viết.
Nó để tôi đọc lướt bức thư đó. Thì đúng là một bức thư tôi viết gửi anh Ba Tâm (nay gọi là Sáu Ngọc, Thanh Vân) Phó Ban của tôi. Trong đó tôi trả lời anh về đề nghị đặt máy vô tuyến điện liên lạc cho B3 (tức bộ phận Điệp báo), về việc trình anh Năm Xuân tài liệu thu chi năm 1969 và xin duyệt dự toán năm 1970, về biên chế… Tôi viết tháu và ký tên Ba Sáng.
Đến đây, thằng Mập nói:
– Anh cũng trong nghề chuyên môn, tất biết tự dạng. Đây rõ ràng không phải bản viết do chúng tôi mạo ra để buộc anh. Mà do anh dịch và viết tay. Còn bản này, do chúng tôi đi càn lấy được. Người có kiến thức sơ đẳng về khoa tự dạng cũng phân tích được mấy đặc điểm: Chữ anh khó đọc, không phải do viết xấu; mà khi viết tháu, thì anh bỏ các dấu sắc, huyền… rất lung tung; sau nữa, các chữ T “hoa” của anh thì nét gạch đứng hay viết cắt ngang và thòi đầu lên quá nét ngang. Chỉ nêu vài điểm như vậy để anh thấy chữ anh trong bản dịch hôm qua, và chữ trong bức thư ký tên Ba Sáng chỉ là của một người. Anh đã có kiến thức về môn tự dạng, tất hiểu rằng trên đời này, chữ người nào là chữ người đó. Mà Ba Sáng cũng là Tư Trọng, cũng là Đại tá Tài mà thôi. Lẽ ra chúng tôi không phải đem chứng lý này ra, nhưng vì anh ngoan cố quá, nên phải dùng nó.
– Thêm nữa, chúng tôi còn nhiều tài liệu khác, chứ không ít đâu.
– Đây là một tấm hình mà nhìn vào đó ai cũng thấy rõ người mang kiếng mát (tức kính đen) đứng sau lưng cụ Hồ ở Nam Dương, dù đã mang kiếng, người ta vẫn thấy là anh. Xin nói để anh hiểu: Đại úy Hợp thì không làm gì có thể đứng ở chỗ đó, mà phải là Đại tá Tài (tấm hình này là một tấm hình chụp ở đền Borubodour tại Nam Dương, trong chuyến Bác đi; và tôi được phân công đi cùng mấy đồng chí khác để lo việc bảo vệ; hình công khai chứ không có gì bí mật).
Xin tạm ngắt và ngược thời gian đến đầu năm 1970, đặng hiểu được bức thư ký tên Ba Sáng. Sau này ngẫm lại, tôi mới hình dung rõ.
Văn phòng Ban An ninh lúc đó do anh Sáu Thành phụ trách. Trong một trận địch càn xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre, anh Sáu Thành bị địch bắn chết cùng một bảo vệ. Lúc đó là đầu năm 1970. Tôi có cùng các đồng chí ở cơ quan đến nghiên cứu tại chỗ, thì thấy tung tóe trên mặt hầm, nào sổ tay, nào giấy nháp… của anh Sáu Thành. Tôi thường làm, và dặn cán bộ, khi có báo động địch càn thì cất mọi tài liệu vào thùng đạn, chôn giấu. Bên ngoài chỉ có khẩu súng, nếu có sao, không lộ. Nhưng không hiểu vì sao anh Sáu Thành chôn tiền, còn tài liệu đang làm việc dở, cứ xách theo. Bữa đó địch càn từ sớm. Đến trưa thấy êm, nhóm chỗ anh Sáu Thành mò về nhà nấu nước uống, thì địch đánh biệt kích đến. Anh Sáu ra hầm bị lộ. Chúng đánh hầm. Ngày hôm trước, hai anh Sáu Thành và Năm Điện đang làm dở báo cáo tài chính năm 1969, hẹn nhau hôm sau soát lại; đang làm báo cáo nhân sự và biên chế; và tôi viết một thư trả lời anh Ba Tâm, giao cho anh Sáu Thành chép nhỏ, làm sâu kèn để cho giao thông hợp pháp mang đi.
Đó chính là cái thư mà địch chụp lại để so tự dạng tôi.
Trách nào mà lúc tôi chưa bị bắt, anh Ba Tâm cứ hỏi tôi hoài, là có mấy việc anh hỏi, tôi không trả lời.
Như thế là qua việc đánh hầm, địch đã chọn lấy mấy thứ tài liệu. Còn thì vứt lại. Các tài liệu thu được qua các trận càn, đều được gom về Trung ương Tình báo để nghiên cứu. Cho nên tụi địch mới có thể có thư do tay tôi viết (trường hợp khác có thể nghi do giao thông là người của địch; riêng thư này thì có thể rõ như vậy).
Trở lại vấn đề tên Mập đưa tài liệu đến đối chứng.
Tôi đã suy tính kỹ, có hai cách: Hoặc tiếp tục ỳ ra nhận là Đại úy Hợp; ắt địch không chịu, thì cũng sẽ chết. Hoặc bây giờ dựa vào ý chúng nói để trao đổi tù binh, chỉ nhận tên, cấp bậc, mà không nhận gì khác; rồi tiếp tục chịu đựng tra tấn; dù có chết, thì cũng chết với đúng cái tên thật của mình.
Nên lúc đó, tôi không còn phải nghĩ nhiều.
Tôi làm bộ ngồi im một lát, rồi mới nói:
– Kể ra, thì các ông làm cũng đã công phu. Riêng tôi thì cũng biết đã lộ, nhưng chịu cho qua 6 tháng để ở ngoài thu xếp xong các việc. Bây giờ đã được 6 tháng. Vậy ông có thể báo cho cấp trên ông rằng: Người mà các ông đang giữ là Đại tá Tư Trọng.
Thằng Mập mừng ra mặt. Nó đưa tôi trở lại phòng giam và chạy đi.
Lát sau y lại đến. Gọi tôi ra; và đưa một bản lý lịch in sẵn (mẫu như lúc tôi là Đại úy Hợp mới đến đây hồi tháng 1/971), yêu cầu tôi viết. Tôi phản đối, và nói:
– Người chỉ huy của ông nói muốn trao đổi tù binh, và chỉ yêu cầu tôi nhận tên và cấp bậc. Điều đó tôi vừa nói. Tôi không chối đâu. Thế là đủ để các ông liên hệ với ngoài Bắc để trao đổi tù binh. Tôi không phải viết lý lịch.
Không làm sao hơn được, nó bỏ đi.
Hồi lâu sau, nó lại đến. Y mang một tấm ảnh nửa người của tôi, cỡ 6×9. Và một tờ giấy trắng. Y nói:
– Tôi xin dán ảnh đại tá vào đây; và đại tá viết gì vào đó cũng được, miễn là chúng tôi có để nói chuyện với miền Bắc.
Tôi nghĩ một lát, rồi đồng ý.
Nó dán ảnh xong, tôi ký đè tên Trọng lên ảnh, và giấy trắng.
Và ghi một câu mà lâu ngày, tôi chỉ nhớ đại ý: “Tôi xác nhận hình này của tôi chụp ở cơ quan an ninh đang giữ tôi. Tôi là người mang tên Nguyễn Văn Lắm, bị bắt ngày 23 tháng 12 năm 1970 trên sông Cửu Long với giấy căn cước số (tôi ghi số). Và tên thật tôi là Nguyễn Tài tức Tư Trọng, cấp đại tá, hiện phục vụ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”.
Tôi có mấy dụng ý trong câu ghi:
Nói rõ tên Lắm trên giấy tờ công khai, mà tôi biết là ở Ban An ninh T4, mấy anh lãnh đạo đã biết rõ.
Tôi không ghi chức vụ gì cả, mà chỉ ghi cấp Đại tá, để gò địch phải chịu tôi là tù binh. Thêm nữa, tôi chưa bao giờ được phong đại tá, mà là địch gán cho tôi. Vậy tôi nhận một điều không phải thật của tôi, thì không có hại gì đến lập trường.
Tôi không đả động gì đến quá trình công tác, mà chỉ ghi hiện phục vụ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Như thế, mặc dù tôi xác nhận tên, nhưng các điều khác thì không có nghĩa gì lắm. Ngoài ra, khi ở vùng giải phóng, tôi viết thư hay ký tên Trọng một cách khác; ở đây tôi ký theo lối viết, nếu đồng chí nào đã làm việc quen sẽ thấy cảnh giác ngay; vì không phải chữ ký thường lệ của tôi. Tôi biết địch cũng có thằng chuyên môn nghề mạo chữ, nếu nó muốn làm hại tôi về ảnh hưởng chính trị bằng cách mạo chữ và chữ ký, thì người đã quen tôi, tất nhiên đánh dấu hỏi ngay, một khi nhìn thấy chữ ký lạ kiểu đó.
Thằng Mập xem tôi ghi, tỏ ra không hài lòng. Nhưng tôi không chịu sửa.
Tôi nói:
– Vậy đủ để trao đổi tù binh rồi. Tôi không làm lại đâu.
Nó đành chịu.
Tôi còn nói thêm:
– Từ trước đến nay, tôi là Đại úy Hợp. Còn từ nay, tôi là Đại tá Tư Trọng, tôi xử sự như Đại tá Tư Trọng. Nói trước để các ông hiểu.
Hôm sau, thằng Mập lại mò đến. Mang theo một tờ lý lịch. Nó nói:
– Có một cấp tướng, ngang với Thượng tướng miền Bắc, muốn gặp đại tá. Cấp tướng này muốn được hiểu đại tá trước khi gặp, nên tôi có trách nhiệm yêu cầu đại tá ghi giúp.
Tôi đáp:
– Tôi không viết. Vì mấy lẽ: Các ông yêu cầu tôi nhận là Đại tá Tư Trọng để trao đổi tù binh, việc đó xong rồi. Tôi không xin gặp tướng nào cả, ai muốn gặp tôi là do ý người ta, mà họ đã định gặp thì họ có đủ hồ sơ để hiểu tôi rồi. Còn bản giấy in này trông như tờ đơn xin việc, nên mang nó đi. Tôi không bao giờ viết đâu!
Nó đành về không.
Hôm sau y lại đến, nhắc lại:
– Nếu Đại tá không viết, ông tướng phật ý, sẽ có khó cho Đại tá.
Tôi đáp:
– Nếu người ta muốn nuốt lời vấn đề trao đổi tù binh thì đã rõ. Còn khó khăn, thì tôi đã hiểu sẽ còn nhiều. Ai phật ý thì để người ta phật ý.
Nó gạ lại chuyện đi trị bệnh ở Nhật. Tôi từ chối như cũ.
Sau bữa tôi nhận là Đại tá Tư Trọng, địch làm bộ săn sóc mua chuộc. Đó là cuối tháng 6/1971. Bọn gác đổi cho một cái giường sắt có đệm, cho nằm mùng, cho mượn quạt máy, sách đọc, tăng khẩu phần ăn. Tôi chẳng bao giờ mở quạt, có lúc thằng gác phải vào cho chạy, tôi lại tắt đi; cốt biểu thị sự không chấp nhận chịu để mua chuộc. Thấy áo thun tôi rách, chúng mua về mấy cái mới; tôi để y nguyên không đụng gì đến.
Cuộc đấu tranh trực diện của tôi với Tình báo Trung ương ngụy, có CIA sau lưng, từ đây bước sang một giai đoạn mới.■
(Theo Tạp chí Phương Đông)