Trận Ấp Bắc: Những góc nhìn khác

Trong những năm đầu 1960, Mỹ và ngụy thực hiện “chiến tranh đặc biệt”, sử dụng chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” trong các cuộc càn quét nhằm loại khỏi vòng chiến đấu lực lượng cách mạng đang còn non trẻ, ít kinh nghiệm chiến đấu, hỗ trợ nỗ lực gom dân lập ấp chiến lược trên toàn miền Nam. Trận Ấp Bắc diễn ra ngày 03/01/1963 là một trong những cuộc càn quét như vậy.

Đây là cuộc càn quét quy mô lớn do Mỹ – ngụy tiến hành hòng tiêu diệt gọn đơn vị chủ lực Quân giải phóng. Trận càn xảy ra tại Ấp Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Lực lượng địch gồm khoảng hơn 1.200 quân và 51 cố vấn Mỹ được hỗ trợ bởi ba tàu chiến, một chi đoàn thiết giáp M.113, 15 máy bay trực thăng và bảy máy bay vận tải C123, 5 trực thăng có vũ trang HU-Iroquois, 8 máy bay ném bom, 4 máy bay L.19… Trong khi đó, lực lượng quân giải phóng có khoảng 320 quân địa phương và du kích với phương án đánh trả chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.

Địch tổ chức năm đợt tiến công, nhưng đều thất bại. Hai phần ba số quân dù bị thương vong, lực lượng thiết giáp và bộ binh tổn thất nặng nề, quân lính còn sống sót mất hết tinh thần chiến đấu. 450 lính địch (kể cả 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ) bị loại khỏi vòng chiến đấu. Năm máy bay Mỹ bị bắn rơi, ba xe bọc thép M.113 bị phá huỷ và một tàu chiến bị đánh chìm. Đêm xuống, quân địch rút đóng chốt nghỉ qua đêm chuẩn bị tiến công tiếp vào sáng hôm sau. Tuy vậy, trong đêm, lực lượng Quân giải phóng bí mật vượt vòng vây của địch, rút khỏi Ấp Bắc về chiến khu Đồng Tháp Mười.

Hai chiếc trực thăng CH-21 của Hoa Kỳ bị bắn hạ ở Ấp Bắc. Ảnh: US Army Transportation Museum

Đây là trận đầu tiên chúng ta đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của Mỹ và quân đội Sài Gòn, mở đường cho cao trào tiêu diệt sinh lực địch chống càn, bắn máy bay và phá thiết giáp. Trận Ấp Bắc còn là dấu hiệu chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bắt đầu phá sản.

Báo chí Mỹ cũng viết: “Họ đã làm được nhiều hơn việc thắng một trận, mang về một thắng lợi theo kiểu Việt Nam cũng như tổ tiên họ đã làm từ nhiều thế kỷ. Họ đã chiến thắng quân địch mạnh hơn họ… 350 “Việt cộng” đã giữ vững trận địa và hạ nhục một quân đội hiện đại với quân số lớn gấp bốn lần, trang bị xe bọc thép, trọng pháo, trực thăng và máy bay ném bom”.

Thắng lợi Ấp Bắc có nhiều nguyên nhân: tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của lực lượng Quân giải phóng… Tuy nhiên, ít ai biết đến vai trò của thông tin về chiến thuật do nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn cung cấp. Chính ông Mai Chí Thọ, chỉ huy mạng lưới điệp viên ở miền Nam, đã nói với Larry Berman, tác giả cuốn “Điệp viên hoàn hảo”, rằng: “Ông Ẩn đã cho chúng tôi biết về những chiến thuật mới mà người Mỹ triển khai, vì thế chúng tôi đã có thể có phương án đối phó”. “Những người khác đã xây dựng kế hoạch mới để triển khai các phương án đối phó ấy, và sau đó những người khác nữa đã anh dũng chiến đấu tại Ấp Bắc, nhưng chính ông Ẩn là người cung cấp những tài liệu và báo cáo giúp thực hiện thành công chiến thuật”. Nhờ hiểu địch, Quân giải phóng đã “chủ động đối phó, các đợt càn quét dữ dội của quân ngụy sau đó chỉ nhằm vào chỗ trống”… “Thất bại hoàn toàn ở Ấp Bắc đã buộc Mỹ phải chấm dứt theo đuổi kế hoạch chiến tranh đặc biệt và tìm một chiến lược mới”.

Trên thực tế, trong nhiều tuần trước trận Ấp Bắc, quân giải phóng đã nhận được lệnh phải tập bắn máy bay trực thăng và xe thiết giáp. Ở vùng Đồng Tháp Mười quân giải phóng đã dùng máy bay trực thăng và xe thiết giáp bằng bìa cứng gắn trên cọc tre để huấn luyện. Tất cả những công việc chuẩn bị này được thực hiện nhờ những thông tin tình báo ông Ẩn chuyển về chiến khu. Nhờ cung cấp những thông tin làm thay đổi cuộc chiến, ông Ẩn đã được tặng huân chương quân công đầu tiên trong sự nghiệp tình báo của mình.

Ấp Bắc còn là trận đánh làm thay đổi tư duy của các nhà báo nước ngoài, đặc biệt là nhà báo Mỹ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Các nhà báo đến Việt Nam sau những trải nghiệm ở Chiến tranh Thế giới thứ Hai (1939-1945), Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Trong cả hai cuộc chiến tranh này, các nhà báo đều tin tưởng vào chính phủ mà đại diện là những sỹ quan thông tin quân đội và do vậy họ hợp tác hoàn toàn với những sỹ quan này để cung cấp thông tin cho bạn đọc. Thoạt đầu, các nhà báo đến Việt Nam với một tinh thần hợp tác như vậy. Tuy nhiên, họ đã sớm nhận thấy những thông tin họ được cung cấp không phải là những gì thực sự xảy ra trên chiến trường.

Các phóng viên thường trú ở Sài Gòn thường dựa vào thông tin được quân đội Mỹ chia sẻ tại cuộc thông báo tình hình hàng ngày lúc năm giờ chiều tại khách sạn Rex. Tuy nhiên, lần đầu tiên những phóng viên như Malcolm Browne, Peter Arnett và Horst Faas của AP, Neil Sheehan của UPI, David Halberstam của tờ Thời báo New York và Nicholas Turner của Reuters thấy rằng họ không thể tin được thông tin của Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) là trận Ấp Bắc. Ngày hôm sau trận đánh xảy ra, các nhà báo được phép thăm chiến trường Ấp Bắc và Neil Sheehan đã hỏi Chuẩn tướng Robert York điều gì đã xảy ra. York đã trả lời: “Họ đã trốn thoát. Đấy là điều đã xảy ra”. Mặc dù Ấp Bắc rõ ràng là thất bại của lực lượng Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa, Tướng Paul Harkins, tư lệnh chỉ huy MACV, vẫn cho rằng Ấp Bắc là chiến thắng của lực lượng đồng minh ở miền nam, ông còn nói rằng họ đã giữ lại được một vài làng.

Các chiến sĩ Tiểu đoàn Mỹ Tho đánh thắng trận Ấp Bắc được mang tên Tiểu đoàn Ấp Bắc. Ảnh tư liệu – TTXVN

Tuy nhiên, báo chí Mỹ lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Ngay ngày 3 tháng Một (ngày 4 tháng Một ở Việt Nam), tờ Thời báo New York đã viết: Ấp Bắc “là ngày tồi tệ nhất với máy bay lên thẳng Mỹ”.  Đến ngày 4 tháng Một (ngày 5 tháng Một ở Việt Nam), các báo Mỹ đều lên tiếng cho rằng Ấp Bắc là một thất bại. Tờ Tin tức hàng ngày Chicago trích dẫn cố vấn Mỹ cho rằng cuộc càn là “kém cỏi” và nhận xét rằng: “du kích đã không nao núng và thậm chí còn đánh lại sau khi bị máy bay ném bom… trong khi đó lực lượng (quân chính phủ) hầu như không quan tâm đến việc truy đuổi quân cộng sản”. Những ngày sau đó, báo chí Mỹ vẫn lặp lại chủ đề này. Tờ Tin tức hàng ngày Washington gọi Ấp Bắc là “nỗi nhục” của quân Việt Nam Cộng hòa. Tờ Mặt trời Baltimore nhận xét rằng du kích đã trốn trước khi quân Việt Nam Cộng hòa truy kích. Tờ Thời báo New York đăng bài của David Halberstam viết rằng: “Điều làm cho thất bại này không thể được cả Mỹ và Việt Nam Cộng hòa chấp nhận là đây là trận đánh do lực lượng chính phủ khởi xướng ở địa điểm do chính họ chọn, với lực lượng lớn hơn. Quân chính phủ đã có một trận đánh họ muốn nhưng họ lại thua”.

MACV tránh không bình luận về trận đánh, chỉ bình luận sự kiện liên quan đến nhân viên quân sự Mỹ. Bình luận duy nhất có ý nghĩa là của tướng Harkins: “Sư đoàn 7 đã có những mất mát bất bình thường nhưng có vẻ đã bao vây được quân địch”. Người phát ngôn Phòng thông tin Mỹ ở Sài Gòn cho biết: “Đây là chiến tranh. Thất bại lúc này hay lúc khác là tất yếu và bình thường. Tuy vậy, nhìn chung chính phủ Việt Nam Cộng hòa tiếp tục thắng, và một loạt phản ứng mạnh mẽ của Việt Cộng cho thấy quân địch đã nhận ra mình đang gặp rắc rối”. Tuy Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Frederick Nolting đồng ý thông báo tình hình cho các nhà báo tám ngày sau khi trận đánh xảy ra nhưng đã quá muộn. Các nhà báo đã chứng kiến, viết bài theo những gì đã thấy ở chiến trường và bức tranh của họ về trận đánh trái ngược hoàn toàn với những gì quan chức chính phủ đưa ra. Họ đã ở Ấp Bắc ngay từ chiều hôm xảy ra trận đánh và sáng hôm sau, phỏng vấn các cố vấn quân sự Mỹ tại chỗ. Peter Arnett, khi đó là phóng viên thường trú của hãng AP tại Sài Gòn, viết: trận Ấp Bắc “cho giới báo chí ở Sài Gòn thấy rằng nhà chức trách không biết hết được mọi mặt của hoạt động nổi dậy, hay nhiều mặt của vấn đề được nhà chức trách che giấu không cho chúng tôi biết. Hố ngăn cách này sau này được biết đến là hố ngăn lòng tin ngày càng rộng ra”.

Từ thời điểm này trở đi, nhà báo hoạt động ở Sài Gòn không còn tin vào thông tin do quân đội Mỹ đưa ra. Một ví dụ cụ thể là buổi thông báo tình hình hàng ngày vào lúc 5 giờ chiều tại khách sạn Rex có tên mới là sự kiện điên rồ lúc 5 giờ chiều. Ngày càng nhiều nhà báo đã tẩy chay buổi thông báo tình hình này. Keyes Beech, phóng viên tờ Tin tức hàng ngày Chicago bình luận: “Những buổi thông báo tình hình chẳng có gì giống thực tế diễn ra trên chiến trường”. Ngày 16 tháng Ba năm 1968, một thông báo được phát tại sự kiện điên rồ lúc 5 giờ chiều viết: “Trong một trận đánh hôm nay, lực lượng Mỹ đã tiêu diệt 128 địch ở gần thành phố Quảng Ngãi. Máy bay lên thẳng trang bị súng và pháo binh đã hỗ trợ lực lượng bộ binh”. Thông báo này của quân đội Mỹ tuyệt nhiên không giống vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra cùng thời gian và cùng một địa điểm được nhà báo Seymour Hersh điều tra và công bố đầu năm 1969. Sự kiện điên rồ này thực sự là “sân khấu biểu diễn những điều lố bịch” như chính tác giả của sự kiện đã miêu tả.

Cùng với những sự kiện khác trong cuộc chiến tranh Việt Nam như sự kiện Vịnh Bắc bộ năm 1964, cuộc Tổng Tiến công và Nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, vụ thảm sát Sơn Mỹ năm 1968, trận Ấp Bắc đã có tác động lớn lên báo chí Mỹ và cả dư luận Mỹ, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta.■

Phan Nguyên 

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN