CIA đã can thiệp vào các cuộc chiến tranh ở Đông Dương như thế nào

Tạp chí Phương Đông trích dịch và giới thiệu tới bạn đọc Chương 7: “Đông Dương” trong cuốn sách “KGB & CIA: Các chiến dịch tình báo và phản gián” của hai tác giả Celina Bledowska và Jonathan Bloch, trong đó tóm tắt những hành động can dự và “giật dây” của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA vào các cuộc chiến tranh ở ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia trong những thập niên 50, 60 và 70 của thế kỉ trước.

Trong những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Hoa Kỳ ngày càng khó chịu khi thấy chủ nghĩa cộng sản trỗi dậy và lan rộng ở vùng Đông Á: Cuộc cách mạng do Mao Trạch Đông lãnh đạo ở Trung Quốc đã giành thắng lợi năm 1949, và năm sau đó thì bắt đầu cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên. Năm 1953, Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã cố gắng tổ chức các cuộc nổi dậy chống chính phủ cộng sản ở Trung Quốc nhưng hai điệp viên John Downey và Richard Fecteau đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ và chiến dịch của CIA thất bại.

Một phần vì thất bại này, CIA đã chuyển hướng sang Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia. Chính quyền thuộc địa Pháp đang đứng bên bờ vực bại trận trong cuộc chiến tranh du kích kéo dài với lực lượng Việt Minh cộng sản. Nhà lãnh đạo của phong trào này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, được người dân Việt Nam hết sức ủng hộ. Tổng thống Mỹ Eisenhower thậm chí còn viết rằng: “Trong tất cả những người hiểu biết về các vấn đề ở Đông Dương mà tôi từng nói chuyện hoặc trao đổi thư từ, không một ai không đồng ý rằng nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm đang giao tranh, có lẽ 80% dân số đã bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh”.

Việt Nam

Tuy nhiên, người Mỹ quyết tâm ngăn cản chiến thắng của phe cộng sản và chuẩn bị sẵn sàng để “tiếp quản” trách nhiệm chiến đấu với Hồ Chí Minh sau sự sụp đổ tất yếu của Pháp. Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles đã giao cho Đại tá Edward Lansdale, một cựu thành viên của OSS (cơ quan tình báo của Mỹ trong Thế chiến II, tiền thân của CIA), chọn ra một lãnh đạo cho người Việt Nam và đảm bảo với người đó rằng Mỹ sẽ hỗ trợ bất cứ điều gì cần thiết để “giữ ghế” cho ông ta. Lansdale kết luận rằng thủ tướng hiện tại (của chính phủ bù nhìn) là Ngô Đình Diệm có đủ các yếu tố để đáp ứng các yêu cầu của phía Mỹ. Tháng 5/1954, người Pháp bị đánh đuổi hoàn toàn sau trận Điện Biên Phủ và Đông Dương giành lại độc lập. Việt Nam bị chia cắt – lẽ ra là tạm thời – thành hai miền: Miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và miền Nam nằm dưới sự cai trị của “Quốc trưởng” Bảo Đại và “Thủ tướng” Diệm. Ngay sau đó, CIA đã tổ chức một chiến dịch “bẩn thỉu” theo kiểu truyền thống ở miền Bắc Việt Nam để gieo rắc nỗi khiếp sợ trong cộng đồng những người theo đạo Công giáo. Họ bịa đặt ra những câu chuyện hãi hùng, cho lưu truyền những lá số tử vi giả tạo, và những lời đồn thổi bắt đầu xuất hiện, khiến cho khoảng 800.000 người đã di cư vào miền Nam.

Edward Lansdale (đứng giữa ảnh, tay cầm mũ) đứng phía sau Trung tướng O’Daniel, Chỉ huy trưởng Nhóm Cố vấn Hỗ trợ Quân sự Hoa Kỳ (trái), Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Frederick Reinhardt (giữa) và Ngô Đình Diệm (phải), Sài Gòn, 1955.

Song song với đó, ở miền Nam, Lansdale giúp Diệm củng cố quyền lực cá nhân. Đến tháng 10/1955, Diệm đã loại bỏ được các đối thủ và đưa mình lên chức “Tổng thống” thay cho vị Cựu hoàng đã mất uy tín. Không phải tất cả những người Mỹ dính dáng tới Việt Nam lúc đó đều đồng tình với chính sách ủng hộ Diệm là người cai trị duy nhất ở miền Nam. Chẳng hạn, cựu Tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ, Tướng Lawton Collins, tán thành việc thành lập một Chính phủ liên minh. Nhưng một khi Diệm đã lên nắm quyền, không ai có khả năng thay thế được ông ta. Ông ta dựng lên một chế độ tham nhũng và đàn áp, và được Mỹ viện trợ tổng cộng tới hơn 1 tỉ USD trong giai đoạn 1955 – 1960. Em trai Diệm là Ngô Đình Nhu cũng thành lập một lực lượng chính trị cầm đầu và những sự can thiệp của CIA vào Việt Nam đều được thu xếp qua ông ta.

Bất chấp sự hậu thuẫn của Mỹ, chế độ của Diệm ngày càng trở nên bấp bênh. Đến năm 1959, một chiến dịch du kích rộng lớn đe dọa sự kiểm soát của Diệm ở vùng nông thôn, và sự phản đối từ giới Phật tử gia tăng vào đầu thập niên 60. Giám đốc CIA tại Sài Gòn William Colby đã tổ chức Chương trình Ấp Chiến lược, một hệ thống các làng ấp được củng cố và kìm kẹp trên khắp miền Nam Việt Nam với âm mưu tách người dân nông thôn khỏi sự ảnh hưởng của lực lượng cộng sản, nhưng dưới sự chỉ đạo của Ngô Đình Nhu, các ấp chiến lược nhanh chóng biến thành những trại tập trung. CIA cũng dính líu tới việc đào tạo và trang bị vũ khí cho người Thượng ở vùng rừng núi phía Tây Việt Nam để hình thành lực lượng phòng vệ chống cộng sản. Nhưng miền Nam Việt Nam đã quá mục ruỗng nên những biện pháp như vậy cũng không thể chống đỡ được lâu.

Chính quyền Mỹ bắt đầu nghi ngờ lợi ích của việc hậu thuẫn chế độ Ngô Đình Diệm, và cuộc xung đột với giới Phật tử đã lên đến đỉnh điểm. Năm 1963, giới Phật tử biểu tình phản đối chế độ Diệm liên tục vi phạm các quyền Phật giáo. Lực lượng Đặc biệt của Ngô Đình Nhu nổ súng vào người biểu tình và tấn công các đền, chùa Phật giáo; các nhà sư tự thiêu ngay trên đường phố. Tình hình này khiến Mỹ vô cùng hổ thẹn bởi hầu hết người dân ở miền Nam Việt Nam đều nhận ra rằng CIA đứng sau hậu thuẫn và cung cấp vũ khí cho Lực lượng Đặc biệt của Nhu.

Tháng 11/1963, anh em Diệm Nhu bị hạ bệ và bị ám sát; khắp nơi lan truyền những lời phỏng đoán về sự can thiệp trực tiếp của CIA vào vụ đảo chính này. Năm 1971, Hồ sơ mật của Lầu Năm góc bị rò rỉ ra báo chí đã cho thấy rõ ràng CIA đóng một vai trò quan trọng trong việc lật đổ chế độ của Ngô Đình Diệm. Trong một tài liệu, trụ sở chính của CIA tại Mỹ đã lệnh cho Đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam Henry Cabot Lodge “khi liên hệ với những kẻ âm mưu lật đổ phải đảm bảo có thể phủ nhận mọi chuyện”. Các tài liệu cũng tiết lộ việc CIA đã hợp tác rất chặt chẽ với các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành cuộc đảo chính. Sau khi chế độ của Diệm sụp đổ, Mỹ và CIA tiếp tục rót thêm vũ khí và nhân lực vào Việt Nam cho tới khi tình hình leo thang từ việc chống đỡ cho một chế độ chống cộng yếu kém thành một cuộc chiến tranh tàn phá quy mô lớn vào khoảng năm 1965.

Một thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ huấn luyện cho người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Ảnh trong sách “KGB & CIA: Các chiến dịch tình báo và phản gián”

CIA đã tổ chức hàng loạt chiến dịch trong những năm bản lề của cuộc chiến, bắt đầu bằng những cuộc đổ bộ bí mật vào miền Bắc Việt Nam và dọc theo bờ biển ở miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1961 – 1964, là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự leo thang của cuộc chiến. Tuy nhiên, tất cả các nỗ lực của CIA nhằm tổ chức các mạng lưới ở miền Bắc Việt Nam cuối cùng đều thất bại, cả các kế hoạch “hoành tráng” nhằm đảo chính lật đổ giới lãnh đạo ở Hà Nội cũng không thành công – từ âm mưu đầu độc vị Giám đốc Công an Hà Nội bằng một chai rượu mơ giả cho tới kế hoạch dụ dỗ toàn bộ chính phủ ở miền Bắc Việt Nam. Việc Mỹ đưa quân vào Việt Nam năm 1965 tất nhiên đã làm lu mờ vai trò của các hoạt động của CIA mặc dù vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc chiến có tới hơn 1.000 mật vụ Mỹ ở Sài Gòn. Các chuyên gia CIA thường xuyên bất đồng với quân đội về phương thức tiến hành chiến tranh. CIA thường bi quan – và do đó chuẩn xác hơn – trong các đánh giá về khả năng tác động của các chiến dịch quân sự quy mô lớn của Mỹ, và luôn cố gắng xây dựng một chiến lược dự phòng dựa trên thông tin tình báo và các kỹ thuật chống nổi dậy.

Từ năm 1968, William Colby, trên cương vị Giám đốc CIA tại Sài Gòn, đã thực hiện hiện chương trình “Phượng hoàng” với mục tiêu đẩy nhanh quá trình “bình định” bằng cách nhận diện, bắt giữ hoặc tiêu diệt những người cộng sản tại các ngôi làng ở miền Nam Việt Nam. Theo Colby, “Phượng hoàng” thực chất là một chiến dịch tình báo: Tất cả các nguồn tin đều được tập trung và phân tích để có thể nhận diện chính xác các cán bộ cộng sản. Colby cho rằng cách này vừa hiệu quả vừa nhân đạo hơn phương pháp quân sự như đơn thuần là ném bom san phẳng một ngôi làng. Nhưng những người khác, trong đó có Frank Snepp – một điệp viên CIA cấp cao tại Sài Gòn vào thời điểm đó, lại cảm thấy rằng “Phượng hoàng” chẳng qua chỉ là một cái cớ cho làn sóng khủng bố gây ra bởi các Đơn vị Thám sát cấp tỉnh (PRU) ở miền Nam Việt Nam, mà thực chất là các nhóm sát thủ do CIA điều khiển. Theo Snepp, các mật vụ CIA luôn có mặt trong quá trình tra tấn những người bị nghi là cộng sản, và người của các Đơn vị Thám sát thường bắn chết những người bị tình nghi ngay tại chỗ, cho tới khi chương trình “Phượng hoàng” gần như trở thành một chiến dịch ám sát. Tổng cộng khoảng 25.000 người đã bị giết theo chương trình này.

Khi quân đội Mỹ rời Việt Nam năm 1973, CIA vẫn tiếp tục ở lại. Các mật vụ CIA tại Sài Gòn nằm trong số những người cuối cùng tháo chạy trên chuyến trực thăng đỗ trên nóc nhà khi quân đội miền Bắc Việt Nam tiến vào thành phố ngày 30/4/1975. Trong cơn hoảng loạn cuối cùng, các hồ sơ có tên của những người cung cấp thông tin cho CIA đã không được tiêu hủy – một biểu hiện sau rốt có vẻ như là một cái kết phù hợp cho mối quan hệ của Mỹ với Đông Dương trong suốt hai thập kỉ. Thất bại ở Đông Dương là một nhân tố chính dẫn tới việc đánh giá lại về CIA ở Mỹ và áp đặt các hạn chế đối với hoạt động của cơ quan này vào những năm cuối thập niên 70.

Lào

Bên cạnh Việt Nam là chiến trường nóng bỏng nhất, CIA cũng tích cực can dự vào một vùng đất khác của Đông Dương là Lào. Sau khi Pháp rút quân năm 1954, nước Lào nằm dưới sự cai quản của chính phủ trung lập của Hoàng tử Souvanna Phouma. Nhưng đến năm 1958, phong trào cộng sản Pathet Lào đã giành được những thắng lợi lớn trong bầu cử và CIA quyết định hậu thuẫn các phần tử cánh hữu chống lại Souvanna khi vị Thủ tướng này có chính sách đưa những người cộng sản vào chính phủ. Năm 1958, các vị tướng cánh hữu lên nắm quyền và Pathet Lào trở thành phe đối lập có vũ trang. Vị tướng mà CIA ưa chuộng là Phoumi Nosavan, và khi người này đang nắm quyền thì vào tháng 8/1960, một nhóm gồm 300 người do một đại úy 26 tuổi tên là Kong Lae đứng đầu đã tiến hành một cuộc đảo chính lớn. Kong Lae mời Souvanna quay lại cầm quyền, nhưng Tướng Phoumi vẫn đeo bám ở vùng lãnh thổ phía Nam Lào và khoe khoang mình nhận được sự hậu thuẫn từ Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Lào. Ngoài ra, Phoumi còn nhận được sự hỗ trợ từ người phụ tá là nhân viên CIA Jack Hazey.

Ở phía bắc Lào, Kong Lae tích cực thuyết phục Souvanna Phouma thành lập một Chính phủ liên minh; Tướng Phoumi cũng được mời tham gia chính phủ này. Đại sứ Mỹ Winthrop Brown hối thúc Mỹ ủng hộ chính phủ mới nhưng CIA quyết định tiếp tục dành sự hậu thuẫn cho Phoumi. Điều này đột nhiên khiến Phoumi từ chối đàm phán với Souvanna và cũng khiến Souvanna không còn đội quân nào trong tay. Chính phủ rơi vào tình trạng thiếu lương thực thực phẩm, thuốc men và trang thiết bị quân sự. Tệ hơn, Mỹ yêu cầu Souvanna từ bỏ quan điểm trung lập và chống lại phong trào Pathet Lào. Souvanna không chịu làm theo những yêu cầu này. Sau những cuộc thương lượng nài nỉ viện trợ kéo dài với phía Mỹ, Souvanna buộc phải cầu cứu Liên Xô. Một chuyến bay chở đồ tiếp tế của Liên Xô từ Hà Nội đã được thu xếp vào năm 1961.

Hành động này của Liên Xô đã khiến phe của Tướng Phoumi do Mỹ hậu thuẫn có động thái đáp trả ngay lập tức: Họ nhanh chóng hành quân về phía bắc để chiếm lại thủ đô Viêng Chăn. Cả Souvanna và Kong Lae đều phải rút khỏi thủ đô. Do Phoumi không đuổi theo Kong Lae nên năm 1961, Kong Lae vẫn tự do và gia nhập lực lượng Pathet Lào. Lực lượng kết hợp này, cùng với du kích Bắc Việt, đã chiếm được một đường băng ở Cánh đồng Chum. Đường băng này có vai trò cốt yếu với Hà Nội bởi nó chỉ nằm cách biên giới miền Bắc Việt Nam 80km.

Ở Mỹ, một Tổng thống mới lên nắm quyền: John F. Kennedy nhậm chức ngày 19/1/1961. Một trong những hành động đầu tiên của vị Tổng thống mới là yêu cầu các trợ lý xây dựng một kế hoạch để “cứu Lào”.

Tháng 5/1961, một hội nghị với sự tham gia của 14 nước đã được tổ chức tại Geneva để bàn bạc vấn đề Lào. Souvanna Phouma được mời quay trở lại để thành lập một chính phủ bao gồm mọi phe phái ở Lào, trong đó có cả Pathet Lào và các lực lượng của Tướng Phoumi. Nhưng Phoumi từ chối tham gia chính phủ này với niềm tin rằng Mỹ, cụ thể hơn là CIA, sẽ giúp ông ta nắm quyền độc lập. Lo ngại trước phản ứng này, giám đốc mới của CIA là John A. McCone đã lệnh cho người của mình rút khỏi Lào.

Những người lính du kích Pathet Lào trẻ tuổi đang hành quân qua vùng rừng núi.

Sau khi phong trào cộng sản Pathet Lào đánh thắng lực lượng của Phoumi, 3 bên trong cuộc xung đột ở Lào đã thống nhất thành lập một chính phủ liên minh, nhưng sau đó chính phủ này sụp đổ và CIA đã quay trở lại. Với chi phí 70 triệu USD, CIA bắt tay vào một chương trình quy mô lớn hậu thuẫn cho người dân tộc Mèo (H’Mông) do Vàng Pao cầm đầu chiến đấu chống lại Pathet Lào. Năm 1963, các lực lượng của người Mèo đã mở rộng từ một nhóm du kích nhỏ thành một lực lượng lớn gồm 30.000 người với các đơn vị và hoạt động như quy mô của một tiểu đoàn. Người Mèo được tiếp tế vũ khí thông qua hãng hàng không thuộc sở hữu của CIA là Air America. Các hoạt động ở Lào chủ yếu được thực hiện thông qua một chi nhánh của hãng này là hãng Vận chuyển Hàng không Dân dụng (CAT). Vào thời kỳ đỉnh điểm, CAT có tới 5.000 nhân sự và kiểm soát 165 chiếc máy bay. Không chỉ đóng vai trò lớn trong các hoạt động ngầm của CIA ở Lào và các nước Đông Nam Á khác, Air America còn dính líu tới việc buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp, mặc dù hãng hàng không này cũng có một số hoạt động minh bạch như điều hành cơ sở bảo dưỡng ở Udorn, Thái Lan, mà sau này đã hỗ trợ cho cuộc di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn.

Một công ty khác của Air America là Air Asia Co., đặt trụ sở tại Đài Loan. Air Asia vận hành hệ thống bảo hành và sửa chữa máy bay lớn nhất ở Đông Nam Á, đỉnh điểm có tới 6.000 nhân viên, và không chỉ phục vụ các máy bay của hãng Air America mà cả máy bay của quân đội Mỹ. Công ty Cơ khí Pacific Engineering cũng là một phần của Air America, chuyên cung cấp kỹ sư giám sát cho các nhóm xây dựng đường băng ở Việt Nam cũng như cho cuộc chiến tranh bí mật ở Lào.

Với hệ thống hậu cần hỗ trợ khổng lồ này, CIA có thể sử dụng người Mèo trong một cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại lực lượng Pathet Lào và Bắc Việt. Người Mèo cũng bảo vệ các cột đèn hiệu trọng yếu của Không quân Mỹ trên các đỉnh núi ở Lào để giúp cho chiến dịch ném bom của Mỹ xuống Đường mòn Hồ Chí Minh. Nhưng đến năm 1971, chiến cuộc có nhiều thay đổi và những người dân tộc thiểu số được CIA hậu thuẫn đã phải chịu hàng loạt thất bại. Cuối cùng, vào năm 1973, họ đã hoàn toàn bị “bỏ rơi” khi Mỹ rút quân khỏi Đông Dương. Đến giữa thập niên 70, số người Mèo ở Lào đã giảm từ 250 nghìn người xuống còn khoảng 10 nghìn.

Đến năm 1975, những công ty lớn liên quan tới Air America đã bị bán, một số thậm chí còn bị bán cho những người từng làm cho CIA để trở thành hãng hàng không tư nhân cho cá nhân họ sử dụng. Đầu thập niên 60, phóng viên Walter Lippmann của tờ Washington Post khi viết về các hoạt động của CIA tại Lào đã nói rằng: “Tôi mạo hiểm lập luận rằng lý do chúng ta [nước Mỹ] bị phê phán và phải tự biện hộ ở quá nhiều nơi là bởi trong khoảng chục năm qua, chúng ta đã dùng tiền và vũ khí cho những nỗ lực kéo dài và thất bại nhằm ổn định những chính phủ bản địa luôn phản đối mọi thay đổi xã hội dưới lớp vỏ chống cộng sản”. Trên thực tế, nhiều nhà bình luận đều đồng ý rằng CIA thường xuyên làm những điều có lợi cho kẻ thù mà CIA đang cần mẫn chiến đấu, và trong quá trình đó mang đến cho những người cộng sản chính những gì họ muốn, thường là ở những nơi họ không hề ngờ mình có thể thành công.

Campuchia

Campuchia, đất nước còn lại trong ba nước Đông Dương, là một ví dụ. Khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt, Mỹ bắt đầu không hài lòng với thái độ của nhà lãnh đạo Campuchia Norodom Sihanouk khi ông cố gắng duy trì một chính sách trung lập. Sự can dự của CIA vào Campuchia là cách phản ứng của Mỹ trước tình hình này. Năm 1965, tờ New York Times bình luận rằng các hoạt động của Mỹ tại Việt Nam và các nước láng giềng đang gây ra lo ngại lớn cho lãnh đạo của các quốc gia đó: “Một loạt nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á trước đây từng là bạn tốt của Mỹ, giờ đã trở thành những người phê phán Mỹ rất chua chát”. Trong số các lãnh đạo đó, tờ báo này nhắc tới Hoàng thân Sihanouk của Campuchia, và tiếp tục viết: “Trong lời than phiền của các nhà lãnh đạo này khi họ rời xa nước Mỹ đều có những điểm chung đáng chú ý. Chẳng hạn tất cả họ đều buộc tội CIA tiến hành những chiến dịch thù địch chống lại chính phủ của họ trong suốt giai đoạn họ có mối quan hệ tốt đẹp bề ngoài với Mỹ”.

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy (phải) tiếp Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk (giữa) tại New York, tháng 9/1961

Sihanouk có lý do để lo lắng bởi sau đó, vào cuối năm 1965, CIA đã tổ chức thành công một chiến dịch tuyên truyền để lật đổ chính quyền của Tổng thống Sukarno ở nước láng giềng Indonesia, đồng thời viện trợ quân sự cho phe nổi dậy chống Sukarno. Sukarno sau đó đã bị hạ bệ và chính phủ mới do CIA tài trợ đã tàn sát hơn 500 nghìn đảng viên của Đảng Cộng sản Indonesia để đảm bảo sẽ không có phe đối lập với chế độ mới của Suharto. Sihanouk không hề biết rằng khi đó CIA cũng đang trang bị máy phát sóng cho quân nổi dậy Khmer Serai ở Campuchia để tiến hành một chiến dịch chống lại ông ta. Các thành viên của Khmer Serai sau đó cũng được CIA tuyển dụng để thực hiện nhiều hoạt động bí mật chống chính phủ.

Tháng 3/1970, chính phủ của Hoàng thân Sihanouk bị lật đổ bởi một nhóm sĩ quan chống cộng do Thủ tướng Lon Nol cầm đầu. Có tin nói rằng trước đó người Mỹ đã tiếp cận Lon Nol và hỏi liệu ông ta có thể lật đổ chế độ trung lập của Sihanouk không. Sihanouk luôn khẳng định rằng hành động này do CIA hậu thuẫn và tài trợ và năm 1973 ông đã công khai những lời buộc tội này trong cuốn sách “Cuộc chiến của tôi với CIA”. Theo chuyên gia tình báo của Hải quân Hoa Kỳ Samuel Thornton, CIA đã lập một chiến dịch bí mật mang tên “Dirty Tricks” với sứ mệnh dài hạn là tuyển mộ lính đánh thuê từ nhóm nổi dậy Khmer Kampuchea Krom và hướng dẫn họ thâm nhập Quân đội Campuchia, đồng thời hỗ trợ về quân sự cho cuộc đảo chính. Thornton cho rằng Lon Nol đã được đề nghị tham gia một kế hoạch ám sát Sihanouk nhưng không đồng ý với kế hoạch đó. Sihanouk không ở trong nước vào thời điểm xảy ra đảo chính nên đã tránh được việc bị sát hại. Cuộc đảo chính dẫn tới một làn sóng chiến tranh mới ở Campuchia. Cuối cùng, Lon Nol bị đánh bại vào năm 1975 và chế độ Khmer Đỏ khét tiếng do Pol Pot đứng đầu lên nắm quyền. Năm 1977, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã thừa nhận sự dính líu của Mỹ vào vụ lật đổ chính quyền Sihanouk khi nói rằng: “Mỹ không dính dáng tới vụ lật đổ Sihanouk, ít nhất là không ở cấp cao nhất”.■

Minh Thư dịch

 (Theo Tạp chí Phương Đông)

 

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN