Vai trò của Mỹ trong đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963 qua tài liệu giải mật của Mỹ

Cuộc đảo chính tại Nam Việt Nam ngày 01/11/1963 là cuộc đảo chính do các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa thực hiện với sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ nhằm lật đổ chính thể Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam của Ngô Đình Diệm. Chế độ Diệm ban đầu do Mỹ dựng lên và hậu thuẫn, nhưng do anh em Diệm – Nhu có những động thái chống lại sự can dự trực tiếp của Mỹ, không quản trị đất nước theo mô hình Mỹ, mà lại xây dựng một chế độ độc tài, gia đình trị, không đoàn kết được toàn dân, nên Mỹ đã thẳng tay loại bỏ. Với cái chết của Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu, cuộc đảo chính được coi là bước ngoặt cho chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, đánh dấu chế độ này suy yếu và lệ thuộc vào Mỹ.

Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với độc giả một số tài liệu giải mật từ Thư viện Tổng thống John F. Kennedy (Boston, Hoa Kỳ), trong đó cho thấy nguyên nhân Mỹ muốn loại bỏ Diệm, tính toán của Mỹ trước và sau đảo chính, và vai trò, thái độ của Mỹ về cuộc đảo chính. Ngôn từ trong các văn bản này thể hiện quan điểm của Mỹ vào thời kỳ đó, chúng tôi giữ nguyên để bạn đọc tham khảo.

BẢN GHI NHỚ PHIÊN HỌP VỚI TỔNG THỐNG

Ngày 29 tháng Tám, 1963, lúc 12 giờ trưa – Chủ đề: Việt Nam

Thành phần tham dự: Bộ trưởng Rusk, Bộ trưởng McNamara, Bộ trưởng Dillon, Tướng Carter, Giám đốc Murrow, Thứ trưởng Harriman, Thứ trưởng Gilpatric, Tướng Krulak, Đại sứ Nolting, Phụ tá Bộ trưởng Hilsman, Ông Helms, Ông Bundy, Tướng Clifton, Ông Forrestal, Ông Bromley Smith

Bộ trưởng Rusk báo cáo rằng cả Đại sứ Lodge lẫn Tướng Harkins đều đồng ý rằng cuộc chiến chống lại Việt Cộng tại Việt Nam không thể đạt được chiến thắng với chế độ của ông Diệm. Tướng Harkins muốn thử cố gắng tách rời ông bà Nhu ra khỏi ông Diệm. Ông tin rằng mục tiêu của chúng ta là nhắm vào ông Nhu hơn là ông Diệm. Vấn đề phải quyết định là liệu có nên chỉ thị Tướng Harkins hậu thuẫn cho các nhân viên tình báo CIA thực hiện những cuộc tiếp xúc thăm dò các tướng lãnh Việt Nam hay không. Đại sứ Lodge đã đề nghị một nhân viên tình báo CIA, ông Phillips, nói cho các tướng lãnh Việt Nam hay biết rằng Đại sứ Hoa Kỳ đứng đằng sau các cuộc tiếp xúc của tình báo CIA. Mặc dù ủng hộ cuộc đảo chính, chúng ta phải tránh không can dự vào các vấn đề chi tiết trong việc hoạch định cuộc đảo chính của các tướng lãnh.

Đại sứ Nolting nói rằng câu hỏi đầu tiên mà các tướng lãnh đặt ra là liệu họ có thể sử dụng các máy bay trực thăng Hoa Kỳ hiện đang hoạt động với quân đội Việt Nam hay không.

Tổng thống nêu câu hỏi là liệu có ai có bất kỳ sự ngần ngại nào về đường lối hoạt động mà chúng ta đang theo đuổi hay không. Vấn đề là liệu chúng ta có nên tiếp tục hành động hay nên rút lui khỏi nỗ lực hiện thời.

Tướng Maxwell Taylor, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và Tổng thống John F. Kennedy tại Nhà Trắng (Ảnh: Thư viện JFK)

Bộ trưởng McNamara khuyến cáo rằng chúng ta nên tự tách mình ra xa khỏi các kế hoạch đảo chính, nhưng ông tán thành Tướng Harkins cố gắng thuyết phục ông Diệm bãi chức ông Nhu. Ông tin rằng nỗ lực này cần phải được thực hiện vào một thời điểm nào đó, thí dụ, trong hai hay ba ngày sắp tới, khi mà khả năng thực hiện cuộc đảo chính của các tướng lãnh Việt Nam gia tăng lớn hơn. Ông Gilpatric đồng ý với quan điểm này, bổ sung rằng chúng ta phải gửi tới ông Diệm một tối hậu thư mãn hạn trong vài tiếng đồng hồ khiến cho ông Diệm không thể phản ứng chống lại các tướng lãnh trong khoảng thời gian ngay trước khi họ sẵn sàng hành động.

Bộ trưởng McNamara nói rằng ông không nhìn thấy một giải pháp nào có giá trị để thay thế chế độ Diệm. Phó Tổng thống Thơ hiển nhiên không phải là nhân vật thay thế được ông Diệm. Một hội đồng quân đội gồm các tướng lãnh Việt Nam đang hoạch định cuộc đảo chính không có khả năng điều hành chính phủ Việt Nam về lâu về dài. Chính vì thế, một nỗ lực cuối cùng cần phải được thực hiện là thuyết phục ông Diệm cải tổ chính phủ của ông bằng cách bãi nhiệm ông Nhu.

Trả lời câu hỏi của Tổng thống về việc ai là người điều hành chính phủ hiện giờ, Đại sứ Nolting trả lời rằng chính Tổng thống Diệm đang nắm quyền kiểm soát và vẫn làm việc theo lịch trình thường lệ mười tám tiếng của ông ta. Ông Diệm dựa vào các ý tưởng của ông Nhu. Viên chức chấp hành của Diệm là ông (Bộ trưởng) Thuần, người chống lại ông Nhu nhưng trung thành với ông Diệm. Ông Thuần sẽ vẫn ở lại với ông Diệm nếu ông Nhu bị bãi nhiệm.

Bộ trưởng Rusk chỉ ra rằng chúng ra đang đối phó với ông Nhu, người sẽ mất quyền hành và có thể cả mạng sống nếu cuộc đảo chính thành công. Vì thế ông Nhu không có gì để mất và chúng ta phải nhìn nhận thực tế này khi đối phó với ông ta. Ông Nhu có thể kêu gọi Bắc Việt trợ giúp ông ta để tống cổ Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không nên đến gặp ông Diệm và yêu cầu rằng ông ấy phải bãi nhiệm ông Nhu, nhưng đó là việc của các tướng lãnh Việt Nam, như một sự mào đầu cho một cuộc đảo chính, đòi hỏi ông Diệm phải bãi chức ông Nhu.

Bộ trưởng McNamara nói rằng ông tán thành việc giữ lại ông Diệm, nhưng Đại sứ Lodge có vẻ không ủng hộ một sự tính toán như thế.

Bộ trưởng Rusk nói rằng giai đoạn đầu tiên là nhằm tách ông Nhu ra khỏi quyền hành. Đại sứ Lodge có vẻ tin rằng không thể hy vọng tách ông Diệm và ông Nhu ra khỏi nhau.

Ông Murrow chỉ ra rằng các thắc mắc của dư luận quần chúng sẽ đơn giản hơn nếu các tướng lãnh Việt Nam ở vào vị thế vẫn trung thành với ông Diệm một khi ông này đã bãi nhiệm ông bà Nhu. Ông Bundy vạch ra khó khăn to lớn của việc âm mưu đảo chính mà vẫn giữ ông Diệm là người đứng đầu chính phủ. Ông tiên đoán rằng việc cố giữ ông Diệm làm lãnh đạo trên danh nghĩa của một chính phủ mới sẽ khó khăn vô cùng.

Đại sứ Nolting nêu ý kiến rằng chúng ta sẽ thông báo cho cả ông Diệm lẫn các tướng lãnh Việt Nam rằng Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ chính trị hay kinh tế nữa cho đến khi các thay đổi mà chúng ta đòi hỏi được thực hiện. Ông đề xuất rằng chúng ta nên nói chuyện trực tiếp với ông Diệm. Ông tiên đoán rằng ông Diệm sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi nghe chúng ta nói rằng các tướng lãnh Việt Nam cũng mong muốn có một sự thay đổi chính phủ.

Tổng thống chỉ ra rằng nếu ông Diệm trả lời không chịu thay đổi chính phủ thì chúng ta sẽ không còn cách nào để rút lại đòi hỏi của mình.

Tướng Taylor hối thúc rằng trước khi trao bất kỳ tối hậu thư nào cho ông Diệm, chúng ta phải có sẵn trong túi một kế hoạch đảo chính. Ông cảnh báo Hoa Kỳ không nên tham dự vào việc hoạch định cuộc đảo chính theo cách tự ràng buộc mình quá sớm vào một cuộc đảo chính bấp bênh sẽ được thực hiện bởi những kẻ mà chúng ta không biết chắc chắn.

Bộ trưởng Rusk thừa nhận rằng chúng ta không nên dính vào việc hoạch định chi tiết một cuộc đảo chính, nhưng chúng ta có nhu cầu phải hay biết là liệu các tướng lãnh có cần đến sự ủng hộ của chúng ta hay không.

Tổng thống bình luận rằng việc loan báo Hoa Kỳ sẽ cắt đứt viện trợ là một tín hiệu tồi. Ông Hilsman trả lời rằng chúng ta cần tỏ một tín hiệu có thể được chuyển đi bởi Tướng Harkins và các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ khác.

Ông Bundy nói rằng Tướng Harkins có thể sẽ được chỉ thị để nói với các tướng lãnh rằng kênh tiếp xúc của CIA phản ánh chính sách chính thức của Hoa Kỳ. Ông Hilsman bổ sung thêm rằng việc các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ trấn an một số tướng lãnh Việt Nam có thể thuyết phục được các tướng lãnh vẫn còn lưỡng lự quay ra ủng hộ cuộc đảo chính.

Bộ trưởng McNamara khuyến cáo rằng trong lúc này chúng ta không nên giao cho Đại sứ Lodge thẩm quyền phát ngôn, vào thời điểm do ông ấy lựa chọn, rằng viện trợ của Hoa Kỳ dành cho ông Diệm sẽ bị đình chỉ. Bộ trưởng Rusk nói chúng ta có thể đợi đến lúc các tướng lãnh thành lập chính phủ và rồi khi đó sẽ tuyên bố rằng chúng ta chuyển giao cho họ viện trợ của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng McNamara nêu ý kiến rằng chúng ta không thể loan báo rằng chúng ta cắt viện trợ, mà hãy đợi đến khi các tướng lãnh nắm được chính quyền, chúng ta sẽ thừa nhận chính phủ mới, và khi đó sẽ phát ngôn công khai rằng viện trợ của chúng ta sẽ được tiếp tục chuyển đến tân chính phủ. Ông Bundy bình luận rằng việc lập tức thừa nhận chính phủ mới và loan báo rằng chúng ta sẽ tiếp tục viện trợ cho họ sẽ khiến mọi người tin rằng chúng ta đã thông đồng với các tướng lãnh Việt Nam.

Tổng thống nói rằng chúng ta có thể loan báo rằng Hoa Kỳ ngưng viện trợ là bởi có tình trạng bất ổn tại Việt Nam. Tuy nhiên đây là một hành động sau này, còn hiện nay chúng ta phải quyết định về những việc phải thực hiện ngay.

Bộ trưởng Rusk và Bộ trưởng McNamara đồng ý rằng chúng ta nên chỉ thị Tướng Harkins hậu thuẫn cho cơ quan tình báo CIA và thu thập tin tức về việc hoạch định cuộc đảo chính. Tướng Taylor đề nghị rằng chúng ta cần tránh đưa ra bất kỳ cam kết nào với các tướng lãnh cho đến khi họ lập ra được một kế hoạch đảo chính chấp nhận được đối với chúng ta.

Tổng thống bình luận rằng các tướng lãnh Việt Nam hiển nhiên mong muốn chúng ta can dự ngày càng nhiều hơn, nhắc lại ý kiến mà Đại sứ Nolting đã nêu – đâu là lập trường của chúng ta nếu chúng ta bị đặt câu hỏi rằng liệu các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ có sẵn sàng ủng hộ các tướng lãnh Việt Nam hay không. Ông Hilsman nói rằng mục tiêu của chúng ta chỉ là làm các tướng lãnh yên tâm về sự ủng hộ của chúng ta. Các tướng lãnh này mong muốn có một cuộc đảo chính không đổ máu và sẽ không cần đến trang thiết bị Hoa Kỳ ngoại trừ có thể cần đến các trực thăng của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng McNamara nêu ý kiến rằng chúng ta cần tìm hiểu càng nhiều càng tốt về kế hoạch đảo chính mà không đề cập về việc sử dụng quân đội Hoa Kỳ. Ông Bundy bổ sung rằng đảo chính là việc của họ và rằng chúng ta vẫn giữ chắc kế hoạch của mình, là nhằm ủng hộ cho nỗ lực của phía Việt Nam.

Tổng thống nêu vấn đề di tản các công dân Hoa Kỳ và đặt câu hỏi liệu chúng ta có đủ khả năng hay không. Bộ trưởng McNamara tóm tắt kế hoạch di tản, kêu gọi lưu tâm đến các lực lượng có thể được di chuyển đến Saigon trong vòng mười tiếng đồng hồ. Tướng Taylor nói rằng khó có thể nói là lực lượng di tản đáp ứng đủ so với nhu cầu, nhưng quân đội đang di chuyển các lực lượng Hoa Kỳ bổ sung đến các khu vực gần Việt Nam hơn sao cho các lực lượng này có khả năng nâng cao số người có thể được di tản một cách mau chóng.

Tổng thống tóm tắt các hành động đã đồng ý cần phải thi hành:

1. Tướng Harkins sẽ được chỉ thị để hậu thuẫn cho việc tiếp xúc của tình báo CIA với các tướng lãnh Việt Nam.

2. Đại sứ Lodge được phép loan báo việc đình chỉ viện trợ của Hoa Kỳ. Chúng ta trao cho ông Đại sứ thẩm quyền này, nhưng chúng ta sẽ kiểm soát về thời điểm loan báo.

3. Tuyệt đối không loan báo về việc di chuyển các lực lượng Hoa Kỳ đến khu vực này. Chúng ta không muốn người Việt Nam kết luận rằng chúng ta đang chuẩn bị can thiệp vào Việt Nam bằng các lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ.

4. Đại sứ Lodge sẽ có thẩm quyền trên mọi hoạt động công khai và bí mật.

Ông Helms đề nghị rằng một số hoạt động bí mật đã hoạch định nào đó dẫn đến một sự xáo trộn đáng kể tại Việt Nam sẽ chỉ được thực hiện một khi các kế hoạch đảo chính đều đã sẵn sàng. Ông Hilsman nói rằng một nhóm nhân viên đang liệt kê các hoạt động bí mật sẽ được thi hành trong trường hợp xảy ra đảo chính quân sự. Tổng thống yêu cầu ông đệ trình danh sách này trong chiều nay.

Bộ trưởng Rusk kêu gọi sự lưu ý đến mức độ rủi ro cao liên quan đến đường lối hành động mà chúng ta đang theo đuổi. Ông cảnh báo rằng việc nổ súng vào người Mỹ và bởi người Mỹ hầu như chắc chắn sẽ xảy ra. Trước khi bất kỳ hành động nào kết thúc, ông nói là quân lính Hoa Kỳ có thể sẽ nổ súng và các công dân Hoa Kỳ có thể bị hạ sát.

Tổng thống đặt câu hỏi nên tiếp xúc với ông Diệm như thế nào. Bộ trưởng Rusk trả lời rằng trong điện văn gửi Đại sứ Lodge, chúng ta sẽ nêu câu hỏi ai sẽ là người nên nói chuyện với ông Diệm và khi nào, nhưng chúng ta sẽ không chỉ thị ông ấy trong một hai ngày sắp tới đến nói với ông Diệm rằng ông Nhu phải ra đi.

Tổng thống đặt câu hỏi chúng ta sẽ nói những gì với ông Diệm. Chúng ta có phải nói với ông ta rằng ông phải lựa chọn giữa việc bãi nhiệm ông Nhu hay việc buộc chúng ta phải đình chỉ viện trợ hoặc đối diện với một cuộc đảo chính quân sự hay không. Đại sứ Nolting chỉ ra rằng cho tới nay Đại sứ Lodge vẫn chưa có một cuộc nói chuyện quan trọng nào với ông Diệm. Ông thúc giục chúng ta hãy chỉ thị Đại sứ Lodge nói chuyện công khai thẳng thắn với ông Diệm vào lúc này. Cuộc nói chuyện này sẽ xảy ra trước khi chúng ta thảo luận về một cuộc đảo chính với các tướng lãnh Việt Nam. Nếu chúng ta tiến hành theo đúng cách này, chúng ta sẽ không phải che giấu điều chi cả. Ông nói rằng chúng ta nên nói với ông Diệm là chúng ta muốn có một sự thương thảo mới và rằng những sự cam kết của chúng ta đã bị thay đổi bởi những biến cố gần đây tại Việt Nam. Nếu chúng ta trình bày như thế trong cuộc nói chuyện với ông Diệm, nói cho ông ấy hay biết rằng chúng ta sẽ không thể tiếp tục viện trợ nữa trừ khi ông ta thay đổi, chúng ta sẽ có cơ hội tốt nhất để tạo lập một nền tảng tốt nhằm tiếp tục cuộc chiến chống lại Việt Cộng.

Ông Bundy cho rằng chúng ta sẽ không bảo Đại sứ Lodge làm điều gì đó mà ông ấy không muốn làm. Bộ trưởng Rusk có ý kiến rằng nếu Đại sứ Lodge trình bày với ông Diệm về đường lối này, đề nghị ông ta thay đổi nếu không sẽ xảy ra hậu quả gì đó, thì điều này sẽ chỉ thôi thúc ông Nhu ra tay hành động tức thời.

Ông Bundy ghi nhận rằng Đại sứ Lodge vẫn chưa nói gì với ông Diệm cả.

Ngày 28/10/1963, 4 ngày trước khi xảy ra đảo chính, Ngô Đình Diệm và Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge gặp nhau tại lễ khai trương Trung tâm Năng lượng Nguyên tử ở Đà Lạt, nhưng không nói chuyện nhiều.

Đại sứ Nolting khuyến cáo rằng cả Đại sứ Lodge lẫn Tướng Harkins đều cần gặp các ông Diệm và Nhu và nói cho họ biết rằng họ bị mất tình cảm của dân chúng Việt Nam và các sĩ quan quân đội Việt Nam. Hậu quả là tình trạng hiện nay, một tình huống mà chúng ta không thể chấp nhận được. Bộ trưởng Rusk bất đồng với đề nghị này và tiên đoán rằng kết quả duy nhất là thúc đẩy hành động của ông Nhu. Chúng ta không nên tiến hành theo đường lối này cho đến khi các tướng lãnh đã sẵn sàng phát động cuộc đảo chánh.

Tổng thống bình luận rằng nếu ông Diệm bác bỏ các yêu cầu của chúng ta, khả năng có thể xảy ra là sự hoạch định của các tướng lãnh sẽ bị đảo lộn và ông Nhu sẽ ra tay chống đối họ.

Đại sứ Nolting nói rằng hiện vẫn chưa rõ liệu các tướng lãnh có muốn loại bỏ cả ông Nhu lẫn ông Diệm hay không. Ông nói ông tin rằng các tướng lãnh muốn loại bỏ vợ chồng ông Nhu và tin rằng chúng ta có thể cộng tác với ông Diệm và một chính phủ mới. Ông Hilsman ghi nhận rằng chúng ta đã nói với các tướng lãnh rằng họ có thể giữ lại ông Diệm trong chính phủ mới của họ nếu họ muốn. Đây là một quyết định tùy thuộc về phía họ.

Ông Bundy nói ông có nghe từ phía ông McCone, hiện không có mặt tại Washington. Ông McCone nói rằng ông tán thành việc cố gắng thêm để thuyết phục ông Nhu ra đi. Ông còn đề nghị là ông Colby, vốn quen biết với ông Nhu, sẽ đảm nhận việc thuyết phục này. Ông McCone muốn chắc chắn rằng một cuộc đảo chánh vẫn có thể bãi bỏ được trước khi chúng ta tự cam kết ủng hộ mưu toan của các tướng lãnh.

Bộ trưởng Rusk nhắc lại quan điểm của ông rằng mục tiêu chính của chúng ta là vợ chồng ông Nhu.

Bromley Smith.

——–

 

BẢN THẢO THƯ GỬI NGÔ ĐÌNH DIỆM [1]

Thưa Tổng thống,

1. Tôi gửi đến ngài bức thư này bởi sự trầm trọng của tình hình mà hiện nay hai quốc gia chúng ta đang phải đối mặt, trong mối quan hệ với nhau. Đối với chúng tôi tại Hoa Kỳ, những quyết định khó khăn và đau đớn không thể nào trì hoãn được nữa, và tôi biết về phía các ngài cũng có những vấn đề ở mức độ trầm trọng tương tự. Hơn thế nữa, khi làm việc về vấn đề này, tôi nhận thấy rõ rệt là nhiều khó khăn của nó phát sinh từ sự không chắc chắn và sai lầm trong việc lượng định tình hình thực tế. Cả hai chính phủ chúng ta, vì những lý lẽ khác nhau, đang đối diện với các khó khăn to lớn trong vấn đề này. Và tôi nghĩ việc thấu hiểu chính xác những gì tôi suy nghĩ về tình hình hiện nay sẽ quan trọng và hữu ích cho ngài. Ngược lại, tôi sẽ vô cùng trân trọng nếu ngài có thể phát biểu thẳng thắn nhất về sự lượng định của riêng ngài, và rất có thể ngài và tôi, chúng ta có thể tìm ra một sự thông hiểu mới thay thế cho mối quan hệ nguy hiểm, lúng túng và rối loạn hiện nay giữa hai Chính phủ chúng ta.

Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng VNCH Nguyễn Đình Thuần, Thượng nghị sĩ Hubert Humphrey, và Phó Tổng thống Johnson trên tàu hải quân Sequoia, Washington, 14/6/1961. Thuần vừa trao một lá thư của Diệm đề nghị Mỹ tăng cường hỗ trợ quân lực VNCH (Ảnh: Thư viện LBJ)

2. Trước tiên, tôi xin phát biểu một cách mộc mạc rằng mục đích trung tâm của Chính phủ của tôi trong mọi quan hệ đối với quốc gia của ngài là Cộng sản phải bị đánh bại trong mưu toan trắng trợn chiếm đoạt xứ sở của ngài bằng vũ lực và mọi thủ đoạn lừa dối. Những điều chúng tôi làm và không làm, cho dù các nước bạn có thể coi là đúng hay sai, bao giờ cũng được cổ vũ bởi mục đích trọng tâm này. Ngài có thể nhớ rằng vị tiền nhiệm vĩ đại của tôi Abraham Lincoln đã có lần giải thích với một ký giả về cam kết sâu xa của ông nhằm bảo vệ nền thống nhất của Hoa Kỳ bằng việc nói ra rằng ngay cả trên vấn đề lớn như vấn đề nô lệ, những gì ông đã làm hay không làm đều được chi phối bởi sự đánh giá của ông về giá trị của nó trong việc chấm dứt sự phân chia xứ sở của chúng tôi. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đặt mối ưu tiên đó vào mục tiêu đánh bại Cộng sản, trong tất cả những điều chúng tôi làm trong quan hệ với đất nước của ngài.

3. Mục đích này, nhìn chung, đã là một phần trong chính sách của Hoa Kỳ đối với đất nước của ngài trong nhiều năm, nhưng như ngài biết, nó đã mang hình thức và mức độ rõ ràng mới từ cuối năm 1961. Vào lúc đó, chiếu theo tình hình vô cùng tồi tệ tại Lào, và nhìn thấy các nỗ lực gia tăng của Việt Cộng, tôi đã gửi hai cộng sự thân tín nhất sang đất nước của ngài để làm nhiệm vụ điều tra kỹ lưỡng. Nhiệm vụ của Tướng Taylor và ông Rostow là đem lại cho tôi một đánh giá sát thực nhất có thể về diễn tiến của cuộc đấu tranh tại miền Nam Việt Nam và khả năng thành công. Bản báo cáo toàn diện của họ cuối cùng đã thuyết phục tôi rằng: thứ nhất, tình hình thực sự rất nghiêm trọng, và thứ hai, bằng hành động quyết tâm và thích đáng, chính phủ của ngài và của chúng tôi có thể cùng nhau tìm được một con đường tiến đến chiến thắng. Hai Chính phủ chúng ta khi đó đã cùng nhau vạch ra một tầm mức mới cho sự nỗ lực và hợp tác, và ngài cùng với tôi là các nhà lãnh đạo chính phủ đã chính thức chấp thuận. Và tôi nghĩ có thể nói rằng kể từ đó, cả hai Chính phủ chúng ta đã kiên trì theo đuổi nỗ lực ấy tới giới hạn khả năng của mình.

4. Với nỗ lực hợp tác gian khổ này, trong đó dĩ nhiên dân tộc của ngài đã gánh chịu trách nhiệm nặng nề hơn và trực tiếp hơn, cuộc tranh đấu chống lại Cộng sản trong năm rưỡi vừa qua dần dần nhưng chắc chắn trở nên thuận lợi cho phía chúng ta. Các lực lượng của đất nước ngài đã phát triển lên những tầm mức mới của sự cảnh giác và năng lực, và chương trình ấp chiến lược táo bạo và đầy sáng tạo đã được đẩy mạnh với năng lượng và tốc độ ngày một gia tăng. Tôi tin chắc rằng cả ngài và tôi đều lưu tâm chặt chẽ đến các báo cáo của chúng ta từ mọi miền đất nước về diễn tiến của cuộc tranh đấu chống lại Việt Cộng, và tôi tin chắc các báo cáo này đều nhất trí ở luận điểm căn bản rằng cuộc chiến tranh đã tiến triển tốt đẹp, ít nhất là tới thời điểm gần đây. Và do các bài báo và vấn đề báo chí nói chung là một yếu tố quan trọng của những khúc mắc trong quan hệ của chúng ta, tôi chỉ có cách nói thẳng rằng tôi lấy làm bực mình y như ngài cũng hẳn phải cảm thấy bực mình bởi những bài tường thuật thường xuyên và không chính xác trong những tờ báo và tạp chí quan trọng của Hoa Kỳ, hiện có khuynh hướng gièm pha một cách thiên lệch và không chính xác hiệu quả của nỗ lực chống Việt Cộng của chúng ta.

5. Loại nỗ lực hợp tác vĩ đại mà chúng ta đang tiến hành không bao giờ là công việc dễ dàng cho những người đại diện của các quốc gia có chủ quyền. Một mặt, cuộc chiến đấu trong lõi cốt là của người Việt, không phải của người Mỹ. Ngài và Chính phủ của ngài có những trách nhiệm, với tư cách là người Việt Nam và đối với đất nước Việt Nam, hiển nhiên khác với những trách nhiệm mà tôi và Chính phủ của tôi phải lãnh với tư cách người dân Hoa Kỳ phục vụ cho quốc gia Hoa Kỳ. Trên trận mạc trực tiếp, khi một trong số các phi công hay cố vấn của chúng tôi cùng ở vào tình trạng nguy hiểm như các binh sĩ của ngài, những đường nét khác biệt này mờ nhạt và thậm chí tan biến đi, nhưng khi lùi xa hơn, những khác biệt là có thật và không thể hoàn toàn tránh khỏi. Tôi đã chăm chú đọc các điện tín của Đại sứ Nolting, trong đó ông ấy báo cáo rằng ngài cũng có nhận thức riêng về khó khăn này và cũng quan ngại sâu xa về điều đó. Tôi muốn ngài hiểu rằng tôi cũng nhìn thấy vấn đề này. Đặc biệt, tôi thừa nhận rằng thực là một vấn đề khó khăn cho các thành viên kiêu hãnh trong Chính phủ của ngài khi thấy một số lượng lớn người Mỹ nắm giữ các chức vụ có thẩm quyền và trách nhiệm đáng kể liên quan đến các vấn đề có tầm quan trọng trực tiếp lớn lao đối với nhân dân Việt Nam. Tôi hiểu rõ sự kiên quyết của ngài trong việc tránh bất kỳ điều gì trong mối quan hệ của chúng ta mà có thể dung dưỡng trong dân chúng của ngài tinh thần chấp nhận sự thống trị của ngoại bang như dưới thời thực dân. Và trong khi chắc chắn một số người Mỹ ở Nam Việt Nam đôi lúc đã nhiệt tình thái quá hay thậm chí ngạo mạn không phải lối, tôi muốn ngài hiểu cho rằng đích thân cá nhân tôi bảo đảm rằng các nhân viên cao cấp trong tất cả các bộ và cơ quan có liên quan, đều thông hiểu triệt để lòng quyết tâm của tôi rằng người Mỹ tại Việt Nam phải hoạt động với sự tôn trọng trọn vẹn nền độc lập của đất nước của ngài và quyết tâm chính đáng của nhân dân Việt Nam không muốn bị thống trị, ngay cả bởi các nước thân hữu. Đồng thời, như ngài hay biết, chúng ta không thể né tránh sự cần thiết của sự tham gia rộng rãi bởi những người đại diện của chúng tôi trong tình hình các tài nguyên của chính phủ chúng tôi, và hàng ngàn quân nhân thuộc lực lượng vũ trang của chúng tôi, đang can dự rất sâu. Tôi biết ơn vì ngài đã có thể thông cảm và tôn trọng những nhu cầu của chúng tôi, y như tôi đã cố gắng tôn trọng những nhu cầu của ngài.

6. Trong bốn tháng vừa qua, bởi một chuỗi những biến cố mà cả ngài lẫn tôi đều không mong muốn và ảnh hưởng của chúng chắc chắn là một điều đáng tiếc ngang nhau đối với cả hai chúng ta, một loạt những khó khăn mới và nghiêm trọng đã được đặt ra cho cả hai phía. Mục đích của tôi ở đây không phải là kể lại chi tiết các biến cố mà ngài đã biết, cũng không để nhắc lại những lời bày tỏ các mối quan ngại mà ngài đã được nghe nhiều lần từ Đại sứ Nolting và Đại sứ Lodge, về các nguy cơ và tình hình hiện tại trong xứ sở của ngài. Thực tế là, như tôi thấy cần phải tuyên bố công khai hai tuần trước đây, chúng tôi Chính phủ Hoa Kỳ rất lấy làm quan tâm về mối nguy hiểm rằng một vài phương án áp dụng bởi một số thành viên trong Chính phủ của ngài có thể tạo ra một tình trạng trong đó sẽ không thể duy trì được sự ủng hộ của quần chúng tại Việt Nam cho cuộc đấu tranh chống lại Cộng sản. Nhưng ngài sẽ cảm thấy, tôi tin chắc như vậy, rằng ngài có quyền đưa ra đánh giá của riêng mình về vấn đề này, và khó có thể chỉ bằng một lời nhắn gửi từ nơi xa xôi này tôi có thể thay đổi được ý kiến của ngài. Tuy nhiên, những gì tôi phải làm, là giải thích rõ ràng ảnh hưởng của những biến cố gần đây đối với tình hình tại Hoa Kỳ và về những khả năng hành động mở ra cho tôi.

7.Ở thời điểm hiện tại, thực tế là nếu không có những thay đổi và cải thiện quan trọng trong quan hệ giữa Chính phủ và người dân ở đất nước ngài, ý kiến ở đây, trong công chúng và trong Quốc hội, sẽ khiến cho tôi không thể nào tiếp tục mà không có sự thay đổi các chương trình hợp tác tuyệt vời mà chúng ta đã cùng thúc đẩy kể từ năm 1961. Tôi đã từng tuyên bố công khai rằng chúng tôi không muốn cắt đứt các chương trình viện trợ trong lúc này, và tôi sẽ không thay đổi quan điểm này trừ khi sự thay đổi như thế trở nên cần thiết để đáp ứng các tiến trình dân chủ ở đất nước tôi. Nhưng tôi sẽ phạm sai lầm nếu như không báo cho ngài hay biết rằng sự thay đổi như thế là điều không thể tránh khỏi trừ khi tình hình tại Việt Nam bằng cách nào đó có thể có một bước ngoặt theo chiều hướng tốt hơn.

8. Tối thiểu, và mong một thời gian ngắn, Chính phủ Hoa Kỳ phải hành động để tỏ rõ rằng sự hợp tác và sự trợ giúp của Hoa Kỳ sẽ không được trao cho hay thông qua những cá nhân có hành vi hay lời nói có vẻ đi ngược với mục đích hòa giải thực sự và nỗ lực thống nhất dân tộc chống lại Cộng sản. Điều này có xảy ra không phải vì chúng tôi muốn can thiệp vào chuyện của ngài, mà bởi vì nếu không có các hạn chế và sửa đổi như thế, chúng tôi sẽ không thể duy trì nỗ lực trợ giúp đất nước của ngài. Nếu tôi không thể chứng minh cho người dân Hoa Kỳ thấy rằng Hoa Kỳ hoàn toàn không liên quan gì đến các hành vi đã gây ra những thắc mắc nghiêm trọng tại đây, tôi sẽ không thể duy trì được sự ủng hộ của quần chúng cho nỗ lực trọng tâm này.

9. Rất có thể ngài có quan điểm rằng dư luận Hoa Kỳ đã bị lừa gạt và tôi thừa nhận rằng đó là một khả năng luôn luôn có thể xảy ra trong một thế giới mà việc đánh giá chính xác các biến cố xảy ra từ phương xa là điều vô cùng khó khăn. Nhưng điều đó khiến tôi phải hết sức thúc giục ngài rằng chỉ có một cách duy nhất để sửa chữa khó khăn này là hãy cho phép người Hoa Kỳ tại Việt Nam được tường trình, báo cáo nhiều hơn chứ không phải ít đi. Nếu có một nguyên lý mà cả dân tộc tôi đều nhất trí, bằng sự cam kết trong Hiến pháp, bằng niềm tin và bằng truyền thống, đó là: để có được sự thật, hãy để người dân tự mình xem xét. Hiện nay, khi hành động theo những cảm nghĩ của con người và có thể hiểu được, và làm việc theo một truyền thống hoàn toàn khác biệt với chúng tôi, Chính phủ của ngài đã thực hiện việc hạn chế và kiểm duyệt tin tức, và quấy rầy các sự tường trình, điều này đã và đang tạo ra các tác động nguy hại nhất đối với sự tin tưởng giữa nhân dân hai nước chúng ta. Tôi xin nhắc lại rằng tôi sẽ không nhân nhượng bất kỳ ai khi nhìn nhận sự bức xúc mà những sự tường thuật thiên vị có thể gây ra, nhưng không phải là nói quá khi tôi phải nhấn mạnh với ngài về sự tổn hại đã xảy ra cho mục tiêu của chính ngài và cho mục đích chung của chúng ta bởi những sự hạn chế báo chí như thế này. Không một biện pháp đơn lẻ nào lại tốt cho việc mở lại con đường hợp tác hữu hiệu hơn là sự bãi bỏ tức khắc và toàn diện mọi hạn chế trong dòng chảy tin tức đi và đến các quốc gia của chúng ta.

10. Có rất nhiều điều cần nói ra giữa hai quốc gia chúng ta về những vấn đề nghiêm trọng này. Tôi có yêu cầu Đại sứ Lodge nỗ lực hết sức để thảo luận thêm với ngài tùy ở sự thuận tiện của ngài, và dĩ nhiên tôi sẽ nồng nhiệt đón nhận một sự trình bày trực tiếp quan điểm cá nhân của ngài trong một thông điệp gửi cho tôi bất kỳ khi nào. Tôi không cho rằng khi hai quốc gia độc lập gặp phải một mức độ bất đồng nghiêm trọng, các sai lầm lại chỉ hoàn toàn nằm ở một phía, và ngài sẽ không nhận thấy chúng tôi cứng nhắc hay không đáp ứng trong nỗ lực để tái thiết lập và duy trì trong tương lai sự hợp tác mà đã mang lại các kết quả hữu hiệu nổi bật cho mãi đến gần đây. Tôi xin nhắc lại rằng mục đích trọng tâm của Hoa Kỳ vẫn là duy trì một mối quan hệ thân thiết với Nam Việt Nam để đánh bại ý đồ xâm lược của Cộng sản.

[1] Đây là bản thảo do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ biên soạn, có thể dùng làm thư của Tổng thống Kennedy gửi Ngô Đình Diệm. Tổng thống Kennedy đã đem theo lá thư trong một phiên họp an ninh quốc gia vào tối ngày 11 tháng 9 năm 1963. Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy đã cố thuyết phục Tổng thống từ bỏ ý định gửi thư. Lá thư cuối cùng đã bị bác bỏ vì quá vụng về và ám chỉ gián tiếp (thí dụ, cố gắng loại bỏ ông Nhu mà lại không nêu tên ông ta ra). Thay vào đó, Tổng thống Kennedy đã quyết định phái ông Robert McNamara và Tướng Maxwell D. Taylor làm một chuyến khảo sát tại Việt Nam, nơi họ có thể nói chuyện riêng tư với ông Diệm, cũng như đánh giá các triển vọng của một cuộc đảo chính (ND).

 

———-

 

CƠ QUAN TÌNH BÁO TRUNG ƯƠNG

Bản ghi nhớ

Ngày 2 tháng 11, 1963

TÌNH HÌNH TẠI NAM VIỆT NAM

(Tin tức cập nhật vào lúc 7 giờ sáng, giờ Miền Đông)

  1. Sài Gòn đang tán dương thành công của cuộc đảo chính, với vài vụ trả thù xảy ra đối với các cơ quan gắn liền với chế độ Diệm. Sự kháng cự có tổ chức đã chấm dứt, và hiện có các tường thuật mâu thuẫn nhau về số phận của hai ông Diệm và Nhu sau khi họ được cho là đã đầu hàng tại Dinh Gia Long ngay trước 7 giờ sáng giờ Sài Gòn (18:00 giờ Miền Đông ngày 1 tháng 11 tại Washington).
  2. Ông Diệm gọi điện thoại cho Tướng Đôn tại Bộ Tổng Tham Mưu lúc 6 giờ 20 sáng, theo một nguồn tin đáng tin cậy tại Bộ Tổng Tham Mưu, và đề nghị đầu hàng “với danh dự”. Tướng Minh Cồ đã chấp nhận, và cố gắng dàn xếp một cuộc ngưng bắn. Các lực lượng đảo chính khi đó đã tiến vào Dinh Gia Long. Nửa giờ sau, theo nguồn tin, ông Diệm lại gọi điện cho Tướng Đôn chịu đầu hàng “vô điều kiện”, và có nói thêm rằng ông đã ra lệnh ngưng bắn.
  3. Các tướng lãnh đảo chính đã dự định giải hai ông Diệm và Nhu về Bộ Tổng Tham Mưu và đề nghị chở họ đến quốc gia do họ lựa chọn. Tuy nhiên, Đài Phát thanh Sài Gòn đã loan báo hồi 10:45 sáng rằng hai ông Diệm và Nhu đã tự tử trên đường dẫn giải về Bộ Tổng Tham Mưu. Một nguồn tin báo cáo rằng các phóng viên Việt Nam đã chụp hình thi thể họ tại Bộ Tổng Tham Mưu. Các tin đồn khác cho rằng họ đã thoát được và đang ẩn náu.
  4. Chúng tôi vẫn chưa phát hiện ra phản ứng của Cộng sản, ngoại trừ về mặt tuyên truyền. Hà Nội đã gọi cuộc đảo chính là một bước tiến của Hoa Kỳ để thay thế “bù nhìn này bằng một bù nhìn khác”.
  5. Hội đồng các tướng lãnh đã loan báo một chương trình sáu điểm cho tân chế độ: chiến đấu chống lại Cộng sản, cho phép các đảng phái chính trị tự do hoạt động, phóng thích tất cả các tù nhân chính trị không phải là cộng sản, công nhận tự do tôn giáo, cho phép tự do báo chí, và tái lập quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng (có nghĩa là với Campuchia). Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, tình trạng thiết quân luật vẫn được tiếp tục với việc kiểm duyệt báo chí và ấn định giờ giới nghiêm.
  6. Vẫn có vẻ là các tướng lãnh sẽ không thể thành lập một chính phủ hoàn toàn dân sự mau chóng như họ đã hy vọng. Phó Tổng thống Thơ sẽ cầm đầu nội các mới với tư cách Thủ tướng Chính phủ, nhưng ít nhất bốn chức vụ then chốt sẽ do các sĩ quan quân đội nắm giữ. Những lời hứa hẹn ủng hộ đã được gửi đến từ các tổ chức Việt Nam, bao gồm cả Phong trào Thanh niên Cộng hòa, một tổ chức quần chúng trong bộ máy của ông Nhu. Một trong những lãnh đạo nghiệp đoàn chính yếu đến thăm một người bạn Hoa Kỳ với thái độ hân hoan.
  7. Một cuộc bố ráp đang được tiến hành để truy lùng một số cảnh sát và các viên chức khác của chế độ cũ đang lẩn trốn. Sáng sớm thứ Bảy còn nghe thấy lác đác những tiếng súng nhỏ, một số có thể là tiếng đạn nổ trong các vụ cháy tại Dinh.
  8. Quân đội chỉ nới lỏng kiểm soát đối với đám đông quần chúng ăn mừng tại Sài Gòn. Trụ sở Phong trào Phụ nữ Liên đới của bà Nhu và nhà của một số viên chức chế độ cũ bị đốt phá. Trạm cảnh sát tại khu vực chợ Bến Thành và tòa soạn của hai tờ báo thân ông Diệm, kể cả tờ Times of Vietnam, đã bị lục soát. Bức tượng Hai Bà Trưng, một biểu tượng ưa thích của bà Nhu, đã bị giật sập.
  9. Không có báo cáo về tổn thất nhân sự của Hoa Kỳ. Có vẻ đã có đến 100 người thương vong trong số quân đảo chính lẫn quân phòng vệ ông Diệm trong Dinh.
Các tướng đảo chính: (từ trái qua phải) Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Trần Văn Đôn, tháng 7 năm 1963 (Ảnh: AP)

——

 

BẢN GHI NHỚ PHIÊN HỌP VỚI TỔNG THỐNG

Ngày 2 tháng 11, 1963 – hồi 9 giờ 15 sáng, Chủ đề: Việt Nam

Thành phần tham dự: Bộ trưởng Rusk, Bộ trưởng McNamara, Giám đốc McCone, Tướng Taylor, Tướng Krulak, Quản trị viên Bell, Quyền Giám đốc Wilson, Thứ trưởng Hariman, Phụ tá Bộ trưởng Hilsman, Phụ tá Bộ trưởng Bundy, Phụ tá Bộ trưởng Manning, ông Ray Cline (Cơ quan Tình báo Trung ương), ông McGeorge Bundy, ông Forrestal, ông Bromley Smith.

Phiên họp bắt đầu, chưa có sự hiện diện của Tổng thống.

Bộ trưởng Rusk nói rằng vấn đề quan trọng là chúng ta tiến hành cuộc chiến tranh chống Việt Cộng tại Việt Nam như thế nào. Chúng ta nên hướng dẫn họ từ nơi đây, nhưng không nên cố gắng điều khiển việc thành lập chính phủ mới tại Sài Gòn. Chúng ta sẽ có lợi ích nếu có các nhân vật dân sự trong chính quyền mới. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là duyệt xét các bước mà chúng ta phải tiến hành trong lúc này, bao gồm phí tổn để thực hiện các bước đó, sao cho người Việt có thể tập trung năng lực của họ để chiến đấu chống lại Việt Cộng. Có thể xem xét khả năng đề nghị ân xá cho lính Việt Cộng, tương tự như chương trình đã được làm trước đây tại Mã Lai.

Bộ trưởng McNamara muốn biết khi nào chúng ta sẽ loan báo sự thừa nhận chính phủ mới và khi nào chúng ta sẽ loan báo sự tái tục viện trợ, kể cả tiền lương cho Lực lượng Đặc biệt Việt Nam.

Bộ trưởng Rusk trả lời rằng chúng ta nên loan báo từ nơi đây sự ủng hộ hoàn toàn của chúng ta cho chính phủ mới, nhưng ủy quyền cho Đại sứ Lodge quyết định thời điểm thông báo nhiều quyết định cụ thể khác nhau.

Ông Bell đề xuất rằng những cam kết viện trợ đầu tiên của chúng ta với chính phủ mới cần được hạn chế. Ông nói chúng ta không nên chỉ mở lại viện trợ mà nên nhân cơ hội này để cải tiến các kỹ thuật viện trợ của chúng ta tại Việt Nam.

Bộ trưởng McNamara nói rằng người Việt Nam không nghi ngờ gì sự ủng hộ của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta nên tìm cách tránh lạm phát tại Việt Nam, điều có thể gây ra bởi một phản ứng tâm lý hay bởi một lỗ hổng có thực trong kênh viện trợ của chúng ta. Chính phủ mới phải đối phó với nhiều vấn đề kinh tế quan trọng.

Bộ trưởng Rusk nói rằng ông tin chúng ta nên thừa nhận chính phủ mới ngay khi được chính thức thành lập, có lẽ vào ngày thứ Hai hay thứ Ba. Chúng ta không nên trì hoãn việc thừa nhận chỉ vì muốn tránh là quốc gia đầu tiên thừa nhận. Chúng ta không có bất kỳ lý cớ nào vào lúc này, vì thế hãy cứ tiếp tục công việc tại Việt Nam. Ông McGeorge Bundy bổ sung thêm là bây giờ không còn điều gì phân hóa chúng ta nữa.

Bộ trưởng Rusk đồng ý với ông William Bundy về tầm quan trọng lớn lao của việc cải tiến quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia. Cả hai đều nhận định rằng việc hợp tác tuần tra biên giới sẽ trợ giúp rất nhiều cho nỗ lực quân sự tại Việt Nam bằng việc phong tỏa sự vận chuyển đồ tiếp tế cho Việt Cộng.

Ông McGeorge Bundy nói chúng ta không biết mức giá nào đã phải trả để giành được sự ủng hộ của một số tướng lĩnh hậu thuẫn cuộc đảo chính. Có lẽ cái giá này khá cao. Về việc cần tuyên bố như thế nào về cái chết của ông Diệm và ông Nhu, chúng ta nên biểu lộ sự hối tiếc. Ông Salinger sẽ bày tỏ sự hối tiếc của chúng ta về cái chết gây ra bởi bạo lực, nhưng chính Tổng thống không nên đưa ra tuyên bố nào.

Bộ trưởng Rusk cảm thấy rằng chúng ta phải lên tiếng theo cách nào đó để khỏi bị tố cáo về cái chết của ông Diệm và ông Nhu.

Bộ trưởng McNamara hỏi tại sao chúng ta lại phải nói gì đó. Bộ trưởng Rusk trả lời rằng chúng ta không cần lên tiếng gì cả cho đến khi hiểu chi tiết về cái chết này.

Bộ trưởng McNamara cho hay các lực lượng Hoa Kỳ di chuyển vào khu vực Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tiến lên, nhưng sẽ ở ngoài khơi, khuất tầm nhìn từ bờ biển. Các lực lượng này sẽ đóng vai trò là tác nhân chế ngự Việt Cộng nếu họ muốn tranh thủ tấn công trong khi Sài Gòn đang bất ổn.

Quang cảnh bên ngoài dinh Tổng thống VNCH sau cuộc đảo chính ngày 01/11/1963 (Ảnh: Sưu tập Douglas Pike)

Vào lúc này, Tổng thống đến tham gia vào phiên họp – – Bộ trưởng Rusk tóm tắt những ý kiến ông đã nêu. Nếu có vài quốc gia thừa nhận Việt Nam trước chúng ta thì tốt hơn, nhưng chúng ta chỉ nên trì hoãn nếu lý do duy nhất là để tránh trở thành nước đầu tiên thừa nhận tân chính phủ.

Tổng thống nêu suy nghĩ của ông về ảnh hưởng nghiêm trọng tại Mỹ và nước ngoài về cái chết của ông Diệm và ông Nhu. Tổng thống nghi ngờ rằng hai ông là tín đồ Thiên Chúa Giáo nên có lẽ không tự tử như các tướng lãnh nổi dậy tuyên bố. Ông McGeorge Bundy đã đọc một điện văn bao gồm nhiều tường thuật khác nhau về cái chết của ông Diệm và ông Nhu.

Ông Hilsman nói cũng không có gì khó khi cho rằng ông Diệm và ông Nhu đã tự kết liễu đời mình, bất kể họ theo Thiên Chúa Giáo. Ông mô tả họ là những người Thiên Chúa Giáo Á Đông có thể đã lựa chọn tự sát trong tinh thần “đây là trận cuối”.

Tổng thống yêu cầu tổng hợp một báo cáo giúp họ và chúng ta ít bị mang tiếng nhất nếu đúng là ông Diệm và ông Nhu đã bị ám sát, như có vẻ đã xảy ra trên thực tế. Chúng ta nên cố gắng hạn chế sự đồn đại của báo chí gán cho Hoa Kỳ việc thực hiện cuộc đảo chính. Đường lối chúng ta phải nêu ra là chúng ta đã sử dụng áp lực viện trợ đối với ông Diệm không phải nhằm mục đích lật đổ, mà nhằm đặt áp lực lên ông ta tiến tới thỏa hiệp hầu bảo đảm cho sự thành công trong cuộc chiến chống Việt Cộng.

Tổng thống yêu cầu phiên họp được tiếp tục vào buổi chiều.

Bromley Smith.

 

Ngô Bắc dịch

Nguồn: Thư viện John F. Kennedy, Bộ sưu tập: Hồ sơ John F. Kennedy – Hồ sơ Tổng thống – Hồ sơ An ninh Quốc gia, Tập tài liệu: Các phiên họp về Việt Nam, 24 – 31 tháng Tám 1963, 11 – 12 tháng Chín 1963, và 1 – 2 tháng Mười Một 1963.

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN