Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4 năm 1975

Trích ký của Trình Quang Phú

Ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng, tôi được Ban tổ chức Trung ương tăng cường tham gia công tác báo chí ở Sài Gòn và được Báo Tin Sáng mời cộng tác như một cố vấn không thường trực. Tôi và nhà báo Lý Quí Chung thường trao đổi với nhau, anh hay kể cho tôi về những ngày đấu tranh của nhóm dân biểu đối lập, anh kể về những ngày cuối cùng trước giờ G giải phóng Sài Gòn và một lần Lý Quí Chung đưa tôi đến thăm tướng Dương Văn Minh. Lý Quí Chung là nhà báo nhưng là dân biểu đối lập và được Dương Văn Minh cử làm Tổng trưởng Thông tin.

Chúng tôi đến biệt thự Hoa Lan của ông Dương Văn Minh nằm trên đường Võ Văn Tần (ngày đó là đường Trần Quý Cáp). Dù được Lý Quí Chung giới thiệu trước, nhưng ông vẫn dè dặt. Sau hồi lâu trao qua đổi lại, ông nhìn tôi và chậm rãi nói:

Moa nói với toa thế này (ông vẫn quen dùng tiếng Pháp Toa (toi): Anh, Moa (Moi): Tôi), toa có thể ghi vào sổ tay. Nếu moa không vì dân tộc này, không thương đồng bào, không muốn Sài Gòn đổ máu thì moa không nhận làm Tổng thống. Moa nhận để làm gì khi moa biết quân giải phóng đã vào sát Sài Gòn. Moa muốn đánh nhau thì moa đã không lệnh cho cơ quan DAO của Mỹ phải rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ. Moa đồng ý để nhóm Nguyễn Đình Đầu rồi nhóm Trần Ngọc Liễng vào trại David để thông báo với quân giải phóng là quân đội của moa không chống cự, moa chờ Việt cộng vào, và Mặt trận Dân tộc Giải phóng nói sao moa làm y vậy. Moa có biết gì về tuyên bố 26 tháng 4 của Mặt trận giải phóng đâu, chỉ biết đó là tuyên bố hòa bình thì moa liền cho tuyên bố “thực hiện đúng tuyên bố 26/4 của Chính phủ cách mạng miền Nam”. Cũng chính vì thế, moa mời toàn bộ nội các vào Dinh Độc Lập để chờ cách mạng vào bàn giao, xét cho kỹ thì thực sự ý định bàn giao cũng là cách đầu hàng lịch sự mà thôi”.

Duong Văn Minh (người ngồi bên phải) trước lúc đọc lời đầu hàng ở đài phát thanh (ngày 30/4/1975)

Trong những ngày này, có lần tôi cùng anh chị Vân Trang – Thiên Giang nhà văn, trí thức Sài Gòn đến ăn tối với nhà sử học Nguyễn Đình Đầu tại nhà riêng của ông ở góc đường Nguyễn Du-Thủ Khoa Huân. Cùng ăn với chúng tôi có anh Nguyễn Văn Diệp, Nguyên Tổng trưởng kinh tế thời Dương Văn Minh, là người trong lực lượng yêu nước. Anh Diệp cho biết ông Đầu là người được Dương Văn Minh cử vào trại David để tìm gặp đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Đầu cười vui và kể lại: “Tình thế khi đó cấp bách lắm, quân giải phóng đã tiến sát Sài Gòn. Nhóm Trí Việt (tên gọi tắt của lực lượng trí thức Sài Gòn có xu hướng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam) chúng tôi bàn nhau, nếu không có giải pháp gì thì Sài Gòn sẽ tan nát vì bom đạn chiến tranh và tắm máu. Tôi thì Việt cộng không phải, chính quyền cũng không, không có chức gì cả, kể cả cái hàm Giáo sư mà họ khoác cho tôi cũng sai luôn, tuy nhiên mọi người biết tôi là một tri thức hồi đầu kháng chiến năm 1945 có giúp Chính phủ Cụ Hồ nên nhóm cử tôi đi gặp tướng Dương Văn Minh để tìm cách. Tôi đi tìm gặp ông Nguyễn Văn Huyền. Ông Huyền nói với tôi: Ông Dương Văn Minh giao cho tôi giữ chức Phó Tổng thống phụ trách hòa đàm mà giờ biết đàm với ai để hòa. Ông Huyền cũng nói: Ông Dương Văn Minh và chúng tôi nhận cái Chính phủ này là vì chúng tôi sợ chiến tranh sẽ làm tan nát Sài Gòn, đánh nhau thì sẽ chết, sẽ đầu rơi máu đổ. Ông Minh đã dặn: làm gì thì làm, chúng ta phải có giải pháp để đồng bào mình không chết. Ông Huyền nhất trí giao cho tôi anh Nguyễn Văn Diệp, anh Nguyễn Văn Hạnh và anh Tô Văn Cang vào trại David gặp đại diện Chính phủ cách mạng (Trong số này ông Hạnh là cơ sở, ông Cang là lực lượng tình báo của ta). Cuộc gặp ấy không giải quyết được yêu cầu như ông Minh, ông Huyền mong muốn, nhưng cái được nhất là chúng tôi đã thông tin đến Chính phủ Cách mạng là Chính phủ Sài Gòn sẵn sàng bàn giao và không đánh nhau nữa. Khi nghe ông Đầu, ông Diệp từ trại David về báo cáo lại ý của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng rằng mọi việc đã trễ, không có gì cản nổi sự tiến công của quân giải phóng. Mặt trận Dân tộc Giải phóng yêu cầu chính quyền Sài Gòn chấp nhận tuyên bố ngày 26 tháng 4 năm 1975 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam. Ông Đầu kể tiếp: “9 giờ ngày 30 tháng 4 tôi nói chuyện với tổng thống Dương Văn Minh ở văn phòng Thủ tướng số 7 đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), sau khi nghe tôi nói lại cuộc gặp ở trại David ông Dương Văn Minh đã đồng ý sẽ có tuyên bố vì hòa bình. Ông gọi điện thoại cho đài phát thanh yêu cầu chuẩn bị để phát đi tuyên bố quan trọng của Tổng thống.

* * *

Những thông tin từ những năm 1975, 1976 về Dương Văn Minh nằm im trong tư liệu của tôi nhiều năm. Một câu hỏi luôn trăn trở trong tôi: “Dương Văn Minh là người thế nào?”. Một hôm của năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Trong câu chuyện, ông Sáu Dân hỏi luật sư Nguyễn Hữu Thọ:

– Anh Ba đánh giá như thế nào về ông Dương Văn Minh?

– Tôi nghĩ đó là một người biết vì dân tộc – Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đáp.

Lời đối đáp của hai vị lãnh đạo làm sống dậy những trăn trở trong tôi.

Trong câu chuyện trao đổi với tôi, anh Nguyễn Văn Diệp và cả Lý Quí Chung, hai vị nguyên là tổng trưởng trong nội các Dương Văn Minh còn kể một chuyện cần được ghi lại: Sáng ngày 30 tháng 4, một sự kiện đặc biệt xảy ra trước giờ G của cách mạng, đó là việc tướng già Pháp Vanuxem từ Paris bay qua, không hẹn trước đã vào dinh Thủ tướng xin gặp Dương Văn Minh. Lý Quí Chung là người đầu tiên tiếp và đưa Vanuxem vào gặp Dương Văn Minh. Ở giờ phút đó Vanuxem nêu giải pháp với Dương Văn Minh, yêu cầu ông lên đài phát thanh tuyên bố: Cần sự trợ giúp của nước ngoài với lý do “Hà Nội vi phạm hiệp định Paris”. Vanuxem cam kết trong vòng 24 giờ sẽ có quân đội nước ngoài và nói rõ là quân phương Bắc sẽ đổ vào miền Nam và tình thế sẽ được cứu vãn. Dương Văn Minh nghe xong trả lời ngay: “Xin cảm ơn, bây giờ đất nước chúng tôi sắp chấm dứt chiến tranh. Xin ông để chuyện này cho người Việt Nam chúng tôi tự giải quyết”([1]). Nói xong tướng Minh bắt tay: “Cảm ơn” và tống tiễn Vanuxem ra cửa để ông chuẩn bị đọc tuyên bố của Tổng thống yêu cầu binh lính Cộng hòa ngưng nổ súng và chuẩn bị bàn giao chính quyền. Lý Quí Chung nói đó là một quyết định lịch sử. Ông Minh không muốn gì hơn là chấm dứt chiến tranh, là bàn giao chính quyền cho cách mạng. Lý Quí Chung bình thêm: “Nếu thời khắc đó Dương Văn Minh chỉ cần im lặng hoặc mấy lời hô khẩu hiệu bảo vệ Sài Gòn, thì chắc chắn Sài Gòn tan nát và sẽ có cảnh máu đổ đầu rơi”.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cung cấp cho tôi bản Copy tuyên bố trên đài phát thanh của ông Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lúc 9 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975. Toàn văn như sau:

Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sanh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng, và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào”.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đang kể lại chuyện những ngày tháng 4/1975

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu nhận xét với tôi: nhìn nhận một cách khách quan theo tư duy người làm sử có thể thấy thế này: “Không phải tự dưng Dương Văn Minh nhận chức Tổng thống và lại nhận khi không còn gì nữa. Tôi nghĩ phải có sự vận động của các lực lượng cách mạng, và ông Minh là người không thân Mỹ, một người có tính dân tộc và có tình cảm với phía cách mạng. Ông muốn Sài Gòn không đổ nát, ông không muốn cảnh tử thủ Sài Gòn để rồi chết chóc… nên ông nhận chức Tổng thống là như vậy”. Trong những ngày cuối cùng, giải pháp của Dương Văn Minh là tìm gặp, là thương lượng để bàn giao. Tối 29/4 ông đưa vợ vào Dinh độc lập ngủ và chờ Mặt trận dân tộc giải phóng. Và khi người lính cách mạng đầu tiên tiến vào Dinh, Dương Minh đã thốt lên : “Các anh đã về, cách mạng đã về, chúng tôi chờ các anh đến để bàn giao…”.

* * *

Tôi nhớ lại thời khắc đó. Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 các cánh quân cách mạng từ mọi phía đã áp sát Sài Gòn. Mũi chủ công bằng xe tăng tiến theo Quốc lộ 1 cũng đã vượt qua cầu Đồng Nai Biên Hòa. 9 giờ 35 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 ngay sau khi nghe tuyên bố của Dương Văn Minh phát trên đài Sài Gòn, Chính ủy chiến dịch Hồ Chí Minh đã phát ngay mệnh lệnh hỏa tốc đến các Mặt trận, các mũi tiến công, toàn văn như sau:

Địch đang dao động tan rã, các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh, chiếm các mục tiêu đúng qui định. Hội quân tại Dinh Độc Lập ngụy. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao, chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng! Chính ủy chiến dịch: Phạm Hùng”.

Mệnh lệnh trên là bất di bất dịch. Vì vậy, việc quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập và đã nói với Dương Văn Minh “Các ông không còn gì để bàn giao”, “Phải đầu hàng” là sự thực hiện hoàn thiện mệnh lệnh.

Thời gian qua đi, quá khứ được xuất hiện bởi những tài liệu ngày càng lộ ra. Trước ngày 30/4/1975 một tuần lễ, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố trong cuộc họp báo : “ Sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn là không tránh khỏi…” Henry Kissinger thì hy vọng Dương Văn Minh làm tổng thống sẽ thương lượng được với chính phủ cách mạng để “bàn giao”, nói cách khác là có sự đầu hàng trong danh dự.

Sau này khi qua Paris, tôi có dịp gặp lại ông Dương Văn Minh. Những ngày ở Paris thường xuyên có các thế lực phản động đến vận động ông làm ngọn cờ chống lại chế độ nhà nước ta, Dương Văn Minh dứt khoát từ chối. Dương Văn Minh nói với tôi: “Toa không góp được gì, thì cũng để lại cái tình đẹp với quê hương”./.

Trình Quang Phú

(Theo Tạp chí Phương Đông)

Chú thích:

(1): Xem thêm “GIẢI PHÓNG của nhà báo Ý TIZIANO TERZANI (trang 124) NXB Chính trị quốc gia Sự thật tháng 4/2019.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN