"Cuộc chiến đã kết thúc"

Kim Willeson, Loren Jenkins, Nicholas C. Proffitt

Lê Vũ Mạnh dịch

Nhân dịp kỷ niệm chiến thắng lịch sử 30/04/1975, Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới quý độc giả bản dịch bài chính luận ‘La Guerre Est Fine’ đăng trên tờ Newsweek số ra ngày 05/05/1975. Bài viết đã khắc họa một cách chân thực, sống động tình hình nội bộ rối ren của chính phủ Việt Nam Cộng hòa và thực trạng suy yếu của quân đội Nam Việt vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến.

Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/04/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng

Nguyễn Văn Thiệu, chính trị gia tài giỏi xuất thân từ gia đình địa chủ, đã lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa trong một thập kỷ, đột ngột biến mất, và Dinh Độc Lập sừng sững ở trung tâm Sài Gòn không còn người chủ trì. Giờ đây, vận mệnh đất nước nằm trong tay một nhà Nho học với hai mắt gần như mù, Phó Tổng thống Trần Văn Hương, người hiếm khi ra khỏi căn biệt thự cách đó ba khu nhà trên cùng con đường. Vào một buổi sáng tuần trước, ngồi trước mặt ông là Dương Văn Minh, tức “Minh Cồ”, vị cựu tướng có vóc dáng cao lớn và được xem là người duy nhất mà Bắc Việt muốn đàm phán. Hai người đàn ông tìm kiếm giải pháp cho tình thế ngàn cân treo sợi tóc của Sài Gòn nhưng không thể đi đến thống nhất. Ông Minh muốn ngồi vào ghế tổng thống, nhưng ông Hương nhìn chằm chằm vào vị khách của mình qua cặp kính mắt nặng độ và không chấp nhận yêu cầu đó. “Không thể tin nổi”, một đại sứ phương Tây ở Sài Gòn nói. “Hoàn toàn điên rồ. Họ đơn giản là không nhận ra rằng cứ mỗi một giờ họ do dự, Nam Việt sẽ tiến gần hơn đến cái chết”.

Đối với những người ngoài cuộc, chuyện họ không thể thống nhất với nhau dường như rất khó tin. Song sau 30 năm chiến tranh, những người Việt chọn phe Miền Nam giờ đã tê liệt khi nghĩ đến viễn cảnh sống dưới sự cai trị của kẻ thù – những người Cộng sản Miền Bắc. Xem xét mọi khía cạnh, bàn giao quyền lực cho ông Minh là hy vọng duy nhất mà Sài Gòn đang có để giúp họ tránh được cuộc tấn công cuối cùng của đội quân 140.000 người đang áp sát đô thành. Song thay vì từ bỏ quyền lực, ông Hương, 71 tuổi, không thể để mình biến thành một kẻ đầu hàng thảm hại. Ông cũng đưa ra lời mời với Hà Nội và bị họ từ chối khi cố gắng tự mình khởi động đàm phán. Và sau thất bại đó, ông đã đến quốc hội cùng đề nghị không mấy nhiệt tình rằng ông sẽ từ chức nếu quốc hội mong muốn. Song ngay cả khi kẻ thù đã tiến đến cửa ngõ, các chính trị gia được Pháp đào tạo của Sài Gòn vẫn chưa thể đưa ra quyết định. Tranh giành chức vụ và vị trí trong một loạt cuộc họp kín dài bất tận trải khắp thành phố, họ bác đề nghị của ông Hương và để cho việc tìm kiếm một chính phủ hòa giải kéo dài đến cuối tuần. Sau 48 giờ rối ren, họ chấp nhận những gì không thể tránh được và trao lại chức tổng thống cho tướng “Minh Cồ”. Quyết định của quốc hội có thể được thúc đẩy bởi vụ tấn công bằng rocket đầu tiên của quân Cộng sản kể từ năm 1972 – sự kiện được coi là điềm báo cho những gì sắp xảy ra.

Bắc Việt tỏ ra vui mừng trước “bộ phim tâm lý” này – Hà Nội gọi là “vũ điệu của những con rối” – và chuẩn bị đầy đủ để chơi trò mèo vờn chuột với Sài Gòn cho đến khi chính quyền tự sụp đổ. Cùng lúc, Bắc Việt yêu cầu xóa bỏ hiến pháp và đưa một người lên nắm quyền để đàm phán với họ, dù không nêu ra bất cứ cái tên nào mà họ chấp nhận. Ông Minh nổi lên như là một ứng viên khả dĩ sau quá trình loại trừ – nhân vật có tầm vóc duy nhất mà những người cộng sản chưa thể loại trừ. Sự tê liệt ở tầng lớp lãnh đạo nhanh chóng lan đến đám đông bên dưới và cả thành phố chìm trong sự hoảng loạn. Những người giàu trưng ra những vali đầy tiền để có thể rời khỏi đất nước trong khi những người nghèo khâu cờ trắng và áo bà ba đen giữa lúc kẻ thù tiến vào. Mỗi giờ trôi qua, người ta càng thấy rõ mọi thứ sụp đổ; đô thành không trụ được nữa.

Trên thực tế, người dân đã rối loạn đến độ quân đội cuối cùng đã thành lập một “ban lãnh đạo” của riêng họ, do Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng Cao Văn Viên và cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đứng đầu. Song ban lãnh đạo này cũng không thể làm gì nhiều. Thậm chí trong một tuần các chiến trường yên ắng, 16 sư đoàn của quân đội Bắc Việt đã từng bước áp sát đô thành Sài Gòn. Lục quân Việt Nam Cộng hòa đã ra lệnh từ bỏ thêm ba tỉnh lỵ nữa để củng cố lại lực lượng phòng thủ của mình. Giao tranh ác liệt diễn ra tại một số địa điểm và tình báo phương Tây tin là quân đội Bắc Việt đang thiết lập năm cánh quân có thể tiến vào trung tâm Sài Gòn trong vòng chưa đầy 72 giờ. Khi quân đội Bắc Việt ở khoảng cách đủ gần để nã rocket 122 ly vào thành phố lần đầu tiên sau ba năm, rõ ràng Sài Gòn đang đứng trước sự lựa chọn của kẻ thất bại: đầu hàng hay là chết.

NHỮNG LỜI CAY ĐẮNG

Màn cuối của bi kịch bắt đầu từ đầu tuần khi ông Thiệu từ chức. Khi công bố quyết định, ông rưng rưng nước mắt và dành những lời cay đắng cho những người từng là đồng minh. Người dân trong nước gọi ông là kẻ thất bại kém cỏi. Người thân cố gắng thuyết phục ông trốn chạy. Song Thiệu là một người ngoan cố. Ông không tin rằng Washington sẽ không giải cứu ông bằng loạt viện trợ quân sự và vài cuộc tấn công chóng vánh nhằm vào Hà Nội, và ông không thừa nhận rằng không còn cách nào để sốc lại sĩ khí và sức mạnh chiến đấu của đội quân đã tan đàn xẻ nghé. Ông ẩn náu trong dinh thự của mình, đóng cửa để không phải nghe tin xấu. Những sự việc cấp bách không được chú ý; những cuộc gọi, thậm chí từ các tướng lĩnh ở chiến trường, không được trả lời. Sau tất cả, “Thiệu vẫn tin rằng ông là người duy nhất có thể cứu Nam Việt”.

Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. Ảnh: AP

Chuyện cuối cùng đã khiến ông thay đổi suy nghĩ là đòn trừng phạt nặng nề về tinh thần, không phải đến từ Hà Nội hay Washington mà từ đội quân ông cử đi bảo vệ ngôi làng nơi ông sinh ra ở Phan Rang. Khi một lực lượng gồm khoảng 3 sư đoàn hoặc nhiều hơn của quân đội Bắc Việt tràn xuống dọc theo bờ biển, doanh trại vốn đã neo người của quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Phan Rang hoảng loạn và rã đám. Hành động cuối cùng của các binh sĩ này, chuyện mà người châu Á xem là sự xúc phạm nghiêm trọng, là lái xe ủi đến khu nghĩa địa của dòng họ ông Thiệu và xới tung mồ mả.

Các binh sĩ nổi loạn này – bao gồm lính thủy đánh bộ và lính biệt kích – thuộc một trong các đơn vị quân đội mà ông Thiệu trọng dụng nhất. Trong một nền văn hóa coi trọng chuyện thờ cúng tổ tiên, việc mồ mả ông bà bị dày xéo là sự chối bỏ tàn khốc nhất có thể xảy đến với ông Thiệu và tất cả những gì ông hướng đến.

Bạn bè ông kể lại rằng, khi tin tức về hành động xúc phạm này đến tai ông, gương mặt đờ đẫn của ông bỗng chốc tràn ngập sự đau đớn tột cùng. Bước đi một cách nặng nề, ông đến hầm trú bom nằm ở tầng hầm của dinh tổng thống, khóa trái cửa, chịu đựng cảm giác tủi nhục và tuyệt vọng trong suốt 24 giờ sau đó. Ông vẫn ở trong hầm ngày hôm sau khi một đòn tấn công khác ập tới. Tư lệnh Quân đoàn III (phụ trách Sài Gòn và khu vực xung quanh), Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, sau khi khảo sát kết quả một cuộc tấn công mà các binh sĩ của ông tiến hành ở phía đông Sài Gòn đã đi đến một kết luận không thể tránh né. Ông tới đón Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên bằng trực thăng, sau đó cả hai cùng bay tới Dinh Độc Lập. Ông Thiệu, với vẻ mặt nhợt nhạt và lo lắng, đích thân đưa hai vị tướng vào phòng làm việc. Không dành giây phút nào để rào đón trước sau, tướng Toàn nói thẳng với ông Thiệu bằng tiếng Pháp: “Ngài Tổng thống, cuộc chiến đã kết thúc”.

Ông Thiệu nghe báo cáo từ vị tư lệnh mà trong lòng nặng trĩu. Quân đội Bắc Việt đã xóa sổ lực lượng phòng thủ của Nam Việt ở phía đông Sài Gòn, và đánh tan các đơn vị mới được bổ sung cho phòng tuyến Xuân Lộc. Bốn sư đoàn Bắc Việt áp sát Sài Gòn chỉ ở riêng hướng này, và ba sư đoàn khác đang tiến vào theo đường bờ biển có thể sớm gia nhập lực lượng. Chính quyền Thiệu không còn quân dự bị để lấp khoảng trống. Tình thế không thể đảo ngược và giải pháp duy nhất là thương thảo với Bắc Việt. Vì họ sẽ không bao giờ nói chuyện với ông Thiệu, ông buộc phải từ chức. Đêm đó, ông Thiệu suy nghĩ về tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc của mình và hỏi ý kiến vị cố vấn quân sự lâu năm nhất và thân cận nhất của ông, Trung tướng Đặng Văn Quang. Đến sáng hôm sau, ông đã quyết định từ chức. Ông triệu tập các lãnh đạo khác trong chính phủ, và cả Đại sứ Martin, để thông báo với họ về quyết định này. Tối cùng ngày, hệ thống loa phát thanh của chính quyền trên đường phố đột ngột thông báo rằng lệnh giới nghiêm đã được thiết lập từ 9 giờ tối đến 8 giờ sáng hôm sau, và trong thời khắc đường phố không còn bóng người, hình ảnh ông Thiệu xuất hiện trên màn hình tivi khắp thành phố.

Đó là màn từ biệt đầy sự mỉa mai, trong đó ông Thiệu tuôn ra mọi sự khinh bỉ và ác cảm đối với nước Mỹ, và hoàn toàn không nhận về mình một tí trách nhiệm nào trong các quyết định vụng về khiến quân đội suy tàn và rơi vào cảnh chiến bại chỉ trong một tháng. Cáo buộc Mỹ hứa cung cấp viện trợ nhưng không làm, ông nói: “Đạn dược thiếu, phải tính từng viên, xe tăng, đại pháo của chúng ta mất, đáng lẽ Huê Kỳ đã cam kết trong Hiệp định Ba Lê là một đổi một, nhưng không có một đổi một, và mất cho mất luôn”. Ông Thiệu cũng cho biết ông đã có được lời hứa từ Tổng thống Richard Nixon rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Việt Nam tấn công. Ông nói: “Sự cam kết giữa hai cái danh dự và thứ nhứt là cái danh dự của một siêu cường quốc lãnh đạo thế giới tự do. Cam kết cái gì? Là khi Cộng sản Bắc Việt tái xâm lăng vi phạm hiệp định thì Huê Kỳ sẽ phản ứng mạnh mẽ quyết liệt và tức khắc để ngăn chặn cái sự xâm lăng đó”.

Ông Thiệu cáo buộc người Mỹ đã phỉ nhổ vào lời hứa của Nixon, phỉ nhổ vào chính họ trong quá trình đó. “Thất hứa. Thiếu công bằng. Thiếu tín nghĩa. Vô nhân đạo”, ông nói. Sau đó ông cho biết cuộc tranh luận ở Washington về việc Nam Việt cần bao nhiêu viện trợ để tồn tại gợi cho ông liên tưởng đến việc “mặc cả từng đồng từng cắc như một con cá giữa chợ”. “Tôi không thể vì cái tôi ngồi ghế tổng thống này, mà tạo một cái hại cho dân tộc Việt Nam và đem sinh mạng của chiến sĩ hy sinh một cách thiếu đạn thiếu dược, mà để cho người ta mặc cả trên cái sinh mạng của dân tộc này”. Nhiều người Việt vui mừng thấy rõ trước bài phát biểu, chứ không phải chỉ vì gia đình Thiệu sắp ra đi. Tổng thống sắp mãn nhiệm của họ cuối cùng đã lên tiếng trước sự bất mãn âm ỉ của nhiều người về những kẻ ngoại bang đã dụ dỗ rồi bỏ rơi họ. “Đó là bài phát biểu hay nhất của ông ấy trong mười năm”, một nhà báo Sài Gòn nói. “Ông ấy thực sự đã làm cho nước Mỹ phải hổ thẹn”.

CUỘC THÁO CHẠY VĨ  ĐẠI

Tuy nhiên, bất kể người dân Miền Nam Việt Nam cảm thấy thế nào, rất nhiều người Mỹ đơn giản là cảm thấy bực tức trước cáo buộc của ông Thiệu rằng Sài Gòn thua cuộc vì Mỹ viện trợ không đủ. Thực tế là Mỹ đã để lại trang thiết bị quân sự trị giá 5 tỷ USD cho Nam Việt khi người lính Mỹ cuối cùng lên đường về nước năm 1973. Sài Gòn có 600 máy bay chiến đấu – ném bom và 900 trực thăng, hàng nghìn xe tăng và hỏa pháo, và đủ vũ khí hạng nhẹ để trang bị cho lực lượng lên đến 700.000 người.

Đúng là nhiều trang thiết bị để lại là đồ đã qua sử dụng, như Lầu Năm Góc chỉ ra. Song Mỹ cũng cung cấp cho Nam Việt linh kiện thay thế trị giá hàng triệu đô-la, cũng như chi thêm hàng triệu đô-la nữa để thuê kỹ thuật viên người Mỹ chăm lo cho số máy móc mà Sài Gòn không thể tự mình bảo trì. Và ngay cả khi ngân sách từ Mỹ giảm đi, kho vũ khí của Nam Việt cũng đầy ắp khi chiến dịch tấn công bắt đầu. Lầu Năm Góc thậm chí chưa đụng đến 175 triệu USD trong khoản ngân sách được phân bổ cho đạn dược năm 1975 khi giao tranh xảy ra. Sự tháo chạy đưa Sài Gòn đến tình thế ngàn cân treo sợi tóc là sản phẩm sinh ra từ sự chỉ huy yếu kém của ông Thiệu và sai lầm của các sĩ quan.

Kết thúc bài phát biểu dài một tiếng rưỡi, ông Thiệu thề sẽ tiếp tục chiến đấu. “Tôi từ nhiệm chứ không phải tôi đào nhiệm”, ông nói. “Kể từ giờ phút này, tôi xin đặt mình trước sự sử dụng của Tổng thống, của nhân dân, của quân đội. Tôi sẽ sát cánh với đồng bào và chiến sĩ để bảo vệ đất nước”. Đó là những lời dũng cảm, nhưng rỗng tuếch. Ông Thiệu thực sự đã ở lại Dinh Độc Lập thêm vài ngày và thậm chí có lúc cố gắng chỉ đạo các hoạt động của chính phủ như thường lệ. Song năm ngày sau khi phát biểu, ông đã chất 15 tấn hành lý lên một máy bay vận tải C-118 của Không quân Mỹ và bay đi lưu vong ở Đài Bắc. Mặc dù Mỹ nói họ sẽ xem xét để ông đến Mỹ nếu ông đưa ra đề nghị đó, nhưng dấu hiệu cho thấy cuối cùng ông sẽ định cư tại Anh.

Sự ra đi của ông Thiệu, vốn được coi là trở ngại chính cho một giải pháp hòa bình trong nhiều năm, đã không làm vơi đi nỗi sợ hãi ở Sài Gòn. Hàng nghìn người thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu không đủ tiêu chuẩn di tản sang Mỹ vẫn đang cố gắng tháo chạy bằng mọi cách có thể. Nhu cầu về tiền mặt đã đẩy tỷ giá thị trường chợ đen lên đến 5.000 đồng một đô-la Mỹ, gấp bảy lần tỷ giá chính thức. Vũng Tàu, cảng biển cuối cùng gần Sài Gòn còn nằm trong tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa, kẹt cứng đến mức hoảng loạn và cảnh sát đã phong tỏa con đường để ngăn chặn những người tị nạn. Alan Carter, tham tán tại Đại sứ quán Mỹ, đã xuất hiện trên truyền hình Việt Nam trong nỗ lực dập tắt tin đồn rằng viện trợ của Mỹ đã chấm dứt. Làn sóng tháo chạy cũng lan sang cả cộng đồng người nước ngoài. Sáu đại sứ quán đóng cửa và các công ty dầu mỏ của Mỹ được cho là đã từ bỏ 100 triệu đô-la mà họ đã đầu tư vào các mỏ ngoài khơi, có thời điểm hứa hẹn đưa Nam Việt trở thành một thế lực lớn trên thị trường năng lượng thế giới.

Đám đông chen nhau trèo vào Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn cuối tháng 04/1975 để tìm đường tháo chạy. Ảnh: Neal Ulevich-AP

Nỗi sợ hãi Sài Gòn phần lớn xuất phát từ suy nghĩ rằng sự ra đi của ông Thiệu chỉ là khởi đầu của một tiến trình chính trị tốn nhiều thời gian mà có thể kết thúc bằng một cuộc tấn công của Cộng sản. Ông Hương, người kế nhiệm ông Thiệu, đang ốm đau què quặt. Giai đoạn ngắn ngủi ông giữ chức thủ tướng vào giữa những năm 1960 đã kết thúc bằng một cuộc đảo chính quân sự sau khi ông thể hiện mình không phải là nhà quản lý tài ba. “Ông ấy đã tuổi cao sức yếu”, một nhà ngoại giao phương Tây nhận xét. “Phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc ông ấy nhận thức rõ chuyện đó đến mức nào”.

Cuộc đối đầu giữa ông và Dương Văn Minh, và hậu quả của nó, dường như cho thấy ông Hương hoặc đã không nắm bắt được hết gốc rễ của vấn đề Sài Gòn hoặc đã không thể tự mình đưa ra các quyết định cần thiết. Thay vì đi thẳng vào vấn đề với ông Minh, những người cung cấp thông tin cho biết, ông Hương đã đấu khẩu với viên tướng này mà hoàn toàn không trực tiếp giải quyết vấn đề làm thế nào để đưa những người Cộng sản vào bàn đàm phán – hoặc ai có thể phải điều hành chính phủ để lôi kéo họ. Khi tướng Minh từ chối đề nghị trở thành thủ tướng thay vì tổng thống, ông Hương quyết định tự mình dàn xếp các cuộc đàm phán. Với sự hợp tác của Đại sứ Martin, ông Hương đã đưa một trong các bộ trưởng của mình lên chuyến bay liên lạc hàng tuần của Mỹ đến Hà Nội và thông báo rằng các cuộc đàm phán sẽ sớm bắt đầu. Song Hà Nội đã dập tắt hy vọng của ông Hương bằng cách không đồng ý để chuyến bay định kỳ diễn ra cho đến khi nào vị bộ trưởng kia rời khỏi phi cơ.

KHÔNG CÓ LỰA CHỌN KHÁC

Cuối cùng, ông Hương ném vấn đề sang quốc hội. Trong bài phát biểu dài 20 phút trước các nhà lập pháp, ông nói Miền Nam Việt Nam giờ đã bị Mỹ bỏ rơi và họ không có lựa chọn nào khác ngoài đàm phán. Ông Hương yêu cầu chính quốc hội quyết định xem ông có nên giao lại quyền lực cho ông Minh hay không và giao lại như thế nào. Nhìn bề ngoài điều đó có vẻ hợp lý, nhưng không mang lại giải pháp nào. Các nhà lập pháp đã mất mười giờ để tranh cãi về việc phải làm – và cuối cùng, tình hình càng trở nên rối rắm hơn. Họ đồng tình với những nỗ lực hòa bình không thành công của chính ông Hương nhưng nói rằng, “nếu cần thiết, ông có thể chọn một người thay thế mình”. Tuy nhiên, bản thân ứng cử viên của ông Hương sẽ phải được quốc hội chấp thuận, và việc đó tạo điều kiện cho các nghị sĩ chống Cộng cứng rắn bác ông Minh nếu họ muốn. Theo tin đồn lan truyền ở Sài Gòn, ông Hương sẽ sớm từ nhiệm để nhường ghế cho ông Minh, nhưng không có nguồn tin nào cho biết khi nào việc đó có thể xảy ra.

Không cần biết cuộc đấu đá chính trị kết thúc như thế nào, tình hình hỗn loạn ở Sài Gòn dường như đã được phe Cộng sản khai thác. Nếu Nam Việt cuối cùng đưa ông Minh lên nắm quyền, họ sẽ trao cho Bắc Việt một người đứng mũi chịu sào phi Cộng sản có thể dễ dàng kiểm soát từ hậu trường. Ông Minh có được tên tuổi chủ yếu là nhờ vai trò của ông trong việc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963. Sau đó, ông điều hành đất nước chỉ trong ba tháng trước khi các tướng lĩnh của ông mệt mỏi vì phong cách chậm chạp, thiếu quyết đoán của ông và loại bỏ ông. Mặt khác, nếu các chính trị gia Sài Gòn phản đối ông Minh và chỉ đích danh một nhà lãnh đạo cánh hữu khác, tất nhiên họ sẽ cho những người Cộng sản cái cớ họ cần để tiến hành cuộc tấn công quân sự cuối cùng vào thành phố.

Và chuyện hoàn toàn thể xảy ra, theo quan điểm của một số người, là Bắc Việt đã nghĩ đến mục tiêu thứ ba – sự tan rã nhanh chóng của chính quyền Sài Gòn: Thật vậy, một nhà ngoại giao cấp cao giao thiệp với cả hai bên vào tuần trước cho rằng đó chính xác là những gì Bắc Việt mong muốn. Lưu ý rằng cho đến nay phe Cộng sản vẫn chưa từng trực tiếp cam đoan họ sẽ đàm phán với bất kỳ chính trị gia nào không thuộc Đảng Cộng sản – kể cả ông Minh – nhà ngoại giao này nói ông tin những người Cộng sản giờ đây “quá tàn nhẫn để có thể giúp Sài Gòn bớt rối ren, theo bất kỳ cách nào. Họ lạnh lùng và tính toán, và họ biết bây giờ họ nắm giữ mọi quyền lực. Những gì chúng ta đang thấy là chính trị cơ bản và ngoại giao cơ bản. Họ có thể đơn giản là từ chối thương lượng với bất kỳ chính phủ nào và cố làm cho họ sụp đổ hoàn toàn trước khi tiến vào thành phố”.

Đối với những người Cộng sản, có một vài rủi ro trong chiến lược đó. Thiết chế duy nhất của Nam Việt có thể gây thiệt hại lớn nhất cho họ – quân đội – đang cố giữ cho chế độ không sụp đổ. Trớ trêu thay, nỗi xấu hổ về thất bại tháng trước ở miền bắc dường như đã làm nhụt chí Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong lúc tình hình quân sự trở nên thực sự vô vọng. Ban lãnh đạo mới của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã ra lệnh cho nhiều đơn vị từ bỏ vị trí đang đóng để thiết lập vòng phòng thủ chặt chẽ xung quanh đô thành Sài Gòn trước các cuộc tấn công có thể xảy ra.

Kết quả được thể hiện trên chiến trường gần như ngay lập tức. Dù phải đối mặt với quân địch áp đảo, họ đã thành công thoát khỏi bẫy của phe Cộng sản tại Xuân Lộc, cách Sài Gòn hơn 60 km về phía đông, và rút lui có trật tự khỏi Hàm Tân, cảng cuối cùng ở phía bắc của Vũng Tàu. Những toán quân được rút về đã thiết lập tuyến phòng thủ mới ở phía đông Sài Gòn để bảo vệ các vùng ngoại ô Biên Hòa và Hố Nai, nơi có đông người Công giáo, cũng như các bãi tập kết đạn dược quan trọng ở Long Bình gần đó.

CON ĐƯỜNG LÚA GẠO

Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng rút các đơn vị thường trực cuối cùng khỏi Tây Ninh, cách Sài Gòn hơn 70 km về phía tây bắc – chỉ để lại một lớp mỏng dân quân – và thiết lập hệ thống phòng thủ mới gần thủ đô hơn. Một khu vực khá lớn của đồng bằng sông Cửu Long cũng bị bỏ hoang để Sư đoàn 9 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa được đưa lên phía bắc nhằm củng cố đội quân đang chiến đấu giữ cho con đường lúa gạo chính của Sài Gòn được thông suốt.

Ngoài các quyết định hành quân trên thực địa, ban lãnh đạo cũng bắt đầu đưa ra một số mệnh lệnh hòng cứu vãn tình thế tuyệt vọng. Một trong số đó là quyết định của lực lượng không quân về việc tung ra quả bom mới của Mỹ có sức công phá lớn, CBU-55, giải phóng lớp khí ethylene oxide trên một khu vực có diện tích bằng sáu sân bóng đá và sau đó kích nổ gây ra âm thanh nhức óc. Những quả bom này, ban đầu được tạo ra để rà phá những bãi đáp trực thăng đầy mìn, dường như đã giết chết rất nhiều lính Cộng sản – và dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ Hà Nội và Bắc Kinh. Ban lãnh đạo cũng ra lệnh thành lập các “ấp kháng chiến” bên trong Sài Gòn để tiến hành cuộc chiến cuối cùng giữ lấy thủ đô, và tướng Kỳ đã ghé thăm một số đơn vị không quân và lục quân hô hào binh sĩ chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.

Không biện pháp nào có thể làm thay đổi kết quả sau chót. Nếu phe Cộng sản quyết định tổng tiến công chống lại 60.000 quân phòng thủ ở Sài Gòn, họ có thể chắc chắn về chiến thắng cuối cùng. “Nếu Quân đội Bắc Việt muốn hạ gục chúng tôi thì họ có thể”, một đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa chán nản nói. “Một số đồng đội của tôi nói rằng họ muốn bám trụ và chiến đấu cho đến chết, và đó chính xác là những gì sẽ xảy ra – cho đến chết”. Song bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy đều sẽ dẫn đến cảnh đổ máu và tàn phá khủng khiếp đối với lực lượng hai bên, và điều đó cho Bắc Việt ít nhất một số lý do để trì hoãn trận chiến cuối cùng trong khi các chính trị gia Nam Việt đang rối bời cố nghĩ xem họ có nên đầu hàng hay không.

Hà Nội sẽ hành động như thế nào là chuyện không ai có thể nói trước. Song cục diện ở Sài Gòn là nếu các chính trị gia Nam Việt càng trì hoãn việc thành lập chính phủ, áp lực quân sự từ phía Cộng sản sẽ càng gia tăng. Các diễn biến khả dĩ nhất sẽ là các cuộc tấn công lớn bằng hỏa lực nhằm vào Biên Hòa và Long Bình, kết hợp với các cuộc không kích mạnh mẽ nhằm vào Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi đó, quân Cộng sản có thể quyết định dành vài ngày – hoặc thậm chí vài tuần – để chiến đấu với các đơn vị của Quân lực Việt Nam Cộng hòa bên ngoài Sài Gòn trước khi tiến về đô thành. “Cuộc chiến kiểu Mao Trạch Đông đã kết thúc”, một đặc vụ tình báo phương Tây nhận xét vào tuần trước. “Những gì chúng ta nhìn thấy bây giờ là kiểu Clausewitz thuần túy và cổ điển. Hãy phá hủy đội hình của phe địch và bạn sẽ thắng cuộc. Một ngày nào đó, những người Nam Việt sẽ thức dậy và phát hiện ra họ không còn quân đội nữa”. Khi điều đó xảy ra, cuộc chiến cuối cùng sẽ đi đến hồi kết./.

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN