Kế hoạch hậu chiến của tình báo Mỹ

Ngành tình báo chiến lược Mỹ đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến Việt Nam. Trong chiến tranh, CIA đã cung cấp dữ kiện để lãnh đạo Mỹ quyết định chính sách thông qua các báo cáo tình báo chiến lược. Có thể nói, tình báo chiến lược đã quyết định hình thức và nội dung của chính sách Mỹ tại Việt Nam. Tuy vậy, song song với tình báo, Mỹ có trong tay nhiều công cụ khác trong đó có can thiệp quân sự trực tiếp và viện trợ gián tiếp cho chính quyền Sài Gòn.

Nhưng cho tới thời điểm miền Nam hoàn toàn giải phóng vào tháng 4 năm 1975, các công cụ để Mỹ lựa chọn không nhiều. Chính vì thế, CIA đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch hậu chiến của Mỹ tại Việt Nam. Tình báo lúc này có vai trò “dọn đường” hay chuẩn bị môi trường thuận lợi cho việc thi hành chính sách đối ngoại của Mỹ tại Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.

Từ trái qua phải, Thomas Polgar, trạm trưởng CIA cuối cùng ở Sài Gòn, Đại tá Gerge Jacobson, trợ lý đặc biệt cho đại sứ; dân biểu PeteMcCloskey, một trong những nghị sĩ Mỹ cuối cùng tới thăm miền Nam Việt Nam; và Wolfgang Lehmann, phó phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Những dự tính tình báo của Mỹ

Theo các nguồn tài liệu từ những người thân cận với CIA trong bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa, sau Hiệp định Paris và trước khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, họ được nhân viên CIA chia sẻ những đánh giá và những dự tính về miền Nam vào thời điểm trước sụp đổ như sau:

(1) Tình trạng miền Nam phân hoá quá mức, thối nát, tham nhũng, không còn có cách nào cứu chữa, nên dù có bao nhiêu viện trợ cũng không cứu vãn nổi.

(2) Dân chúng miền Nam chưa biết rõ Cộng sản nên để cho họ sống với chế độ Cộng sản, có kinh nghiệm với Cộng sản thì “sau này khi có cơ hội họ mới trở thành những phần tử chống Cộng hữu hiệu.”

Với việc quân giải phóng tất yếu sẽ giải phóng hoàn toàn Việt Nam, Mỹ chấp nhận thực tế này, đồng thời có ý định lợi dụng việc này để tiến hành một số dự tính chiến lược như sau:

Dự tính 1: Việt Nam thống nhất sẽ trở thành “đầu đề cho mối mâu thuẫn Liên Xô và Trung Quốc”. Mỹ sẽ lợi dụng mâu thuẫn ấy và khai thác thêm để ly gián Trung Quốc và Việt Nam, khiến mối quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi, đến mực độ gián đoạn ngoại giao giữa hai nước thì một tình thế như vậy sẽ có lợi cho Mỹ. Mỹ sẽ cô lập không giao thiệp mua bán gì với Việt Nam, cả những nước thân hữu của Mỹ cũng theo chủ trương này.

Dự tính 2: việc bị cả Mỹ lẫn Trung Quốc cô lập sẽ dẫn tới khả năng Việt Nam bị bao vây nặng nề. Áp lực với Trung Quốc từ phía Bắc cộng với áp lực bạo loạn ở miền Nam sẽ đẩy Việt Nam tới một thời điểm đặc biệt khó khăn. Liên Xô và các nước Đông Âu sẽ giúp đỡ Việt Nam nhưng không thể đi xuyên qua lãnh thổ Trung Quốc nữa nên sẽ chậm và khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn, không đối phó kịp với một tình thế dồn dập vì bị thiếu thốn vũ khí, đạn dược, lương thực, quân trang, quân dụng.

Dự tính 3: trong trường hợp tình trạng đặc biệt khó khăn như vậy xảy ra với Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ giúp cho các toán quân nguỵ mà Hoa Kỳ đã di tản ra nước ngoài trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 và nuôi dưỡng ở các căn cứ lân cận Việt Nam, trở về đổ bộ để mở các mặt trận mới tấn công… nếu trong nước còn có các phong trào dân chúng ủng hộ tự do thì còn thuận lợi cho hoạt động của những toán quân trở về hơn nhiều.

Dự tính 4: nếu các hoạt động quân sự của lực lượng nguỵ quân đổ bộ này đem lại kết quả, “một chính phủ lưu vong sẽ thành lập và khi nào các hoạt động quân sự thắng lợi tới mức kiểm soát được một phần trăm lãnh thổ, một phần dân chúng miền Nam và có các đô thị, chính phủ lưu vong sẽ trở về công bố chính sách trung lập phi liên kết của miền Nam Việt Nam.

Về kế hoạch sử dụng luật sư Trương Đình Du trong kế hoạch hậu chiến:

Kế hoạch 1 là đưa luật sư Trương Đình Du tham gia chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Nếu các dự tính tình báo chiến lược nói trên thành hiện thực, một trong số những lá bài chủ chốt Mỹ dự tính sử dụng là Trương Đình Du. Theo các nguồn tài liệu thì 7 ngày trước khi Sài Gòn giải phóng, sáng 23 tháng 4 năm 1975, Giám đốc phòng thông tin Mỹ (nhân viên CIA) Alan Carter mời Du lên văn phòng tại số 8 Lê Quý Đôn để nói chuyện về kế hoạch đem lại “sự phục hưng thịnh vượng lại cho miền Nam”. Carter muốn Du tìm mọi cách tham gia được vào Chính phủ Cách mạng lâm thời được cải tổ để lèo lái chính phủ này đi theo con đường “trung lập không liên kết”. Mỹ tin rằng một miền Nam “trung lập” sẽ tồn tại được một vài năm. Mỹ hi vọng miền Bắc không thống nhất với miền Nam trong ít nhất năm năm nhằm tranh thủ dư luận quốc tế và tìm kiếm viện trợ. Mỹ cho rằng phe Cách mạng sẽ mở rộng chính phủ và mời một số nhân vật có tiếng tăm của lực lượng thứ ba gia nhập chính phủ này. Ông Du sẽ được lựa chọn bởi ông này là một ứng viên sáng giá nhất với quá khứ từng chống cả Thiệu lẫn Diệm khiến hai lần bị tù đày, lại có uy tín với chính giới Hoa Kỳ để có thể đàm phán xin viện trợ sau chiến tranh của Mỹ. Hơn thế, luật sư Du là bạn thân cũ của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trước đây, ông Du cũng đã biện hộ cho ông Nguyễn Hữu Thọ và cả ông Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khi hai ông này bị xét xử trong thời Pháp và thời Diệm. Với tất cả những đặc điểm có một không hai này, Mỹ tin rằng luật sư Du ít nhất cũng là “đồng minh giai đoạn” của Cách mạng.

Theo bản tự thuật của N.C.M, Bộ trưởng Thông tin của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thì Carter, nhân viên tình báo Mỹ, cho biết: “Chính phủ này (chính phủ Cách mạng) cần phải mở rộng thành phần, phải cải tổ để tiếp nhận một vài nhân vật trước đây đã từng theo đuổi chủ trương trung lập và được thế giới biết đến, có như vậy mới có tính cách đoàn kết rộng rãi và để vận động viện trợ.” Nổi bật hơn cả trong những nhân vật “trung lập”, “không liên kết” ấy chính là luật sư Trương Đình Du. Carter nói tiếp: “Nếu những nhà lãnh đạo chính phủ cách mạng hiểu rõ tình thế vị trí và yêu cầu của chính phủ mình trong giai đoạn này, họ phải mời cho được ông Du vào nội các, vì ông ta là người sẽ bắt được cây cầu thân thiện rất tốt cho chính phủ này với các nước Tây phương và cũng chính ông ta sẽ là người thương lượng được các nguồn viện trợ cho chính phủ miền Nam Việt Nam tái thiết và phát triển.”

Mỹ dự tính nếu ông Du được tham gia chính phủ thì Mỹ sẽ cung cấp viện trợ cho Việt Nam theo điều 21 Hiệp định Paris, thông qua viện trợ này gây sức ép để buộc duy trì một miền Nam “trung lập, phi liên kết”.  Mỹ nhận định rằng một số lãnh đạo của Mặt trận và người có ảnh hưởng trong lực lượng thứ ba khác chưa muốn thống nhất ngay bởi miền Nam đứng riêng với tư cách một nước trung lập sẽ được các nước lớn viện trợ, dẫn tới kinh tế phồn thịnh hơn. Không chỉ viện trợ, nếu Du được tham gia Chính phủ Cách mạng, Mỹ sẽ dễ dãi trong vấn đề bình thường hoá quan hệ ngoại giao và công nhận chính phủ này. Trương Đình Du chấp nhận kế hoạch này của Mỹ.

Sử dụng luật sư Trương Đình Du: Kế hoạch 2 

Mỹ cũng đã dự tính khả năng Du thất bại, không tham gia trong chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nếu miền Bắc thống nhất ngay lập tức. Carter nói với Du: “Chính phủ cải tổ có thể tồn tại 2, 3 năm nhưng tôi nghĩ mặc dầu ông có thể đem viện trợ tái thiết rất nhiều về cho họ, nhưng một khi họ đã toàn thắng về quân sự rồi thì áp lực của họ rất mạnh và họ có thể đòi thống nhất cấp kỳ.” Carter dặn dò Trương Đình Du khi ấy, cần “cầm đầu một liên minh dân chủ của những người gốc miền Nam và lên tiếng phản đối”. Mỹ muốn Du trở thành “ngọn cờ” để những người miền Nam có thể tập hợp sau lưng Du và Thiệu, là hai người duy nhất đã được dân bầu.

Mỹ dự kiến Liên Minh Dân chủ này có thể bao gồm những chính khách và nhân vật đầu não của các khối người Nam như Phục Hưng Miền Nam, Liên Trường, Tân Đại Việt, Công giáo miền Nam. Lực lượng hậu thuẫn cho liên minh dân chủ chủ yếu là những người gốc miền Nam trong lòng Công giáo miền Nam, Phục hưng Miền Nam, Liên Trường, Tân Đại Việt, và có thể bao gồm Phật giáo Ấn Quang, Cao Đài, và Công giáo di cư.

Carter cũng hướng dẫn cho luật sư Trương Đình Du phải nằm im sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ; CIA sẽ liên lạc với ông Du qua một đường dây từ địa bàn Pháp. Trương Đình Du đã tiếp nhận kế hoạch này của Mỹ và đã không di tản trước lúc giải phóng miền Nam.

Theo tự thuật của luật sư Du, CIA dự kiến một thời điểm nào đó, khả năng vào năm 1977, “sỹ quan nguỵ trong rừng, bọn Tân Đại Việt như Mã Sanh Nhơn, Huỳnh Văn Tồn, sẽ cố gắng chiếm cho được Tây Ninh làm an toàn khu cho cái Uỷ ban đó, và sau đó Uỷ ban sẽ phối hợp với những nhân vật trong chính phủ lưu vong ở ngoài để tiến tới sự thành lập một ‘Chính phủ Phục hưng’, gồm luôn cả những người cựu kháng chiến miền Nam bất mãn trong Mặt trận giải phóng và Liên minh Dân tộc Dân chủ đã bị giải tán.” N.C.M, Bộ trưởng Thông tin chính quyền Thiệu, gần gũi với CIA, trong tự thuật cũng nêu rõ tính toán của CIA về hậu chiến với “mục đích cuối cùng của Uỷ ban này là về sau hợp nhất với Chính phủ lưu vong từ bên ngoài về”. Để thực hiện việc này, hoạt động quân sự sẽ tiếp tục được củng cố với sự tham gia của các tướng tá lưu vong được Mỹ cho là người trong sạch như Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Đức Thắng, Phan Trọng Chinh, Bùi Thế Lân, Dư Quốc Đống, Nguyễn Chánh Thi… CIA dự tính: “nếu thực hiện được những cuộc đổ bộ vào những nơi dự liệu, các toán quân này sẽ cắt đứt lãnh thổ ra nhiều đoạn và khi đó sẽ có những đơn vị lớn hơn, võ trang đầy đủ tiếp theo mở những cuộc tấn công lớn để chiếm lãnh thổ. Nếu thành công sẽ đưa chính phủ lưu vong trở về Việt Nam lập một quốc gia trung lập không liên kết ở miền Nam Việt Nam.”

Trung tướng Ngô Quang Trưởng, người được CIA ngắm vào thay Nguyễn Văn Thiệu và tính toán trong kế hoạch hậu chiến

CIA cũng dự liệu rằng “địa điểm đột nhập” có thể là “bờ biển gần quốc lộ nhất để lên bộ ngay và chiếm quốc lộ. Như vậy thì có thể là miền Trung như Sa Huỳnh, Chu Lai, Đại Lãnh, Cà Ná ở Bình Tuy (miền Nam) Ba Đông Trà Vinh”.

N.C.M được Carter cho biết, nếu việc Trương Đình Du tham gia vào Chính phủ cải tổ thất bại, Mỹ dự định thêm những biện pháp quốc tế như sau:

(1) Khước từ viện trợ: Mỹ khước từ thi hành nghĩa vụ viện trợ theo đúng Hiệp định Paris, nghĩa là không bồi thường cho Việt Nam tái thiết.”

(2) Cấm vận Việt Nam: “Mỹ không quan hệ ngoại giao với Việt Nam, không mua bán, giao dịch gì với Việt Nam và vận động các nước phương Tây và Á Châu khác không giao dịch, mua bán với Việt Nam. Mỹ phong toả Việt Nam về nhiều mặt, đặc biệt là về kinh tế, để gây khó khăn cho Việt Nam.

(3) Ủng hộ Trung Quốc xung đột với Việt Nam: Mỹ sẽ vận động lôi kéo Trung Quốc mâu thuẫn rồi xung đột với Việt Nam và tiến dần đến việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, không viện trợ cho Việt Nam.

(4) Ủng hộ Thái Lan, Campuchia thù địch với Việt Nam: Mỹ sẽ vận động Thái Lan thù nghịch với Việt Nam và sẽ kích động nhà cầm quyền chế độ mới của Campuchia gây tranh chấp với Việt Nam về biên giới phía Tây Nam”.

Có thể nói rằng kế hoạch sử dụng Trương Đình Du nằm trong một kế hoạch chiến lược lâu dài của Mỹ để chống Việt Nam.

Sở dĩ Mỹ kiên định sử dụng ngọn cờ Trương Đình Du, bởi riêng đối với Mỹ, theo tự thuật của N.C.M, Hoa Kỳ sẽ có những lợi ích sau nếu ngọn cờ này thành công:

(1) Mỹ ngăn chặn được sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô xuống miền Nam Việt Nam, và miền Đông Nam Châu Á.

(2) Duy trì được sự có mặt của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, giữ được thể diện Mỹ đề nhờ đó Mỹ cũng có uy tín với các nước chư hầu khác của Mỹ.

(3) Nếu lập được sự quan hệ ngoại giao với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và thông qua sự thi hành nghĩa vụ Mỹ do điều 21 Hiệp định Paris, Mỹ tài trợ cho hai miền tái thiết, thì Mỹ sẽ có cơ hội tạo được sự “có mặt” của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam, một sự có mặt mà trước kia Mỹ chưa thực hiện được.

(4) Đối với miền Nam, Mỹ sẽ duy trì được các quyền lợi thông qua các cơ sở kinh tế doanh nghiệp mà Mỹ đã xây dựng được trước kia, không bị quốc hữu hoá, Mỹ sẽ có cơ hội thương nghị việc khai thác.

(5) Mỹ sẽ giúp cho chính phủ tại miền Nam giữ được quyền lợi và giúp cho những người đã từng cộng tác, làm việc hoặc giao thiệp với Mỹ khỏi bị giam giữ, bắt bớ.”

Mỹ đã rất hi vọng rằng một chính phủ liên hiệp với hai thành phần có Trương Đình Du có thể tồn tại được từ 5 tới 10 năm, một thời gian đủ để Mỹ gây dựng sức ảnh hưởng đối với chính phủ mới và đủ để những người từng cộng tác với Mỹ có cơ hội lựa chọn, hoặc ra nước ngoài hoặc tiếp tục sống trong lòng một thể chế mà họ đã có thời gian từ 5 tới 10 năm làm quen.

Chính vì thế, nhân viên CIA cao cấp Alan Carter nói cho N.C.M biết: “Chúng tôi mong ước có một khuôn mặt thân hữu trong chính phủ thì sẽ dễ dàng biết bao cho mọi việc sau này, khi Mỹ lập quan hệ trở lại với miền Nam, và cả miền Bắc.”

Nhưng cũng theo Carter, nếu trường hợp Mỹ thất bại trong giải pháp Trương Đình Du, “Mỹ và Trung Quốc sẽ hợp tác với nhau phá Việt Nam cho đến khi Việt Nam duyệt lại thái độ và chính sách do yêu cầu, tình thế đòi hỏi”.

Chiến lược hậu chiến thất bại của Hoa Kỳ

Kế hoạch bố trí cài người của CIA để thực hiện ý đồ tham gia vào chính quyền hậu giải phóng hoặc chống đối lâu dài đã thất bại. Sau ngày giải phóng, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lường trước được những phức tạp có thể xảy ra trước mưu đồ của Mỹ. Một quyết định có tính chất lịch sử thống nhất đất nước sớm đã được thực hiện vào ngày 26 tháng 4 năm 1976, xóa bỏ hoàn toàn sự phân biệt hai miền Nam Bắc.

Việc Việt Nam nhanh chóng thống nhất đất nước dẫn tới kế hoạch cài lại của tình báo Mỹ bị xáo trộn. Mỹ không có viện trợ đối với chính quyền Cách mạng và Trương Đình Du không thể tham gia chính quyền. Mạng lưới cài lại bị phá hoàn toàn, người bị bắt, người chạy ra nước ngoài. Các toán vũ trang xâm nhập qua biên giới đều bị bắt hoặc tiêu diệt. Mưu đồ thành lập một chính phủ lưu vong bị thất bại. Tình báo Mỹ dự đoán và bàn với Trương Đình Du rằng năm 1977 là thời điểm thuận lợi để hoạt động, nhưng chính Trương Đình Du đã thừa nhận sau này rằng “đến cuối năm 1977, đến thời điểm cần hoạt động, thì một số lớn các hệ thống tình báo đã bị phá vỡ rồi.”

Trong suốt giai đoạn này, Mỹ vẫn giữ nguyên kế hoạch dùng Du làm ngọn cờ đến cuối năm 1977 nhưng không thể có bất kỳ liên lạc trực tiếp nào với Trương Đình Du. Mỹ chỉ có duy nhất hai lần liên lạc được với luật sư Du qua trung gian, với thông điệp yêu cầu Du “kiên nhẫn” chờ đợi. Việc thống nhất đất nước sớm và sự quản lý chặt chẽ của Chính quyền Cách mạng đã khiến cho mọi kế hoạch tình báo Mỹ đều thất bại. Ngày 3/4/1978, Trương Đình Du đã bị cơ quan an ninh phát hiện. Toàn bộ các ý định cài người vào hệ thống chính trị để miền Nam Việt Nam đi theo một xu hướng chính trị “trung lập” như Mỹ tính toán đã bị thất bại. Nền an ninh của Việt Nam thống nhất vẫn được đảm bảo và vững bước trên con đường xây dựng Chủ nghĩa Xã hội cho tới ngày nay./.

Xuân Sơn

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN