Tính toán của tình báo Mỹ trước giải phóng miền Nam như thế nào?

Trước thất bại không thể tránh khỏi ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đã tính toán kế hoạch Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam trên cơ sở Hiệp định Paris. Mỹ hi vọng về một chính phủ liên hiệp ba thành phần ở miền Nam Việt Nam theo Hiệp định. Thành phần thứ nhất là chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt trận dân tộc giải phóng). Thành phần thứ hai là chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Thành phần thứ ba là các lực lượng trung lập.

Để thực hiện mục tiêu ba thành phần không có “rào cản” Nguyễn Văn Thiệu, năm 1974, chính quyền Mỹ giao cho CIA tiến hành hai hướng đi cơ bản đối với công việc nội chính của chính quyền Sài Gòn. Thứ nhất, làm suy yếu thế và lực của Thiệu, buộc Thiệu chuyển quyền cho Trần Văn Hương và Dương Văn Minh. Thứ hai, làm mạnh lực lượng thứ ba, chuẩn bị cho một môi trường chính trị sinh động và đa dạng trong trường hợp Mặt trận dân tộc giải phóng lên nắm quyền.

Trên cơ sở hai hướng đi kể trên, CIA đã tiến hành những phương án tình báo mang tính khuynh đảo để “dọn đường và dẹp chướng ngại”.

(1) Phương án 1: Triệt tiêu hậu thuẫn chính trị cho Nguyễn Văn Thiệu là mục tiêu chính của CIA. Theo Nguyễn Văn Phương, “Qua bàn tay phù thuỷ của OSA (Văn phòng trợ giúp đặc biệt cho Đại sứ của CIA – NV), Đảng Dân chủ của Thiệu đang gia tốc bành trướng bị bóp teo lại, Hoàng Đức Nhã cánh tay mặt và là em của Thiệu bị loại khỏi nguỵ quyền. Cả một cao trào chống Thiệu được phát động mạnh mẽ, đa dạng trên quy mô toàn miền Nam.”

Theo tự thuật của Ngô Công Minh, Tổng trưởng thông tin cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, để chuẩn bị cho giải pháp này, tình báo Mỹ đã tiến hành nhiều biện pháp kích động. Từ tháng 9 năm 1974, nhiều cuộc đấu tranh nổ ra ở Sài Gòn như nhóm “chống tham nhũng” của linh mục Trần Hữu Thanh, nhóm “đòi quyền sống” của ni sư Huỳnh Liên đã đứng lên đấu tranh đòi Thiệu từ chức để hoà hợp hoà giải.

Mỹ lúc này không muốn đảo chính Thiệu nhưng muốn làm áp lực để Thiệu từ chức. Tướng tình báo Edward Lansdale một lần nữa được cử qua Sài Gòn để tìm giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Đầu năm 1974, Mỹ trù tính đưa một số nhân vật chính trị khác lên thay Thiệu để có thể thực hiện thành công giải pháp ba thành phần.

Tướng Ngô Quang Trưởng là người được Mỹ đánh giá là được lòng dân hơn cả. CIA đã giao linh mục Giáo sư Nguyễn Văn Châu là người hết sức thân quen với linh mục Nguyễn Văn Thuận, nhờ ông Thuận tìm cách thuyết phục Tướng Trưởng ra làm Tổng thống.

Linh mục Nguyễn Văn Thuận thuật: “Tôi và Châu nhất trí nhờ linh mục Đỗ Bá Công, trước ở Huế quen ông Trưởng ra Đà Nẵng thăm dò. Vài hôm sau linh mục Công về nói: “Ông Trưởng xin cảm ơn vì đã nghĩ đến ông nhưng chính ông chưa dám nghĩ đến chuyện đó.” Linh mục Châu đã thông tin cho CIA: Không phải ông Trưởng không muốn làm Tổng thống, nhưng Trưởng muốn chuẩn bị thêm, sợ lộ ra bị Thiệu hại trước đó thôi!”

Không chỉ nỗ lực thuyết phục Ngô Quang Trưởng thay Thiệu, theo lời thuật của Tô Minh Trung, nhân viên khế ước Phủ Đặc uỷ Trung ương tình báo Chính quyền Sài Gòn, Mỹ còn dự tính một trong số các nhân vật sau: “Nguyễn Văn Huyên, Chủ tịch thượng nghị viện Nguỵ, Trần Văn Lắm, Phó Chủ tịch Thượng viện, Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng Nguỵ, Dương Văn Minh, Cựu Quốc trưởng Nguỵ và những trí thức trẻ: Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Văn Uyển (Thủ lĩnh của phong trào quốc gia cấp tiến), Lê Quang Uyển (Thống đốc Ngân hàng), Hà Xuân Trừng (Bộ trưởng tài chính Nguỵ hoặc một số trí thức đã được Mỹ đào tạo từ lâu.”

Nhưng Nguyễn Văn Thiệu kiên quyết không từ chức và giữ ngôi vị tới những giờ phút cuối cùng. Việc không chọn được gương mặt thay thế tiêu biểu cũng như việc Nguyễn Văn Thiệu “ngoan cố” tới phút cuối cùng đã khiến hướng đi này của tình báo Mỹ thất bại.

(2) Phương án 2: Tăng thêm màu sắc và đa dạng hoá lực lượng thứ ba. “qua sự bao che của OSA để chế ngự sự trấn áp của tình báo cảnh sát nguỵ, một loạt tổ chức và cá nhân chống Thiệu với màu sắc “lực lượng thứ 3” được ra công khai hoạt động ở Sài Gòn như: phong trào nhân dân chống tham những, phong trào cứu đói, phong trào đòi cải thiện chế độ lao tù…”

Quan trọng và ngầm ẩn hơn, để thi hành những điều khoản chính trị của Hiệp định Paris với ý đồ ba thành phần, theo tự thuật của luật sư Trương Đình Du, từ tháng 7 năm 1972, Kissinger và Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ thị cho Đại sứ Whitehouse can thiệp với Nguyễn Văn Thiệu để trả tự do cho luật sư Trương Đình Du, một ứng viên Tổng thống đã từng thua Nguyễn Văn Thiệu năm 1967 và bị chính quyền bắt bỏ tù sau đó. Ông Du bị chính quyền Thiệu kết án 5 năm khổ sai vào ngày 26 tháng 7 năm 1968 với tội danh: “tuyên truyền cho Cộng sản, và làm suy yếu tinh thần chống Cộng của nhân dân và quân đội.”

Trương Đình Du là lá bài chiến lược được Mỹ tiếp tục sử dụng bởi CIA hi vọng Du là nhân vật duy nhất có thể sẽ có quan hệ tốt với Mặt trận dân tộc giải phóng và cá nhân ông Nguyễn Hữu Thọ, một yếu tố có thể giúp ý đồ ba thành phần của Mỹ dễ được miền Bắc chấp nhận hơn.

Tuy Mỹ gây sức ép trả tự do cho Du từ giữa năm 1972, mãi tới sau khi Hiệp định Paris được ký, ngày 26 tháng 3 năm 1973, ông Du mới được Thiệu thả về nhà. Theo tự thuật của Du, chỉ hai tuần sau khi Du được trả tự do, Jose Armilla, một nhân viên CIA khoác áo nhân viên ngoại giao, đã gặp Du tại nhà riêng với nhiệm vụ “theo dõi và chuẩn bị sẵn sàng để, trong quá trình thi hành Hiệp định Paris, Mỹ có sẵn người trong Hội đồng hoà giải và chánh phủ ba thành phần”.

Luật sư Trương Đình Du trong một cuộc họp báo ở Sài Gòn năm 1968

Hoa Kỳ, cụ thể là Bộ ngoại giao, CIA và Kissinger, đã nhận định về thành phần thứ ba ở miền Nam sau Hiệp định Paris như sau: “thành phần thứ ba là một cái gì rất lỏng lẻo, chỉ có một số cá nhân và một số quần chúng có cảm tình tuy đông đảo nhưng chưa được tổ chức, các đảng phái thì không có uy tín và rất yếu, rốt cuộc lại thì chỉ có các khối tôn giáo là may ra có thể làm hậu thuẫn cho thành phần thứ ba, vì vậy mà trong hiện tại, thành phần thứ ba chưa phải là một lực lượng chính trị.”

Hoa Kỳ dự liệu luật sư Trương Đình Du là nhân vật chủ chốt của lực lượng thứ ba, đóng vai trò tập hợp lực lượng và lãnh đạo thành phần thứ ba này, thậm chí thay thế Nguyễn Văn Thiệu trong trường hợp cần thiết. Du thuật lại lời nhân viên CIA Armilla rằng: “trong quá trình các cuộc hoà đàm ở Paris, Kissinger đã có lần bàn đến việc để tôi (Trương Đình Du) thay thế Nguyễn Văn Thiệu nhưng bọn tướng  lãnh Ngũ Giác Đài cho rằng nếu để tôi thay Thiệu thì sẽ gặp sự chống đối của quân đội Cộng hoà và của phe Công giáo cực đoan vì phe này vẫn coi tôi là người của Mặt trận giải phóng và là người hùn hiệp với luật sư Nguyễn Hữu Thọ.”

Tuy nhiên, sau khi ký kết Hiệp định Paris, quân giải phóng đã tăng cường sức mạnh với quyết tâm giải phóng toàn bộ đất nước. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ngày càng suy yếu và mất tinh thần. Giải pháp ba thành phần mà Mỹ dự liệu chưa bao giờ được thực hiện. Thiệu tuyên bố sau Paris rằng sẽ chỉ đồng ý tổ chức bầu cử tự do vào ngày 26 tháng 8 năm 1973 nếu quân giải phóng rút hết về phía Bắc vĩ tuyến 17. Nhưng Mặt trận dân tộc giải phóng không chấp nhận điều này. Thiệu đã nắm giữ quyền lực tới những ngày tháng cuối cùng và kiến quyết chống lại việc liên hiệp bằng bất kỳ hình thức nào.

Chính quyền Tổng thống Ford xác định rằng tình hình miền Nam Việt Nam sẽ vô phương cứu vãn nếu Thiệu vẫn nắm độc quyền. Mỹ muốn một chính phủ liên hiệp trung lập để ngăn chặn cuộc tổng tấn công của miền Bắc, nhưng Hoa Kỳ đã không thể thuyết phục được Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Kế hoạch “ba thành phần” theo Hiệp định Paris của Mỹ hoàn toàn thất bại, nhường chỗ cho một tính toán mới trong giai đoạn gấp rút trước khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng.

Khi Buôn Ma Thuột thất thủ vào tháng 3 năm 1975, Mỹ nhận thấy rõ ràng kế hoạch ba thành phần với cuộc bầu cử Tổng thống công khai không bao giờ còn thực hiện được nữa. Mỹ ngay lập tức điều chỉnh kế hoạch gấp rút như sau:

– Bỏ hẳn giai đoạn bầu cử Thống thống ở miền Nam, Nguyễn Văn Thiệu từ chức thì Trần Thiện Khiêm cũng từ chức.

– Dương Văn Minh lên làm Tổng thống thay Thiệu, lập nội các gồm các thành phần thứ ba, loại bỏ hoàn toàn nguỵ quyền, dự kiến sau đó thương lượng với Cách mạng để lập ra Hội đồng hoà giải dân tộc và Chính phủ liên hiệp với hai thành phần (lực lượng thứ ba và Mặt trận dân tộc giải phóng).

Kế hoạch này đã được chuẩn bị cho Dương Văn Minh với hi vọng cuối cùng Minh có thể “thương thuyết với cách mạng để lập chính phủ liên hiệp hai thành phần”.

Thực tế, dưới sức ép của Mỹ và tình hình ngày càng xấu đi trên chiến trường, Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 1975, chỉ 9 ngày trước khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. 4 ngày sau, Thiệu cùng với Nguyễn Thiện Khiêm lên một chuyến bay bí mật trong đêm 25 tháng 4 rời Sài Gòn sang Đài Loan theo kế hoạch của CIA.

Với việc Thiệu từ chức, Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên nắm quyền trong đúng 7 ngày và sau đó trao lại quyền cho Dương Văn Minh để thành lập nội các điều đình với quân giải phóng. Ngày 28 tháng 4 năm 1975, Dương Văn Minh nhậm chức và đã theo đúng kế hoạch thành lập nội các gồm những nhân vật trong khối dân biểu, nghị sỹ, ký giả đối lập trước đây vẫn nhận là thành phần thứ ba. Nhưng đã quá muộn, chỉ sau một tuần Minh làm Tổng thống, Sài Gòn đã sụp đổ.

Như vậy, từ ý đồ “ba thành phần” như đúng Hiệp định Paris, Mỹ đã chỉ còn hi vọng vào một giải pháp “hai thành phần”. Mỹ buộc phải dùng công thức chính trị hai thành phần để tạo lối thoát cho Mỹ tại miền Nam sau khi thất bại trong việc thực hiện công thức chính trị ba thành phần.

Ý đồ “hai thành phần” cũng không chỉ của Mỹ mà còn của Tổng thống Pháp Giscard d’Étaing. Ông này tin rằng sự hiện diện của Pháp ở Việt Nam sẽ tăng lên nếu miền Nam trung lập với hai thành phần là Mặt trận và lực lượng thứ ba. Pháp muốn mình có vai trò thúc đẩy giải pháp này để có ảnh hưởng tại miền Nam sau khi Mặt trận giành quyền kiểm soát về quân sự.

Trong bối cảnh hỗn mang của những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn giải phóng, Đại sứ Pháp tại Sài Gòn đã nỗ lực thúc đẩy một giải pháp trung lập cho miền Nam. Đại sứ Mỹ Graham Martin đã cổ vũ “giải pháp” này của Pháp. Nhiều quan chức Mỹ cũng không tin lắm vào hiệu quả của giải pháp áp chót này nhưng vẫn muốn phối hợp với Pháp và cả Trung Quốc để “lôi cuốn Pháp và Trung Quốc cộng tác với Mỹ chống cách mạng Việt Nam sau khi Mỹ tháo chạy.” Pháp đã hỗ trợ đưa Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh về Sài Gòn vào thời gian này để góp phần thực hiện giải pháp này. Đại sứ Pháp Mérillon đã vận động các tướng lĩnh ủng hộ Dương Văn Minh lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hoà thay cho Nguyễn Văn Thiệu. Mỹ cũng tiến hành những vận động cho chính phủ hai thành phần khi nhìn thấy sự sụp đổ chắc chắn của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.


Hình ảnh Dương Văn Minh ngày 28.4.1975 ngay sau khi nhận chức “tổng thống” tại Dinh Độc Lập

Ngày 1 tháng 3 năm 1975, phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Nam Á Douglas Pike và Giám đốc phòng Thông tin Mỹ ở Sài Gòn (USIS) Alan Carter (nhân viên CIA cao cấp) đã gặp Trương Đình Du tại nhà riêng Alan Carter. Tại cuộc gặp này, Pike đã phác thảo một kế hoạch đầy đủ để Du tham gia Chính phủ Cách mạng lâm thời cải tổ gồm hai thành phần. Pike mời Du sang Washington tháng 4 năm 1975 để bàn cụ thể thêm nhưng những diễn biến quân sự quá nhanh ở miền Nam Việt Nam đã khiến chuyến đi này không thực hiện được.

Song song với việc tìm cách cài người ở lại, đứng trước khả năng quân giải phóng tấn chiếm hoàn toàn Sài Gòn, Pháp và Mỹ vẫn hy vọng “mong manh” vào một nỗ lực đàm phán ngừng bắn mới có thể bắt đầu. Dương Văn Minh vẫn cố gắng tìm cách gửi một đoàn đàm phán ra Hà Nội. Tại Sài Gòn, ông Minh tìm cách liên lạc để đàm phán ngừng bắn với đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam của luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Nhưng tất cả các động thái không làm thay đổi được tình thế. 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh. Toàn bộ các ý đồ tình báo của Mỹ nhằm tìm ra một “giải pháp chính trị” ở Việt Nam trước khi Sài Gòn giải phóng đều thất bại/.

Lê Minh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN