Mỹ và cuộc đàm phán rút khỏi cuộc chiến Việt Nam

Vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Nixon, chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ thất bại, uy tín chính trị của Nixon tụt giảm. Tại Mỹ, các cuộc phản đối Nixon và biểu tình chống chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra, mở rộng thêm nhiều thành phần mới.

Vào đầu năm 1971, Tổ chức Cựu chiến binh chống chiến tranh tự tiến hành cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương. Vào tháng 4, một nhóm cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở Việt Nam đã tập hợp trước nhà Quốc hội, điều trần về tội ác chiến tranh của chính họ, và vứt hết các huân huy chương trên người.

Câu chuyện chiến tranh Việt Nam đã ám ảnh cả dân tộc Mỹ. Mùa hè năm 1971, toà án binh đã buộc tội trung uý William Calley giết hại “ít nhất 22 mạng người” ở Mỹ Lai năm 1968 và kết án anh ta tù chung thân. Ngay cả Nixon, người bênh Calley nhất, cũng phải thừa nhận đây là một tội ác “không thể tha thứ được”, khi “Cally ra lệnh cho binh lính của mình tập trung tất cả dân làng và cho xả súng bắn: nhiều người chết bỏ mạng trong một hố thoát nước.” Vụ án này một lần nữa cho thấy tính chất tàn bạo và vô nghĩa của cuộc chiến tranh.

Ngày 24 tháng 4 năm 1971, hàng trăm ngàn người diễu hành tại Washington để phản đối chiến tranh. Khủng khiếp nhất là vào đầu tháng 5 năm 1971, người biểu tình tràn ngập thủ đô Washington. Đa số dân chúng Mỹ đều muốn chính quyền rút quân càng nhanh càng tốt và rút hết ngay vào cuối năm cho dù chính phủ đồng minh ở miền Nam có thất thủ đi chẳng nữa. Nixon không còn con đường nào khác.

Để xoa dịu làn sóng chỉ trích trong nước và vớt vát lại hình ảnh, Nixon đẩy nhanh thời gian biểu rút quân. Tổng thống Mỹ đã ra lệnh rút 100.000 quân nữa vào cuối năm 1971, để lại 175.000 quân trong đó chỉ có 75.000 quân trực tiếp chiến đấu.

Các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam rầm rộ tại Hoa Kỳ vào năm 1972.

Như vậy, từ trước khi hiệp ước hoà bình Paris được ký kết, Mỹ cơ bản đã rút lực lượng khỏi miền Nam Việt Nam và hoàn thành cơ bản công cuộc Việt Nam hoá chiến tranh làm cơ sở cho việc rút quân. Hoa Kỳ đã phải rút để “chữa cháy” trước áp lực dư luận, nhưng mục tiêu chống Cộng không thay đổi. Cho dù vậy, với số lượng quân còn lại không nhiều, Hoa Kỳ ở vào một vị thế không mạnh và đã có nhân nhượng then chốt trên bàn đàm phán để rút lui hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam.

Cuộc đấu trí ở Paris

Sức ép quá lớn của dư luận cùng với những  kết quả không khả quan trên chiến trường khiến cả Nixon và Kissinger cảm thấy phải nhân nhượng để phá vỡ bế tắc.

Dù không muốn buộc phải hành động vội vã và tỏ ra yếu thế, Kissinger đã bí mật trình bày với Bắc Việt Nam một đề nghị hoà bình toàn diện nhất từ trước đến giờ. Để đổi lấy việc thả tù binh chiến tranh, ông ta cam kết rút quân toàn bộ trong 7 tháng sau khi ký kết một hiệp định. Mỹ cũng đành từ bỏ quan điểm hai bên cùng rút quân, mà chỉ nhấn mạnh rằng, Bắc Việt Nam ngừng thâm nhập thêm người vào để đổi lấy việc Mỹ rút quân. Đây là lần đầu tiên Mỹ nhân nhượng điểm cốt yếu, Bắc Việt không phải rút quân khỏi lãnh thổ miền Nam.

Mỹ buộc phải nhân nhượng điểm quan trọng này bởi năm 1971 là thời điểm chính quyền Mỹ thậm chí đứng trước nguy cơ không thể vận hành được nữa bởi sự phản đối của Quốc hội và dân chúng. Nixon cũng vẫn hi vọng rằng một giải pháp hoà bình sẽ giúp ông này thắng trong cuộc bầu cử năm 1972. Kissinger hiểu rõ thực tế này nên đã phải đưa ra một đề nghị có tính then chốt.

Vai trò của cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger trong việc nhân nhượng để sớm kết thúc chiến tranh thể hiện rõ ràng nhất. Trong nhiều tình huống, Henry Kissinger đã đơn phương hành động một mình, trái cả với mong muốn của Nixon. Nixon muốn rời khỏi Việt Nam sau khi giúp chính quyền Sài Gòn đứng vững, Nixon không muốn bị coi là phản bội đồng minh. Tuy vậy, đúng như Stephan Young viết: “Henry Kissinger đã không nghe tiếng nói từ trái tim của vị tổng thống.”

Ngay từ ngày 13 tháng 4 năm 1971, khi làn sóng biểu tình phản chiến đang dâng lên ở Mỹ, Kissinger đã yêu cầu Đại sứ Mỹ tại Sài gòn Bunker nghiên cứu một “kế hoạch mới” để ông này thương thuyết mật với Hà Nội. Kissinger quyết định không bàn bạc với Thiệu và thử ướm giải pháp của mình thẳng với Hà Nội.

Vào tháng 5 năm 1971, Henry Kissinger đã xem xét lại toàn bộ kế hoạch thương thuyết của Bunker trong bối cảnh hàng trăm ngàn người biểu tình tràn ngập thủ đô Washington. Bản dự thảo của Đại sứ Bunker vẫn yêu cầu quân đội Bắc Việt phải rút khỏi Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam, nhưng Kissinger đã rút lại điều kiện này. Kissinger không muốn có điều kiện nào nữa, đồng nghĩa với việc quân đội Bắc Việt được phép ở lại miền Nam Việt Nam sau khi hiệp định được ký kết. Như vậy, chỉ có Mỹ phải đơn phương rút quân. Nhượng bộ then chốt này của Henry Kissinger đã “cứu” toàn bộ cuộc đàm phán bế tắc trong suốt hơn hai năm trước đó.

Đề nghị vào tháng 5 năm 1971 này mở màn cho những cuộc đàm phán hoà bình thật sự. Giai đoạn từ năm 1969 tới khi Kissinger đưa ra đề nghị đó vào giữa năm 1971, đàm phán gần như dậm chân tại chỗ. Cuộc “đấu trí” giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ bắt đầu với đề nghị này của Kissinger.

Bên “cay cú” hơn cả với đề nghị hoà bình này của Kissinger là chính quyền Thiệu. Một cố vấn của Thiệu viết: “Như vậy, quả là chính sách của Mỹ đã đi đúng một vòng tròn: kể từ lúc Johnson đòi Bắc Việt phải rút quân trước khi Mỹ rút, cho đến bây giờ, Nixon lại tự cống hiến rút quân trước cả Bắc Việt.”

Tuy vậy, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng đã bác bỏ đề nghị của Kissinger vì cho rằng đề nghị này đòi hỏi miền Bắc phải ngừng chiến đấu và chấp nhận chế độ Thiệu, trước khi có bất kỳ một giải pháp chính trị nào. Ông Lê Đức Thọ chỉ đồng ý thả tù binh Mỹ đồng thời với việc rút quân Mỹ toàn bộ, với điều kiện Mỹ chấm dứt viện trợ cho Thiệu trước khi đi đến giải pháp chính trị.

Kissinger không chấp nhận đề nghị này của Bắc Việt Nam nhưng lần đầu tiên, Kissinger cảm thấy sự tích cực trong thái độ của nhà ngoại giao Lê Đức Thọ. Kissinger về sau mô tả rằng đó là thời điểm ông ta đã cảm nhận được “hình thù của một thỏa thuận” và “mùi vị của hoà bình”.

Nhưng các cuộc đàm phán mang tính xây dựng đó cuối cùng lại tan vỡ vì hai bên không thể đồng ý với nhau về vấn đề chế độ Thiệu. Ngay từ đầu các cuộc hội đàm bí mật, miền Bắc Việt Nam đã liên tục nhấn mạnh rằng việc phế bỏ Thiệu là điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ một thỏa thuận hoà bình nào. Mỹ khước từ điều ấy ngay từ đầu bởi Mỹ không muốn mang tiếng bán rẻ đồng minh và rất cần Thiệu để duy trì chính sách ở Việt Nam. Nixon đã muốn giữ Thiệu bởi e ngại rằng nếu không có Thiệu, chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hoà có thể sụp đổ, đi kèm là chính sách Việt Nam hoá và tính toán chính trị ba thành phần trong đó Thiệu là nòng cốt cũng sẽ tan theo. Vì thế, cho dù Thiệu ngang bướng không chấp nhận những thoả thuận Mỹ đưa ra ở Paris, Nixon và Kissinger vẫn không dám có bước loại Thiệu như đã làm với Diệm.

Miền Nam đã có kế hoạch tổ chức tuyển cử vào tháng 9 năm 1971. Lúc đó, ông Lê Đức Thọ đề nghị cho phép tuyển cử công khai, công bằng và Mỹ không hậu thuẫn Thiệu nữa. Đó là điều kiện cho một giải pháp hoà bình.

Kissinger vẫn không chấp nhận điều kiện này. Thiệu được bầu lại trong một cuộc bầu cử không có đối thủ và Mỹ tuyên bố giữ thái độ trung lập. Sau khi Thiệu đã được bầu lại, Kissinger có một nhân nhượng quan trọng khác trong các cuộc đàm phán bí mật. Đó là kêu gọi tổ chức tuyển cử sau khi đình chiến 60 ngày và bảo đảm là Thiệu sẽ rút lui trước ngày bầu cử 1 tháng.

Đề nghị này là một sự nhân nhượng nữa nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn bác bỏ. Hà Nội tỏ ra quan ngại nếu Thiệu vẫn là một ứng cử viên, Thiệu sẽ lợi dụng bộ máy chính quyền để tổ chức bầu cử gian lận. Do đó, vào cuối tháng 11 năm 1971, các cuộc đàm phán bí mật lại tan vỡ hoàn toàn. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Kissinger bực tức tới mức “đã tính đến việc xây một chiếc đập qua sông Mekong và “đánh chìm toàn bộ Việt Nam”. 

Cuộc tấn công lịch sử năm 1972

Cuộc tấn công quân sự của miền Bắc vào năm 1972 là sự kiện đã đẩy hai bên Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tới sự lựa chọn cuối cùng.

Tháng 3 năm 1972, Hà Nội mở cuộc tấn công vào miền Nam vào lúc Mỹ còn lại 95.000 quân, trong đó chỉ có duy nhất 6.000 là quân trực tiếp chiến đấu. Nixon không thể điều thêm quân sang Việt Nam nữa trước sức ép phản chiến trong nước. Cuộc tấn công này trùng hợp với thời gian bắt đầu chiến dịch vận động bầu cử, bất kỳ một động thái leo thang nào của Mỹ lúc này cũng khiến Tổng thống đương nhiệm tiếp tục vấp phải sức ép đòi hoà bình sôi sục trong lòng nước Mỹ.

Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tấn công thẳng vào các đơn vị chủ lực của Việt Nam Cộng hoà. Cũng như cuộc tấn công năm 1968, trong giai đoạn đầu, cuộc tiến công năm 1972 đã thành công. 120.000 quân Bắc Việt Nam cùng với xe tăng đã đánh qua khu phi quân sự xuống Tây Nguyên và qua biên giới Campuchia phía tây bắc Sài Gòn.

Bất ngờ trước quy mô của cuộc tấn công, nhưng Mỹ đã phản ứng mau lẹ. Nixon ra lệnh cho máy bay B-52 ném bom khắp khu phi quân sự và sau đó không kích liên tục vào Hà Nội và Hải Phòng. Cuộc tấn công như một cái cớ để Nixon trút cơn giận cuối cùng lên miền Bắc Việt Nam.

Nixon lý giải quyết định quân sự này trong hồi ký: “Chúng tôi hoàn toàn nhất trí về tầm quan trọng là phải duy trì một áp lực quân sự đối với miền Bắc Việt Nam, kể cả bằng những cuộc ném bom. Mọi dấu hiệu yếu đuối của bên ta, có thể khuyến khích những người Xô Viết cung cấp nhiều vũ khí hơn nữa cho Bắc Việt Nam để họ giành lợi thế quân sự. Tôi cũng muốn rằng người Nam Việt Nam phải tin tưởng vào giải pháp ủng hộ họ của chúng ta.”

Trên mặt trận ngoại giao, Kissinger đã bí mật gặp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev. Kissinger bày tỏ sự nhượng bộ: quân Bắc Việt Nam có thể ở lại Nam Việt Nam sau ngừng bắn và Mỹ sẽ rút. Kissinger muốn qua Liên Xô gửi một thông điệp nữa tới Việt Nam rằng nếu không nhân nhượng (chấp nhận Nguyễn Văn Thiệu) để có hoà bình thì sẽ phải gánh chịu hậu quả thảm khốc.

Ngày 1 tháng 5 năm 1972, ông Lê Đức Thọ nhận được những đề nghị này của Mỹ. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không chấp nhận khiến Nixon và Kissinger mất hoàn toàn sự giận dữ, Nixon quyết định Hà Nội sẽ “chưa bao giờ bị ăn bom như sắp bị lần này”.

Ngày 8 tháng 5, Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Abrams, yêu cầu chính quyền Mỹ tăng cường ném bom Bắc Việt Nam, thả thuỷ lôi cảng Hải Phòng. Kissinger lo ngại một động thái leo thang mạnh như vậy sẽ khiến Liên Xô huỷ chuyến thăm Moscow của Nixon. Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird e ngại những hậu quả trong nước Mỹ nếu tấn công mạnh một lần nữa.

Tuy vậy, Nixon không nghe và đặt cược toàn bộ vốn chính trị vào cuộc tấn công này. Nixon nói: “nếu chúng ta thua tại Việt Nam sẽ chẳng có ai tôn trọng Tổng thống Mỹ nữa vì chúng ta có sức mạnh nhưng không dùng nó… chúng ta phải giữ uy tín”. Ngày 8 tháng 5, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố bước leo thang ghê gớm nhất trong cuộc chiến tranh kể từ năm 1968: thả thuỷ lôi cảng Hải Phòng, phong toả Bắc Việt Nam bằng hải quân và ném bom ồ ạt kéo dài.

Những chiến dịch quân sự ồ ạt cũng không phá vỡ nổi thế bế tắc về ngoại giao. Chiến tranh năm 1972 khiến cả Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều bị tổn thất nặng nề. Tuy vậy, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như thường lệ chưa bao giờ mất tinh thần. Trong khi đó, tin tình báo mà Washington nhận được vào cuối mùa hè đã tiên đoán “Bắc Việt Nam có đủ khả năng để tiếp tục chiến đấu ít nhất 2 năm nữa.”

Khúc cuối của chiến dịch ngoại giao

Cuộc tấn công vào năm 1972 của miền Bắc đã khiến Hoa Kỳ một lần nữa hiểu rằng ngoại giao là con đường duy nhất để thoát khỏi cuộc chiến không thể thắng ở Việt Nam.

Kissinger tích cực vận động con thoi và từ cuối mùa hè năm 1972, hai bên bắt đầu tiến dần hơn về phía nhau về mặt quan điểm. Mỹ tiếp tục thể hiện quan điểm cho phép quân giải phóng ở lại miền Nam Việt Nam sau đình chiến. Một bước lùi khác của Mỹ là chấp nhận một Uỷ ban bầu cử ba bên. “Uỷ ban này (gồm chính quyền Sài Gòn, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và phái trung lập) sẽ chịu trách nhiệm dàn xếp một giải pháp sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.” Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà chấp nhận giải pháp cho Thiệu nắm quyền tạm thời. Đây là bước nhân nhượng đầu tiên và đáng kể nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ khi bắt đầu đàm phán. Giữ được Thiệu cũng là một “thắng lợi” của Nixon để giữ miền Nam khỏi sụp đổ ít nhất một vài năm sau khi Mỹ rút hết quân.

Vào cuối tháng 9 năm 1972, Kissinger và ông Lê Đức Thọ đàm phán liên tục theo hướng những nhân nhượng như trên. Sau ba tuần thương lượng, hai đoàn đàm phán đã phác hoạ ra những nét cơ bản của một hiệp định. Kissinger dự tính ký tắt với Hà Nội hiệp ước này vào ngày 22 tháng 10 năm 1972.

Kissinger vội vã muốn rút khỏi chiến tranh, bỏ qua toàn bộ việc tham vấn nghiêm túc với Việt Nam Cộng hoà. Chính quyền Thiệu không đơn giản sẵn sàng nghe theo những điều Mỹ phán bảo. Kissinger bay đi Sài Gòn từ Paris để thuyết phục và giải thích từng điểm một cho Thiệu trong suốt 5 ngày. Thậm chí, Kissinger đã đe doạ Mỹ ngừng ủng hộ hoàn toàn nếu Thiệu không chấp nhận hiệp định.

Tuy vậy, Thiệu đã không chấp nhận việc cho phép quân đội Bắc Việt còn ở lại trên lãnh thổ miền Nam và việc Mặt trận dân tộc giải phóng có được vị thế chính trị chính thức. Thiệu cũng phản ứng mạnh trước việc không hề được tham khảo ý kiến gì trong quá trình đàm phán bí mật này ở Paris. Thiệu cho rằng mình sẽ không được lợi ích gì thậm chí sẽ mất tất cả quyền lực nếu Hiệp định này được thực thi.

Nixon chia sẻ phần nào suy nghĩ của Thiệu. Khác với Kissinger, Nixon vẫn kỳ vọng hoà bình trong danh dự và giữ được miền Nam Việt Nam. Nixon lo ngại hiệp ước của Kissinger với Hà Nội có thể phá vỡ mối quan hệ với đồng minh và sau đó, mất hoàn toàn miền Nam vào tay quân giải phóng Cộng sản. Việc Nixon ủng hộ Thiệu có thể dẫn tới toàn bộ dự thảo hoà bình vào tháng 10 năm 1972 bị phá vỡ.

Việc Thiệu phản đối và việc Nixon phần nào ủng hộ Thiệu làm thỏa thuận tháng 10 lung lay. Khi các cuộc đàm phán bí mật được nối lại vào đầu tháng 11, Mỹ đã đưa ra xem xét lại khoảng 60 điểm, một số điểm rất quan trọng đối với sự thỏa hiệp trước đó giữa hai bên. Ví dụ, Kissinger yêu cầu ít nhất rút một số quân tượng trưng của Bắc Việt Nam ra khỏi miền Nam và đề nghị một số thay đổi trong văn bản để làm yếu vị thế chính trị của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, giới hạn quyền lực của Uỷ ban ba bên và thiết lập một khu phi quân sự như một đường ranh giới thực tế.

Kissinger nói với ông Lê Đức Thọ rằng Nixon đã chiến thắng trong cuộc bầu cử trước đối thủ McGavon nên không gian chính sách của Mỹ sẽ mở rộng hơn, rằng Nixon không ngần ngại gì trong việc “làm bất kỳ điều gì cần thiết để bảo vệ lợi ích của Mỹ”.

Cảm thấy bị phản bội và đe doạ, Hà Nội bác bỏ đề nghị của Kissinger. Hà Nội nêu lại một số đề xuất trong đó có cả đề xuất trước đây như kiên quyết phải loại Thiệu. Tuy đấu tranh căng thẳng trên bàn đàm phán, Kissinger cũng rất lo sợ cuộc đàm phán này sẽ đổ vỡ và tuột mất cơ hội rút khỏi chiến tranh. Cả hai bên đều có nhân nhượng và thoả hiệp với nhau ở những vòng cuối cùng. Vào giữa tháng 12, hai bên quay lại thoả hiệp tháng 10 năm 1972, nhưng Hà Nội vẫn không nhân nhượng về vấn đề khu phi quân sự.

Kissinger bực tức khi cho rằng Hà Nội “đã dồn chúng ta vào thế không thể chịu nổi” nhằm “chia rẽ giữa Mỹ và Thiệu”. Kissinger và Nixon quyết định ngừng đàm phán để thực hiện một số liệu pháp mạnh cuối cùng, nhằm buộc cả miền Bắc và miền Nam chấp nhận một giải pháp khả dĩ.

Đối với miền Nam, Nixon lệnh ngay lập tức viện trợ cho Nam Việt Nam trên 1 tỷ đô la vũ khí quân sự. Với con số viện trợ khổng lồ này, quân đội Thiệu có một lực lượng không quân đứng hàng thứ 4 thế giới. Nixon viết thư cho Thiệu khẳng định lại một lần nữa nếu Bắc Việt Nam vi phạm hiệp định hoà bình, thì Mỹ “có hành động trả đũa nhanh chóng và dữ dội”.

Nguyễn Văn Thiệu vẫn công khai khước từ đề nghị ký Hiệp định Paris của Nixon và thậm chí còn công bố với báo chí là chính quyền Sài Gòn gạt bỏ tối hậu thư của Mỹ.

Đối với miền Bắc, Nixon ra lệnh một đợt ném bom ồ ạt nữa để trả đũa. Mục tiêu của đợt không kích cuối cùng này là để buộc Hà Nội ký một thỏa thuận, đồng thời “nhằm làm cho Bắc Việt Nam suy yếu đi đến mức họ không thể đe dọa Nam Việt Nam sau khi ký một giải pháp hoà bình.” Nixon chỉ thị cho giới quân sự gây thiệt hại tối đa cho Bắc Việt Nam.

Nixon lệnh cho Đô đốc Thomas Moorer, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ như sau: “Tôi không muốn nghe các ngài nói vớ vẩn là không thể đánh mục tiêu này hay mục tiêu kia. Đây là cơ hội để các ngài dùng sức mạnh quân sự nhằm chiến thắng cuộc chiến tranh này, nếu các ngài không làm được tôi sẽ quy kết trách nhiệm cho các ngài.”

Trong 12 ngày sau, Mỹ đã thực hiện một chiến dịch đánh bom dữ dội và tàn ác nhất trong lịch sử chiến tranh với số lượng bom trút xuống miền Bắc Việt Nam hơn 36.000 tấn, vượt xa số bom trong toàn bộ thời kỳ 1969-1971. Có tới 1.600 dân thường vô tội bị thiệt mạng. Hà Nội đã chiến đấu kiên cường trong suốt 12 ngày đêm lịch sử khi máy bay B52 của Mỹ vần vũ và thả bom điên loạn trên bầu trời miền Bắc.

Mỹ-Thiệu bất đồng nghiêm trọng về các điều khoản trong Hiệp định Paris mà Mỹ cam kết với Bắc Việt Nam.

Sau này Nixon và Kissinger tuyên bố đợt ném bom vào lễ Giáng sinh nhằm “đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá”, đã buộc Bắc Việt Nam phải chấp nhận một giải pháp theo đúng ý đồ của Mỹ, nhưng sự thật không đúng như vậy. Lực lượng phòng không Bắc Việt Nam cũng đã bắn rơi 15 máy bay B-52 và 11 máy bay khác, gây tổn thất lớn cho Mỹ.

Đợt ném bom vào dịp lễ Giáng sinh năm 1972 đã gây ra một làn sóng căm phẫn trên khắp thế giới. Liên Xô và Trung Quốc phản đối. Nội bộ Mỹ phản đối gay gắt quyết định của Richard Nixon, nhiều người gọi Nixon là “điên dại”.  Mức độ tàn bạo khác thường của loạt bom tháng 12 nhằm mục đích ép Bắc Việt nhân nhượng trên bàn đàm phán, đồng thời phá huỷ toàn bộ các cơ sở chiến tranh của miền Bắc, tạo nền cho chính quyền Sài Gòn đứng vững sau khi Mỹ rút khỏi chiến tranh.

Ngày 8 tháng 1 năm 1973, các cuộc thương lượng được nối lại tại Paris. Không khí cuộc đàm phán được mô tả là “căng thẳng và lạnh lẽo”, nhưng lần này cả hai bên đều nhất quyết đi đến giải pháp.

Sau 6 ngày họp liên tục, hai bên về cơ bản đàm phán xung quanh thoả thuận tháng 10 năm 1972 với những thay đổi mang tính hình thức. “Về vấn đề quan trọng liên quan tới khu phi quân sự, Bắc Việt Nam đồng ý nêu rõ trong hiệp định nhưng Mỹ chấp nhận ý kiến của họ mô tả khu phi quân sự này chỉ là “tạm thời và không phải đường biên giới lãnh thổ”, do vậy vẫn giữ được tính chất cơ bản trong lập trường của Hà Nội. Vấn đề đi lại của nhân dân qua khu phi quân sự được để lại giải quyết sau trong các cuộc đàm phán giữa Bắc và Nam Việt Nam.”

Nixon một lần nữa viết thư cho Nguyễn Văn Thiệu. Nixon nêu rõ nếu Thiệu đồng ý thì Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ cho Nam Việt Nam và sẽ “phản ứng với toàn bộ sức mạnh” nếu Bắc Việt Nam vi phạm thỏa thuận. Nixon tiếp tục đe doạ nếu Thiệu khước từ, Mỹ sẽ ký một mình và ngừng viện trợ.

Nguyễn Văn Thiệu trì hoãn nhiều ngày, nhưng cuối cùng đã nhượng bộ. Chính quyền Sài Gòn không bao giờ chấp nhận chính thức bản hiệp định nhưng Thiệu bí mật truyền thông điệp cho Mỹ rằng ông ta không chống lại hiệp định nữa.

Nội dung cơ bản của Hiệp định Paris

Hiệp định Paris chính thức có tên “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam” được các bên ký vào ngày 27 tháng 1 năm 1973. Một lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào lúc 8 giờ sáng ngày 27 tháng 1.

Nội dung của Hiệp định Paris gồm 9 chương trong đó 8 chương chính đề cập tới 8 vấn đề căn bản để kết thúc chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam. Nội dung ngắn gọn của Hiệp định Paris theo Tổng bí thư Lê Duẩn là: “Mỹ phải ra còn ta ở lại”. Quan trọng không kém, Mỹ công nhận ở Nam Việt Nam có hai chính quyền Việt Nam Cộng hoà và Mặt trận dân tộc giải phóng, có hai hai quân đội là quân lực Việt Nam Cộng hoà và quân Giải phóng, hai vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng hoà và Mặt trận. Mỹ cũng phải công nhận ba lực lượng chính trị là: lực lượng chính trị ủng hộ chính quyền Thiệu, lực lượng chính trị ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng và các lực lượng thứ ba trung lập.

Có thể nói, với việc Mỹ phải rút quân hoàn toàn và phải công nhận Mặt trận dân tộc giải phóng như một thực thể chính trị độc lập, Paris là một thắng lợi của ngoại giao Việt Nam. Học hỏi kinh nghiệm từ Hội nghị Geneve, Việt Nam đã đàm phán tay đôi với Mỹ thay vì để vấn đề Việt Nam bị quốc tế hoá, dẫn tới quyền lợi bị các nước lớn mặc cả trên bàn đàm phán. Miền Bắc Việt Nam đã giữ được quân giải phóng trên lãnh thổ miền Nam và quân Mỹ phải rút lui toàn bộ. Thắng lợi trên bàn đàm phán này đã mở ra thắng lợi cuối cùng là chiến thắng mùa xuân năm 1975.

Xuân Sơn

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN