LTS: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã làm cho Mỹ bàng hoàng. Tuy nhiên, giới quân sự Mỹ vẫn tiếp tục nói dối dư luận, cho rằng vẫn có thể thắng trong cuộc chiến tranh nếu có thêm quân. Giữa lúc đó, Walter Cronkite, một bình luận viên truyền hình nổi tiếng thận trọng và khách quan lại cho rằng chiến tranh Việt Nam là không thắng nổi. Sau đây là toàn văn những lời cuối cùng của chương trình “Phóng sự từ Việt Nam” của ông được phát ngày 27 tháng 2 năm 1968, chưa đầy một tháng sau khi quân và dân ta tấn công các thành phố ở miền nam, và lời bình của Douglas Brinkley trong cuốn sách “Cronkite” của ông.
“Tối nay, quay trở lại bối cảnh quen thuộc ở New York, chúng tôi muốn thông báo những gì chúng tôi đã thấy ở Việt Nam, một phân tích phải nói rằng mang tính suy đoán, cá nhân và chủ quan. Ai thắng và ai thua trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân vào các thành phố? Bản thân tôi không rõ. Việt Cộng đã không thắng bằng cú knock out, nhưng chúng ta cũng không thắng như vậy. Trọng tài lịch sử có thể đánh giá là hoà. Tình thế bế tắc có thể xuất hiện trong các cuộc chiến đấu ở nam khu phi quân sự. Khe Sanh có thể thất thủ, nước Mỹ sẽ mất đi nhiều lính, uy tín và tinh thần. Đó là thảm cảnh của thái độ cứng rắn của chúng ta; nhưng pháo đài đó không còn là chìa khoá của chúng ta cho cả khu vực. Chúng ta vẫn chưa rõ liệu lực lượng Mỹ có thể bị đánh bại ở vùng khu phi quân sự hay không và liệu lực lượng Mỹ có thể mất nhiều đất hay không. Đó là một tình thế bế tắc nữa. Trên mặt trận chính trị, những gì chính phủ Việt Nam làm trong quá khứ không làm cho chúng ta tin tưởng rằng họ có thể giải quyết vấn đề của mình, giờ càng phức tạp hơn do các cuộc tấn công vào thành thị. Chính phủ Việt Nam có thể sẽ không thất thủ, mà còn có thể tiếp tục đứng vững, nhưng không thể thể hiện tính năng động mà một nước trẻ cần phải có. Một tình thế bế tắc khác nữa.
Chúng ta đã đã quá nhiều lần thất vọng trước thái độ lạc quan của các nhà lãnh đạo Mỹ, ở cả Việt Nam và ở cả nước Mỹ nên không thể còn tin tưởng vào vệt sáng trong đám mây đen. Họ có thể đúng cuộc tiến công đông-xuân đã được tiến hành với nhận thức rằng cộng sản không thể thắng cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài và cộng sản hy vọng rằng thắng lợi trong cuộc tấn công sẽ cải thiện vị thế của họ trong đàm phán. Điều đó có thể sẽ cải thiện vị thế của họ và có thể làm chúng ta nhận ra, điều mà đáng lý ra chúng ta đã phải nhận ra từ lâu là bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải là đàm phán, không phải áp đặt điều kiện hoà bình. Ở thời điểm hiện tại dường như có một điều chắc chắn hơn bao giờ hết đó là trải nghiệm đẫm máu của chúng ta ở Việt Nam sẽ đi đến kết cục bế tắc. Tình thế bế tắc gần như chắc chắn sẽ xuất hiện vào mùa hè này sẽ kết thúc bằng đàm phán có đi có lại thực sự hay leo thang chiến tranh. Với mọi bước leo thang, kẻ địch đều có thể có bước đi tương tự và những bước leo thang bao gồm xâm lược miền Bắc, sử dụng vũ khí hạt nhân, hay là chỉ đưa thêm một, hai hoặc ba ngàn quân Mỹ đến tham chiến. Với mỗi bước leo thang như vậy, thế giới lại tiến gần đến bờ vực thảm hoạ.
Nói rằng chúng ta đang tiến gần đến thắng lợi là đi ngược lại những bằng chứng cho thấy những người lạc quan cũng đã từng sai. Cho rằng chúng ta đang sát kề thất bại là thái độ bi quan vô lối. Nói rằng chúng ta đang kẹt trong tình thế không phân thắng bại có lẽ là kết luận duy nhất thực tiễn nhưng thoả đáng. Với khả năng rất ít là các nhà phân tích chính trị và quân sự của chúng ta đúng, trong vài tháng tới chúng ta phải thử xem ý định của kẻ địch đề phòng trường hợp cuộc tấn công là cú đánh cuối cùng trước khi đàm phán. Với phóng viên này thì ngày càng rõ là đường thoát hợp lý duy nhất là đàm phán, không phải với vị thế là người chiến thắng mà là những người tôn trọng danh dự thực hiện lời hứa của mình là bảo vệ dân chủ và đã cố gằng làm hết sức mình vì mục đích đó.
Tôi là Walter Cronkite. Xin chào buổi tối.”
Quan điểm của Walter Cronkite được báo chí Mỹ đưa lại và tạo điều kiện cho Frank McGee của chương trình tin tức của NBC làm một chương trình tương tự sau đó hai tuần. Ngay cả tờ Thời báo phố Wall bảo thủ cũng đã đăng bài xã luận có nội dung là: “Toàn bộ cố gắng Việt Nam của chúng ta có thể đã thất bại”.
Khi chương trình của Walter Cronkite đang được phát, Tổng thống Johnson đang trên đường đi nói chuyện tại trường đại học Texas ở Austin. Tuy nhiên khi Tổng thống nghe được bình luận chống chiến tranh của Walter Cronkite, ông buồn bã nói: “Nếu tôi mất Cronkite, thì tôi mất nước Mỹ”.
Thực ra Tổng thống Johnson thực sự đã nói điều gì vào “giây phút Cronkite”, như ghi lại trong sách lịch sử, là điều gây tranh cãi trong giới học giả. Có một vài phiên bản về điều Lyndon Bill Johnson đã nói, phiên bản phổ biến nhất là (a) “Nếu tôi mất Walter Cronkite, thì tôi mất người Mỹ trung lưu”; và (b) “Nếu tôi mất Walter Cronkite, tôi sẽ thua cuộc chiến này”. Tất cả đều không có gì khác biệt cả. Điểm quan trọng nhất mà Walter Cronkite đã giành được sự chú ý của nước Mỹ về chiến tranh Việt Nam là Lyndon Bill Johnson không thể không chú ý đến. Cựu thư ký báo chí Nhà trắng George Christian sau này có nói lại một cách đầy đủ hơn với Bill Small của kênh truyền hình CBS về phản ứng của chính quyền Mỹ đối với chương trình ngày 27 tháng 2 của Walter Cronkite. Christian nói “Tin tôi đi. Cú sốc đó chạy khắp chính phủ. Khi Walter Cronkite từ Việt Nam trở về, bản tin (của Walter Cronkite) làm xáo trộn mọi người về cách thức tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam; bi quan dẫn đến bi quan hơn. Tôi hoàn toàn nghĩ rằng Cronkite có cách nhìn của một nhà báo chân thực. Nhưng Cronkite là nhà báo quen thuộc với dân Mỹ hơn bất cứ nhà báo nào. Cronkite là nhà báo hàng triệu người Mỹ trông chờ để có được tóm tắt tin mỗi ngày; mọi người biết đến Cronkite không phải là người viết xã luận mà là một nhà báo có thái độ rất khách quan.
Với lời bình luận chân thực của mình về cuộc chiến tranh Việt Nam đang bị thua một cách có danh dự, Cronkite trở thành một nhân vật quan trọng hơn nhiều nhân vật giành được điểm cao trong bảng điểm của công ty Nielson về chương trình tin tối. Cronkite đã đi vào biên niên sử các sự kiện chính của lịch sử nước Mỹ. Với mái tóc cắt ngắn điểm bạc và râu quai nón, Cronkite là biểu tượng những giá trị cổ trong một thế giới đầy rẫy lời nói dối. Nước Mỹ muốn có sự thật về Việt Nam và Cronkite đã làm điều đó theo đúng bổn phận của mình.
Các bạn có thể đọc cuốn “Cronkite” tại thư viện Nguyễn Văn Hưởng, số thư mục là BCCL 75.
Nguyên Mi dịch
(Theo Tạp chí Phương Đông)