John Kerry: “Chúng tôi tin ý chí của nhân dân nói lên rằng chúng ta phải rút khỏi Việt Nam”

LTS: John Kerry sinh năm 1943 là sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Yale, Kerry phục vụ trong Hải quân Mỹ từ năm 1966 đến năm 1969. Ông là người phát ngôn của Hội cựu binh Việt Nam chống chiến tranh đã đứng làm chứng trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 22/4/1971. Trong bài tuyên bố, được trích dẫn dưới đây, Kerry đã lên án cuộc chiến tranh ở Việt Nam và tranh luận rằng việc trì hoãn rút quân Mỹ sẽ làm tốn kém một cách vô nghĩa thêm các sinh mạng Mỹ. Ông tranh luận rằng những biện minh mà các nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra về cuộc chiến tranh không có liên quan gì đến tình hình ở Việt Nam mà những người lính đã thấy. Kerry mô tả những cuộc điều trần “Người lính Mùa Đông” do Hội bảo trợ ở Detroit từ ngày 31 tháng Giêng đến ngày 2 tháng 2 năm 1971, trong đó những người lính Mỹ đã đứng ra làm chứng về những hành động tàn bạo mà họ đã thực hiện hay chứng kiến ở Việt Nam. John Kerry đi đến kết luận rằng nước Mỹ không có mục đích đạo đức nào hay lập trường nào để ở lại Nam Việt Nam.

Sau đó Kerry đã tham gia chính trị. Năm 1984, ông được bầu vào Thượng viện Mỹ, đại diện cho bang Massachusetts và trở thành Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Ông cũng là ứng viên Tổng thống của đảng Dân Chủ, là Ngoại trưởng Mỹ và đặc biệt John Kerry đã trở thành người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, người có nhiều đóng góp vô cùng quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam.

Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu bài phát biểu của John Kerry trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 22/4/1971, trong đó ông tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng ý chí của nhân dân nói rằng chúng ta phải rút khỏi Việt Nam”. 

Ông John Kerry phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ngày 22/4/1971

Tôi xin nói trước công chúng và cũng trước cả những người ngồi phía sau tôi đang mặc những bộ quân phục và gắn những bộ huy chương rằng vị trí tôi ngồi ở đây chỉ là sự tượng trưng thôi. Tôi có mặt ở đây không phải với tư cách là John Kerry. Tôi có mặt ở đây với tư cách là một thành viên của nhóm gồm 1.000 người, một thành phần đại diện nhỏ của hội các cựu chiến binh lớn hơn rất nhiều tại đất nước này, và nếu mà họ có thể được ngồi tại cái bàn này, thì họ sẽ có mặt cùng làm chứng tại đây…..

Tôi xin thay mặt cho tất cả những cựu chiến binh đó phát biểu rằng, cách đây nhiều tháng ở Detroit, chúng tôi đã một cuộc điều tra tìm hiểu trên 150 cựu chiến binh đã giải ngũ một cách danh dự và nhiều người được tặng thưởng nhiều huân, huy chương đã làm chứng cho những tội ác chiến tranh phạm phải ở Đông Nam Á. Đây là những sự kiện không riêng lẻ mà là những tội ác phạm phải hàng ngày với nhận thức đầy đủ của các sĩ quan chỉ huy ở mọi cấp.

Không thể nào mô tả một cách chính xác cho các vị điều gì đã xẩy ra ở Detroit – nỗi xúc động tâm trạng của những người lính làm sống lại những trải nghiệm của mình ở Việt Nam. Họ hồi tượng lại nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất về những gì mà cũng vì một phần đất nước này đã bắt họ phải làm vậy.

Họ kể rằng có những lúc bản thân họ đã hãm hiếp, cắt tai, chặt đầu, nghe trộm điện thoại cầm tay, quấy rối tình dục, mở hết công suất âm thanh, chặt dứt chân tay, cho nổ tung xác người, bắn bừa bãi vào dân thường, tàn phá làng mạc theo kiểu từ thời Cát Tư Hãn, bắn giết gia súc và chó để mua vui, đánh thuốc độc vào thực phẩm, và nói chung là tàn phá nông thôn Nam Việt Nam cộng thêm với những tàn phá thông thường của chiến tranh và những tổn thất hết sức đặc biệt được gây ra bởi các cuộc không kích do đất nước này thực hiện.

Chúng tôi gọi cuộc điều tra này là cuộc Điều tra Lính Mùa Đông. Từ Lính Mùa Đông là lối chơi chữ của Thomas Paine năm  khi ông nói về những người ái quốc vui tươi và những binh lính mùa hè, những người đã đảo ngũ ở Valley Forge khi tình hình trở nên vô cùng khó khăn.

Chúng ta là những người tới Washington và có mặt tại đây bởi vì chúng ta cảm thấy bây giờ chúng ta phải là những người lính mùa đông. Chúng ta có thể trở về đất nước này, có thể chúng ta sẽ im ắng, chúng ta sẽ câm lặng, chúng ta không thể kể lại những gì mà chúng ta đã trải qua ở Việt Nam, nhưng chúng ta cảm thấy bởi vì những gì đe doạ đất nước này lại không phải là Cộng sản, mà là những tội ác chúng ta đang phạm phải để đe dọa nước đó, cho nên chúng ta phải nói ra.

Tôi muốn nói chuyện với các bạn một chút về hậu quả của những tâm trạng cảm xúc mà những người lính mang theo khi họ từ Việt Nam trở về. Đất nước này chưa được biết đến điều đó, nhưng nó đã tạo ra một con quái vật, một con quái vật dưới hình thức hàng triệu người lính được truyền dạy cách buôn bán kinh doanh bạo lực và là những người lính được giành cho cơ hội bị chết chẳng vì cái gì lớn nhất trong lịch sử cả; những người lính trở về với cảm giác căm giận và cảm giác bị phản bội mà không một ai hiểu nổi.

Là một cựu chiến binh và là người cảm thấy được nỗi tức giận đó, nên tôi muốn nói về cảm xúc đó. Chúng tôi căm giận bởi vì chúng tôi cảm thấy mình bị chính quyền  đất nước này sử dụng một cách tồi tệ nhất.

Năm 1970 tại Học viện Quân sự West Point, Phó Tổng Thống Agnew đã nói rằng “có một số người đã tán dương những kẻ lập dị gây tội ác của xã hội trong khi những người lính tuyệt vời của chúng ta đã chết trên những cánh đồng lúa ở Châu Á để bảo vệ nền tự do mà hầu hết những kẻ lập dị gây tội ác kia lại dè bỉu” và điều này được sử dụng làm điểm tập hợp biểu tình phản đối những nỗ lực của chúng ta ở Việt Nam.

Nhưng đối với chúng tôi, những chàng trai trẻ ở Châu Á mà đáng ra đất nước này cần hỗ trợ, ủng hộ họ, thì lời tuyên bố của ông ta là một sự bóp méo khủng khiếp để từ đó chúng ta có thể rút ra được cảm giác rất sâu sắc về sự ghê tởm này, và vì thế đã dẫn đến sự căm giận của một số người lính có mặt ở Washingto hôm nay. Đó là sự bóp méo xuyên tạc bởi vì chúng ta hoàn toàn không tự coi mình là những người tuyệt vời của đất nước này; bởi vì những người mà ông ta cho là kẻ lập dị đang lên tiếng ủng hộ chúng ta theo một cách mà không một ai khác ở đất nước này dám làm; bởi vì có quá nhiều người đã chết chắc có lẽ đã trở về đất nước này để cùng với những kẻ lập dị cố đòi phải rút quân ngay lập tức khỏi Nam Việt Nam; bởi vì có quá nhiều người lính tuyệt vời kia đã trở về với hình hài liệt toàn thân hoặc mất cả tứ chi – và họ bị lãng quên nằm trong các Bệnh viện dành cho các Cựu Chiến Binh của đất nước này, và trên những bệnh viện này treo lá cờ mà có nhiều người đã lựa chọn là sự tượng trưng cho cá nhân của chính họ – còn chúng ta không thể tự coi là những người lý tưởng của nước Mỹ khi chúng ta cảm thấy hổ thẹn và căm thù trước những gì chúng ta đã được kêu gọi phải làm ở Đông Nam Á.

Theo ý kiến của chúng tôi và qua những gì chúng tôi đã trải nghiệm, ở Nam Việt Nam không có gì có thể xẩy ra để thực sự đe doạ Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ cả. Và rắp tâm biện mình cho sự mất mát một sinh mạng Mỹ ở Việt Nam, Lào hay Căm-pu-chia bằng cách gắn kết sự mất mát đó với việc bảo vệ tự do, mà những người lập dị đó đã dè bỉu, thì đối với chúng tôi đó là đỉnh cao của đạo đức giả đầy tội ác và chính sự đạo đức giả mà chúng tôi cảm thấy đó đã gây sự chia rẽ đất nước này.

Lính Mỹ chết trận tại Việt Nam, ngày 2/4/1967 (Ảnh: AP)

Có thể chúng tôi còn tức giận nhiều hơn thế, nhưng tôi không muốn đi sâu vào những khía cạnh chính sách đối ngoại bởi vì tôi là người ngoại đạo ở đây. Tôi biết tất cả các anh nói về một sự lựa chọn thay thế có thể cho việc rút khỏi Việt Nam. Chúng tôi hiểu điều đó. Chúng tôi biết các anh đã xem xét nghiêm túc các khía cạnh ở mức tốt nhất, nên tôi không cố bàn đến điều đó làm gì. Nhưng tôi muốn nói với các anh về cảm xúc mà rất nhiều người lính trở về đất nước này đã diễn tả bởi vì có lẽ chúng tôi tỏ ra tức giận ghê gớm về tất cả những gì chúng tôi được nghe kể lại về Việt Nam và về cuộc chiến tranh thần bí chống lại chủ nghĩa cộng sản.

Chúng ta đã thấy rằng không chỉ đó là cuộc nội chiến, nỗ lực mà một dân tộc đã bao năm nay tìm cách giải phóng họ khỏi mọi sự kiểm soát thuộc địa thực dân, mà chúng ta còn thấy rằng người Việt Nam mà chúng ta đã nỗ lực muốn họ rập theo khuôn mẫu hình ảnh của chính chúng ta, đã ra sức chiến đấu chống lại sự đe dọa mà chúng ta ngộ nhận đang cứu họ khỏi sự đe dọa đó.

Chúng tôi thấy hầu hết mọi người thậm chí đã không biết được sự khác biệt giữa chủ nghĩa cộng sản và dân chủ. Họ chỉ muốn được làm việc trên cánh đồng lúa không có máy bay trực thăng bắn phá và bom na-pan đốt cháy làng xóm của họ và xé nát đất nước họ. Họ muốn làm tất cả để chống chọi với chiến tranh, đặc biệt là đối chọi với sự hiện diện nước ngoài của Hoa Kỳ để họ được được sống yên bình, và họ đã thực hiện nghệ thuật tồn tại bằng cách đứng về phía của bất cứ lực lượng quân sự nào có mặt ở vào thời điểm đặc biệt, dù đó là Việt Cộng, Bắc Việt Nam hay Mỹ.

Chúng tôi cũng thấy rằng tất cả những người lính Mỹ thường lại chết ở ngay trên những cánh đồng lúa đó vì muốn hỗ trợ cho các đồng minh của mình. Chúng tôi đã nhìn thấy trực tiếp là tiền bạc từ tiền thuế của nước Mỹ đã được dùng cho chế độ độc tài đồi bại như thế nào. Chúng tôi đã chứng kiến rằng nhiều người ở đất nước này đã có ý kiến thiên tư về người đã được giữ tự do bằng lá cờ của chúng ta, và người da đen đã có tỷ lệ thương vong cao nhất. Chúng tôi cũng chứng kiến rằng Việt Nam đã bị bom đạn Mỹ và những cuộc hành quân tìm diệt tàn phá, ấy vậy mà chúng ta chỉ nghe thấy đất nước này cố đổ lỗi cho Việt Cộng vì tất cả những sự tàn phá đó.

Chúng ta biện minh rằng chúng ta tàn phá làng mạc đó chẳng qua là để cứu họ. Chúng ta nhìn thấy nước Mỹ đã mất hết ý thức về đạo lý khi nước này đã đón nhận vụ thảm sát Mỹ Lai một cách lạnh lùng và từ chối không bỏ đi hình ảnh người lính Mỹ đã phân phát những thanh sô-cô-la và kẹo cao su.

Chúng tôi học được ý nghĩa về những vùng bắn phá tự do, bắn vào bất cứ vật gì chuyển động và chúng tôi đã nhìn thấy nước Mỹ đã rẻ rúng tính mạng của người phương đông.

Chúng tôi đã thấy nước Mỹ đã đưa ra con số thương vong giả tạo, và thực ra họ đã thổi phồng số người chết. Chúng tôi lắng nghe tháng này sang tháng khác rằng hậu phương của của kẻ thù sắp tan vỡ. Chúng ta chiến đấu, sử dụng vũ khí chống lại người phương đông. Chúng ta chiến đấu, sử dụng vũ khí chống lại những người mà chúng tôi tin rằng đất nước này lại mơ sử dụng đến nếu như chúng ta chiến đấu ở chiến trường Châu Âu. Chúng tôi chứng kiến những người lính xông lên những ngọn đồi bởi vì có một vị tướng nói cần phải chiếm lấy ngọn đồi đó, và rồi sau khi mất một trung đội hay hai trung đội, họ rút khỏi ngọn đồi để cho Bắc Việt Nam chiếm lại. Chúng tôi chứng kiến sự tự hào đã để cho những trận đánh chẳng mang lại ý nghĩa quan trọng nào lại được thổi phồng lên một cách ngông cuồng, bởi vì chúng ta không thể thất bại được, và chúng ta không thể rút lui được và bởi vì không quan trọng là có bao nhiêu xác lính Mỹ để chứng mình cho điểm đó, và thế rồi đến những trận ở Hamburger Hills, Khe Sanh, rồi đến Đồi 81 và Fire Base 6s  và còn nhiều địa điểm khác nữa….

Để tạo điều kiện dễ dàng cho quá trình mà nước Mỹ muốn phủi tay khỏi Việt Nam, mỗi ngày lại có người đã mất mạng để cho nước Mỹ không phải thú nhận điều gì đó mà toàn thế giới đều biết, để mà chúng ta không thể nói rằng chúng ta đã mắc sai lầm. Có ai đó phải chết để cho Tổng thống Nixon sẽ không là “Tổng thống đầu tiên bị thất bại trong một cuộc chiến tranh” như lời ông ta nói.

Chúng tôi đã yêu cầu người dân Mỹ phải suy nghĩ về điều đó bởi làm thế nào ta yêu cầu một người sẽ là người cuối cùng phải chết ở Việt Nam? Làm thế nào ta yêu cầu một người sẽ là người cuối cùng phải chết vì một sai lầm? Chúng tôi đang cố gắng làm điều đó, và chúng tôi đang thấy điều đó đang được thực hiện với hàng ngàn những lời giải thích duy lí, và nếu các anh đọc kỹ bài diễn văn cuối cùng của Tổng thống gửi cho nhân dân nước này, các  anh có thể thấy rằng ông ta nói và nói rõ ràng: “Nhưng vấn đề, thưa các vị, vấn đề là chủ nghĩa cộng sản, và vấn đề là liệu chúng ta sẽ để lại nước này cho những người Cộng sản hay không, hay chúng ta sẽ cố tạo cho họ một niềm hy vọng được trở thành một dân tộc tự do”.

Nhưng vấn đề là ở chỗ họ không phải là người tự do lúc này dưới sự cai trị của chúng ta. Họ không phải là một dân tộc tự do, và chúng ta không thể chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới và tôi nghĩ nhẽ ra đến lúc này chúng ta đã phải học được bài học đó rồi……

Chúng ta đang đòi hỏi Washington có hành động; đó là hành động từ Quốc Hội Hoa Kỳ, là nơi có quyền lực nuôi dưỡng và duy trì quân đội và cũng là nơi bằng Hiến Pháp cũng có quyền tuyên bố chiến tranh.

Chúng tôi đến đây, không phải đến với Tổng thống, bởi vì chúng tôi tin rằng cơ quan của Quốc hội này có thể đáp lại ý nguyện của nhân dân và chúng tôi tin rằng ý nguyện của nhân dân nói rằng chúng ta phải rút khỏi Việt Nam.

Chúng tôi có mặt ở đây, tại Washington cũng muốn nói rằng vấn đề của cuộc chiến tranh này không phải chỉ là vấn đề chiến tranh và ngoại giao. Đó là tất cả những bộ phận khăng khít với nhau nên chúng tôi đang cố gắng với tư cách là những con người để giao tiếp với nhân dân của đất nước này – đó là vấn đề chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang hoành hành trong quân đội, và nhiều những vấn đề khác nữa như việc sử dụng vũ khí; thái độ đạo đức giả về việc chúng ta bực mình trước việc có Hiệp định Giơ-ne-vơ và sử dụng nó như để biện minh cho việc tiếp tục chiến tranh khi chúng ta mắc nhiều tội hơn bất cứ bộ phận nào khác trong việc vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ; trong việc sử dụng vùng bắn phá tự do, cuộc bắn phá ngăn chặn biểu tình, những cuộc hành quân tìm diệt, những cuộc oanh tạc ném bom, tra tấn tù binh, giết chết tù binh, tất cả là chính sách mà nhiều đơn vị ở Nam Việt Nam chấp nhận. Đó là những gì chúng tôi cố gắng nói ra. Đó là tất cả những gì đã gắn kết chặt chẽ với nhau.

Một người da đỏ là bạn của tôi, sống ở vùng người da đỏ Alcatraz có nói với tôi rất ngắn gọn. Anh ta kể cho tôi rằng lúc còn là cậu bé sống trong khu vực dành riêng cho người da đỏ, cậu ta xem truyền hình và thường hoan hô những anh chàng chăn bò khi họ đến và bắn chết những người da đỏ, rồi bỗng đến một ngày anh ta dừng chân ở Việt Nam và anh ta nói, “Trời ơi, tôi đang gây cho những người dân ở đấy y hệt như những gì đã gây cho nhân dân tôi”, rồi anh ta ngừng lời. Và đó chính là những gì chúng tôi đang cố gắng muốn nói lên rằng điều đó phải được chấm dứt.

Chúng tôi có mặt ở đây để hỏi, và chúng tôi có mặt ở đây để hỏi mạnh mẽ rằng những nhà lãnh đạo của đất nước chúng ta đang ở đâu? Lãnh đạo đang ở đâu? Chúng tôi có mặt ở đây để hỏi McNamara, Rostow, Bundy, Gilpatric và rất nhiều người khác đang ở đâu? Bầy giờ họ ở đâu vì chúng tôi, những người lính mà họ đưa tôi đến với chiến tranh, giờ đây đã trở về? Có những viên tư lệnh đã bỏ binh lính của mình, và không còn tội nghiêm trọng trong luật chiến tranh. Lực lượng Lục quân nói họ không bao giờ bỏ rơi những người lính bị thương. Hải quân Lục chiến nói họ không bao giờ rời bỏ, thậm chí họ có bị chết. Những người lính này đã làm cho danh tiếng thật sự của họ bị phai nhạt dưới cái nắng ở đất nước này.

Cuối cùng chính quyền đã gây cho chúng tôi nỗi nhục nhã tột cùng. Họ rắp tâm không thừa nhận chúng tôi và những sự hy sinh của chúng tôi vì đất nước này. Trong nỗi sợ hãi và mù quáng, họ cố tình từ chối rằng chúng tôi là những cựu chiến binh, rằng chúng tôi đã phục vục ở Việt Nam. Chúng tôi không cần sự xác nhận của họ. Những vết sẹo, chân tay cụt của chúng tôi là nhân chứng đủ để chứng thực cho những người khác và cho chính chúng tôi.

Chúng tôi mong rằng Chúa trời bao dung có thể xóa hết những kỷ ức của chúng tôi về cuộc đời làm lính đó dễ dàng như chính quyền này xóa sạch những kỷ niệm về chúng tôi. Tất cả những gì họ đã làm và tất cả những gì họ có thể làm bằng cách từ chối điều đó sẽ làm rõ hơn bao giờ hết quyết tâm của chúng tôi đảm nhiệm một nhiệm vụ nhỏ bé hơn – tìm và quét sach hết dấu vết cuối cùng của cuộc chiến tranh man rợ này, nhằm làm cho trái tim chúng tôi trở nên bình an, để chinh phục lòng căm thù và nỗi sợ hãi đã đẩy đất nước này trong hơn mười năm qua, vì thế 30 năm kể từ lúc này những người anh em của chúng ta đã xuống đường với thân hình không có chân, không có tay hay mặt  mày, và những cậu bé lại hỏi là tại sao lại thế, chúng ta có thể nói tại “Việt Nam” và không có nghĩa là công lao xứng đáng, cũng không phải là ký ức dơ dáy, mà có nghĩa là một nơi nước Mỹ cuối cùng đã chuyển hướng và là nơi những người lính như chúng tôi đã giúp nước Mỹ chuyển hướng./.

Hoàng Ngọc biên tập

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN