Chiến thắng vĩ đại 30 tháng 4 năm 1975 nhìn từ phản ứng của Mỹ

Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 ngay lập tức gây chấn động toàn thế giới. Những phản ứng ghi nhận từ chính quyền Mỹ, báo chí Mỹ và báo chí nhiều nước trên thế giới ngay sau ngày Giải phóng miền Nam cho chúng ta thấy tầm ảnh hưởng lớn lao của sự kiện này đối với lịch sử thế giới hiện đại. 

Trước thời điểm giải phóng miền Nam, Mỹ dường như đã cảm nhận thất bại chắc chắn của chính quyền Sài Gòn. Vào ngày 23 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Ford đã họp báo và tuyên bố: “Sự đầu hàng của chính quyền Sài gòn là không tránh khỏi vì tình hình quân sự xấu đi… Vấn đề Việt Nam là một chấn thương của nước ta trong mười lăm năm nay…. Theo tôi nghĩ trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần nhìn về phía trước, chứ không nên tập trung vào những vấn đề của quá khứ.”

Ngày 23 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Gerald R. Ford trong bài phát biểu tại Đại học Tulane ở New Orleans về sự kết thúc của chiến tranh Việt Nam

Như vậy, Tổng thống Mỹ đã chuẩn bị tinh thần cho nhân dân Mỹ trước thất bại định trước. Tuy vậy, việc đầu hàng nhanh chóng của chính quyền Sài Gòn vẫn làm Mỹ bất ngờ. Trong cuộc họp báo ngay vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, Ngoại trưởng Mỹ Kissinger tuyến bố: “Tôi cứ tưởng là họ (Dương Văn Minh) có thể thương lượng một sự đầu hàng, chứ biết đâu họ lại tuyên bố đầu hàng. Tôi không ngờ sự đầu hàng lại nhanh như vậy. Rõ ràng là cuộc chiến tranh này đã không đạt được những mục tiêu của những người khởi xướng việc Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh này cũng như của những người tìm cách đưa Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh theo cách chúng ta đã hy vọng về một nền hòa bình trong danh dự.”

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Schlesinger tuyên bố trong cuộc họp báo vào ngày 1 tháng 5 rằng thất bại ở miền Nam Việt Nam đã khiến lòng tin vào Mỹ suy sụp: “Tôi nghĩ điều rất rõ ràng là hậu quả của những sự kiện ở Đông Nam Á (thất bại ở Việt Nam) đã làm lung lay lòng tin của nhiều nước vào sức mạnh và tính kiên trì và vững chắc của Mỹ.”

Năm ngày sau, ngày 5 tháng 5 năm 1975, Kissinger chính thức thừa nhận sai lầm của nước Mỹ khi trả lời hãng tin NBC: “Có thể chúng ta đã sai lầm khi biến Việt Nam thành một thí nghiệm đối với chính sách của chúng ta, chứ không phải đối với chính sách của người Việt Nam kể từ năm 1962-63, khi chúng ta bắt đầu dính líu vào đó. Tôi nghĩ rằng có lẽ việc đưa các lực lượng quân sự Mỹ vào là biện pháp giải quyết tồi nhất vì điều đó có nghĩa là đưa yếu tố ngoại lai vào.”

Một ngày sau đó, ngày 6 tháng 5, tức khoảng một tuần sau Giải phóng miền Nam, Tổng thống Mỹ mới tiến hành họp báo và tuyên bố tương tự: “Cuộc chiến tranh Việt nam đã chấm dứt. Đây là một chiến tranh buồn thảm và bi đát về nhiều mặt. Thật là bất hạnh nếu chúng ta cứ đổ cho cá nhân hoặc chính quyền nào đó có lỗi. Chiến tranh đã kết thúc. Chúng ta phải nhìn về phía trước.” 

Cùng ngày Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Sisoo cảnh báo rằng sự thảm bại ở Việt Nam đã dạy cho Mỹ một bài học rằng: “không thể đóng vai trò sen đầm quốc tế được nữa… Mỹ đã hiểu được là tiền của Mỹ không phải là vô tận, rằng không thể có một kế hoạch vạch sẵn hoặc một phương án vạn năng nào của Washington cho tất cả các vấn đề quốc tế”.

Trong khi các chính trị gia Mỹ cay đắng thừa nhận thất bại, quốc hội vui mừng vì cuộc chiến mà họ phản đối đã kết thúc. Tất cả đều thừa nhận đây là sai lầm lớn nhất của Hoa Kỳ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chủ tịch Hạ viện Carl Albert tuyên bố ngay vào ngày  30 tháng 4 rằng ông “vui mừng vì chiến tranh đã chấm dứt” và cho rằng “đây là một kinh nghiệm xấu đối với cả Mỹ và Nam Việt Nam”. Thượng nghị sĩ Mike Mansfield phát biểu ở Washington vào 30 tháng 4: “Cần xét lại toàn bộ chính sách đối ngoại của Mỹ, chứ không riêng gì ở Đông Nam Á và Trung Đông. Cần phải từ bỏ tư tưởng cho rằng nước Mỹ có thể đóng vai trò người anh, người cha của tất cả các nước trên thế giới. Việc mất Sài gòn là sự kết thúc một kỷ nguyên sau chiến tranh thế giới thứ hai.” Thượng nghị sĩ George Mc Govern nói “: “Sự dính líu của Mỹ vào Đông Dương đã kìm hãm ghê gớm chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều năm qua và là một sai lầm. Việc Mỹ rời khỏi Đông Dương không nên coi như chấm dứt uy tín của nước Mỹ mà nên coi là khởi đầu cho một chính sách lành mạnh hơn. Điều tốt nhất để khắc phục là đừng để cho một Việt Nam nữa lặp lại.”

Giống với Quốc hội, báo chí Mỹ được thể công kích chính quyền và tất cả đều khẳng định việc tham chiến ở Việt Nam là sai lầm lịch sử của Hoa Kỳ. Các tờ báo lớn ở Hoa Kỳ đều đồng loạt có bài đăng vào ngày 1 tháng 5 năm 1975 về thất bại của Mỹ. Tờ Baltimore Evening Sun viết ngay vào ngày 1 tháng 5 năm 1975: “Người Mỹ hiện nay đã có những kinh nghiệm chín chắn không những về thất bại trong chiến tranh đầu tiên trong lịch sử của mình mà cả về cách tìm đường để thoát khỏi Sài Gòn. Chúng ta đã bị tổn thương và bị làm nhục.” Tờ The New York Post: “Cuộc chiến tranh Việt Nam là sự hy sinh vô ích về sinh mạng và của cải của Mỹ.” Daily News: “Cuộc chiến tranh Việt nam là một chương bi thảm của lịch sử nước Mỹ.” New York Times: “Hoa Kỳ đã rời Việt Nam một cách hỗn loạn và không có đường lối gì hết, không khác gì như khi bước vào Việt Nam.” Christian Science Monitor: “Các nước Châu Á sẽ phải đánh giá lại thực chất và mức độ lệ thuộc của mình vào Mỹ. Mỹ phải xem xét lại vai trò chính của mình ở vùng này.Tuy không muốn rút lui hoàn toàn vào chủ nghĩa biệt lập, rõ ràng nhân dân Mỹ không muốn bất cứ dính líu quân sự nào nữa.” Tạp chí tin tức Mỹ và thế giới: “Sự kết thúc xảy ra đột ngột đến  choáng váng. Người Mỹ quàng chân lên cổ mà chạy. Cuộc chiến tranh lâu dài đã chấm dứt nhưng những vết thương ở Mỹ sâu và nhức nhối quá.”

Tờ New York Times ra ngày 1/5/1975

Như vậy, từ những phản ứng ghi nhận ngay sau ngày Giải phóng miền Nam từ chính giới, quốc hội và báo chí Hoa Kỳ, có thể thấy chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với Việt Nam mà đối với thế giới. Lần đầu tiên, Hoa Kỳ, quốc gia hùng mạnh nhất và giàu có nhất thế giới bị đánh bại bởi một quốc gia nhỏ và nghèo hơn nhiều. Chính vì vậy, hầu hết đánh giá từ Mỹ đều khẳng định đây là kết cục “nhục nhã”, “đau xót” và đáng “xấu hổ”. Hơn thế, tất cả các nhìn nhận từ phía Hoa Kỳ đều cho rằng chính sách can dự quân sự của Mỹ vào nước khác là sai lầm không bao giờ nên lập lại và những can dự như vậy chỉ làm rạn vỡ niềm tin của thế giới vào sức mạnh Hoa Kỳ.

Bài học ấy cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự và lịch sử thế giới sau 1975 đã chứng kiến không ít lần Mỹ dùng quân sự can thiệp vào các quốc gia khác và tiếp tục sa lầy vào khó khăn, mất mát, thất bại. Vì thế, ngày 30 tháng 4 năm 1975 sẽ mãi ghi dấu trong lịch sử thế giới như một dấu mốc quan trọng bậc nhất trong chiến tranh lạnh, cho thế giới thấy sức mạnh của lòng yêu nước và tinh thần quả cảm sẽ chiến thắng mọi thế lực hùng mạnh nhất muốn dùng vũ lực đơn phương áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác./.

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN