Những cơn ác mộng của một cựu binh Mỹ

Tạp chí Phương Đông giới thiệu lược thuật về vụ thảm sát ở Thạnh Phong theo hồi ức của cựu binh Mỹ Bob Kerrey, người sau này đã trở thành Thượng ngh sĩ Hoa Kỳ và có những đóng góp quan trọng cho quan hệ Việt Mỹ nhằm chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ.

Đó là một vụ thảm sát, đúng hơn, nếu đọc kỹ bài viết: “Đêm kinh hoàng ở Thạnh Phong” trên tờ The New York Times năm 2001 thì đó gần như là một vụ giết người diệt khẩu. Đêm ngày 25 tháng 2 năm 1969, một đêm hoàn toàn không có ánh trăng ở ấp Thạnh Phong ven bờ biển, trung uý Bob Kerrey khi ấy mới 25 tuổi đã dẫn một toán lính Mỹ choai choai gồm 7 người lầm lũi tiến về làng trong đêm. Bob Kerrey đi ở vị trí thứ ba, trên người khoác một khẩu súng trường M16.

Trước đó, thông tin của tình báo Mỹ cho biết Thạnh Phong đã bị Việt Cộng kiểm soát. Toán của Kerrey di chuyển vào địa phận này để tìm diệt Việt Cộng. Khu vực Thạnh Phong nằm trong địa phận Thanh Phú, lúc ấy, được liệt vào loại “Free fire zone”, tạm dịch là “Khu tự do hoả lực”, nghĩa là lính Mỹ được quyền tấn công bất kỳ mục tiêu khả nghi nào kể cả người thường và dân làng mà không cần lệnh của thượng cấp.

Người dân trong các “Khu tự do hoả lực” đã được chính quyền Sài Gòn yêu cầu di dời vào các khu định cư tập trung thường được biết đến với cái tên “Ấp chiến lược”. Tất cả những người không di dời được mặc định là Việt Cộng hoặc nhẹ thì cũng có cảm tình với Việt Cộng. Nhiều người đã di dời và Thạnh Phong lúc đó chỉ còn là một làng nhỏ trên dưới trăm người chia thành vài cụm nhỏ, mỗi cụm bốn năm mái nhà. Điều này không đồng nghĩa với việc họ là Việt Cộng, nhiều người dân đã sống trên mảnh đất của họ nhiều thế hệ và không muốn dời đi.

Tất cả những gì diễn ra tiếp đó không nên được tiếp tục kể nữa vì nó khơi lại nỗi đau chiến tranh của cả hai dân tộc. Bob Kerrey khẳng định đã không trực tiếp cầm dao hay súng để bắn hay giết bất cứ ai, nhưng cũng đã chỉ đạo và/hoặc ít nhất tiếp tay để 7 người còn lại thực hiện một cuộc thảm sát. Sau khi giết một ông già đầu tiên, họ đã giết tất cả những người còn lại, gồm ít nhất 13 phụ nữ và trẻ em vô tội, gần như chỉ để bịt đầu mối, để cho những gì mà họ đã trót làm biến mất mãi trong ký ức của loài người.

Ống cống ở Thạnh Phong, nơi ba em nhỏ tuổi từ 6 đến 10 trú ẩn nhưng đã bị lính Mỹ tìm ra và sát hại. Ống cống này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP Hồ Chí Minh)

Nhưng ký ức ấy lại không thể mất đi trong tâm trí của họ. Ngược lại, nó ám ảnh tất cả những cậu lính tuổi đôi mươi đó, mãi mãi. Klann, người dũng cảm nhất đứng ra kể toàn bộ câu chuyện cho New York Times, cố gắng lắm cũng không ngăn nổi nước mắt chảy ròng và nói: “Tôi không thể vứt nó ra khỏi tâm trí. Tôi sẽ làm lại nếu tôi có thể, tất cả chúng tôi sẽ làm lại”.

Bob Kerrey đã không phủ nhận nhưng chưa bao giờ dám kể lại rành mạch câu chuyện như Klann. Ông nói rằng những ký ức của mình về đêm ấy “bị phủ mờ bởi màn sương của bóng tối, tuổi tác và tham vọng”. Nhưng Kerrey dường như đã không thể quên đêm ấy được, đêm thảm khốc tới nỗi khiến nhiều tháng sau đó, Bob Kerrey vẫn không thể chợp mắt đủ dài để gọi là giấc ngủ. Những giấc ngủ ngắn nếu có bị phủ đầy bởi những cơn ác mộng. Cuối cùng, những đêm không ngủ ấy cũng qua đi nhưng những cơn ác mộng thì vẫn ở đó.

Một trong những cơn mộng thường xuyên trở lại nhất là về một người chú bác của Kerrey đã mất tích trong Thế chiến II. “Ông ấy đã cảnh báo tôi rằng sự nguy hiểm lớn nhất của chiến tranh không phải là việc bị mất mạng mà là việc đi lấy mạng của người khác, rằng tội ác của con người như một con dốc trơn tuột,” Kerrey kể lại.

Cậu trai Bob Kerrey mới 25 tuổi đã trôi xuống con dốc tội ác ấy vào đêm ngày 25 tháng 2 ở Thạnh Phong. Suốt quãng đời còn lại, Kerrey vẫn không thể trèo lên nổi đỉnh dốc một lần nữa. Đây là những gì mà Bob Kerrey đã chia sẻ với New York Times: “Còn hơn nhiều cảm giác tội lỗi. Đó là nỗi nhục nhã. Bạn không bao giờ, không bao giờ thoát khỏi cảm giác đó. Nó phủ bóng đêm lên những ngày sống của bạn. Tôi đã nghĩ rằng chết cho đất nước cũng là một điều chẳng tốt đẹp gì lắm nếu nó xảy ra với chính bản thân bạn, nhưng tôi nghĩ điều đó cũng chưa là gì, giết người khác vì đất nước của bạn còn tồi tệ hơn nhiều. Bởi rồi cái ký ức đó sẽ ám ảnh bạn mãi.”

Chỉ sau đêm khủng khiếp ấy chưa đầy 3 tuần, ngày 14 tháng 3 năm 1969, một quả lựu đạn nổ ngay dưới chân Kerrey trong một cuộc giao chiến với Việt Cộng ở đảo Hon Tam, Vịnh Cam Ranh. Người ta đưa thẳng Kerrey tới một bệnh viện ở Nha Trang bằng trực thăng, rồi đưa về Philadelphia phẫu thuật. Kerrey tỉnh lại sau cơn phẫu thuật và thấy cha mẹ mình đang đứng đầu giường, nhưng toàn bộ phần chân phải dưới đầu gối của cậu thì không thấy đâu nữa.

Bob Kerrey đã trở thành cậu thanh niên khuyết tật, về thể xác theo nghĩa đen và về tinh thần theo nghĩa bóng. Sự dằn vặt tội lỗi đã khiến Kerrey không thể giấu mãi câu chuyện. Bob đã kể về đêm thảm sát ấy cho một số người, trong đó có mẹ và người vợ đầu của cậu. Bà mẹ đã ôm lấy con trai và khóc. Bà cố gắng an ủi Kerrey rằng mọi thứ rồi sẽ ổn cả nhưng không bao giờ là như thế. Đây là những gì Kerrey trả lời mẹ: “Con không bao giờ là con của ngày trước nữa rồi. Không lo lắng, không ác mộng, không tổn thương, không hối tiếc và hối hận, cảm giác ở trong nhà thờ như Chúa đang nhìn xuống ấm áp như thể con là sinh vật đặc biệt nhất hành tinh. Đó là những cảm giác của ngày trước còn giờ đây không còn bao giờ là như thế mẹ à.”

Kerrey sau đó đã mất tinh thần, giận dữ và hoang mang. Khi nhận được tin được trao Huân chương danh dự vì thành tích trong chiến tranh, Kerrey đã không muốn nhận. Cậu cảm thấy như con rối trong tay Tổng thống Nixon. Dù sau này đã nhận để làm vừa lòng những quân nhân khác, Kerrey đã tham gia vào phong trào phản chiến mạnh mẽ yêu cầu Hoa Kỳ rút hết quân đội khỏi miền Nam Việt Nam.

Bob Kerrey nhận huân chương danh dự từ Tổng thống Nixon

Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần từ những ký ức mà Kerrey gọi là “những kinh nghiệm kinh khiếp”, Kerrey lấy vợ và có hai đứa con. Ông học thêm ở Carlifornia và định cư ở Nebraska, kinh doanh nhà hàng, mở một Câu lạc bộ sức khoẻ. Trở thành một người khá giả trong kinh doanh, năm 1982, Kerrey bất ngờ tham gia chính trị với tư cách ứng cử viên Thống đốc bang Nebraska. Ông thắng cử và chỉ làm duy nhất một nhiệm kỳ mặc dù lúc đó tỉ lệ ủng hộ vẫn trên 70%.

Kerrey rời ghế Thống đốc Nebraska vào năm 1985 và quay về California hỗ trợ cho Walter Cabbs, người đang đứng lớp về chiến tranh Việt Nam tại Đại học California ở Santa Barbara. Kerrey đã giảng một đoạn về chiến tranh Việt Nam như thế này khi đứng lớp tại đây: “Trong trang trại, có một hành động mà không ai muốn làm. Vâng, dù đôi khi nó cũng cần thiết. Khi một con mèo sinh nhiều con mèo con tới mức không cần thiết, người ta giết một số mèo con. Rồi có lúc khi bạn phải dìm một con mèo con xuống nước trong khi bạn biết rằng nếu bạn nhấc chúng lên một chút thôi khỏi mặt nước thì chúng sẽ sống. Và nếu bạn không nhấc chúng lên trong khoảnh khắc đó thì con mèo con sẽ chết. Với tôi, ẩn dụ đó là hoàn hảo để mô tả những khoảnh khắc đáng sợ trong chiến tranh, khi bạn đã không làm những gì trước đó bạn nghĩ sẽ nên làm.

Bob Kerrey đã không làm điều Kerrey nên làm trong một khoảnh khắc thôi, khoảnh khắc trong đêm ngày 25 tháng 2 năm 1969 ấy. Vì thế mà “những con mèo con đã chết”, để rồi trong suốt gần nửa thế kỷ qua, Kerrey đã phải chịu những cơn ác mộng không thể nguôi ngoai.

Ông làm thơ và vẽ tranh bằng màu nước, nhưng ngay cả trên bức tranh màu nước của mình, ông cũng viết bằng bút đen câu thơ của Emily Dickinson: “Hối hận là đánh thức Ký ức”

 

Lê Duy

Theo Tạp chí Phương Đông

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN