Từ trước tới nay, khi nói tới cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, ta thường đề cập đến các hoạt động quân sự hay các trận đánh. Tuy nhiên, song song với hành động vũ trang, Mỹ còn sử dụng lực lượng gián điệp và biệt kích để tiến hành một cuộc chiến tranh bí mật chống lại miền Bắc Việt Nam. Tạp chí Phương Đông trích đăng một số chương trong cuốn sách “Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam” (Gián điệp và Biệt kích: Mỹ thua trong cuộc chiến bí mật ở miền Bắc Việt Nam như thế nào) của các tác giả Kenneth Conboy và Dale Andradé, NXB Đại học Kansas ấn hành năm 2000, để bạn đọc tham khảo.
KỲ 2: GIÁN ĐIỆP HOẠT ĐỘNG ĐỘC LẬP (TIẾP)
Trong lúc các khâu chuẩn bị này đang diễn ra, ở Bắc Việt Nam đang dần xuất hiện một thái độ ngờ vực. Ít nhất có hai lý do để Hà Nội lo ngại. Thứ nhất, thời gian đó các cán bộ an ninh của Bắc Việt đang bận rộn với việc phải phanh phui các ổ nhóm gián điệp nằm vùng và rõ ràng là họ vẫn lo ngại rằng vẫn còn những ổ nhóm đang ẩn náu. Thứ hai, Hà Nội đã biết về việc thành lập Liên đoàn Quan sát Số 1 và họ cho rằng nhiệm vụ thực sự của đơn vị này là đưa chiến sự ra Miền Bắc. Vào năm 1958, đã có hai thông báo nội bộ cảnh báo về vấn đề này.
Đến năm 1959, các nhà đương cục Bắc Việt Nam đã trở nên lo lắng hơn. Ngày 3 tháng Ba, một đơn vị pháo phòng không ven biển ở tỉnh Thanh Hóa báo cáo phát hiện một máy bay C-47 “trên đó có những tên lính tay sai” đã vi phạm không phận Bắc Việt Nam. Sau vụ thâm nhập không có bằng chứng này, Hà Nội đã thành lập ba trung đoàn phòng không mới có ra-đa điều khiển, ngoài bảy trung đoàn đã sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, ngày 22 tháng Chín, Bắc Việt Nam cũng ban bố chỉ thị, kêu gọi các đơn vị bảo vệ biên giới phải tiến hành lục soát, sau khi phát hiện có máy bay nước ngoài bay trên khu vực đó. Dựa vào thực tế là không có điệp viên nào đã thâm nhập vào miền Bắc bằng đường không, những nỗ lực này của Hà Nội cho thấy mặc dù họ biết có điều gì đó đang diễn ra, nhưng tất cả chỉ là phỏng đoán.
Bắc Việt Nam cũng rất e ngại khu phi quân sự. Họ tuyên bố đã bắt được hai mươi gián điệp của Miền Nam thâm nhập ra Miền Bắc trong năm 1959, song không hề có một gián điệp nào được đưa ra làm bằng chứng. Nếu quả thực có người bị bắt, chắc hẳn đó là dân buôn lậu chứ không phải gián điệp.
Dù không có bằng chứng, Hà Nội ngày càng tin rằng các hoạt động bí mật của Sài Gòn đang trở thành mối đe dọa lớn. Do vậy, tháng Hai năm 1960, đã có một chỉ thị nêu lên các mối đe dọa do lực lượng phản cách mạng gây ra, được xác định cụ thể là gián điệp của Mỹ và chính quyền Nam Việt Nam. Sau khi chỉ thị được đưa ra, có tin nói là có tới 1.993 phần tử nghi là phản động đã bị thẩm vấn.
Phòng 45 tiếp tục chuẩn bị cho chuyến đi của Chuyên. Tuy nhiên, trước khi anh ta được cài ra miền Bắc, Phòng này đã quyết định tiến hành một vụ đưa một điệp viên ngắn hạn vượt khu phi quân sự. Điệp viên trong phi vụ này là một tín đồ Thiên Chúa, quê ở Hà Tĩnh, tên là Vũ Công Hồng. Anh ta đã được huấn luyện nghiệp vụ trong một thời gian ngắn, sau đó được đưa đến một địa điểm an toàn là một ngôi nhà trong thành phố Huế.
Cùng đến ngôi nhà trên với Hồng còn có hai sĩ quan trung úy thuộc Văn phòng Liên lạc Phủ Tổng thống, Phạm Văn Minh và Trần Bá Tuân, đều đã tốt nghiệp khóa huấn luyện ở Saipan. Giờ đây, họ được gọi là Michel và Brad và cả hai cùng làm việc với đặc vụ CIA David Zogbaum, người đã góp phần phát giác các hoạt động bịp bợm của Bác sĩ Tuyến. Theo tiền lệ của các hoạt động trên biển với mật danh PACIFIC do Regan và Francois thực hiện ở Đà Nẵng, David Zogbaum và các cộng sự của anh ta ở Huế đã đặt mật danh cho phi vụ thâm nhập này là ATLANTIC.
Không giống khu phi quân sự trơ trụi, không người sinh sống trong những năm sau, khu phi quân sự vào năm 1960 là một dải đất đồi và rừng bình yên, với chiều rộng năm mươi cây số từ Vịnh Bắc Bộ tới biên giới với Lào. Phía nam khu phi quân sự là Sông Bến Hải, một hàng rào tự nhiên. Thượng nguồn chỉ là những dòng suối nhỏ, chảy róc rách dọc theo các vùng đồi núi ở cực tây, nhưng khi đổ ra biển, con sông này đã rộng hơn, trở thành một rào cản rộng lớn.
Vào phút chót, Hồng lại để lộ ra rằng anh ta không biết bơi. Không còn thời gian học, Brad lập tức đưa anh ta tới sông Hương, phía ngoại ô của Huế, dạy anh ta cách bơi thực tiễn nhất, khoác một chiếc săm ô tô vào cổ làm phao và sử dụng hai tay để chèo. Hài lòng vì có thể bơi được một quãng ngắn, Hồng, giờ đây có mật danh là Hirondelle, được tuyên bố đã sẵn sàng cho nhiệm vụ vào tháng Mười hai năm đó.
Thiếu tá Trần Khắc Kính, Phó Chỉ huy của Văn phòng Liên lạc Phủ Tổng thống, đã đi cùng vụ xâm nhập đầu tiên này và nhớ lại: “Chúng tôi tiến xuống bờ sông vào giữa đêm và theo dõi anh ta từ từ bơi sang bờ bên kia. Sau đó, chúng tôi nghe thấy một âm thanh rõ ràng giữa bầu không khí yên tĩnh ở phía bờ bên kia: đó là không khí thoát ra từ chiếc săm ô tô, khi điệp viên của chúng tôi dùng một lưỡi dao lam cắt nó. Hirondelle giấu chiếc săm đó và sau đó biến vào bóng đêm”.
Vài tuần sau, Chuyên xuất hiện lại ở miền Nam. Tuy chỉ có thể cung cấp những thông tin chung chung về đi lại và những biện pháp kiểm soát an ninh ở Miền Bắc, việc anh ta trở về thành công đã tăng thêm lòng tin của Phòng 45, một cơ quan còn non trẻ.
Hai tháng sau phi vụ của Hirondelle, Chuyên tái xuất sau khóa huấn luyện đáng bằng một năm học. Anh ta cần đến tất cả các kỹ năng đã học được. Không giống trường hợp của Hirondelle chỉ vượt qua khu phi quân sự trong một phi vụ ngắn, nhiệm vụ của Chuyên là vừa thu thập thông tin, vừa tiến hành tuyển mộ điệp viên mới trong những năm sau. Để ngụy trang, anh ta làm nghề đánh cá ở gần Cẩm Phả, một thị trấn gần Vịnh Hạ Long. Bởi đây là quê của anh ta trước năm 1958, có ý kiến lo ngại rằng sự trở lại đột ngột của Chuyên có thể làm cho người ta nghi ngờ. Tuy nhiên, những lo lắng đó đã bị gạt đi vì một người em và họ hàng của anh ta vẫn sống ở khu vực đó và rất có thể sau này, họ sẽ được tuyển mộ, trở thành đồng lõa tự nguyện của Chuyên.
Anh ta đã diễn đi, diễn lại nhiều lần vỏ bọc mới và giờ đây Chuyên đã sẵn sàng. Với mật danh Ares, vào đầu tháng Tư năm 1961, anh ta lên một chiếc thuyền gắn máy có tên Nautilus I, rời Đà Nẵng trong chuyến đi kéo dài hai ngày về phía Bắc. Bỗng nhiên thời tiết trở nên xấu và Nautilus I phải quay trở lại cảng xuất phát. Vài ngày sau, trời quang, mây tạnh và phi vụ lại được tiếp tục. Francois và Regan ra tận bến cảng để tạm biệt điệp viên của mình. Francois nhớ lại: “Chúng tôi đã chúc anh ta thành công”. Điều đáng chú ý là Ares đã không trả lời.
Trời trong xanh, sóng biển êm, Nautilus I đã tiến sát bờ biển tỉnh Quảng Ninh. Thận trọng tránh bị phát hiện, chiếc thuyền lặng lẽ đi về phía Vịnh Hạ Long. Rải rác trên vịnh, có những núi đá vôi đứng sừng sững mà theo truyền thuyết, chúng đã được tạo ra khi một con rồng phun ngọc xuống. Đem lại cho Vịnh Hạ Long một vẻ đẹp như tranh thủy mặc của Trung Quốc, núi đá vôi hiểm trở còn che chắn cho Ares chèo vào bờ trên một chiếc thuyền nan nhỏ. Lên bờ ở một địa điểm gần Cẩm Phả, anh ta tháo hai chiếc điện đài liên lạc tầm xa và các thiết bị khác, kéo chiếc thuyền nhỏ vào một khe nước và bắt đầu chôn giấu điện đài vào một cái hố ở gần đó.
Rời khỏi bờ biển, Ares bắt đầu tìm chỗ trú ngụ. Công việc đầu tiên anh ta cần phải làm là tuyển mộ một trợ lý, người có thể giúp anh ta quay máy phát khi sử dụng điện đài. Phòng 45 đã tính đến việc này và không trông chờ sẽ có liên lạc điện đài trong vài tuần, thậm chí vài tháng.
Không bị ai nhìn thấy, điệp viên này lẻn về làng mình và đi thẳng về nhà mẹ đẻ. Gặp lại gia đình, anh ta liền thuyết phục em trai mình, Phạm Độ, làm việc cùng. Em trai anh ta đã miễn cưỡng đồng ý, vì thế Ares đào điện đài đã chôn cất lên và giấu dưới nền nhà bằng đất, bên trên phủ một chiếc chiếu làm bằng nan tre.
Trong khi phi vụ đưa Ares thâm nhập Miền Bắc có vẻ hoàn hảo, không dấu vết gì, nhưng chỉ có một chi tiết bị bỏ qua đã gây bất lợi cho anh ta. Ngày 9 tháng Tư, một số người đánh cá đã phát hiện chiếc thuyền nan nhỏ còn nguyên vẹn của anh ta trong một khe nước. Sau khi những ngư dân này báo cáo nhà đương cục những nghi vấn về chiếc thuyền, các đội tuần tra có vũ trang đã rà soát toàn bộ cộng đồng đánh cá ở địa phương. Sau khi xác định rõ chiếc thuyền này không thuộc về bất cứ người nào ở địa phương, công việc truy tìm được mở ra đến tận bờ biển. Lập tức sau đó, công an đã tìm thấy hố chôn cất điện đài.
Nghi ngờ có gián điệp thâm nhập, Giám đốc Công an Quảng Ninh đã lên kế hoạch lục soát từng nhà dọc theo bờ biển, đặc biệt chú ý đến những gia đình có người thân đang sống ở miền Nam hoặc những người có mối quan hệ với chính quyền thực dân trước đây.
Không biết công an đang giăng lưới, Ares đã dành phần lớn thời gian trốn trong một khu rừng cạnh nhà. Một trong các điện đài đã được đưa vào rừng và trong khi em trai anh ta phụ trách việc quay máy phát điện, Chuyên đã gửi bức điện đầu tiên vào Nam. Để tránh nhiễu tín hiệu, sóng được truyền đi từ bờ biển Bắc Việt Nam qua Biển Đông tới BUGS, mật danh căn cứ điện đài của CIA ở Philippines. Từ đó, bức điện lại được chuyển tiếp tới văn phòng CIA tại Sài Gòn. Khi bức điện tới nơi, Robert Kennedy, một sĩ quan được cử tham gia vào nhóm của Miller đã bước vội vào Phòng 45, vừa vẫy bức điện vừa reo lên: “Thắng lợi rồi! Thành công rồi!” trước sự bất ngờ của những người đồng hương.
Thực hiện được phiên liên lạc điện đài đầu tiên, Ares mang lại một tinh thần phấn khởi cho các đặc vụ Mỹ và nam Việt Nam ở Sài Gòn. Thậm chí, một bản sao bức điện đã được trình lên Tổng thống Diệm. Nhưng tiếp theo sau hai mươi hai bức điện được gửi nhanh, cái kết cũng nhanh chóng đến gần. Ở tỉnh Quảng Ninh, cán bộ phản gián của Bắc Việt Nam theo dõi các sóng trên không và thu được một số bức điện mã hóa. Đồng thời, một người cao tuổi đã mật báo cho công an về việc có một người lạ mặt sống trong mội ngôi nhà sát bờ biển và thường cố che mặt mỗi khi gặp ông. Ông thậm chí còn chỉ ra rằng, có một người sống trong cùng ngôi nhà đó thường khoe một chiếc bút bi mới, một sản phẩm rất hiếm thấy ở miền Bắc lúc đó.
Với những thông tin mách bảo này, Công an bắt đầu tập trung theo dõi gia đình họ Phạm. Ngày 11 tháng Sáu, nhà chức trách bắt Phạm Độ trong khi anh ta đang trên đường đi tới khu rừng, mang đồ tiếp tế cho anh trai. Sáu ngày sau, Ares cũng bị bắt giữ. Cuộc khám xét ngôi nhà sau đó đã phát hiện điện đài được chôn dưới đất trên phủ manh chiếu và mật mã được đặt trong một thúng thóc.
Hà Nội có hai lựa chọn. Họ có thể thông báo việc bắt được gián điệp, công khai đưa ra xét xử và sử dụng sự kiện này cho mục đích tuyên truyền như họ đã từng làm với vụ xử các điệp viên của Đại Việt. Hoặc họ có thể sử dụng Ares làm gián điệp “hai mang”, lôi kéo, mua chuộc hoặc ép anh ta phải tiếp tục liên lạc bình thường bằng điện đài với Sài Gòn. Bằng cách đó, an ninh Bắc Việt Nam có thể có thêm hiểu biết về những hoạt động xâm nhập mới phát triển của Nam Việt Nam và thậm chí có thể sử dụng Ares để cung cấp thông tin sai lệch nhằm đánh lạc hướng Nam Việt Nam.
Hà Nội đã lựa chọn biện pháp thứ hai. Vào lúc 9 giờ ngày 8 tháng Tám, điện đài RS-1 của điệp viên này tiếp tục hoạt động trở lại. Như vậy, có một khoảng yên lặng trong gần hai tháng, nhưng Ares – bên cạnh là các cán bộ an ninh của Bắc Việt Nam – đã chuẩn bị sẵn lời giải thích cho sự việc này. Anh ta thông báo qua tín hiệu Morse rằng mẹ và em gái anh ta bị bắt vì trốn đóng thuế nông nghiệp, và do hoảng sợ, anh ta đã chạy trốn lên Hà Nội một thời gian ngắn.
Với những người ở Sài Gòn, lời giải thích này nghe có vẻ hợp lý. Họ cũng nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của anh ta, gửi thêm đồ tiếp tế và đồng ý cho thuyền Nautilus I quay trở lại Vịnh Hạ Long. Ares đã được thông báo về khoảng thời gian và địa điểm dự kiến mà đồ tiếp tế sẽ được đóng gói chuyển tới. Con thuyền gỗ này rời Đà Nẵng ngày 12 tháng Một năm 1962 và tới Hạ Long mà không xảy ra sự cố nào. Sau đó, liên lạc điện đài của con thuyền bỗng nhiên chấm dứt một cách đầy bí ẩn.
Tất nhiên, Phòng 45 rất lo lắng khi chiếc thuyền duy nhất của họ cùng thủy thủ đoàn biến mất. Tuy một số người tỏ ra nghi ngờ Ares, nhưng những người phụ trách anh ta lại thiên về ý kiến cho rằng khi tiến vào bờ, thuyền có nhiều khả năng bị một tàu tuần tra của Bắc Việt tấn công và phá hủy.
Mất một chiếc thuyền, trong khi Ares vẫn điện xin thêm tiếp tế, Phòng 45 đã giao cho ngư dân người Nùng ở Vũng Tàu đóng một chiếc thuyền khác. Thuyền này được đặt tên là Nautilus 2. Vào tháng Tư, chiếc thuyền đã hoàn thành. Trong khi đó, thủy thủ đoàn thứ hai được tuyển mộ từ dân tỵ nạn miền Bắc cũng được gấp rút huấn luyện tại Đà Nẵng.
Ngày 11 tháng Tư, thuyền Nautilus 2 rời cảng đi về phía Vịnh Hạ Long. Trong khi CIA vẫn tin rằng Ares vẫn kiên định, không thỏa hiệp, nhưng để cẩn thận, cơ quan này đã không báo cho Ares biết thời gian và địa điểm của chuyến hàng tiếp tế mới. Hai ngày sau, thuyền tới và đậu ở ngoài khơi Quảng Ninh. 6 trong số 14 thủy thủ trên thuyền được chuyển xuống một chiếc xuồng cao su cùng với bảy thùng sắt và hai mươi ba thùng giấy được quấn ni lông. “Chúng tôi chèo xuồng tới một hòn đảo nhỏ nằm giữa Vịnh Hạ Long”, một trong các thủy thủ đi trên thuyền nhớ lại. “Không ai nhìn thấy chúng tôi và chúng tôi đã dỡ tất cả số hàng tiếp tế xuống, ngụy trang bằng các tảng đá và cành cây”.
Sau khi thuyền Nautilus 2 an toàn trở về Đà Nẵng, Phòng 45 đã tổ chức ăn mừng. Francois hồi tưởng: “Chuyến tiếp tế thứ nhất cho Ares thành công là một sự kiện đáng nhớ không kém gì việc đưa Ares thâm nhập miền Bắc”. Ngày 2 tháng Năm, một bức điện đã được gửi cho Ares, thông báo cho anh ta biết vị trí của các thùng hàng tiếp tế. Không lâu sau, trong điện trả lời, anh ta cho biết đã nhận được đầy đủ các thùng hàng tiếp tế, trong đó có cả một máy quay phim cỡ 35mm.
Dù thành công với điệp viên Ares, nhưng lịch sử cài cắm điệp viên đơn tuyến ra Bắc của Sài Gòn không có gì mỹ mãn. Tháng Chín năm 1961, điệp viên thứ ba có mật danh là Hero đã được thuyền gỗ chở vào bờ biển Bắc Việt Nam, với ý định bắt liên lạc với gia đình. Nhưng anh ta đã thất bại và lập tức được rút về. Cũng trong tháng đó, điệp viên hoạt động độc lập Hirondelle cũng được thuyền chở vào bờ biển Hà Tĩnh. Anh ta lập tức biến mất.
Trong năm 1962, danh sách các điệp viên hoạt động độc lập bị mất tích ngày càng dài thêm. Tháng Năm năm đó, điệp viên tên là Triton được thuyền chở vào bờ biển Hà Tĩnh cũng biến mất không để lại dấu vết gì. Cuối tháng đó, một điệp viên có mật danh Athena cũng được đưa đến tỉnh này. Tên thật là Đặng Chí Bình, điệp viên này cải trang thành sinh viên và đã lên được xe buýt để đi vào thành phố Vinh. Màn kịch này không kéo dài được lâu, anh ta nhanh chóng bị công an để ý. Khi lên xe buýt để ra Hà Nội, anh ta thấy có hai người đang bám đuôi rất chặt. Câu chuyện chấm dứt vài ngày sau, khi anh ta trên đường đến dự lễ nhà thờ ngày chủ nhật. Sau này Bình nhớ lại: “Tôi thấy ở phía xa có hai công an nom rất quen tiến lại. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch. Họ là những những người đã bám theo tôi tới tận Chùa Láng”. Lần đầu tiên, họ mặc thường phục, lần này họ mặc đồng phục. Bình hiểu rằng mình đã gặp rắc rối. Một trong hai người yêu cầu Bình xuất trình giấy tờ. “Tôi yên lặng, đưa cho họ xem giấy chứng minh thư”, Bình nói. “Anh ta xem giấy tờ và nói giấy tờ này không đúng và đề nghị tôi đi theo họ về đồn Công an”.
Dù liên tiếp thất bại, CIA vẫn quyết thực hiện chương trình cài cắm gián điệp hoạt động độc lập. Mùa xuân năm 1962, các hoạt động này có bước chuyển. Ed Regan đưa ra ý tưởng:
“[Sau âm mưu đảo chính vào tháng Mười một năm 1960], với tôi điều cần thiết về mặt chính trị là trở về Washington một thời gian ngắn. Trong thời gian ở đó, tôi đã lục tìm các tài liệu liên quan đến hoạt động của Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Bắc Việt Nam, trước khi cộng sản tiếp quản vào năm 1954. Tôi dần chú ý hơn đến khả năng còn tồn tại một số cơ sở chống cộng ở Miền Bắc. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng đưa người của Đại Việt và Quốc Dân Đảng thâm nhập để xây dựng lại quan hệ với các thành viên của hai đảng này còn đang hoạt động và để xem liệu bằng cách này, có cơ hội để thu thập thông tin tình báo về Bắc Việt Nam hay không”.
Có hai kế hoạch được xây dựng. Kế hoạch thứ nhất là đưa một điệp viên đơn lẻ vào để lấy lại các điện đài của Việt Nam Quốc dân Đảng được chôn giấu ở Hải Phòng từ năm 1955. Nhằm thực hiện việc đó, một sĩ quan của CIA là Robert Kennedy đã phát hiện Bùi Văn Ninh, một cựu đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng, người đã chôn giấu hai điện đài ở Hải Phòng trước khi chạy vào Nam vào năm 1955. Kennedy đã yêu cầu Ninh kể lại chi tiết địa điểm chôn giấu hai điện đài và giúp anh ta tìm điệp viên có thể ra Bắc để thu hồi các điện đài này.
Ninh chỉ cho Kennedy đến gặp Nguyễn Văn Hồng, một người bạn thân, quê miền Bắc. Hồng lập tức thôi không làm thợ mộc để bắt đầu tham gia một khóa huấn luyện điệp viên. Được đặt mật danh Nestor, ngày 6 tháng Sáu, anh ta rời Đà Nẵng trên một chiếc thuyền. Xâm nhập vào Quảng Bình, anh ta đã tìm đường ra Hà Nội để gặp gia đình, sau đó tìm cách lấy điện đài ở Hải Phòng. Dùng giấy tờ giả, Nestor đi ô tô ra Hà Nội. Anh ta đã gửi Phòng 45 bảy tấm bưu thiếp với các bức điện bí mật được ghi trong đó, song những bức điện trên đã không bao giờ tới được miền Nam. Nestor đến nhà bố mẹ đẻ của mình. Ở đó được đúng một ngày, cả gia đình anh ta rất lo sợ và thuyết phục Nestor ra đầu thú.
Một kế hoạch chi tiết hơn liên quan đến Đại Việt cũng được ấp ủ. Lou Conein, một điệp viên trong Phái đoàn Quân sự Sài Gòn, người đã giúp cài cắm điệp viên nằm vùng ngay sau khi Việt Nam chia làm hai miền, đã quay trở lại Sài Gòn năm 1960 với nhiệm kỳ công tác thứ hai tại CIA. Dùng Conein làm trung gian, các thành viên cao cấp của Đại Việt được yêu cầu giúp đỡ. Một điều dễ hiểu là những thành viên Đại Việt này tỏ ra thận trọng về việc hợp tác với chế độ của Tổng thống Diệm để tiến hành thêm các hoạt động bí mật. Ed Regan cũng lo ngại như họ: “Nhớ rằng chức năng của Văn phòng Liên lạc Phủ Tổng thống liên quan đến an ninh nội địa, vì vậy việc cho các thành viên Đại Việt hoạt động công khai là mối nguy lớn. Luôn có nguy cơ rằng [Văn phòng này] đồng ý thực hiện kế hoạch đó chỉ nhằm tìm cách nắm được các hoạt động của Đại Việt ở Nam Việt Nam, hơn là thực sự muốn tiến hành các hoạt động ở Bắc Việt Nam. Cả Conein và tôi luôn nhấn mạnh điểm này trong cơ quan của mình”.
Tuy có nguy hiểm, nhưng Đại Việt vẫn đồng ý với một điều kiện. Họ yêu cầu phi vụ đó phải hoàn toàn do người của họ thực hiện. Sài Gòn đồng ý và một đội, mật danh Thera, đã được huấn luyện và triển khai ra Đà Nẵng chuẩn bị thâm nhập bằng đường biển. Nhưng trước khi nhóm này lên đường, đã xuất hiện một số vấn đề. Không thực hiện lời cam kết trước đó, Văn phòng Liên lạc Phủ Tổng thống đã đòi phải cho hai điệp viên của họ tham gia nhóm này để kiểm soát thông tin. Cho rằng hành động đó là bội phản thỏa thuận trước đây, Đại Việt liền tự mình quyết định vấn đề: cả hai nhân viên điện đài chẳng bao lâu sau được phát hiện bị giết chết tại ngôi nhà an toàn của họ. Người đứng đầu nhóm này sau đó bị tống giam và nhóm Thera bị giải tán.
Đến năm 1963, ý tưởng đưa điệp viên đơn lẻ thâm nhập vào một xã hội khép kín như Bắc Việt Nam bằng đường biển để nằm vùng lâu dài đã mất uy danh rất nhiều. Ngoài Ares, có tất cả 4 gián điệp được đưa vào bằng đường biển đã bị mất tích hoặc có thể đã chết. Những phi vụ vượt khu phi quân sự cũng ngày càng trở nên nguy hiểm: trước tháng Chín năm 1961, Hirondelle đã năm lần thâm nhập không quá sâu vào khu phi quân sự nhưng vào tháng Hai năm 1963, một điệp viên với mật danh Wolf đã mất tích trong lần thâm nhập đầu tiên bằng đường bộ qua khu vực này.
Trong bối cảnh đó, Ares vẫn an toàn. Khoảng một trăm bức điện ngắn đã được gửi đi từ điện đài của anh ta ở Quảng Ninh. Với mạng lưới tình báo ít ỏi, việc có được những tin tức, dẫu chỉ là những quan sát chung chung về tình hình ở cảng Hải Phòng gần đó, cũng là điều tốt hơn so với những gì có thể có được từ Bắc Việt Nam. Thỉnh thoảng, Ares lại đi ra xa khỏi khu vực của anh ta đang ở, thí dụ đến Nhà máy điện Uông Bí, nằm ngoài thành phố Hải Phòng và báo cáo về những điều anh ta phát hiện.
Mùa hè năm 1963, Phòng 45 lên kế hoạch để chuyển tiếp một chuyến hàng tiếp tế nữa. Hy vọng chuyến này cũng thành công như chuyến năm trước, theo kế hoạch, sẽ có một chiếc thuyền đến Vịnh Hạ Long, sau đó dùng một thuyền cao su chuyển đồ tiếp tế lên một trong những hòn đảo đá vôi không có người, nằm trong vịnh. Ngày 11 tháng Tám, chiếc thuyền gỗ rời Đà Nẵng. Hai ngày sau, con thuyền đã đến gần Hạ Long. Sáu thủy thủ lên xuồng cao su, bơi vào bờ. Từ đó trở đi, không ai còn nhìn thấy họ nữa. Khi không thấy nhóm đổ bộ lên bờ quay lại, những thủy thủ còn lại trên thuyền vô cùng hoảng hốt. Điều họ lo ngại nhất đã được khẳng định, một con tàu của Bắc Việt Nam đang hướng về phía họ. Sử dụng hai khẩu súng máy gắn trên thuyền để chống trả, họ thoát khỏi làn đạn súng máy bắn vào mình và tăng tốc chạy về Đà Nẵng.
Nghi ngờ lại đổ lên đầu Ares. Nhưng cũng giống sự cố thứ nhất, Phòng 45 lại kết luận rằng tổn thất lần thứ hai này là do nguy cơ lớn khi tiến sát vào bờ biển Bắc Việt Nam. Để chứng minh lòng trung thành của mình, tháng Mười năm đó, Ares đã gửi lời chúc hoa mỹ mừng Diệm nhân Ngày Cộng hòa. Tháng sau, Diệm bị giết chết trong một cuộc đảo chính đẫm máu và Ares đã liên tiếp gửi điện chia buồn. Tin vào sự chân thành của anh ta, Sài Gòn đã điện thông báo cho biết anh ta đã được trao tặng Anh dũng Bội tinh (Cross of Gallantry).■
Dương Đoàn dịch
(Theo Tạp chí Phương Đông)