Hồ Chí Minh đã tận dụng lực lượng OSS của Mỹ tại Đông Dương để thúc đẩy cách mạng Việt Nam như thế nào?

Nhân dịp kỉ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta có dịp ôn lại những trang sử cách mạng của dân tộc, trong đó có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã có nhiều tài liệu, nghiên cứu trong và ngoài nước về chủ đề này (như các bài viết của David Marr). Lần này, Tạp chí Phương Đông xin lược dịch và giới thiệu tới bạn đọc bài viết của tác giả Bob Bergin về mối quan hệ giữa Bác Hồ và đại diện Hoa Kỳ cùng nhóm OSS (tiền thân của CIA) tại Trung Quốc, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Tình báo (Studies in Intelligence) năm 2018. Mong rằng các tài liệu khai thác được sẽ giúp bạn đọc hiểu được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng vai trò của OSS như thế nào trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Tác giả đã viết dựa trên quan điểm của tình báo Mỹ (Bob Bergin là cựu nhân viên ngoại giao Mỹ), có những câu từ thuộc về cách nhìn đối lập với cách mạng, nhưng vì tôn trọng tác giả và trung thực với bài viết, chúng tôi giữ nguyên lời văn để đảm bảo tính khách quan của sự kiện lịch sử hiếm có này.

[…]

Trong cuốn At the Dragon’s Gate (Trước cửa nhà rồng), Charles Fenn (sĩ quan OSS, người đã liên hệ với Hồ Chí Minh) viết: “Cả Tướng Wedemeyer (chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Trung Quốc) và Hải quân Mỹ gửi cho chúng tôi yêu cầu khẩn thiết phải có một mạng lưới tình báo hoạt động mới – cùng với dân bản xứ nếu cần!”, “Cái gì mà dân bản xứ” – Fenn cật vấn – “Không ai biết có tin nổi họ hay không”. Và Fenn nhớ lại: Ông từng nghe tới phi công người Mỹ tên Shaw, “người được đưa khỏi Đông Dương bởi một người An Nam tên là Hồ Chí Minh, người không nhận lại bất kì sự báo đáp nào, nhưng chỉ yêu cầu được gặp Tướng Chennault (đại diện quân Đồng Minh ở châu Á)”. Yêu cầu bị bác bỏ. Chính sách không cho phép sĩ quan Mỹ có cấp bậc liên lạc với người An Nam, để người Pháp khỏi phật lòng.

Thông qua một phóng viên tên Ravenholt, người từng viết bài về ông Hồ, Fenn biết được ông vẫn đang ở Côn Minh. Sở Thông tin Chiến Tranh Mỹ (OWI) ở Côn Minh cũng biết Hồ Chí Minh, và ông thường đến “để đọc tạp chí Time và các bài báo tin tức khác mà họ có ở đấy”. Ông Hồ bắt đầu đến thư viện OWI trong mùa hè 1944. Người Mỹ ở đấy rất ấn tượng bởi “Tiếng Anh của ông Hồ, trí tuệ của ông, và mối quan tâm hiển hiện về nỗ lực chiến tranh của quân Đồng Minh”, và OWI đã muốn cùng cộng tác trong công việc phát thanh tin tức chiến sự từ San Francisco tới Việt Nam. Nhưng sau đó, “báo cáo của OSS cho biết kế hoạch của OWI bị ngừng lại do sự phản đối của lãnh sự Pháp”. Fenn đã nhờ mối quan hệ ở OWI để sắp xếp gặp mặt Hồ Chí Minh. Cuộc gặp được ấn định vào buổi sáng hôm sau, 17/3/1945.

Hồ Chí Minh đến đúng giờ, đi theo có một người Việt Nam trẻ tuổi tên Phạm Văn Đồng. Ông Hồ được bảo là “già”, nhưng lại trông trẻ hơn Fenn tưởng: “Hồ Chí Minh khoảng hơn 50, nhưng gương mặt ông không nhiều nếp nhăn, bộ râu thưa và mái tóc mỏng chưa mấy ngả bạc”. Ông Hồ được đặt mật danh là “Lucius”, nhưng Fenn và những người Mỹ vẫn gọi ông là “Old Man Ho” (Ông Già Hồ), đơn giản bởi vì họ đều “trẻ hơn rất nhiều” so với ông.

Khi Hồ Chí Minh nói về Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, hay Việt Minh, Fenn nhớ rằng mình đã từng được bảo “Việt Minh” là một nhóm cộng sản. “Có người trong số chúng tôi là người cộng sản,” Hồ Chí Minh đáp “có người thì không. Người Trung Quốc và người Pháp gọi tất cả những người không chịu theo họ là cộng sản”. Fenn hỏi: “Ông có chống Pháp không?”. Hồ Chí Minh trả lời: “Chắc chắc là không. Nhưng đáng tiếc thay, là họ chống lại chúng tôi”.

Fenn hỏi liệu Hồ Chí Minh có sẵn sàng làm việc với người Mỹ, mang radio và máy phát điện vào Đông Dương, thu thập tin tình báo – và giải cứu những phi công Mỹ nếu có thể. Ông Hồ lưu ý rằng phải có một nhân viên điện truyền thanh đi theo, phía Việt Minh chưa có ai được đào tạo cho hoạt động này. Khi có vẻ Hồ Chí Minh sẵn sàng làm việc cùng với người Mỹ, Fenn hỏi đổi lại ông muốn gì.

“Sự công nhận của người Mỹ về tổ chức của chúng tôi”. Ông Hồ nói.

Fenn thoái thác, ông Hồ bèn nói: “Thuốc men và khí giới”.

“Tại sao lại là vũ khí?” Fenn hỏi; người Việt Nam đâu phải giao chiến với người Nhật.

Nhưng có khi phải thế, Hồ Chí Minh đáp. Ông Hồ đồng ý gặp Fenn lần nữa trong vòng hai ngày sau. Fenn vẫn cần sự cho phép của OSS để được làm việc với Hồ Chí Minh.

[…]

Việt Minh và đội “Con Nai”. Từ trái qua phải: René Defourneaux, Hồ Chí Minh, Allison K. Thomas, Võ Nguyên Giáp, Henry Prunier, Đàm Quang Trung, Nguyễn Quý, and Paul Hoagland. Ảnh:  National Archives and Records Administration

Sau buổi gặp đầu tiên với Hồ Chí Minh ngày 17/3/1944, Fenn đến gặp một các chuyên gia về Việt Nam, đồng nghiệp của ông ở GBT (nhóm tình báo dân sự sau được sát nhập vào OSS), Bernard và Tan. Bởi việc liên lạc với Hồ Chí Minh hiện tại dựa vào những người giao liên Việt Nam, một kĩ thuật viên radio phải được gửi đi cùng ông. GBT có một ứng viên, Mac Sin, một trong những kĩ thuật viên radio của họ, và Frankie Tan cũng sẽ theo cùng, “để tiến hành đào tạo và thu thập thông tin”. Cả hai đều là người thiểu số Trung Quốc và sẽ trà trộn được vào cư dân địa phương.

Fenn ấn định cuộc gặp thứ hai với Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng vào ngày 20 tháng 3, “tại quán Café Đông Dương ở phố Chin Pi”. Hồ Chí Minh nghi ngờ việc hai người Trung Quốc của GBT có thể trà trộn trong dân địa phương Việt Nam. Người Việt có mối nghi hoặc với tất cả người Trung Quốc, nhưng rồi ông vẫn đồng ý với cách sắp xếp như vậy. Ông Hồ cũng đề nghị rằng ông, hai thành viên GBT, và các thiết bị radio nên được bay đến vùng Ching Shi (?) ở biên giới Việt – Trung, cách Côn Minh 300 dặm về phía Đông – Nam. Như thế sẽ đỡ được kha khá thời gian. Từ đó họ sẽ đi bộ về căn cứ Việt Minh, mất hai tuần, 200 dặm, đi xuyên đêm qua phần lãnh thổ có người Nhật chiếm đóng, về tới làng Kim Long, tỉnh Thái Nguyên, phía đông bắc Hà Nội, nơi Hồ Chí Minh đặt căn cứ của mình. Phạm Văn Đồng sẽ ở lại Côn Minh làm liên lạc viên.

Fenn đồng ý điều máy bay như Hồ Chí Minh đề nghị. Ông nói với ông Hồ rằng ông đã “sắp xếp thuốc men và một vài thứ như radio, máy ảnh, thiết bị thời tiết, những thứ Mac Sin sẽ dùng để đào tạo người của ông sử dụng… Hiện giờ chúng ta phải tạm gác lại phần vũ khí. Có thể chúng tôi sẽ tiếp tế sau”.

“Thế còn việc gặp Chennault?” ông Hồ hỏi.

Tại sao Hồ Chí Minh cứ muốn gặp Chennault? Chennault là một trong những người phương Tây tôi ngưỡng mộ nhất, ông Hồ đáp, và tôi muốn trực tiếp nói với ông ấy điều đó. Cái đó nghe vô hại, dù Fenn ngờ rằng Hồ Chí Minh hẳn phải có vài mục đích chính trị nào đó trong đầu. Những cảnh báo không cho phép một người Mỹ có vai vế gặp mặt người An Nam vẫn còn, nhưng giờ có vẻ như Hồ Chí Minh “có thể là chìa khóa cho tương lai của tất cả chúng ta trong nhiệm vụ Đông Dương”. Fenn biết Channault từ những ngày Fenn còn là phóng viên. Ông có thể tự mình dàn xếp một cuộc gặp, không cần móc nối qua kênh nào, cũng không cần thông qua OSS.

Fenn đề ra hai điều kiện: Hồ Chí Minh không được đòi hỏi điều gì từ Chennault, và không được bàn đến chính trị. Ông Hồ đồng ý. Thế là Fenn “đến gặp Chennault với tư cách cá nhân và giải thích tầm quan trọng của việc cần vào hùa với ông già này, người không chỉ đã giải cứu một phi công mà còn có thể sẽ giải cứu nhiều phi công nữa nếu ta đạt được hợp tác với ông ta trong tương lai”.

Cuộc gặp diễn ra ngày 29 tháng 3, tại văn phòng của Chennault. Harry Bernand của GBT cũng đến theo dõi. Chennault cảm ơn Hồ Chí Minh vì đã giải cứu người phi công, và nói về việc ông Hồ có thể tiếp tục giúp đỡ người Mỹ như thế nào, và Hồ Chí Minh đáp rằng ông rất vui được làm vậy. Khi cuộc gặp sắp sửa đến hồi chia tay, Hồ Chí Minh nói với Chennault rằng ông muốn xin Chennault một ưu ái nhỏ.

Fenn “hít vào một hơi thật sâu”. Gương mặt Bernard thì như hiện lên dòng chữ “Đây rồi, các anh, liệu mà chuẩn bị tinh thần”.

“Tôi có thể xin một bức ảnh của ông không?” Hồ Chí Minh nói, và Fenn “gần như thở hắt ra vì nhẹ nhõm”. Chennault gọi thư ký mang vào “một xấp giấy tám trên mười phần bóng bẩy” và mời Hồ Chí Minh lựa chọn một tấm. Ông Hồ lựa một bức ảnh rồi hỏi liệu Chennault có thể ký lên nó được không. Chennault viết: “Thân ái, Claire L. Chennault”. Cuộc gặp thế là xong. Rõ ràng là nó làm hài lòng Hồ Chí Minh.

Những cuộc gặp tiếp theo của Fenn với Hồ Chí Minh diễn ra trong căn phòng ở trên một cửa hàng nến sáp ở Côn Minh mà ông Hồ ở chung với Phạm Văn Đồng. Tại đó Fenn giới thiệu tóm tắt cho ông về OSS và các yêu cầu tình báo, đặc biệt là về báo cáo thời tiết, “bởi không có chúng, máy bay của chúng tôi không thể cất cánh”. Trong một buổi trà, Hồ Chí Minh hỏi Fenn có thể cho ông sáu khẩu Colt.45 tự động còn nguyên bọc được không. “Không thành vấn đề” Fenn nói – “thở phào vì không bị đòi hỏi gì thêm”. Fenn đã lấy sáu khẩu súng lục 45 từ OSS.

Mấy ngày sau, Harry Bernard và Fenn lái xe đưa Hồ Chí Minh tới sân bay, “cùng với cái cặp tét nhỏ của ông ấy, một gói súng lục, và một vài cái bọc gói bằng giấy gạo… Mac Sin sẽ bay cùng ông Hồ, còn Tan thì bay trên chiếc L-5 thứ hai với máy phát điện, máy truyền thanh và nhiều dụng cụ nhỏ khác mà anh ta nhất quyết mang theo…”. “Điểm đến tiếp tới của họ là Chinh Hsis (?)… nơi ta vẫn còn một đường băng chưa rơi vào tay Nhật Bản”. Một bức điện sớm tới từ Tan cho biết tất cả đều đến nơi an toàn.

Radio liên lạc được hình thành với OSS ở Côn Minh, nhưng thi thoảng Hồ Chí Minh vẫn gửi thư cho Fenn thông qua liên lạc viên người Việt. Một trong những lá thư đầu tiên được chuyển tới qua một người đàn ông nói tiếng Pháp rất thạo, và kịp thời cho Fenn biết tình hình của Hồ Chí Minh: người liên lạc nói sau chuyến đi bộ đường trường về Việt Nam, ông Hồ đã tới căn cứ Pác Bó của mình trong tình trạng ốm mệt:

“Khi ông ấy khỏe lại, ông cho mời tất cả các lãnh đạo cấp cao đến một buổi họp, không chỉ có người của ông mà còn cả những đối thủ thuộc các nhóm khác, những người chực dùng sự vắng mặt của ông để vượt lên. Ông Hồ nói với họ rằng hiện tại ông đã đảm bảo được sự trợ giúp từ người Mỹ bao gồm cả Chennault. Thoạt tiên không ai tin lời ông. Song ông chìa ra bức ảnh có chữ kí của Chennault, “Thân ái”. Sau đó, ông lấy mấy khẩu súng lục tự động [chính là sáu khẩu 45 mà Fenn cho ông] và tặng mỗi vị lãnh đạo một khẩu làm quà. Những vị lãnh đạo ấy cho rằng chính cá nhân Chennault đã gửi tặng món quà này. Sau cuộc họp, không còn lời bàn ra tán vào về việc ai là lãnh đạo cao nhất nữa”.

Archimedes Patti – một nhân viên OSS kỳ cựu từ chiến dịch Italy – người vừa nhận chức Trưởng ban OSS Đông Dương tại Côn Minh, đã tóm tắt ý nghĩa quan trọng của cuộc gặp giữa Hồ Chí Minh và Chennault:

“Nhận được gì đó từ Chennault là vô cùng quan trọng trong suy nghĩ của Hồ Chí Minh, nó giống như chính thức được phía Mỹ chú ý đến. Nhưng bức ảnh có thủ bút ấy chỉ trong vài tháng sau hóa ra lại vô cùng quan trọng với ông Hồ, khi ông rất cần bằng chứng hữu hình để thuyết phục những người dân tộc chủ nghĩa hoài nghi ở Việt Nam rằng ông có sự ủng hộ từ người Mỹ. Mưu mẹo kiểu này thiếu nền tảng, nhưng nó lại được việc”.

Ngay sau đó, một lượng tiếp tế lớn OSS được đưa vào, bao gồm radio, thuốc men và vũ khí. “Theo Frankie Tan, lần tiếp tế này đã gây ra sự kích động và thế là phiếu cho Hồ Chí Minh tăng lên 10 điểm nữa”.

Hồ Chí Minh đã đáp trả tương xứng những gì ông nhận được từ mối quan hệ với người Mỹ. Patti viết, “Hồ Chí Minh đã giữ lời và trang bị cho OSS những thông tin và sự hỗ trợ cực kỳ giá trị trong nhiều dự án bí mật”. Cuối tháng 6, Fenn viết: “Giữa Tan và Hồ Chí Minh đã thiết lập được mạng lưới tình báo gồm các phái viên bản xứ, thừa đủ để thay thế mạng lưới người Pháp đã mất trong cuộc đảo chính của Nhật [9 tháng 3] … [Cùng với đó] mạng lưới của Việt Minh cũng đã giải cứu được tổng cộng 17 phi công bị bắn rơi”.

Fenn nhìn nhận ba tháng tiếp theo sau cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 của Nhật là: “có lẽ là quan trọng nhất trong sự nghiệp Hồ Chí Minh. Lúc mới đầu, Hồ Chí Minh chỉ là lãnh đạo của một trong số nhiều đảng phái chính trị, không được công nhận bởi người Mỹ, bị phản đối bởi người Pháp, bị xa lánh bởi người Trung Quốc… Đến cuối tháng 6, nhờ GBT, ông ta đã trở thành vị lãnh tụ không thể nghi ngờ của một đảng cách mạng mạnh mẽ áp đảo”.

Vào giữa tháng 6, một cuộc đánh giá được chuẩn bị bởi nhân viên của Patti liệt kê thành tích của Việt Minh trong khoảng thời gian bắt đầu tính từ cuộc đảo chính tháng 3, bao gồm sáu tỉnh phía bắc “nằm dưới sự kiểm soát dân sự và quân sự của Việt Minh; thành lập Giải Phóng Quân… tổ chức tuyên truyền hiệu quả… và yếu tố quan trọng nhất, sự ủng hộ rộng rãi từ người dân Việt Nam”.

Động lực thúc đẩy Việt Minh thành công là cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 đã loại bỏ quyền uy và quyền lực của Pháp tại Đông Dương. “Cuộc đảo chính này có nghĩa là một trong hai kẻ thù của Hồ Chí Minh giờ đã ngã ngựa. Võ Nguyên Giáp lập tức tuyên bố Nhật là kẻ thù duy nhất”. Nạn đói năm 1944 – 1945 cũng là một yếu tố lớn. Trong sự thờ ơ của chính quyền Pháp, Nhật bắt người dân nhổ lúa, kết hợp cùng lũ lụt nghiêm trọng vào mùa xuân, dẫn tới cái chết của khoảng hai triệu người Việt Nam, và tình cảm chống Nhật và Pháp ngày càng lớn mạnh.

Nhưng không phải mọi chuyện đều tốt lành cả. Trong bức thư gửi Fenn vào giữa tháng 7, Hồ Chí Minh xin lỗi vì không viết được nhiều, “vì sức khỏe tôi nay tương đối xấu (cũng không ốm lắm, xin đừng lo!)”. Frankie Tan, người vừa trở về Côn Minh, giải thích rằng “ông Hồ đã yếu nhiều từ lần cuốc bộ đường trường về Pác Bó”, và rồi “bị tái phát nặng trong một tháng hay hơn” sau lần ốm đầu tiên. Tan và các đồng chí Việt Nam của Hồ Chí Minh “thậm chí còn lo cho tính mạng của ông”.

Cuối tháng 4, Patti đến thăm khu vực biên giới Việt – Trung, nơi liên lạc viên Việt Nam giới thiệu ông với “một người An Nam có ảnh hưởng và tài nguyên”. Đó là Hồ Chí Minh, người muốn thảo luận về sự hợp tác với quân Đồng Minh đang ở Việt Nam. Hồ Chí Minh biết Patti là người của OSS, và cũng nhận biết rõ rằng ông đang cộng tác với AGAS (ban hoạt động của Fenn) về “một vấn đề khác”, vấn đề hỗ trợ các phi công bị bắn rơi, và nói rằng ông “sẵn sàng thỏa thuận với người Mỹ khi họ cũng sẵn sàng”. Patti không thể cam kết ngay, nhưng về sau ông viết: “Ông Hồ và Việt Minh dường như là câu trả lời cho vấn đề trước mắt là thành lập ban hoạt động [đặc biệt] ở Đông Dương”.

Patti loay hoay trong tình trạng phức tạp gia tăng khi đơn vị quân đội Pháp thoát khỏi cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 bắt đầu tìm đường trở lại Đông Dương. Tổng thống Roosevelt mất vào tháng 4, và Hoa Kỳ giờ mở đường nhượng bộ cho người Pháp. OSS gần như đồng ý tạo lập hai Đội Hoạt động Đặc biệt Mỹ – Pháp – “Mèo” và “Con Nai” – trong đó có sự tham gia của quân đội Pháp. Và nhiệm vụ của Patti giờ mở rộng thêm: Ngoài thu thập thông tin tình báo, Patti cần “ngăn chặn và phá hủy tuyến đường sắt phía bắc Việt Nam không cho rơi vào tay Nhật”.

Sự chống đối từ phía Trung Quốc đối với việc hợp tác quân sự chung Mỹ – Pháp gia tăng, và có những bằng chứng cho thấy mối quan tâm của Pháp không phải là đánh bại Nhật mà là lấy lại thuộc địa Đông Dương của mình. Đó cũng là lúc Hồ Chí Minh liên lạc với Patti lần nữa: “Trong tuần đầu tiên của tháng 6, Hồ Chí Minh cho tôi biết rằng ông đã chuẩn bị sẵn sàng khoảng 1000 lính du kích được đào tạo bài bản cho bất kỳ kế hoạch nào tôi có để chống lại người Nhật”.

Patti đáp lại rằng ông sẽ cân nhắc nghiêm túc đề nghị này. Khi người Pháp từ chối tham gia hoạt động phá đường tàu Đông Dương của OSS, Patti quyết định thay thế người Pháp thành người Việt Nam.

Ngày 16/7/1945, nhóm trưởng đội “Con Nai” – Đội Hoạt động Đặc biệt OSS, Thiếu tá Allison Kent Thomas, hai thành viên trong đội, và ba “người Pháp” nhảy dù xuống căn cứ địa Kim Long của Việt Minh. Thomas muốn nhìn thấy khu vực này trước khi điều động phần còn lại của đội đến. Frankie Tan đang đợi họ dưới mặt đất, và Hồ Chí Minh đến chào đón họ.

“Người Pháp” – một sĩ quan người Âu và hai thành viên người An Nam trong quân đội thuộc địa Pháp – bị cán bộ Việt Minh “nhận ra ngay lập tức”, và “chỉ bởi vì có thiện cảm với Tan mà người Pháp được đối xử hòa nhã”. Thiếu tá Thomas đòi có họ theo cùng, dù cho Patti đã cản. Hồ Chí Minh phản đối sự hiện diện của họ, họ được hộ tống để trở lại Trung Quốc còn Thomas ở lại, viết trong nhật ký của mình. “Thật tệ khi họ phải rời đi, nhưng người ở đây không ưa người Pháp không kém gì người Nhật”.

Thomas yêu cầu tổ chức một đội du kích từ 50 đến 100 người. “Anh ấy mang theo một hộp tiện dụng đựng những vũ khí nhỏ và chất nổ để trang bị cho nhóm”. Hồ Chí Minh nói với Thomas rằng ông có “ba nghìn người trong tay”. Thomas thấy khoảng 200 người quanh lán, “trang bị bằng súng trường Pháp và một vài khẩu trung liên Bren, tiểu liên Sten, tiểu liên Thompson và súng cạc-bin”. Anh đề xuất về Côn Minh về việc sử dụng 100 “lính du kích Việt Minh phần nào được đào tạo”, và yêu cầu thêm trang bị: “Không vận thả xuống nhiều vũ khí hơn – một súng máy tự động, hai khẩu cối 60mm, bốn khẩu bazooka, tám khẩu súng máy Bren, hai mươi khẩu tiểu liên Thompson, sáu mươi khẩu cạc-bin M-1, bốn khẩu súng trường M-1, hai mươi khẩu súng trường M-1, hai mươi khẩu súng lục cỡ nóng Colt 45 và một bộ ống nhòm”.

Sáu thành viên còn lại của đội “Con Nai” đến bằng dù vào ngày 29 tháng 7. Thomas đang đi trinh sát dài ngày; gặp cả đội là Frankie Tan và một người mang bí danh “anh Văn” – người nắm vai trò chỉ huy của Giải Phóng Quân Việt Nam tương lai, Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp xin lỗi về sự vắng mặt của Hồ Chí Minh, nói rằng ông đang ốm. Hai ngày sau, khi các thành viên trong đội được báo rằng Hồ Chí Minh vẫn ốm, họ quyết định đến xem liệu ông có cần giúp gì chăng. Trung úy Defourneaux, thành viên đội Mỹ – Pháp, nhìn thấy ông “nằm trong góc một vách lán ám khói… đắp trên người thứ gì như vải vụn… làn da vàng nhệch trên thân hình xương xẩu”. Ông “run rẩy như chiếc lá”, rõ ràng là đang sốt cao. Y sĩ của OSS, Paul Hoagland kiểm tra nhanh: “Ông ấy không trụ được lâu nữa”. Ông Giáp vô cùng lo lắng cho Hồ Chí Minh: “Bác đã hôn mê hàng giờ liền. Mỗi lần Bác đến, Bác đều thủ thỉ tư tưởng của mình về sự nghiệp của chúng tôi. Tôi không muốn tin rằng Bác đang gửi gắm những lời trăng trối. Nhưng sau nghĩ lại cảnh ấy, tôi nhận ra hẳn Bác đã thấy mình yếu, nên Bác mới nói cho tôi những chỉ đạo sau cùng”.

Hoagland được đào tạo và làm công việc của y tá trong một vài năm. Anh thăm khám cho ông Hồ, chẩn đoán “ông đã mắc “sốt rét, hoặc sốt xuất huyết, hoặc sốt kiết lỵ, hoặc cả ba”. Anh cho ông “kí ninh, kháng sinh, và những thứ thuốc khác” và kiểm tra tình trạng bệnh định kỳ. Trong 10 ngày, bệnh tình của Hồ Chí Minh có vẻ khởi sắc. Ông có thể ngồi dậy được, và có thể tự mình dạo xung quanh căn cứ.

Liệu có phải OSS đã cứu sống ông Hồ? Dường như đúng là vậy. Thiếu tá Thomas sau này đã nói rằng Hồ Chí Minh “ốm nặng”, nhưng anh không chắc về chuyện ông Hồ “có lẽ không qua nổi nếu không có chúng ta”. Võ Nguyên Giáp ghi nhận một thầy lang người dân tộc, người đã bón cho ông Hồ cháo suông với tro của rễ cây cháy. “Phép màu đã xảy ra… Ông tỉnh lại từ cơn hôn mê”. Được kéo dậy từ nấm mồ, Hồ Chí Minh lại đứng vững trên đôi chân của mình, sẵn sàng tạo những bước chuyển sẽ định hướng cho tương lai của Việt Nam.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, Đội “Con Nai” bắt tay vào việc. Sáu ngày đầu tiên của tháng 8 được dành để xây dựng trại huấn luyện cho người Việt – ba doanh trại cho các tân binh người Việt, một cho phía OSS, và một nhà kho, một bệnh xá, một trung tâm radio. Và cả một trường bắn. Trong số 110 tân binh, đội “Con Nai” chọn ra 40 người triển vọng nhất. Hồ Chí Minh đặt tên cho họ là Bộ Đội Việt – Mỹ. Họ được hướng dẫn luyện tập theo kiểu Mỹ và sử dụng vũ khí của Mỹ từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 8. Vào ngày 10 tháng 8, đợt không vận thứ ba thả xuống thêm nhiều vũ khí và đạn dược. Những tân binh tràn đầy nhiệt huyết, chỉ huy của họ rất hài lòng. “Giáp đảm bảo việc đơn vị được tân trang của ông phải được nhìn thấy càng nhiều càng tốt. Ở bất cứ đâu họ đến… người dân địa phương hoan hô chào đón họ”.

Các thành viên của Đội “Con Nai” hướng dẫn Việt Minh cách sử dụng súng Cạc-bin M-1, 16/8/1945. Ảnh: National Archives and Records AdministrationNgày 15 tháng 8, “sau khi nghe tin Nhật đầu hàng, [Thiếu tá Thomas] đã giao hầu hết các vũ khí của Mỹ được sử dụng trong huấn luyện cho Bộ Đội Việt – Mỹ. Ba ngày sau, Thomas nhận được tin nhắn tình báo từ Côn Minh, khuyên anh ấy rằng tất cả các thiết bị của OSS nên được đưa trả về một căn cứ ở Trung Quốc. Đã quá muộn: Bộ Đội Việt – Mỹ đang trên đường hành quân tới Hà Nội cùng Đội “Con Nai”.

Trong tiểu sử về ông Hồ, David Halberstam viết rằng những người khác tin rằng:“Người Mỹ sau này tuyên bố rằng họ chỉ đưa cho ông Hồ một vài khẩu súng ngắn ổ quay, mặc dù có bằng chứng đáng cân nhắc rằng có 5000 thứ vũ khí đã được quân Đồng Minh thả xuống cho Việt Minh vào mùa hè 1945. Ngoài ra, theo nguồn tin của Pháp và cộng sản, số lượng quân Việt Minh trên lãnh thổ vào thời điểm Nhật thất bại là 5000 người”.

Đầu tháng 8/1945, 5000 loại vũ khí trang bị cho Việt Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên Halberstam không cung cấp bất cứ “bằng chứng đáng cân nhắc” nào như ông đã nêu ra, hay chỉ ra ông đã lấy được những thông tin ấy từ đâu.

Không có con số chung về số lượng vũ khí mà Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Minh. Con số rất nhỏ, không đáng kể, có lẽ ít hơn 200 vũ khí cá nhân, hầu hết được chuyển qua Đội “Con Nai”. Như đã nói trên, đội trưởng của Đội “Con Nai”, Thiếu tá Thomas đã giao toàn bộ vũ khí của OSS sử dụng trong huấn luyện cho Bộ Đội Việt – Mỹ vào ngày 15 tháng 8. Nếu chiến tranh còn tiếp diễn, có lẽ số vũ khí đó rồi cũng sẽ được cấp cho Bộ Đội – Việt Mỹ.

Kinh nghiệm của mình với người Mỹ đã dạy Hồ Chí Minh không mong đợi có được vũ khí dù cho ông có đề nghị. Có đủ vũ khí cần thiết luôn là vấn đề với Việt Minh, kể cả khi quy mô lực lượng của họ còn nhỏ. Giờ đây, một đội quân chính quy đã được hình thành. Võ Nguyên Giáp sau này viết:“Chúng tôi quyết định thử mọi cách để có được nhiều vũ khí hơn cho quân đội. Bên cạnh những thứ chúng tôi lấy được từ bọn lính đội hay bọn Nhật trong trận chiến, chúng tôi đã dùng tiền và vàng được người dân đóng góp để mua thêm khí giới từ quân đội Nhật hay quân đội Trung Quốc. Bác Hồ kêu gọi người dân cả nước tham gia sôi nổi vào “Tuần Lễ Vàng”, quyên tặng vàng của họ để mua vũ khi từ Trung Quốc. Trong thời gian rất ngắn, mọi người từ mọi tầng lớp đã quyên góp 20 triệu đồng Đông Dương và 370 cân vàng”.

Nhà sử học Bernard Fall cũng bình luận về kết quả của Tuần Lễ Vàng:“Nó thành công toàn diện và đã cung cấp cho Quân đội Nhân dân Việt Nam còn non trẻ 3000 khẩu súng trường, 50 khẩu súng trường tự động, 600 khẩu tiểu liên và 100 khẩu súng cối của Mỹ sản xuất – cộng với số vũ khí lấy từ Pháp và Nhật (31.000 khẩu súng trường, 700 vũ khí tự động và 36 khẩu pháo và 18 chiếc xe tăng) vốn được giao cho người Trung Quốc bảo vệ nhưng không thành”.

Đó là khởi đầu của trang bị vũ trang cho Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân.

Vào ngày đầu tiên của tháng 8/1945, không ai có thể thấy trước chiến tranh sẽ kết thúc đột ngột vào ngày 15/8/1945. Hồ Chí Minh dù vừa ốm dậy vẫn theo dõi các sự kiện trên thế giới bằng máy thu thanh của Thiếu tá Thomas. Khi người Mỹ tiến gần hơn đến lãnh thổ Nhật Bản, linh tính của ông Hồ mách bảo: Khi người Nhật bị đánh bại, người Pháp sẽ trở lại Việt Nam. “Hồ Chí Minh biết để duy trì sự lãnh đạo và động lực cho phong trào, ông sẽ phải chứng minh cả tính hợp pháp và sức mạnh của phong trào ấy”. Ngày 6 tháng 8, quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Hiroshima. Đoạn kết của cuộc chiến đang đến gần. Hồ Chí Minh kêu gọi một cuộc gặp giữa Việt Minh và các nhà lãnh đạo chính trị khác trên toàn Việt Nam.

Đến ngày 13 tháng 8, nhiều đại biểu đã đến Tân Trào. Tối hôm ấy, Ủy ban Khởi nghĩa Quốc gia được thành lập. Quân Lệnh số 1 được ban hành, yêu cầu một cuộc nổi dậy quần chúng; ngày hôm sau, Kế hoạch Hành động được chuẩn bị. Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam bắt đầu.

Ngày 16 tháng 8, Đại hội Đại biểu Quốc dân được triệu tập, với các đại biểu đến từ các đảng phái chính trị đã làm nên Mặt trận Việt Minh, các tổ chức quần chúng, các nhóm người dân tộc và các nhóm tôn giáo. Khi tập hợp lại, “họ nhìn thoáng thấy một đội quân mặc đồng phục, được vũ trang tốt, được kỷ luật tốt đang tiến vào”. Bức ảnh của Chennault được ưu tiên bày bên cạnh ảnh của Mao Trạch Đông và Lenin, và “tin đồn rầm rộ rằng Việt Minh – nhất là Bác Hồ – đã được quân Đồng Minh “bí mật” ủng hộ”.

Khi Hồ Chí Minh bước lên bục, ông nói về tình hình chung, và “nhắc lại tầm quan trọng của việc giành lấy quyền lực nhanh chóng bằng bạo lực để chào đón lực lượng chiếm đóng của quân Đồng Minh trong vị thế mạnh mẽ”. Đại hội kết thúc, “lời kêu gọi nhân dân” được ban hành, kêu gọi toàn bộ Việt Nam nổi dậy. Lời kêu gọi được kí tên “Nguyễn Ái Quốc”, người phái viên huyền thoại của cuộc cách mạng – và Việt Nam bắt đầu hiểu rằng đó là danh tính thực sự của nhân vật bí ẩn “Hồ Chí Minh”.

Vào những ngày tiếp theo, các cuộc khởi nghĩa bùng nổ trên toàn Việt Nam. Một số là tự phát, số khác là “do các đơn vị Việt Minh địa phương phát động”. Vào ngày 19 tháng 8, Việt Minh kiểm soát được Hà Nội và khởi nghĩa bắt đầu lan về phía Nam. Ngày 02/9/1945, tại Hà Nội, Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập cho đất nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mới khai sinh.

[…]

Võ Nguyên Giáp và đoàn đại biểu Việt Nam đón đoàn OSS đến Hà Nội ngày 26/8/1945. Võ Nguyên Giáp và Archimedes Patti (đứng trung tâm) trong lễ chào cờ. Ảnh: Archimedes L. Patti Collection, University of Central Florida

“Hồ Chí Minh đã thành công biết bao khi biến nhiệm vụ của đội “Con Nai” bé nhỏ trở thành yếu tố tâm lí quan trọng… thuyết phục được các nhà lãnh đạo đối đầu… rằng ông có người Mỹ hậu thuẫn, và rằng ông, và đảng của ông, đã thành lập được một chính phủ lâm thời.”

Kịch bản của Hồ Chí Minh vượt ngoài khả năng kiểm soát của OSS. Những đặc vụ điều hành sành sỏi nhất cũng không thể đoán trước được Hồ Chí Minh sẽ dùng nửa tá súng lục và một bức ảnh để giúp củng cố lại vị trí lãnh đạo chính trị của mình. Tất cả những sự hiện diện, những hành động của đội trưởng đội “Con Nai” đều không lường trước được: Sự có mặt của người Mỹ tại Tân Trào trong thời gian diễn ra Đại hội Nhân dân, rồi trên đường tới Thái Nguyên, và dường họ tham gia vào một trận chiến lớn, tất cả những gì đã xảy ra khi xuất hiện sự ủng hộ của người Mỹ cho Việt Minh là có ích nhất đối với Hồ Chí Minh.

OSS không có biện pháp phòng thủ nào trước sự tài tình của Hồ Chí Minh, và những kĩ năng ông có được do đào tạo bởi Quốc tế Cộng sản và bởi bậc thầy của nghệ thuật tình báo, Mikhail Borodin. Rất ít thông tin được biết về sự đào tạo Hồ Chí Minh nhận được. Trong những năm đầu ông ở Mát-cơ-va, 1923-1924, ông đã học được “những kĩ thuật cơ bản về hoạt động bí mật” tại Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông, nơi đào tạo lực lượng cộng sản nòng cốt từ châu Á. Công việc sau khi tốt nghiệp của ông diễn ra ở Quảng Đông, 1924-1927, khi ông nối lại liên lạc với người quen cũ ở Mát-cơ-va, Mikhail Borodin, “cố vấn của Tôn Dật Tiên và sau này là chính phủ Quốc Dân Đảng”. Hồ Chí Minh đã chứng minh mình là một nhà tổ chức và hoạt động bí mật kiệt xuất, với hai thập kỷ kinh nghiệm. Vậy nên chuyện những gã trai trẻ tương đối thiếu kinh nghiệm của OSS không sánh được với ông cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Trong trường hợp của Hồ Chí Minh, thất bại của OSS nằm ở quá trình kiểm tra lí lịch. Fenn là cố gắng làm tốt nhất, nhưng tốt nhất của Fenn vẫn là chưa đủ. Ông ấy đã biết Hồ Chí Minh là một người nổi dậy chống Pháp và là người cộng sản, nhưng ông đã không phát hiện là điều đáng chú ý nhất: Hồ Chí Minh cũng là một phái viên của Quốc tế Cộng sản, và có lẽ vẫn là như vậy.

Cách Fenn và Patti đối phó với Hồ Chí Minh tưởng như lọc lõi và chuyên nghiệp. Cả hai đều hiểu những hậu quả chính trị khi tán thành yêu cầu ủng hộ từ Hồ Chí Minh; những yêu cầu của ông bị lảng tránh hoặc gạt qua một bên cho đến khi ông không hỏi thêm nữa. Hai lần Fenn ưng thuận với yêu cầu của ông Hồ – để được gặp vị tướng lừng danh Chennault và sau đó là sáu khẩu súng đầu đạn 45 còn nguyên bọc – cả hai đều có ý nghĩa quan trọng khi ta học được cách Hồ Chí Minh phản đòn.

Với những cứ liệu ít ỏi như trên, chúng ta vẫn thấy được phương pháp cách mạng tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu hiện của sự khôn khéo, tận dụng được đối phương, “tương kế tựu kế” để tạo thế và lực cho Cách mạng Việt Nam. Những sách lược khôn khéo như vậy đã nhiều lần được Bác vận dụng trong lịch sử. Nhờ vậy, cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thắng lợi, giành được độc lập cho dân tộc. Chính những đối thủ như Mỹ và các nước cũng phải thừa nhận Hồ Chí Minh là một nhân vật kiệt xuất mà OSS khó lòng đối đẳng.■

Bob Bergin

Phương Linh dịch và biên tập

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN