Toan tính của Nixon trong cuộc ném bom B52 vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12/1972

Tháng 12/1972, đàm phán Paris đi vào bế tắc. Mỹ chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự và tù binh chiến tranh thay vì trao đổi tất cả các vấn đề chính trị – quân sự – ngoại giao; đồng thời các cuộc công du Nga và Trung Quốc của Tổng thống Nixon cho thấy Mỹ đang muốn tạo áp lực ngoại giao lên hai nước viện trợ chính cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo bất lợi cho phía Việt Nam. Phía Việt Nam tại Hội nghị Paris, vì vậy đã từ chối chấp nhận các điều khoản chung cuộc chỉ có lợi cho Mỹ với thái độ cứng rắn. Điều này khiến Nixon bị đẩy vào thế bị động, bởi áp lực khổng lồ phải kết thúc chiến tranh – cũng chính là cam kết khi tranh cử Tổng thống của Nixon – từ công luận trong lòng nước Mỹ. Trước tình thế ấy, Nixon đã lựa chọn con đường cưỡng bức Hà Nội quay trở lại đàm phán bằng B-52. Những toan tính ấy đã được chính Nixon kể lại trong hồi ký RN: The Memoirs of Richard Nixon. Tạp chí Phương Đông xin trích dịch để gửi tới bạn đọc.

[…]

Tôi miễn cưỡng quyết định rằng bây giờ chúng tôi đã đi đến bước đường mà chỉ có hành động mạnh mẽ nhất mới có thể tạo hiệu quả thuyết phục Hà Nội rằng thỏa hiệp công bằng với chúng tôi là phương án tốt cho họ, thay vì tiếp tục cuộc chiến. Kissinger và tôi đồng ý rằng điều này có nghĩa là chớp thời cơ ném bom. Câu hỏi duy nhất là cần có bao nhiêu bom để buộc Hà Nội quy thuận. Kissinger đề xuất gieo mìn ở cảng Hải Phòng, nối lại ném bom toàn diện trên vĩ tuyến 20, và tăng cường ném bom khu vực Nam Lào. Linh tính mách bảo tôi cần thứ gì đó dữ dội hơn nữa. Khi tôi kiểm tra và phát hiện khu vực Nam vĩ tuyến 20 là ruộng lúa và rừng rậm, tôi nói với Kissinger, “Chúng ta sẽ dùng sức nóng của đòn đánh lớn cho cả những đòn đánh nhỏ. Nếu chúng ta gia hạn ném bom, nó phải là thứ gì đó mới mẻ, có nghĩa là chúng ta sẽ phải đưa ra quyết định lớn là đánh Hà Nội và Hải Phòng bằng B-52. Bất cứ thứ gì yếu hơn B-52 chỉ làm cho kẻ thù thêm khinh rẻ”.

B-52 rải bom trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972

Kissinger chỉ ra rằng Hà Nội và Hải Phòng được phòng vệ chặt chẽ với tên lửa mặt đất đối không của Liên Xô. Nếu chúng tôi tấn công, chúng tôi phải chuẩn bị trước cho những tổn thất, thương vong và tù binh chiến tranh. “Tôi biết”, tôi nói, “nhưng nếu chúng ta đã thuyết phục rằng đây là việc đúng đắn phải làm thì ta sẽ phải làm việc này cho đúng”.

Ngày 14/12, tôi ra một mệnh lệnh, sẽ có hiệu lực trong ba ngày tới, lệnh gieo mìn ở cảng Hải Phòng, lệnh khôi phục chuỗi do thám, và lệnh công phá các mục tiêu quân sự tại liên khu Hà Nội – Hải Phòng bằng B-52. Kế hoạch ném bom gồm 16 mục tiêu vận tải, điện, trạm truyền phát radio tại Hà Nội, cũng như 6 mục tiêu sở chỉ huy và kiểm soát liên lạc ở khu vực ngoại vi. Có 13 mục tiêu tại khu vực Hải Phòng, gồm bãi đậu tàu và xưởng đóng tàu. Khi các kế hoạch đầu tiên cho cuộc ném bom được đề ra, tôi kinh hoàng khi thấy các máy bay phải được điều từ các sở chỉ huy khác nhau, bao gồm các công đoạn hậu cần phức tạp và một lượng lớn giấy tờ quy định. Một ngày sau khi vụ ném bom bắt đầu, tôi nghĩ là tôi đã khiến Đô đốc Moorer sốc khi tôi gọi cho anh ta và nói, “Tôi không muốn có thêm bất kỳ lời tào lao nào về thực tế là chúng ta không thể bắn trúng mục tiêu này hay mục tiêu kia. Đây là cơ hội của anh để dùng sức mạnh quân sự hiệu quả mà giành lấy chiến thắng trong cuộc chiến này, và nếu anh không làm được, tôi coi đấy là trách nhiệm của anh”. Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta phải đánh và phải đánh thật mạnh không thì làm việc này có ích lợi gì. Nếu kẻ thù phát hiện ra bất kỳ sự dè dặt nào trong hành động của chúng ta, họ sẽ hạ giá toàn trận đánh.

Lệnh tái lập ném bom một tuần trước Giáng sinh là một trong những quyết định khó khăn nhất của tôi trong toàn bộ cuộc chiến, tuy vậy, nó cũng đồng thời là nhát cắt thông suốt và cần thiết nhất.

Chúng tôi quyết định rằng Kissinger sẽ chỉ đạo một buổi họp báo công khai trước Liên bang về cuộc đàm phán. Việc vô cùng quan trọng là đẩy trách nhiệm vào đúng nơi, chính là tình huống không lối thoát hiện nay – nhắm thẳng vào Bắc Việt. Tôi gặp anh ta vài lần để duyệt trước những điều anh ta sẽ nói; tôi cũng viết hai bản ghi nhớ dài bao quát các điểm mà tôi cho là quan trọng cần anh ta đưa ra. Tôi cảm thấy chúng tôi phải truyền đạt được rằng Bắc Việt đã đồng ý thỏa thuận, rồi lại bội ước và giờ họ từ chối đàm phán nghiêm túc. Tôi cũng nói với Kissinger nên chỉ trích Thiệu để khẳng định về thắng lợi hoàn toàn là khi điều chúng ta mong muốn chỉ là nền hòa bình mà cả hai bên có thể giữ gìn và sống cùng với nó.

Sáng sớm ngày Chủ nhật, 17/12, máy bay của chúng tôi gieo mìn xuống cảng Hải Phòng. Trong vòng 24 giờ đồng hồ, 129 chiếc B-52 tham gia ném bom xuống Bắc Việt.

Nhật ký:

“Quyết định khó khăn giờ đã được quyết, và đang được tiến hành với việc ném bom Hải Phòng. Tôi vừa được biết 1 chiếc B-52 đã bị bắn hạ. Henry (Kissinger) nói chúng ta đã dự đoán những 3 chiếc sẽ rơi. Đương nhiên, còn hai lượt càn nữa, nhưng họ mong đợi lượt hai và lượt ba số lượng tên lửa mặt đất đối không phòng vệ sẽ giảm hoặc ít ra bị làm nhiễu. Ít nhất, chúng ta chỉ có thể cầu rằng chuyện ấy sẽ xảy ra và đúng là chuyện xảy ra như thế”.

Hai chiếc B-52 nữa đã bị bắn hạ trong ngày hôm ấy…

Rất nhiều người không hiểu lí do tại sao tôi không “công khai” lí do về cuộc bom kích tháng 12. Như tôi từng chỉ ra, tôi không cảm thấy người dân Mỹ sẵn sàng xuống đường biểu tình vào thời điểm này như họ đã từng làm vào ngày 3/11 và ngày 8/5. Nhưng quan trọng hơn, tôi đã được thuyết phục rằng bất kỳ bài phát biểu công khai nào từ tôi có thể sẽ phản tác dụng trực tiếp tới khả năng nối lại đàm phán. Nếu tôi thông báo rằng chúng tôi tiếp tục ném bom vì mục đích ép buộc Bắc Việt đàm phán, lòng tự tôn dân tộc và lý tưởng cuồng tín của họ sẽ không bao giờ cho phép họ đồng ý sự mất mặt với quốc tế, liên đới đến sự sụp đổ của tối hậu thư như thế này. Vậy nên tôi đã tiến hành với mức hùng biện và công khai tối thiểu, và nó thành công đúng y như tôi dự liệu. Việc sử dụng lực lượng ngắn mà mạnh của chúng ta đã đưa được thông điệp đến Hà Nội trong khi vẫn cho phép họ cố thủ trong tư thế ương ngạnh mà không hay biết họ đang làm vậy vì sức ép quân sự từ phía chúng ta.

Một sáng ngày 18/12, trong thông điệp gửi đến phía Bắc Việt tại Paris, chúng tôi nói rằng sau khi xem xét cẩn thận ghi chép về các cuộc đàm phán gần đây, chúng tôi quyết định rằng họ đã trì hoãn các cuộc đối thoại một cách có chủ tâm và nông cạn. Chúng tôi dự định sẽ trả lại văn bản thỏa thuận được trình sau phiên làm việc ngày 23/11, thêm vào một hai thay đổi nhỏ về đàm phán. Trên cơ sở ấy, chúng tôi sẽ chuẩn bị cho cuộc gặp tiếp theo vào bất cứ lúc nào sau ngày 26/12 để đi đến kết luận về bản Hiệp định.

Ngày 20/12, ngày thứ ba không kích hạng nặng diễn ra trên bầu trời Bắc Việt. 90 chiếc B-52 lượn ba vòng tấn công 11 mục tiêu. Sáu chiếc rơi. Ngày 21/12, 30 lượt bay B-52 tấn công 3 mục tiêu mới. 2 chiếc rơi.

Nỗi lo ngại chủ yếu của tôi trong tuần đầu tiên của đợt bom kích không phải là làn sóng dữ dội của sự chỉ trích từ trong nước lẫn quốc tế, điều đó tôi đã dự tính trước, mà là tỉ lệ tổn vong B-52 khá cao. Tôi ghi lại vào ngày 23/12: “Tôi nóng như lửa đốt trước thực tế rằng chúng cứ bay qua cùng mục tiêu vào cùng một thời điểm. Tôi tuy thế cũng không ngạc nhiên, cho dù thất vọng sâu sắc, khi chúng ta mất 5 chiếc máy bay vào ngày thứ hai hay thứ ba. Cuối cùng thì chúng ta đang dùng quân sự để thay đổi suy nghĩ của họ”. Lầu Năm Góc bắt đầu lên lịch triệt phá vào những thời điểm khác nhau, những cung đường khác nhau, theo đó tránh kẻ thù nhận biết được khi nào và ở đâu các cuộc triệt hạ diễn ra cũng như giảm khả năng bắn hạ máy bay của họ.

Lược đồ tuyến đường bay của B-52 Mỹ oanh kích Hà Nội và Hải Phòng tháng 12/1972. Ảnh: Office of air force history; United States Air force 1985

Vào ngày 22/12, chúng tôi gửi một thông điệp tới Bắc Việt, yêu cầu một cuộc gặp vào ngày 3/1. Nếu họ chấp nhận, chúng tôi đề nghị sẽ ngừng ném bom phía Bắc vĩ tuyến 20 vào ngày 31/12 và sẽ tạm ngừng bom kích trong suốt thời gian hội nghị.

Phản ứng của truyền thông về cuộc bom kích tháng 12 đã được lường trước. Tờ Washington Post tham luận rằng việc này khiến cho hàng triệu người Mỹ “rùng mình vì hổ nhục và nghi hoặc về sự minh mẫn của ngài Tổng thống”. Joseph Kraft gọi đây là hành động “của sự khủng bố vô tri làm ô uế thanh danh nước Mỹ”. James Reston gọi đây “cuộc chiến từ thói cáu bẳn” và Anthony Lewis cáo buộc tôi hành động “như một tên bạo chúa mất trí”. Ở Quốc hội, những chỉ trích tương tự bùng phát từ thành viên của cả hai đảng. Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa William Saxbe của bang Ohio nói “Tổng thống Nixon… như thể đã bỏ rơi lí trí của mình trong vấn đề này”. Và Mike Mansfield nói đây là “chiến thuật của thời đồ đá” …

6h tối, giờ Sài Gòn, ngày 24/12, cuộc tạm hoãn ném bom trong vòng 24 giờ nhân dịp Giáng sinh mà tôi đã phê chuẩn bắt đầu ở Việt Nam. Không có máy bay cất cánh. Không có bom thả xuống. Chúng tôi có hòa bình trong vòng một ngày…

Đã có những áp lực nhất định từ các nhân viên cấp dưới để kéo dài thời gian ngừng bắn nhân dịp Giáng sinh thêm vài ngày nữa. Nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý. Trên thực tế, tôi đã đưa ra mệnh lệnh cá nhân, ra lệnh một trong những trận bom kích lớn nhất vào ngày 26/12: 116 lượt bay B-52 nhắm vào các mục tiêu ở Hà Nội và Hải Phòng.

Chiều hôm ấy Bắc Việt gửi tín hiệu đầu tiên, rằng họ đã chịu quá đủ. Chúng tôi nhận được từ họ thông điệp lên án cái họ gọi là “ném bom hủy diệt”, nhưng họ không yêu cầu ngừng việc bom kích như một điều kiện tiên quyết để họ đồng ý có một cuộc gặp khác, cuộc gặp trù định vào ngày 8/1 tại Paris. Chúng tôi đáp lại rằng chúng tôi muốn bắt đầu bằng những cuộc nói chuyện chuyên sâu vào ngày 2/1 nếu cuộc gặp của Kissinger bị lùi đến ngày 8/1. Chúng tôi đề nghị ngừng ném bom khu vực trên vĩ tuyến 20 một khi hoàn thành các việc dàn xếp cho cuộc gặp và có thông cáo công khai. Ngày 28/12, Bắc Việt bỏ cuộc và xác nhận cuộc hẹn của ngày 2/1 và 8/1.

7h tối, giờ Washington, ngày 29/12, việc ném bom phía trên vĩ tuyến 20 tạm hoãn. Sáng hôm sau chúng tôi thông báo rằng cuộc đàm phán Paris đã được nối lại và Kissinger sẽ gặp Lê Đức Thọ ngày 8/1.

Hầu hết các bản tin truyền hình và các tờ báo buổi sáng đều nhấn mạnh vào việc tạm ngừng ném bom hơn là việc nối lại các cuộc trao đổi, và hầu hết báo chí nói rằng chưa rõ cuộc bom kích dẫn dến việc trở lại bàn đàm phán hay việc kẻ thù đồng ý đàm phán dẫn đến tạm hoãn ném bom. Thật bực bội khi không thể nói thẳng mặt cho họ biết. Như tôi từng nói với Colson, “Rốt cuộc là gì thì phải tin vào sự đánh giá đúng đắn từ người dân mới thấy được. Còn báo chí hẳn là sẽ không nhìn nhận vấn đề cho ta”.■

Phương Linh dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN