Sự kháng cự cuối cùng bị nghiền nát, Sài Gòn trống rỗng về chính trị (Kỳ 1)

Cuốn Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà văn Trần Mai Hạnh đã phục dựng thành công sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn trong những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh bằng chính những tài liệu tuyệt mật và bản văn tin cậy của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ). Cuốn sách được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thẩm định xuất bản tháng 4/2014 đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Tiếp theo phiên bản tiếng Anh và tiếng Lào, được phép của Ban Tuyên Giáo Trung ương, năm 2021, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức dịch, xuất bản Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 sang tiếng Tây Ban Nha. Cuốn sách gồm 19 chương. “Sự kháng cự cuối cùng bị nghiền nát, Sài Gòn trống rỗng về chính trị” là tiêu đề Chương thứ 17. Tạp chí Phương Đông lược trích giới thiệu với bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022).

Ở bên kia đại dương, Tổng thống Mỹ G. Ford và Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã nói đến Sài Gòn như nói về một thời quá khứ, khi cả hai nhiều lần kêu gọi nước Mỹ hãy tự cứu lấy mình và mọi người đừng có “tự tiêu hủy” mình mà phải hướng về tương lai, về thập kỷ sắp tới của lịch sử. Trong lúc đó ở Sài Gòn, Phân cục CIA ráo riết triển khai “Kế hoạch hậu chiến”. Martin và Tòa Đại sứ Mỹ thì đang điên đầu trước vấn đề di tản, trước tâm trạng chống đối Mỹ đang cuộn xoáy như một cơn lốc lớn ở Sài Gòn. Sự căm giận người Mỹ bộc lộ công khai trên các mặt báo Sài Gòn với những lời lẽ chì chiết, hằn học. Muốn tính mạng những người Mỹ còn lại ở Nam Việt Nam khỏi bị đe dọa, thì chỉ có một cách là thực hiện cuộc di tản nhanh chóng và hoàn toàn. Nhưng một sự bỏ chạy ồ ạt như thế sẽ làm Sài Gòn mất hết sức chiến đấu, sẽ sụp đổ tức khắc và thổi bùng lên cơn giận dữ, uất hận của chính binh lính Sài Gòn. Súng sẽ nổ, máu người Mỹ sẽ đổ và cuộc ra đi sẽ biến thành cơn ác mộng khủng khiếp. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra con số chính thức 130.000 người cần di tản, nhưng danh sách của sứ quán Mỹ, chưa kể phần bổ sung đã lên tới con số 200.000 người. Sau khi Thiệu ra đi, con số di tản đã tăng vọt lên. Không phải chỉ có 7.000 người Mỹ còn lại như dự đoán mà còn rất nhiều lính Mỹ được hưởng tiền hưu, tiền tuất, đào ngũ và nhà buôn mà trước đây không dự kiến cũng ào tới sứ quán Mỹ. Con số này lên tới 35.000 người vì nó kéo theo tất cả gia đình, vợ con và những bà con người Việt thân thích. Thế là phải gác lại mọi thủ tục bàn giấy. Trong buồng chiếu bóng của DAO – trước đây là của MACV (Bộ Tư lệnh quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam), người ta gấp rút phát những chiếc thẻ lên máy bay đi Guam hay Philippines. Giá một chiếc thẻ lên máy bay ở thị trường tự do lên tới từ 1.000 đến 3.000 đôla. Tin đồn lan ra rằng ở Sài Gòn một người Mỹ có thể mang theo 10 người Việt Nam đã gây ra một thị trường hết sức rối loạn và sợ hãi. Một người Mỹ bị phát hiện và bị bắt tại sứ quán giữa lúc đang tìm cách xoay thêm phiếu lên máy bay. Người Mỹ này đã đi lại tới ba lần giữa Guam và Sài Gòn. Trung tướng Cao Hảo Hớn, Cố vấn của Thiệu về vấn đề “giải quyết nạn nhân chiến cuộc” được nhận 50 chỗ dành riêng cho nhân viên của mình, đã không phát cho bất cứ một ai, mà đem bán cả gói cho “con phe”, cầm gọn 50.000 đôla bỏ túi… Đây là chưa kể những chuyến đi được Sứ quán Mỹ và Phân cục CIA tiến hành hết sức bí mật: Địa điểm được báo qua điện thoại, đến tập trung từng nhóm nhỏ rồi trong đêm tối lặng lẽ ra máy bay đậu ở tít xa đường băng Tân Sơn Nhất. Hoàng Đức Nhã, Nguyễn Bá Cẩn, Nguyễn Khắc Bình… đã cùng ra đi trong một chuyến bay bí mật như thế vào chập tối ngày 27/4. Riêng Trung tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia vì sợ bất trắc đã mang theo cả lũ cận vệ đứng ở chân cầu thang máy bay sẽ chở Bình, Hoàng Đức Nhã và Nguyễn Bá Cẩn… chạy sang Thái Lan. Bình rút trong chiếc cặp to một xấp đôla trả công cho mấy tên cận vệ. Đến lúc này, bọn cận vệ mới vỡ lẽ là không được Bình cho chạy theo, thế là chúng chĩa ngay súng vào ngực Bình và dọa cho nổ tung máy bay. Không những Bình mà cả bọn “tai to mặt lớn” cùng chạy trong chuyến này, đành phải nhũn như con chi chi mời lũ bảo vệ “đầu trâu, mặt ngựa” lên máy bay…

Trong cơn tuyệt vọng và cay cú, người Mỹ còn phạm thêm một tội ác ghê tởm nữa. Đêm 20/4, Lê Minh Đảo rút đám tàn quân ra khỏi Xuân Lộc thì sáng hôm sau, tại phi trường Biên Hòa, một quả bom CBU được chất lên máy bay C.130 bốn động cơ của Hãng sản xuất máy bay Lockheed (Mỹ). Bom CBU (viết tắt của chữ Cluster Bomb Unit) với số hiệu 55 có ba khoang chứa đầy nhiên liệu Proton, một hỗn hợp bí mật các chất khí khác và chất nổ. Trừ bom nguyên tử, CBU là loại bom gây sát thương tàn ác nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Nó chưa từng được dùng trong chiến tranh. Đầu tháng 4/1975, một quả bom CBU được chở từ căn cứ không quân Utapao (Thái Lan) đến sân bay Tân Sân Nhất rồi được bí mật chở bằng xe về căn cứ không quân Biên Hòa. Thứ vũ khí giết người khủng khiếp này, tuy do Bộ Tư lệnh Không quân Sài Gòn quản lý, nhưng quyền sử dụng lại do người Mỹ ra lệnh. Xuân Lộc thất thủ, Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, tướng Homer Smith, phụ trách Cơ quan tùy viên Quốc phòng Mỹ (DAO), sĩ quan cao cấp nhất của Mỹ có mặt tại Nam Việt Nam cho phép sử dụng loại bom này. Chiếc C.130 nặng nề lăn bánh rồi cất cánh khỏi phi trường Biên Hòa, bay về Xuân Lộc. Ở độ cao 6.000 mét, cánh cửa ở đuôi máy bay mở ra, dù thăng bằng đeo quả bom rơi vào không trung… Tới một độ cao định trước, sau tiếng nổ dồn nén lạ kỳ, một quả cầu lửa bùng lên tạo thành một đám mây dầu đường kính tới 200 mét và dày tới mấy mét. Thế rồi đám mây dầu gặp chất kích thích cháy bùng lên tạo ra một áp suất hàng tấn trên một centimét vuông, đủ để phá tan tành mọi thứ trên mặt đất. Con người dù có sống sót sau vụ nổ đầu tiên thì cũng sẽ nhanh chóng bị ngạt thở vì tiếng nổ của quả bom tạo ra một khoảng chân không rộng lớn..

Vào lúc quả bom CBU nổ trên trời Xuân Lộc thì trực thăng vũ trang HU.1A chở tướng Swanson, Tùy viên Không quân Mỹ cùng phụ tá của mình là Trung tá Mitocher bốc khỏi sân bay Tân Sơn Nhất bay đi Cần Thơ. Tuy chưa có trận đánh nào nổ ra, nhưng lúc này tình hình Quân khu 4 và Cần Thơ, thủ phủ của nó đã hết sức căng thẳng. Lực lượng phòng thủ Quân khu 4 gồm ba sư đoàn bộ binh. Sư đoàn 21 phụ trách bảo vệ Phong Dinh, Ba Xuyên, Chương Thiện, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu. Sư đoàn 7 phụ trách Châu Đốc, An Giang, Sa Đéc, Kiên Giang, Kiến Tường. Sư đoàn 9 phụ trách Gò Công, Định Tường, Kiến Hòa, Vĩnh Long, Vĩnh Bình. Riêng Lữ đoàn thiết giáp số 4 được tăng phái cho Sư đoàn bộ binh số 9. Sau khi Quân khu 2 thất thủ, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 thực hiện việc “tái phối trí lại lực lượng”. Nam cho thành lập Bộ Tư lệnh đặc nhiệm Quân khu 4. Lữ đoàn thiết giáp số 4 được tách ra đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh đặc nhiệm. Sư đoàn bộ binh số 9 được rút ra làm lực lượng trù bị của Quân khu đồng thời khi cần thiết theo lệnh của Bộ Tổng tham mưu tăng cường cho Quân đoàn 3. Được tin mật báo Sư đoàn 18 đã rút bỏ Xuân Lộc, sáng 21/4, Nam triệu tập phiên họp khẩn cấp bàn biện pháp ứng phó với tình hình mới. Dự họp có Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh phó Quân đoàn; Chuẩn tướng Quang, Tham mưu trưởng Quân đoàn; Chuẩn tướng Thăng, Tư lệnh hạm đội 4 Cần Thơ; Chuẩn tướng Tần, Tư lệnh Sư đoàn 4 không quân; Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Tư lệnh Sư đoàn 7 bộ binh; Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, Tư lệnh Sư đoàn 21 bộ binh. Như vậy đủ bộ sáu tướng lĩnh Quân đoàn 4 dự họp, chỉ thiếu Tư lệnh Sư đoàn 9 bộ binh. Tại cuộc họp, Nam nêu vấn đề:

– Cuộc chiến diễn biến rất xấu. Đối phương đông và rất mạnh, họ có khả năng cắt đường Sài Gòn – Vũng Tàu, bao vây, uy hiếp Sài Gòn. Riêng Quân khu 4, Cần Thơ đứng trước nguy cơ bị tấn công và pháo kích; các trục đường giao thông bị cắt, việc tiếp tế gặp rất nhiều trở ngại và Quân đoàn 4 trên thực tế không còn lực lượng để giữ lãnh thổ toàn Quân khu nữa. Vấn đề di tản lại không đặt ra vì Quân khu 4 là mảnh đất tận cùng, không còn biết rút về đâu nữa.

Chuẩn tướng Tần hỏi Nam:

– Với Quân khu 4 không có chuyện di tản. Nhưng tôi nghe nói Bộ Tổng tham mưu đang lên kế hoạch rút toàn bộ lực lượng cả quân sự và chính quyền về cố thủ ở Cần Thơ, nếu như Sài Gòn bị uy hiếp mạnh và thất thủ?

Nam đáp:

– Quả là Sài Gòn có một kế hoạch dự kiến khi cần rút toàn bộ lực lượng, cả quân đội và bộ máy chính quyền về vùng châu thổ và cố thủ ở Cần Thơ. Vì ở đây sông lạch nhiều, cộng sản khó triển khai lực lượng lớn, khó sử dụng xe tăng, thiết giáp trong lúc họ chỉ có một loại xe tăng hạng nặng và đặc biệt là vấn đề tiếp tế, hậu cần gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng đó mới chỉ là phương án nằm trong dự kiến, trong sự bàn bạc không chính thức của một số quan chức trong Bộ Tổng tham mưu. Cho đến nay, Bộ Tổng tham mưu chưa lần nào đặt vấn đề chính thức với Quân đoàn 4 về một kế hoạch để thực hiện chủ trương này.

Ngừng một một lát, Nam bỗng hạ giọng, nói rất nhỏ, chỉ vừa đủ nghe:

– Còn một chuyện quan trọng nữa phải tính. Tôi vừa hay tin Sư đoàn 18 của tướng Đảo đã rút khỏi Xuân Lộc!

Không khí trong phòng họp như đổ sập xuống. Tin Xuân Lộc thất thủ và lời dự đoán Cần Thơ là mục tiêu trực diện của cuộc tấn công sắp tới, đã giáng cho các tướng lĩnh Quân đoàn 4 đòn cân não khá nặng. Mất Xuân Lộc, Sài Gòn bị uy hiếp nghiêm trọng, còn nếu mất Cần Thơ thì vùng 4 sẽ sập đổ tức khắc…

Lực lượng Quân đoàn 4 bị dàn mỏng, co kéo khắp vùng đào đâu ra quân tăng cường cho việc phòng thủ Cần Thơ….

Lính VNCH bỏ súng, mất hết tinh thần chiến đấu (Ảnh: Jean-Claude Francolon – Gamma / Newsweek số ra ngày 14-4-1975)

*

    Cuộc họp tan, Tần ra trực thăng trở về ngay trụ sở Bộ Tư lệnh của mình ở căn cứ không quân Bình Thủy. Vừa vào văn phòng Bộ Tư lệnh đã thấy Tướng Swanson, tùy viên không quân Mỹ và Trung tá Mitocher chờ sẵn. Sau khi đi thăm căn cứ, chủ yếu là xem xét khu vực bãi đỗ, đường băng và các vòm giấu phi cơ, Swanson làm việc với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 4 không quân. Đây là cuộc họp tuyệt mật, ngoài Tần, Chuẩn tướng Tư lệnh trưởng chỉ có Đại tá Nguyễn Văn Chín, Tham mưu phó hành quân Sư đoàn 4 không quân tham dự.

Tại cuộc họp, Swanson phổ biến cho Tần kế hoạch tuyệt mật về việc di chuyển Bộ Tư lệnh không quân Sài Gòn xuống Cần Thơ và việc di tản toàn bộ phi cơ khả dụng sang Thái Lan trong trường hợp xấu nhất – Sài Gòn sụp đổ. Swanson nói:

– Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ Tổng tham mưu của Tướng Viên dự trù, Bình Thủy sẽ trở thành căn cứ của Bộ Tư lệnh không quân Nam Việt Nam, nếu Sài Gòn bị tấn công. Trong trường hợp đó, Trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh không quân sẽ xuống Bình Thủy, Trung tâm không trợ 4 (tức Trung tâm kỹ thuật Sư đoàn 4 không quân) sẽ trở thành bộ chỉ huy hành quân của không quân. Người M đã có “kế hoạch hậu chiến” và phần đầu của kế hoạch đó là: Trong trường hợp xấu nhất, cơ quan DAO và Bộ Tư lệnh không quân quyết định sẽ di tản toàn bộ phi cơ khả dụng, kể cả các phi cơ khả dụng của Sư đoàn 4 không quân sang Thái Lan. Như vậy, ngay từ giờ sư đoàn phải chỉ thị từng hoa tiêu lái phi cơ nào cụ thể để khi có lệnh là các hoa tiêu lái máy bay đó đến Guam trước để đi Mỹ; đợt một ưu tiên gia đình cấp tá trở lên,

Tần chất vấn lại Swanson:

– Sư đoàn 4 không quân căn cứ vào đâu để phát lệnh di tản?

Swanson giải thích:

– Ngày Sư đoàn 4 không quân di tản là khi Mỹ đưa chất nổ vào phá kho tàng tại sân bay Biên Hòa và di tản toàn bộ phi cơ ở Biên Hòa về Tân Sơn Nhất. Sau đó từ 12 đến 24 giờ thì Sư đoàn 4 không quân sẽ di tản.

Nguyễn Văn Chín, Tham mưu phó hành quân nêu thắc mắc:

– Kế hoạch di tản trên còn mơ hồ. Anh em hoa tiêu có thể thắc mắc một khi đã lái phi cơ đi Utapao rồi họ có được đi Guam gặp lại gia đình không?

Mitocher trả lời, giọng tỉnh không:

– Việc có được gặp lại vợ con hay không, bằng cách nào và vào lúc nào là thẩm quyền của Bộ Tư lệnh không quân Sài Gòn. Trường hợp thực hiện việc di tản thì cho trực thăng vũ trang cất cánh trước, bao vùng bắn phá không cho binh lính, sĩ quan tại đây nổi loạn; sau đó cho A.37 mang bom sẵn sàng để sau khi các phi cơ cất cánh hết, sẽ ném bom phá hủy toàn bộ căn cứ không quân Bình Thủy và Vĩnh Long. Đây là kế hoạch hậu chiến tuyệt mật. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 4 không quân tuyệt đối không được phổ biến cho các đơn vị lục quân, thậm chí với cả tướng Nam, Tư lệnh trưởng Quân khu cũng chỉ được phép biết vào phút chót.

Người Mỹ và người Việt chờ visa để thoát khỏi Sài Gòn (Ảnh: UPI / Newsweek số ra ngày 21-4-1975)

*

Do nhận định sai, cho Tây Ninh là mặt trận chính nên toàn bộ Sư đoàn 25 bộ binh cắm chặt ở đây. Bộ chỉ huy nặng gồm có tướng Lý Tòng Bá, Tư Lệnh trưởng và toàn Ban Tham mưu Sư đoàn đóng tại Tòa hành chính Tây Ninh và tiểu khu Tây Ninh. Khi Long Khánh, Bình Dương bị áp lực mạnh, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3 nhận định mặt trận có thể cầm chân Sư đoàn 25 ở Tây Ninh, Sư đoàn 5 ở Bình Dương nhưng cũng có thể đưa một sư đoàn đánh bọc phía Hậu Nghĩa vây ép Sài Gòn. nên lệnh cho Sư đoàn 25 vẫn phải tiếp tục bám giữ Tây Ninh. Do nhận định sai lầm, Sư đoàn 5 bộ binh cho đến phút tàn cuộc chiến vẫn án binh bất động ở Bình Dương. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5 theo lệnh Toàn đã tái phối trí lại tuyến phòng thủ Bình Dương, rút hẳn một trung đoàn ra làm lực lượng trù bị để sẵn sàng chi viện cho Sư đoàn 25 ở Tây Ninh và Sư đoàn 18 ở Xuân Lộc. Vỹ cứ thụ động ngồi chờ như vậy trước một cuộc tấn công của Quân giải phóng, mà Vỹ dự đoán là sẽ đánh thẳng vào Lai Khê, trung tâm kháng cự của Sư đoàn 5. Nhưng rút cục chưa có lệnh điều quân tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc thì Sư đoàn 18 đã rút chạy…

Sáng 21/4, khi Bộ chỉ huy nhẹ và đám tàn quân của Sư đoàn 18 trên đường rút chạy khỏi Xuân Lộc về tới Long Bình thì Toàn cho gọi Lý Tòng Bá và Lê Nguyên Vỹ về Củ Chi. Toàn ra lệnh cho Bá chỉ để một lực lượng nhỏ giữ Tây Ninh, còn co toàn bộ Sư đoàn 25 về giữ tuyến phòng thủ từ Củ Chi chạy sang phía đông giáp sông Sài Gòn; phía bên kia sông Sài Gòn do Sư đoàn 5 của Vỹ đảm trách. Bộ Tư lệnh nhẹ của Sư đoàn 25 sẽ đóng ở Gò Đậu, còn Bộ Tư lệnh nặng đóng ở Đồng Dù…

Mất Xuân Lộc, vành đai bảo vệ Sài Gòn từ bên ngoài bị xuyên thủng, sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 bắt đầu rối loạn. Không kể lữ đoàn bảo vệ Phủ Tổng thống và các cơ quan đầu não, lực lượng bảo vệ “Biệt khu Thủ đô” lúc này chỉ có: ba liên đoàn biệt động quân, bảy đại đội lính dù, 11 tiểu đoàn bảo vệ, 20.000 cảnh sát các loại, 14 khẩu pháo 105 ly và khoảng một chi đoàn gồm 12 xe tăng và xe bọc thép M.113. Lực lượng này rất yếu; lính chủ lực hầu hết là tân binh, cảnh sát dã chiến phái sang và tàn binh vùng 1, vùng 2 chạy về Sài Gòn được tập hợp lại. Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô hết sức hoảng sợ. Một lần nữa, Minh lại đề nghị Bộ Tổng tham mưu cho rút Sư đoàn 18 mặc dù đã bị què quặt ở Xuân Lộc về phòng thủ nội đô Sài Gòn, nhưng Cao Văn Viên và Đồng Văn Khuyên không chịu. Vì vậy Minh phải tổ chức lại việc phòng thủ Biệt khu Thủ đô. Y cho thành lập bốn “khu chiến ven đô” gồm các khu chiến: Bắc – Nam – Đông – Tây. Phạm vi phòng thủ của các khu chiến này là đất đai thuộc tỉnh Gia Định, với nhiệm vụ cố ngăn chặn Quân giải phóng tại vành đai này, cách trung tâm Sài Gòn chừng 10 – 15km. Bên trong, Minh cho thành lập năm liên khu phòng thủ, mỗi liên khu gồm hai quận nội thành với lực lượng chiến đấu tại chỗ, được thành lập cùng các rào cản chiến xa và các ụ súng kiểm soát trên các cao ốc. Theo đề nghị của Minh, Nguyễn Văn Toàn đã điều Tiểu đoàn 7 dù từ Sài Gòn ra trấn giữ và sẵn sàng phá hủy bốn cây cầu (cầu Đồng Nai, cầu Sắt, cầu Xe Hỏa và cầu xa lộ Đại Hàn) nếu như Biên Hòa mất, để chặn bước tiến của Quân giải phóng vào Sài Gòn…

Sài Gòn tập trung cho sự kháng cự cuối cùng một cách tuyệt vọng và hoảng loạn. Từ tối 17/4, thành phố bắt đầu thực tập báo động trong tình huống giả định bị Quân giải phóng tiến công trực diện. Ngay sau khi hồi còi hụ giới nghiêm rú lên, đồng loạt 354 khóm chiến đấu tại nội đô Sài Gòn thực tập báo động trong phạm vi lãnh thổ khóm. Kẻng báo động vang khắp nơi. Các đoàn viên chiến đấu ra ngay vị trí bố phòng. Các cổng rào tại các tiểu khu, liên tiểu khu được đóng kín. Nhà nhà đóng cửa, tắt đèn, không ai ra khỏi nhà. Các toán chiến đấu được phân công chiếm các cao ốc trọng yếu, đặt súng bố phòng nghiêm ngặt. Các toán tuần tiễu thì lùng sục khắp hang cùng, ngõ hẻm để phòng ngừa đặc công cộng sản nằm vùng hay vừa xâm nhập vào khóm. Các toán vũ trang tuyên truyền bắc loa kêu gọi bình tĩnh và chỉ dẫn mọi người chi tiết khi có cuộc báo động thật xảy ra. Đường phố ngổn ngang các ổ phòng thủ, rào kẽm gai, vật chướng ngại. Trên lối đi đối diện với bồn phun nước ở ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi, những ống xi măng màu trắng được xếp từng hàng, cứ cái nọ sát cạnh cái kia rồi dồn đất đầy bên trong và trám xi măng lại. Cạnh đó, những đống quần áo xanh, đỏ, trắng, tím, vàng đổ ra bán tháo tung tóe trên vỉa hè, tràn cả ra lòng đường mà chả ma dại nào mua. Các sạp vải ở chợ Bến Thành cả tuần không bán được một thước. Trên đường phố nơi có nhiều quán bán thức ăn nhanh, nhà hàng, những gương mặt của các kiều nữ đứng ngóng ngoài cửa như muốn chảy dài khi người tình về nước không một cái vẫy tay, không để lại một nụ hôn hay đồng đôla nào… Sài Gòn phập phồng nỗi lo sợ trong từng hơi thở và cảm nhận rất rõ ràng rằng giờ phút cuối cùng đã tới. Cuộc di tản lớn của người Mỹ và người nước ngoài ra khỏi Sài Gòn đã bắt đầu. Dòng thác người và lính hốt hoảng chạy về dồn ứ ở Sài Gòn và không biết chạy tiếp đi đâu. Thành phố đã tiến tới sát miệng hố của sự hoảng loạn. (Còn nữa)

Trần Mai Hạnh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN