Vụ đột kích Sơn Tây: Một nghịch lý tình báo

Vụ đột kích Sơn Tây, mật danh của quân đội Mỹ là chiến dịch Bờ Biển Ngà (tiếng Anh: Operation Ivory Coast), là cuộc đột kích của quân đội Mỹ bằng máy bay trực thăng vào một trại giam ở ngoại ô phía tây thị xã Sơn Tây diễn ra vào đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21/11/1970, nhằm giải thoát khoảng 65 phi công Mỹ bị quân đội và người dân miền Bắc Việt Nam bắt làm tù binh trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc do Mỹ phát động và thực hiện.

Để thực hiện cuộc đột kích này, biệt kích Mỹ đã trải qua 170 lần diễn tập với sự tham gia của hơn 100 lính đặc nhiệm, 28 máy bay, gần 20 phi công trực thăng giỏi nhất của Mỹ. Vụ đột kích không đạt được mục tiêu do toàn bộ tù binh Mỹ đã được đưa đến một trại giam khác trước đó do rò rỉ tin tức tình báo từ phía Mỹ. Do sai sót này nên Mỹ đã cải tổ Cơ quan tình báo một năm sau đó.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống Lực lượng An ninh Nhân dân Việt Nam 12/7, Tạp chí Phương Đông giới thiệu với độc giả bản dịch bài nghiên cứu “The Son Tay Raid: An Intelligence Paradox” của tác giả Sharon A. Maneki phân tích thất bại tình báo này của Mỹ.

Vụ đột kích Sơn Tây hồi tháng 11/1970 trong Chiến tranh Việt Nam là một trong các mưu toan giải cứu táo bạo nhất trong lịch sử. Mặc dù đã xảy ra hơn 50 năm trước, nó vẫn còn là một đề tài được chú ý và gây tranh cãi. Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ đã xâm nhập sâu vào trong lãnh thổ Bắc Việt, chỉ cách Hà Nội 23 dặm Anh (mile) về hướng Tây Bắc, nhằm mang về nước khoảng 55 đồng bào của họ đang bị bắt giữ làm tù binh chiến tranh.

Bất kỳ sự tiến quân nào vào lãnh thổ địch đều nguy hiểm, bởi phòng vệ thủ đô luôn luôn là một ưu tiên cao nhất của một quốc gia, và các lực lượng phòng thủ thiện chiến nhất ứng trực để bảo vệ thủ đô. Vì thế, tiến quân đến quá gần Hà Nội thì cực kỳ nguy hiểm. Trong cuộc chiến, quân Bắc Việt được chứng tỏ là những chiến binh ngoan cường với một quyết tâm mạnh mẽ nhằm đạt được mục đích của họ bất kể cuộc chiến kéo dài bao lâu hay họ phải gánh chịu các tổn thất nhiều đến đâu.

Trại giam Sơn Tây khoảng tháng 10-11/1970 (Ảnh do Quân đội Mỹ chụp)

Mặc dù trại giam tù binh chiến tranh Sơn Tây phần nào biệt lập bởi vị trí của nó trên bờ một nhánh của sông Hồng, vẫn có các mối nguy hiểm rình rập. Một thị trấn gần trại giam tiếp nhận một số cơ sở và thiết bị quân sự, chẳng hạn như các toán quân truyền tin và các trường huấn luyện phòng không. Ngoài ra, có hàng nghìn nhân viên quân sự Bắc Việt tại khu vực này. Mối nguy hiển nhiên về sự tấn công của địch không phải là hiểm họa duy nhất mà quân Mỹ phải đối diện. Nội việc đáp an toàn xuống trại giam đã là một thách đố bởi các hàng rào và diện tích nhỏ hẹp. Những cây to, ba tháp canh, và một bức tường cao bảy bộ Anh (feet) bao quanh trại giam. Khoảng cách giữa các bức tường phía bắc tới phía nam chỉ dài 185 bộ Anh. Khoảng cách giữa các bức tường phía đông sang tây chỉ có 132 bộ Anh.

Bài viết này sẽ khảo sát vai trò của Tình báo Tín hiệu (Signals Intelligence: SIGINT) trong cuộc đột kích Sơn Tây, một cuộc đột kích vẫn còn gây tranh cãi bởi nó liên can đến một trong những thất bại tình báo lớn nhất trong Chiến tranh Việt Nam. Ngoài vai trò của SIGINT, các câu hỏi khác sẽ được khảo sát trong bài viết này là: Đâu là các khía cạnh thành công của cuộc đột kích? Tại sao một thất bại như thế đã xảy ra? Phải chăng đã có quá nhiều sự phân cách bao quanh nhiệm vụ này? Liệu Bắc Việt có biết trước về cuộc đột kích Sơn Tây hay không?

Trong năm 1970, khi vụ đột kích Sơn Tây được hoạch định và thi hành, sự ủng hộ của Mỹ cho Chiến tranh Việt Nam đang tàn lụi. Ngay cả các nhân vật bảo thủ, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Barry Goldwater (Đảng Cộng hòa, Tiểu bang Arizona), những người đã ủng hộ chiến tranh, nay cũng thấm mệt vì nó. Như Goldwater đã giải thích: “Nếu chúng ta còn chẳng buồn cố gắng để chiến thắng thứ chết tiệt đó, thì hãy thoát ra khỏi đó. Những người hữu ích đang chết một cách vô ích”.

Tiến trình triệt thoái các binh sĩ Mỹ cũng đã được tiến hành trong năm 1970. Để chống đỡ cho sự triệt thoái các binh sĩ Mỹ, Tổng thống Nixon đã chấp thuận một cuộc xâm nhập vào Campuchia. Cuộc xâm nhập, khởi sự hôm 01/5/1970, được triển khai nhằm ngăn trở luồng nhân sự và tiếp liệu từ Bắc Việt vào Nam Việt Nam. Mặc dù phía Hoa Kỳ đã tịch thu được một khối lượng tiếp liệu khổng lồ, Bắc Việt vẫn tiếp tục sử dụng Đường mòn Hồ Chí Minh để chống đỡ cho nỗ lực chiến tranh của mình tại Nam Việt Nam.

Các cuộc hòa đàm ở Paris, khởi sự từ ngày 13/5/1968, nhưng kết quả chỉ có sự tiến bộ nhỏ. Ví dụ, suốt năm 1968, các nhà thương thuyết đã không làm gì ngoài việc tranh luận về hình dạng và kích thước của chiếc bàn thương nghị. Vào năm 1970, các cuộc hòa đàm vẫn còn dậm chân ở các cuộc tranh luận về thủ tục. Với sự triệt thoái của binh sĩ Mỹ và thời gian nằm bên phía họ, Bắc Việt đã không có lý do để nhượng bộ các đòi hỏi của Mỹ về sự từ bỏ lãnh thổ hay chấp nhận chế độ Nam Việt Nam. Một mối thất vọng khác cho Hoa Kỳ là vì Bắc Việt còn giam giữ các tù binh chiến tranh người Mỹ. Trong năm 1970, có khoảng 630 tù binh chiến tranh. Nếu hai bên không thể thương thảo việc phóng thích các tù binh này, một thế lực quân sự hùng mạnh như Hoa Kỳ có thể buộc phải hành động.

“Barbara” là mật hiệu của một mô hình đúng theo kích thước của trại giam Sơn Tây được xây dựng bởi Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ và được sử dụng để huấn luyện lực lượng tấn kích Sơn Tây tại Căn cứ Không quân Eglin, Tiểu bang Florida

Trong tháng 4/1970, Phi đội Hoạt động Đặc biệt 1127, Bộ Chỉ huy, Không lực Hoa Kỳ, có nhận được tin tức tình báo cho hay Bắc Việt giam giữ các tù binh Hoa Kỳ tại ngoại ô thành phố Sơn Tây, Bắc Việt. Phó Giám đốc Kế hoạch và Chính sách Không lực, James R. Allen, nêu đề nghị về một nỗ lực giải cứu với Chuẩn tướng Donald D. Blackburn. Blackburn, phụ tá đặc biệt về chống phiến loạn và các hoạt động đặc biệt, đã thuyết trình trước Bộ Tham mưu Liên quân (BTMLQ) hôm 5/6 và đề nghị các nhân viên hoạch định tham mưu không quân khảo sát tính khả thi của việc giải cứu các tù binh Mỹ ra khỏi Sơn Tây. Mặc dù vấn đề này đã được nghiên cứu trên một số trại giam, chỉ có trại Sơn Tây được lựa chọn bởi có nhiều tin tức tình báo về vị trí này hơn là các trại khác. Sau một số nghiên cứu sơ khởi bởi một toán nhỏ gồm các đại diện của mọi ngành và Cơ quan Tình báo Quốc phòng (Defense Intelligence Agency), Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird và BTMLQ đã chấp thuận đề xuất và ra lệnh thành lập một Nhóm Đặc nhiệm Tình trạng bất ngờ hỗn hợp.

Nhóm Đặc nhiệm phụ trách việc khai triển các kế hoạch hành quân chi tiết và tổ chức cũng như huấn luyện nhân viên thực hiện việc giải cứu. Nó được kích hoạt vào ngày 08/8/1970. Tư lệnh Lực lượng các Hoạt động Đặc biệt Không lực Hoa Kỳ tại Căn cứ Không quân Eglin thuộc tiểu bang Florida, Chuẩn tướng Leroy J. Manor, trở thành tư lệnh của nhóm này. Đại tá Arthur D. Simons, Lục quân Hoa Kỳ, thuộc Quân đoàn Nhảy dù 18 tại trại Fort Braggs, tiểu bang North Carolina, là phó tư lệnh. Phi hành đoàn và các lực lượng diện địa được tuyển chọn và túc trực tại Eglin vào ngày 06/9. Việc hoạch định và huấn luyện phải diễn ra đồng thời bởi thời gian eo hẹp. Nhóm Đặc nhiệm đề nghị rằng nhiệm vụ sẽ diễn ra vào ngày 21/10, với một nhật kỳ dự khuyết là ngày 21/11. Khái niệm chiến thuật được chấp thuận bởi BTMLQ và Bộ trưởng Quốc phòng trong tháng 9. Vào ngày 08/10, Nhóm Đặc nhiệm đã thuyết trình trước Tiến sĩ Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Nixon. Tổng thống chấp thuận kế hoạch nhưng đã triển hoãn thi hành nó cho đến tháng 11.

SIGINT đã không được tham gia vào việc lập kế hoạch cho đến ngày 10/8/1970, khi BTMLQ yêu cầu Tư lệnh Thái Bình Dương (Commander-in-Chief Pacific: CINPAC) chỉ định một đại diện của SIGINT vào Nhóm Đặc nhiệm. Vị trưởng Nhóm Trợ giúp SIGINT cho Cơ sở Phân tích Phòng không của Không lực Thái Bình Dương (Pacific Air Force’s Air Defense Analysis Facility) tại Hawaii được chỉ định vào ban tham mưu của Manor. Vào ngày 26/8/1970, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (CQANQG – National Security Agency: NSA), Đô đốc Noel Gayler, đã đặt bí danh “Adrenaline” cho dự án với đại diện trực tiếp của ông trong Nhóm Đặc nhiệm. Vị đại diện này (danh tính vẫn còn được giữ bí mật cho đến nay) đã tập hợp một mạng lưới phức tạp và phân cách của các tổ thu thập, phân tích, và báo cáo. An ninh là mối quan tâm tối thượng đối với những người lập kế hoạch. Đại diện CQANQG của Gayler giữ các chi tiết về công tác, phân cách với các nhân viên phân tích các năng lực phòng không của Bắc Việt.

SIGINT đã đóng một vai trò đáng nể cả trong việc hoạch định lẫn thực hiện cuộc đột kích Sơn Tây. Nhóm Đặc nhiệm đã hy vọng rằng SIGINT có thể cung cấp tin tức về hệ thống phòng không của Bắc Việt nhằm xác định các tuyến đường xâm nhập và rút lui tốt nhất và ít phòng vệ nhất cho máy bay tấn công. Một phác họa phức tạp về các phản ứng và năng lực của Bắc Việt đã được soạn thảo. Tình báo Truyền tin (Communications Intelligence: COMINT) và Tình báo Điện tử (Electronic Intelligence: ELINT) đã cung cấp các tin tức về sự chỉ huy và kiểm soát, thời gian phản ứng của các hỏa tiễn đất đối không và các đơn vị pháo binh phòng không, thời gian báo cáo và sự chính xác của radar và các mạng lưới quan sát hay chấm định, và vị trí và tình trạng của các máy bay MiGs. Vị trí và hoạt động của các phi công máy bay MiG có khả năng bay đêm là một loại tin tức trọng yếu khác mà Nhóm Đặc nhiệm nhận được từ SIGINT.

Một yêu cầu SIGINT trọng yếu nữa cho Nhóm Đặc nhiệm là nhu cầu báo cáo đặc biệt về tình trạng khí tượng địa phương trên các đường bay này, và tin tức về những thay đổi có thể ảnh hưởng đến công tác. Vùng xung quanh Sơn Tây nổi tiếng có sương mù ở độ thấp, hơi nước và mưa trong tháng 11, thời điểm dự kiến của cuộc đột kích.

Suốt tháng 8 và hầu hết tháng 9, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Đô đốc Gayler, đại diện của ông tại Nhóm Đặc nhiệm, và đại diện Cơ quan NSA tại Bộ Quốc phòng, Milton Zaslow (danh tính của Gayler và Zaslow được sử dụng bởi họ đã sẵn là các nhân vật được công chúng biết đến) là những người duy nhất tại NSA biết đến cuộc đột kích Sơn Tây. Gayler và Zaslow đã quyết định phái thêm nhiều nhân viên vào hoạt động này bởi họ cảm thấy rằng đại diện của NSA tại Nhóm Đặc nhiệm đã không được tiếp cận với mọi tin tức mà người đó có thể cần đến. Họ thông báo có thêm năm nhân viên cao cấp, là những người sắp xếp cho các phân tích viên NSA thực hiện các cuộc nghiên cứu sâu hơn về hệ thống phòng không của Bắc Việt. Cũng giống như các phân tích viên dưới quyền vị đại diện NSA tại Nhóm Đặc nhiệm, các phân tích viên tại Bộ Chỉ huy NSA thực hiện các cuộc nghiên cứu khác nhau đã không được cho hay về lý do thực sự của các cuộc nghiên cứu này.

Thu thập tin tức không phải là mối quan tâm duy nhất của các nhà hoạch định SIGINT. Một sự cứu xét quan trọng khác đối với phía Mỹ là không được vô tình tiết lộ cho phía Bắc Việt qua việc thực hiện bất kỳ khuôn mẫu hoạt động bất thường nào. Thí dụ, các phi vụ RC-135 thuộc chương trình thám thính thu thập tin tức bằng máy bay, được gọi là Combat Apple (Trái táo Chiến đấu), được sắp đặt để trợ giúp Nhóm Đặc nhiệm, sẽ phải làm việc vào buổi tối trên Vịnh Bắc Việt, một thời khoảng mà các chuyến bay SIGINT hoàn toàn chưa bao giờ phi hành. Đại diện Nhóm Đặc nhiệm đã giải quyết vấn đề này bằng việc dàn xếp với Bộ Chỉ huy Không quân Chiến lược (Strategic Air Command: SAC) thiết lập một phác đồ phi hành như thế trong các tuần lễ trước khi dẫn đến công tác sao cho Bắc Việt sẽ nhận thức các phi vụ này là bình thường.

Khi thời điểm chỉ định đến gần, đại diện [NSA] trong Nhóm Đặc nhiệm đề xuất các kế hoạch cho các hoạt động của SIGINT trong suốt phi vụ. Năm ngày trước cuộc đột kích, ông ta bay đến Đà Nẵng, tổng hành dinh cho cuộc hành quân. Một ngày trước khi thực hiện nhiệm vụ, các viên chức NSA đã sắp xếp một tin nhắn sẽ được gửi đến mọi địa điểm để theo dõi các hoạt động trên không phận Bắc Việt – mà không tiết lộ bản chất của phi vụ.

Thời biểu của cuộc hành quân được di chuyển sớm hơn một ngày bởi Trận bão Patsy đang tiến đến từ phía tây. Bão Patsy đã đổ xuống Philippines hôm 19/11 và đe dọa Biển Nam Trung Hoa và vùng Vịnh Bắc Việt. Cơn bão này có thể ảnh hưởng đến thời tiết trên đường xâm nhập của máy bay chở nhóm biệt kích. Đường xâm nhập khởi hành từ Takhli, Thái Lan, ngang qua Lào và dọc theo phần phía tây của Bắc Việt. Bầu trời quang đãng rất cần thiết cho việc tái tiếp tế nhiên liệu trên đường xâm nhập, và lực lượng tấn công cần có trăng sáng khi họ công kích trại giam tù binh chiến tranh. Ngoài ra, nếu biển quá động, cuộc không kích đánh lạc hướng của Hải quân Mỹ tại hải cảng Hải Phòng sẽ phải bị hủy bỏ.

Vào lúc 21 giờ tối hôm 20/11, các máy bay trực thăng và máy bay vận tải C-130 chở các lực lượng giải cứu, và các máy bay hộ tống bắt đầu rời Thái Lan đến Sơn Tây. Hơn một trăm máy bay chủ yếu phục vụ cho công tác và yểm trợ hoạt động từ bảy căn cứ và ba hàng không mẫu hạm đã tham dự. Để gây rối loạn đối phương, Hải quân Mỹ đã triển khai một hoạt động đánh lạc hướng ở cảng Hải Phòng trong khi các máy bay đang bay theo hướng ngược lại đến Sơn Tây. Kế hoạch của Hải quân Mỹ đòi hỏi các máy bay từ ba hàng không mẫu hạm của Lực lượng Đặc nhiệm 77 thực hiện 59 phi vụ, trong đó chúng sẽ thả các hỏa châu bên trên hải cảng. Với quá nhiều hoạt động trên không phận của Bắc Việt, sẽ có nhu cầu lớn về sự hỗ trợ của SIGINT.

Sự yểm trợ trên đất liền và trên không của SIGINT đã là một phần kết hợp của công tác Sơn Tây. Iron Horse (Ngựa Sắt), một hệ thống máy điện toán tự động thu nhận và chuyển đổi các hành động theo dõi bằng radar của Bắc Việt, là một thí dụ của sự yểm trợ trên đất liền. Trong suốt cuộc hành quân, các lực lượng đã phải bay ở các cao độ rất thấp để bị radar của Bắc Việt phát hiện. Sự cần thiết của các đường bay ở độ thấp có nghĩa các radar Hoa Kỳ không thể theo dõi tiến độ của chúng. Vì thế, SIGINT sẽ là nguồn tin tức duy nhất để duy trì sự giám sát tiến độ của cuộc hành quân cho vị chỉ huy trận đánh. Cách hay nhất để cung cấp tin tức về phản ứng và ý định phòng thủ thực sự của Bắc Việt trong suốt cuộc hành quân là việc sử dụng Combat Apple (Trái táo Chiến đấu).

Công tác này là một phi vụ mất nhiều thời gian. Tổng thời gian công tác từ lúc bắt đầu cho đến lúc thu quân vào khoảng năm tiếng rưỡi đồng hồ, với ba mươi phút ngưng bay khi các binh sĩ có mặt trên nền đất tại Bắc Việt. Đây là một thời khoảng gây lo ngại lớn lao cho mọi người can dự vào cuộc hành quân.

Một phòng hội nghị đã được thiết lập tại Lầu Năm Góc cho BTMLQ và các đại diện cao cấp từ các binh chủng và cộng đồng tình báo để quan sát cuộc hành quân. Vào khoảng 30 hay 40 phút sau khi khởi sự công tác, nhóm tuyển chọn tại Lầu Năm Góc được cho hay về một sự báo động phi cơ MiG chống lại công tác đang được tiến hành. Zaslow phản đối rằng tin tức này là không chính xác. SIGINT cho biết rằng các phi công MiG có thể bay đêm không có mặt trong khu vực. Vào lúc này, một nhân viên dân sự trẻ tuổi có nói với BTMLQ và các viên chức cao cấp khác rằng báo động đó đã sai lầm.

Vào khoảng năm phút sau đó, họ hay biết rằng sự báo động đã được bãi bỏ. Như Zaslow đã giải thích: “Đó là năm phút thật dài đối với tôi. Sự khả tín của SIGINT đối với quân đội đã gia tăng một cách đáng kể nhờ kinh nghiệm này”. Một sự cảnh báo về máy bay MiG đã được phát ra do nhầm lẫn, và Combat Apple đã cải chính tin tức sai lạc này.

Các tiên đoán khác của SIGINT về phản ứng của hệ thống phòng không Bắc Việt đối với cuộc xâm nhập này đều rất chính xác. Sự tuyển chọn các đường bay vào và ra khỏi Bắc Việt đã được chứng tỏ là tuyệt hảo. Sự tiên đoán rằng nếu máy bay Hoa Kỳ bay ở cao độ dưới 2.500 bộ Anh (feet), chúng có thể tránh được sự phát hiện bởi các radar của Trung Quốc và Bắc Việt, là chính xác. Lực lượng tấn công chính yếu không hề bị phát hiện trong khi xâm nhập hay rút ra. Thời gian phản ứng dành cho các hỏa tiễn đất đối không của Bắc Việt lâu hơn các ước định của SIGINT. SIGINT ước lượng là 27 phút. Thời gian thực sự trôi qua từ lúc các cơ sở radar của Bắc Việt phát hiện chiến đấu cơ cho đến lúc hỏa tiễn đầu tiên được khai hỏa là 36 phút 42 giây.

Việc nhắm vào các mục tiêu bên hướng đông và hướng tây của các phi trường chiến đấu cơ chính yếu của Bắc Việt đã tạo ra sự hoang mang lớn. Đã có một sự rối loạn hoàn toàn trong hệ thống chỉ huy và kiểm soát phòng không của Bắc Việt. Sự đánh lạc hướng trù hoạch bởi Hải quân Hoa Kỳ rõ ràng có hiệu quả. Các kế hoạch và việc triển khai chúng gần như không có khuyết điểm. Song, khi các lực lượng tấn công đổ bộ trại giam Sơn Tây, các phòng giam đều trống rỗng. Sau một cuộc lục soát kỹ lưỡng nhà giam, các lực lượng đã bay về Thái Lan.

Rạng sáng hôm 21 thá/11/ 1970, các tù binh Mỹ bị giam tại nhà tù Dan Hoi [?], chỉ cách trung tâm Hà Nội mười dặm về phía tây, bị đánh thức bởi tiếng súng nổ và các vụ nổ cách họ khoảng mười dặm về phía tây tại vùng phụ cận của thị trấn Sơn Tây. Một trong những điều trớ trêu của Chiến tranh Việt Nam là các tù binh tại Dan Hoi có nghe được tiếng đạn và tiếng nổ của nỗ lực giải cứu họ tại Sơn Tây. Các tù binh này đã được chuyển đến Dan Hoi – một trại giam gần Hà Nội hơn và có tiện nghi tốt hơn – hôm 14 tháng 7, 1970 để tránh lụt lội từ sông Côn, gần nơi tọa lạc của trại giam Sơn Tây.

Trong tháng Tư 1970, các phi vụ chụp không ảnh trên trại giam được tiến hành bởi máy bay SR-71 và các máy bay thám thính không người lái “Buffalo Hunter” đã xác định sự hiện diện của các tù binh Mỹ. Tuy nhiên, trong bảy tháng kế tiếp, các phi vụ chụp không ảnh tiếp theo, hai mươi chuyến cho mỗi máy bay SR-71 và các máy bay không người lái trong vùng, đã cho thấy không có sự hiện diện của các tù binh Mỹ. Các phi vụ chụp ảnh này không tìm thấy các lính gác hay bất kỳ hoạt động nào, chẳng hạn như lửa khói nấu ăn, các đội hình, hay các xe tiếp tế đi liền với hoạt động của nhà tù. Tuy nhiên, sự vắng bóng của bất kỳ hoạt động nào tại Sơn Tây xem ra không hề gây thắc mắc cho các nhà hoạch định công tác để đặt câu hỏi liệu các tù binh còn ở đó hay không.

Trong suốt bảy tháng hoạch định và huấn luyện của nhóm giải cứu trước cuộc đột kích, không người nào đã cố gắng chứng thực rằng liệu các tù binh chiến tranh vẫn còn ở đó hay không. Tại sao các nhân viên lại không đặt ra một câu hỏi căn bản như thế? Việc hoạch định và huấn luyện vẫn tiếp diễn, như thể công tác đã có một động lực của riêng nó bất kể những gì có thể là tình hình thực tế tại Sơn Tây.

Toán biệt kích đổ bộ trại giam Sơn Tây

An ninh xung quanh công tác Sơn Tây chắc chắn là cần thiết, nhưng đã có quá nhiều sự phân cách chăng? Các phân tích viên ở cả tổng hành dinh của NSA lẫn tại các địa điểm tại chỗ là những người đang nghiên cứu hệ thống phòng không Bắc Việt và tìm kiếm bằng chứng về sự hay biết trước không hề được nói cho biết bản chất đích thực của công tác cho đến khi nó được tiến hành. Phi hành đoàn từ Phi đội An ninh (Security Squadron) 6990 bay các phi vụ của Combat Apple trong cuộc hành quân chỉ hay biết phạm vi thực sự của các nhiệm vụ của họ khi họ đang trên không. Làm sao các phân tích viên có thể tìm kiếm tin tức nếu họ không biết về những gì họ đang tìm kiếm?

Không rõ tin tức về vị trí các tù binh có được cung ứng tại SIGINT hay không. Các kết quả có thể khác biệt nếu các phân tích viên hay biết được mục đích đích thực công việc của họ. Nếu có ít sự phân cách hơn, có lẽ câu hỏi rằng liệu các tù binh vẫn còn ở Sơn Tây sẽ được nêu lên. Các phân tích viên phải luôn luôn hỏi các câu hỏi khó khăn.

Câu hỏi là liệu phía Bắc Việt có được báo hiệu về công tác Sơn Tây hay không đáng được khảo sát thêm. Tôi muốn phủ nhận hai tuyên bố về sự hay biết trước bởi phía Bắc Việt hàm ý đến từ các nguồn tin SIGINT. Tuyên bố đầu tiên xảy ra vào năm 1971 trong một bài viết trong số tháng 1 của tờ Human Events, một tạp chí chính trị. Bài viết, nhan đề “Bắc Việt đã được thông báo về cuộc đột kích của Hoa Kỳ vào trại giam POW?”, tuyên bố rằng Cơ quan NSA có nghe trộm được một cảnh cáo từ Bắc Việt cho thấy sự hay biết trước về cuộc đột kích Sơn Tây. Cơ quan NSA có đưa ra một tường thuật từ Bắc Việt cảnh cáo về hoạt động của địch hôm 29 tháng 10, hai mươi mốt ngày trước chuyến công tác Sơn Tây. Tin điện, được truyền đi hôm 23/10, cảnh cáo về hoạt động của địch dọc theo Đường Mòn Hồ Chí Minh, trong suốt mùa khô. Không có sự đề cập nào đến Sơn Tây hay ngay cả các tù binh chiến tranh. Trung đoàn Công binh số 1 Bắc Việt, hoạt động tại Lào, đưa ra các chỉ thị cho các đơn vị phụ thuộc phải tăng cường an ninh dọc theo chiều dài của Đường Mòn Hồ Chí Minh. Các công nhân được nói cần cảnh giác “các kẻ lạ đáng nghi ngờ”. Họ cũng được chỉ thị “tăng cường ngụy trang… củng cố công sự và các địa điểm đóng quân… và chuẩn bị nhiều vị trí lưu động để cất giấu xe cộ”.

Đại diện NSA tại Nhóm Đặc nhiệm có hay biết về báo cáo ngày 29 tháng 10, nhưng đã không có lý do để bị hoảng sợ. Phía Bắc Việt đang sử dụng Đường mòn Hồ Chí Minh, từ Bắc Việt xuyên qua vùng cán chảo của Lào xuống Nam Việt Nam, để tiếp tế cho các binh sĩ của họ tại Nam Việt Nam từ năm 1959. Câu chuyện của tờ Human Events không có giá trị gì.

12 năm sau trận đột kích Sơn Tây, tờ Washington Post có đăng tải một bài viết của Jack Anderson tuyên bố rằng các viên chức Lầu Năm Góc có hay biết rằng trại giam bị bỏ trống nhưng vẫn cứ tiến hành cuộc đột kích bất luận ra sao. Theo bài viết ngày 12/2 này, Lầu Năm Góc đã tiến hành cuộc đột kích “để tạo ấn tượng với Bắc Việt về sự khả dĩ bị xâm kích của họ”. Nguồn tin của Anderson là hai cá nhân từ Phi đội 6990 SS, những người tuyên bố rằng họ đã cảnh báo Cơ quan NSA rằng trại giam trống không. Những người này tuyên bố rằng một tá máy bay vận tải Ilyushin đã chở các tù binh đi từ phi trường Sơn Tây.

Tuyên bố của Anderson thì không xác thực bởi vài lý do. Trước tiên, như đã đề cập trước đây, rất ít phân tích viên tình báo hay biết rằng cuộc đột kích sắp xảy ra. Chỉ có nhân viên giám sát công tác trên không và sĩ quan chỉ huy của Phi đội 6990 SS là hay biết về cuộc đột kích trước khi nó diễn ra. Thứ hai, bởi trại giam Sơn Tây tọa lạc gần một phi trường, các chuyến bay của Ilyushin-18 trong khu vực không phải bất thường. Hơn nữa, tại sao phía Bắc Việt lại sử dụng máy bay để chuyên chở các tù nhân trên một khoảng cách có mười dặm? Các tù binh chiến tranh đã được vận chuyển bằng xe tải từ Sơn Tây trong tháng 7/1970, như một phần của một sự củng cố tổng quát các trại giam POW của Bắc Việt.

Nghịch lý của vụ đột kích Sơn Tây vẫn còn đó: Tình báo Hoa Kỳ biết nhiều về năng lực của đối phương, nhưng đã không chứng thực rằng các tù binh đã được di chuyển đến trại giam khác. Cuộc giải phẫu là một thành công, nhưng bệnh nhân đã từ trần.

_____

Bài viết này dựa trên các tài liệu giải mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (National Security Agency), Hoa Kỳ. Các quan điểm là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Cơ quan NSA hay Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Danh tính của một số cá nhân nào đó không thể được xác định cụ thể bởi còn được giữ bí mật.

Sharon A. Maneki

Ngô Bắc dịch

Nguồn: Sharon A. Maneki, “The Son Tay Raid: An Intelligence Paradox”, The Journal of American-East Asian Relations, Vol.10, No.3-4 (Fall-Winter 2001), 211-219

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN