Đông Dương và Thế giới Mã Lai: Một cái nhìn khái quát về quan hệ Mã Lai - Việt Nam đến giữa thế kỷ XIX (Kỳ 1)

Việt Nam và thế giới Mã Lai* có quan hệ lâu đời, đặc biệt thông qua con đường thương mại trên biển. Các cảng biển của Việt Nam và Mã Lai đều chiếm vị trí quan trọng trong nền hải thương châu Á. Để cung cấp cho bạn đọc cái nhìn khái quát về mối quan hệ mật thiết từ xa xưa giữa hai nền văn hóa trù phú của Đông Nam Á, Tạp chí Phương Đông trích đăng bài nghiên cứu của học giả Nguyễn Thế Anh trên Tạp chí Châu Á (Asia Journal), tập 3, số 1 (1996).

Ở Việt Nam, thời đại đồ đồng đạt đến đỉnh cao ở văn hóa Đông Sơn, có thể bắt nguồn từ 1000 năm TCN. Các kết nối của nền văn hóa này với bên ngoài được phản ánh trong phạm vi lãnh thổ mà trống đồng được tìm thấy: Vân Nam và Tứ Xuyên thuộc miền Nam Trung Quốc, bán đảo Mã Lai, miền Nam Sumatra, Java, Bali, Sumbawa và Salayar. Các đồ vật bằng đồng được khai quật ở Đông Sơn và những địa điểm Đông Nam Á khác như Samrong Sen, Mlu Prei ở Campuchia, Non Nok Tha, Ban Chiang và Non Chai ở Thái Lan, Kompong Sungai Lang ở Tây Malaya, Gilimanuk ở Bali… có sự tương đồng trong kỹ thuật và cách trang trí đến nỗi không thể không tin vào mối liên hệ văn hóa giữa các địa điểm này. Nhưng những bằng chứng hiện tại cho thấy rằng các nền văn hóa khác nhau này đều tiên tiến như nhau, và có vẻ bất hợp lý khi coi Việt Nam là nguồn duy nhất xuất khẩu trống đồng Đông Sơn ban đầu. Phép đo đồng vị phóng xạ Carbon-14 cho thấy trống đồng Mã Lai có niên đại từ 500 năm TCN. Điều này chứng tỏ rằng trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ của Việt Nam thậm chí còn cổ hơn. Do đó, rất có thể văn hóa Đông Sơn đã giao thoa với các nền văn hóa Đông Nam Á khác trong thiên niên kỷ cuối cùng TCN. […]

Vì thế, Đông Nam Á lục địa được coi là một khu vực phát triển, trong đó nền tảng văn minh rất có thể đã xuất hiện trước khi bắt đầu tiếp nhận ảnh hưởng từ Ấn Độ. Do vậy, các sử gia tiền sử đã phải thừa nhận rằng khi Đông Nam Á cảm nhận được tác động của văn hóa Ấn Độ, thì nó đã có một nền văn hóa của riêng mình. Trong cuốn The Indianized States of Southeast Asia (Các quốc gia Ấn Độ hóa ở Đông Nam Á), George Coedes đã tóm tắt những nét đặc trưng của nền văn minh này như sau: “về văn hóa vật chất: việc trồng lúa nước, thuần hóa trâu bò, sử dụng kim loại, kiến ​​thức hàng hải; về hệ thống xã hội: tầm quan trọng của vai trò người phụ nữ và của mối quan hệ mẫu hệ, và cách tổ chức xã hội xuất phát từ nhu cầu tưới tiêu nông nghiệp; về tôn giáo: niềm tin vào thuyết vật linh, thờ cúng tổ tiên và thổ địa, xây dựng đền thờ ở nơi cao, chôn cất người chết trong bình tiểu hoặc mộ đá; về thần thoại: thuyết nhị nguyên vũ trụ giữa núi và biển, giữa sinh vật có cánh và sinh vật sống dưới nước, giữa người vùng núi và người vùng biển”.

Quan trọng hơn, các nhà khảo cổ học bắt đầu nghĩ rằng những mạng lưới thương mại rộng lớn có thể đã được thiết lập từ trước, phát triển từ 3000 năm TCN, có lẽ là do nhu cầu về thiếc và đồng. Những hình thức trao đổi hàng hóa vốn có từ trước đã tạo điều kiện cho Đông Nam Á đáp ứng thương mại quốc tế giữa phương Đông và phương Tây khi nó mở rộng. Trong thiên niên kỷ cuối cùng TCN, khu vực bao gồm phía Bắc bán đảo Mã Lai và vùng bờ biển phía Nam Việt Nam là khu vực đầu tiên công khai mời gọi và ủng hộ sự giao thoa Đông – Tây. Tác nhân ban đầu trong mối liên hệ với nước ngoài là các thủy thủ người Mã Lai – Đa Đảo – những người đã thực hiện các chuyến đi đến tận bờ biển châu Phi ở phía Tây và Trung Quốc ở phía Đông. Số lượng thương nhân quốc tế đi qua bán đảo Mã Lai tăng đều đặn. Tàu thuyền từ các cảng của Ấn Độ đã cập bến vào bờ phía Tây của bán đảo; hàng hóa của họ sau đó được chuyển qua eo đất Kra đến vịnh Xiêm, chất lên tàu và vận chuyển dọc theo bờ biển đến các cảng ở rìa phía Tây của đồng bằng sông Cửu Long, đáng chú ý nhất là một cảng được các nhà khảo cổ học xác định là Óc Eo ở Phù Nam – một vương quốc nằm ở bờ biển phía Nam Việt Nam. Hoạt động hàng hải cũng được thực hiện dọc theo bờ biển bán đảo Mã Lai, và Kuala Selinsing từ lâu đã được biết đến như một trung tâm tích cực sản xuất cũng như kinh doanh thủy tinh và hạt đá. Tuy nhiên, ban đầu, các trung tâm ven biển của quần đảo chủ yếu chỉ tương tác với thị trường thương mại Trung Quốc và Ấn Độ thông qua các cảng của Phù Nam.

Điểm chính ở đây là sự xuất hiện gần như đồng thời các bằng chứng về quá trình Ấn Độ hóa tại nhiều vùng khác nhau của Đông Nam Á, trừ vùng đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam, nơi Trung Quốc vẫn nắm giữ quyền lực chính trị vào thế kỷ II TCN. Người Việt sau đó trở thành dân tộc duy nhất ở Đông Nam Á phải xét đến Trung Quốc trong các mối quan hệ của họ trong khu vực, chứ không phải vì thị trường Trung Quốc mang lại cơ hội phát triển thương mại thịnh vượng như những địa điểm buôn bán lớn trong quần đảo. Theo đó, số phận của Việt Nam phải đi theo một hướng khác so với các nước còn lại ở Đông Nam Á

 Phù Nam, Champa và Thế giới Mã Lai

Thực thể chính trị được biết đến sớm nhất ở Đông Nam Á là Phù Nam – vương quốc nắm quyền kiểm soát các trung tâm ven biển ở vùng hạ lưu bờ biển Việt Nam. Óc Eo là một trong số những cảng trung tâm đó, và dấu tích khảo cổ tại đây cho thấy rằng bờ biển này đã bị các nhóm săn bắt và đánh cá người Mã Lai chiếm đóng. Sau khi tự đóng tàu, những người đi biển này đã nhận thức được vị trí chiến lược quan trọng của mình, và hiểu được rằng bờ biển của họ có thể giúp vận chuyển hàng hóa Ấn Độ và Trung Quốc vì nó kết nối với tuyến đường quốc tế mới đi qua eo đất Kra. Óc Eo sớm phát triển cường thịnh. Năm 240, trong chuyến du hành đến Đông Nam Á để khám phá tuyến đường biển theo lệnh của hoàng đế nước Ngô, Khang Thái (Kang Tai) và Chu Ưng (Zhu Ying), những sứ thần Trung Quốc đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử, đã đặt chân đến Phù Nam. Theo báo cáo của hai người này, nhà nước Phù Nam được thành lập vào thế kỷ thứ nhất, sau khi một người nước ngoài mang tên Ấn Độ là Kaundinya kết hôn với một công chúa địa phương – con gái của người cai trị vùng biển này, và hội nhập chính trị bằng cách bắt các vị thủ lĩnh địa phương tuân theo ông ta cũng như những người kế nhiệm. Các sử gia đã đề xuất nhiều cách giải thích khác nhau về thần thoại Phù Nam này. Nó đủ để cho thấy rằng Phù Nam đã sớm phát triển thành một trung tâm kinh tế có mối liên hệ với ba vùng văn hóa Đông Nam Á sơ khai. Một trong số đó kéo dài từ vùng hạ Miến Điện đến Phù Nam và là nơi sinh sống của các nhóm văn hóa Môn-Khmer và Pyu đang phát triển. Vùng thứ hai mở rộng lên phía Bắc bờ biển Việt Nam, bao gồm khu vực sau này trở thành lãnh địa của nền văn minh Champa. Vùng thứ ba kéo dài từ Phù Nam vào đến vùng văn hóa biển Java với các cư dân người Mã Lai. Những tư tưởng của Phù Nam đã được đưa vào ba vùng này thông qua các tuyến đường thương mại nối đất liền với quần đảo Indonesia.

Vị trí của vương quốc cổ Phù Nam (Funan) so với bản đồ địa lí ngày nay

Sự phát triển của các trung tâm thương mại trên bờ biển Sumatra gần eo biển Sunda, vốn đang đóng góp ngày càng nhiều cho thương mại quốc tế bằng việc cung cấp phương tiện vận chuyển giữa Indonesia và Trung Quốc, là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Phù Nam và các trung tâm khác ở phía Bắc bán đảo… Tàu thuyền từ Ấn Độ bắt đầu vòng về phía Nam qua eo biển Malacca, thay vì cập bến vào vùng thượng bán đảo Mã Lai và gửi hàng hóa của họ qua eo đất Kra bằng đường bộ. Do đó, các cảng của Phù Nam bị gạt ra ngoại vi dòng thương mại quốc tế. Để tiếp tục tham gia vào dòng thương mại này, thương nhân Phù Nam phải đi đến các điểm trung chuyển khác, giống như những người đi biển Đông Nam Á trước đây phải đến Phù Nam để thực hiện các giao dịch. Điều này đã gây ra những hậu quả khôn lường đối với Phù Nam: việc chuyển tuyến thương mại quốc tế đến eo biển Malacca và bỏ qua các cảng Phù Nam đã lấy đi nguồn thu quan trọng của các vua xứ này. Hậu quả là sự thịnh vượng của vương quốc bị giảm sút.

Đến giữa thế kỷ V, Trung Quốc nhận ra rằng các cảng của Phù Nam không còn đóng vai trò chi phối trong thương mại Đông Nam Á nữa. Sự chú ý của họ giờ đây đã hoàn toàn chuyển sang các điểm trung chuyển trên biển Java. Năm 449, hoàng đế Trung Hoa đã cử sứ bộ đến ba trung tâm ven biển của Indonesia để phong tước vị cho vua các “vương quốc” đó. Đáng chú ý hơn, năm 491, triều đình Trung Quốc đã phong tước “Đô đốc Duyên hải chư quân sự” cho vua nước Lâm Ấp của người Chăm ở phía Bắc đồng bằng sông Cửu Long trên bờ biển Việt Nam, mặc dù thực tế là Lâm Ấp đã liên tục sách nhiễu các quận Nhật Nam và Giao Chỉ của Trung Quốc ở miền Bắc Trung bộ Việt Nam và đồng bằng sông Hồng ở phía Bắc. Do đó, chiếu năm 491 chỉ ra rằng Trung Quốc yêu cầu vua Lâm Ấp phải chịu trách nhiệm ngăn chặn các hành vi cướp biển trên bờ biển Champa. Trên thực tế, trên đường đến Trung Quốc, tàu thuyền từ Java phải đi sát bờ biển Champa để tránh các rạn san hô gây nguy hiểm ở Hoàng Sa. Vào thế kỷ V, có vẻ như họ bị đe dọa bởi nạn cướp biển. Theo K.R. Hall, tình trạng cướp biển này có thể là kết quả của việc Phù Nam cố giành lại quyền kiểm soát các kênh hàng hải bằng cách buộc tàu thuyền phải sử dụng các cảng của mình làm trung gian, hoặc vì sự suy tàn của Phù Nam như một trung tâm thương mại lớn đã buộc thuộc địa Mã Lai của Phù Nam phải dùng đến phương thức cướp biển.

Rõ ràng, với sự sụp đổ thương mại của Phù Nam, các cảng Lâm Ấp đã chiếm được một vị trí thương mại vững chắc trên bờ biển phía Nam Việt Nam do vị trí địa lý gần với tuyến đường hàng hải quốc tế mà nay đã được tái cấu trúc và đi qua phần phía Tây biển Java trước khi chuyển hướng Bắc về phía Trung Quốc. Các cảng Champa trở thành điểm dừng chân trung gian cho tàu buôn đi qua Biển Đông trước khi cập bến vào cảng của Trung Quốc.

Sự sụp đổ của Phù Nam với tư cách là một trung tâm trung chuyển quốc tế lớn khiến các chư hầu nước này ly khai với Phù Nam để thiết lập bản sắc của riêng mình với tư cách là các trung tâm kinh tế. Không chỉ Champa mà nhiều trung tâm quanh vùng thung lũng sông trên bờ biển bán đảo Mã Lai bắt đầu cử sứ thần triều cống đến triều đình Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc. Không còn thịnh vượng như thời đại trước đó, các quốc vương Phù Nam lui vào đất liền, tập trung cai trị những vùng lãnh thổ ở thượng lưu đồng bằng sông Cửu Long nhằm tối đa hóa nguồn thu từ cơ sở kinh tế nông nghiệp của họ. Nhưng đến giữa thế kỷ VI, Phù Nam suy yếu nghiêm trọng do mâu thuẫn nội bộ. Nhận ra cuộc khủng hoảng của Phù Nam, các nước láng giềng ngày càng gia tăng sức ép lên nước này. Người Khmer ở khu vực mà Trung Quốc gọi là Chân Lạp bắt đầu tiến đánh Phù Nam từ vùng nay là Thái Lan và Campuchia. Lãnh thổ Phù Nam cuối cùng bị Chân Lạp xâm chiếm. Cư dân Chân Lạp tự xưng là Kambuja – tổ tiên của người Campuchia hiện đại. Vùng châu thổ Mê Kông của Phù Nam trước đây suy tàn, trong khi các trung tâm thuộc quyền kiểm soát của người Chăm và người Khmer trở thành tâm điểm của nền văn minh trên đất liền: người Chăm kiểm soát bờ biển phía Nam Việt Nam, còn người Khmer xây dựng một nền văn minh nông nghiệp vĩ đại tại Angkor.

Tuy nhiên, Panduranga vẫn là một hải cảng chính trên bờ biển Champa. Vào giữa thế kỷ X, quốc vương Champa Indravarman III đã dùng một thành viên thuộc cộng đồng thương nhân nước này – một người Hồi giáo tên là Abû Hassan (người Trung Quốc gọi là Bồ Ha Tán – Pu He San) – để đẩy mạnh quan hệ thương mại với Quảng Châu. Khi ấy, Trung Quốc đã một lần nữa đổi tên Champa, lần này là Chiêm Thành, tức “thành phố Chiêm” (Champapura). Sức mạnh hàng hải mà Champa thời kỳ này có được là nhờ vào những nhóm người tương tự như cướp biển Mã Lai từng cướp phá vùng bờ biển Champa vào thế kỷ VIII. Điều này làm tăng cường mối quan hệ qua lại giữa Champa và Mã Lai, có thể thấy trong ảnh hưởng của người Java đối với văn hóa Champa. Ảnh hưởng này thể hiện rõ nét nhất trong kiến ​​trúc tháp Chăm, đặc biệt là tại Mỹ Sơn (thuộc Quảng Nam ngày nay) với quần thể đền đài của các vị vua Champa – trái tim của thánh địa Champa. Một bản khắc của người Chăm cho biết trong những năm đầu tiên của thế kỷ X, một người họ hàng của hoàng hậu Tribhuvanadevi, Po Klung Pilih Rajadvara, đã hành hương đến Java (Yavadvipapura) để “tiếp thu ma thuật”. Một bản khắc của người Java cùng thời kỳ cũng đề cập cụ thể đến hoạt động của cả thương nhân Chăm và Khmer ở ​​Java. Mối quan hệ tốt đẹp tồn tại giữa Champa và Java được duy trì trong những thế kỷ sau: truyền thuyết Putri Cempa kể về một công chúa Chăm trở thành vợ một vị vua Majapahit. Vào giữa thế kỷ XIV, Prapanca, tác giả của biên niên sử Nagarakertagama, đã đưa Champa vào dưới sự bảo hộ của vua Majapahit; và quốc gia Đông Nam Á duy nhất bị loại trừ khỏi mạn đà la của vua Majapahit là Việt Nam, được gọi là “Yawana” – một từ tiếng Phạn chỉ “Hy Lạp” hay “người nước ngoài”.

Quần thể di tích Sambor Prei Kuk, Campuchia, cố đô vương quốc Chân Lạp

Rõ ràng, mối liên hệ với người Java đã thu hút nhiều thương nhân và thủy thủ Mã Lai đến các cảng của Champa, đặc biệt là Panduranga. Các quốc vương Champa dùng năng lực cướp biển của những thủy thủ này để chống lại Việt Nam, quốc gia ngày càng gây áp lực lên nước láng giềng phía Nam sau khi giành được độc lập từ chính quyền Trung Hoa. Hai cuộc viễn chinh lớn trên biển đã được tổ chức, lần đầu tiên vào năm 979, lần thứ hai vào năm 1042, không kể vô số các cuộc tấn công mà người Chăm thực hiện dọc biên giới phía Bắc của họ. Rất có thể một số cuộc tấn công trên biển chống lại Việt Nam của người Chăm trong thời kỳ này đã được khởi xướng bởi dân đi biển Mã Lai, những người sử dụng các cảng của người Chăm làm căn cứ hoạt động.

Thái độ thù địch giữa Champa và Việt Nam trong thế kỷ X và XI không chỉ thể hiện ở các nỗ lực mở rộng lãnh thổ mà còn ở những tác động về mặt thương mại. Trên thực tế, nước Việt Nam mới nổi không chỉ là một mối đe dọa chính trị, mà từ khía cạnh kinh tế, các cảng của nước này còn là đối thủ thương mại chính của Champa. Thật vậy, những bến cảng vùng duyên hải Việt Nam đóng vai trò là các trung tâm thương mại chính của miền Nam Trung Quốc. Cảng Vân Đồn ở góc Đông Bắc châu thổ sông Hồng đang nổi lên như một hải cảng vượt trội; và một tuyến đường nội địa nối miền Nam Trung Quốc, Việt Nam và kinh đô Angkor của Khmer cũng trở nên quan trọng. Việc phát triển một tuyến đường bộ thay thế phía Bắc từ Việt Nam sẽ chuyển hướng giao thương khỏi các cảng của người Chăm một cách đáng kể và đe dọa sự thịnh vượng của họ. Do đó, cộng đồng thương nhân Mã Lai ở Champa đã hợp tác với vua Chăm trong các cuộc viễn chinh chống lại người Việt.■ (Còn nữa)

Nguyễn Thế Anh

Khánh Linh dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

(*) Thế giới Mã Lai, hay Vương quốc Mã Lai (tiếng Anh: Malay World; tiếng Mã Lai: Dunia Melayu/Alam Melayu): nghĩa hẹp chỉ các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Nam Á coi tiếng Mã Lai là quốc ngữ hoặc một ngôn ngữ thiểu số quan trọng, bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và miền Nam Thái Lan; nghĩa rộng chỉ một nền chính trị hoặc một nhóm văn hóa chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Mã Lai (do trong lịch sử từng bị cai trị bởi các quốc vương Mã Lai) như bán đảo Malaysia, các khu vực ven biển của Sumatra và Borneo, v.v. (ND).

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN