EU để ngỏ khả năng đàm phán lại với Anh?

Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trước tuyên bố của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson, sẽ rời khỏi “ngôi nhà chung”, còn gọi là Brexit, vào ngày 31-10 tới cho dù có hay không đạt được một thỏa thuận mới với EU.

Không đàm phán, đồng nghĩa với việc Anh sẽ “tay trắng” ra đi. Đàm phán lại, có nghĩa là phải nhượng bộ và thỏa thuận mà cựu Thủ tướng Theresa May đã đạt được với EU hồi tháng 11 năm ngoái xem như “công dã tràng”.

Hẳn nhiều người còn nhớ, ngày 24-7, ngay sau khi bước chân vào số nhà 10 phố Downing, tân Thủ tướng Anh khẳng định sẽ thực hiện kết quả của cuộc trưng cầu ý dân Anh năm 2016 và đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31-10 tới.

Với tuyên bố: “Chúng tôi sẽ thực hiện những lời hứa của Nghị viện với người dân, là nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31-10 tới và sẽ không có “nếu” hay “nhưng”. Chúng tôi sẽ thực hiện một thỏa thuận mới, một thỏa thuận tốt hơn sẽ tối đa hóa được các cơ hội mà Brexit đem lại, qua đó Anh có thể phát triển mối quan hệ mới và thú vị khác, với phần còn lại của châu Âu, dựa trên nền tảng của thương mại tự do và sự hỗ trợ lẫn nhau”.

Kèm theo đó là lời cảnh báo nếu các nước châu Âu từ chối đàm phán một thỏa thuận Brexit mới, nước Anh sẽ vẫn rời EU mà “không cần thỏa thuận”.

Phải chăng sự cứng rắn và nhất quyết của người đứng đầu nước Anh, đang khiến EU phải nghĩ lại. Cho đến giờ, liên minh này dường như đang để ngỏ khả năng đàm phán với ông Boris Johnson bởi liên minh này nhận thức được rằng tân Thủ tướng Anh sẵn sàng đưa nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, đồng nghĩa với việc ông này đang chơi con bài xoáy vào điểm yếu của 27 nước EU còn lại là luôn lo lắng chia rẽ nội khối.

Sau khi được thông báo về nội dung các cuộc đàm phán tuần trước giữa cố vấn của ông Johnson và quan chức cấp cao châu Âu, dư luận châu Âu cho rằng “tốt hơn hết nên sẵn sàng cho việc không có thỏa thuận vì ông Boris Johnson luôn đặt niềm tin vào khả năng này”. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao khác của châu Âu nhấn mạnh rằng Thủ tướng Johnson sẽ cố gắng “chơi trên nỗi sợ không thỏa thuận” để chia rẽ người châu Âu.

Hiện tại, sự thống nhất của 27 nước còn vững chắc, nhưng tương lai chưa biết sẽ ra sao. Vấn đề là ai sẽ “lùi bước trước”. Vì rằng ông Johnson luôn tuân theo nguyên tắc logic chính trị là giữ quyền lực.

Người châu Âu đang chờ xem dự định của tân Thủ tướng Anh là gì. Ngày 6-8, bà Annika Breidthardt – phát ngôn viên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết ông Jean Claude Juncker luôn sẵn sàng nói chuyện trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Boris Johnson để làm rõ quan điểm về Brexit. Tuần trước tại Brussels, cố vấn của Thủ tướng Anh – ông David Frost đã gặp các nhà đàm phán EU để yêu cầu bãi bỏ giải pháp “chốt chặn”, được quy định trong “Thỏa thuận ra đi” mà cựu Thủ tướng Theresa May và lãnh đạo EU đã ký hồi tháng 11-2018.


Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson tại số 10 phố Downing.

Giải pháp “chốt chặn” dự kiến thành lập một “liên minh hải quan duy nhất” giữa Anh và EU. Đề nghị trên là điều kiện tiên quyết của ông Boris Johnson đối với mọi cuộc đàm phán, điều mà 27 nước EU còn lại không chấp nhận.

Về lý thuyết chẳng có lý do gì mà EU dễ dàng trao cho ông Johnson cái điều mà họ luôn từ chối bà Theresa May – người vốn chiếm được cảm tình của EU hơn ông Johnson. Song trong bối cảnh ông Johnson đang “bất chấp” mọi hoàn cảnh để thực hiện Brexit, xem ra EU phải xem xét lại lập trường cứng rắn của mình.

Hiện châu Âu vẫn nhận định không có gì đặc biệt diễn ra trước khi kết thúc Hội nghị G7 vào cuối tháng 8 tại Biarritz (Pháp). EU cũng cho biết có thể một cuộc họp trù bị sẽ được tổ chức ngay trước cuộc gặp giữa nhà đàm phán EU, Michel Barnier và Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh Stephen Barclay.

Cho đến nay, kịch bản Brexit không thỏa thuận là điều khó tránh khỏi và những yếu tố chi phối kịch bản này có thể là vào đầu tháng 9 tới, Chính phủ của Thủ tướng Johnson có thể phải trải qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập (Công đảng, Dân chủ Xã hội, Chủ nghĩa quốc gia xứ Wales và Scotland, và đảng Xanh) yêu cầu và được sự hậu thuẫn của phe chống Brexit trong đảng Bảo thủ.

Theo đó, nếu bỏ phiếu bất tín nhiệm xảy ra, có thể tình huống ê-kíp cầm quyền thất bại. Về lý thuyết, cuộc bỏ phiếu cần phải được tổ chức trong 25 ngày tiếp theo. Tuy nhiên, căn cứ vào luật bầu cử, việc xác định ngày bỏ phiếu là do Thủ tướng quyết định và ông có thể quyết định việc này diễn ra sau ngày 31-10. Trong trường hợp đó, Nghị viện cũng sẽ bất lực, không thể ngăn được “kịch bản hiểm nguy này”.

Một yếu tố khác dẫn tới một Brexit không thỏa thuận là Brussels từ chối từ bỏ điều khoản “chốt chặn” định mệnh. London chỉ rõ rằng chỉ khi bãi bỏ “sự bảo hiểm này” (điều khoản chốt chặn), hai bên mới có thể tránh khỏi một Brexit cứng. Tuy nhiên, EU lặp lại quan điểm rằng điều khoản “chốt chặn” là không thỏa hiệp.

Ngoài ra, kết quả thăm dò dư luận cho thấy những người ủng hộ ông Boris Johnson cũng ủng hộ Brexit không thỏa thuận. Việc ông Johnson lên nắm quyền sẽ tạo thêm uy thế cho đảng Bảo Thủ vượt qua Công đảng và phe Dân chủ – Tự do trong các cuộc bỏ phiếu.

Cuối cùng, việc xúc tiến chuẩn bị cho một Brexit không thỏa thuận là nội dung chính của chương trình nghị sự của Anh hiện nay. Trong bối cảnh “thời chiến” này, những cảnh báo của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney hay của giới doanh nghiệp về các nguy cơ thảm họa kinh tế từ một Brexit không thỏa thuận, không được chú ý.

Nguyễn Quang/CAND

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN