Giới thiệu các Tổ chức Quốc tế Việt Nam tham gia (Kỳ 3)

CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI

I. VÀI NÉT VỀ CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ

1.Tổ chức phi chính phủ (Non-Governmental Organizations, gọi tắt là NGOs) đã tồn tại hàng trăm năm trên thế giới dưới nhiều dạng khác nhau. Nguồn gốc xa xưa của NGOs vốn là những nhóm nhỏ làm từ thiện. Tiêu chí hoạt động của các tổ chức này là cứu trợ nhân đạo đối với nạn nhân chiến tranh, thiên tai và nghèo đói, không phân biệt chính kiến và địa dư. Cho tới nay trên thế giới, các nước có quan điểm khác nhau về phân loại và định nghĩa về NGOs.
* Một số nước coi tất cả các tổ chức không phải của chính phủ là các NGOs;
* Theo luật pháp một số nước, các tổ chức NGOs bao gồm các chủ thể có tư cách pháp nhân, là những tổ chức không thuộc chính phủ như các Viện, các tổ chức tư nhân hay công cộng hoặc các Quỹ… Các NGOs đó là những tổ chức phi lợi nhuận, được lập ra hợp pháp và có tư cách pháp nhân theo pháp luật của nước đó và theo pháp luật của nước cho đặt trụ sở chính.
* Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, các NGOs là bất kỳ tổ chức quốc tế nào được lập ra không phải do một thoả thuận liên chính phủ quốc tế, nhưng NGOs đó có thể bao gồm các tổ chức có thành viên do chính phủ cử ra, với điều kiện thành viên đó không được can thiệp vào quyền tự do bày tỏ ý kiến của tổ chức đó.
Có thể rút ra đặc điểm chung của loại hình tổ chức này là được thành lập một cách tự nguyện và hợp pháp, không thuộc bộ mày hành chính nhà nước và không nhằm mục đích lợi nhuận.

2. Ba loại NGOs hiện đang hoạt động trên thế giới:
+ Tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc gia;
+ Tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc tế;
+ Tổ chức phi chính phủ mang tính chất chính phủ;

Các tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc gia (National Non-Governmental Organizations, gọi tắt là NNGOs) là tổ chức mà các thành viên đều mang một quốc tịch. Các tổ chức này xuất hiện trên thế giới rất sớm. Phạm vi hoạt động chủ yếu phục vụ cho từng cộng đồng, hoạt động trong phạm vi một nước. Về số lượng, NNGOs chiếm đa số tuyệt đối.

Các tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc tế (International Non-Governmental Organizations, gọi tắt là INGOs) là tổ chức mà các thành viên của nó mang nhiều quốc tịch khác nhau sáng lập ra. Về số lượng, INGOs ít hơn nhiều so với NNGOs. Phạm vi hoạt động của INGOs rộng khắp trên thế giới, nhưng INGOs phải tuân theo luật pháp của nước nhận sự hợp tác.

Các tổ chức phi chính phủ mang tính chất chính phủ (Governmental Non-Governmental Organizations, gọi tắt là GONGOs) là các tổ chức do chính phủ lập ra hoặc một NGO nào đó hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách của chính phủ. Ví dụ: Chương trình phát triển DED của Đức; SNV của Hà Lan đang có chương trình viện trợ cho Việt Nam.

3. Viện trợ NGOs được thể hiện dưới ba hình thức chủ yếu là viện trợ thông qua các chương trình, dự án (viện trợ để thực hiện các chương trình/dự án), viện trợ phi dự án (viện trợ bằng tiền hay hiện vật) và viện trợ khẩn cấp trong trường hợp có thiên tai hoặc tai hoạ khác. Khác với nguồn viện trợ chính thức (ODA), viện trợ NGO là loại viện trợ không hoàn lại, mang tính nhân đạo và phát triển, có thủ tục nhanh gọn và đơn giản. Quy mô dự án thường không lớn (từ vài nghìn đến vài trăm nghìn đô la Mỹ, thời gian thực hiện không dài (từ vài tháng đến 1-2 năm) nhưng thường đáp ứng kịp thời, sát với nhu cầu và phù hợp với khả năng quản lý, sử dụng của nơi nhận viện trợ. Hiện nay, nhiều nước phát triển đã dành một phần viện trợ ODA cho các nước đang phát triển thông qua NGOs. Số tiền viện trợ thông qua NGOs khá lớn, ngày một tăng và trên thực tế đã hỗ trợ đáng kể cho các chương trình kinh tế-xã hội của các nước đang phát triển. NGOs còn nhận sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tôn giáo, từ các quỹ từ thiện tư nhân, từ quyên góp với nhiều hình thức khác nhau.

4. Khối lượng viện trợ của NGOs cho các nước đang phát triển ngày càng tăng cùng với sự gia tăng về  lĩnh vực hợp tác của các tổ chức này. Hoạt động của NGOs đã chuyển theo hướng giảm viện trợ nhân đạo và tăng viện trợ phát triển bền vững. Các NGOs ngày càng đóng vai trò đáng kể trong đời sống kinh tế-xã hội, giáo dục, y tế, môi trường, nhân đạo … tại nhiều nước trên thế giới. Các NGOs đang tham gia sâu vào nhiều lĩnh vực như xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ phụ nữ, cứu trợ trẻ em, kế hoạch hoá gia đình, chữ thập đỏ, bảo vệ môi trường…

5. Tiếng nói của NGOs đối với các vấn đề thuộc mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế ngày càng được các nước và các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc (LHQ), Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và đặc biệt các tổ chức ngân hàng, tài chính thế giới như World Bank (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) quan tâm. Tính đến năm 2006 đã có gần 2,870 tổ chức NGO có quy chế tham khảo ý kiến với Hội đồng Kinh tế-Xã hội-ECOSOC của LHQ  (năm 1946 chỉ có 41 tổ chức được Hội đồng cho hưởng qui chế; năm 1993 có 978; năm 1997 có 1,356). Theo quy định, số NGOs này được phát biểu, tham gia thảo luận tại các cuộc họp của ECOSOC và đưa ra những đề  mục quan tâm vào chương trình nghị sự của cơ chế này hoặc các tiểu ban trực thuộc Hội đồng. Năm 1986, UNDP thành lập riêng một vụ chuyên theo dõi và phối hợp hoạt động với các NGOs. WB hàng năm đều tổ chức các Hội nghị tư vấn với NGOs. Sự tham gia của các tổ chức NGO trên các diễn đàn khác về kinh tế, xã hội và phát triển ngày một tăng,  đồng thời tổ chức những diễn đàn riêng của mình song song với những Hội nghị quốc tế. Với tiếng nói của mình, NGOs đã đóng góp đáng kể vào sự thành công của nhiều hội nghị quốc tế lớn trong những năm qua như Hội nghị Thế giới về Phụ nữ, Hội nghị Thế giới về Dân số và Phát triển, Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển xã hội , Hội nghị Thế giới về Môi trường…

II. QUAN HỆ VIỆT NAM VÀ CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ

1.Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quan hệ với Việt Nam rất sớm. Sau 1975, phần lớn số NGOs nước ngoài đã chấm dứt hoạt động ở miền Nam Việt Nam. Sau đó các NGOs đã dần dần trở lại Việt Nam. Đến năm 1978 đã có 70 NGOs đặt quan hệ với Việt Nam, giá trị viện trợ khoảng 30 triệu đô la Mỹ/năm, chủ yếu viện trợ nhân đạo (lương thực, thuốc men…), giúp ta khắc phục hậu quả chiến tranh. Đặc biệt, kể từ năm 1986, nhờ chính sách Đổi mới của Nhà nước ta và chủ trương về hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức NGO quốc gia và quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân các nước, các tổ chức NGO nước ngoài có quan hệ với ta tăng lên và giá trị viện trợ tăng dần. Từ 70 đến 100 tổ chức NGO với tổng giá trị viện trợ khoảng 20-30 triệu đô la Mỹ/ năm trong giai đoạn 1986-1992.

Trong hơn 10 năm qua (1994-2006), số lượng các tổ chức có quan hệ với Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, từ 210 tổ chức vào năm 1994 lên khoảng 650 tổ chức vào năm 2006. Trong số đó, có trên 500 tổ chức có hoạt động thường xuyên, có dự án và đối tác Việt Nam. Giá trị viện trợ năm 1993 là 40 triệu đô la Mỹ, đến năm 2002 là 85 triệu đô la Mỹ, năm 2004 là 140 triệu USD, năm 2005 là 175 triệu USD, năm 2006 là 217 triệu USD. Tính đến tháng 12/2006, ta đã cấp 53 Giấy phép lập Văn phòng Đại diện, 101Giấy phép lập Văn phòng Dự án và 402 Giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Chương trình viện trợ của các NGOs được triển khai ở 61 tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt tập trung vào những vùng còn nghèo, vùng sâu, vùng xa và ngày càng tập trung hơn vào các lĩnh vực phù hợp với các ưu tiên và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Sự trợ giúp của NGOs nước ngoài không chỉ là viện trợ vật chất mà bao gồm cả chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao dân trí, chăm sóc y tế, phổ cập giáo dục…, và thông qua viện trợ, quan hệ của nước ta đối với các NGOs nước ngoài làm cho nhân dân thế giới hiểu biết hơn về Việt Nam, góp phần tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân các nước trên thế giới.

Để tiếp tục chủ động tranh thủ, quản lý tốt hoạt động và nâng cao hiệu quả sử dụng viện trợ phi chính phủ, Chính phủ ta đã tổ chức hai Hội nghị quốc tế lớn tại Hà Nội, đó là Hội nghị Tổng kết 10 năm (1991-2001) công tác phi chính phủ nước ngoài (tháng 2/2002) và Hội nghị quốc tế về Sự hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (tháng 11/2003).  Kết quả của hai hội nghị trên đã và đang đóng góp vào những nỗ lực của Nhà nước ta nhằm tạo môi trường ngày càng thuận lợi hơn về cơ chế và pháp lý cho các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

2.Để tranh thủ nguồn viện trợ của NGOs phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện đất nước còn khó khăn, Chính phủ ta đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp qui để tạo môi truờng pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các NGOs nước ngoài tại Việt Nam và với những tổ chức NGOs nước ngoài hay cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả cho các chương trình phát triển và nhân đạo tại Việt Nam đều được nhân dân và Nhà nước ta hoan nghênh và ghi công./.

(Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN