Hoạt động chủ quyền của vua Gia Long trên vùng biển đảo Tây Nam

Vua Gia Long, tên húy là Nguyễn Phúc Ánh, là vị Vua sáng lập nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong, sau khi gia tộc chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn lật đổ năm 1777, Nguyễn Ánh đã trốn chạy và bắt đầu cuộc chiến kéo dài suốt 25 năm để khôi phục ngôi vị. Trong quá trình đó, để chống Tây Sơn và duy trì sự sống còn, bản thân Nguyễn Ánh và triều đình đã phải long đong chạy đi chạy lại khắp chốn cùng nơi ở Nam Bộ, may mắn được người dân giúp đỡ và che chở. Có thể nói, dấu chân ông đã trở thành một phần dấu mốc chủ quyền trên toàn bộ các vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc ta. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới bạn đọc một phần bài viết của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc về những hoạt động chủ quyền của Vua Gia Long trên vùng biển đảo Tây Nam trích từ cuốn sách “35 năm Việt Nam học: Tiếp cận liên ngành, khu vực học, khoa học phát triển” do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành đầu năm 2024.

Sau thất bại thảm hại của liên quân Xiêm – Nguyễn ở Rạch Gầm – Xoài Mút, mùa xuân tháng giêng năm Ất Tỵ (1785), Nguyễn Ánh lại chạy ra đảo Thổ Châu và ở Thổ Châu được 2 tháng thì lại bị quân Tây Sơn tiến ra săn đuổi. Không còn đường nào khác, Nguyễn Ánh chạy sang đảo Cổ Cốt. Tại đây ông lại được thuyền Xiêm đến đón đưa về thành Vọng Các (Bangkok). Đến gặp Vua Xiêm, ông đã thẳng thắn tâu bày: “Ngài trọng tình láng giềng giao hảo cho quân sang giúp, nhưng vì Chiêu Tăng, Chiêu Sương[1] kiêu ngạo và phóng túng, tới đâu cũng tàn bạo, dân đều oán cả, cho nên đến nỗi thất bại”[2]. Tuy nhiên tình hình quân Tây Sơn còn đang rất mạnh, Nguyễn Ánh đành phải xin Vua Xiêm cho trú lại ở Long Kỳ (Đồng Khoai) ở phía ngoài thành Vọng Các (Bangkok, Thái Lan), rồi sai người đón Quốc mẫu và cung quyến đang ở Thổ Châu về sống tại đây. Tại Long Kỳ, Nguyễn Ánh tranh thủ vận động tập hợp thêm lực lượng và cũng càng ngày càng nhận ra rằng “rốt cuộc họ (Vua Xiêm) không thể giúp mình được, túng sử có giúp cũng vô ích”[3], nên vào mùa thu, tháng 7 năm Đinh Mùi (1787), ông bí mật rút về đảo Hòn Tre, đảo Cổ Cốt, rồi sai Võ Di Nguy và Phạm Văn Nhân rước Quốc mẫu và cung quyến về an trí tại đảo Phú Quốc[4]. Theo chúng tôi lần này Quốc Mẫu và gia đình Hoàng gia vẫn về ở tại cung cũ thuộc địa phận làng Cây Dừa (thôn An Hòa), nay là tổ 7, ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc. Riêng Nguyễn Ánh không về đóng đại bản doanh ở Phú Quốc như các lần trước, mà tiến về đóng tại đảo Hòn Tre (nay là xã Hòn Tre, huyện lỵ Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang).

Chân dung Vua Gia Long (1762-1820)

Hòn Tre nằm trên đường giao thương quốc tế khá nhộn nhịp, lại gần bờ để có thể dễ dàng huy động lực lượng tấn công vào đất liền. Trên đảo Hòn Tre có Bãi Chén là nơi còn di tích, truyền thuyết về việc đóng quân và hoạt động của Vua Gia Long. Sử chép vào năm 1787, Vua Gia Long từ Xiêm trở về có dừng lại ở Hòn Tre một thời gian, như thế di tích và truyền thuyết đang nói về sự kiện này. Bãi Chén là nơi các thuyền buôn bị đắm dạt vào bờ, người dân địa phương thu lượm được rất nhiều đồ gốm sứ cổ. Cách Bãi Chén khoảng 1,5 km là Động Dừa, nơi có làng chài truyền thống lâu đời, ghe thuyền ra vào tấp nập để tiếp tế nước ngọt, lương thực. Đây cũng là cơ sở hậu cần quan trọng cho lực lượng của Vua Gia Long trên vùng biển đảo Tây Nam.

Nguyễn Ánh nhân khó khăn và bế tắc của quân Tây Sơn đã huy động cao độ lực lượng, từ Hòn Tre và lấy Hòn Tre làm bàn đạp tiến vào Rạch Giá, Hà Tiên, mở rộng phạm vi chiếm đóng, thu phục toàn bộ vùng đất Gia Định, củng cố hệ thống chính quyền, xây dựng kinh đô, phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Gia Định rộng lớn và trù phú được xây dựng thành đất căn bản, thành hậu phương vững chắc cho Nguyễn Ánh tiến quân ra Bắc đánh bại Tây Sơn, lập nên vương triều Nguyễn, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp thống nhất toàn bộ non sông đất nước Việt Nam vào những năm đầu của thế kỉ XIX.

Ý nghĩa các hoạt động của Vua Gia Long trên vùng biển đảo Tây Nam

Như thế là trong khoảng 10 năm (tính từ năm 1777 đến năm 1787), nghĩa là từ năm 15 tuổi cho đến năm 25 tuổi, Nguyễn Ánh đã có đến 6 lần qua lại ở vùng biển đảo Tây Nam (vào các năm 1777, 1782, 1783, 1784, 1785, 1787). Đặc biệt trong 4 năm liên tục (từ năm 1782 đến năm 1785), trải qua những trận chiến đấu vô cùng ác liệt và những khó khăn gian khổ vượt quá sức chịu đựng của con người, nhưng Nguyễn Ánh đã vượt qua tất cả và thực sự làm nên kỳ tích của một đời người. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong bài báo Lời than thở của bà Trưng Trắc (Les lamentations de Trung Trac) đăng trên báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp số ra ngày 24/6/1922, trong khi lên án Vua Khải Định đã hết lời ngợi ca Vua Gia Long, nhất là những năm tháng gian nan và hào hùng tại vùng biển đảo Tây Nam này: “Với lòng quả cảm vô song và đức hạnh trong sáng không tỳ vết, như vàng ròng lấp lánh sau ngàn lần thử lửa, ông tổ ngươi, Vua Gia Long tôn quý và tài ba bội phần, sau biết bao thăng trầm và khổ đau vô bờ, đã để lại cho ngươi một đất nước giàu có, một dân tộc độc lập, một quốc gia được kẻ mạnh vị nể và kẻ yếu kính mến, với một tương lai đầy sức sống và triển vọng”[5].

Vùng biển đảo Tây Nam (quốc tế gọi là vịnh Thái Lan) từ cách ngày nay 3.500 năm đã có lớp cư dân đầu tiên liên quan đến cư dân thời Tiền sử ở duyên hải, hải đảo miền Trung Việt Nam đến sinh sống. Vùng này nằm trên con đường Nam tiến cổ truyền của dân tộc, con đường giao thông, giao thương quen thuộc của người Việt cổ, mà trống đồng Đông Sơn được phát hiện tại đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang năm 1983 là một minh chứng xác thực. Đến đầu Công nguyên, nơi này chứng kiến sự rút chạy của tàn quân Hai Bà Trưng[6], cũng đồng thời là cửa ngõ mở ra với thế giới của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc cổ Phù Nam. Sự phát triển và suy tàn của đế quốc Phù Nam chủ yếu phụ thuộc vào khả năng khai thác vùng biển đảo quan trọng này. Từ thế kỷ thứ VII, Vương quốc Phù Nam sụp đổ, vùng đất này trên danh nghĩa thuộc về vương quốc Chân Lạp, nhưng trong thực tế Chân Lạp không hề quan tâm và cũng không có khả năng chiếm lĩnh, khai thác, nên trở thành hoang hóa và gần như vô chủ suốt cả một thiên niên kỷ. Có thể vì thế mà trên vùng biển đảo Tây Nam hầu như không có dấu tích đáng kể nào của người Khmer định cư lâu dài hay các chứng tích lịch sử – văn hóa đặc trưng của người Khmer trước thế kỷ XVII. Sang thời đại thương mại Biển Đông, người dân Đại Việt đẩy mạnh công cuộc Nam tiến (chủ yếu theo đường ven biển) đã sớm tìm đến định cư, đánh bắt cá và trao đổi hàng hóa ở đây. Cuối thế kỷ XVII, Hà Tiên đột khởi trở thành cảng cửa khẩu trọng yếu, thậm chí còn được gọi là “Hà Tiên quốc”[7], nước Cảng Khẩu”[8] hay “nước Cửa Cảng”, tập hợp dân cư từ khắp mọi miền, trong đó số lớn là ngư dân miền Trung và Nam Trung bộ, hình thành nhiều làng Việt đông đúc. Những ngư dân làng Việt trên vùng đất mới này vẫn giữ quan hệ mật thiết với họ hàng, với làng quê gốc và thực chất họ vẫn là thần dân của chúa Nguyễn Đàng Trong. Năm 1680, Mạc Cửu từ Quảng Đông Trung Quốc sang phương Nam, thấy đất này “có người buôn bán ở các nước đến tụ tập, liền chiêu tập dân các xứ Phú Quốc, Hương Úc, Rạch Giá, Cà Mau, lập ra 7 xã, ông tự quản hạt để làm chỗ ở”[9]. Đến đây, trên danh nghĩa các làng Việt ở Hà Tiên đều thuộc về Mạc Cửu. Năm 1708, Mạc Cửu dâng toàn bộ đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn Phúc Chu và toàn bộ Hà Tiên (vùng duyên hải cực Nam, biển và hải đảo Tây Nam) đã thuộc chủ quyền của chúa Nguyễn. Trong hoàn cảnh bị Tây Sơn dồn ép đến bước đường cùng, Nguyễn Ánh không còn đường nào khác là chạy ra vùng biển đảo Tây Nam của tổ quốc, của tổ tiên, dựa vào dân để bảo toàn tính mạng, duy trì và phát triển lực lượng, tính kế lâu dài.

Miếu thờ Vua Gia Long bên cạnh Giếng Tiên ở Mũi Ông Đội, Phú Quốc. Ảnh: Bụi Phú Quốc

Chắc chắn ngay từ buổi đầu đi theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Nam, Nguyễn Ánh đã ý thức được đầy đủ trách nhiệm cao cả của mình là phải cứu nguy cho triều đình Chúa Nguyễn đang đến bước đường cùng. Nhất là từ sau khi Chúa Nguyễn Phúc Thuần và Chúa Nguyễn Phúc Dương bị Tây Sơn giết hại, chỉ còn một mình Nguyễn Ánh trốn thoát được thì sứ mệnh vô cùng lớn lao này giống như trái núi khổng lồ đặt cả lên đầu một chàng trai mới bước vào tuổi 15. Những năm tháng bôn ba ngoài biển khơi, va đập với sóng dữ đại dương và bão táp cuộc đời, thậm chí nhiều lần đối mặt với cái chết, chàng trai Nguyễn Ánh có thêm cơ hội mài sắc ý chí, nghị lực, dâng hiến toàn bộ tuổi thanh xuân vì sự tồn vong của vương triều và đất nước, vì đối với một vị quân vương, vương triều và đất nước chỉ là một. Nguyễn Ánh đến với vùng biển đảo Tây Nam với tư cách của một người đứng đầu vương triều, đặt cược và phó thác trách nhiệm bảo vệ vương triều, bảo vệ đất nước cho các thần dân của triều đình. Những thường dân, những người đánh cá và buôn bán đã hết lòng chở che cho Nguyễn Ánh, cứu giúp Nguyễn Ánh trong lúc sa cơ, lỡ vận là trực tiếp giúp đỡ triều đình, là tận trung với nước. Phải một mình nặng gánh giang sơn, xã tắc ở cái tuổi còn quá trẻ, mà ở độ tuổi này, ngay đến cả vĩ nhân cũng không thể tất cả các quyết định đều tuyệt đối chuẩn xác. Bản thân Nguyễn Ánh cũng không phải là một ngoại lệ. Ông đã quá sai lầm khi vào bước đường cùng đã đặt cược sự tồn vong của vương triều mình vào ngoại bang, nhưng cũng rất may là các thần dân và nhất là chính kẻ thù của ông là anh em nhà Tây Sơn đã mở mắt cho ông và dạy ông từ bài học vô cùng đau xót này. Những bài học thành công và cả những bài học thất bại trên vùng biển đảo Tây Nam đều là hành trang quý giá cho Nguyễn Ánh trở lại Gia Định, đánh bại vương triều Tây Sơn đang xuống dốc, tàn tạ, thiết lập vương triều Nguyễn, đặt tên nước Việt Nam, thống nhất toàn bộ non sông đất nước về một mối và mở ra bước phát triển mới của lịch sử đất nước.

Sau khi giành lại được đất Gia Định, với vai trò là bậc quân vương mang đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Nguyễn Ánh vẫn luôn quan tâm, miễn sưu thuế cho những người dân làm ăn, buôn bán và đánh cá trên vùng biển đảo Tây Nam. Sách “Đại Nam thực lục” cho biết: vào tháng 10 năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa là vừa mới tổ chức lại chính quyền sau khi từ Xiêm về nước, Nguyễn Ánh đã ban lệnh “tha thuế thân sang năm cho dân sở Phú Quốc. Vua thấy xứ ấy đất hẹp dân nghèo nên tha cho”[10], thể hiện tình yêu thương, gắn bó và trách nhiệm đầy đủ đối với người dân vùng biển đảo Tây Nam. Những dấu tích hoạt động của ông đã kết tinh thành di tích, thành truyền thuyết, thành đời sống văn hóa tâm linh, thành các đền miếu quanh năm hương lửa trên khắp các vùng biển đảo Tây Nam. Dân Phú Quốc, Thổ Châu, Nam Du, Hòn Tre, hòn Sơn Rái… mang nặng ơn nghĩa với ông đã tôn ông như bậc cứu tinh, như chủ thần của vùng biển đảo quê mình.

Các lớp cư dân bằng cuộc sống mưu sinh trên vùng biển đảo xa xôi, nhưng vẫn giữ quan hệ nguồn cội với quê hương bản quán chính là những anh hùng đi tiên phong mở cõi và định cõi trong lịch sử dân tộc. Vua Gia Long trong những năm tháng gian nan và khốn khó nhất của cuộc đời đã tìm đến vùng biển đảo Tây Nam, đặt cược toàn bộ mạng sống và sự nghiệp vào lòng trung thành và sự cưu mang, che chở, phù giúp của các thần dân. Hoạt động này của vua Gia Long đã chính thức xác nhận quan hệ vua – tôi, khẳng định một cách tuyệt đối danh nghĩa chủ quyền của quốc gia Đại Việt, của chúa Nguyễn Đàng Trong đối với vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Như thế rõ ràng dấu tích 10 năm nếm mật nằm gai cùng những người dân ấp dân lân ở vùng biển đảo Tây Nam của vua Gia Long đã và sẽ mãi mãi trở thành di sản vô giá, thành những cột mốc chủ quyền thiêng liêng và bất hủ trong lòng nhân dân, trong lòng dân tộc.■

GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc

(Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN)

Chú thích:

[1] Chiêu Tăng và Chiêu Sương: 2 tướng được Vua Xiêm cử sang giúp Nguyễn Ánh đánh quân Tây Sơn, BTV

[2] Đại Nam thực lục (2002), Sđd, T.1, tr.224.

[3] Đại Nam thực lục (2002), Sđd, T.1, tr.228.

[4]  Đại Nam thực lục (2002), Sđd, T.1, tr.228

[5] Tạp chí Xưa & Nay số 409 (8/2012), tr.30. Nguyên văn: “Avec un courage invincible et une vertu immaculée  qui furent comme le vrai or qui brille avec mille éclats après avoir subi mille épreuves du feu, ton aieul Gia Long, plusieurs fois noble et valeureux, vous a laissé, après des péripéties et des souffrances incalculables, un pays riche, un people indépendant, une nation respectée par les forts et aimée par les faibles, un avenir plein de vie et d’évolution”,

[6] Theo nghiên cứu gần đây, tộc người Batak Toba sống ở quanh hồ Teoba phía Bắc đảo Sumatra (Indonesia) có mối liên hệ nguồn gốc với người Việt cổ. Truyền thuyết cho rằng, họ là di duệ của những người tàn binh Hai Bà Trưng sau thất bại năm 43 đã chạy xa xuống phương Nam và vượt biển Tây Nam sang nương náu ở vùng hồ Toba thuộc phía Bắc đảo Sumatra.

[7] Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1997), Đại Việt địa dư toàn biên, tr.299: “Thời quốc sơ, người Quảng Đông nhà Thanh là Trịnh (Mạc) Cửu… thấy đất ấy có khách buôn các nước tụ họp đông, nhân thế chiêu tập những dân siêu tán, lập 7 xã thôn ở Phú Quốc, Hương Úc, Rạch Giá, Cà Mau, tự cai quản lấy, gọi là nước Hà Tiên”.

[8] Thanh triều văn hiến thông khảo, chữ Hán, quyển 297, Tứ duệ 5, tr.7463.

[9] Đại Nam nhất thống chí (2012), Nxb Lao động T.2, tr.1775.

[10] Đại Nam thực lục (2002), Sđd, T.1, tr.252.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN