Mạng lưới chợ ở Thăng Long - Hà Nội trong những thế kỷ XVII - XVIII - XIX (kỳ 1)

Mạng lưới chợ ở Thăng Long – Hà Nội đã đóng một vai trò rất quan trọng đối với đời sống kinh tế – xã hội của thành thị này trong những thế kỷ XVII, XVIII XIX, góp phần tạo nên danh tiếng “Kẻ Chợ” sầm uất bậc nhất cả nước. Tuy nhiên, do những hạn chế về quy mô, phương thức hoạt động cũng như các chính sách của nhà nước phong kiến, hoạt động buôn bán của mạng lưới chợ ở Thăng Long – Hà Nội trong thời gian gần 4 thế kỷ, cho dù đã được mở rộng sôi nổi nhộn nhịp hơn, nhưng vẫn không có sự chuyển biến về chất, vẫn chỉ là một nền buôn bán lưu thông nhỏ, trong một nền kinh tế hàng hóa giản đơn phong kiến. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu lại bài viết về đề tài này của nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 208 năm 1983 (chia thành 2 kỳ).

Có thể từ khá lâu, và nếu muộn nhất thì cũng là đến đầu thế kỷ XI, Thăng Long đã trở nên một thành thị lớn nhất của cả nước, hiểu theo đúng nghĩa hoàn chỉnh của nó. Ngay từ khi mới ra đời, nó đã là một phức hợp chính trị – kinh tế quan trọng làm tròn chức năng mà những nhà Vua lập ra nó mong đợi, nghĩa là ở chỗ “chính giữa làm kế cho con cháu muôn đời” và đồng thời cũng là nơi “muôn vật rất thịnh mà phồn vinh… chỗ hội họp của bốn phương”[1]. Kết cấu của nó khá rõ ràng: một phần “thành” giữ vai trò chủ đạo hạt nhân, với những cung điện, thành quách; và cùng với nó là một phần “thị” mang tính chất bổ trợ, với những phố phường, chợ búa. Và trong 6 thế kỷ tiếp theo, cho đến thế kỷ XVII, thành thị hầu như là độc nhất này của Việt Nam đã sống cuộc đời bình thường của nó, nghĩa là phần thành được từng bước xây dựng, mở rộng, kéo theo sự phát triển tiệm tiến của phần thị.

Bước sang thế kỷ XVII, Thăng Long[2] đã chuyển mình mạnh mẽ trong một đà hưng thịnh nhảy vọt. Sự lớn mạnh của nền kinh tế hàng hóa (mà những nét chủ yếu là sự gia tăng các làng thủ công chuyên hóa, sự xuất hiện một thị trường vùng và liên vùng với các tuyến buôn bán nửa đường dài, có sự kích thích của ngoại thương ở một mức nhất định), chính sách mở rộng thành đô của Nhà nước phong kiến Lê – Trịnh, các đợt di động xã hội lớn làm chuyển dịch một khối lượng dân cư đông đảo về kinh thành; tất cả những yếu tố đó đã làm cho đời sống chính trị và kinh tế của Thăng Long trở nên sôi động, trong đà nảy sinh và phát triển chung của một loạt các thành thị khác trong cả nước.

Cùng với sự lớn mạnh của khu thành, đặc biệt là sự xuất hiện của quần thể Phủ Chúa Trịnh ở liền sát với các phố phường buôn bán, khu thị của Thăng Long đã trở nên sầm uất nhộn nhịp chưa từng thấy, lúc này được gọi là Kẻ Chợ, mà các lái buôn và giáo sĩ phương Tây đương thời đã coi như một thành phố thứ hai, “thành phố – chợ búa” bên cạnh “thành phố – cung điện”[3]. Từ một khu vực trước kia tồn tại phụ thuộc vào phần thành chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của khối vua quan thống trị, giờ đây phần thị của Thăng Long đã sống một cuộc sống độc lập, ngày càng trở nên phồn thịnh, ngay cả cho đến thế kỷ XIX, khi Thăng Long không còn là kinh đô của cả nước mà chỉ là một thủ phủ (Bắc Thành) và sau đó chuyển thành tỉnh thành Hà Nội. Trái với khu thành giờ đây sa sút đi một cách đáng kể, thì khu thị của Hà Nội vẫn sầm uất đông vui, có phần nào còn phát triển hơn trước. Một tác giả phương Tây đã viết về Hà Nội vào khoảng giữa thế kỷ XIX: “Mặc dù thành phố này không còn là nơi Vua ở, nhưng tôi cho rằng nó vẫn còn là thành phố hàng đầu của cả nước đối với các ngành mỹ nghệ, kỹ nghệ, thương mại, sự giàu có và dân cư đông đúc, sự lịch duyệt và học vấn… Chính ở đó đã tụ tập những văn nhân, thợ giỏi, nhà buôn lớn, ở đó đã sản xuất ra những vật phẩm mỹ nghệ cần dùng cho đời sống và phục vụ xa hoa, tóm lại, chính đó là trái tim của dân tộc”[4].

Thành phố Kẻ Chợ, kinh đô xứ Đàng Ngoài khoảng năm 1685. Hình minh họa trong sách “A description of the kingdom of Tonqueen” (London, 1732) của Samuel Baron.

Bản thân khu vực thị có hoạt động công thương nghiệp của Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ này lại là một kết cấu kinh tế khá hoàn chỉnh. Ở chính giữa là một khu buôn bán tập trung, được coi như một thành phần hạt nhân, gồm có những chợ, phố, bến cảng. Xen vào đó là một số phường thủ công nội thị, có chức năng là chế tác khâu cuối cùng của thành phẩm hoặc chế tác một số sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật tinh vi. Xa hơn là một số phường thủ công ven đô của một số nghề đòi hỏi một quy trình lao động phức tạp và một hiện trường lao động lớn, cùng với một số làng nông nghiệp chuyên canh đặc sản. Ngoài kết cấu đô thị và có liên hệ mật thiết với kết cấu đô thị là một hệ thống các làng chuyên nghiệp tầng ngoài, thường xuyên cung cấp sản vật nông nghiệp và hàng hóa thủ công nghiệp cho đô thị.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn sự nghiên cứu ở các hoạt động buôn bán của Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII, XVIII và XIX, mà cũng chỉ đi vào một mặt của các hoạt động đó: mạng lưới chợ. Còn các phố phường buôn bán mà chúng ta có thể coi như một dạng kết hợp đặc biệt của chợ và các làng thủ công chuyên nghiệp, cùng với hoạt động của bến cảng mà chủ yếu có lên quan trực tiếp đến các tuyến buôn bán nửa đường dài và đường dài, đó cũng là những yếu tố rất quan trọng trong kết cấu các hoạt động buôn bán của Thăng Long – Hà Nội, thì chúng tôi hy vọng có dịp sẽ đề cập đến trong những bài viết khác.

Trong những thế kỷ trước, chúng ta ít có những tài liệu cụ thể về mạng lưới chợ ở Thăng Long – Hà Nội. Sử cũ có nhắc đến sự kiện vào năm 1035, Vua nhà Lý “mở chợ Tây Nhai với hành lang dài”[5], có thể vào quãng chỗ chợ Ngọc Hà ngày nay. Cũng trong thời gian này “vua [Lý] Thái Tông cho mở phố chợ về Cửa Đông [quãng phố Hàng Buồm ngày nay], hàng quán chen chúc sát đến bên đền [Bạch Mã], rất là huyên náo[6]. Đời Trần, theo sứ giả Trần Phu trong An Nam tức sự, thì “Chợ cứ 2 ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bày la liệt. Hễ cách 5 dặm, thì dựng một ngôi nhà 3 gian, bốn phía đặt chõng để làm nơi họp chợ[7]. Cho đến thế kỷ XVIII, do sự gia tăng dân số và các hoạt động buôn bán ở kinh thành, mạng lưới chợ ở Thăng Long có thể được mở rộng nhiều, mật độ dày đặc hơn các nơi khác. Riêng ở khu buôn bán trung tâm, Phan Huy Chú đã kể ra có đến 8 chợ lớn, có nộp thuế thịt trâu, đó là các chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử và chợ Ông Nước[8]. Đến thế kỷ XIX, theo Đại Nam nhất thống chí, ta thấy có thêm Chợ Mới ở phía đông nam tỉnh thành, mỗi tháng 6 phiên, nhiều người họp chợ, buôn bán đủ các mặt hàng, là một chợ lớn trong tỉnh[9]. Có lẽ chợ này ở quãng Phố Mới (tức phố Hàng Chiếu ngày nay, khoảng gần chợ Bắc Qua) được thành lập do sự di chuyển của luồng giao thông qua sông Hồng, từ bến Tây luồng (quãng trên Bảo tàng lịch sử ngày nay) lên bến Nguyên Khiết (quãng chỗ chân cầu Long Biên ngày nay), mà sau này, các tác giả Pháp đến Hà Nội vào quãng năm 70 – 80 của thế kỷ trước thường hay nhắc đến bến đò đó.

Sau đây, chúng ta hãy tìm hiểu mạng lưới chợ của Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII, XVIII và XIX qua các mặt địa điểm, thời gian họp chợ, các mặt hàng buôn bán, phương thức buôn bán, quan hệ với nhà nước phong kiến và vai trò của mạng lưới chợ trong sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa.

1. Địa điểm họp chợ

Căn cứ vào sự phân bố của các chợ ở Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII, XVIII và XIX, ta có thể nói rằng tuyệt đại bộ phận các chợ đều được dựng nên ở những nơi công cộng, thuận tiện cho việc giao thông đi lại và trao đổi buôn bán. Nhìn chung chợ thường được họp ở một trong số những địa điểm sau:

Cửa ô: Chúng ta đều biết rằng từ lâu đời, các cửa ô của Thăng Long – Hà Nội đã là những đầu mối giao thông quan trọng của việc buôn bán đi lại giữa các địa phương và kinh kỳ. Năm 1749, chúa Trịnh đã cho đắp lại thành Đại La, xây dựng 16 cửa ô tả hữu để tiện việc kiểm soát. Sau này, khi Thăng Long Hà Nội không còn là kinh đô, nhưng các cửa ô đó vẫn tồn tại và vẫn là những địa điểm tập kết quan trọng của dân chúng các làng mạc chung quanh trước khi vào các phố phường Hà Nội. Đó cũng là những địa điểm thuận tiện cho việc họp chợ. Sách sử cũ đã nhắc đến sự tồn tại của một số chợ đặt địa điểm tại các cửa ô, như các chợ Yên Thái (Bưởi), chợ Dịch Vọng (Ô Cầu Giấy) chợ Cầu Dừa (Ô Chợ Dừa), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), chợ Ông Nước (hay Ông Mạc, Ô Đống Mác).

Cửa thành: Cửa thành là nơi ra vào hàng ngày của các tầng lớp quan lại, sai nha, nho sĩ, quân lính từ Hoàng thành đời Lê (sau là tỉnh thành đời Nguyễn) tới khu vực phố phường buôn bán để mua sắm các sản phẩm, thức ăn vật dụng hàng ngày cũng như các hàng hóa, đồ đạc phục vụ triều nghi. Do đó ở cạnh các cửa thành thường là xuất hiện các khu chợ đông đúc sầm uất.

Chợ xưa nhất ở cửa thành Thăng Long có lẽ là chợ Cửa Tây, thành lập từ đời Lý (chợ Tây Nhai), căn cứ vào vị trí hoàng thành lúc bấy giờ, nhiều người đoán định chợ đó ở vào quãng chợ Ngọc Hà ngày nay. Trong thế kỷ XVI, sử cũ còn nhắc đến tên một chợ là Hoàng Hóa thị (chợ Hoa Vàng)[10], có thể chính là chợ này. Trong dân gian, còn lưu truyền câu ngạn ngữ “Bán mít chợ Đông, bán hồng chợ Tây…”.

Chợ Cửa Đông cũng là một chợ cổ và sầm uất, vì cửa Đông môn thời Lê (trước đó là cửa Tường Phù thời Lý) trực tiếp ăn thông ra khu vực buôn bán của kinh thành (ở vào quãng Hàng Đường – Hàng Buồm bây giờ).

Lê Quý Đôn miêu tả trong Kiến văn tiểu lục: “Thời nhà Lý mới đóng kinh đô ở Thăng Long, người bốn phương lũ lượt kéo đến, họp tập buôn bán, cùng nhau mở chợ Cửa Đông, lập đàn tràng đại hội sát liền ngay đền thờ thần [Bạch Mã][11].

Thời Nguyễn còn có một chợ Cửa Đông khác, gọi là Chợ Đông Thành[12], ở xa hơn về phía Tây chợ Cửa Đông nói trên, quãng phố Cửa Đông ngày nay. Có thể ở đây, quân lính trong thành hàng ngày vẫn ra đây mua bán thức ăn, cho nên ngay cạnh đó, có chỗ gọi là Hàng Gà. Ngay sát thành, chỗ đầu phố Hàng Bồ bây giờ vào cuối thế kỷ XIX còn có một chợ nhỏ chuyên buôn bán chó thịt và thịt chó, có thể là cho lính tráng[13].

Chợ Cửa Nam cũng là một chợ lớn của Thăng Long – Hà Nội vì cửa Nam (thời Lê gọi là cửa Đại Hưng) là nơi ra vào chính hàng ngày của vua chúa, quan lại, các vị tân khoa và nho sĩ. Trong du ký của mình, Dampier có gọi là ở đó “có 2 cửa nhỏ, mỗi cửa ở một bên cửa lớn (cửa Đại Hưng), người ta mở ra cho tất cả những ai có công việc đi đến cung Vua, nhưng các người ngoại quốc thì không được tự do ra vào những cửa này”[14]. Trong chuyến lên kinh năm 1782, Lê Hữu Trác cũng đã đi vào hoàng thành bằng cửa này và có qua một trạm kiểm soát ở Đình Ngang[15] gần đó, người ta cũng lập ra một cái chợ tại nơi đây – chợ Đình Ngang[16].

Chợ tre nứa cạnh bờ sông Hồng thuở xưa. Nguồn: Flickr manhhai

Bến sông, bờ kênh: Sông Hồng là một trục buôn bán lớn, chính yếu của Thăng Long – Hà Nội. Ngoài những hoạt động buôn chuyến đường dài và những hoạt động buôn bán tại chỗ ngay trên sông và bến (tre, gỗ, mắm, muối…) người ta còn dựng nên những chợ họp tại 2 bên bờ sông để trao đổi hàng hóa. Chợ Bát Tràng là một chợ lớn họp bên bờ tả ngạn, thuộc làng Bát Tràng. Năm 1782, Lê Hữu Trác lên kinh, đã thấy ở đây “quán rượu, hàng cơm liên tiếp nối nhau”[17]. Và đến năm 1794, Cao Huy Diệu đi chơi đáp thuyền buôn trên sông Hồng, đúng trưa đậu thuyền ở bến Bát Tràng “thấy chợ phố đông đúc, hàng bày đầy ắp”[18]. Chợ Mới ở phố Hàng Chiếu trông sang bến Nguyên Khiết thế kỷ XIX cũng là một chợ thuộc loại ven bến sông Hồng.

Sông Tô Lịch là một dòng sông (đúng ra là một dòng kênh) nội thị, có vai trò quan trọng sống còn đến sinh hoạt kinh tế của Thăng Long – Hà Nội. Trong các thế kỷ trước, hàng hóa và thuyền bè ngược xuôi sông Hồng đã rẽ vào cập bến ở 2 bên bờ sông Tô Lịch, để nghỉ đỗ lại hoặc chất dỡ hàng hóa. Hiện tượng này còn tồn tại cho đến tận cuối thế kỷ XIX[19]. Vì vậy, ở những địa điểm 2 bên bờ sông Tô thuận tiện cho việc buôn bán, người ta lập nên các chợ, một số là chợ đặc sản. Chúng ta có thể kể đến chợ Gạo (đầu cửa sông Tô), chợ Hàng Cá, chợ Cầu Đông, và đặc biệt là chợ Bạch Mã (tên gọi khác của chợ Cửa Đông). Chợ Bạch Mã ở quãng phố Hàng Buồm ngày nay, sát bờ sông Tô, trên bến dưới thuyền, hoạt động buôn bán rất tấp nập, đặc biệt là tầng lớp phú thương Hoa kiều. Năm 1736, sứ thần Trung Quốc là Ngụy Tiếp tới Thăng Long, đã làm thơ ca tụng chợ Bạch Mã:

“Gió hòa bụi chợ đông người

Phất phơ tay áo đua chơi xuân cùng

Ngày dài thuyền chở xe dong

Bán buôn lũ lượt trập trùng chen đua…”[20].

Và một bài thơ khác, tả cảnh chợ phiên Bạch Mã, có câu nói lên sự tương phản giữa 2 cảnh lao động vất vả và cảnh ăn chơi đàng điếm lúc đó:

“Tiếng hò thêm sức, hơi như đứt

Khúc hát tàn canh, giọng vẫn thừa…”[21]

Khoảng đầu thế kỷ XIX, Phạm Đình Hổ đã ghi nhớ lại quang cảnh chợ phiên Bạch Mã cuối thế kỷ XVIII: “… Là một chợ buôn bán rất huyên náo. Những quân trộm cắp hay thừa cơ cướp giật, có khi thò tay vào túi người ta móc lấy hết cả. Có khi chúng cố ý làm cho ồn ào, đổ xô nhau mà chạy để rồi cắp bọc áo người ta, hoặc khuân đồ vật hàng hóa”[22]. Và cảnh “họp chợ Bạch Mã” (Bạch Mã sấn thị) trước đây đã được coi như một trong 8 cảnh sinh hoạt điển hình của Thăng Long (Thăng Long bát cảnh) thời Lê Trịnh[23], được người đương thời đề thơ vịnh.

Ngoài loại chợ cố định về địa điểm như trên, trong đó hàng hóa được bày bán trật tự trong các hàng (lộ thiên) hoặc trong các quán (có mái) ở Thăng Long – Hà Nội, ta còn phải kể đến một số lượng khổng lồ các chợ lưu động không tên của những người buôn bán rong, vặt vãnh, tập hợp lại ở mọi các đường phố, những ngã ba ngã tư, những khoảng đất trống, tóm lại là ở bất kỳ những nơi nào có người qua lại, không cần hàng quán. Đây là một ghi chép về một chợ thuộc loại đó vào khoảng những năm 80 của thế kỷ XIX: “Việc thiết lập một cái chợ không tốn kém gì cả, nó chỉ cần đến thời tiết tốt. Người nông dân ngồi ngay xuống đất, trên đường phố, hàng hóa để trong vuông vải hay trong một cái làn, thậm chí trên đất bụi, nếu như họ không sợ làm hư hỏng loại hàng hóa đó”[24]. Và một nhận xét khác tương tự “Các chợ của thành phố không được bố trí trật tự… Thương nhân ngồi bán hàng la liệt ở các ngã tư, các nơi công cộng, trên đường phố, bất kỳ ở đâu, trông rất ngộ mắt”[25].

Tóm lại, ở Thăng Long – Hà Nội trong những khoảng thế kỷ XVII, XVIII, XIX đã tồn tại một hệ thống chợ, một mạng lưới chợ dày đặc và hoàn chỉnh hơn bất kỳ một mạng lưới chợ ở một địa phương nào khác. Nó được phân bố ở mọi nơi qua lại trong thành phố, nhất là ở các cửa thành, cửa ô, bến cảng, bờ sông. Mật độ chợ đậm đặc nhất ở khu buôn bán trung tâm và càng ra xa thì càng thưa dân. Tổng hợp lại, toàn bộ thành phố (trừ khu vực thành) là một cái chợ lớn, một tập hợp chợ, một siêu thị, đúng như tên gọi “Kẻ Chợ” mà những người bình dân đã đặt tên cho nó.

2. Thời gian họp chợ

Chúng ta không có tài liệu trực tiếp về thời gian chu kỳ họp chợ thời Lý – Trần. Nhận xét của Trần Phu về chợ Việt Nam ghi trong An Nam tức sự: “chợ cứ 2 ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bày la liệt” (có bản dịch lại ghi là 2 tháng) gợi cho chúng ta nhiều nghi vấn về mức độ chính xác (các phiên chợ cách nhau mau quá hoặc thưa quá). Văn bản đầu tiên của nhà nước phong kiến về thời gian họp chợ được ghi lại trong Hồng Đức thiện chính thư, nêu ra nguyên tắc chợ họp xen kẽ và định kỳ, nhưng cũng không ghi rõ quãng thời gian cụ thể cách nhau được quy định giữa 2 phiên chợ.

Marini sống ở Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ XVII, thì ghi chép: “Mỗi huyện có một khoảng đất lớn khá rộng rãi mà người ta thuê (của làng sở tại) và ở đó những ai muốn bày bán hàng hóa của mình đều phải trả tiền chỗ, và cứ đúng ngày quy định thì đến đó, và chợ phiên chỉ họp lại tại nơi đó sau khi các huyện khác đến lượt mình cũng đã được hưởng quyền ưu tiên (họp chợ) như vậy. Và với phương thức đó, chỉ trong riêng một trấn, vào tất cả mọi ngày trong năm, ở một nơi nào đó trong số các huyện đều sẽ có một phiên chợ lớn mà người ta có thể tìm thấy mọi thứ hàng hóa ở đó”[26]. Dampier đến Đàng Ngoài vào năm 1688, có nhận xét là: “Ở khắp mọi nơi trong xứ Đàng Ngoài các chợ (nông thôn) họp đều kỳ, một tuần một lần, trong vùng lân cận độ 4,5 xã theo thứ tự luân phiên”[27]. (Nhưng đến khi tính toán thời gian cụ thể thì Dampier lại có sự nhầm lẫn).

Chúng ta có thể chấp nhận ý kiến cho rằng các chợ nông thôn (chợ làng, chợ huyện) hoặc chợ ven đô cứ khoảng 5, 6 ngày họp một lần trong một phạm vi liên kết khoảng 5, 6 xã hoặc huyện.

Đối với các chợ ở khu buôn bán trung tâm của Thăng Long – Hà Nội, về thời gian họp chợ, đã có những điểm chưa được mọi tác giả nhất trí. Trong thế kỷ XVII -XVIII, ý kiến của các lái buôn, giáo sĩ cũng có chỗ khác nhau. Dampier cho rằng “ở Kẻ Chợ, chợ họp trong tất cả mọi ngày”[28], trong khi đó A. Rhodes[29], Baron[30] và Marini[31] lại chép là chợ ở Kẻ Chợ mỗi tháng có 2 phiên (vào ngày rằm và mồng một âm lịch). Còn Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút thì cho rằng ở Kinh kỳ “phiên chợ là những ngày 1, 6, 11, 14, 15, 21, 26 và 30” âm lịch (một tháng 8 phiên)[32]. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, thì ý kiến của hầu hết các tác giả sống ở Hà Nội vào khoảng những năm 70, 80 đều cho rằng chợ ở Hà Nội họp “cứ 5 hoặc 6 ngày là một phiên”[33].

Một chợ họp trong phố ở Hà Nội năm 1896. Ảnh: Firmin-André Salles

Chúng ta có thể suy ra rằng trong những thế kỷ XVII, XVIII, các chợ ở Thăng Long đã họp theo lịch các ngày mà Phạm Đình Hổ ghi chép, trong đó có ngày mồng một và rằm âm lịch là phiên chính, còn những ngày khác là phiên xép. Nhận xét của Dampier về “Kẻ Chợ ngày nào cũng có chợ” nên được hiểu là “bất kỳ ngày nào, cũng có phiên chợ họp trong phạm vi Kẻ Chợ”. Đến thế kỷ XIX, số chợ có thể tăng lên, ngày họp cũng đều kỳ hơn. Và cũng cần lưu ý rằng ở khu trung tâm buôn bán của Hà Nội thì ngoài những phiên chính có nhiều hàng hóa, chợ vẫn họp thường xuyên hàng ngày, bán các thức ăn vật dụng cần thiết. Hình như đối với các chợ ven đô – chợ cửa ô thì người ta cũng áp dụng nguyên tắc xen kẽ luân phiên giữa các chợ, điều này còn thể hiện cho đến ngày nay trong tính chất xen kẽ của các ngày phiên của các chợ Mơ, chợ Bưởi, chợ Cầu Giấy, chợ Dừa…

Cũng giống như chợ ở các địa phương khác, chợ ở Thăng Long – Hà Nội họp từ sáng sớm cho đến quá trưa, có thể muộn hơn chút, “từ 7 giờ sáng và kéo dài đến 2 giờ chiều”[34], có chợ “từ 7 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều”[35]. Có một số chợ ở Hà Nội họp nhiều giờ hơn ở các nơi khác. Đó có thể là vì số lượng người đông đảo và số hàng hóa trao đổi ở đây quá lớn. Lại có một số chợ chỉ họp vào lúc chiều tối, gọi chung là chợ Hôm, có lẽ chỉ để phục vụ riêng cho những khách hàng tiêu thụ tại chỗ ở chung quanh gần đấy, như Chợ Hôm gần phố Hàng Bè (Nam phố) mà Trương Vĩnh Ký có nhắc đến[36] hoặc như Chợ Hôm cuối thế kỷ XIX ở chỗ Chợ Hôm phố Huế ngày nay. Có tác giả sau khi so sánh đã cho rằng “trừ ở Hà Nội và Quy Nhơn, còn ở các địa phương khác bao giờ chúng tôi cũng thấy các chợ đều vãn hết người vào lúc quá trưa, khoảng 3 giờ chiều”[37].■ (Còn nữa)

Nguyễn Thừa Hỷ

Chú thích:

[1] Sử thần triều Lê. Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch) Tập 1, Hà Nội, 1972, tr.190.

[2] Chúng tôi gọi thế cho tiện. Thực ra, các tên gọi của Hà Nội lúc này lần lượt là Đông Đô (1460-1789), Bắc Thành (1789-1802), Bắc Thành tòng trấn (1802-1806), Thăng Long (1806-1830) rồi mới đến Hà Nội (1831 trở đi).

[3] Marini – Relation nouvelle et curieuse des royaumes de Tunquin et de Lao. Paris 1666, tr.109.

[4] Sylvestre – Empire d’Annam et le peuple annamite – Paris’ 1889 tr.28.

[5] Toàn thư I. tr. 211.

[6] Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh (bản dịch). Hà Nội 1972

[7] Trần Phu – An Nam tức sự (bản dịch). Tạp chí Văn học 1/2/1972, tr. 120.

[8] Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí (bản dịch) tập III. Hà Nội 1961, tr.83

[9] Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất thống chí (bản dịch) tập III, Hà Nội 1971, tr.189

[10] Toàn thư III. Hà Nội 1968, tr.85.

[11] Lê Quý Đôn. Kiến văn tiểu lục (bản dịch), Hà Nội 1977

[12] Đại Nam nhất thống chí III, tr. 189.

[13] Hocquard – Une Campagne au Tonkin (1884), Paris 1892. tr.177

[14] Dampier – Voyages and Discoveries, London 1688, tr.38.

[15] Lê Hữu Trác – Ký sự lên Kinh (bản dịch), Hà Nội 1977, tr.175.

[16] Đại Nam nhất thống chí III, tr.190

[17] Ký sự lên kinh, tr.147

[18] Thơ của Cao Huy Diệu (Nguyễn Vinh Phúc dịch – Hà Nội mới 8/2/1981).

[19] Viénot – Voyages d’étude fait au’ Tonkin, Sài Gòn 1883. tr.190

[20] Lê Quý Đôn. Văn đài loại ngữ (bản dịch), Hà Nội 1962, tr.162.

[21] Doãn Kế Thiện. Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội 1959, tr.36.

[22] Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút (bản dịch) Hà Nội 1972, tr.84.

[23] Đại Nam nhất thống chí III, tr.187.

[24] Bourde. De Paris au Tonkin (1884) Paris 1885, tr.287.

[25] Bourrin. Le vieux Tonkin. Hà Nội 1911, tr.36.

[26] Marini – Sách đã dẫn, tr.119.

[27] Dampier. Un voyage au Tonkin en 1688 Revue indochinoise Hà Nội 1909 (2), tr.795.

[28] Dampier – Un voyage au Tonkin en 1688, tr.796.

[29] A. Rhodes. Histoire du Royaume du Tonkin (1627-1662). Revue indochinoise 1908 (2), tr.108.

[30] Baron, Description du Royaume du Tonkin, Hà Nội 1914, tr.12.

[31] Marini, Sách đã dẫn, tr.109.

[32] Vũ trung tùy bút, tr.83.

[33] Le Tonkin. Paris 1886, tr.99

Hocquard. Sách dẫn tr.173

Bourde. Sách dẫn tr.286.

[34] Hocquard. Sách dẫn tr.173.

[35] Bourde. Sách dẫn tr.173.

[36] Trương Vĩnh Ký. Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 – Sài Gòn 1881, tr.16.

[37] Vienot, Sách dẫn tr.86

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN