"Lịch triều hiến chương" của Phan Huy Chú được Vua Minh Mạng thưởng 30 lạng bạc!

Từ đầu thế kỷ XIX, Việt Nam đã có bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên với các nội dung phong phú, được phân loại và hệ thống hóa theo phương pháp khoa học và tương đối chính xác. Đó là bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” do nhà bác học Phan Huy Chú biên soạn trong suốt 10 năm. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu với bạn đọc đôi nét về tác giả Phan Huy Chú cùng bộ sách quan trọng trong kho tàng thư tịch cổ Việt Nam qua bài viết trên Tạp chí “Phổ Thông” số 4 ngày 01/01/1959.

Nói đến văn học, nhiều người nghĩ ngay đến thi ca. Nhưng văn học chẳng phải chỉ là thi ca. Văn học là tất cả những gì người ta viết ra, để truyền thụ kinh nghiệm, để xây dựng cuộc sống còn của con người và của dân tộc. Ở Âu – Mỹ, sách báo sản xuất nhiều vô kể, cứ mỗi người, hoặc ra trận, hoặc ra xứ ngoài, hoặc làm bất cứ một công việc nào, lại cầm lấy bút kể lại công việc mình và những kinh nghiệm mình thâu thập được. Viết như vậy, rất quý cho những người sau…

Văn học bao gồm tất cả những cái gì mà người viết ra, thứ nhất là những cái có ích lợi thật tế cho cuộc sống.

Nhìn theo quan điểm ấy, phải chăng Văn học Việt Nam nghèo, vì Văn học Việt Nam thường chỉ có thi ca, là một thú vui nhàn nhã.

Không, về mọi phương diện, cả về phương diện tham khảo, nghiên cứu, sưu tầm, phê bình, nền văn học cổ của ta tuy không dồi dào phong phú lắm nhưng không phải là không có. Những người trọng công trình nghiên cứu, sưu tầm của Âu – Mỹ, đã sửng sốt và vô cùng sung sướng khi nhận biết những sản phẩm nghiên cứu, sưu tầm của Văn gia Việt Nam, trong đó có Phan Huy Chú.

Bạn có biết công trình biên khảo của Phan Huy Chú rộng lớn đến mực nào không? Một vài điểm đủ để bạn có một ý niệm về công trình ấy: Phan Huy Chú đã đem hết tài học và ý chí lạ thường ra, để viết sách liên miên suốt 10 năm trường. Kể như công trình nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, thì đời nay ở nước ta còn hiếm thay huống chi là thời xưa được một người như thế! Khi công trình hoàn thành, tính ra riêng một bộ sưu tầm của Phan Huy Chú, gọi là bộ “LỊCH TRIỀU HIẾN CHƯƠNG” đã gồm tới 49 quyển. Bốn mươi chín quyển đó chia ra làm 10 phần, bao gồm mọi phương diện văn học, ngoại giao, quân sự, lệ luật, thi cử, lễ nghi, tiểu sử nhân vật của Việt Nam thời cổ. Thật là vĩ đại!

Bộ sách “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí” của Phan Huy Chú do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1992. Ảnh: Quán sách mùa thu

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP ÔNG PHAN HUY CHÚ CŨNG KHÁ ĐẶC BIỆT

Ông ra đời và sinh trưởng trong một thời loạn lạc, vào cuối Lê, giữa những năm mà thời cuộc thường bị đảo lộn do những cuộc tiến quân của Tây Sơn và nhà Nguyễn. Khi Gia Long dứt được Tây Sơn để lên ngôi, Phan Huy Chú vừa được 20 tuổi. May được cha là Phan Huy Ích(1) và được sinh trưởng trong một gia đình văn học(2), mà Phan Huy Chú theo đuổi được việc học sâu rộng, nổi tiếng giỏi văn từ thuở nhỏ. Kế đấy, các năm 1802, 1819 Phan Huy Chú đi thi, nhưng không hề chuyên chú vào cái học từ chương mà ông cho là vô ích nên hai lần đều chỉ đậu Tú tài. Mộng tham khảo nảy ra từ nhỏ, nên Phan Huy Chú dày công thâu thập tài liệu. Và đến năm 1809, bắt đầu viết bộ Lịch Triều Hiến Chương. Công trình đằng đẵng suốt 10 năm, Phan Huy Chú tiếp tục làm không hề nản chí, hoàn thành bộ sách 49 quyển vào năm 1820. Bộ sách dâng lên Vua Minh Mạng, Phan Huy Chú được thưởng 30 lạng bạc, với nhiều ngọn bút và thoi mực Tàu! Năm sau, Phan Huy Chú được bổ Hàn lâm biên tu. Năm 1824, ông được cử sang sứ bên Tàu. Năm 1828, ông làm Phủ thừa ở Thừa Thiên, rồi đổi ra Quảng Nam làm Hiệp trấn. Năm 1830, do tài học đặc biệt, lại được Vua cử sang sứ bên Tàu lần nữa, nhưng lần này, vì những lỗi ở dọc đường, khi ông đi sứ về, ông bị cách chức. Tuy nhiên, liền cuối năm đó, ông lại được cử đi sứ ở Nam Dương (Indonesia), để trổ tài chuộc lỗi. Bốn năm sau, ông được bổ làm Tư vụ ở bộ Công. Kế đấy, ông cáo ốm về nhà dạy học.

Tranh chân dung Phan Huy Ích (1751 – 1822), cha của Phan Huy Chú. Tranh vẽ trên lụa năm 1790, hiện đặt tại nhà thờ họ Phan Huy ở Hà Tĩnh. Nguồn: Wikipedia

Con nhà văn rất đặc biệt ở chỗ đầy chí kiên nhẫn: Ông cần cù tham khảo, mà chỉ có mỗi ý chí thúc đẩy mà thôi. Điểm rất lạ ở ông Chú, là ý niệm rất rõ rệt về vấn đề văn hóa của một quốc gia cần phải mở rộng thế nào và bao gồm những ngành nào. Ý niệm này, ông ghi rõ trong bài tựa của bộ sách. Ý niệm ấy và chí kiên nhẫn ấy quý hơn hết cả, rồi sau mới đến sự học rộng và tài tham khảo. Ông Chú không đỗ cao, nhưng học rộng. Và tài tham khảo, ông cũng có thừa. Vì thế mà văn học ta mới có bộ Lịch Triều Hiến Chương.

HIỂU BIẾT LẠ LÙNG CỦA PHAN HUY CHÚ

Trong bài Tựa của bộ sách, ông Phan Huy Chú đã mở rộng phạm vi văn chương, mà bảo rằng: “Trong việc học để biết cho đến nơi, thì hiến chương là phần lớn. Khổng Tử nói: “Học rộng cốt ở văn”. Văn, tức là sự lý thế nào là phải, điển lễ quốc gia thế nào là cần. Nhà nho đọc sách, phải hỏi rộng và tầm kiếm chung quanh, khảo cứu, suy xét, mới không xấu hổ và là học rộng; đâu phải lấy chương cú chắp thành lời hoa mỹ mới là văn chương!”.

Mang vững lòng tự tin ở quốc gia, dân tộc, ông Chú lại so sánh văn hóa ta với văn hóa Tàu, các phép tắc, lệ luật, quy chế, cơ cấu tổ chức của xã hội ta với xã hội Tàu, để quả quyết rằng: của ta không kém gì của Tàu cả.

Duy có việc biên chép, sưu tầm, để nêu ra những cái hay, cái đẹp ấy, thì ta lại thiếu sót: ông Chú bổ khuyết vào chỗ thiếu sót ấy. Lời Tựa của bộ sách đáng cho ta tán thưởng: “Hiềm, từ trước tới nay, chưa có bộ sách nào chuyên chép về hội điển các triều; sự ghi chép biên niên của quốc sử thì lại sơ lược. Lại thêm từ Bính Ngọ trở đi (1786), vì lẽ chiến tranh mà sách vở thất lạc, còn những sách sót lại ở các tư gia thì tàn tạ và lụn vụn, không ra đầu mối gì cả. Như vậy thì công việc thâu thập kiến văn, phân biệt sự loại là một việc nên làm của người học cổ vậy”.

BỘ LỊCH TRIỀU HIẾN CHƯƠNG” NỘI DUNG CÓ GÌ?

Bộ LỊCH TRIỀU HIẾN CHƯƠNG đó gồm có 49 quyển, chia ra 10 phần:

1. Năm quyển nói về Địa dư Việt Nam Bờ cõi Việt Nam từng thời, và phong thổ các miền ở Việt Nam.

2. Bảy quyển nói về các nhân vật Chép chuyện các danh nhân Việt: Vua giỏi, quan tài, tướng giỏi, danh nho, các gương tiết nghĩa.

3. Bảy quyển biên khảo về hành chánh Danh hiệu, chức chưởng, phẩm tước, bổng lộc, cách tuyển cử các quan lại ở các triều.

4. Sáu quyển ghi chép về lễ nghi Nghiên cứu các điển lễ về triều nghi, giáo tự, tôn miếu, sách phong, tế cáo.

5. Ba quyển chép về thi cử Chép về các phép tắc và chương trình các khoa thi, lại có cả bảng kê các khoa thi tiến sĩ và tên những người đỗ đầu.

6. Bốn quyển về tài chính và tiền tệ cổ của Việt Nam Chép về các phép dinh điền, thuế má, tiền tệ, ngân sách, các lệ trưng thu…

7. Sáu quyển chép về luật hình Luật lệ và hình phạt.

8. Ba quyển chép về quân sự Cách tuyển lính, các tổ chức quân đội, việc luyện tập, việc giảng duyệt… việc dưỡng cấp.

9. Bốn quyển chép về văn thư Việt Nam Đây là một bộ sách thư tịch cổ, ghi tên các sách cổ của người Việt Nam soạn, lại lược thuật về tác giả, tóm tắt hay trích sách, chia ra làm 4 loại: hiến chương, kinh sử, thi văn, chuyện ký.

10. Bốn quyển nói về ngoại giao Chép về các biến cố và tập tục trong việc ngoại giao của ta với Tàu.

Những công trình tham khảo ấy thật là quý giá cho các nhà văn, nhà sử, nhà khảo cứu hiện tại, sẵn có mọi tài liệu để dùng. Ta lại nghĩ thêm rằng: nếu không có Phan Huy Chú biên soạn kịp thời, thì những tài liệu nay cũng thất lạc hết rồi. Bộ sách đã tham khảo tất cả các sách ta và rất nhiều sách Tàu, nghiên cứu bao quát mọi thời từ thượng cổ đến nay.

PHAN HUY CHÚ LÀ MỘT NGƯỜI KỲ TÀI TRONG VIỆC NGHIÊN CỨU

Ta có thể hoài nghi rằng các Cụ cổ biên khảo một cách cẩu thả không? Các cụ đọc sách rồi chép ra, chứ chắc gì khảo đến nơi đến chốn, mà tìm hiểu ra được sự thật?

Nhưng, lạ thay, kiểm lại bộ Lịch Triều Hiến Chương, người ta sửng sốt mà thấy rằng Phan Huy Chú quả là một học giả nghiên cứu cẩn thận, cân nhắc mọi việc sáng suốt đặc biệt, y như một nhà khảo cứu Âu-Mỹ vậy:

1. Như các việc chép ra, mỗi việc đều có dẫn chứng ở sách nào, rất rõ ràng, lại pha thêm những tài liệu khác có thật, để sáng tỏ vấn đề.

2. Khi nào các tài liệu khác nhau, thì ông lại cân nhắc, suy xét và lại ghi rằng đó là do suy xét của mình. Thật là cẩn thận.

3. Về địa dư, tên các địa điểm đều đích xác, lại ghi cả những tên thay đổi từng thời. Những điểm nào khuyết, chưa hiểu thấu thì lại để trống và phòng về sau ghi thêm, không viết ẩu.

4. Phan Huy Chú không những kể ra các sự việc, mà còn thâu góp cả các tài liệu, văn thư để chứng minh cho lời mình nói, hoặc để làm sáng tỏ hơn. Các giấy tờ, văn thư, các bài văn quan trọng, đều có ghi chép lại.

Vài đặc điểm ấy chứng tỏ rằng phương pháp khảo cứu của Phan Huy Chú thật hợp tính cách khoa học, cho nên bộ Lịch Triều Hiến Chương lại càng là bộ sách đáng quý ở chỗ nó ghi những điều vững chắc…

Bộ sách của Phan Huy Chú thật là vô cùng quý giá. Người ta tự hỏi, nếu không có Phan Huy Chú và bộ sách đó thì không hiểu ngày nay các nhà văn và các nhà biên khảo hiện đại dựa vào đâu để nghiên cứu cho đầy đủ và chân xác?■

Lê Tràng Kiều

 

Chú thích:

     (1)-(2) Theo Phả ký họ Phan Huy do ông bạn Phan Huy Chiêm, hiện có mặt ở Sài Gòn cho chúng tôi mượn để tham khảo thì: Họ Phan Huy gốc gác vốn ở xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, xứ Nghệ An (nay là Cần Lộc, thuộc Hà Tĩnh). Đến ông tổ tên là Cần làm quan nhà Lê (chức Bình Chương Sự, như Tể tướng) mới dời ra ở làng Thụy Khuê (tục gọi là làng Thày) tổng Lật Sài, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

Phan Huy Chú, trước tên là Hạo, sau vì tránh Quốc húy, đổi là Chú (1782-1840) tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, sinh vào mùa đông năm Nhâm Dần (1782) niên hiệu Cảnh Hưng về đời Lê Hiển Tông. Tiên sinh nổi tiếng hay chữ từ nhỏ , khoa Đinh Mão và khoa Kỷ Mão 1802, 1819 đời Gia Long, tiên sinh đều đỗ Tú tài nên bấy giờ thường kêu là Cụ Kép Thầy. Cha là Phan Huy Ích (1750-1822) đậu tiến sĩ năm 1775 một danh thần triều Tây Sơn. Chú là Phan Huy Ôn (1755-1786) cũng đậu tiến sĩ, đều làm quan về đời Lê và Tây Sơn…

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN