Trong hệ thống chính sách ngoại giao của các triều đại phong kiến Việt Nam, ngoại giao của nhà Nguyễn có lẽ là đề tài được đề cập nhiều nhất; bởi lẽ trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đường lối bang giao của triều Nguyễn được đánh giá là có nhiều đóng góp song cũng có không ít những hạn chế mang lại hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trong nửa đầu thế kỷ XIX. Tạp chí Phương Đông xin trích giới thiệu với độc giả về các chính sách và hoạt động ngoại giao của bốn vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn, được tác giả Ưng Trình trình bày trong cuốn sách “Việt Nam ngoại giao sử cận đại” do Văn Đàn xuất bản năm 1970.
Kỳ 1: Triều Gia Long (1802 – 1819)
Giao thiệp với nhà Thanh
Năm Giáp Ngọ (1774), nhà Nguyễn Phúc mất Phú Xuân Kinh phải tranh đấu 28 năm mới khôi phục được. Song Đường trong thế lực của Tây Sơn còn ảnh hưởng, Đường ngoài, sĩ phu còn hoài vọng nhà Lê; muốn thống nhất thổ vũ, thống nhất nhân dân, để cho đâu đâu cũng được hòa bình, thì các nhà thức thế thẩm thời, dâng lên chúa Nguyễn một bài điều trần khuyến tấn([1]). Nguyễn Phúc Ánh trăm lo ngần ngại, mà trót phải nghe lời, lên chiếc ngai vàng năm Nhâm Tuất (1802), ngày 2 tháng 5, bố cáo cải nguyên([2]), lấy hai chữ Gia Long làm đế hiệu.
Về nội trị, lo thâu phục thần dân, cả Bắc cả Nam; còn về ngoại giao, thì sai Lê Quang Định([3]), Trịnh Hoài Đức([4]), đệ biểu trần tình([5]) đến Bắc Kinh, đàm phán thế nào để tránh cho dân khỏi cái nạn chiến tranh, khỏi phải như bên năm Kỷ Dậu (1789), đã đem đến 10 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị.
Trong biểu trần tình Vua Gia Long viết: “Tiên tổ chúng tôi là Nguyễn Hoàng, có chiến công nhiều, năm Mậu Ngọ (1558) nhà Lê phong cho làm Trấn thủ Thuận Hóa. Mở mang bờ cõi, có chín mười đời. Đến đời Nguyễn Phúc Thuần, chú chúng tôi, bị Tây Sơn giết. Nguyễn Huệ tự xưng Hoàng đế, chiếm cứ cơ nghiệp nhà Lê, may nhờ lượng Cửu trùng, tạm dung cho làm thuộc quốc. Đến đời con là Nguyễn Quang Toàn, thì dân trong nước tự trở lòng, bắt nạp cho chúng tôi và yêu cầu chúng tôi lên thay thế nhà Lê, cho hòa bình như ngày trước.
Tuy dân tâm qui thuận, mà còn chưa biết thiên mạng thế nào. Chúng tôi kính cẩn ủy cho Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, sang dâng phương vật, để tỏ lòng thành; trộm mong mưa móc thấm đến phương xa, chúng tôi được liệt vào hàng phiên phục. Trong khi chúng tôi gởi bản trần tình biểu, tâm hồn lo sợ, theo khói hương bay đến Thiên đình”.
Bức thư ngoại giao này, động lòng Vua Gia Khánh; song không cho lấy Việt Nam làm quốc hiệu; sau nhờ hai vị sứ thần đều là nhà hùng biện, Bắc Kinh mới chịu công nhận hai chữ Việt Nam. Năm sau (1803), cho Sứ thần đến tại Thăng Long, Vua Gia Long đón tiếp vào điện Kính Thiên, cử hành lễ thọ phong chính thức.
Trong bản thể sách([6]), có những đoạn này:
“… Theo biểu trần tình của nhà Nguyễn Phúc, thuật chức([7]) ở phiên bình([8]), thì từ mấy thế kỷ nay, bờ cõi phía Nam đã mở mang thêm rộng…
Nay sai Tề Bổ Sum, Quảng Tây Án sát sứ, đệ cái ấn bạc mạ vàng, có hình lạc đà([9]), đến tại Thăng Long, tuyên đọc bản thể sách nầy, phong cho Nguyễn Phúc Ánh làm Việt Nam Quốc vương, để giữ phần triều cống.
Chúng ta chăm giáo hóa, để cho muôn dân được hưởng hòa bình; con cháu chúng ta cũng được hưởng hạnh phúc lâu dài, dầu núi Thái mòn, sông Hoàng cạn([10])”.
Vua Gia Long giao thiệp với các nước lân bang
Đã được thụ phong chính thức, Vua Gia Long nghiễm nhiên thay thế nhà Lê, nói đúng hơn, thì thay thế cho Tây Sơn, là nhà đã được Tàu phong làm An Nam Quốc vương, sau khi Lê mất nước.
Các nước láng giềng cõi Đông Á, phần nhiều đương theo chế độ nhà Thanh, nghĩa là theo chính thể phong kiến di truyền; duy nước Xiêm La, từ thế kỷ thứ XVII, đã không chịu thụ phong như thuở trước; tự giao thiệp trực tiếp với Anh, với Pháp. Năm 1806, Vua Xiêm có gửi tặng([11]) một chiếc thuyền chiến, để mừng Vua Gia Long đã được thành công, và để tỏ tình thân thiện.
Đối với Chân Lạp, nay gọi Cao Mên, lúc đương làm chúa Đường trong, vẫn đã có quyền bảo hộ. Vua Cao Mên coi Vua Gia Long là ngôi Thiên tử, thường năm triều cống, thủ phận một nước chư hầu. Song vẫn giữ quyền nội trị ngoại giao, chúa Đường trong chỉ bảo hộ cho khỏi bị ngoại xâm, những ngày Vua Cao Mên có yêu cầu đến binh lực.
Năm 1811, quân Xiêm sang đánh Cao Mên, Vua là Nặc Ông Chân phải chạy đến Tân Châu cầu cứu. Nguyễn Phúc Ánh sai Lê Văn Duyệt đem binh một vạn, hội đồng với sứ thần Xiêm, điều đình cho cả hai bên, rồi đưa Nặc Ông Chân về nước. Còn lo cho dân tộc ấy, mới gởi người sang xây thành Nam Vang (Phnom Penh), và cho Nguyễn Văn Thùy ở lại với một ngàn quân, theo lời yêu cầu của Vua Cao Mên, để giữ gìn trật tự.
Còn Vua Ai Lao đã quen thờ chúa Nguyễn, cứ 3 năm, sang triều cống một kỳ. Ngoài ra, những năm có lễ gì riêng, như năm Vua Gia Long đăng quang, Vua Ai Lao cho thần sang dâng phẩm nghi, mà vì chẳng yêu cầu gì, nên Vua Gia Long vẫn để cho tự trị.
Vua Gia Long giao thiệp với các nước Tây Âu
Năm 1803, Vua nước Anh sai sứ thần là Robert đem phẩm vật sang tặng hảo, và xin khai thương tại vịnh Trà Sơn (Cửa Hàn). Vì đã nhận thấy ở Tây Trúc, ở Xiêm La, hiện tượng thế nào, nên Vua Gia Long không nhận lễ của người Anh, cũng không cho ở Cửa Hàn buôn bán.
Mấy năm sau, vẫn còn đến nữa; vì sợ cường tân áp chủ (khách mạnh lấn át chủ) nên Vua Gia Long vẫn lãnh đạm, chưa muốn rước khách phương xa. Huống về công thương, nước Việt Nam chưa có thể cạnh tranh; dầu có thâu được thuế hải quan, cũng không bù lại với tài nguyên xuất cảng.
Duy đối với người Pháp, Vua Gia Long có sẵn mối cảm tình; Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau), Nguyễn Văn Chấn (Vannier), đều được tin dùng, phong đến tước Hầu, cho cai quản hai chiếc tàu đồng([12]), người Việt Nam thường gọi là Chúa Tàu Long, Chúa Tàu Phụng.
Năm Đinh Sửu (1817), có chiếc Hòa Bình (La Pa’x) chở hàng sang bán; song toàn là xa xỉ phẩm, dân bổn xứ không tiêu thụ bao nhiêu; Vua Gia Long thương tình, cho miễn thuế hải quan, để bù phí tổn. Cũng năm ấy, Pháp đình cho chiếc Quỳnh Nga (Cybèle) chở vật phẩm sang tặng hảo. Ngày đến Đà Nẵng, chủ thuyền là De Kergarion xin phép đến Kinh đô; tấn tuồng ngoại giao toan diễn tại Phú Xuân, chỉ vì có phẩm vật mà không có quốc thư, nên Vua Gia Long không tiếp.
Năm Kỷ Mão (1819), có tàu Rose và tàu Henri vào cửa Đà Nẵng, hàng hóa bán được, vì các nhà buôn đã biết những hạng người bổn xứ nhu cầu. Lại mua những trà và lụa chở về, theo kinh tế xã giao, thì lợi quyền tương đối.
Nhân dịp, Nguyễn Văn Thắng xin phép 3 năm về nghỉ, đem cả vợ con; vì đã ở đây 25 năm luôn trên đất Việt Nam, nên Vua Gia Long cũng chiều lòng, cho Nguyễn Văn Chấn đi đưa vào Đà Nẵng.
Quan Tổng trấn Nam bộ giao thiệp với người Hoa Kỳ
Trong mấy mươi năm, Vua Gia Long vẫn có trực tiếp người Pháp, song chỉ theo phương diện xã giao; còn người Mỹ cũng như người Anh, thì Vua Gia Long mới giao thiệp gián tiếp.
Tại Gia Định, từ mấy đời trước, người ngoại quốc vẫn đã lai vãng thông thương; có chức Tổng trấn coi thuế hải quan, kiêm việc ngoại giao, Vua Gia Long có cho đặt ở ngoài thành Sài Gòn một sở Nghinh tân quán([13]).
Năm 1819, hai chiếc thuyền Mỹ đến Sài Gòn. Người chủ thuyền, sau những ngày tiếp xúc với quan lại, với nhân dân, có biên bản “Đông Hải hành trình”; tuy ngòi bút của một nhà buôn, song tác giả là John White, một vị Hải quan, có ý biên tất cả phong tục, tính tình ở Đông Dương, để cống hiến cho nước nhà những điều tự mình đã quan sát. Trong bản nhật ký ấy([14]), có mấy đoạn này:
“Ngày 9 tháng 10 năm 1819, tôi bước chân lên đất Sài Gòn, đi qua một cái chợ giữa trời, các thực phẩm không thiếu một thứ gì, mà giá rất rẻ.
Phía Tây tỉnh thành Gia Định, có một vùng mộ địa, mả đất xen với lăng vôi; tuy không có qui mô, thiếu vẻ mĩ thuật, lại vì dân tin theo địa lý, xác người chôn theo phương hướng, nên không thẳng lối ngay hàng: song có tính cách bình dân, bất phân giai cấp.
Trên bờ sông Đồng Nai, có những kho dài trữ lúa, đều là quốc hữu hóa, nhà nước giữ độc quyền, phòng bị quân nhu, không bán ra ngoài, và phòng bị cơ hoang, để cấp phát cho dân lục tỉnh.
Ngày tôi đến, phủ Tổng trấn vừa làm lễ khánh thành cho mấy con sông. Vua Gia Long đặt tên là: Vĩnh Tế, Bảo Định, An Thông; ba con sông này, đào chỉ hơn một tháng rưỡi. Có 26 vạn người thay phiên ứng dịch, làm cả ngày và đêm: hơn 7 ngàn người đã bị thiệt mạng với thời gian; vì thiếu phương pháp tổ chức. Sở dĩ phải làm cấp bách như thế, là vì lợi cho cả nông, cả thương, theo lời yêu cầu của nhân dân, nên lệnh nhà vua nghiêm thiết lắm.
Dưới sông Đồng Nai, phía Đông Bắc, đậu hơn trăm chiếc bồng thuyền, người ta gọi là chiến thuyền, chưa kể đến ghe trần, là những ghe vận tải. Trên bờ còn di tích những xưởng, đóng chiến thuyền. Người ta còn nhắc công nghiệp Chúa Tàu Phụng, Chúa Tàu Long, là những tay kỹ sư người Pháp. Nhờ có Hải quân đại đội, vua Gia Long mới khôi phục được Phú Xuân Kinh.
Còn những chiếc ghe trần, ngày xưa dùng chở sắt, chở đồng ở Bắc về, đưa vào lò, đúc thành những súng kiểu Tây, hiện còn bài trí trên các cửa thành: Bá Đa Lộc, có tước Quận Công, đã chủ trương việc ấy.
Theo lời người ta kể lại, trước khi xây thành Gia Định chốn ấy chỉ là một giải rừng hoang, chưa có dấu chân người, chỉ có hươu nai ở. Ngày nay đã thành đô thị, mà dân vẫn gọi là xứ Đồng Nai. Nguyễn Phúc Hoạc, chúa Đường trong, đã cải tạo non sông, làm cho khách phương xa không nhìn ra dấu cũ.
Tuy đã thành một nơi phồn thịnh, song lối vận tải cũng như lối giao thông, chưa có những phương tiện văn minh còn dùng vai cánh của người, hay là dùng bò dùng ngựa.
Nhân số có 18 vạn, trong số ấy có một vạn rưỡi Hoa kiều. Hạng người nầy, làm đủ cả các nghề: vừa bán, vừa buôn, có người để cả nhà hàng tạp hóa trên vai, đi khắp thôn quê; có người chỉ ngồi một nơi, đổi bạc, đổi tiền, như một nhà ngân hàng, hóa tệ xứ nầy lưu chuyển trong tay người ấy cả.
Sở dĩ bạn Hoa kiều bao chiếm cả các nguồn kinh tế, là vì người bổn xứ chưa biết cạnh tranh; nguyên liệu rất nhiều, mà vẫn để cho người ngoài lợi dụng. Chánh phủ cũng không đặt bảo hộ quan thuế([15]) chỉ chính thâu theo thành kiến, nghĩa là không châm chước cho hợp thời.
Một ngày kia, tôi vào thành địa chủ, theo bổn phận một người khách lạ, tôi nhờ lính cảnh sát đem đường. Khi đi qua trước một tòa nhà, nguy nga như một ngôi chùa, tôi thấy người bạn hành cất nón cúi đầu, tôi cũng đưa mão lên, làm theo như giống khỉ. Thấy tôi cung kính, người ấy chỉ thị cho biết: Hành cung nầy, là nơi vua trú tất, tuy vua ở Huế, mà thần dân thường chiêm ngưỡng, những ngày có tiết lễ, vẫn đến vọng bái ngoài sân.
Phía tả Hành cung, là dinh quan Tổng trấn, vào khỏi cửa, có một trại lính, như một nhà giam, không có binh khí, cũng không có vẻ nghiêm trang, chỉ thấy để gông, để cùm, còn lính thì ngồi chơi, với mấy người đến chờ quan trên đòi hỏi. Sau khi đưa danh thiếp, chẳng bao lâu thì được phép vào. Lính ở ngoài hướng dẫn đến lính hầu trong; đi qua một cái sân lót gạch ba tràng, vừa đến một tòa nhà, cả 5 gian đều giủ sáo đỏ vẽ hoa, như không muốn cho người ngoài thấy người trong, là những vị thần, đương phò hộ cho dân một xứ.
Bên tả cũng như bên hữu, trên hai bộ ván trải chiếu kế đỏ, ngồi mỗi bên ba bốn ông già, khăn đen áo dài, nhìn như pho tượng vậy. Ngay gian giữa, trên một bộ ngựa cao, ngồi một vị tóc bạc râu dài, đưa đôi mắt nhìn tôi, tỏ ý đương chờ khách đến. Vội vàng đứng dậy, đưa tay cho tôi bắt, rồi chỉ bộ trường kỷ, ý muốn mời ngồi; song tôi chưa ngồi, vì còn chờ người thông ngôn, và chờ sắp những đồ tặng hảo.
Vừa thấy người nhà đưa ra một quả bánh phong giấy sắc, một khay nước trà sôi; khách phải thổi cho đi hơi, để uống cho vui lòng chủ. Sau những câu xã giao thù phụng, tôi mở vấn đề thuế hải quan, vị Phó vương chúm chím cười, rồi đáp lại rằng: “Tùy từng thứ hàng, có thứ đánh theo số lượng, có thứ đánh theo phẩm. Xuất cảng cũng như nhập cảng, chúng tôi sẽ làm đủ bổn phận cho Quí khách vừa lòng”.
Về đến thuyền, vừa thấy một người hương chức đến báo: “Xin sắm trầu rượu, để làm “lễ hạ dây”. Mai lại, thấy tôi cung đốn phu phỉ, quan viên mới kéo dây đo, rồi đổ con toán mất mấy giờ, bắt nạp mỗi thước khối 160 quan (80 đô la Tây Ban Nha), lại còn thêm tỷ lệ 3 phần trăm cho quan viên, gọi là tiền phù lưu, và 1 phần trăm cho hương chức nữa. Quan viên nửa say nửa tỉnh, cãi cọ nhau luôn; đến lúc ra về, còn để kỷ niệm lại trên thuyền: những dấu nước trầu, từ trước mũi ra sau lái.
Cách một ngày, tôi lại đến dinh Tổng trấn, để xin giảm thuế hải quân; theo số thước tấc đã đo, thì chiếc Franklin phải nạp 2.929 quan, còn chiếc Marmion chở nặng hơn, chưa nói đến các thứ hàng đánh theo phẩm nữa.
Sau nửa giờ đám phán, tôi nhận thấy vị Phó vương không có tánh chất sáng kiến, chỉ biết giữ theo lệ cũ, không biết tùy thời; dầu có ráng ngồi, cũng chỉ nghe lặp lại những câu hôm trước. Khi tôi đứng dậy, người thông ngôn nói nhỏ với tôi rằng: “Nay mai, vị Tổng trấn sẽ cho người về Kinh, đệ sớ tâu về quan thuế”. Tôi hiểu ý, xin gửi phụ một lá thư riêng, và gửi dâng lên vua một vật tôi đã có lòng sắm sẵn.
Ngày 20 tháng 11 năm ấy (1819), Vannier ở Huế phúc đáp rằng: “Tôi đã nhận được thanh gươm, cán ngà khảm ngũ kim, và đã dâng lên, vua Gia Long truyền viết thư cảm tạ. Tiếc vì bệnh vua càng ngày càng trầm trọng, nên vấn đề quan thuế, chưa có thể giải quyết, cũng chưa có thể cải lương…”. Dưới chữ ký, Vannier còn viết thêm rằng: “Sở dĩ chậm trả lời, là phải đi vào Hàn, đưa Sế-nho (Chaigneau)([16]) về Pháp”.
Đọc lá thư vừa hết, thì nghe báo quốc tang: Vua Gia Long thăng hà, sau 18 năm cầm quyền thống trị…”.■(Còn nữa)
Ưng Trình
(Theo Tạp chí Phương Đông)
Chú thích:
([1]) Khuyến tấn: Trong Nam Phong năm thứ 12, bản chữ nho, có đăng bài khuyến tấn, ký 44 tên: Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Văn Tường… Khuyến tấn là khuyên tới thêm một bước, khuyên lên đế vị để định chí thần dân.
([2]) Cải nguyên: Đương giữa năm, mà đổi qua triều khác, hiệu khác, gọi là cải nguyên; còn kiến nguyên, là những vị vua kế thống, chờ đến ngày đầu năm mới kiến nguyên.
([3]) Lê Quang Định: Người Thừa Thiên, từ ngày nhỏ đã vào Gia Định ở. Vì nhân phẩm, vì tài năng, vua Gia Long chọn làm Sứ thần sang Bắc Kinh, xin thọ phong và thay quốc hiệu. Nhờ có tài hùng biện, nhà Thanh mới chịu đổi An Nam ra Việt Nam. Năm 1806, Lê Quang Định làm xong bản “Nhất thống địa dư chí”, 10 quyển, kê cứu cương giới từ Lạng Sơn đến Hà Tiên. Mất năm 1813, mới 54 tuổi.
([4]) Trịnh Hoài Đức: Tiên thế, người Phúc Kiến, vì muốn để tóc thờ nhà Minh, nên nhập tịch ở Trấn Biên, làm nghề dậy học. Sau được làm Giáo đạo, dạy Đông cung Hoàng Thái Tử. Năm 1802, vua Gia Long lựa đi với Lê Quang Định làm sứ thần. Có làm bản “Gia Định thành thống chí”; thọ 61 tuổi (theo Liệt truyện).
([5])Biểu trần tình: Trong báo Đô thành Hiếu cổ năm 1920, có dịch bài chữ nho ra chữ Pháp.
([6]) Thể sách: Bản sách bằng lụa sắc, có thêu hình rồng, chép lời của vua, phong chức tước cho tôi. Báo Đô Thành Hiếu Cổ năm 1912, có dịch chữ nho ra chữ Pháp.
([7]) Thuật chức: Chữ trong sách Mạnh Tử, nghĩa là tường trình lên ngôi thiên tử, những công việc của một nước chư hầu.
([8]) Phiên bình: Nghĩa là hàng rào, bình phong. Các nước chư hầu là làm hàng rào, làm bình phong cho nhà Thiên tử.
([9]) Lạc đà: Trên ấn, có hình con lạc đà khuất phục, biểu hiện các nước chư hầu. Ngày nhà Hán phong cho Triệu Đà làm Nam Việt Vương, đã đúc hình lạc đà trên ấn.
([10]) Thái sơn, Hoàng hà: Là tên núi, tên sông lớn nhất của nước Tàu.
([11]) Tặng chiến thuyền: Theo Minh Mạng chánh yếu
([12]) Tàu đồng: Theo báo Đô thành Hiếu cổ năm 1920, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Chấn (Chaigneau và Vannier), người Việt Nam gọi là Chúa Tàu Long, Chúa Tàu Phụng.
([13]) Nghinh tân quán: Theo bản Việt Nam tạp kỷ của Lý Văn Hùng, vua Gia Long có làm sở tiếp khách ngoại quốc, gọi là Nghinh tân quán.
([14]) Bản nhật ký: Của người Mỹ, biên bằng chữ Anh. Báo Đô thành Hiếu cổ năm 1920, đã dịch ra chữ Pháp.
([15]) Bảo hộ quan thuế: Theo chánh sách Nhật Bản, đặt bảo hộ quan thuế để đánh thuế hàng nhập cảng cao hơn hàng xuất cảng.
([16]) Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau): Theo liệt truyện chính biên, Nguyễn Văn Thắng sang Việt Nam từ năm 1789, sau làm chức Trung quân Chánh quản Long phi đồng thuyền. Khâm sai thuộc Nội Cai cơ, Thắng toán Hầu. Vợ là người Việt Nam, có 7 con. Báo Đô thành Hiếu cổ năm 1920 có đăng sự tích.