Vua Minh Mạng với việc học

Vua Minh Mạng là vị Hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn, trị vì từ năm 1820 đến khi qua đời năm 1841. Ông là người tinh thông Nho học, coi trọng học vấn, khoa cử; bản thân nhà vua cũng là một học giả, đã từng làm thơ, soạn sách, luôn khuyến khích quần thần chăm chỉ đọc sách, biên soạn sách vở và mong muốn trọng dụng người có kiến thức. Mặc dù cho tới khi qua đời Vua Minh Mạng vẫn chưa tìm ra cách cải tổ nền giáo dục của đất nước, giống như các vị vua sau này của nhà Nguyễn, nhưng nhìn chung, ông vẫn được đánh giá là vị vua có nhiều thành tích nhất của nhà Nguyễn. Tạp chí Phương Đông đăng lại bài phân tích “Vua Minh Mạng với việc học” của tác giả Nguyễn Thiệu Lâu trên tạp chí Tri Tân số 211 năm 1945 để thấy rõ sự quan tâm của Vua Minh Mạng đối với nền giáo dục nước nhà.

Năm Quí vị[1] (1823), tháng Mười hai, Vua Minh Mạng nhân bàn việc học cùng Thị thần, dậy rằng: “Có một ngày, ta chợt nhớ việc nhà Minh mà quên tên người, hỏi các ngươi cũng không ai biết cả, hay chưa học sử Minh chăng”?

Phan Huy Thực tâu rằng: “Từ nhà Lê đến nay, học cử nghiệp[2] chỉ đọc sử Hán, Đường, Tống để mau đi thi mà thôi”.

Ngài ban rằng: “Từ nhà Nguyên, nhà Minh đến nhà Thanh sáu bảy trăm năm mà từ nhà Tống trở lên đã thành ra xưa lắm, bỏ gần cầu xa làm gì?”

Lại hỏi quan Thiêm sự Lê Văn Đức. Đức tâu rằng: “Chúng tôi cũng học cử nghiệp mà thôi”.

Ngài ban rằng: “Đã lâu nay văn cử nghiệp làm cho người ta lầm như thế. Ta nghĩ rằng văn chương vốn không nhất định; nay văn cử nghiệp chỉ câu nệ lối hủ lậu mà khoe với nhau, mỗi nhà lập riêng một cách học, nhân phẩm cao hay thấp, khoa trường lấy hay bỏ đều theo nề nếp ấy. Lối học như thế nên nhân tài ngày kém lần đi. Nhưng thói quen đã lâu, đổi ngay cũng khó, vài năm sau sẽ lần lần mà đổi lại”.

Theo sử hiện chép ở trên ta nhận thấy rằng Vua Minh Mạng đã hiểu rõ là “văn cử nghiệp làm cho người ta lầm”, mà lầm đã từ lâu, vì “chỉ câu nệ lối hủ lậu mà khoe với nhau”. Lối học như thế có hại, vì “nhân tài ngày kém lần đi”, “nhưng thói quen đã lâu, đổi ngay cũng khó” nên Ngài đã dụ là “vài năm sau, sẽ lần lần mà đổi lại”. Nhời dụ quí hóa thay!

Chân dung Hoàng đế Minh Mạng trong sách của John Crawfurd

Để ý tới sự học, Vua Minh Mạng chắc rất chú trọng tới sự kén chọn quan vào dậy học ở trường Quốc Tử Giám. Sử chép là năm Giáp Thân (1824), tháng Năm, “Ngài cho quan Lang trung Bộ Lại là Nguyễn Công Trứ, Lang trung Bộ Lễ là Thân Văn Quyền đều thọ chức Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám vì Hoàng Kim Hoán (không biết chức gì) tâu (như sau này): Hai ông ấy, một ông là khoa mục giỏi, một ông là cống cử có tiếng, có thể làm khuôn phép được, nên Ngài mới bổ cho chức ấy”.

Năm Ất Dậu (1825), tháng Giêng, quan Tế tửu Trần Trọng Tuân, tư nghiệp Thân Văn Quyền vì dậy bảo không chăm, tuyển cử không tinh, phải truất.

Ngài khiến các quan ở Quốc Tử Giám phải lựa cử Giám sinh, tùy tài mà dùng, phân biệt kẻ hay người dở. Hạng ưu năm ấy là bọn Nguyễn Quốc Tá bẩy người được thọ làm Kiểm thảo. Hạng bình ở lại học. Hạng thứ đình một tháng bổng còn hạng liệt thời thải về.

Sự học của ta vốn theo chữ Hán, các chữ ngoại quốc không được học. Vì cớ là ta không biết và cũng không muốn biết các chữ đó. Nhưng vì thỉnh thoảng có tầu ngoại dương tới cửa Hàn nên Vua Minh Mạng cho học tiếng ngoại quốc để giao dịch.

Ta đã học chữ và tiếng ngoại quốc như thế nào?

Sử chép rằng: Năm Ất vị[3] (1835), tháng Bẩy, Ngài dụ Bộ Lễ như sau này: “Xưa có chức Ký, Đề, Tượng, Dịch (đều là chức thông ngôn nhưng vì mỗi người thuộc tiếng nói và chữ viết mỗi phương cho nên tên gọi khác nhau) hiểu tiếng nói và phong tục các nước khác nhau.

Triều ta nay giáo thanh ra khắp bốn phương, phần nhiều các nước ở phía Đông, phía Tây đều trèo núi vượt khơi tới chầu, vậy nên cần kẻ tập quen tiếng nói và chữ viết ngoại quốc để phòng khi thông dịch.

Nay cho những ấn quan các bộ viện Nội các, đều xét trong tử đệ các thuộc viên, quan Phủ doãn xét dân trong hạt, lựa những kẻ từ 16 tuổi sắp xuống mà tính chất lanh lợi, lại hơi thông kinh, sử thời bộ phải kê tên tâu lên.

Triều đình sẽ cấp lương cho học tập tiếng nói và chữ viết các nước xa gần, chờ khi học tập đã thành mà lại có tài trí, kiến thức sẽ xét dùng làm việc”.

Ngài lại truyền Nội các rằng: “Chữ Âu châu chỉ có 24 chữ cái, nếu hiểu được 24 chữ ấy thời chữ khác cũng tự đó mà suy ra, học tập cũng chẳng khó gì”.

Rồi ngay tháng Chín, Ngài truyền đổi Công quán Thừa thiên làm quán Tứ dịch, cho ti Hành nhân và những người thông ngôn các bộ đều phải tới đó ở luôn, trách cứ các nha phải lựa tử đệ những thuộc viên và sĩ dân làm học trò trong sở ấy. Sửa định chương trình, khiến cho học tập tiếng nói và chữ các nước ngoại quốc.

Năm Bính Thân (1836), tháng Năm, Ngài định chương trình dậy học trò quán Tứ dịch học tập văn tự ngoại quốc như sau đây:

Mấy tháng đầu thời học chữ Tây mỗi ngày hai ba chữ, chữ Xiêm mỗi ngày bẩy, tám chữ. Đến năm tháng sau mỗi ngày học chữ Tây sáu bẩy chữ, chữ Xiêm mười một, mười hai chữ.

Rồi Ngài khiến tỉnh Bình Thuận, Hà Nội, Tuyên Quang lựa con em dân trong hạt cho học tập tiếng nói chữ viết người Chàm, người Bà Ni, người Tầu, người Thổ, phòng khi phiên dịch.

Tranh vẽ lễ xướng danh tại trường thi Nam Định năm Mậu Tý (1888) dành cho các thí sinh trúng tuyển làm cử nhân (Nguồn: Tạp chí Journal des Voyages)

Theo các tài liệu ở trên, ta nhận rõ là Vua Minh Mạng sở dĩ cho học chữ và tiếng ngoại quốc vì “Triều ta nay giáo thanh ra khắp bốn phương, phần nhiều các nước ở phía Đông, phía Tây đều trèo núi vượt khơi tới chầu”. Ngài cần có “kẻ tập quen tiếng nói và chữ viết ngoại quốc, để phòng khi thông dịch”.

Vậy mục đích sự học tiếng và chữ ngoại quốc – mà chỉ có một số rất ít người học thôi – là để thông dịch. Không phải học để biết văn minh nước người, để so sánh người với ta, hòng sửa cái xấu của ta và bắt chước cái hay của người.

Các nước ngoại dương mà Vua cho học chữ và tiếng thời – theo chính nhời Ngài – chỉ là nước nghe “giáo thanh” của nước ta mà “đều trèo núi vượt khơi tới chầu!”. Ta cần gì phải bắt chước họ!

Mà sự học chữ và tiếng ngoại quốc lúc bấy giờ chắc thô thiển lắm! Ai làm giáo sư? Sách giáo khoa như thế nào? Chương trình học chữ Tây: “Mấy tháng đầu, mỗi ngày hai ba chữ, năm tháng sau, mỗi ngày sáu bẩy chữ” rất là sơ lược vậy. Mà học như thế trong bao nhiêu năm? Có thi cử gì không?

Một người “mười sáu tuổi sấp xuống” học tập như thế vài ba năm, dăm năm thời giỏi lắm cũng như học trò lớp nhất trường tiểu học bây giờ là cùng. Rồi ra lĩnh chức thông dịch! Trong các khoa thi hương, thi hội không có khảo về tiếng ngoại quốc.

Về cuối đời Vua Minh Mạng, các viên thông dịch có ra ngoại dương thương thuyết việc quan và có khi ở lại xứ ngoài để học tập. Đó là những du học sinh!

Thí dụ năm Ất vị (1835), tháng Mười một, Ngài khiến Thủy sư vệ úy Nguyễn Văn Chư, Nhị đẳng thị vệ Võ Huy Dụng đem theo tên hiệu lực Trần Danh Bưu đi tàu Linh Phụng qua nước Tây thương thuyết việc quan. Thông ngôn Nguyễn Văn Mẫn và người làm việc ở Trú dịch là Trần Đại Trung, Nguyễn Hữu Quang đi theo chuyến tàu ấy qua Hạ Châu học tập.

Năm sau Bính thân (1936), tháng Mười một, Trần Danh Bưu, Hoàng Công Tài và Nội các Thị lang Nguyễn Tri Phương, Thị vệ Võ Văn Giải chia nhau đi mấy hiệu tầu Thụy Long, Linh Phụng, Vân Bằng, Thanh Loan, qua Giang Lưu Ba[4], Tân Gia Ba[5], và Cù lao Bích Lang làm việc quan.

Các viên thông dịch được đi ra ngoài và có khi ở lại học tập, có giúp ích gì cho sự học thời bấy giờ không? Chắc không, hay rất ít vậy.

Ta có thể kết luận – mặc dầu tài liệu thiếu thốn – rằng Âu học lúc bấy giờ, nghĩa là trước đây một thế kỷ không có một chút ảnh hưởng gì tới nền học vấn của ta cả. Như vậy thời sự cải cách học vấn của ta, do Vua Minh Mạng dự định năm Quí vị 1823 sẽ chỉ trong phạm vi nho học mà thôi. Sự cải cách đó không thể có hiệu quả mới lạ được và sự học “hủ” vẫn hoàn “hủ”.

Xem lại nhời dụ của Vua Minh Mạng năm Quí vị (1823), ta nhận thấy là Ngài chỉ trích sự học cử nghiệp “hủ lậu”; ý Ngài như trên kia tôi đã nói, cho là học cổ sử Trung Hoa không có ích lợi, chỉ nên học kim sử mà thôi. Kim sử Trung Hoa “gần” trong thời gian cũng như sử Trung Hoa “gần” trong không gian vậy, học gần bỏ xa là thế.

Sự cải cách của Ngài chắc có lẽ chú trọng tới sử nhà Nguyễn, nhà Minh, nhà Thanh. Chắc Ngài ham học sử các triều ấy. Chính Ngài có nói: “Có một ngày chợt nhớ việc nhà Minh”.

Ngài học sử như thế nào? Có phải để tìm ra trong sử Minh triều những bài học chính trị không? Hay chỉ để kiếm những giai thoại lý thú? Những giai thoại lạ chứ không thường, mới chứ không cổ? Tôi không dám giả nhời, chỉ sao ra đây một tài liệu mà tôi thấy chép như sau này.

Năm Canh Tí (1840) tháng Mười một, nghĩa là một tháng trước khi Ngài se[6], Ngài lâm triều dậy Thị thần rằng:

“Vua Minh Thái tổ tánh nghiêm minh, hay giết người. Khi bà Mã hậu đau mà mất, Vua Thái tổ thương xót không nguôi, giết hết bọn thầy thuốc. Đến ngày tống táng, gặp trời mưa giông, không táng được, Vua Thái tổ đòi bọn thầy tu giỏi tụng kinh cầu tạnh mà đã sẵn lòng muốn giết thầy tu. Thầy tu tụng câu kệ rằng:

Võ thập, thiên thủy lụy,

  Lôi minh, địa cử ai.

  Thập phương chư Bồ tát,

  Tương tống Mã như lai,

Nghĩa là:

Mưa đổ trời sa lụy,

  Sấm vang, đất cử ai.

  Mười phương các Bồ tát,

  Đưa đám Mã như lai.

Thái tổ nghe, không nỡ giết bọn thầy tu. May mà trời tạnh, đòi thầy tu muốn ban thưởng thời thầy tu sợ đã trốn đi hết.

Lúc trước, Thái tổ mới khởi binh, vào chơi một chùa kia, thầy tu già hỏi tên họ Ngài. Ngài đề bài thơ trên vách rằng:

Sát tận Giang nam bách vạn binh,

  Thủ trung bửu kiếm huyết gio tinh.

  Lão tăng bất thức Anh hùng hán,

  Thượng cảm ngao ngao vấn tánh danh.

Nghĩa là:

Giết hết Giang nam trăm vạn binh,

  Trong tay gươm báu huyết còn tanh.

  Sư già chẳng biết người anh kiệt,

  Còn dám nghêu ngao hỏi tánh danh.

Sau Thái tổ lên ngôi, đòi thầy tu già muốn giết thời đã chết rồi. Nhân hỏi bọn tăng chúng rằng: “Thơ ta đề trên vách cớ sao không còn?”. Bọn thầy tu thưa rằng: “Thầy tu già đã rửa đi rồi, chỉ đề một câu kệ rằng:

Ngự bút đề thi bất cảm lưu,

  Lưu lai duy khủng quỷ thần sầu.

  Cố tương pháp thủy khinh khinh tẩy,

  Thượng hữu Long quang xạ Đẩu ngưu.

Nghĩa là:

Ngự bút đề thơ, chẳng dám lưu,

  Lưu thời chỉ sợ quỷ thần sầu.

  Vậy đem nước phép hơi hơi rửa,

  Còn khí Long quang gọi Đẩu ngưu”.

Thái tổ rằng: “Chưa biết thiệt không nhưng ta mới hỏi đến mà tăng chúng ứng khẩu đọc thành bài kệ được thời tha tội cho”.

Thái tổ lại nghe họ Trịnh người Phố Giang đã mấy đời ở chung, phép nhà rất nghiêm đòi đến ban khen, rồi cho về. Bà Mã hậu nói rằng: “Nhà ấy ở chung hơn 2.000 người không hề trái nhau chút gì, thiệt là hòa thuận. Nhưng nếu âm mưu làm điều tiếm nghịch, há chẳng dễ lắm à?”. Thái tổ gật đầu, lại cho đòi họ Trịnh đến ngay, hỏi: “Cớ sao mà ở chung với nhau được lâu vậy? Trịnh thưa rằng: “Dân mọn này trị nhà không chước gì lạ. Chỉ không nghe nhời đàn bà mà thôi.” Thái tổ cười rằng: “Phải đó”, lại cho về.

Vua Minh Mạng học sử như thế sao? Hay nhân buổi Triều ít việc, Ngài đem mấy giai thoại kể trên cho đình thần cùng biết?■

Nguyễn Thiệu Lâu

[1] tức Quí Mùi, BTV

[2] công việc chuyên đi học để thi cử mong đỗ đạt ra làm quan, BTV

[3] tức Ất Mùi

[4] Batavia, nay là Jakarta, Indonesia

[5] Singapore

[6] nghĩa là ốm, mệt, BTV

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN