Chính sách người Thượng của Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn

Nguyễn Tấn (1822-1871) là một vị quan nhà Nguyễn dưới thời Vua Tự Đức, nổi tiếng với chiến công bình định vùng sơn cước Quảng Ngãi, dẹp yên hầu hết các tộc người Thượng và khiến họ phải quy phục. Trong thời gian cai quản vùng thượng du này, Nguyễn Tấn đã có những quyết định sáng suốt và táo bạo, đặt quyền lợi của quốc gia và người dân lên trên quyền lợi của bản thân. Bên cạnh đó, ông còn biên soạn được một trong những sử liệu đầu tiên viết về người dân tộc thiểu số một cách có hệ thống, đó là cuốn “Phủ Man Tạp lục”. Dựa trên cuốn sách này, tác giả Lê Đình Chi đã có một số phân tích về các chính sách với người Thượng của Nguyễn Tấn trong cuốn “Người Thượng miền Nam Việt Nam” xuất bản năm 2006. Tạp chí Phương Đông xin trích đăng giới thiệu tới bạn đọc.

Nguyễn Tấn xuất thân trong một gia đình quan lại, quê quán thôn Thạch Trụ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, năm 21 tuổi đã thi đỗ cử nhân rồi lần lượt đảm nhận những chức vụ cai trị quan trọng: Huyện doãn, Tri phủ, Án sát.

Năm 1863, khi các sắc dân Thượng Nam Ngãi tràn xuống đồng bằng cướp phá khiến dân cư người Kinh khiếp sợ phải bỏ nhà cửa di chuyển đi nơi khác sinh sống, ông xung phong đi dẹp loạn và được triều đình chấp thuận bổ nhiệm trấn nhậm[1] vùng sơn cước Quảng Ngãi.

Là một văn quan nhưng lại có biệt tài thao lược như một nhà quân sự, ngay trong khi đánh dẹp và bình định vùng Thượng, ông bắt tay vào công việc tìm hiểu thực trạng xã hội của các sắc dân sơn cước tại đây để làm cơ sở cho một đường lối Thượng vụ[2] thích hợp, lâu dài. Đây là suy nghĩ đúng đắn nhất của ông trong việc hoạch định một chính sách Thượng vụ khoa học đáp ứng nhu cầu chiến lược của triều đình trong công cuộc Tây tiến.

Mặc dù thời gian trấn nhậm tại đây chỉ vỏn vẹn 8 năm (1863-1871), ông qua đời năm 1871 nhưng đã để lại một tập hồi ký giá trị – Vũ Man Tạp Lục Thư[3] – ghi lại những hiểu biết, suy nghĩ, kinh nghiệm của mình trong suốt thời gian đảm nhận chức Tiễu phủ sứ nơi sinh sống của những sắc dân hoang dại và hung bạo: “… Giống người mà không phải người, tựa quỷ mà chẳng phải quỷ, giết thì chúng oán hận, tha thì chẳng biết ơn…”[4].

Căn cứ vào “Vũ Man Tạp lục thư”, chúng ta có thể tóm lược những điểm chính trong đường lối Thượng vụ của ông:

Sinh hoạt xã hội của người Thượng Quảng Ngãi (Cùa, Mọi trầu, Hré, Đá Vách)

Sau khi dập tắt các cuộc nổi loạn của người Đá Vách, Nguyễn Tấn liền đề nghị Triều đình giảm cho các sắc dân Thượng tại đây một năm thuế. Tiếp theo, ông bắt tay vào việc nghiên cứu và phân tích chính xác địa hình, địa vật, tổ chức buôn bản của người Thượng trong khu vực. Ngoài ra, ông đã quan sát và mô tả chi tiết phong tục tập quán, sinh hoạt xã hội người Thượng như lề lối kiến trúc nhà cửa, buôn sóc, cách phục sức, đời sống lao động, nếp sống văn hóa sơ khai, giải trí, hội hè, lễ nghi, đình đám cũng như luật lệ và tập tục kiêng cữ của từng buôn bản. Tất cả những sự kiện trên được ghi trong Vũ Man Tạp Lục Thư tạo thành bản trận liệt đầy đủ giúp cho những ai quan tâm đến người Thượng tại đây có cơ sở thực tế, khoa học để thực hiện một đường lối Thượng vụ hợp tình hợp lý. Chính nhờ nắm vững tình trạng địa lý và nhân văn mà ông đã thành công trong việc cai trị và bình định khu vực hiếu động này.

Người Thượng trong một bản làng ở Kon Tum năm 1898. Ảnh: M. Ch. Lemire

Phương tiện cai trị

Nắm vững khu vực và hiểu rõ sinh hoạt của các sắc dân Thượng chỉ là điều kiện cần thiết nhưng chưa đủ, để hoàn tất công cuộc cai trị và bình định, ông đưa ra ba vấn đề chính: đó là tổ chức quản trị, buôn bán thuế khóa và chỉ huy lãnh đạo.

1. Tổ chức quản trị

Dưới đời Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn, ông đặt thêm chức vụ lãnh binh và phó lãnh binh phụ tá về mặt quân sự. Ngoài ra ông bãi bỏ chế độ giám địch có từ đời ông Bùi Tá Hãn. Để thay thế, ông phân tích khu vực hoạt động theo các thủy lộ lập ra các Tổng nguồn, dưới mỗi Tổng nguồn có một số đầu mục tương đương xã trưởng ở nông thôn Việt Nam, dưới đầu mục là sách trưởng, sóc trưởng tương đương thôn trưởng. Các chức vụ này đều do người Thượng phụ trách.

Ngoài ra để nắm vững dân số, thanh niên được kiểm tra chặt chẽ tên tuổi và ghi vào sổ danh bộ. Vùng trấn nhậm và hoạt động được ông phân chia lại làm 6 cơ (tương đương 6 khu vực chiến thuật). Mỗi cơ là nơi tập trung của một số sách Thượng, các sắc dân cũng như những phân bố địa giới thiên nhiên. Ví dụ: Cơ 1 gồm có 18 sóc, cơ 2 gồm có 25 sóc, cơ 3 gồm có 23 sóc, cơ 4 gồm có 13 sóc, cơ 5 gồm có 16 sóc, cơ 6 gồm có 93 sóc… Trong mỗi khu vực (cơ), ông nghiên cứu địa hình, địa vật rồi xây dựng những đồn binh tạo thế quân sự thuận lợi về phòng ngự, kiểm soát và tấn công. Tại những khu vực hẻo lánh xa xôi, ông cho lập các đồn điền vừa lo canh tác, giữ gìn an ninh và liên lạc với các đồn ải.

2. Buôn bán và thuế khóa

Trên phương diện buôn bán giữa người Thượng và người Kinh, những thị trường trao đổi được thành lập từ trước cạnh mỗi Tổng nguồn không phát triển được, ông tâu về Triều đình bãi bỏ. Từ đó, việc buôn bán trên thực tế được giao cho các cán bộ sơn phòng do các Tổng nguồn thuê mướn và kiểm soát đặc trách việc buôn bán trong một hay nhiều làng ở vùng sơn cước. Khắp nơi, những người buôn bán đem lên vùng Thượng muối, ché, đồ đồng, đồ sành sứ để trao đổi lấy ngà voi, gỗ quý, quế, sừng tê, hươu, nai và nạp thuế cho châu. Theo ông, mục tiêu chính của việc buôn bán là để khai hóa người Thượng qua việc giao dịch với người Kinh và sau đó là để tìm hiểu dân tình địa phương.

Trên phương diện thuế vụ, cho đến triều đại Gia Long, mọi cơ cấu và thể lệ thuế má từ đời chúa Nguyễn Hoàng năm 1558 thành lập vẫn được giữ nguyên. Công tác thu thuế tại các nguồn đều giao cho cai quan và cổn quan đảm trách. Đối tượng chịu thuế là các thương hộ, lái buôn còn các sóc Thượng không phải đóng thuế. Sau này cán bộ thu thuế thay đổi danh xưng: dịch mục, thuộc lệ, thủ ngự là các viên chức lo việc thu thuế các nguồn.

Dưới thời Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn, ông thành lập hai đội dịch man để buôn bán và thu thuế gồm có thương hộ, phụ thương nhân, dịch mục, thuộc lệ. Mỗi đội có một suất đội nhiệm vụ đôn đốc việc thu thuế.

Hành thu thuế là công việc khó khăn và trọng yếu nhất của chính quyền và là một trong những mục tiêu chính của chính sách Thượng vụ. Người Thượng là công dân của nước Việt Nam trên nguyên tắc phải đóng góp vào gánh nặng công phí của quốc gia như người Kinh ở vùng đồng bằng. Sự đóng thuế là một hình thức thể hiện bổn phận và trách nhiệm công dân và làm phát sinh tinh thần quốc gia. Chính vì tác dụng chính trị của việc này mà Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn khi đến trấn nhậm khu vực sơn cước đã mạnh dạn đề nghị triều đình miễn cho người Thượng một năm thuế.

Lùi một bước, lãnh trách nhiệm trước Triều đình, hy sinh một phần ngân sách quốc gia để duy trì và nuôi dưỡng niềm tin của người sơn cước đối với Triều đình Việt Nam và nhất là để buộc người sơn cước tiếp tục thể hiện bổn phận công dân là việc làm khôn khéo nhất của ông.

Ở đây, ngay trong bối cảnh của vương triều cực thịnh và ngay vào thời điểm mà các viên chức hành chính chỉ là những người ngoan ngoãn chấp hành các quyết định của Triều đình nếu không muốn mang tội khi quân thì quả thật việc làm của Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn – đề nghị miễn thuế một năm cho người sơn cước – là một hành vi táo bạo. Vả lại với nguyên tắc tính cách chấp hành của các quyết định hành chính, theo hệ cấp hành chính và quyền thượng cấp, viên chức cấp dưới có bổn phận và trách nhiệm thi hành quyết định của cấp trên một cách máy móc đặc biệt đối với các mệnh lệnh của Triều đình, lại còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lẽ ra, ông Nguyễn Tấn phải áp dụng bằng mọi cách để quyết định hành thu thuế của Triều đình được dân sơn cước địa phương tôn trọng triệt để.

Trẻ em người Thượng, khoảng năm 1930-1949. Ảnh: Thérèse Le Prat (1895- 1966).

Tuy nhiên, với tư cách chỉ huy địa phương, ông nhận thức được các hậu quả về nhiều mặt chính trị, kinh tế, xã hội trong việc thi hành hay không thi hành quyết định của Triều đình và ông đã tự quyết định xin hoãn thi hành một năm mệnh lệnh thu thuế của Triều đình đối với người Thượng đang trong cơn khốn khổ. Thái độ này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao độ của một cấp chỉ huy địa phương khi ông đặt quyền lợi của quốc gia, của khu vực cao nguyên, của đồng bào sơn cước lên trên quyền lợi và địa vị cá nhân nếu Triều đình khép ông vào tội bất tuân lệnh. Mãi cho đến đầu thế kỷ XX, nguyên tắc cứng rắn “hiệu lực chấp hành của các quyết định hành chính” – mới bắt đầu được Tham chính viện Pháp xét lại với biệt lệ đầu tiên là “tính cách thích nghi của các quyết định hành chính” đưa đến sự đình chỉ thi hành một số quyết định của thượng cấp, của Trung ương, nghĩa là các viên chức chỉ huy địa phương phải tiên liệu những hại và lợi, những hậu quả có thể xảy ra đối với các quyết định và chỉ thị của Trung ương không thực tế, không thích nghi với tình hình trong phạm vi trách nhiệm của mình. Ngay ở các quốc gia Tây phương mà luật hành chính đã có một tiến trình phát triển lâu dài, sự thừa nhận biệt lệ này cũng đã đưa lại nhiều tranh luận cả trong học lý cũng như án lệ để cuối cùng mãi đầu thế kỷ XX đã trở thành án lệ dẫn đạo cho hệ thống hành chính của Pháp khi một viên quan cai trị Pháp tại thuộc địa Algérie đã trì hoãn không thi hành một quyết định của chính phủ Pháp tại đây và đã được Tham Chính viện Pháp tha bổng viện lý do việc áp dụng quyết định này sẽ làm cho trật tự địa phương xáo trộn. Từ đó tính cách thích nghi của các quyết định hành chính đã trở thành một biệt lệ của “nguyên tắc chấp hành các quyết định hành chính”.

Trở lại việc làm của Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn, chúng ta thấy chiến thuật này đã giữ yên được vùng sơn cước Nam Ngãi và đã làm cho các thuộc quốc và thuộc man giữ lệ nộp thuế và nộp cống mãi về sau.

Thật ra, trong khoảng thời gian này Việt Nam đang ở trong một tình thế nguy ngập. Bên trong, việc bách hại Công giáo đã làm cho dân tình ta thán, bên ngoài, việc bế quan tỏa cảng làm cho các quốc gia phương Tây đem lòng thù nghịch. Sử gia Trần Trọng Kim đã nhận định như sau: “Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước Y Pha Nho[5] mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy[6]. Hơn nữa, lúc bấy giờ Hồng Bảo, anh ruột của Vua Tự Đức bị Vua Thiệu Trị gạt bỏ kế vị, âm mưu gây cuộc đảo chính thất bại, Vua Tự Đức thấy có bàn tay của ngoại quốc nhúng vào nên nhà vua cho thi hành triệt để sắc dụ ngày 21-3-1851 là xử tử tất cả các giáo sĩ Thiên Chúa giáo. Augustin Schoeffler, giáo sĩ mới 29 tuổi bị chém đầu ở Sơn Tây ngày 1-5-1851, sau đó Jean Louis Bonnard bị xử trảm với nhiều giáo dân Việt Nam khác. Sự căm phẫn của dân chúng, nhất là giáo dân đã là một lý do khiến Pháp ra mặt can thiệp và xâm chiếm nước ta.

Vả lại, “lúc bấy giờ những học giả thức thời như Nguyễn Trường Tộ (năm 1866 tức là năm Tự Đức thứ 19) dâng sớ xin cải cách việc nước; Đinh Văn Điền (năm 1868, Tự Đức thứ 21) dâng bảng điều trần canh cải quốc gia; Nguyễn Hiệp, Lê Đỉnh từ năm Kỷ Mão (1879) đến năm Tân Tý (1881), Nguyễn Hiệp đi xứ Xiêm La, Thái Lan ngày nay, và Lê Đỉnh đi xứ Hương Cảng, cũng đều trình tấu việc nước Xiêm lập điều ước giao hảo với Anh, Pháp, Ý, Phổ là khôn ngoan nhờ đó Xiêm không bị họ gây sự và hiếp chế vì ai ai cũng có quyền lợi. Trung Hoa, Nhật cũng học theo Tây phương nên đã bãi bỏ chính sách bài ngoại, nhưng khi đem ra duyệt nghị, Triều đình đã bác bỏ đi…” [7].

Là một văn quan làm đến chức Án sát hẳn ông Nguyễn Tấn đã hiểu rõ tâm lý của Vua Tự Đức, một con người có tài nhưng quá bảo thủ lại bị bao vây bởi những tham quan ô lại chỉ biết cúi đầu vâng phục, thế nhưng khi được bổ nhiệm tại lũy Sơn Phòng, vì quyền lợi quốc gia, ông vẫn can đảm đề nghị Triều đình tạm ngưng hành thu thuế mà chắc Triều đình sẽ khó lòng chấp thuận nhất là trong lúc ngân sách quốc gia thiếu hụt đến nỗi Vua Tự Đức phải định lệ bán quan để lấy tiền. Dù rằng đề nghị của ông cuối cùng đã được Triều đình chấp thuận nhưng hành động này nói lên sự thẳng thắn và lòng khẳng khái của ông trước quyền lợi chung.

Người nước ngoài quay phim người Thượng ở Đà Lạt năm 1926. Ảnh: CAOM/Flickr manhhai

3. Vấn đề chỉ huy và lãnh đạo

Theo ông, người Thượng bản tính ngay thẳng, thật thà, chất phác do đó người chỉ huy trên cương vị đại diện chính quyền phải luôn luôn giữ lời hứa đối với họ. Dân sơn cước, không vua không chúa, không pháp luật lại ở trong rừng núi hiểm trở nên tính tình ngược ngạo, đói thì cầu cạnh để được ăn, no thì tập họp làm loạn. Nếu muốn chế ngự họ, ta dùng biện pháp cứng rắn thì họ trốn vào rừng sâu, nếu ta mua chuộc bằng tình cảm, họ cũng sẽ coi là chuyện thường. Nếu giết, họ sẽ đem lòng oán thù và nếu có rộng lượng, họ cũng chẳng biết ơn. Bởi vậy người chỉ huy đừng bao giờ có hành động nhu nhược mà phải có nghị lực, can đảm, nhiều sáng kiến, phải ngay thẳng biết thưởng rộng rãi và phạt nghiêm minh.

– Tư cách và tác phong của người lãnh đạo:

Điều tiên quyết, người chỉ huy phải giữ lòng thành tín, công bằng và triệt để giữ lời hứa. Ông nói: “Nếu ta lấy dối trá mà đối xử thì người Thượng không tin tưởng, không tin tưởng thì không đến với ta, không đến thì làm sao khai hóa và khuyên bảo được”[8] hoặc: “Nếu kêu gọi họ về rồi giết đi tưởng rằng để trừ hậu họa, như lãnh binh Vĩnh đã giết 30 người ở trạm giao dịch thuộc đất Bình An trong năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) hay bắt giam giữ như Án sát Hiển đã bắt bọn Đinh Kế ở nguồn An Ba vào năm Tự Đức thứ 13 (1860) đó là những hành động trá thuật nhưng sẽ di hại cho người khác…”[9] vì họ đã mất niềm tin vào những hứa hẹn của chính quyền người Kinh.

Thứ hai, người lãnh đạo phải cương quyết nhưng thận trọng, khoan dung trong cách đối xử: “Người lãnh đạo khi nói phạt là phải phạt không tha, nói tha thì phải tha chứ không tiếc, nói đánh là phải đánh chứ không thôi…”[10]. Ngoài ra, “muốn bắt giữ hay chém chết thì phải làm trong lúc giao tranh nhưng một khi chúng đã quy hàng phải tha thứ cho họ những lỗi lầm khi trước, khiến cho họ hiểu ta dứt khoát, đã nói là nhất định làm.” Ông nhấn mạnh: “Không giết kẻ đã hàng, không bắt lỗi người đã quy phục, như vậy, họ phải sợ ta mà không oán, phục ta mà không lờn”[11].

Luôn luôn ông nhắc nhở thuộc hạ phải am hiểu người sơn cước, thận trọng và rộng lượng nhưng cũng phải biết không nương tay trong một vài trường hợp. Nếu người sơn cước tấn công hay không đóng thuế ta cắt hết lúa của họ nhưng một khi họ đã thua không được trả thù, ngược lại phải rộng lượng, cho chúng thực phẩm, quần áo, săn sóc những người đau ốm.

– Nắm vững tâm lý đối tượng, đây là phương cách tốt nhất để thực sự ổn định khu vực sơn cước.

Ông nhận xét rằng bản tính của người Thượng không giống người văn minh, “khi đói thì họ cầu cạnh để được ăn, no thì họp nhau làm bậy…”. Đó là bản tính của những giống dân đang còn ở trong tình trạng nhiên hóa. Các nhà dân tộc học đồng ý rằng những cử chỉ biết ơn hay lòng thương hại khó có ở nơi những người bán khai. Nắm vững tâm lý đó, ông chủ trương phải quan tâm việc thu thuế đối với các sắc dân sơn cước nhất là các nhóm hiếu động để không cho chúng tích lũy nhiều lương thực, chúng sẽ dễ làm loạn. Ông thẳng thắn nói: “Chúng đói thì ta nuôi ăn hoặc cho vay để chúng luôn luôn phải nghĩ đến sự bảo bọc của chúng ta mà không làm phản”.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

Chú thích:

[1] Đảm nhận chức vụ cai quản, trông coi một địa phương, BTV

[2] Chính sách dân tộc dành cho miền Thượng, BTV

[3] hay “Phủ Man tạp lục”

[4] Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư, Nguyễn Đức Cung, 1998, trang 100

[5]Tây Ban Nha, BTV

[6] Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, Sài Gòn 1958, trang 477.

[7] Việt Sử Toàn Thư, Phạm Văn Sơn, 1960, trang 617.

[8] Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư, Nguyễn Đức Cung, 1998, trang 200-201

[9]Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư, Nguyễn Đức Cung, 1998, trang 200-201

[10] Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư, Nguyễn Đức Cung, 1998, trang 200-201

[11] Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư, Nguyễn Đức Cung, 1998, trang 200-201

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN