Phan Đình Phùng và chiếc áo đại bào rách

Phan Đình Phùng (1847 – 1895) là một vị quan nổi tiếng thanh liêm dưới triều Nguyễn. Ông cũng là lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Hương Khê chống thực dân Pháp trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX. Tạp chí “Phổ Thông” ngày 30/11/1973 từng đăng câu chuyện kể việc Phan Đình Phùng vì can ngăn Tôn Thất Thuyết lộng hành phế Vua mà suýt mất mạng ngay giữa triều đình. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu lại với bạn đọc giai thoại này.

Phan Đình Phùng là nhà đại ái quốc, nhà lãnh tụ Cần Vương xuất sắc nhất mà hầu hết chúng ta đều biết tên tuổi. Ông vốn người Hà Tĩnh, làng Đông Thái.

Làng ông có đặc điểm là sinh ra lắm tay danh tiếng lẫy lừng mà trung chính không ai bằng ông, gian tà không ai hơn Hoàng Cao Khải, mà chửi đời, ngạo đời không mấy ai hơn Phan Điệu (cha Phan Anh).

Chúng ta đã biết nhiều sự tích của Phan Đình Phùng. Tuy nhiên giai thoại sau đây hình như chưa phổ biến.

Đô sát Ngự sử Phan Đình Phùng (1847 – 1895)

Ấy là vào thời Tự Đức thăng hà, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đổ ra lộng hành phế lập tự do gây cho các lương thần, lương tướng những uất hận, căm hờn. Nhưng không mấy ai dám lên tiếng công kích vì lưỡi gươm của Thuyết rất bén và Thuyết là người nóng tính nói chém là chém ngay, không kể ai vào đâu cả.

Phan Đình Phùng lúc bấy giờ đã đỗ Tiến sĩ và làm Đô sát Ngự sử.

Một buổi sáng, quan Đô sát vào chầu và nghe di chiếu của Vua Tự Đức truyền ngôi lại cho Đức ông Dục Đức.

Nguyên do khi Tự Đức chết không có con, bà Từ Dũ và bà Trang Ý (nhũ mẫu của Dục Đức) đều khuyên nên có người con lớn để gánh vác quốc gia đại sự gặp lúc khó khăn và đã chọn Đức ông Dục Đức, con của Thoại Thái Vương, anh em ruột với Tự Đức, nối ngôi.

Dục Đức 31 tuổi, vốn có tư tưởng theo Pháp lại ăn chơi trụy lạc và tin chắc đã nắm vững ngai vàng, không coi ai ra gì. Ông về Hoàng cung mang theo những gia nhân và hạng này như chúng ta biết, đều là những kẻ hầu hạ cờ bạc, rượu chè, đá gà, hò hát vẫn thường thấy nhan nhản trong phủ các ông Hoàng bà Chúa, nói chung đều là bọn vô tích sự, hư hỏng. Đã vậy, họ còn khinh thường hai quan phụ chánh khét tiếng là Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Do đó, Tường – Thuyết nghĩ tới sự phế lập.

Tường và Thuyết lập mưu bàn cùng Phụ chính Trần Tiễn Thành là khi tuyên đọc di chiếu tiên để truyền ngôi lại cho Dục Đức, nên bỏ 41 chữ có liên quan tới bệnh đau mắt và tính dâm ô của tân quân, vì e nếu đọc như thế sẽ làm cho Người mất thể diện trước quần thần, không lợi cho quốc sự[1].

Tới ngày đọc chiếu, Trần Tiễn Thành theo điều đã quy định giữa ba vị phụ chính, bỏ đoạn ấy. Bấy giờ Nguyễn Văn Tường khôn ngoan, đã lánh mặt. Lập tức Đô sát viện tìm thấy ngay sự thiếu sót nghiêm trọng khi tuyên đọc di chiếu, song họ không chống lại Dục Đức, người đã được chính Tự Đức lập lên ngai vàng.

Nhưng bọn Thuyết đã có chủ tâm rồi[2]. Ý đồ phế lập đã biểu lộ một cách rõ rệt.

Cũng ngày hôm ấy, Thuyết buộc các quan phải ký vào biên bản về chủ mưu cải đổi di chiếu kia. Ai cũng hiểu ngay đây là ngày tàn của tân quân. Người ta đã trực tiếp nói tới việc phế lập. Phan Đình Phùng không chịu ký vào biên bản kia và lập tức bị giam ở Cẩm Y.

Tại sao ông không ký? Ông là một bậc đại nho, khi tiên đế đã truyền ngôi cho một người nào, ông có bổn phận bảo vệ đến cùng ý chí của tiên đế. Trần Tiễn Thành sau bị ám sát, ông cũng biết Nguyễn Văn Tường rất khó tin cậy, vả chăng ai cũng thấy là thời cuộc đang như dầu sôi lửa bỏng, bấy giờ mà tính chuyện phế lập thì thật là đại nguy hiểm cho nhân dân, đại sự quốc gia.

Ông đã hành động theo đúng giáo lý của đạo Nho, nhưng có lẽ ông không biết chuyện Dục Đức theo Pháp.

*

Và sự việc đã xảy ra như thế nào khi Phan Đình Phùng không chịu ký vào biên bản?

Tôi có nghe bác sĩ T.C kể lại chuyện này. Ông cũng cho biết là nghe chính phụ thân ông kể lại và không rõ vì lý do gì mà ngày ký biên bản xác nhận sự cải đổi di chiếu lại biến thành ngày phế Vua. Có lẽ việc xác nhận của Đô sát viện cần có trước và khi các nhân viên này đã “bút sa gà chết” rồi thì mọi việc xem như hoàn tất.

Chuyện ấy được kể như sau:

Bấy giờ, Thuyết mang gươm đứng trên điện và lớn tiếng hỏi là việc phế Vua như thế rất xác đáng, các quan còn có ai dị nghị gì cho biết ý kiến. Trăm quan đều yên lặng, không ai dám nói một lời; vì hễ nói lời nào là lập tức không mất đầu cũng mất chức. Thuyết không dung thứ những kẻ đối lập.

Bỗng nhiên, giữa lúc mọi người nghiêm trang, kính cẩn yên lặng lắng nghe, ngoan ngoãn vâng lời thì trong đám Ngự sử có tiếng xao động. Rồi một viên quan bước tới xin được ngỏ lời can gián. Mọi người hoảng hồn, bạt vía, nhìn lại thì ra quan Đô ngự sử Phan Đình Phùng. Lúc bấy giờ, Phan Đình Phùng hăng hái, phẫn nộ bỏ phương vị tiến lên thì bỗng có người kéo lại. Mọi người cùng nhìn thì ra quan ngự sử Huỳnh Côn. Ông Côn bảo ông Phùng:

– Ông lên đó sẽ chết.

Nhưng Phan Đình Phùng còn biết rõ hơn Huỳnh Côn là mình sẽ chết như thế nào rồi. Ông nhất định gỡ tay bạn đồng liêu ở cấp trên mình ra:

– Tôi nhất quyết chết với kẻ lộng thần.

Quan lại triều Nguyễn. Hình minh họa trên tuần báo Pháp L’Illustration tháng 7/1862.

Huỳnh Côn thấy khí sắc phừng phừng như dầu sôi của Phan Đình Phùng, và thái độ đón chờ đầy phẫn nộ của Tôn Thất Thuyết biết việc không xong, liền cố níu kéo lại, không cho đi. Nhưng Phan Đình Phùng như một núi lửa, chỉ biết phải trình bày cho rõ trước triều đình sự lộng hành của Tường – Thuyết và hậu quả tai hại của việc phế lập giữa cơn quốc biến này. Huỳnh Côn không cản nổi mà thấy họ Phan cứ sấn tới, hoảng hồn liền cầm vạt áo sau họ Phan níu lại. Họ Phan phăng phăng đi tới, họ Huỳnh càng ra sức kéo lui. Bỗng “soạt soạt” “rẹt rẹt”, cả vạt áo đại trào phía sau đứt nghiến và Phan Đình Phùng như mũi tên lao về trước.

Tôn Thất Thuyết đã chờ sẵn trên điện, lăm lăm gươm bén nơi tay. Phan Đình Phùng đã diện đối diện với Thuyết. Thuyết hét:

– Việc này là quyết định của triều đình. Nếu ông can gián, ông sẽ bị chém ngay lập tức.

– Tôi xin ngài chém ngay tôi tại đây. Tôi không muốn thấy những kẻ lộng hành, những kẻ bất trung không xem vua chúa ra gì, tự do phế lập.

– Nếu ông còn nói nữa, thanh bảo kiếm này sẽ cắt phăng cổ ông ngay.

– Xin đại quan cứ chém. Còn bổn phận tiểu quan cứ phải nói, phải can gián, xin nguyện đem cái đầu này dâng cho đất nước…

Phan Đình Phùng, khí sắc nghiêm chỉnh, lời nói chém đinh, chặt sắt.

Các quan run rẩy sợ hãi trước sự phẫn nộ ầm ĩ của Thuyết, như sấm như sét và mấy lần thanh gươm báu giơ lên…

Nhưng rồi Thuyết không chém Phan Đình Phùng, chẳng rõ vì sao.

Phan Đình Phùng được đuổi ngay ra khỏi sân chầu, nhốt ở Cẩm Y 10 hay 12 ngày rồi trở về nguyên quán. Người ta đồn là lúc về, ông vẫn bận chiếc đại bào đã bị rách phăng mất vạt áo phía sau. Đó có lẽ là lời nói đùa vì ông đã bị tước hết chức tước rồi.

Lúc Hàm Nghi xuất bôn, người thứ nhất mà nhà Vua (kể cả Tôn Thất Thuyết) gặp và giao cho trọng trách lại chính là Phan Đình Phùng.

Thuyết tuy lộng hành nhưng lại là một người ái quốc. Ông dâng cả thân thể sự nghiệp cho đất nước. Ông không chém Phan Đình Phùng, nhiều người nói là vì biết có ngày sẽ dùng vị quan trung quân ái quốc này, và do đó, sự phẫn nộ của Thuyết người ta cũng gọi là “giả nộ”.■

Nguyễn Văn Xuân

[1] Nhiều tài liệu ghi rằng chính Vua Dục Đức yêu cầu không đọc đoạn đó trong lễ đăng quang

[2] Trần Tiễn Thành sau bị ám sát

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN