Cụ Hồ Bá Ôn (1843 – 1883), quê ở làng Quỳnh Đôi, Nghệ An, xưa là quan Án sát của tỉnh Nam Định. Tháng 3/1883, sau khi chiếm thành Hà Nội, quân Pháp tấn công thành Nam Định lần thứ 2, đánh dấu một bước leo thang quan trọng và thể hiện tham vọng của người Pháp tại Bắc Kỳ. Quan Án sát Hồ Bá Ôn cùng quan Đề đốc đã chỉ huy binh lính chống trả quyết liệt để giữ thành. Tuy nhiên, vì quân giặc quá mạnh, cụ Án Hồ đã bị trọng thương, dù được binh sĩ đưa về tuyến sau chăm sóc nhưng không qua khỏi. Báo Đoàn kết số 10, ra ngày 4/6/1945, có bài viết mô tả lại trận chiến cam go ở thành Nam Định năm 1883, qua đó cho thấy tinh thần yêu nước, ý chí chống giặc và lòng dũng cảm của cha ông ta thuở xưa.
Năm 1882, tin Hà thành thất thủ và quan Tổng đốc Hoàng Diệu tử tiết đưa xuống Nam thành như một luồng gió bấc lạnh buốt, ai nghe nói cũng tê tái tâm can, dư luận phẫn kích, lòng ái quốc của hạng sỹ phu sôi lên đến cực điểm.
Người ta bàn định chương trình phòng thủ: nào hiệu triệu nhân dân, nào chiêu mộ quân nghĩa dũng, nào đắp đồn lũy, ngăn cửa các ngành sông. Nam Thành sặc mùi chinh chiến và chìm đắm trong một bầu không khí bài ngoại.
Các quan tỉnh hiến là những người cầm vận mệnh thành Nam lúc bấy giờ triệu tập một hội nghị để thảo luận các công việc đối phó với quân địch. Ông Tổng đốc Võ Trọng Bình tuổi đã cao, khí huyết bạc nhược, đề xướng việc nghị hòa, nếu quân Pháp kéo xuống Nam thành, viện lẽ rằng “Hà thành là thủ đô của Bắc Hà, quân đông, kho tàng lắm, trong 10 năm bị hạ hai lần, những bậc danh thần như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu còn không địch lại, phải tuẫn tiết, huống chi là Nam thành quân sĩ ít hơn, lương thực không có mấy, chúng ta lấy sức đâu mà địch lại, chẳng qua chỉ mua lấy một cuộc thất bại đau đớn mà thôi!”
Thuyết chủ hòa này được quan Bố chánh tán thành, còn quan Án sát Hồ Bá Ôn và quan Đề đốc Lê Văn Điếm cực lực phản đối, đại ý hai ông chủ trương rằng: “Nam thành là một trọng trấn, xưa nay có tiếng là sĩ khí hăng hái, không lẽ để cho quân địch đến chiếm như một chỗ không người, chẳng là nhục nhã làm sao? Huống chi lâu nay chúng ta hưởng quốc ân quốc lộc đã nhiều, trong lúc quốc gia hữu sự tất phải đem thân đền nợ nước, chúng ta để cho mất thành là đắc tội với quân Vương, như thế sao đành, thà chết còn hơn!”
Sau cuộc hội nghị, quan Tổng đốc, quan Bố chánh cùng gia quyến bỏ trốn ra ngoài, duy có quan Án và quan Đề cùng nhau cam kết cùng sống chết với thành.
Quan Án Hồ thảo giấy hiệu triệu gửi đi khắp các phủ huyện trong tỉnh cổ động lòng ái quốc và mộ lính nghĩa dũng, đồng thời quan Đề lo tổ chức lại quân đội, thiết lập các đồn trại để dự bị cuộc nghênh chiến.
Hưởng ứng theo lời hiệu triệu của quan Án Hồ, có ông Ấm Kiến con một vị Án sát ở phủ Kiến Xương tự chiêu mộ được ngót 100 điền tốt toàn là người lực lưỡng, sẵn lòng hi sinh, đem lên tỉnh trình quan Án để trợ chiến, quan Án vui lòng thu nhận.
Trong cuộc hội ẩm trước khi xuất chiến, quan Án Hồ trân trọng tự tay mình rót rượu mời ông Ấm Kiến rồi hỏi rằng:
– Quân Tây đường thuyền kiên pháo lợi, chúng ta biết lấy gì để đối phó lại?
Ông Ấm Kiến uống cạn chén rượu, hai mắt đỏ bừng như đầy tức giận ung dung trả lời:
– Chúng có thuyền kiên pháo lợi, ta có khí nhẫn tâm đồng (đao sắc và đồng tâm).
Quan Án nhận thấy lòng quân quyết hi sinh của ông Ấm Kiến, liền vỗ vai phủ dụ[1] vừa cười vừa nói:
– Ông thiệt là một bậc đại trượng phu…! thấy việc nghĩa tự mình vui lòng làm, không hề ai bắt buộc.
Cuộc đối ẩm kéo dài đến gần sáng thì súng đại bác dưới cầu phao thuyền của quân Pháp đã bắn lên vang động một góc trời, quan Đề đốc đem binh ra ngoài thành án ngự, quan Án giữ cửa Đông, còn ông Ấm Kiến với 100 thủ hạ cảm tử giữ con đường vào cửa ấy.
Quân Pháp bắn một loạt súng thị uy, quân ta tuy can đảm nhưng đao mác địch sao nổi với đại bác, đành phải lùi dần. Quân Pháp vừa bắn vừa đổ bộ, quân ta tuy rất hăng hái nhưng một lúc sau bị súng thần công địch làm tan vỡ hàng ngũ, quan Đề đốc Điếm trúng đạn ở chân từ trên mình ngựa lăn xuống đất, ông lấy thắt lưng nhiễu điều buộc lại vết thương lại gượng đứng dậy chỉ huy quân sĩ, vì ông biết ông là “hồn” kháng chiến, ông lùi là quân lùi, một phát súng thứ hai trúng vào giữa ngực, ông chết ngay tại trận không còn sức gắng gượng nữa.
Quân Pháp tiến vào thành, ông Ấm Kiến tiến quân, hai bên đánh sát lá cà, quân ta dùng đoản đao, quân địch dùng lưỡi lê, quân ta liều chết, cứ một mạng đổi lấy một mạng, giữ từng tấc đất không chịu để quân thù lấn bước, kết cục ông Ấm Kiến bị một viên đạn của quân Pháp bắn trúng vào đầu tóe ra như xác pháo, chết ngay tại trận, còn đội quân cảm tử của ông chống lại với quân Pháp được ngót một giờ chết hơn quá nửa.
Trong khi quân quan Đề đốc và ông Ấm Kiến đã mất soái chủ, quan Án sát Hồ đứng trên mặt thành không chịu lùi, hò hét ra lệnh thúc quân trong thành ra ngoài kháng chiến và sai người thu thập tàn quân để trợ chiến.
Bỗng một phát đạn chạy gần ngang đầu làm rơi mũ cánh chuồn, quan Án sát búi lại tóc, đứng vững tại chỗ, chỉ huy quân lính, mấy phút sau phát đạn thứ hai chạy ngang qua hông, quan An sát Hồ vẫn thản nhiên như không, quân sĩ cảm động liều chết chống cự, thề chết chứ không nhường bước quân thù. Phát đạn thứ ba trúng vào bắp chân, quan Án ngã lăn ra nằm bất tỉnh, gia nhân vực ông lên võng cáng ra làng Năng Tỉnh buộc thuốc, quân lính mất hết chủ soái tan vỡ như một đàn ong, Nam thành thất thủ sau nửa ngày kháng chiến một cách oanh dũng. Hôm sau, người ta cáng quan Án sát Hồ về Ninh Bình rồi lại cáng về sinh quán ở Quỳnh Đôi (Nghệ An). Điều trị ròng rã gần 1 tháng, vết thương của ông đã gần lành, một hôm bà chị lấy chồng xa về thăm nói một câu: “Quan Tổng đốc Võ còn chạy huống chi là cậu, sao không trốn có hơn không?”
Lời nói của bà chị xuất ở sự thật thà khờ dại, như nhắc lại tấn thảm kịch ở Thành Nam vừa qua, làm cho sự phẫn uất của quan Án Hồ lâu nay tiềm tàng trong bụng, bỗng lại phát xuất, đến đem vết thương gần lành vỡ ra, ông không cho buộc thuốc nữa, mấy hôm sau ông mất.
Ba vị anh hùng nói trên đã viết bằng máu những trang lịch sử lâm li và oanh liệt sẽ cùng Nam thành trường thọ, nhắc đến tiểu sử các Ngài, chúng ta phải im lặng nghĩ ngợi, chúng ta chỉ có một cách đền ơn là phải biết xả thân mỗi khi tổ quốc cần đến chúng ta.■
Tùng Phong
(Nguồn: báo “Đoàn kết” số 10, ngày 4/6/1945)
[1] vỗ về, an ủi