Những dây liên lạc lịch sử giữa Nhật và Đông Pháp

Lịch sử cho thấy Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc có mối quan hệ từ lâu đời, có nhiều nét tương đồng về văn hóa và truyền thống. Năm 1942, giáo sư người Nhật Oiwa Mabato của trường Đại học Kyoto đã công bố một bài viết phản ánh đậm nét mối quan hệ trong quá khứ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết được dịch và xuất bản tại Sài Gòn năm 1942.

         Từ thuở rất xưa, Nhật Bổn và Đông Pháp[1] đã từng giao thiệp với nhau rất mật thiết. Người ta có thể kể ra rất nhiều bằng chứng và chỉ riêng về tiếng nói, tiếng Nhật và tiếng Nam Việt giống nhau rất nhiều. Sự giống nhau về tiếng nói ấy riêng mình cũng đã đủ tỏ rằng trước khi thành hai xứ khác nhau, Nhật Bổn và Đông Pháp đã liên quan rất mật thiết. Hiện bây giờ các nhà khảo cổ đã tìm ra được rất nhiều bằng chứng, và nếu có đủ thì giờ nghiên cứu rõ ràng hơn 60 cái di tích của thời xưa hiện đang ở Đông Pháp, thì lịch sử của hai xứ sẽ thêm vào được nhiều trang rất quý báu.

Người ta đã tìm được dấu vết của người Nhật ở Đông Pháp từ thế kỷ thứ VIII. Năm 716, một người quý tộc Nhật tên là Abeno Nakamaro qua Trung Quốc du học, lúc trở về bị bão táp vào tỉnh Hà Tiên. Người ta bảo rằng từ năm 760 đến 766, ông Nakamaro đã được Vua Đường phong làm Đô hộ sứ ở xứ Giao Chỉ, nhưng điều ấy không được chắc chắn. Cùng trong một lúc ấy một nhà sư Chàm cùng vài nhà sư Ấn Độ đã nhập tịch vào Nhật Bổn nhạc khí và cách hát múa của miền Trung châu Á. Và rất lâu sau nữa, năm 1728, theo lời yêu cầu của vị tướng Nhật Yosimune, người ta đã gởi qua cho ông hai con voi ở Quảng Nam. Hai con voi ấy đã được hân hạnh trình lên Thiên Hoàng ngự lãm và cho công chúng xem.

Những bằng chứng ấy đã tỏ rằng từ rất lâu, giữa Nhật Bổn và những xứ ở miền Nam châu Á, đã có rất nhiều dây liên lạc, và chính nhờ Đông Pháp làm trung gian nên Nhật đã hấp thụ được văn hóa của những xứ ấy.

Về sự thương mại thì về thế kỷ thứ XVI khi Nhật ở dưới quyền cai trị của Đại tướng Toyotomi Hideyosi, một người mà cả nước Nhật sùng bái, mới có mấy nhà buôn thỉnh thoảng qua xứ Trung kỳ hiện tại để đổi chác, và sự buôn bán với Nam Việt và các xứ khác ở miền Nam, phồn thịnh đến nỗi về cuối đời ông, năm 1592, ông Hideyosi mới đặt ra sự kiểm soát và bày ra giấy phép thông hành.

Giấy phép ấy có ghi tên ghe tàu và mục đích đi để làm gì. Mỗi giấy thông hành đều có tên ông Hideyosi ký và đóng một cái ấn đỏ. Những chiếc ghe tàu, có cái giấy thông hành ấy được xem là có Chính phủ công nhận và người ta thường kêu những chiếc ấy là Go-Syuin-Sen nghĩa là “những chiếc tàu có dấu đỏ” và số những chiếc tàu ấy mỗi ngày một tăng thêm. Phạm vi hoạt động của họ mỗi ngày cũng mỗi rộng thêm và họ đi đến cả tỉnh Quảng Nam (phía dưới Huế, kinh đô Trung kỳ hiện tại) rất thường.

Dưới đời Đại tướng Tokugawa Ieyasu kế tiếp cho Đại tướng Hideyosi, sự buôn bán của những “chiếc tàu có dấu đỏ” ấy với các xứ miền Nam lại càng thường hơn, và trước kia đi không có chừng mực bây giờ đi có chuyến rất đều. Năm 1606, Thủy quốc công Nguyễn Hoàng làm chúa ở phương Nam xứ Nam-Việt muốn giao thiệp về thương mại với Nhật, đã gởi đồ lễ rất quý cho Tokugawa Ieyasu, với một bức quốc thư. Trong bức thơ ấy, Chúa Nguyễn với những lời lẽ rất cung kính, đã tỏ ý muốn xem Nhật như là một bậc đàn anh và yêu cầu những nhà cầm quyền Nhật hồi ấy cho tàu bè qua lại thường hơn. Ieyasu đã trả lời cho chúa Nguyễn nhận điều yêu cầu ấy và ngoài ra lại còn khuyến khích các nhà buôn Nhật giao thiệp với Phi Luật Tân và Cao Miên.

Bức thư chúa Nguyễn Phúc Nguyên gửi cho tướng quân Tokugawa Ieyasu.

Năm 1605, Vua Cao Miên cũng đã gởi quốc thư sang tỏ ý muốn giao thiệp với Nhật rồi, và ngoài vua Cao Miên ra, còn có nhiều vị vương khác nữa ở các xứ miền Nam cũng tỏ một ý kiến như thế. Bắt đầu từ ngày ấy thấy thịnh tình của các xứ bạn, dân Nhật mới có ý lập những phố buôn bán.

Tuy thế trong 30 năm đầu của thế kỷ thứ XVII cũng chỉ có 340 chuyến tàu đi xuống các biển miền Nam và số người chở cũng chỉ có chừng 100.000, còn số dân Nhật lập nghiệp ở các chỗ ấy chỉ có 10.000. Trong số 340 chuyến tàu ấy thì riêng phần xứ Nam-Việt đã có 160 chuyến ghé vào và tỷ số ấy cũng đủ tỏ rằng Nhật và Nam-Việt giao thiệp mật thiết hơn các xứ khác rất nhiều.

Sở dĩ địa vị của Nam Việt hồi ấy quan trọng như thế là vì ở Trung Quốc có lệ cấm không được giao thiệp với người ngoại xứ. Bao nhiêu sự giao thiệp đều qua tay người Nam Việt hết.

Như tôi đã nói trên kia, trong xứ Việt Nam, chỗ mà người Nhật hay lui tới nhứt là Quảng-Nam, tuy thường thường cũng nhiều khi nghe đến những tên khác như Tonkin, Huế, Cochin, Champa Cao-Mên.

         Khi ấy ở Bắc kỳ, họ Trịnh chuyên quyền cùng với chúa Nguyễn ở phương Nam tranh hùng và cũng như Chúa Nguyễn, chúa Trịnh rất muốn giao thiệp với ngoại quốc và ai cũng muốn kéo những “chiếc tàu có dấu đỏ” ấy về phe đảng với mình.

Tuy thế, vì quen thuộc phương Nam nhiều hơn nên những chiếc tàu ấy lui tới trong địa phận chúa Nguyễn nhiều hơn và Cochin người Nhật thường kêu là Kawali. Hai chữ ấy họp lại và kêu sai đi đã thành ra tiếng Cochinchine mà sau này người phương Tây dùng để chỉ xứ Nam kỳ. Xứ Champa hồi ấy cũng như bây giờ chỉ một vùng ở phía dưới Quảng Nam, còn ở Cao-Mên, chỗ mà các nhà buôn Nhật lui tới nhiều hơn hết là Pnom-Penh, kinh đô hiện tại của xứ ấy cách cửa biển Nam-kỳ 170 hải lý đi ngược con sông Mekong và cái thành phố Oudong ngày nay đã điêu tàn cùng hải cảng Ponhéa-lu.

Những chiếc tàu Nhật qua buôn bán với xứ Nam-Việt thường đi trong mùa thu và mùa đông khi ngọn gió mùa từ phương Bắc thổi xuống và khi trở về, thường kéo neo về mùa xuân và mùa hạ, khi ngọn gió mùa lại từ phương Nam thổi ngược lên.

Thường thường hành trình của họ như thế, nhưng nhiều khi họ còn ở đến hơn một năm ở Nam-Việt hoặc để bán hết hàng, hoặc để mua thêm hàng nữa. Thường thường khi ra đi thì họ chở theo bạc đồng và sắt làm thành nén cùng những thứ đồ chế tạo. Lúc trở về họ chở những thứ như chỉ tơ, lụa, chỉ vàng, đường, sơn, da cá mập, sừng và bò mua ở Nam-Việt vào ở Trung Quốc, nhưng những thứ hàng mua của Trung Quốc như tơ và lụa thì nhờ người Việt làm trung gian vì thời ấy ở Trung Quốc người ta cấm xuất cảng.

Sự buôn bán của người Nhật phồn thịnh đến nỗi người Hòa-lan và người Bồ-đào-nha đã nắm được độc quyền buôn bán ở Trung Quốc nhưng còn muốn được độc quyền ở Nam-Việt nữa rất lo ngại. Một người Hòa Lan tên là Abraham Duijcker[2] đã lớn tiếng kêu gào rất nhiều về sự cạnh tranh của người Nhật.

Bắt đầu từ khi những nhà buôn Nhật cư trú luôn trong xứ Nam Việt thì không những dây liên lạc giữa họ và người bản xứ thêm mật thiết hơn mà sự họ giúp đỡ giáo hóa người bản xứ lại còn có quy củ và hệ thống hơn. Không những họ xen vào các việc buôn bán mà thôi, họ lại còn giúp đỡ người bản xứ trong công việc đồng áng nữa, đem cái kinh nghiệm của cách trồng trọt khó khăn ở Nhật dạy vẽ cho dân bản xứ trong sự trồng trọt cũng rất khó khăn của họ vì đất đai ở vùng ấy xấu lắm và thời tiết cũng bất thường lắm.

Cũng may lúc ấy Vua xứ Nam Việt cùng những nhà cầm quyền bên Nhật đều là những người kiến thức rộng, am hiểu rất tường tận những mối lợi của quốc dân nhờ sự buôn bán với ngoại quốc nên khuyến khích rất nhiều.

Sự khuyến khích của những nhà cầm quyền ấy đã dự một phần lớn trong sự bành trướng thương mại và sự thành lập một nền thịnh vượng chung giữa hai xứ. Vì rằng dù cách đóng tàu bè thời ấy có tiến tới và sự đi lại trên mặt biển có dễ dàng đến bao nhiêu đi nữa, cũng có rất nhiều điều trở ngại khiến rất dễ nản lòng, hoặc là trở ngại về thời tiết như bị gió ngược luôn luôn thổi, hoặc là trở ngại về cách buôn bán như thiếu vốn liếng và về luật pháp như sự xuất và nhập cảng các hàng hóa. Nhưng các nhà cầm quyền rất sáng suốt ở Nhật hồi ấy đã biết giúp đỡ họ rất nhiều cũng như các nhà cầm quyền hồi ấy ở phương Tây đã biết giúp đỡ những kẻ viễn thương cũng như là những kẻ thực dân của họ.

Sự giúp đỡ ấy rất quý hóa về phương diện tài chánh. Một phần lớn của số vốn các chủ nhân những chiếc “tàu có dấu đỏ” buôn bán với các xứ miền Nam đều do những nhà quý tộc và các người thuộc về cái hạng trung lưu mới vừa mọc lên trong tỉnh Kyusyu bỏ ra.

Những quý tộc đã lưu ý rất nhiều đến sự khuyến khích thương mại ấy là: Simazu, Kato, Arima, Matuura Goto. Mấy họ ấy từ đời Toyotomi  Hideyosi đã rất lưu ý đến sự buôn bán với hải ngoại và sự giúp đỡ của họ đối với các nhà buôn đã là một sự khuyến khích rất lớn. Và không phải những họ ấy chuyên môn về buôn bán đâu! Họ nào cũng đã sản xuất rất nhiều danh tướng rất được quốc dân sợ nể, nhưng trái với quý tộc ở các nước khác, những người có danh phận ở Nhật, nếu ai cũng phải là dũng sĩ và văn nhân thì ngoài hai cái đức tính phải có ấy ra, ai cũng biết khuyến khích thương mại và kỹ nghệ.

Huống hồ dù ở phương diện hoạt động nào cũng thế, họ cũng chỉ theo đuổi có một mục đích cao siêu là làm tăng danh giá cho Thiên Hoàng và cung phụng Tổ quốc, trái với những nhà tư bản hồi ấy chỉ biết theo đuổi có một mục đích rất ti tiện là trục lợi riêng cho mình.

Nói cho đúng, về ý tưởng đem tiền tài ra dùng với một mục đích ái quốc, không phải chỉ những người thuộc về hạng quý tộc biết có mà thôi, đến những người phẩm giá, học thức và trình độ ái quốc kém hơn là những người thuộc về hạng trung lưu thời ấy ở Nhật cũng biết. Lịch sử còn ghi tên những người như Tyaya-Siroziro, Sueyosi-Magozaemon, Kameya-Eizin, Suminokura-Ryoi, Araki-Sotaro, Suetugu-Heizo và nhiều người khác nữa, đều là những người chỉ thuộc về hạng trung lưu nhưng đều đã biết hy sinh tiền tài và tâm lực rất nhiều để giúp cho những chiếc “thuyền có dấu đỏ” đủ vốn liếng và điều kiện khác mà cạnh tranh với các người ngoại xứ trong các công việc doanh thương.

Các nhà buôn Nhật lại càng được biệt đãi hơn vì họ đều là những người rất đúng đắn. Tới đâu ở, họ cũng đều lo giúp đỡ cho những người bản xứ rất nhiều, và hơn thế nữa, họ lại còn giúp đỡ cho chánh phủ các xứ ấy về đủ mọi phương diện: kinh tế, chính trị, học vấn và cả binh khí nữa.

Có một đều rất đáng lưu ý là không phải chỉ những người Nhật mới được lãnh những cái giấy thông hành có dấu đỏ hàm súc ý nghĩa rằng được Chính phủ bảo trợ ấy. Cái ân huệ đặc biệt ấy, những người ngoại quốc cư trú ở Nhật cũng đều được hưởng miễn là đức hạnh họ tốt và mục đích họ không ti tiện. Rất nhiều người ngoại quốc đã được hưởng đặc ân ấy: ngoài những người Trung Quốc ra còn có nhiều người Anh như William Adams (tên Nhật là Miura Anzin)[3] đã được biệt đãi như thế, ngang hàng với người Nhật – vì được cái giấy thông hành có đóng dấu đỏ ấy, họ được xem như người Nhật và được bảo hộ như là người Nhật.

Cái bằng chứng lịch sử này đem so với cách người Anh đối đãi với người Nhật qua sinh cư lập nghiệp ở xứ họ và thuộc địa của họ sau này, khác nhau rất xa.

Một phần bức tranh “Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển” cuối thế kỷ XVII mô tả cảnh Chúa Nguyễn tiếp các thương nhân Nhật Bản

Hiện bây giờ người ta chưa tìm đủ được những tài liệu khiến có thể hiểu rõ được sự quan trọng của sự buôn bán với ngoại quốc của Nhật ở thế kỷ thứ XVII. Tuy thế với những tài liệu hiện đã tìm ra người ta cũng có thể xác nhận rằng sự buôn bán ấy quan trọng lắm.

Theo những tài liệu ấy thì năm 1617, năm chiếc tàu Nhật qua buôn bán ở Nam Kỳ đã đem theo những hàng hóa trị giá hơn 300 ngàn đồng “Yen” bấy giờ. 16 năm sau, năm 1633, những chiếc tàu ấy trở về xứ với 300 thùng bạc. Theo một tài liệu khác nữa, một tờ trình của viên chủ hãng buôn người Hòa-lan ở Hirado thì năm 1634, một chiếc “tàu có dấu đỏ” khác đi qua Cao-Mên buôn bán có đem theo 4.000 đồng Yen hàng hóa và 13.000 đồng Yen bằng khối bạc.

Một chiếc khác nữa qua Nam-kỳ buôn bán có đem theo 60.000 đồng yen cũng bằng khối bạc và đồng thời một chiếc qua buôn bán ở Bắc-kỳ cũng có đem theo đến 100.000 đồng yen để mua hàng. Chỉ với những tài liệu chưa đầy đủ ấy, người ta đã có thể quả quyết rằng sự quan trọng của việc buôn bán của người Nhật với các xứ ở Đông Pháp, về thời ấy, không kém gì những người Hòa Lan, Bồ Đào Nha, Anh và Trung Quốc.

Những tài liệu ấy lại còn xác nhận rằng cái công của những họ quý phái Simazu, Kato, Arima… không phải là vô ích. Những hạt giống họ đã gieo vào trong đám nhà buôn và trong cả quốc dân Nhật đã gặp một miếng đất rất tốt. Sau này họ không cần khuyến khích nữa, số người Nhật xuất dương xuống sinh cư lập nghiệp ở các xứ miền Nam cứ mỗi ngày một tăng lên mãi, đem lại cho Nhật và các xứ ấy không những một mối lợi rất nhiều mà còn một sự trao đổi tinh thần rất quan trọng.

Những người ấy hoặc là những chiến sĩ thích xuất dương để nếm mùi mạo hiểm, hoặc là những khách văn nhân lỡ thời đi kiếm kế sinh nhai để lấy tiền mà nhuần thêm ngòi bút thỏ, hoặc là những kẻ nông phu chán nản về sự nghèo xấu của đất đai mình, hoặc là những kẻ theo đạo Thiên Chúa muốn được tự do theo tín ngưỡng của mình (vì ở Nhật cũng như ở nhiều xứ khác của Châu Á thời ấy, có phong trào cấm đạo).

Số những người ấy càng ngày càng tăng lên đến nỗi họ đã có thể lập được ở rải rác khắp mọi nơi những thành phố Nhật.

Riêng ở xứ Đông-Pháp đã có rất nhiều thành phố như thế, rất phồn thịnh như Faifoo, Tourane, Pnom-Penh Ponhéa-lu. Ở Bắc-kỳ, tuy cũng có làng Nhật nhưng không quan trọng gì vì người Nhật không thích hợp với khí hậu xứ ấy.

Những “chiếc tàu có dấu đỏ” mỗi lần đến Đông Pháp giao thiệp với dân bản xứ nhờ những kiều-dân Nhật ấy.

Một cuốn hình vẽ của họ Tyaya hiện giữ trong chùa Zyomyosi Nagoya, đã lưu lại cho ta một tài liệu rất quý về cách buôn bán thời ấy ở TouraneFaifoo là chỗ mà người Nhật ở nhiều hơn hết.

Trong hải cảng Tourane, chúa Nguyễn có lập một sở Thương chính để kiểm soát và mua bán các hàng hóa ngoại quốc. Mỗi lần một “chiếc tàu có dấu đỏ” đến trong hải cảng thì theo lệ, viên thuyền trưởng lên viếng viên chủ nha thương-chính ấy với một ít đồ quý làm tặng phẩm rồi viên ấy mới xuống khám xét hàng hóa. Viên ấy mua một ít bạc nén và bạc đã đúc thành tiền cũng những thứ hàng quý cho chúa Nguyễn và các đình thần. Sau khi ấy viên trưởng thuyền mới được phép đem hàng hóa xuống bờ để giao cho những nhà buôn Nhật ở Tourane Faifoo bán lại cho dân chúng. Lệ khám xét và tục tặng lễ vật cho viên chủ nha Thương chính ở Tourane không phải chỉ thi hành đối với các tàu buôn Nhật mà thôi. Tàu ngoại quốc nào cũng thế.

Cái thành phố Nhật ở phía Tây Nam hải cảng Tourane rất phồn thịnh. Thành phố ấy có cả một cái nhà thờ riêng. Tuy thế thành phố Nhật ở Faifoo vẫn lớn hơn vì Faifoo là tỉnh lỵ của xứ Quảng Nam, dân bản xứ đến đó mua bán đông đúc hơn ở Tourane nhiều lắm. Hiện bây giờ những di tích của cái thành phố Nhật ấy còn rất nhiều. Một con đường đông người qua lại nhứt ở Faifoo đặt tên là “Rue du Pont Japonais” (đường cầu Nhật) và cuối con đường ấy có một cái cầu do người Nhật xây nên. Lẽ cố nhiên cái cầu ấy không còn một tí tính cách kiến trúc Nhật nào vì người ta đã sửa lại sửa đi nhiều lần lắm. Về sự sinh hoạt trong thành phố Nhật ấy, hiện người ta còn giữ được hai tài liệu rất quý hóa: ký ức của người Anh William Adams và của cha Christofaro Bari[4], mục sư đạo Thiên Chúa.

Theo những tài liệu ấy thì vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVII, trong thành phố có 60 cái nhà của người Nhật, xây gạch lợp ngói rất chắc chắn và đẹp đẽ. Xen lẫn vào đó có vài cái nhà của các người kiều dân Trung Quốc nhưng họ không có nhà nào của người bản xứ cả vì phần nhiều họ đều có đất ruộng ở thôn quê.

Nhưng trong thời phồn thịnh, có lẽ thành phố Nhật ấy đông đảo hơn rất nhiều nữa vì những ký ức của William Adams và của viên Mục sư Christofaro Bari viết vào thời kỳ ở Nhật, trước sự lo ngại lòng tham muốn của những nước có đạo bên Âu châu, người ta đã thay đổi chính sách và phong tỏa lại tất cả các hải cảng. Chính cái cầu Nhật đã nói ở trên xây vào thời kỳ ấy. Cái cầu này bây giờ người ta đặt tên là Lai-viên-cầu nhưng trước kia tên là Nihonbasi (Nhật Bổn cầu).

Một cái đặc tính của những thành phố Nhật ấy là đều tự trị hết. Với sự bằng lòng của những nhà cầm quyền bản xứ hồi ấy, các kiều dân Nhật trong thành phố được quyền theo pháp luật và tục lệ Nhật và tự xử lấy do những tòa án họ lập ra.

Những bằng chứng về sự giúp đỡ ấy rất nhiều. Tôi chỉ cần dẫn ra đây gương của những ông Kasira (Bang trưởng Nhật) Hiranoya-Rokubei, Siomura Uhyo-e Siomura-Tahyo-e (hai người này là cha con) và Kadoya-Sichirobei. Ông sau này đã cưới một người vợ bản xứ, họ Nguyễn và ngoài những sự giúp đỡ cho gia đình vợ ông, ông lại còn dự một phần rất quan trọng trong chính trị bản xứ, và cả trong phương diện tôn giáo nữa.

Về phương diện sau này, những kiều dân Nhật theo hai tôn giáo: người thì thờ Phật, người thì sùng bái Thiên Chúa. Những người theo đạo Phật lại còn xây chùa dựng tháp rất nhiều trong tỉnh Quảng Nam. Đến ở trên tột đỉnh Chùa Non Nước (Montagnes de marbre) ở Faifoo còn có một cái bia trong ấy ghi rất nhiều tên các người Nhật đã cúng tiền giúp vào sự tô đắp lại tượng Phật thờ trên núi ấy.

Theo những tài liệu kể trên thì người ta thấy rõ rằng sự buôn bán khi xưa giữa Nhật và Trung kỳ, Nam kỳ, Cao Miên phồn thịnh lắm. Ở Bắc-kỳ thì có phần kém hơm. Tuy có các nhà buôn Nhật qua lại với xứ ấy nhưng không có làng Nhật nào thành lập ở đó cả. Sử chép rằng họ Trịnh có gởi thơ qua yêu cầu những nhà cầm quyền Nhật cho tàu bè qua buôn bán.

Những tàu Nhật có qua và đi ngược sông Hồng Hà (sông Kói) đến Hà Nội. Có vài chiếc của hội buôn Suminokira còn vào buôn đến tận tỉnh Nghệ An và có lập ở đó một hội buôn nhưng chẳng bao lâu thì họ xuống tàu về xứ hết. Năm 1619 còn có một đoàn “tàu có dấu đỏ” ghé Hanoi nữa chở những ông William Adams, Jan Josten Goenion qua mua tơ lụa rồi trở về.

Bắt đầu từ năm 1634 thì không những ở Bắc kỳ, Nam kỳ, Cao Miên mà đến ở Tourane và Faifoo, sự buôn bán của người Nhật cũng kém sút dần. Nguyên nhân vì những người Hòa Lan muốn giữ độc quyền buôn bán với các xứ miền Nam Á Đông đã viện sự nguy hiểm của lòng tham lam các nước khác ở Á Đông mà xui những nhà cầm quyền Nhật hồi ấy bế cảng lại. Không còn liên lạc với nước nhà nữa; Không có hàng bán và mua hàng không biết bán cho ai, những kiều dân Nhật cư trú ở các xứ miền Nam đành phải về xứ cả.

Một người Hòa Lan tên là Hartsink qua Bắc và Trung kỳ về hồi ấy về chép trong ký ức rằng chỉ gặp có độ mươi người Nhật còn ở lại và làm quan trong triều chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Trong những người ấy có gia đình Wada Rizaemon và gia đình người tôi tớ là Heigoro và hai người Nhật khác nguyên là người Cao ly nhập tịch tên là Ursula Nicolas Schemon Rizaemon đã có một chức rất quan trọng, ông đã làm quan đến nhị phẩm, ngang hàng với những ông Tuần Vũ và Tham Tri là chủ lĩnh và Phó Thượng thơ ở Triều đình Huế bây giờ. Ông lại còn có một cơ nghiệp rất lớn và buôn bán với nước nhà nhờ người Hòa Lan làm trung gian. Với các nước khác thì ông buôn bán trực tiếp, cho thuyền tàu mình qua lại rất thường trong các hải cảng Đông Pháp và qua tận Ấn Độ, Hòa Lan. Số tiền lưu chuyển của ông lớn lắm. Người ta đã tính rằng năm 1660, số ấy không dưới 130 ngàn phật lăng vàng mỗi năm và khi năm 1667 ông từ trần ở Bắc kỳ thì ba người con ông vẫn ở lại đó buôn bán.

Các nhà buôn Nhật khác xấu số hơn không được như thế. Những làng Nhật rất phồn thịnh ở rải rác khắp cõi Đông Pháp càng ngày càng điêu tàn vì chính sách bế cảng ở Nhật. Tuy thế, một nhà thông thái Nhật cũng kiếm đủ tài liệu để viết đến 1.500 bộ sách về các xứ miền Nam trong ấy có hai quyển viết về Đông Pháp nhan đề là “Annam Kiryaku Ko”[5], xuất bản năm 1795.

Thế rồi vật đổi sao dời, hai thế kỷ sau người Nhật lại qua nối cái dây liên lạc đã ghi vào sử sách của hai xứ. Nhưng lần này dây liên lạc nối lại sẽ chắc chắn hơn, không những vì tình cố cựu mà còn vì hiểu biết nhau hơn nên thế nào cũng vĩnh viễn.■

Oiwa Mabato (1942)

(Trích trong tạp chí NIPPON)

 

Chú thích:

[1] Bài viết này được xuất bản năm 1942 tại Sài Gòn, lúc này Đông Dương vẫn thuộc quyền cai quản của người Pháp, thời đó người ta vẫn quen gọi toàn bộ xứ Đông Dương là Đông Pháp.

[2] Abraham Duijcker là người điều hành thương điếm Hà Lan ở Faifoo (Hội An) khoảng năm 1633-1639.

[3] William Adams, người Anh, là cố vấn ngoại giao cho Shogun Tokugawa Ieyasu khoảng đầu thế kỷ XVII.

[4] Christoforo Borri, nhà truyền giáo người Ý, tác giả cuốn “Xứ Đàng Trong” miêu tả vùng đất do Chúa Nguyễn cai trị những năm đầu thế kỷ XVII.

[5] Annam Kiryaku Ko: An Nam kỷ lược cảo, tập sách này có thể coi là công trình sưu tập và khảo cứu đầu tiên và toàn diện nhất về Việt Nam ở Nhật. Có tác động lớn đến giới trí thức Nhật Bản thời Minh Trị, kích thích họ quan tâm, nghiên cứu về Việt Nam.

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN