Biển Đông, đặc biệt khu vực bờ biển miền Trung Việt Nam đã đóng vai trò đặc biệt trong hệ thống thương mại khu vực từ rất xa xưa. Tạp chí Phương Đông trích dịch phần đầu tiên nghiên cứu về các quan điểm về bờ biển Bắc và Trung Việt Nam của học giả Li Tana để làm rõ hơn chủ đề này.
Giao Chỉ Dương và vai trò then chốt của miền Trung Việt Nam
Trái với sự tin tưởng phổ quát rằng Giao Chỉ (miền Bắc Việt Nam) được nối liền với Trung Hoa bởi các hải lộ chật hẹp của Vịnh Bắc Việt, cho tới thời nhà Đường, vịnh này vẫn được né tránh khi du hành giữa Giao Chỉ và Trung Hoa bởi có đá lớn nằm ngầm dọc bờ biển. Đây là lý do tại sao Mã Viện (Ma Yuan), “Phục Ba Tướng Quân” thời nhà Hán, đã phải “mở các lối đi xuyên qua núi để “tránh biển” trong chiến dịch của ông ta chống lại Giao Chỉ hồi thế kỷ thứ nhất. Trở ngại này chỉ được khuất phục vào thế kỷ thứ chín, khi các khối đá ngầm được tháo gỡ đi dưới thời quan thái thú nhà Đường nổi tiếng, ông Gao Pian (Cao Biền trong tiếng Việt).
Các tình trạng khó khăn tại Vịnh Bắc Việt đã đem lại miền Trung Việt Nam, đặc biệt phân khu Nghệ Tĩnh ngày nay, một vai trò lịch sử quan trọng trong sự hải hành trong vùng. Con đường biển đã chạy từ phía đông đảo Hải Nam cho đến Phúc Kiến và Quảng Đông, trong khi trên đất liền một lối đi băng ngang dãy Trường Sơn nối liền vùng mà người Trung Hoa gọi là “Lục Chân Lạp (Lu Chenla) (có thể là vùng nam Lào và / hay miền Bắc Campuchia và sau đó ra tới biển, tạo nên nền móng của một con đường nổi tiếng từ thế kỷ thứ tám. Điều nổi bật, khi con đường này được vẽ trên một bản đồ, nó nối liền với Con Đường Phía Tây (Tây Lộ) lối thông hành đường trường cổ xưa nhất để đi lại giữa biển Ấn Độ và Trung Hoa; Con Đường Phía Đông (Đông Lộ), được dùng bởi các thuyền của Trung Hoa và Đông Nam Á, đã chỉ được phát triển sau này. Chính vì thế, không như con đường kể sau, Tây Lộ cổ xưa hơn được sử dụng bởi các thương nhân từ biển Ấn Độ gần như chắc chắn là một sự kết hợp các thông lộ trên biển với đất liền, với miền Trung Việt Nam là giao lộ của nó. Phía bắc miền Trung Việt Nam ngày nay và Vịnh Bắc Việt, với vùng nội địa núi đồi của chúng, trong thực tế nằm trên Tây Lộ.
Miền Trung Việt Nam cũng phục vụ như điểm tiếp cận chính yếu của Campuchia với biển Nam Hải, điều giúp để giải thích tại sao các vua Khmer đã gửi “cống phẩm” thường xuyên đến Đại Việt (19 lần) hơn đã phái đến nhà Tống Trung Hoa (5 lần). Các nhà mậu dịch sử dụng con đường này đặc biệt được đề cập đến như có gốc gác Việt Nam trong văn bia thời ban sơ của Khmer, chẳng hạn như một văn khắc năm 987 từ vùng hạ lưu sông Cửu Long. Bằng cớ rằng miền Trung Việt Nam đã phục vụ như con đường tiếp cận hải hành cho Giao Chỉ cũng có thể được tìm thấy trong câu chuyện về vua An Dương Vương hồi thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên. Bị truy đuổi bởi quân đội của Triệu Đã (Zhao Tuo), “nhà vua chạy trốn ra bờ biển và đã không thể tìm thấy tàu thuyền nào để vượt thoát”, điều đáng kể, nơi nhà vua bị thất trận là Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Miền Trung Việt Nam chính vì thế gần như chắc chắn đã là cửa ngõ cho sự hải hành địa phương – nơi mà phần lớn các thương nhân, các kẻ hành hương và các sứ giả đổ bộ đầu tiên, trước khi ngược dòng sông lên trên để đến Giao Châu (Jiaozhou), kinh đô của nó. Sự vận tải trên con lộ này có thể đã nằm trong tay của các thương nhân Nam Á và Trung Đông, trong khi sự du hành giữa Giao Châu và các khu vực phía nam sẽ được thực hiện bởi các tàu hay thuyền nhỏ hơn, một lãnh vực chuyên môn của các thủy thủ người Việt trong nghiệp vụ hải hành theo tác giả Wang Gungwu. Họ chuyên chở hàng hóa từ các con tàu lớn đến từ Nam Á và Trung Đông, lực lượng chủ yếu tham gia vào việc mậu dịch tại Biển Nam Hải cho đến thời nhà Đường.
Các liên hệ lịch sử này giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam giải thích cho một từ ngữ Trung Hoa khá rối rắm, một sự giải thích quan trọng cho sự hiểu biết của chúng ta về miền này. Trong thế kỷ thứ XIII có xuất hiện từ ngữ Giao Chỉ Dương (Jiaozhi Yang; biển Giao Chỉ), chắc hẳn phát sinh từ danh hiệu Giao Chỉ (Jiaozhi), tên gọi cổ xưa Trung Hoa để chỉ Đại Việt. Tuy nhiên, liệu từ ngữ này để chỉ Vịnh Bắc Việt hay để chỉ biển dọc bờ biển miền Trung Việt Nam chưa bao giờ được nói rõ; trong phần lớn các nguồn tài liệu, có vẻ để chỉ phần kể sau và loại bỏ phần vịnh kể trước, trong khi ở các tài liệu khác, từ ngữ bao gồm cả hai bộ phận. Trong sự mơ hồ của từ ngữ này, giờ đây, xem ra một ký ức lịch sử đã được khắc sâu, nhìn nhận sự hợp nhất của hai khu vực, bờ biển miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Mặc dù chưa hề được nói ra một cách trọn vẹn, có vẻ là khu Vịnh Bắc Việt đã phải được xem như một sự nối dài của Giao Chỉ Dương, chạy dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam và trong hàng nghìn năm đã là trục then chốt của sự lưu hành giữa Đông và Tây.
Các đoạn kế tiếp sẽ khảo sát khu mậu dịch này qua việc đặt tiêu điểm vào các kẻ mua bán nô lệ, ngựa và muối trong khu vực, kéo dài từ Vân Nam và Quảng Tây tại Trung Hoa đến xứ Chàm tại miền Trung Việt Nam ngày nay, và từ vùng núi đồi ra đến biển. Sự truy tìm này tất nhiên dẫn chúng ta đến việc khảo sát địa điểm mậu dịch hàng hải và các thương nhân Hồi Giáo trong việc tham dự và định hình lịch sử của Đại Việt, trước khi quay trở về tiêu điểm của chúng ta nhắm đến lịch sử địa phương và bản đồ dân tộc học. Bằng chứng khảo sát dưới đây cho thấy mức độ khá cao của sự lệ thuộc vào hàng hải, đặc trưng cho nền kinh tế của Đại Việt cho mãi đến thế kỷ thứ XV.
Mậu dịch cấp miền tại Giao Chỉ Dương – Mua bán nô lệ
Trong khi mọi người biết rõ rằng các thương nhân Chàm là những người mua bán nô lệ tích cực, điều hiếm khi được nói đến rằng vùng đất Đại Việt có thể là một trạm chính yếu trong công cuộc mậu dịch sinh nhiều lợi này. Như được viết trong một cuốn sách của Trung Hoa hồi thế kỷ thứ XIII về đời sống và phong tục của tỉnh Quảng Tây (Guangxi) và vùng Vịnh Bắc Việt: “Không có nhiều dân địa phương trong nước này [Đại Việt], [bởi vì] một nửa dân số là từ Quảng Đông và Quảng Tây. Các thương nhân đến miền Nam thích mua người làm gia nhân cho mình, và khi họ đến các vùng núi mọi rợ, các thương nhân sẽ trói lại và đem bán họ cho các dân chúng ở đó. Giá là hai lạng vàng mỗi người. Dân miền núi sẽ bán chúng lại cho Giao Chỉ, và giá lên thành 3 lạng vàng.
Hiếm có năm nào không có hàng trăm ngàn người bị đem bán. Giá của những kẻ có tay nghề thì gấp đôi, và cho những người biết đọc và biết viết, giá lại gấp đôi một lần nữa. Một tài liệu cùng thời khác, tập Lingwai daida của thế kỷ thứ XIII, viết về các quan hệ giữa việc mua bán vàng và nô lệ một cách rõ ràng hơn nữa: “Dân chúng tại Giao Chỉ nắm lợi thế có vàng và vì thế có khuynh hướng mua người của chúng ta [tại Quảng Tây] làm nô lệ.” Khi hai sự tường thuật này được nối vào nhau cùng với một văn bản trong nguồn tại liệu đương thời nổi tiếng, tập Zhuhanzhi, ý nghĩa của sự trích dẫn dưới đây đã nổi bật lên: “Lễ hội quan trọng nhất của xứ sở [Đại Việt] diễn ra vào ngày 15 tháng Bẩy âm lịch, khi mọi gia đình trao đổi quà tặng với nhau. Các quan chức hiến tặng các nô lệ (shengkou) lên nhà vua, nhà vua sẽ ban yến tiệc cho các quan chức vào ngày 16 để đáp tạ.” Các quan chức vào lúc đó hẳn phải xem các nô lệ như các quà tặng rất quý giá, và họ biết rằng họ sẽ được tưởng thưởng vì [cống hiến] các người nô lệ này.
Biên niên sử Việt Nam có ghi thêm một mẩu bằng cớ khác về vai trò quan trọng của các nô lệ này trong thời nhà Lý (1009-1225), bổ túc cho sử sách Trung Hoa đương đại đã được trích dẫn bên trên. Theo bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, các ma thuật của một nô lệ gốc nước Đại Lý (Vân Nam) đã được sử dụng trong một âm mưu tại triều đình năm 1096 bởi chủ nhân, kẻ có ý định giết hại Hoàng Đế Lý Nhân Tông. Sự tường thuật này phù hợp với bằng cớ của Trung Hoa rằng các người có kỹ năng được đánh giá cao và rằng các nô lệ đến từ phương Bắc.
Hiện tượng mua bán nô lệ giải thích sự liên lạc thường xuyên giữa nhà Tống Trung Hoa và nhà Lý nước Đại Việt về việc đột kích và giao hoàn dân chúng. Chắc chắn là sự thiếu hụt nhân lực tại Đại Việt đã đóng một vai trò trong sự vụ này – và nhiều nô lệ Trung Hoa đã trở thành binh sĩ trong quân đội Việt Nam – nhưng nhiều người khác hẳn đã bị bán lại cho các thương nhân ngoại quốc hay lui tới Đại Việt, và kết thúc tại những nơi chẳng hạn như xứ Chàm. Các nô lệ đã là một trong các món hàng quan trọng được chuyển vận bởi các tàu biển Nam Hải (Nanhai po) được sở hữu bởi các thương nhân nước ngoài, những người đôi khi đã mang người da màu sậm được biết là các nô lệ vùng Côn Lôn [Kunlun nu: Côn Lôn nô] vào nước Trung Hoa như loại hàng hiếm có, nhưng cũng là những người đã xuất cảng các nô lệ từ đó.
Một mẩu bằng cớ về sự buôn người như thế là vua Fan Wen (Phạm Văn) (trị vì từ 331-349) của nước Lâm Ấp, một thể chế được nhìn như tiền thân của xứ mà sau này được gọi là xứ Chàm. Theo một tài liệu Trung Hoa cổ điển quan trọng, quyển Shujing zhu, Phạm Văn gốc gác từ Dương Châu (Yangzhou), thuộc Châu Thổ sông Dương Tử và đã bị bắt cóc làm nô lệ từ khi còn nhỏ. Ông bị đem bán sang Giao Châu và sau đó được mua bởi một số thương nhân người Chàm mua bán ở đó, và sau cùng dừng chân tại Lâm Ấp. Với thời gian, ông trở thành tể tướng, và sau cùng là quốc Vương của xứ sở đó. Phần lớn các sách vở trước đây có đề cập đến gốc tích Trung Hoa của Phạm Văn nhưng bỏ sót chi tiết nói rằng ông, tiên khởi, bị đem bán cho Giao Châu, trước khi được chở đến xứ Chàm, nhiều phần đã nhìn việc này có tính chất ngẫu nhiên. Tuy nhiên, khi đặt vào bối cảnh lịch sử được phác họa ở trên, nó cho thấy rằng việc mua bán nô lệ là một tập tục xưa hàng nhiều thế kỷ tại khu vực này, rằng nó có liên hệ đến cả các thương nhân Trung Hoa lẫn nước ngoài và rằng Giao Châu ít nhất đã là một đoạn đường, nếu không phải là một thị trường quan yếu trong sự mua bán này.
Điều đáng xét đoán trong bối cảnh này là sự giàu có hiển nhiên của Đại Việt trong thế kỷ thứ mười hai đã liên hệ đến mức độ nào với sự mua bán nô lệ. Thí dụ, theo đây là danh sách cống phẩm của nước này dâng cho triều đình Nam Tống trong năm 1156: “Cống phẩm cực kỳ phong phú và tất cả mọi nét chữ trong lá thư đều được viết bằng vàng. Các phẩm vật bằng vàng cân nặng 1200 lạng, phân nửa chúng được tô điểm bằng trân châu hay ngọc quý; 100 viên trân châu đựng trong các bình bằng vàng, trong đó có 3 viên to như quả cà, sáu viên to như hột mít, 24 viên to như hạt quả đào, 17 viên to như mọng dừa, và 50 viên to như hột chà là, tổng cộng là 100; 1000 cân Mã Lai [catties = 600 gram, chú của người dịch] gỗ trầm hương, 50 lông chim bói cá; 850 cuộn gấm chỉ vàng hình con rồng, sáu con ngựa dành cho hoàng triều với đầy đủ yên ngựa, ngoài số cống thường lệ là tám con ngựa và năm con voi. Các sứ giả hoàn toàn hãnh diện về việc có thể dâng các cống phẩm dồi dào đến như thế.” Cần nói thêm ít lời về kích thước của các ngọc trai được nêu ở trên. Mặc dù khu vực dọc theo bờ biển Quảng Tây (quận Hợp Phố: Hepu) và Vịnh Bắc Việt nổi tiếng về việc sản xuất ra ngọc trai, trân châu nơi đây không được tin là tốt hay to như trân châu từ Ấn Độ. 50 viên trân châu lớn được liệt kê bên trên chính vì thế có thể có nguồn gốc từ sự mua bán của Đại Việt với vùng Nam Á; nếu đúng như thế, việc này ám chỉ mức độ theo đó sự giàu có đã được trao đổi giữa hai miền. Tổng quát, bằng cớ rải rác như bằng chứng này ám chỉ rằng mức giàu có của Đại Việt triều Lý và đầu nhà Trần có lẽ khá đáng kể.
Mậu dịch cấp miền tại Giao Chỉ Dương – Ngựa từ Vân Nam và muối từ biển
Một sản phẩm trao đổi khác tại Đại Việt thời nhà Lý là các con ngựa. Ngựa là một trong những sản phẩm quan trọng nhất mà người Chàm có được từ Việt Nam. Quyển Song huiyao chép rằng người Chàm di chuyển “trên những con voi hay các võng kiệu làm bằng vải bông, còn các người khác cười ngựa được mua bán từ Giao Châu”. Tài liệu thời nhà Minh, Dongxi yangkao, cũng xác nhận rằng “trong suốt thời nhà Tống, người Chàm thường mua ngựa từ Giao Chỉ, vì thế, Giao Chỉ có các đuôi ngựa như một thổ sản của nó”. Tuy nhiên, ngựa không được nuôi dưỡng tại địa phương Giao Chỉ; chúng được mua từ các người Mán (một từ ngữ để chỉ “kẻ man rợ được dùng bởi người Trung Hoa và Việt Nam) tại khu vực biên giới Vân Nam và Quảng Tây ngày nay. Các nguồn tài liệu Việt Nam chỉ rõ các địa phương nơi ngựa có thể mua bán. Thí dụ, trong năm 1012, khi các người Mán đến các khu vực Kim Hoa và Vị Long để mua bán, Hoàng Đế Lý Thái Tổ đã ra lệnh rằng “họ và hơn 10.000 con ngựa của họ phải bị bắt giữ”. Trong các cuộc đột kích như thế, đôi khi được chỉ huy bởi chính các nhà vua cầm quyền của nước Việt, các con ngựa là một trong các sản phẩm được truy lùng nhiều nhất. Quyển Việt Sử Lược hồi thế kỷ thứ mười ba ghi chép rằng trong năm 1008, Hoàng Đế Lê Ngọa Triều “thân chinh cầm đầu một cuộc đột kích vào hai huyện Đô Lang [Lương] và Vị Long, bắt giữ người Mán và vài trăm con ngựa”. Trong cả hai trường hợp, khu vực Vị Long hiện ra từ sử sách như một nguồn trọng yếu [cung cấp] ngựa cho Đại Việt. Điều này xem ra để giải thích, ít nhất một phần, lý do tại sao trong nhiều thế kỷ triều đình nhà Lý đã hướng mắt nhìn bén nhậy đến khu vực và đã gả nhiều công chúa cho thổ tù địa phương, gia tộc họ Hà (He, trong chữ Hán).
Sản phẩm thông thường nhất mà người Việt trao đổi lấy ngựa là muối. Quyển Lingwai daida ghi chép rằng “người Fan [Phan?] một từ ngữ khác để gọi các kẻ man rợ bán ngựa cho chính quyền hàng năm để đổi lấy các sản vật, muối và trâu bò; nếu không làm được như thế, họ sẽ ngăn cản các đường ngựa đi qua”. Một cách đáng lưu ý, người Việt đã không nhất thiết sản xuất ra mưối mà họ đã trao đổi lấy ngựa. Quyển Việt Sử Lược cho thấy rằng mãi cho đến năm 1206, phần lớn khu duyên hải bị cai trị bởi các hùng trưởng địa phương; thí dụ, hai khu sản xuất muối quan trọng là Đằng Châu và Khoái Châu (tại tỉnh Hưng Yên ngày nay) nằm dưới quyền của hai sứ quân hơn là dưới quyền kiểm soát của các hoàng đế nhà Lý. Như tác giả John Whitmore đã vạch ra, bức rào cản giữa miền hạ Đại Việt và thượng Đại Việt chỉ được gỡ bỏ trong thập niên 1220 như là kết quả của một nỗ lực chung giữa nhà Lý và những người kế nhiệm họ tức triều đại nhà Trần (1225-1400), và đó chính là lần đầu tiên trong lịch sử mà hai miền thực sự nối liền với nhau.
Từ quan điểm này, việc trao đổi ngựa tạo thành một trong các mối liên kết then chốt trong sợi dây chuyền mậu dịch vùng núi – vùng biển của miền này và đã là một thành tố quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ trong bối cảnh này người ta mới có thể hiểu được, thí dụ, tại sao xứ Nam Chiếu, và các con đường dẫn đến nơi đó, là mối bận tâm của các nhà cai trị Việt Nam đương thời cũng như của Trung Hoa; và làm sao mà một vương quốc có vẻ quá xa xôi với người Việt Nam hiện đại lại có thể xâm lăng vào kinh đô Việt Nam bốn lần (trong các năm 846, 860, 862 và 863) và đã chiếm giữ nó trong hai năm (863-865). Các con ngựa trong thực tế chính là lý do mà các hùng trưởng địa phương lôi cuốn xứ Nam Chiếu hùng mạnh sang xâm lăng lãnh địa của họ, sau khi Li Zhuo, viên Thái thú Trung Hoa tại vùng khi đó nhà Đường gọi là An Nam Đô Hộ Phủ, đã cưỡng hành một giá thấp phi lý trong tỷ lệ trao đổi giữa muối và ngựa. Xa hơn, cũng có thể lập luận rằng chính cùng các cuộc xâm lăng của Nam Chiếu này đã làm suy yếu rất nhiều sự thống trị của nhà Đường tại vùng đất bảo hộ và chính vì thế đã mở đường cho sự độc lập của dân Việt trong năm 939. Ngay trong thế kỷ thứ XII, Vân Nam hãy còn đóng giữ một vai trò quan trọng trong chính trị Việt Nam, khi hoàng gia nước Đại Lý có thừa nhận một vị hoàng tử hạ sinh bởi một nàng phi của vua Lý Nhân Tông, ban cho hoàng tử này quốc tính (Zhao: Triệu?), và trợ giúp ông các đội quân khi ông hoàng này mưu toan tuyên nhận ngai vàng sau khi có sự từ trần của vua cha.
Tất cả các thí dụ trên đây tiêu biểu cho các tính chất chính yếu của Giao Chỉ như một hải cảng quốc tế. Như đã ghi nận ở trên, Giao Châu và Quảng Châu đều nổi tiếng như các trung tâm mậu dịch từ thời nhà Đường, nhưng hai nơi khác biệt ra sao thì chưa bao giờ được nêu rõ ra, hay ít nhất, được nói ra một cách rõ rệt. Giờ đây, có vẻ là trong khi Quảng Châu đã tiếp nhận phần lớn khối lượng mậu dịch của nó bằng đường biển, Giao Châu tự xác định nghiêng về mậu dịch miền núi và trên đất liền nhiều hơn, xuyên qua các sự liên kết của nó với các miền Khmer, Chàm, Lào và Vân Nam. Các sự nối kết này đã trở nên dễ dàng hơn bởi các mối tương thông sông – biển của nó, trong đó miền trung Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng. Kết quả, các sản vật nhờ đó Giao Chỉ trở nên nổi tiếng trong suốt nhiều thế kỷ phần lớn lại không phải là các sản phẩm chính địa phương mình, như được nhấn mạnh bởi nội dung của một danh sách “cống phẩm” từ Ngưu Hống (chung quanh vùng ngày nay là Yên Châu, tỉnh Sơn La) và Ai Lao (một địa điểm thuộc Lào ngày nay) lên Đại Việt trong năm 1067: “vàng, bạc, hương liệu, sừng tê giác và ngà voi”.■
Ngô Bắc dịch
(Theo Tạp chí Phương Đông)