Ngoại thương với Đại Việt

LTS: Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 14, sau khi thành lập Nhà nước Đại Việt, hoạt động mậu dịch của Đại Việt và kinh đô Thăng Long (Hà Nội ngày nay) có nhiều điểm tương tự như các cách thức của Angkor và Pagan. Song, Đại Việt cảm nhận được tác động của công cuộc mậu dịch của Trung Hoa sớm hơn và trong một đường hướng mạnh mẽ hơn nhiều so với các nước láng giềng phía tây. Công cuộc mậu dịch của nhà Tống đã dẫn đến một sự chuyển đổi quan trọng tại quốc gia Việt Nam và đánh dấu sự khởi đầu cho những thay đổi văn hóa quan trọng trong xã hội Việt Nam. Tạp chí Phương Đông dịch và trích đăng khảo luận “Sự trỗi dậy của miền duyên hải: Mậu dịch, Nhà nước và Văn hóa thời ban sơ của Đại Việt” của tác giả John K. Whitmore, Đại học Michigan, Hoa Kỳ.

Bài viết bắt đầu với một cái nhìn về cách thức hình thành Nhà nước Đại Việt trong các thế kỷ thứ 10 và 11.  Sau đó sẽ xem xét sự thay đổi về kinh tế và vai trò của hoạt động mậu dịch sau khi Đai Việt được thành lập, trong các thế kỷ thứ 12 và 13.  Kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu về tác động của những sự thay đổi kinh tế và của hoạt động mậu dịch trong thế kỷ thứ 13 đối với chính trị và văn hóa của Đại Việt, đặc biệt là sự kiểm soát từ duyên hải của triều đại nhà Trần dựa trên sự phát triển thương mại.

Sự thành lập nước Đại Việt 

Tiếp theo sau sự tan vỡ của triều đại nhà Đường bên Trung Hoa và sự xuất hiện của các quyền lực địa phương trong suốt thế kỷ thứ mười và bước sang thế kỷ thứ mười một, đã có sự thành hình tiệm tiến một quyền lực chính trị lớn mạnh sẽ được mệnh danh là Đại Việt.  Khảo hướng của tôi ở đây là khảo hướng của mô hình một vũ trụ quan (mandala) thu nhỏ, cho thấy làm thế nào mà một loạt các quyền lực địa phương tranh chấp nhau tiến đến việc nhìn nhận một trong các quyền lực đó như là kẻ thống trị và trở thành một phần của mạng lưới chính trị đang phát triển của nó. Việc nghiên cứu các quốc gia cổ điển của Đông Nam Á luôn luôn là một nỗ lực để giải đáp cho câu hỏi: Làm thế nào mà một quyền lực trung ương có thể cấu thành từ các vùng khác biệt mà nó đã xúc tiến để thâu tóm.  Chính vì thế, bất kỳ sự nghiên cứu nào như thế cần am hiểu về các vùng địa phương này trước khi thảo luận về kinh đô và quyền lực của nó.  Tại Việt Nam, quyền lực của triều đại nhà Đường đã hạn chế các khát vọng của địa phương trong gần ba thế kỷ, không cho phép các quyền lực cấp miền trổi dậy và tranh giành quyền kiểm soát.  Một khi căn cứ phương bắc hùng mạnh này bị tan vỡ vào khoảng thế kỷ thứ mười, các quyền lực địa phương như thế bắt đầu xuất hiện, và nơi chúng, chúng ta có thể nhìn thấy mô thức của quyền lực vào lúc khởi đầu của Đại Việt.

Một cách cụ thể, chính giai đoạn “Thập Nhị Sứ Quân” hồi giữa thế kỷ thứ mười đã ấn định mô thức này.  Theo nghiên cứu của Sakhurai Yumio, Trần Quốc Vượng và K. W. Taylor, chúng ta có thể nhìn mô thức đó như sau. Một cách tổng quát, sự tổ chức của nhà Đường nơi mà giờ đây chúng ta gọi là miền Bắc Việt Nam phản ảnh chủ nghĩa cấp miền trong đó các quyền lực chính trị địa phương hoạt động.  Ngược dòng về hướng sông Hồng bắt nguồn từ các ngọn núi của phần ngày nay thuộc Vân Nam chính là châu Phong; miền này, nơi nền nông nghiệp và sự định cư vốn được thiết lập từ lâu trên các khoảng đất trũng và các con đê tự nhiên dọc theo dòng sông, đã chứng kiến một sự pha trộn sâu đậm các sắc dân Tai và Việt Nam nguyên bị phân tách trong suốt các cuộc chiến tranh vì muối với nước Nam Chiếu (Nanzhao) trong thập niên 860. Xuôi dòng, tại phía trên của Châu Thổ Sông Hồng, là châu Giao, nơi các ngọn đồi mọc lên và các con đê tự nhiên của các con sông chuyển hướng. Nơi đây tọa lạc khối đông dân cư Việt Nam, một cơ sở Phật Giáo lớn rộng và thành Đại La, thủ phủ cũ của tỉnh nằm dưới sự cai trị của Trung Hoa. Xuôi dòng sâu xuống nữa, về hướng Đông và Đông Nam, là đồng bằng thấp hơn ở ven bờ châu Giao và chưa được định danh dưới thời nhà Đường, bởi nơi này là đầm lầy và thường bị ngập nước thủy triều, khiến cho mật độ dân cư thưa thớt.  Đất Trường [sic Yên] bao gồm viền phía nam của đồng bằng và các khu vực núi đồi xa hơn đồng bằng. Các châu Ái, Diên, và Hoan trải dài xuống phía nam dọc theo bờ biển (các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh ngày nay) với các thung lũng thuộc các con sông ngắn của chúng.

Bản đồ Việt Nam Thời Thập Nhị Sứ Quân

Như thế, đâu là khuôn mẫu của quyền lực địa phương nằm trong khuôn khổ của tình trạng khắp miền rộng lớn này. Địa điểm của mỗi quyền lực địa phương quan trọng (“Các Sứ Quân”) được thể hiện trong bản đồ của tác giả Taylor. Ngược dòng, châu Phong được kiểm soát bởi gia tộc họ Kiều trên các khoảng đất bằng và các vùng đất thấp kế cận, là những người đã nắm giữ vững chắc quyền lực của mình trước các sứ quân vùng hạ lưu. Hai trong các sứ quân là hai anh em họ Kiều chiếm cứ phần đất thượng lưu này. Châu Giao tại phần trung lưu con sông có đến bảy sứ quân tọa lạc tại các núi đồi vươn cao và các con đê tự nhiên vươn xa hết mức có thể về hướng đông. Đây từng là căn cứ quyền lực ban sơ cho gia tộc họ Ngô trong cuộc kháng chiến chống lại những sự đe dọa từ phương bắc sau khi sự kiểm soát của nhà Đường sụp đổ. Vào khoảng giữa thế kỷ, năm Sứ Quân lãnh đạo các địa phương rải rác khắp châu Giao, hai Sứ Quân khác cát cứ vùng ven châu này. Một trong hai Sứ Quân này ngược dòng lên tới châu Phong, một người anh em của hai trong năm sứ quân thuộc vùng trung tâm châu Giao; ba người có gốc tích từ một gia tộc Đường-Việt lâu đời. Một sứ quân khác, chiếm cứ đầu các lạch nước thủy triều bên bờ thấp hơn của phần trung lưu dòng sông, đối diện với vùng sâu hơn, hoang vu hơn của đồng bằng; gia tộc họ Phạm này xem ra đã kiểm soát và bảo vệ điểm giao liên giữa các khu vực trung và hạ lưu của đồng bằng. Trong vùng đồng bằng hạ lưu chưa được đặt tên và khu duyên hải, chỉ có một Sứ Quân, Trần Lãm, một người có gốc gác ở Quảng Châu, Trung Hoa. Căn cứ của ông ở Bố Hải, một cảng biển. (Tầm quan trọng của ông ở thời điểm này có thể đã được nâng cao trong sử sách triều Trần sau này như một tiền thân báo trước cho những sự phát triển sẽ xảy đến của nhà Trần và vùng duyên hải). Tại vùng ven biên phía nam của châu Giao là đất Trường, địa điểm không thuộc sứ quân xác định nào nhưng là quê hương của Đinh Bộ Lĩnh, người sẽ đánh bại các Sứ Quân và được sử sách nhà Triệu coi như vị “Hoàng Đế [Việt Nam] Đầu Tiên”, với sự trợ giúp của Trần Lãm. Về phía tây là các lực lượng tranh chấp ngược dòng xa hơn tại các đồi núi sau rốt được hỗ trợ bởi Nam Chiếu. Xa hơn về phía nam, các châu Ái, Diễn và Hoan tạo ra các khu vực vòng ngoài của vương quốc Việt, đều là vùng ven biển và đều bị tranh chấp bởi lãnh địa kề cận ở phương nam, xứ Chàm. Ở phía bắc, nơi vùng đồi núi, tọa lạc một lãnh địa tiềm ẩn khác – đây là lãnh địa của người Tai – sẽ tranh chấp khu vực này với cả Đại Việt lẫn nhà Tống Trung Hoa.

Vương quốc Đại Việt đã xuất hiện từ miền hỗn độn này sau những năm 960 trong thế kỷ này. Các nhà lãnh đạo đầu tiên trong thế kỷ thứ mười là Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, và sau hết là ba vị vua hùng mạnh của triều Lý – “triều đại” Việt Nam thành công đầu tiên ở nước Đại Việt được thành lập trong thế kỷ thứ mười một từ các miền đất này, đã phản công Nam Chiếu ở phía tây, thiết lập sự kiểm soát với vùng ven phía nam bằng việc đánh bại xứ Chàm, và đè bẹp mưu toan của người Tầy đòi tự trị ở phía bắc. Các gia tộc họ Đinh và Lê đặt căn cứ tại Hoa Lư, nơi các đồi núi phía nam của đất Trường. Lý Công Uẩn (Hoàng Đế Lý Thái Tổ trong tương lai), hoạt động ở châu Giao, vùng lõi cốt của đồng bằng trung lưu, đã di chuyển căn cứ của ông từ Hoa Lư ra thủ phủ cũ của nhà Đường (mà ông đặt lại tên là Thăng Long) và hành động để tập hợp các địa phương của đồng bằng vào vương quốc của ông. Họ Đinh, thông qua hôn phối, vốn đã sẵn khởi sự việc liên kết các miền với nhau, với hoàng tộc cũ của nhà Ngô ở đất Giao và, hơn nữa, ông đã kết nạp cả các gia tộc họ Phạm và họ Trần ở vùng hạ lưu và vùng ven biển của đất Giao. Lê Hoàn đã đánh bại nỗ lực của nhà Tống nhằm đặt lãnh thổ trở về đế quốc Trung Hoa và đã đẩy lui quân Chàm (liên minh với họ Ngô) ở phía Nam.

Lãnh thổ Đại Việt khoảng năm 1100 dưới thời nhà Lý

Tác giả James Anderson đã trình bày cho chúng ta sự phát triển đầu tiên của mậu dịch duyên hải trong thời kỳ hậu Đường. Trải dài từ miền đông nam Trung Hoa xuống dọc bờ biển của nước Đại Việt đang trổi dậy tiến đến xứ Chàm và tập trung ở Qinzhou [Khâm Châu?], tỉnh Quảng Tây, công cuộc mậu dịch này liên quan đến một loạt các dân tộc địa phương hầu như bất chấp các quyền lực chính trị đang xuất hiện ở thời đại đó. Các nhóm chủng tộc khác biệt đã tương tác và trở nên dính líu như Đế Quốc nhà Tống mới, và bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến mậu dịch quốc tế. Với sự tăng trưởng của công cuộc mậu dịch này, giới lãnh đạo ở Hoa Lư đã hành động để khai thông hoạt động duyên hải gia tăng này (viện chứng Đinh Bộ Lĩnh và Trần Lãm) cùng sự giàu có của nó và để cải thiện sự giao thông với bờ biển, đặc biệt tại Thanh Hóa và Nghệ An ở phía Nam. Lê Hoàn đã đưa các con trai của ông đi cai quản các miền khác nhau, kể cả miền hạ lưu đồng bằng.

Ba nhà cai trị vĩ đại của nhà Lý (có các thời trị vì trải dài từ 1009 đến 1072) đã thiết lập nước Đại Việt ở vùng thượng lưu đồng bằng, nhào nặn hai châu Giao và Phong với nhau thông qua vũ lực và hôn nhân, và đã tập trung tại phần trung lưu của dòng sông, gạt vùng duyên hải ra phía sau. Theo cách nói của tác giả James Anderson, họ có vẻ như quay trở lui khỏi mối liên kết trước đây giữa Hoa Lư và duyên hải, và hướng về các tương quan mậu dịch trên đất liền và với vùng núi. Tâm điểm trong thành quả của triều Lý là cộng đồng Phật Giáo, với nhiều ngôi chùa khắp châu Giao. Các vị vua nhà Lý đã tích cực hỗ trợ và thực hiện việc xây dựng các cơ sở tôn giáo này, sửa sang các chùa cũ và cho xây cất các chùa mới. Tượng và chuông được cúng hiến, và các nhà sư được khích lệ. Các nhà lãnh đạo này cũng theo đuổi sự liên kết giữa việc thờ cúng thần linh địa phương với các đền chùa Phật Giáo và với chính họ như là các vị thần bảo hộ. Dần dà, xuyên suốt thế kỷ thứ 11, vua nhà Lý đã tôi luyện nước Đại Việt từ các miền khác nhau trên căn bản các truyền thống của vùng thượng lưu đồng bằng và đã tự củng cố một cách vững chãi trước các quyền lực địa phương. Lề cắt máu tuyên thệ trung thành và sự thờ phụng của hoàng gia [dành cho Đế Thích (Indra) chẳng hạn, đã chiếm giữ vai trò trọng yếu trong chế độ quân chủ nhà Lý. Vào khoảng thập niên 1070, nước Đại Việt đã có khả năng vừa đưa một thiếu niên lên ngai vàng vốn đã được củng cố rất vững chắc, vừa đẩy lui được một cuộc tấn công của nhà Tống.

Miền đông – thuộc hạ lưu, vùng đồng bằng phía dưới, vùng duyên hải – đã thích nghi với chế độ nhà Lý như thế nào và bằng cách nào? Có vẻ nó không có tầm quan trọng vô cùng lớn lao và có thể thuộc một chủng tộc nào khác. Song các nhà lãnh đạo triều Lý sau cùng đã thiết lập một số các cơ sở vòng ngoài của triều đình (“hành cung: travel palaces” [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch]) ở phía Đông và phía Nam kinh đô Thăng Long, xâm nhập sâu hơn vào vùng đồng bằng. Tác giả Momoki Shiro đã mô tả cách thức các quần thể này được đặt dọc các thủy lộ và được xây dựng xung quanh các chùa Phật Giáo (thường nằm trên các ngọn đồi nhỏ), với các nhà ở của hoàng gia, các nhà kho và các trung tâm sản xuất (thí dụ, ngói lợp mái nhà).  Các địa điểm này vừa tạo thành các căn cứ địa phương cho các hoạt động của triều đình, vừa là các trung tâm cho việc mua bán tại khu vực tiếp giáp. Được bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ mười một, chúng có vẻ đã phát triển mạnh mẽ hơn trong thế kỷ thứ mười hai. Các cuộc rước lễ của hoàng triều đến các địa điểm này sẽ mang sự hiện diện của nhà Lý đến các miền vượt quá sự kiểm soát trực tiếp của ngai vàng.  Nhà lãnh đạo thứ hai của triều Lý đã hai lần du hành đến một cửa sông và cử hành ở đó một nghi lễ cầy ruộng [tịch điền]; người kế nhiệm vua đã du hành đến miền bờ biển nhiều lần. Một cách thú vị, các hành vi của nhà vua thứ hai có liên quan đến nghi lễ đi liền với giới văn nhân trí thức kiểu Trung Hoa, và vị vua thứ ba có cả một sự tiếp xúc với vùng duyên hải nhiều hơn lẫn một sự quan tâm lớn hơn đến đúng một nền học thuật kiểu Trung Hoa như thế. Một cấu hình liên kết văn nhân trí thức/duyên hải như thế sẽ bùng nổ trong các thế kỷ sau này. Tuy nhiên, một cách tổng quát, Đại Việt triều Lý – giống như ở Angkor hay Pagan – đã chú tâm đến phần thượng lưu, trung lưu trong lãnh thổ của nó, và ít để ý đến phần duyên hải đồng bằng hạ lưu phía dưới dòng sông.

Mậu Dịch và Sự Thay Đổi Kinh Tế

Khi hình thức chính trị mới của Đại Việt xuất hiện từ khoảng giữa thế kỷ thứ mười một, những sự thay đổi kinh tế diễn ra tùy thuộc vào cơ cấu quyền lực đang phát triển. Những thay đổi quan trọng xảy ra trước tiên tại và quanh vùng hạt nhân bao bọc kinh đô Thăng Long. Vùng đất thấp trung lưu dòng sông này giống như các khu vực tương tự tại Angkor hay Pagan và liên quan đến sự phát triển cơ cấu của các ngôi chùa quan trọng tại địa phương. Miền thứ hai thay đổi kinh tế là vùng hạ lưu con sông và dọc theo bờ biển, được liên kết một cách chặt chẽ với sự gia tăng đột nhiên của mậu dịch quốc tế phát sinh từ Trung Hoa nhà Tống trong thời đại đó. Giai đoạn đầu tiên của sự tăng trưởng kinh tế này vẫn chưa được khảo sát một cách cặn kẽ — theo sự hiểu biết của tôi – và tôi chỉ có thể xin đưa ra, bằng phép loại suy (analogy), những gì có thể gần giống như thế. Bằng việc áp dụng học thuật về sự thay đổi kinh tế của các đế quốc lục địa quan trọng khác trong vùng ngày nay là Campuchia và Miến Điện, chúng ta có thể có được một sự nhận thức về cách thức phát triển của Đại Việt vào cùng lúc đó. Điểm then chốt là các ngôi chùa nằm ở tâm điểm của sự tăng trưởng này.

Chưa có các nghiên cứu về hiện tượng này cho khu vực trung lưu sông Hồng, hạt nhân của sự phát triển nguyên thủy của nước Đại Việt.  Chúng ta biết được từ các biên niên sử rằng nửa đầu thế kỷ thứ mười một, đặc biệt trong các thập niên ban đầu của triều Lý, đã chứng kiến việc xây dựng nhiều ngôi chùa Phật Giáo mới. Thí dụ, vào khoảng năm 1030, người ta nói rằng “gần 1000” ngôi chùa đã được dựng lên trong những năm trị vì đầu tiên của vị vua thứ hai của nhà Lý.  Một ấn phẩm gần đây có liệt kê và chụp ảnh sự tồn tại hiện nay của 38 ngôi chùa ban sơ như thế, chủ yếu tại khu vực nội địa, vùng trung lưu. Mặc dù một số khía cạnh chính trị, văn hóa và tôn giáo của các ngôi chùa này đã được thảo luận, nhưng có vẻ khía cạnh kinh tế của chúng vẫn chưa được nói tới. Cho đến khi có các nghiên cứu như thế, chúng ta chỉ có thể nhìn vào các trung tâm trên đất liền khác để có ý tưởng khả dĩ.  Tác giả Victor Lieberman, trong cuộc thảo luận gần đây của ông về “các quốc gia sáng lập” (charter states), đã coi mạng lưới các ngôi chùa như một phần tử then chốt trong việc mở rộng nông nghiệp và từ đó sang kinh tế, gia tăng “một cách ngoạn mục về tính chất phức tạp của cách thức tổ chức và về số lượng”.  Trong tiến trình, các mạng lưới này phục vụ ba chức năng chính yếu.  Trước tiên, chúng tập trung và phân phối các nguồn tài nguyên, đất đai, gia súc và hạt giống.  Thứ nhì, chúng cũng tập họp lại các cá nhân tài giỏi và các kỹ năng của họ như các học giả, nghệ nhân, và kỹ thuật gia. Thứ ba, chúng phát triển hạ tầng cơ sơ cho việc khai khẩn các vùng đất mới để sản xuất. Từ sự ổn định và thịnh vượng phát sinh từ hệ thống này dẫn đến mật độ gia tăng trong dân chúng và sự tăng trưởng kinh tế.  Trong khuôn khổ sự tăng trưởng về của cải và giới khách hàng bảo trợ, nhu cầu và công cuộc mậu dịch được nâng cao.  Vì thế, thông qua phép loại suy, chúng ta có thể giả thiết rằng sự tăng trưởng các quần thể nhà chùa tại khu vực trung lưu của sông Hồng có ý nghĩa mang lại sự ổn định chính trị nhiều hơn cho chế độ nhà Lý, có nhiều đất đai hơn để canh tác, có sản lượng gạo nhiều hơn, nhiều người hơn liên quan đến nền kinh tế trung ương và một nhu cầu về hàng hóa tăng cao.

Khi sự phát triển kinh tế này xảy ra tại khu vực trung tâm nơi vùng trung lưu con sông từ khoảng giữa thế kỷ thứ mười một, nó hẳn có tác động lên các khu vực xung quanh, đặc biệt là các khu vực xa hơn về phía thượng lưu và hạ lưu.  Dân số tăng lên, sự trao đổi kinh tế và nhu cầu – tức là các lực lượng thị trường – tại các vùng đất thấp thuộc trung ương sẽ vươn tới vùng núi đồi bởi hàng hóa sẽ được tìm thấy ở nơi đó, muối của duyên hải được trao đổi lấy ngựa vùng cao nguyên là một sự trao đổi cụ thể. Chắc chắn không có sự tình cờ ngẫu nhiên rằng vào thời kỳ này Đại Việt đã liên kết với nhà Tống để đập nát mưu toan đòi tự trị tại vùng thượng du của sắc dân Nùng. Cùng lúc, như tại Angkor và Pagan, khu vực trung lưu được nối kết, xuyên qua khu vực hạ lưu, với thông lộ quốc tế quan trọng chạy theo trục đông-tây để thu hút hàng hóa ngược dòng từ bờ biển lên.

Xuyên suốt các thế kỷ thứ mười một và mười hai, đặc biệt với việc nhà Tống di chuyển kinh đô xuống phía nam vào năm 1126, đã có một sự can dự sâu sắc của các thương nhân Trung Hoa vào công cuộc mậu dịch quốc tế này. Khi cao trào mậu dịch nhà Tống vươn tới dọc khu vực duyên hải của Đại Việt, nó tương tác một cách mạnh mẽ với các lực lượng kinh tế nội địa tại khu vực trung lưu, đồng thời mang lại một sự kích thích mạnh mẽ hơn trên miền thượng lưu vì các hàng hóa vùng thượng lưu được ưa chuộng một cách nồng nhiệt. Trào lưu này nâng cao sự tăng trưởng, sự thịnh vượng và của cải của vùng hạt nhân nước Đại Việt và sự kiểm soát chính trị của triều đại nhà Lý.  Song cùng lúc, các lực lượng kinh tế này, cả trong nội địa hay trên bình diện quốc tế, đã dẫn đến những thay đổi quan trọng tại khu vực duyên hải, miền hạ lưu nước Đại Việt vốn chỉ được kiểm soát một cách lỏng lẻo. Một cách mạnh dạn hơn, tôi sẽ giả định rằng vùng đất hạ lưu, tương đối cởi mở trong mô hình Đại Việt này đã trở thành một khu vực tương tác đa văn hóa và phát triển kinh tế.  Các cư dân từ các tỉnh miền duyên hải đông nam nước Trung Hoa đổ xuống khu vực này và đã góp phần biến đổi nó về mặt kinh tế, văn hóa và chính trị. Cùng với trào lưu xuôi ngược thung lũng sông Hồng băng ngang khu vực này, cũng xuất hiện điều mà chúng ta có thể gọi là sự phát triển kỹ nghệ, việc sản xuất các sản phẩm cho cả tiêu thụ địa phương lẫn cho mậu dịch vùng thượng lưu và dọc theo các thông lộ quốc tế.

Vùng hạ lưu Đại Việt nằm ven bờ của một biển vô định hình, Giao Chỉ Dương (Jiaozhi Ocean) ở một vị trí trung gian dọc theo thủy lộ mậu dịch quốc tế, như tác giả Li Tana đã vạch ra đâu đó trong cùng tạp chí này. “Đại dương’ này kéo dài từ bờ biển đông nam của Trung Hoa xuống nam xuyên qua Vịnh Đông Kinh (Bắc Việt) cho đến xứ Chàm. Từ ban đầu, với tất cả các biểu hiện bên ngoài, phần phía nam của miền duyên hải Đại Việt đã dính líu nhiều nhất với khung cảnh mậu dịch này, đặc biệt là Nghệ An. Tọa lạc tại trung tâm của Giao Chỉ Dương, khung cảnh mậu dịch này kết nối với xứ Chàm nằm phía dưới sâu hơn của bờ biển, với Angkor xuyên qua núi và xuôi theo dòng sông Cửu Long, với đảo Hải Nam ở phía Đông băng ngang qua đại dương và với vùng hạt nhân của Đại Việt ở phía Bắc. Vào khoảng thế kỷ thứ mười hai, tình trạng lâu đời này đã bắt đầu thay đổi với sự tăng trưởng của miền hạt nhân của Đại Việt và cao trào mậu dịch của nhà Tống.  Giao điểm của hai lực lượng này xem ra đã kéo tiêu điểm thương mại lên phía bắc bờ biển, cùng lúc xảy ra sự cạnh tranh gia tăng giữa ba mô hình Đại Việt, Chàm và Angkor trên dải bờ biển này. Các biến cố như thế đã dẫn đến sự di chuyển hải cảng chính yếu, mà không hoàn toàn gỡ bỏ quy mô thương mại của khu vực Nghệ An/Thanh Hóa.  Phần mà giờ đây là miền bắc Trung bộ Việt Nam sẽ vẫn là một khu quan trọng của miền duyên hải.

Sau đó, từ giữa thế kỷ thứ mười hai, trung tâm của những sự phát triển này đã diễn ra tại hải cảng Vân Đồn, xuất hiện từ khu vực mậu dịch Qinzhou nơi có sự pha trộn về chủng tộc và sự nối kết một mạng lưới các hải cảng thuộc một chuỗi các hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía đông của đồng bằng. Về khung cảnh này, bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi nhận những sự tiếp xúc với các nhà mậu dịch từ đảo Java, thế giới Đông Nam Á duyên hải và vịnh Thái Lan. Cũng có thấy đề cập đến dân số Trung Hoa tại địa phương, như chúng ta sẽ thảo luận dưới đây. Đáng chú ý, hải cảng Vân Đồn và hải cảng mới của Chàm ở Thị Vải (Quy Nhơn) thuộc Vijaya xem ra đã xuất hiện lần lượt tại bờ biển giờ đây thuộc miền bắc và trung Việt Nam cùng một lúc (khoảng giữa thế kỷ thứ mười hai), đã phát triển dựa trên mậu dịch quốc tế gia tăng giữa vùng phía đông đảo Java và miền nam Trung Hoa, và đã có những sự tiếp xúc văn hóa và chính trị với các khu vực bao quanh tức vùng Angkor đối với Vijaya và miền nam Trung Hoa đối với vùng bờ biển của Đại Việt.  Ngoài ra, cùng lúc, đã diễn ra sự trỗi dậy của Tambralinga nơi phần trên sườn phía đông bán đảo Mã Lai và sự xâm lăng của nó vào Sri Lanka.

Bến Cái Làng ở thương cảng Vân Đồn qua bức tranh cổ của một hoạ sĩ Tây Ban Nha

Công cuộc mậu dịch này của Đại Việt liên quan tới khối lượng lớn tiền mặt bằng đồng từ nước Tống. Người Việt Nam đã sản xuất tiền đồng trong khoảng nửa đầu thế kỷ thứ mười một, nhưng từ thời kỳ này về sau, có lẽ như một sự kết hợp giữa nhu cầu kinh tế lớn hơn và sự cung ứng của tiền đồng nhà Tống, tiền đồng nhà Tống đã trở thành tài nguyên chính yếu đối với nền kinh tế địa phương. Tiền đồng bằng đồng phát sinh từ bờ biển đông nam của Trung Hoa [được chở] trên những chiếc thuyền buồm và được cung cấp cho nền kinh tế đang phát triển của Đại Việt. Khi nền kinh tế đất liền phát đạt, nó thu hút loại tiền này và các sản phẩm khác xuyên qua khu vực duyên hải, trong tiến trình làm giàu thêm cho vùng duyên hải. Đại để, việc địa phương sản xuất các đồ dùng chẳng hạn như đồ gốm cũng đều phát sinh từ miền này. Sự gia tăng số lượng các hành cung [ngoài kinh đô] của hoàng gia tại miền hạ lưu châu thổ suốt đến giữa thế kỷ thứ mười hai xem ra cho thấy một sự quan tâm sâu xa của nhà Lý tại đó.

Tầm quan trọng trọn vẹn của sự phát triển ở miền duyên hải này – kéo dài từ hải cảng Vân Đồn phía bắc xuống tới Thanh Hóa – Nghệ An ở phía nam – có thể được nhận thấy trong các báo cáo hồi thập niên 1170 lập bởi các viên chức Trung Hoa thuộc tỉnh Quảng Tây giáp ranh phía bắc. Các báo cáo này, lập bởi các viên chức cấp tỉnh tên Fan Chengda và Zhou Qufei, xem ra quá lời khi áp dụng cho toàn thể lãnh địa của Đại Việt (người Trung Hoa gọi là An Nam).  Nhưng nếu chúng ta áp dụng chúng một cách cụ thể cho miền duyên hải của Đại Việt, toàn cảnh trở nên rõ ràng hơn. Ông Fan đặc biệt nhấn mạnh đến bản chất Trung Hoa của vùng tiếp xúc giữa hai bên – một ưu thế của hàng hóa và khối di dân Trung Hoa, lệ thuộc vào Trung Hoa về các vật phẩm như mực và bút viết. Ông lập luận lên triều đình nhà Tống rằng trào lưu nhân lực (theo cách nói của ông về việc buôn lậu nô lệ), giới văn nhân trí thức và tiền đồng dọc theo bờ biển xuống khu vực phải bị ngăn chặn. Đối với ông, chính người Trung Hoa ven biển (cụ thể là người Mân ở Phúc Kiến) là những người đã cung cấp tư tưởng; như chúng ta sẽ thấy, sự kiện này hiện ra đúng y như thế đối với miền duyên hải của Đại Việt.

Như ông Fan đã nêu ra, khu này đã là nơi gặp gỡ của “những kẻ buôn lậu tai tiếng từ phía nam đế quốc [nhà Tống]” với “các thương nhân ngoại quốc thuộc các vùng đất man rợ”. Các sản phẩm địa phương là kim loại (vàng, bạc, đồng) và các sản phẩm từ súc vật (ngà voi, sừng tê giác, lông chim bói cá) từ núi rừng và ngọc trai từ biển cả. Ngoài ra, nhiều sản phẩm hơn đến từ mọi sắc dân nam man nằm ở phía tây các hải cảng Trung Hoa”, và các hải cảng này, đặc biệt là Qinzhou, khá gần cận. Trải dài khắp miền duyên hải cũng là một loạt các dân tộc. Tác giả quá cố Trần Quốc Vượng có nói đến các di tích của người Chàm và của các sắc dân Austronesians khác rải rác nơi đây, kể cả một loại bình, đồ gốm và các mỹ nghệ phẩm đặc biệt.

Xuyên suốt thế kỷ thứ mười hai, miền duyên hải này đã trở thành một khu vực chuyển tiếp giữa quốc tế và quốc nội, giữa miền thượng lưu với hạ lưu của Đại Việt. Miền này mang nhiều tính chất thương mại hơn, được mở rộng với thế giới bên ngoài và liên quan trực tiếp với những sự phát triển tại Trung Hoa hơn là vùng Đại Việt trong nội địa. Nó giống như tình trạng đồng thời gần cửa khẩu sông Dương Tử, nơi mà thành phố Ninh Ba (Ningpo) (Mingzhou) cũng được thành lập đúng từ một miền duyên hải như thế, với sự trao đổi văn hóa liên hệ đến Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản.  Tác giả Ide Seinosuke, trong khi thảo luận các vấn đề về ảnh hưởng và lý lịch “dân tộc” cho các họa phẩm Phật Giáo, đã ghi nhận cách thức theo đó Ninh Ba từng là “một cửa ngõ của sự trao đổi văn hóa” và “một cửa ngõ” cho trào lưu các khuôn mẫu đa văn hóa băng qua Biển Đông Hoa (East China Sea). Tại một khu mở ngỏ như thế, phơi bày ra trước các ảnh hưởng của một loạt các dân tộc và chiều hướng như thế, thì việc ấn định lý lịch cụ thể của một công trình văn hóa trở nên vô cùng khó khăn. Trong phạm vi một khu vực như thế, các cá nhân có thể đan kết cùng nhau những gì lôi cuốn họ và tạo lập ra các sản phẩm đa văn hóa – thông qua sự pha trộn, nếu muốn – mà sau đó tuôn trào ra nhiều hướng khác nhau.  Một khu hỗn hợp như thế là một sự tương giao đa diện thu hút các yếu tố từ các nơi khác, tái chế chúng và phân phát chúng một lần nữa, không chỉ là các sản phẩm hỗn tạp mà như những sự sáng tạo mới.

Miền đông của Đại Việt (có nghĩa là miền hạ lưu Đại Việt) được tạo thành chính từ một khu hỗn hợp đằng sau mạng lưới hải cảng tại Vân Đồn. Đó là một khu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trào lưu từ các hải cảng duyên hải đông nam Trung Hoa, như Fan Chengda đã nêu ra, nhưng nó không chỉ có tính chất Trung Hoa. Trong các thế kỷ sau đó, sâu hơn về phía nam dọc theo bờ biển là Hội An, nó là sản phẩm của một nỗ lực chung liên quan đến người Trung Hoa đến thăm viếng, người Trung Hoa ở địa phương, các du khách khác và các cư dân bản xứ khác nhau, tất cả đều tiếp thu trào lưu quốc tế với nhiều loại hàng hóa và ảnh hưởng văn hóa. Nó đã hiện hữu bên ngoài thế giới Phật Giáo cơ hữu của triều đại nhà Lý bao quanh kinh đô Thăng Long tại khu vực trung lưu của dòng sông, song không hoàn toàn tách biệt khỏi nó. Tại khu duyên hải này, kéo dài xuống phía nam đến Nghệ An, đã phát sinh một văn hóa mới, cởi mở với thế giới Trung Hoa hơn là miền kinh đô. Ngày một gia tăng, từ thế kỷ thứ mười hai cho đến suốt thế kỷ thứ mười ba, trong phạm vi khu duyên hải mở ngỏ này, chúng ta nhìn thấy sự xuất hiện một văn hóa trí thức khác biệt với văn hóa đã dần hiện hữu nơi vùng thượng lưu, trong khu vực nghiêng về Phật Giáo của kinh đô. Từ nền văn hóa duyên hải mới này, đưa đến một hình thức chính quyền mới và một sự chia cách văn hóa thượng nguồn và hạ lưu. Sự trung thành về chính trị tại miền Đại Việt hạ lưu sẽ gặp nhiều trở ngại hơn so với các trường hợp ở miền thượng lưu.

Tiêu biểu cho khuôn mẫu này là khó khăn xảy ra cho ông hoàng Trần Khánh Dư trong các cuộc chiến tranh kháng Mông hồi thập niên 1280. Ông và quân sĩ của ông gặp rất nhiều khó khăn để phân biệt các cư dân duyên hải với binh lính phương bắc vì trang phục của họ, vì thế ông đã ra lệnh cho các cư dân phải thay nón kiểu phương bắc của họ bằng những chiếc nón kiểu bản xứ, khác biệt (nón Ma Lôi, có thể theo mẫu của Chàm [sic]). Trích dẫn theo Niên Sử, “dân chúng [chung quanh Vân Đồn] có thói quen lệ thuộc vào mậu dịch trong sinh hoạt của họ. Họ dựa vào “các thương khách từ phương bắc” để mua mọi thức ăn, đồ uống, y phục.  Và vì lý do này, họ quen mang y phục “bắc phương.” Cũng vậy, trong khu này, kéo dài xuống phía nam qua Thanh Hóa và Nghệ An, hiện ra một nền văn chương trí thức sử dụng giấy và bút viết được du nhập vào phương Nam; trong thời kỳ này, như đã ghi nhận ở trên, có sự tiếp xúc nội địa với miền này bởi các mục đích nghi lễ, loại công việc tinh thông bởi giới văn nhân trí thức.

Thuyền buôn đời Tống

Trong khoảng từ giữa đến cuối thế kỷ thứ mười hai, các bia ký xuất hiện tại khu này đã chứng tỏ bản chất trí thức của thế giới duyên hải. Trước tiên (tại tỉnh Thái Bình ngày nay) có bia ký năm 1159 về vị thượng thư nhiều quyền thế trong triều, ông Đỗ Anh Vũ, với các tham chiếu quan trọng, uyên thâm về thời đại cổ điển của Trung Hoa – đặc biệt về Chu Công (Duke of Chou), nổi tiếng vì vai trò nội thần phụ tá cho một nhà vua trẻ tuổi.  Điều chúng ta có được, theo cách nói của tác giả Keith Taylor, là việc sử dụng “ngữ vựng của sự giáo huấn luân lý Khổng học” và không tham khảo đến Phật Giáo của khu trung lưu. Bia ký này đề cập đến “các thương nhân đến từ phương xa”, về sự cai trị của Đỗ Anh Vũ tại Nghệ An và Thanh Hóa, những nơi quan trọng của khu duyên hải; và về các thày giáo và văn nhân – trí thức nhiều phần thuộc cùng khu vực, về những gì mà cả hai nhóm này đã liên hệ với chính quyền. “Những người của bút và mực” đã tham gia vào một cuộc lễ lớn. Song nhân vật vĩ đại này, ông Đỗ Anh Vũ, sẽ bị sỉ nhục trong các sử sách sau này. Mặc dù ông có các móc nối với miền duyên hải, ông vẫn thuộc vào thế giới nội địa của kinh đô Thăng Long. Kế đến, các học giả từ bên ngoài – như tác giả Taylor gọi họ – chắc chắn là từ khu duyên hải – đã lưu trữ tài liệu tại các thư viện và văn khố của họ, và chúng sẽ được thu gom lại trong thế kỷ thứ mười ba, trước tiên bởi Trần Phổ trong quyển Việt Chí (Record of Viet) của ông, và sau đó bởi ông Lê Văn Hưu trong bộ sử chính thức của ông, Đại Việt Sử Ký năm 1272. Bởi thế, khung cảnh trí thức nảy nở của khu duyên hải thịnh vượng vẫn đứng bên ngoài triều đình và bối cảnh văn hóa Phật Giáo nội địa. Một văn bia thứ nhì, từ năm 1157 tại tỉnh Hưng Yên ngày nay, đến từ phía gia đình bên mẹ của ông Đỗ Anh Vũ, và xác nhận khuôn mẫu căn bản của bia ký thứ nhất; nó cũng có các điển tích Trung Hoa cổ điển. Văn bia thứ ba, khoảng cuối thế kỷ thứ mười hai và cũng tại tỉnh Hưng Yên, được biên soạn bởi học giả đứng đầu trong một cuộc khảo thí năm 1185.

Trong khi Đại Việt được tạo lập tại khu vực trung lưu của sông Hồng từ thế kỷ thứ mười cho đến nửa sau thế kỷ thứ mười một, triều đình nhà Tống ở phương Bắc đã thống nhất Trung Hoa và bắt đầu can dự ồ ạt vào công cuộc thương mại quốc tế. Nỗ lực này sẽ được tăng cường trong thế kỷ thứ mười hai với việc dời đô về vùng thung lũng sông Dương Tử. Điều ảnh hưởng đến Đại Việt chính là một sự tăng trưởng quan trọng ở khu duyên hải trống vắng và sự hiện diện gia tăng mạnh mẽ của Trung Hoa tại khu vực này. Sự hiện diện này sau rốt sẽ dẫn đến một sự chuyển đổi lớn lao về quyền lực tại Đại Việt và sự can hệ gia tăng ở đó của một nhóm trí thức mới, có chiều hướng nghiêng về Trung Hoa cổ điển hơn là Phật Giáo.

Suốt trong thế kỷ thứ mười hai cho đến lúc bước vào thế kỷ thứ mười ba, hai lực lượng kinh tế quan trọng đã cùng tác động, mặc dù riêng rẽ, chúng xoắn bện và tăng cường cho nhau.  Thứ nhất là sự phát triển nông nghiệp được nối kết với sự vươn cao của quốc gia nhà Lý và các chùa Phật Giáo cùng các điền trang đã cung cấp nền tảng vững chắc cho quốc gia này. Việc này xảy ra tại phần trung lưu dòng sông tạo thành hạt nhân của Đại Việt. Sự kiện thứ nhì xảy ra tại và gần bờ biển và được nối kết với cao trào mậu dịch từ và đến nước Trung Hoa nhà Tống; sự kiện này tự nhiên đã có một thành tố Trung Hoa mạnh mẽ.  Sự kiện thứ nhất đã tạo ra một nhu cầu nội địa gia tăng về hàng hóa nước ngoài được chở ngược dòng từ bờ biển lên, trong khi sự kiện thứ nhì tương ứng với nhu cầu gia tăng từ nước ngoài về các sản phẩm, đặc biệt từ vùng cao nguyên. Các sản phẩm này được xuôi dòng xuống bờ biển hay được chế tạo tại khu duyên hải phía đông đang tăng trưởng. Tổng quát, sự kết hợp tăng trưởng kinh tế tại lãnh thổ Đại Việt sẽ dẫn đến sự thay đổi văn hóa và chính trị quan trọng.

Chính vì thế, suốt các thế kỷ thứ mười hai và mười ba, khu phía đông dọc theo bờ biển của Đại Việt đã tăng trưởng một cách không cân đối về sức mạnh kinh tế. Hải cảng Vân Đồn xuất hiện và trở thành một căn cứ cấp miền mạnh trong phạm vi Đông và Đông Nam Á. Với lưu lượng hàng hóa ngược xuôi trên hệ thống sông Hồng, kể cả lưu lượng tiền đồng bằng đồng của nhà Tống, hạ tầng cơ sở và dân số của khu duyên hải này sẽ gia tăng một cách lớn lao. Một phần đáng kể của sự tăng trưởng này liên quan đến nhóm dân số Trung Hoa di chuyển xuống bờ biển từ các hải cảng của Quảng Đông, Phúc Kiến và Chiết Giang. Như một phần của mạng lưới thương mại Trung Hoa đang tăng trưởng tại vùng Biển Nam Hải, phần đất này bắt đầu nắm giữ quyền lực nhiều hơn tại Đại Việt. Vào khoảng thế kỷ thứ mười ba, quyền lực bắt đầu được di chuyển và, cùng với nó, một lực lượng văn hóa mới bắt đầu xuất hiện trong xã hội Việt Nam.

John K. Whitmore

Ngô Bắc dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN