Câu chuyện lịch sử: Vũ Văn Dũng - Sứ thần tài trí của Vua Quang Trung

LTS: Năm 1792, nhờ sự mưu lược, tài trí và dũng cảm của sứ thần Vũ Văn Dũng, vị sứ thần được Vua Quang Trung cử sang Trung Hoa, Vua Càn Long đã đồng ý trả lại nước Nam tỉnh Quảng Tây và bằng lòng gả công chúa cho Vua Quang Trung. Mặc dù Thanh triều chưa kịp thực thi lời hứa bởi khi đó vua Quang Trung đột ngột băng hà, nhưng có thể nói rằng Sứ thần Vũ Văn Dũng đã mang lại một thành tích vẻ vang về ngoại giao cho nước nhà buổi ấy. 

Tuy vua Càn Long (Thanh Cao Tông) đã nhượng-bộ về việc cống-hiến, tuy thời-thường nhà vua vẫn ban cho vua Quang Trung sâm, nhung, gấm, vóc, phong vua Quang Trung làm Annam quốc vương và ưu đãi sứ thần Việt Nam nhưng vua Quang Trung vẫn không lấy thế làm mãn-nguyện. Nhà vua hi-vọng lớn-lao hơn nghĩa là ngài còn trù tính đòi lại đất Quảng Đông, Quảng Tây bằng sức mạnh của súng đạn. Vị quan được vua Quang Trung ủy lĩnh chức chánh sứ được toàn quyền ứng tấu để xin vua Tầu trả đất Lưỡng Quảng cho nước Nam là Hải Dương Chiêu Viễn hầu, đại đô đốc, đại tướng quân Vũ Văn Dũng.

Vua Quang Trung

Nhận được sắc văn của vua Quang Trung đề ngày 15 tháng tư năm Nhâm-tí (1792 Quang Trung thứ 4) Vũ Văn Dũng vội-vàng từ Hải Dương vào Phượng hoàng trung đô (Nghệ An). Nhà vua đinh-ninh dặn dò Dũng công việc sứ-trình và cần nhất Dũng phải chú-ý xem xét địa-thế, sơn xuyên ở Trung-Quốc để tiện việc dùng binh sau này. Dũng vâng-mệnh rồi bái biệt vua Quang Trung lên đường.[1]

Tới Thanh-triều, bệ kiến vua Càn Long xong Vũ Văn Dũng dâng tấu chương đại-khái nói:

–  Thần ở đất Nam-giao xa cách, lễ-văn khiếm-khuyết nhiều điều. Nay có hai việc quan hệ đến phong-hóa, hệ lại bang-gia, thần đẳng nghĩ ngợi bàn tán lâu rồi mà chưa quyết. Nay mạo muội tâu lên bệ hạ mong ngài xét cho. Việc thứ nhất là việc vợ chồng gốc của nhân luân. Thân quốc vương xuân thu đỉnh thịnh mà phối-thất chưa được nơi. Người trong nước đều là thần-tử cả, theo lễ không ổn mà lân quốc đều được phiên phong, lục họ đáng ghét. Việc cầu hôn nghị đã lâu ngày mà chưa sao định được. Cúi mong thánh-thượng xét thương cho.

Việc thứ nhì là việc định đất đóng đô. Nước thần ở vào nơi hẻo lánh, xe thuyền khó nỗi giao-thông, côn sơn phù mạch, vượng khí không nhiều mà lại bị bọn quan độ-hộ nhẫn tâm tạo đoan mất hết thành ra việc định đô nghị mãi không xong, cúi mong thánh thượng xét cho.

Tấu-chương tâu lên bách quan Trung hoa người thì hầm hầm mặt giận, người cười nhạt lạnh-lùng, vẻ bất-bình lộ ra nét mặt. Duy có một vị thượng quan là không tỏ vẻ gì (có lẽ vị ấy là Hòa Thân). Vua Càn Long ra lệnh để bản tấu lên ngự lãm. Nhà vua thân cầm bút châu-phê chỗ khuyên, chỗ gạc rồi gieo xuống đình thần nghị xét.

Tượng Đại tư đồ Vũ Văn Dũng trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định)

Hôm sau khi bệ kiến vua Càn Long ở Ỷ lương-các về sứ quán, Vũ Văn Dũng bàn-bạc cùng nhân-viên sứ-đoàn rồi dâng một tấu-chương nữa lên vua Càn Long:

Người lớn thương xót người bé đó là quân tử chi tâm; lấy văn minh khai hóa man di đó là thánh-nhân chi lượng.

Đó cũng là thể theo ý trời đất chở che vun đắp vậy. Nước thần là một phiên thuộc ở cõi xa xôi, bấy lâu vẫn tôn sùng thanh giáo. Từ đời nhà Triệu trở về sau đổi 6 họ đến 12 sứ-quân đã bao lần bể dâu biển dời, biển-dâu gặp phải tai-ương, lê-thứ chịu bao đồ thán. Đó cũng là vì địa-khí thương-tàn, vương kỳ bất chính xui nên vậy. Cúi mong chín từng xoi xét mở lòng nhân thương khắp muôn dân, chuẩn ban cho 2 tỉnh Quảng làm nơi đóng đô và ly- giáng cho thần quốc-vương một nàng công-chúa để xây nền phong-hóa cho dân ở nơi biên-thùy, khiến Thần quốc-vương được gần gụi hầu bên bệ hạ, hứng đón hoàng-phong, nhuần ơn mưa móc, hưởng nền bình trị, vĩnh khánh cửu trùng thì thật là cái đại-khánh của Thần quốc-vương vậy. 

Tiếp Sứ-thần Việt-Nam ở Ỷ lương các, vua Càn Long ban hỏi mọi việc thấy tấu-đối khôn ngoan, hợp tình, hợp lý đã tỏ lời khen-ngợi là biết lẽ quân, thần, là không nhục vương mệnh, nên nay thấy tấu-chương của Vũ văn Dũng Ngài bèn ưng chuẩn cho cả 2 việc, song, 2 tỉnh Quảng thì Ngài chỉ chuẩn cho vua Việt-nam một tỉnh Quảng-Tây.

Hôm sau, Thanh đế ban yến tại triều đãi sứ Việt-nam và sai lễ bộ thượng thư sửa soạn việc hôn nghị để định ngày đưa công-chúa sang Việt-nam.

Ăn yến xong Vũ văn Dũng tiếp được thiếp của bộ Lễ vời tới; bộ lễ hỏi Dũng vua Quang Trung năm ấy bao nhiêu tuổi để xem ngày định việc vu quy.

Vũ văn Dũng đáp: “Con gái Hoàng Đế không giống con gái nhà thường dân ly giáng lương kỳ, cứ do mệnh lệnh Hoàng đế định đoạt là đủ việc gì phải câu nệ tục thường. Vả chăng tục nước tôi vua bao nhiêu tuổi thần dân không được biết nên tôi không dám trả lời bậy-bạ.

Lễ quan mỉm cười nói: “Thực ư? Đó là nghe ngoại-quốc sùng thượng tà đạo nên hỏi đùa như vậy thôi! Chứ không cần phải lựa chọn ngày tháng”. Vũ văn Dũng làm tròn sứ-vụ chỉ còn đợi ngày về nước thì 1 buổi chiều đang ở sứ quán tự-nhiên ông thấy nóng ruột và máy mắt luôn luôn. Dũng không biết sẽ có sự gì xảy ra, thì nghe bọn quan tiếp sứ (người Tầu) nói riêng với nhau:

–  Tòa tư-nhiên xem tinh tượng nói vua nước Nam sẽ có tai-ương lâm thân, chẳng hay sứ thần Việt nam đã biết chưa?

Có người trả lời:

–  Đến đại-thần nước ta cũng nhiều người không biết huống hồ là Man sứ.

Vũ văn Dũng hiểu ý ba ngày liền ở nhà ai mời chơi bời yến tiệc cũng từ chối.

Ngày thứ 3 bỗng có thiếp của viên chánh tổng tài Trung hòa đường mời Dũng đến chơi có việc cần-cấp. Viên Tổng Tài hỏi Dũng sao ba hôm liền không chịu ra ngoài?

Vũ văn Dũng đáp:

–  Chúng tôi khi ở nước nhà hễ vua lo thì bầy tôi cũng không yên. Thế mà 3 ngày nay, chúng tôi nóng ruột quá, không hiểu vua nước tôi có sự gì khẩn cấp mà bầy tôi không yên lòng! Cho nên tôi không dám đi đâu chơi xin quan lớn thứ lỗi.

Trung hòa Đường nói: Đã vậy xin mời Ngài về sứ -quán nghỉ-ngơi.

Hôm sau có chỉ triệu Dũng vào bệ kiến nhà vua ban rượu, Dũng uống say rồi trở về sứ quán ngủ một giấc mãi sáng hôm sau mới tỉnh. Từ hôm ấy Dũng cùng tào-quan ở sứ-quán đi du ngoạn khắp nơi trong kinh-thành cho khuây-khỏa, luôn trong mười mấy ngày không nơi nào là không dạo chơi qua.

Một ngày kia, đang chơi ở Chức-Cẩm Phường, Dũng được lệnh triệu vào chầu, Lễ quan giơ cho Dũng coi một đạo biểu chương. Đó là biểu cáo-ai của Annam quốc vương. Tức thời, Vũ văn Dũng ngã lăn ra bục điện khóc như mưa, như gió. Vệ sĩ định xô Dũng ra nhưng viên áp-ban ngăn lại nói:

–  Phiên sứ không hiểu đại quốc triều nghi ta đừng nên chấp. Và như thế cũng là lòng trung thành với chúa xui nên khá khen lắm.

Giờ thân Vũ văn Dũng lạy tạ vua Càn Long trở về sứ quán bầy hương án quay về phương nam lạy khóc rất thảm-thương.

Hôm sau, Vũ văn Dũng vào chầu tâu xin về nước. Nhà vua chuẩn ưng và sáng hôm sau ban cho một tấm biển sơn son thiếp vàng một mặt khắc bốn chữ: “Nam bang tướng sứ”, một mặt phía trên, phía dưới đều khắc 2 chữ “Bài . Thị” phía dưới khắc hai giòng chữ nhỏ hơn: “Quan tiết bất cơ, dịch lộ yếu khẩn, tư giả vô ngộ”: (đi qua quan ải không phải hỏi han gì, đi đường có việc gấp bách, các quan chớ để lỡ việc.)

Nhờ có tấm biển đó nên Vũ văn Dũng đi đến đâu việc tiếp đón cũng chu đáo, chóng vánh, đường về nước đi ngắn lại bằng nửa đường đi. Thế là giữa khi sứ-mệnh của Vũ văn Dũng vừa thành công giữa khi nghiệp lớn của vua Quang Trung vừa khởi-phát thì thình-lình nhà vua băng.

Dù Thanh-triều chưa kịp thực hành lời hứa, dù sứ-mệnh của Vũ văn Dũng chưa thực sự thành công song Vũ cũng là một vị sứ-thần gây được một thành-tích vẻ vang về ngoại giao cho nước nhà buổi ấy.

(Theo “Việt – Hoa Thông sứ Sử lược”)

Theo Tạp chí Phương Đông

 

[1]) Thuật theo tài-liệu của Lê Văn Hòe Trung Bắc chủ nhật xuân Quý Mùi 1943.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN