FRÉDRÉRIC MANTIENNE
NGÔ BẮC dịch
Lời người dịch:
Tài liệu này cho chúng ta thấy sự phát triển trong kỹ thuật xây dựng thành quách và đóng tàu thuyền của Việt Nam trong nửa cuối thế kỉ 18, nửa đầu thế kỉ 19.
Chúng ta có thể ghi nhận một số điểm quan trọng, và từ đó là các bài học lịch sử hữu ích, trong bài viết dưới đây:
1. Trong nửa đầu thế kỷ thứ 19, Việt Nam đã có một hệ thống gồm ít nhất 32 thành trì trên khắp nước. Các thành này, xây dựng theo kỹ thuật quân sự Tây Phương, được đánh giá là vững chắc và hiện đại nhất so với bất kỳ quốc gia nào tại Á Châu cùng thời.
2. Với các thành phố quan trọng đều nằm dọc theo bờ biển hay sông lớn, việc xây dựng một hải lực hùng mạnh là điều thiết yếu cả về mặt quân sự lẫn thương mại cho bất kỳ một chính quyền Việt Nam nào. Trong nửa đầu thế kỷ thứ 19, Việt Nam đã có một hải quân hùng mạnh nhất Đông Nam Á, đã có một vị vua Gia Long tự mình học nghề mộc và xuống xưởng đóng tàu làm việc hàng ngày, đã gửi sứ bộ sang Trung Hoa lần đầu tiên bằng thuyền đi biển do chính Việt Nam đóng lấy, đã sử dụng và nỗ lực đóng tàu chạy bằng hơi nước tân tiến nhất thời bấy giờ tuy không thành công, và đã có một hải quân có thể đối đầu với bất kỳ quốc gia nào, theo các quan sát viên đương thời.
3. Ba vị vua đầu tiên của triều Nguyễn không phải là những người đã theo đuổi chính sách bế quan tỏa cảng, mà ngược lại, là những nhà lãnh đạo đã thực hành chính sách mở cửa để tiếp thu và thích nghi các khoa hoc, kỹ nghệ mới lạ từ bên ngoài có lợi cho quyền lợi của quốc gia./-
———
Bến Mỹ Tho 1910 (belleindochine.free.fr)
KỲ 2: HẢI QUÂN VÀ VIỆC ĐÓNG THUYỀN
Bây giờ chúng ta hãy hướng về các thương thuyền và các tàu bè quân sự. Trong các thế kỷ trước đây, cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong đều có nét đặc thù là không có các đội thuyền mậu dịch. Viết trong thế kỷ thứ mười bẩy, Alexandre de Rhodes ghi nhận rằng người Việt Nam tại Đàng Ngoài không bao giờ mua bán ở bên ngoài vương quốc, vì một số lý do. Trước tiên, họ không biết về nghệ thuật hải hành và chỉ liên quan đến các trao đổi dọc bờ biển. Thứ nhì, các thuyền bè của họ không đủ mạnh để đi biển có sóng cả gió to. Sau hết, các nhà lãnh đạo không cho phép thần dân của họ được ra khỏi vương quốc (30). Ngoại trừ sự hải hành dọc bờ biển bằng những chiếc thuyền nhỏ, chúng ta có ít bằng cứ về chuyện thuyền Việt Nam lái sang các nước ngoài; trong phần lớn các trường hợp, không rõ những thuyền đó là thuyền của Trung Hoa hay Việt Nam. Dù sao, có vẻ các thuyền nhỏ có đi từ Đàng Trong đến Xiêm La trong thế kỷ thứ mười bẩy, chở theo các nhà mậu dịch Việt Nam dưới danh nghĩa các sứ đoàn chính thức được phái đến triều đình tại Ayudhya. Trong năm 1682, một giáo sĩ truyền đạo người Pháp và hai nhà mậu dịch người Anh đã thuê một thuyền đánh cá nhỏ của Việt Nam và mướn một thủy thủ người Bồ Đào Nha để lái thuyền từ Đàng Ngoài (Tonkin) sang Ayudhya. Sự kiện một thuyền Việt Nam được lái sang Xiêm La đã được các giáo sĩ truyền đạo tường thuật như một trường hợp ngoại lệ.
Một đặc điểm của hai chính thể Việt Nam – Đàng Ngoài và Đàng Trong – là không Đàng nào dính líu một cách trực tiếp với bất kỳ hình thức mậu dịch nào bên ngoài xứ sở của họ. Mọi sản phẩm nhập cảng đều được các thương nhân ngoại quốc giao trên các tàu thuyền ngoại quốc tại các hải cảng Việt Nam, và hàng xuất cảng được vận chuyển theo cùng một cách như vậy. Chính vì thế phần lớn nền ngoại thương hoàn toàn lệ thuộc vào thiện chí và quyền lợi của các tác nhân ngoại quốc, hoặc là người Trung Hoa hay người Âu Châu.
Ngược lại, hải quân thì mạnh về cả quy mô lẫn chất lượng. Việc đánh bại một hạm đội được Công Ty Đông Ấn của Hà Lan (VOC) phái đến đánh Cochinchina năm 1643 đã chứng tỏ sức mạnh và tinh thần chiến đấu của hải quân, và nhờ thành tích đó đã làm vang danh vương quốc (31). Tuy nhiên, tất cả các tàu chiến đều là các thuyền sàn thấp (galleys: vừa chạy bằng buồm vừa do chèo tay, chú của người dịch], nên mặc dù hữu hiệu đặc biệt cho các trận hải chiến dọc bờ biển và trong nhiều vũng cửa sông ven biển, chúng không hoạt động tốt tại các vùng biển sâu và không thể đi xa khỏi bờ biển. Những thuyền buồm lớn duy nhất là của khách nước ngoài, hoặc là các thuyền buồm Trung Hoa hay các tàu có cánh buồm vuông của Âu Châu.
Tuy nhiên tình trạng này đã thay đổi hoàn toàn trong thời kỳ chiến tranh với Tây Sơn, đặc biệt trong thời khoảng từ năm 1790 đến 1802. Cả hai lực lượng hải quân và hải thương đều phát triển khả năng du hành vùng biển sâu trong giai đoạn này. Tại Việt Nam, mọi thành phố quan trọng đều tọa lạc hoặc trên bờ biển hay dọc các con sông có dòng nước hải hành được; bởi thế điều thiết yếu là phải có một hải quân mạnh để thực hiện các cuộc hành quân phối hợp hải và lục quân. Từ năm 1775 đến 1788, các hạm đội lớn của Tây Sơn thường xuyên lái xuống phương nam để tịch thu vụ mùa lúa vừa mới gặt tại Gia Định và chuyên chở về lại lãnh địa của họ, vốn thường trực chịu nạn thiếu hụt thực phẩm. Tây Sơn có thể thực hiện các chiến dịch như thế hàng năm, bởi họ dễ dàng có số lượng tàu thuyền áp đảo hạm đội nhỏ bé hơn của nhà Nguyễn. Ngay từ năm 1781, Giám Mục Adran đã thuyết phục Nguyễn Ánh thuê bao các thuyền của Bồ Đào Nha theo thiết kế Âu Châu, cùng với thủy thủ đoàn và trên thực tế là cả súng ống của họ. Tuy nhiên, kinh nghiệm đầu tiên lại là một thảm họa. Không biết vì lý do gì, hai tàu chiến Bồ Đào Nha đã bỏ trốn khỏi chiến trường, trong khi thủy thủ đoàn của chiếc tàu thứ ba đã bị hạ sát bởi các binh sĩ Việt Nam nổi cơn giận dữ.
Chỉ vài năm sau đó tình thế đã thay đổi theo chiều hướng thuận lợi cho Nguyễn Ánh. Sự việc này xảy ra khi Giám Mục quay trở lại từ Pháp và Pondicherry với một số trợ giúp của tư nhân, bao gồm cả hai chiến thuyền của vùng thuộc địa Pondicherry. Các chiếc tàu này chuyển giao trang thiết bị quân sự và ở lại Sàigòn để phục vụ nhà Nguyễn. Ban đầu chúng có các thủy thủ người Pháp và người Ấn Độ, sau đó là người Việt Nam dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Pháp. Các chiến thuyền này là nền tảng cho việc xây dựng một hạm đội Việt Nam rất đáng nể, gồm cả một hạm đội quân sự và một hạm đội thương thuyền. Trong những năm kế tiếp, Nguyễn Ánh đã mua hoặc thuê bao từ nước ngoài thêm vài chiếc thuyền Âu Châu khác, và vào những năm cuối cùng của cuộc chiến, hạm đội của ông đã có một kích thước rất đáng nể sợ. Các thuyền buồm sàn thấp cổ truyền Viêt Nam và các thuyền buồm nhỏ chiếm phần lớn hạm đội này; tuy nhiên, ngay từ năm 1794, hai chiến thuyền Âu Châu đã phối hợp cùng hành quân với 200 thuyền mỗi loại trong hai loại thuyền này để tấn công thành của Tây Sơn gần Qui Nhơn. Năm 1799 một thương nhân người Anh tên Berry đã chứng kiến cuộc khởi hành của hạm đội chạy xuôi dòng sông Sàigòn; ông ta đã nhìn thấy 100 chiếc thuyền buồm sàn thấp (galleys), 40 thuyền buồm lớn [junks, kiểu Trung Hoa?, chú của người dịch], 200 thuyền nhỏ và 800 xuồng chuyên chở hàng (carriers: không rõ nghĩa ở đây, chú của người dịch] được kéo bởi ba chiến thuyền một buồm kiểu Âu Châu. Năm 1801, một hạm đội trong hải quân của Nguyễn Ánh gồm có 9 chiến thuyền Âu Châu được trang bị với 60 khẩu súng, 5 chiến thuyền với 50 khẩu súng, 40 thuyền với 16 súng, 100 thuyền buồm, 119 thuyền buồm sàn thấp và 365 thuyền nhỏ.
Không phải tất cả những chiếc thuyền được gọi là “Âu Châu” đều được mua ở nước ngoài; phần lớn trong đó thực ra được đóng tại một xưởng đóng tàu độc đáo được Nguyễn Ánh thiết lập tại Sàigòn. Đích thân ông đứng ra giám sát công việc, có mặt ở đây vài giờ mỗi ngày. Như một nhân chứng đã ghi lại, “Một xu hướng chính trong tham vọng của ông là khoa học về hàng hải, một bằng chứng về việc này là ông đuợc nghe nói rằng ông sẽ đóng tàu hàng loạt đúng theo họa đồ Âu Châu” (33). Ngay từ 1792, mười lăm chiến thuyền buồm hạng trung, chạy nhanh (frigate) đã được đóng xong, với thiết kế một phần theo Trung Hoa (phía đuôi và phía mũi tàu) và một phần theo Âu Châu; chúng có gắn mười bốn khẩu súng. Năm 1804, Roberts, sứ giả của Công Ty Đông Ấn của Anh Quốc đến Triều Đình Huế, đưa ra mô tả về một số chiến thuyền thuộc loại hỗn hợp này; có vẻ rằng vài loại thuyền đã có hiện diện ít nhiều đều có liên hệ mật thiết với các kiểu mẫu nguyên thủy của Âu Châu hay Trung Hoa. Trong quan điểm của ông, các thuyền này “nguyên thủy được đóng như một chiếc thuyền buồm [kiểu Trung Hoa?. Chú của người dịch] nhưng [với] các bộ phận bên trên được hoàn tất theo kiểu Âu Châu và chạy bằng cách thả buồm như một con tàu (ship). Nhà Vua nguyên thủy có 17 chiếc thuyền buồm, hay Tows [tiếng Việt là tàu], tương tự như các thuyền đó”. Người Mỹ, John White, trông thấy những chiếc thuyền tương tự trong khoảng 1819-1820, ca ngợi cấu tạo chắc chắn để đi biển của chúng và phẩm chất của việc đóng tàu (34). Rõ ràng chúng ta có ở đây một trường hợp điển hình của việc pha trộn các kỹ thuật địa phương với các kỹ thuật nhập cảng.
Việc tiếp thu kỹ năng Âu Châu có thể đã xảy ra nhờ một ý tưởng đơn giản nhưng tinh khôn: một chiếc thuyền Âu Châu cũ đã được tháo gỡ ra từng mảnh riêng biệt, và sau đó được ráp trở lại sao cho các thợ mộc Việt Nam có thể học hỏi được các kỹ thuật tinh xảo hơn trong việc đóng thuyền của Âu Châu để áp dụng cho việc chế tạo các chiếc thuyền lớn có cánh buồm vuông. Cùng lúc, khi chiếc thuyền được ráp trở lại, một chiếc thuyền mới tinh sẽ cùng được sản xuất theo mẫu của chiếc thuyền cũ. Berry nói rằng những người thợ mộc Bồ Đào Nha đã làm việc ở đó; nhiều phần là các thợ mộc Trung Hoa cũng được thuê mướn, bởi các chiến thuyền buồm [kiểu Trung Hoa, chú của người dịch] cũng được xây dựng tại xưởng đóng tàu này. Đích thân Nguyễn Ánh cũng học nghề làm mộc và rất có khả năng trong lĩnh vực này. Ông đã tiếp thu lý thuyết hàng hải từ những quyển sách bằng tiếng Pháp được phiên dịch bởi Giám Mục, đặc biệt là bộ Bách Khoa Encyclopédie của Đierot và d’Alembert, trong đó các chương và các hình ảnh liên quan đến việc đóng thuyền được trình bày với chi tiết đặc biệt (33).
Hiệu năng và kỹ năng của xưởng đóng tàu Sàigòn được tán dương cao độ bởi tất cả các nhà mậu dịch và thủy thủ Âu Châu đã đến thăm viếng thành phố trong các năm 1790-1802. Berry đã mô tả ba chiến thuyền Âu Châu được đóng ở đó như tạo ra “một phong độ đáng nể vì nhất”. Trong cuộc thăm viếng của White tại Sàigòn năm 1819, ông đã ca ngợi cơ xưởng ngang bằng với bất kỳ nhà máy đóng tàu nào tại Âu Châu. Roberts đã mô tả những chiếc thuyền thiết kế hỗn hợp mà ông trông thấy ở vịnh Tourane [Đà Nẵng ngày nay, chú của người dịch] là “được đóng đặc biệt tốt”. Ba chiến thuyền lớn Âu Châu được chỉ huy bởi các sĩ quan người Pháp, chỉ còn bốn người trong họ là đã tham gia vào các trận đánh sau cùng và có tính quyết định trong các năm 1801-2. Liên quan đến số lượng các sĩ quan và thủy thủ đã gia nhập hải quân của Nguyễn Ánh, cần ghi nhận rằng trong thời khoảng từ 1790 đến 1802, bằng chứng cho thấy chưa đến 80 sĩ quan và thủy thủ có mặt tại Việt Nam, và phần lớn trong họ đã rời Việt Nam vào năm 1792. Khi đó, ta phải giả thiết rằng chỉ có một số lượng rất ít các sĩ quan hải quân và các thủy thủ đã lái các chiến thuyền của Nguyễn Ánh trong thời gian từ 1792 đến 1799. Điều này có nghĩa tất cả thủy thủ đoàn và các sĩ quan của các chiến thuyền — bất luận theo kiểu thiết kế của Âu Châu hay hỗn hợp — đều là người Việt Nam, và đã được huấn luyện để cung cấp nhân lực cho các chiếc thuyền lớn có buồm hình vuông kiểu Âu Châu. Các thuyền trưởng người Pháp đã chứng thực sự can đảm và các kỹ năng của họ. Năm 1822, Chaigneau có nói với các khách tham quan người Anh rằng Việt Nam đào tạo được những người đi biển lão luyện và can đảm” (37).
Việc sử dụng hỗn hợp các chiến thuyền lớn chạy bằng sức gió kiểu Âu Châu (với một ưu thế đáng kể về pháo binh) và các thuyền buồm sàn thấp cổ truyền [chạy vừa bằng buồm vừa bằng tay chèo, chú của người dịch] đã mang lại cho Nguyễn Ánh một lợi thế thực sự đối với các lực lượng hải quân của Tây Sơn. Ngay từ những năm 1792-3, hàng trăm chiến thuyền buồm sàn thấp đã bị đánh đắm hay bắt giữ trong các cuộc đột kích bởi các chiến thuyền thiết kế theo kiểu Âu Châu với hỏa lực mạnh mẽ (38). Ở những thời điểm khác, sự kết hợp cả hai kiểu thuyền đã mang lại thế thượng phong cho các lực lượng nhà Nguyễn. Hải lực hỗn hợp đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong các trận đánh có tính quyết định trong các năm 1801-02 (thí dụ, tại Thị Nại, gần Qui Nhơn và tại Huế), nơi mà cả hai bên đều vận dụng các lực lượng khổng lồ trên đất liền và trên biển.
Giai đoạn 1790-1802 đánh dấu một cuộc cách mạng trong thái độ của Việt Nam đối với biển và đối với các xứ sở hải ngoại. Chưa đầy mười hai năm, dân tộc Việt Nam, trước đây vốn được mô tả là hoàn toàn không thích hợp với sự hải hành đi xa, đã có thể đón nhận các kỹ thuật ngoại quốc không dễ dàng gì thông hiểu, để thích ứng chúng vào các điều kiện địa phương, để xây dựng một hải quân hữu hiệu và đáng nể sợ và để cung ứng nhân lực cho những chiếc thuyền đi biển cả của họ, bất luận cho mục đích buôn bán hay cho chiến tranh – và đã làm tất cả những điều này với sự trợ giúp tối thiểu của nước ngoài. Một sự xác nhận cho tình trạng này được đưa ra bởi một người Anh, là người đã báo cáo vào lúc vừa bắt đầu thế kỷ thứ mười chin về tầm mức đe dọa mà hải quân Việt Nam có thể gây ra cho các quyền lợi trên biển của Anh Quốc một khi người Pháp có thể lập được một khu định cư tại đó và phát triển hải quân; “Họ có thể tạo lập một hải lực không chỉ có ưu thế trên bất kỳ lực lượng trên biển nào mà chúng ta có được ở Ấn Độ [,] mà còn giúp cho họ có khả năng đối phó với mọi quốc gia trên thế giới” (39). Sự kiện thứ nhì tiêu biểu cho sự khai triển mới của Việt Nam thông ra biển: sứ đoàn được vua Gia Long phái sang Trung Hoa xin tấn phong từ Hoàng Đế nhà Thanh đã đi bằng đường biển chứ không phải đi qua biên giới trên đất liền ở phía bắc, như đã từng xảy ra trong nhiều thế kỷ trước.
Sau cuộc chiến thắng tối hậu trước nhà Tây Sơn năm 1802, Nguyễn Ánh đã để hạm đội của ông dừng bước nghỉ ngơi. Có vẻ chỉ có hai chiến thuyền kiểu Âu Châu là hãy còn hoạt động trong thập kỷ 1810. Việc từ bỏ hải quân xem ra chủ yếu là hậu quả của các vấn đề ngân sách, khi mà chính phủ vào lúc đó đã chi tiêu các ngân khoản lớn cho việc xây dựng các thành lũy và các công trình công cộng như đường xá, kinh đào, đê điều vân vân … Tuy nhiên, ngay từ năm 1819, đã có bằng chứng về sự khởi sự mới trong việc đóng tàu; vua Gia Long đã tái lập một lực lượng quan trọng và đích thân đến giám thị các xưởng đóng tàu (40).
Cũng có bằng chứng về sự tiếp tục kỹ thuật và phẩm chất tương tự cho việc đóng đàu trong thời trị vì của vua Minh Mạng, dựa trên một vài tường thuật của du khách ngoại quốc cho hay rằng các thuyền buồm và các thuyền kiểu Âu Châu và các thuyền có kiểu hỗn hợp đã cùng hiện diện. Các du khách này cũng ca ngợi phẩm chất của các tàu thuyền của Việt Nam. John White đã coi trọng hải quân Việt Nam, giống như Crawfurd, là người đã bình luận rằng “các thuyền của họ, nổi bật bởi những lượng định tốt đẹp, là sự mô tả hay nhất của xảo nghệ bản xứ có thể nhìn thấy được ở bất cứ nơi đâu tại Ấn Độ, và thích hợp để đương đầu với thời tiết xấu nhất mà không sợ mối nguy hiểm nào”. Về các thủy thủ Việt Nam, Crawfurd có nói thêm, “Tôi không biết có dân tộc nào ở phương Đông lại thích hợp tuyệt hảo thế để trở thành những người đi biển lão luyện”. Trong năm 1847, khi hải quân Pháp giao chiến với các lực lượng hải quân của Việt Nam, các thuyền bị phá hủy không chỉ bao gồm các thuyền buồm mà còn có cả năm hộ tống hạm loại tốt (41).
Các thuyền kiểu Âu Châu được đóng cho hải quân cũng được dùng cho việc mậu dịch. Chúng không chỉ chuyên chở thường kỳ lúa gạo từ miền nam ra miền trung Việt Nam, mà còn được dùng cho các chuyến đi ra nước ngoài. Năm 1802, Vua Gia Long đã ra lệnh chấm dứt các phái bộ thương mại được phái ra hải ngoại để mua vũ khí và đạn dược, nhưng vua Minh Mạng đã tái lập tập tục này. Các phái bộ mậu dịch còn có mục đích tạo cơ hội cho thủy thủ đoàn và các sĩ quan Việt Nam được huấn luyện về hải hành trên biển xa, cũng như về việc sử dụng các kỹ thuật Tây phương. Năm 1823, vua Minh Mạng đã chỉ thị một cách rõ ràng cho thủy thủ đoàn là phải học hỏi cách thức sử dụng các dụng cụ hàng hải, chấm định khoảng cách theo la bàn, và nói chung huấn luyện để đào tạo nhân sự điều khiển các thuyền có buồm hình vuông kiểu Âu Châu trên biển cả. Năm 1835, các chỉ thị tương tự tiếp tục nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc học hỏi các kỹ thuật hải hành, các hải lộ và phép vẽ họa đồ lòng biển; năm 1842, người kế ngôi vua Minh Mạng, tức vua Thiệu Trị đã đưa ra các chỉ thị như thế (42).
Ý chí chính trị để học hỏi các kỹ thuật ngoại quốc vẫn được duy trì trong suốt thời trị vì của vua Minh Mạng, đạt tới cực điểm vào cuối thập kỷ 1830, khi nhà vua ra lệnh mua tàu chạy bằng hơi (nước). Sứ giả Việt Nam Phan Huy Chú trong năm 1833 đã nhìn thấy một chiếc tàu chạy bằng hơi lần đầu tiên tại Batavia [tức Jakarta, Nam Dương ngày nay, chú của người dịch], một chiến thuyền hải quân Hoa Kỳ, và một sứ giả khác, Lý Văn Phúc [hay có sách ghi là Phức?, chú của người dịch], đã mô tả chiếc tàu như thế trong chuyến du hành của ông sang Calcutta [Ấn Độ]. Chiếc tàu chạy bằng hơi đầu tiên của Việt Nam đã được mua theo lệnh của vua Minh Mạng vào năm 1839; ba chiếc khác sau đó – được đặt tên Yên Phi, Vũ Phi và Hương Phi – và trong năm 1844 một chiếc thuyền lớn hơn nữa đã được mua về, gọi là chiếc Diễn Phi (43).
Điểm đáng chú ý là người Việt Nam đã sử dụng các thuyền chạy bằng hơi rất sớm từ năm 1839. Sau hết, nước Pháp chưa bao giờ sử dụng các tàu chạy bằng hơi một cách thương mại hóa trước thời khoảng 1816-18, và ngay sau đó chỉ trên một phạm vi nhỏ hẹp của việc hải hành dọc bờ biển. Những chiếc tàu chạy bằng hơi đầu tiên của hải quân Anh Quốc và Pháp đã không được lệnh khởi công xây cất cho đến cuối thập niên 1820. Tại Á Châu, Hòa Lan đã vũ trang chiếc tàu chạy bằng hơi đầu tiên cho hải quân của họ vào năm 1837, và chiếc tàu cho thương mại vào một hay hai năm sau đó (44).
Sự so sánh với nước Xiêm La vào thời điểm này là một điều hữu ích. Mãi tới thập niên 1830 vua Rama II (trị vì từ 1824-51) mới quyết định rằng các thuyền của quốc gia chỉ chuyên dùng các kiểu mẫu của Âu Châu (45). Nói cách khác, người Xiêm La đang nói về thuyền buồm trong khi Việt Nam đã sẵn đầu tư vào tàu chạy bằng hơi. Mặc dù tôi không khảo sát tình hình tại các nước Á Châu khác (sẽ thật lý thú nếu làm một phép so sánh với Trung Hoa và Nhật Bản), có vẻ Việt Nam là một trong những xứ sở quan tâm nhất đến các kỹ thuật hàng hải của Âu Châu trong các nước Á Châu thời nửa đầu thế kỷ thứ mười chín. Mối quan tâm này lên đến cực điểm khi một nỗ lực được thực hiện vào năm 1839 để sao chép [việc đóng] một chiếc tàu chạy bằng hơi tại xưởng đóng tàu ở Huế, mặc dù nỗ lực này đã không thành công. Kỹ năng sao chép các kỹ thuật ngoại quốc của Việt Nam đã vươn tới những giới hạn của nó khi đối đầu với sự phức tạp của đầu máy chạy bằng hơi (nước); không thể trốn tránh được việc học hỏi các kiến thức về khoa học ngoại quốc. Nỗ lực đầy quyến rũ này của Việt Nam nhằm bắt kịp các kỹ thuật mới nhất của Tây phương đánh dấu không chỉ ý chí mạnh mẽ của Hoàng Đế Minh Mạng để thu dụng các kỹ thuật ngoại quốc cho xứ sở của ông, mà còn ghi dấu cho cả các giới hạn của chính sách này. Liệu Việt Nam có thể thực sự tiếp nhận được các kỹ thuật mà không cần phải học hỏi các nguyên lý của khoa học Tây phương hay chăng (46).
Kể từ năm 1790 cho đến lúc có sự xuất hiện của chế độ thực dân Pháp, chúng ta có thể nói rằng Việt nam đã thông thạo các kỹ thuật hàng hải, đã phát triển một cách tinh khôn kỹ năng và khả năng đóng thuyền kiểu Âu Châu, và đã có thể đào tạo nhân lực chuyên môn cho các con thuyền phục vụ cho cả mục đích chiến tranh và mậu dịch. Chính sách này không bị giới hạn vào tình trạng khẩn cấp thời chiến, mà còn được tiếp tục sau khi chiến tranh chấm dứt, dưới các thời trị vì của các vua Gia Long và Minh Mạng. Nó không phải là một chính sách đặc nhiệm nhất thời (ad hoc) của riêng một vị hoàng đế khi đối diện với tình trạng khẩn cấp của chiến tranh, mà đúng hơn là một chính sách thường trực trong suốt thời trị vì của ba vị vua đầu tiên nhà Nguyễn.
CHÍNH SÁCH MỞ CỬA HAY BẾ QUAN TỎA CẢNG?
Dựa vào hai thí dụ được nghiên cứu trong tập khảo luận này, những sự xây cất thành lũy và về hải thuyền, chúng ta có thể thấy các vị hoàng đế Việt Nam triều Nguyễn đã tỏ lộ một sự quan tâm thường trực đến việc tiếp thu các kỹ thuật Âu châu như thế nào. Lý thú hơn nữa, người ta có thể tán thưởng nhiều hơn về việc họ đã kiên trì tiến bước cùng các cải tiến kỹ thuật và đã tiếp nhận và thích ứng các cải tiến này, bất luận là cho việc tu bổ các thành lũy hay để sửa sang đội hải thuyền của họ. Sự quan tâm này cũng không bị giới hạn riêng về các vấn đề quân sự.
Trong phần kết luận, các thí dụ này về các kỹ thuật Âu Châu được nhập cảng và thích ứng tại Việt Nam đã nêu ra một điểm liên quan đến chính sách của Việt Nam trong thời khoảng nửa đầu thế kỷ thứ mười chín. Các kỹ thuật ngoại quốc không những đã không bị từ khước, mà trong thực tế còn được chấp nhận một cách rộng rãi. Hơn nữa, điều quan trọng cần nhấn mạnh là thời trị vì của vua Minh Mạng đã không cho thấy cho một sự quay ngược lại như hình chữ U nằm ngang, các chính sách của vua cha của ông; ngược lại, người ta có thể ghi nhận một sự phát triển trong các nỗ lực nhìn ra ngoài Việt Nam để tìm kiếm các sản phẩm và các kỹ thuật ngoại quốc, và hiển nhiên để tìm những gì mới lạ nhất. Các vua Gia Long và Minh Mạng chính vì thế đều nhận thức rất rõ về mối đe dọa của Âu Châu, và đã làm mọi điều có thể làm được để giữ các ảnh hưởng chính trị Tây Phương ở bên ngoài vương quốc của họ: việc từ chối tiếp kiến các phái bộ chính thức, cả của Anh lẫn Pháp, và ý muốn kiểm soát mậu dịch với Âu Châu, cũng như sự thù nghịch của họ đối với các tín đồ Thiên Chúa Giáo, rõ ràng là các hậu quả của những nỗi lo sợ như thế. Mặt khác, họ rất cởi mở đối với các khía cạnh khác của thế giới bên ngoài, kể cả thế giới của người Âu Châu. Họ đã nhiệt tình duy trì sự độc lập của mình trong một thế giới Á Châu sắp sửa sụp đổ dưới sức nặng của sự bành trướng của Âu Châu, hơn là nghiêng về việc bế quan tỏa cảng đối với thế giới bên ngoài. Sự chấp nhận và thích ứng không ngừng các kỹ thuật của Âu Châu cung cấp bằng chứng rõ rệt cho sự kiện này./-
Nguồn: Journal of Southeast Asian Studies, 34 (3), các trang 519-534 October 2003, @2003 The National University of Singapore
CHÚ THÍCH (cho cả 2 kỳ):
Frédéric Mantienne là Phụ Khảo tại Phòng Khảo Cứu Bán Đảo Đông Dương (Laboratoire Péninsule Indochinoise), thuộc trường École Pratique des Hautes Études và trường École Francaise d’Extrême-Orient tại Paris. Địa chỉ email của ông là [email protected]