Phép kỵ húy thời Nguyễn

Húy là gì? – Húy là cấm, là tránh, là tên người chết. Đó là ba nghĩa của từ húy trong tự điển Trung-hoa. Về giải tự, chúng ta nhận thấy chữ húy do chữ ngôn (là nói) hợp với chữ vi (là trái nghịch), hội ý: húy là những tên, những chữ phải cấm, phải tránh, hễ ai không biết mà nói đều là trái phép, nghịch lệ.

Từ nhà Ân, (1783 trước Tây lịch) trở về trước chưa có phép kỵ húy. Phép kỵ húy khởi đầu từ đời nhà Chu (1122-250 trước T.L) mà thôi.

Khởi đầu lệ kỵ húy chỉ áp dụng cho người chết, người còn sống thì không phải kỵ húy tên, chỉ khi chết rồi thành quỷ thần được than khóc, được thờ phụng mới được kỵ húy tên.

Thời Xuân-thu (722-481 trước T.L) bực tôn trọng, bực ông bà cha mẹ, bực hiền tài đều được húy tên.

Cho nên dân chúng phải húy tên các vị vua chúa, húy tên của ông bà cha mẹ mình và của người khác nếu mình biết giữ lịch sự và húy tên những bực hiền tài nữa. Ngày xưa khi đến nhà người, trước hết mình phải hỏi tên húy của ông bà cha mẹ nhà ấy để khi nói chuyện khỏi phạm những tên húy ấy mà khỏi mất lòng chủ nhà. Thiên Điển-lễ trong kinh Lễ có chép rằng Nhập môn nhi vấn húy (Vào cửa thì hỏi tên tổ tiên của chủ nhà để biết mà kiêng húy).

Hiểu biết đại khái như thế chúng ta cũng rõ được phần nào tại sao Hằng-nga cũng được gọi là Thường-nga. Từ ngày Hán Văn-đế lên ngôi, tiếng hằng là tên của Hán Văn-đế được dân chúng kiêng húy không dám nói đến, tiếng hằng bị thay thế bằng tiếng thường, vì hằng ngày cũng như thường ngày, và Hằng-nga được thay thế bằng Thường-nga. Và chúng ta cũng không lấy làm lạ khi nghe đến bộ Dân bị đổi ra bộ Hộ vì tên của Đường Thái-tông (627-650) là Thế-Dân, chữ dân bị thay thế bằng chữ hộ. Chữ kiên trùng với tên Tôn Kiên vua Ngô thời Tam-quốc (220-280) được các nho sĩ Đông Ngô kiêng tránh đọc ra chân.

Ở Trung quốc, nho sĩ thờ Khổng tử tên Khưu làm Vạn thế sư (thầy muôn đời), húy chữ khưu, khi đọc kinh sử gặp tên Khổng Khưu thì đọc tránh ra Khổng mỗ, rồi lấy bút son khuyên vòng chữ khưu lại, và chữ khưu phải viết bớt nét.

Vua Minh-mệnh năm thứ 14 (1833) tôn sùng nho giáo, đã ra lịnh kỵ húy chữ khưu là tên của Khổng tử, phải đọc ra kỳ. Từ đó Khổng Khưu thành Khổng Kỳ.

Chữ hôn xưa viết với dân (là tối tăm) và nhật (là mặt trời) hội ý : mặt trời lặn thì tối-tăm lúc chiều tối. Chữ dân trùng tên với Đường Thế-Dân phải húy, phải viết bớt nét, cho nên chữ hôn ngày xưa viết thiếu nét thành chữ hôn ngày nay.

Người Việt-nam đã bắt chước theo Trung-hoa, đã thâm nhiễm lệ kỵ húy từ mấy ngàn năm qua, tất cả những gì đáng tôn, đáng kính, đáng sợ, đáng nề đều được kỵ húy. Húy tên vua tên chúa, húy tên ông bà cha mẹ, húy tên quan lớn quan bé, húy luôn tên con cọp hung ác, tên chứng bịnh ngặt nghèo. Con cọp được gọi là Ông Ba-mươi. Tên bịnh yết hầu, bịnh xỉ tẩu-mã được thân nhân người bịnh kiêng kỵ không dám nói chính danh ra.

Vì kỵ húy người ta gọi họ thay tên: Khổng Khưu, Mạnh Kha được gọi là Khổng tử, Mạnh tử.

Hiểu được tinh thần kỵ húy ấy chúng ta nhận xét rằng lệ kỵ húy của các triều đại đã qua nhất là triều Nguyễn gần đây đã thay đổi ngôn ngữ, tên sông, tên núi, tên người, tên quan chức. Thí dụ:

Cửa Ô-long ở đông-bắc Phú-lộc tỉnh Thừa-thiên đời Lý gọi là Ô-long, đời Trần đổi gọi cửa Tư-dung, đời Mạc đổi gọi cửa Tư-khách (dùng chữ khách giống chữ dung để thay đổi nhau mà tránh tên Mạc Đăng Dung), đời Lê phục hưng gọi lại cửa Tư-dung, lại có tên là cửa Ông, cửa Biện, thời nhà Nguyễn vua Thiệu-trị đổi gọi là cửa Tư-hiền (vì húy tên vua là Thiệu-trị là Dung). – Đại-Nam nhất thống chí quyển 2, tờ 51a-52a.

Chữ lỵ trùng tên của vua Lê Lỵ, phải đọc sai ra lợi. Ngày nay dân chúng chỉ hiểu tiếng lợi mà không biết tiếng ly.

Cha mẹ người miền Nam không bao giờ gọi đứa con đầu lòng của mình là thằng cả hay con cả, có lẽ vì kỵ húy tên Cha Cả của Ông Bá-đa-lộc (Evêque d’Adran) hay kỵ húy chức ông Cả (vị đứng đầu trong ban hội tề ở làng xã miền Nam).

Người Nam nói dợt binh, dợt võ mà không nói duyệt binh, duyệt võ vì kỵ húy tên của Ông Tả quân Lê Văn Duyệt.

Ở Bắc chức cai cơ được đổi ra chức quản cơ vì húy tên cha vua Đồng-khánh là Hồng Cai, chức tham biện được đổi ra chức tham tá vì húy tên vua Đồng-khánh là Biện, tức cha vua Khải-định.

Đã nhận được tầm quan trọng của ảnh hưởng kiêng húy, chúng ta cần biết qua thế phổ của triều nhà Nguyễn để biết đại khái các tên đã kỵ húy.

Thế phổ chúa Nguyễn ở miền Nam

Nguyễn Câm húy đọc Kim
Nguyễn Hoàng chúa Tiên
Nguyễn Phúc Nguyên chúa Sãi
Nguyễn Phúc Lan chúa Thượng
Nguyễn Phúc Tần chúa Hiền
Nguyễn Phúc Trăn chúa Nghĩa
Nguyễn Phúc Chu  
Nguyễn Phúc Chú  
Nguyễn Phúc Khoát  
Nguyễn Phúc Thuần  

Đọc đến phần Kính tự húy tự trong hai bộ Khâm định Đại-Nam hội điển sự lệ Khâm định Đại-Nam hội điển sự lệ tục biên, chúng tôi còn nhận được nhiều tên húy khác, nhưng không rõ mối huyết thống thế nào không thể xếp vào bản thế phổ kể trên được. Chúng tôi rất tiếc không đặng dở ngọc diệp để đọc mà hiểu rõ tường tận về hoàng gia. Việc thiếu sót ấy hẳn là tất nhiên, vì năm Tự-đức thứ 14 (1861) có lịnh sai sử quán sao chép những chữ quốc húy cho tất cả quần thần được biết để khỏi phạm tội, nhưng vẫn không cho ghi rõ là tên húy của vị nào, ở thời đại nào.

Theo tinh thần ấy chúng ta nhận thấy triều đình tuy cho công bố những tên húy, nhưng còn cố ý giấu nhân dân, không muốn cho nhân dân hiểu rõ lý lịch của hoàng gia.

***

… Vây hãm giữa bao nhiêu luật lệ phạm húy khắt khe, sĩ tử ngày xưa đánh ra liều ra đi thi để mong xuất chính làm quan cho trước là đẹp mặt sau là ấm thân, như đứng giữa một thang mây và một vực thẳm.

Văn hay chữ tốt mà không phạm húy thì đỗ tú tài cử nhân tiến sĩ, leo lên thang mây vinh hiển rỡ ràng, thênh thang bước lên hoạn lộ.

Còn dẫu cho văn hay chữ tốt và tư tưởng cao siêu đến mấy đi nữa mà phạm húy thì nho sĩ ấy chẳng khỏi nát thịt tan xương dưới trận đòn 100 trượng, còn bị bôi tên ở sổ thi đỗ trở lại hạng thầy đồ. Đó là vực thẳm trong khoa trường chực đón các nho sinh không để ý.

… Nếu cái đà kỵ húy ấy cứ bành trướng và kéo dài mãi thì tiếng Việt-Nam sẽ đến một ngày trở thành ngọng-nghịu vặn vẹo hết cả, còn chữ nho thì chữ thiếu nét, chữ thừa nét đều biến ra tàn tật hết cả.

Xét lại người Việt-Nam sở dĩ đã tiêm nhiễm được những lệ kỵ húy khốc hại ấy là vì người mình chỉ giỏi tài bắt chước chớ không giỏi tài biết suy xét canh tân.

Triều đình ta bắt chước theo Tàu thi hành một cách nghiêm khắc lệ kỵ húy là để bảo cho thần dân hiểu rằng vua là Con trời (Thiên-tử) có quyền uy tuyệt đối thiêng liêng, phạm đến vua là phạm đến trời, ai động đến tên vua thì bị roi đòn cách chức, còn ai phạm đến mình rồng thì ba họ bị tru di.

Triều đình thi hành lệ kỵ húy nghiêm khắc là để vây hãm tư tưởng của thần dân. Viết một câu hay nói một lời, thần dân phải rào trước đón sau xem có phạm húy của triều đình hay không. Quá chú trọng về hình thức, thần dân cơ hồ như mất hết tư tưởng tự do cao xa và phóng túng.

Chính sách ngu dân kỵ húy này thật có lợi cho chế độ quân chủ để giữ vững ngai vàng.

Chỉ xét về chính sách kỵ húy này, chúng ta có thể nói nhà Nguyễn chỉ là triều phục hưng của Chúa Nguyễn mà thôi chớ không phải là một triều cách mệnh. Nhà Nguyễn tiếp xúc rất sớm với Tây-phương nhưng không canh tân được xứ sở, và trị dân với những luật lệ lỗi thời của nhà Chu nhà Tần ở mấy ngàn năm trước thì làm sao khỏi bị mất nước?

(trích trong bài Quốc húy của triều Nguyễn – Tạ Quang Phát – Việt Nam Khảo-cổ Tập-san số 4, Bộ Quốc-gia Giáo-dục Sài Gòn 1966)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN