Buổi bình minh của thương mại Việt Nam với Châu Âu

Alastair Lamb

Bài viết này trích trong chương đầu tiên của cuốn sách “The Mandarin Road to Old Hue: Narratives of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the 17th century to the eve of the French conquest” (tạm dịch: Con đường cái quan tới Huế xưa: Ký sự về ngoại giao Anh – Việt từ thế kỷ 17 tới khi Pháp xâm lược) của sử gia Alastair Lamb. Qua ghi chép của những người Châu Âu đầu tiên giao thương với Việt Nam, có thể thấy vị trí địa lý chiến lược của nước ta trong mối quan hệ kinh tế – thương mại với các nước trong khu vực và trên thế giới đã được công nhận và đánh giá cao ngay từ thế kỷ 16. Việc tìm hiểu về các thương cảng và các tuyến thương mại của Việt Nam xưa sẽ cung cấp những gợi ý để phát huy, khai thác đúng đắn lợi thế của Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết này.

***

Những người Châu Âu đầu tiên thử nghiệm giao thương với Việt Nam là người Bồ Đào Nha. Perez (năm 1516) và Coelho (năm 1524) đã khám phá bờ biển Đông Dương; và vào năm 1535, A. de Faria đã neo đậu ở vịnh Tourane (Đà Nẵng ngày nay) và thăm thương cảng Fai-fo (Hội An ngày nay). Từ khoảng năm 1540, người Bồ Đào Nha bắt đầu ghé Fai-fo thường xuyên. Một vài năm sau đó, họ mở rộng giao thương ra ngoài Bắc. Sau khi người Bồ Đào Nha bắt đầu định cư ở Macao vào những năm 1550, Macao trở thành căn cứ để họ giao thương với cả An Nam (miền Trung Việt Nam ngày nay) và Tongking (miền Bắc Việt Nam ngày nay). Mặc dù các thương nhân Bồ Đào Nha thỉnh thoảng vẫn cư ngụ tại Fai-fo thuộc An Nam, vào thế kỷ 16, Tongking chỉ được đón tiếp các đoàn thương nhân Bồ Đào Nha đến từ Macao. Ở cả An Nam và Tongking, người Bồ Đào Nha nhận thấy phần lớn việc giao thương của Đông Dương với nước ngoài nằm trong tay của người Hoa và người Nhật, còn người Việt Nam có xu hướng tự thu mình trong lĩnh vực buôn bán nội địa. Có lẽ điều này là hệ quả của chính sách, bởi vào thế kỷ 16 cũng như các thời kỳ về sau, các triều đại Việt Nam coi việc giao thương với nước ngoài là đặc quyền của họ, và có lẽ triều đình chỉ ban đặc quyền đó cho một số người được ưu ái, chứ không cho phép thương mại tự do. Khách hàng mua các mặt hàng nước ngoài chủ yếu là triều đình, và triều đình cũng kiểm soát việc cung ứng và buôn bán các mặt hàng bản địa. Người Bồ Đào Nha ở Macao đặc biệt quan tâm tới Việt Nam như một nguồn cung lụa thô để xuất khẩu sang Nhật Bản trên những chuyến hải hành thường xuyên tới Hirado và Nagasaki.

Tranh vẽ Macao cuối thế kỷ 16. Vào thời điểm này, Macao là thuộc địa của Bồ Đào Nha, và là căn cứ để người Bồ Đào Nha giao thương với Việt Nam.

Sự hiện diện của các thương nhân Nhật Bản ở Đông Dương là một phần của quá trình Nhật Bản mở rộng giao thương với nước ngoài một cách chính thức và phi chính thức. Đó là một đặc điểm nổi bật của lịch sử Viễn Đông thế kỷ 16, cho đến khi bị chững lại đột ngột do chính sách cô lập của Mạc phủ Tokugawa vào các thập kỷ thứ 3 và thứ 4 của thế kỷ 17. Giữa thế kỷ 16, các cuộc tấn công của tàu Nhật lên bờ biển Trung Hoa cùng nạn cướp biển, vốn bắt đầu từ 100 năm trước đó, lên tới đỉnh điểm. Cuối thế kỷ 16, Hideyoshi xâm lược Triều Tiên nhưng bất thành, và bắt đầu tính đến việc thôn tính một phần lớn của Đế chế Trung Hoa. Trong thời kỳ này, những người Nhật táo bạo đã len lỏi tới nhiều ngóc ngách xa xôi của Đông Nam Á. Với vị trí địa lý gần Nhật Bản nhất, Philippines giành được sự chú ý đặc biệt: tới năm 1582, đã xuất hiện những khu dân cư người Nhật ở đảo Luzon. Nếu không vì sự thay đổi chính sách của Nhật trong thập niên 1630, rất có thể hòn đảo này đã bị người Nhật tước khỏi tay người Tây Ban Nha. Người Nhật cũng thâm nhập vào đất liền Đông Nam Á; và ngoài Việt Nam, họ còn hiện diện ở Xiêm La và Campuchia với tư cách là lính đánh thuê. Năm 1592, Hideyoshi cố gắng quản lý tập trung việc giao thiệp của người Nhật với nước ngoài bằng cách thiết lập một hệ thống cấp phép chính thức cho các chuyến hải hành. Trong suốt hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 17, các giấy phép được đóng triện đỏ đã quản lý được hơn 80 chuyến hải hành của người Nhật tới Việt Nam và Campuchia, 37 chuyến tới Xiêm La, 30 chuyến tới Philippines, và một số tới quần đảo Malay. Mặt hàng chủ yếu mà các thương gia người Nhật tìm kiếm ở Việt Nam và Campuchia là lụa thô.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 2, mặt khắc 4 ghi lại sự kiện Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho mua đồng đỏ của thuyền buôn nước Nhật Bản, năm 1617: “Xứ Thuận Quảng duy không có mỏ đồng, mỗi khi những thuyền buôn Phúc Kiến, Quảng Đông hay Nhật Bản, chở đồng đỏ đến bán thì nhà nước thu mua, cứ 100 cân thì trả giá 40 hay 50 quan tiền”.

Đối với những du khách Châu Âu hồi cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, sự hiện diện của người Nhật là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Việt Nam. Năm 1620, Christopher Borri, một trong những nhà truyền đạo Thiên Chúa đầu tiên tới An Nam, kể về ngoại thương của Đông Dương như sau:

Người Trung Hoa và người Nhật Bản là động lực chính cho ngoại thương của Cochin-China1, thông qua một hội chợ được tổ chức thường niên tại một trong các cảng của vương quốc này, và kéo dài khoảng 4 tháng. Trên những con tàu, người Trung Hoa chở theo một lượng lớn đồ gốm sứ; còn người Nhật mang theo vô số lụa hảo hạng và các mặt hàng khác từ xứ sở của họ. Nhà Vua có được doanh thu khổng lồ từ hội chợ này thông qua thuế quan và hàng hóa nhập khẩu, và cả đất nước thu được lợi nhuận lớn… Thương cảng chính yếu nơi những người nước ngoài này cập bến, và nơi hội chợ được tổ chức, là thương cảng của tỉnh Cacchian (Quảng Nam); cảng này có hai cửa, tức là hai vịnh biển: Pulluchiampello (Cù Lao Chàm) và Turon (Đà Nẵng), ở điểm đầu cách nhau 3-4 lý, nhưng kéo dài 7-8 lý như hai con sông lớn, rồi cuối cùng hội tụ làm một, nơi tàu thuyền tiến vào từ hai ngả có thể gặp nhau. Nơi đây, Vua Cochin-China giao cho người Trung Hoa và người Nhật một địa điểm thuận tiện trên đất liền để xây dựng một đô thị phục vụ cho lợi ích của hội chợ này. Đô thị đó tên là Fai-fo, nó lớn đến mức có thể coi như hai thành phố, một của người Trung Hoa, một của người Nhật; hai khu vực này có tỉnh trưởng riêng, và người Trung Hoa sống theo luật Trung Hoa, người Nhật sống theo luật Nhật.

Chùa Cầu ở Hội An được các thương nhân Nhật Bản xây dựng vào đầu thế kỷ XVII (Ảnh: Trương Công Ánh)

Đối với các thương nhân Châu Âu ở Viễn Đông, trước hết là người Bồ Đào Nha, sau là người Hà Lan và Anh Quốc, Việt Nam là nguồn lợi kinh tế không hẳn vì chính bản thân nó, mà quan trọng hơn, bởi xứ này có vai trò quan trọng trong một hệ thống thương mại phức tạp liên quan đến cả Trung Hoa và Nhật Bản. Ban đầu, người Châu Âu gặp chút khó khăn trong việc thu thập đủ hàng hóa để bán cho người Trung Hoa nhằm cân bằng với lượng nhập khẩu hàng hóa Trung Hoa. Vào thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha chủ yếu dùng bạc để giao thương với Trung Hoa. Đến thế kỷ 19, kế tục người Bồ Đào Nha, các thương nhân Châu Âu thế hệ sau tiếp tục gặp phải sự mất cân bằng thương mại với Trung Hoa, trong đó phần thâm hụt của họ phải trả bằng tiền. Một trong các nguồn tiền của họ là các mỏ bạc ở Nam Mỹ, từ đó bạc được chở đến phương Đông qua Lisbon và Mũi Hảo Vọng, hoặc qua ngả Manila của Philippines thuộc Tây Ban Nha. Một nguồn tiền khác là Nhật Bản.

Một đặc điểm của sự phát triển kinh tế Nhật Bản giữa thế kỷ 16 là sự mở rộng mạnh mẽ của ngành khai mỏ, đặc biệt là sự tăng trưởng sản lượng bạc. Các mỏ bạc mới được phát hiện vào thập niên 1530 và 1540; kỹ thuật tinh luyện bạc được cải tiến rất nhiều trong thời kỳ này nhờ việc tuyển mộ các nghệ nhân từ Trung Hoa và Triều Tiên. Sự phát triển của ngành sản xuất bạc Nhật Bản khiến cho bạc Nhật Bản bị định giá thấp hơn so với ở Trung Quốc. Tỷ giá vàng/bạc ở Nhật Bản vào những năm cuối của thế kỷ 16 nhìn chung ở mức 1/10 đến 1/12, rất gần với tỷ giá ở Tây Ban Nha cũng vào thời kỳ đó. Ở Trung Quốc, tỷ giá phổ biến là 1/6. Nói cách khác, khi được định giá dựa trên vàng, bạc ở Trung Quốc có giá trị gần như gấp đôi so với ở Nhật Bản hay các nước Châu Âu có khả năng tiếp cận trực tiếp với tài nguyên của Tân Thế Giới, đặc biệt là Tây Ban Nha. Giá trị cao của đồng bạc ở Trung Quốc dẫn đến hai hệ quả kinh tế quan trọng. Thứ nhất, bởi người Trung Quốc không nhận thấy sự khác biệt về tỷ giá, các thương nhân Châu Âu với những đồng bạc giá rẻ [từ Nhật Bản hoặc Nam Mỹ – chú thích của người dịch] đã mua được hàng Trung Quốc với giá rẻ hơn giá trị thực của nó. Thứ hai, người Trung Quốc quý trọng đồng bạc của mình đến mức họ không muốn dùng nó để mua hàng nước ngoài. Nói chung, họ ưa thích dùng các sản vật địa phương, đặc biệt là lụa, để trao đổi lấy các mặt hàng nước ngoài cần thiết.

Vào thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, Nhật Bản có nhu cầu lớn về lụa Trung Hoa, cả lụa thô và lụa dệt, bởi nó được đánh giá là hảo hạng hơn so với sản phẩm lụa trong nước. Người Nhật cũng sẵn sàng mua lụa tại các khu vực khác; và lục địa Đông Nam Á nhận được sự quan tâm đáng kể từ các thương nhân người Nhật. Về nguyên tắc, đặc điểm kinh tế này, trong đó người Trung Hoa cần bạc, còn người Nhật cần lụa, có thể tạo ra một con đường giao thương trực tiếp và chặt chẽ giữa người Trung Hoa và người Nhật, khiến cho các quốc gia khác khó có thể thâm nhập. Nhưng trên thực tế, tới giữa thế kỷ 16, thương mại Trung – Nhật bị tuột dốc. Quá phẫn nộ trước tình trạng cướp biển Nhật Bản đánh phá bờ biển Trung Hoa, nhà Minh chính thức nghiêm cấm mọi liên hệ giữa Trung Hoa và Nhật Bản. Từ đó, các thương nhân Trung Hoa và Nhật Bản bắt đầu trao đổi, mua bán một cách phi chính thức. Các triều đại Trung Hoa không thể ngăn cản tinh thần kinh doanh của các thương nhân nước này, cũng như không thể kiểm soát mọi hoạt động của tàu thuyền. Tuy nhiên, chính sách ngăn cấm của nhà Minh lại tạo cơ hội làm ăn cho những người Bồ Đào Nha hiện đang định cư tại Macao, và họ nhanh chóng nắm bắt nó. Họ trở thành người môi giới trong thương mại Trung – Nhật, phần lớn lượng hàng xuất khẩu của họ sang Nhật Bản là lụa Trung Hoa, và ít nhất một nửa lượng hàng mà họ nhập khẩu từ Nhật Bản là bạc. Thương vụ béo bở này tiếp diễn tới năm 1640, khi Mạc phủ Tokugawa ban hành chính sách cô lập và đóng cửa một sứ quán Bồ Đào Nha ở Nhật. Sau năm 1640, toàn bộ ngoại thương của Nhật Bản bị thu gọn vào một cảng duy nhất là Nagasaki. Ở đó, chỉ lác đác một vài thương nhân Hà Lan và Trung Hoa được phép hoạt động hết sức hạn chế trong điều kiện bị kiểm soát nghiêm ngặt.

Động năng của thương mại Trung – Nhật, vốn đem lại lợi nhuận dồi dào cho người Bồ Đào Nha, hẳn cũng hấp dẫn người Anh và người Hà Lan. Trước khi Richard Cocks, một thương nhân của Công ty Đông Ấn, tới Hirado vào năm 1613, Will Adams, vốn đã sống ở Nhật từ năm 1600, đã vài lần báo cáo với các thương điếm của Công ty Đông Ấn tại Bantam (Indonesia) về khả năng mua bạc của Nhật để đầu tư vào Trung Hoa. Không nghi ngờ gì nữa, chuyến du hành bất thành của thương điếm Nhật Bản [của Công ty Đông Ấn, n.d.] tới Annam năm 1613 và những thử nghiệm sau đó về thương mại với người Việt chủ yếu nhằm mục đích tìm kiếm những mặt hàng có thể đem trao đổi tại Nhật để lấy vàng và bạc. Có lẽ đó cũng là động cơ của những thương vụ đầu tiên của Công ty Đông Ấn tại những nơi khác trên lục địa Đông Nam Á, như Patani ở bờ đông bán đảo Malay và Ayuthia ở Xiêm La, mà mở đầu là chuyến hải hành của tàu Globe vào những năm 1612-1613. Tuy nhiên, người Anh không tận dụng được hết các mạng lưới thương mại mà họ đã thiết lập được. Họ bị chi phối bởi mong muốn bán các sản phẩm Anh Quốc, đặc biệt là vải len, tại những khu vực có đặc điểm khí hậu khiến vải len không phù hợp hoặc không thể cạnh tranh nổi với các loại vải địa phương. Mặc dù các thương nhân của Công ty Đông Ấn đều thấy được tiềm năng của hệ thống thương mại qua các vùng biển phương Đông, nhưng vào thời kỳ đầu, Công ty Đông Ấn đã không vạch ra được một chính sách toàn diện để khai thác các tiềm năng đó. Vì vậy, Hirado, Patani và Ayuthia đều không đem lại lợi nhuận và vào năm 1623, người Anh đã bỏ mặc các cơ sở này. Quyết định này được đưa ra dựa trên những tính toán về kinh tế. Như Tiến sĩ Bassett đã chỉ ra, đó không phải là hệ quả của thứ gọi là “Cuộc thảm sát Amboyna”, trong đó người Hà Lan phá hủy thương điếm Anh Quốc ở Amboyna thuộc quần đảo Moluccas vào tháng 2 năm 1623.

Dân làng ở gần Fai-fo (tranh của W. Alexander in trong cuốn sách ‘Cochinchina’ của John Barrow, xuất bản năm 1806)

Sau khi rời đi vào năm 1623, người Anh không trở lại Đông Nam Á lục địa cho tới thập niên 1650; và họ cũng không tìm cách liên hệ với Việt Nam cho đến khi thương điếm Tongking được thành lập vào năm 1672. Tuy nhiên, trong những năm về sau của nửa đầu thế kỷ 17, khu vực Xiêm La, Campuchia và Việt Nam vẫn được Châu Âu quan tâm, và ở một mức độ nhất định, mối quan tâm này xuất phát từ các sự kiện ở Nhật Bản. Trong suốt nửa sau thế kỷ 16, chủ yếu nhờ vào sự nở rộ của thương mại Bồ Đào Nha, các nhà truyền đạo Công giáo đã thiết lập được một cơ sở đầy hứa hẹn tại Nhật Bản. Đến thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 17, nhà cầm quyền Nhật Bản, vốn có thái độ thờ ơ với việc du nhập một tôn giáo ngoại lai, bắt đầu phản ứng chống lại các giáo sĩ với mức độ ngày càng gay gắt. Điều này buộc các giáo sĩ ở Ma Cao phải tìm kiếm những miền đất khác để truyền đạo; và Việt Nam hẳn là một xứ sở đầy tiềm năng, bởi nước này đã giao thương với người Bồ Đào Nha trong suốt hơn nửa thế kỷ. Cha Buzomi và Carvalho tới Tourane (Đà Nẵng) vào đầu năm 1615, và thành lập một hội truyền giáo. Năm 1618, Christopher Borri, tác giả của công trình khảo cứu về Việt Nam đầu tiên viết bằng ngôn ngữ Châu Âu, gia nhập hội này. Năm 1626, hội truyền giáo Tourane cử Cha Baldinotti tới Tongking. Kết quả chuyến đi đó là việc thành lập một hội truyền giáo tại lãnh địa của họ Trịnh vào năm 1627, đứng đầu là giáo sĩ người Pháp Alexander de Rhodes, tác giả của nhiều tác phẩm về Việt Nam./.

Nam Chi lược dịch

__________________

[1] Đối với người Bồ Đào Nha, cũng như tất cả những người Châu Âu từ khi mới tiếp xúc với Việt Nam vào đầu thế kỷ 16 cho đến giữa thế kỷ 19, Cochin China nghĩa là An Nam – vương quốc Việt Nam ở miền Nam, kinh đô đặt tại Huế. Khi người Pháp đến, thuật ngữ Cochin China được dùng để chỉ khu vực Sài Gòn, phần đất đầu tiên ở lục địa Đông Nam Á bị người Pháp chiếm làm thuộc địa. Còn có nhiều huyền thoại bao quanh nguồn gốc của địa danh Cochin China. Học giả Pháp Aurousseau cho rằng người Bồ Đào Nha đặt ra tên gọi này dựa trên từ Kuchi trong tiếng Malay, có thể bởi nó nghe giống như từ Chiao-chi trong tiếng Trung Quốc. Với người Trung Quốc, Chiao-chi nghĩa là Tongking chứ không phải An Nam; và có lẽ tên gọi này cũng là cơ sở cho một thuật ngữ khác do người Châu Âu đặt ra, Cachao, dùng để chỉ nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Hà Nội, thủ đô của Tongking. Từ Kuchi trong tiếng Malay được người Bồ Đào Nha sử dụng đầu tiên để chỉ toàn bộ bờ biển Việt Nam, và sau đó dùng riêng cho khu vực An Nam. Kuchi nghe khá giống Cochin, nằm bên bờ biển Malabar miền Nam Ấn Độ. Do đó, người Bồ Đào Nha thêm vào sau đó chữ China (Cochin China) để phân biệt với Cochin của Ấn Độ (chú thích của tác giả).

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN