Ngoại giao triều Nguyễn trước khi Pháp xâm lược Việt Nam (Kỳ 2)

Kỳ 2: Bế môn Tự đại

Triều Minh Mạng (1820 – 1840)

Đối với Pháp, Anh

Nguyễn Phúc Đởm, ngày 25 tuổi, Vua Gia Long lập làm Hoàng thái tử, đã tự chuẩn bị những phương pháp nội trị ngoại giao theo chí hướng riêng, không theo thành kiến. Ngày 29 tuổi, chính thức đăng quang; áp dụng những phương pháp đã chuẩn bị năm xưa, tự đổi quốc hiệu ra Đại Nam không thông qua với Bắc Kinh, có ý rời nhà Thanh, cũng như hồi năm Bính Thân (1776), nước Mỹ rời nước Anh để tự mình độc lập.

Theo quốc hiệu cũ, tức là đóng vai một nước chư hầu; thà đứng trước mỏ gà, hơn là ngồi sau đuôi trâu[1]; làm Vua nước Đại Nam, biết giữ chủ quyền, dầu chưa cường thịnh như nhà Thanh, cũng đứng trên các dân tộc thiểu số.

Chân dung Vua Minh Mạng trong cuốn sách “Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin-China” của John Crawfurd (1783-1868), in tại London năm 1828.

Năm Canh Thìn (1820), Vua nước Pháp (Louis XVIII) cho Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau) đem phẩm vật và quốc thư sang chúc mừng vị tân quân và xin thông thương giao hảo. Trong thư nói: “… Sở dĩ Nguyễn Văn Thắng sang làm Lãnh sự là vì có ý lựa chọn người mà Tiên đế đã tin dùng…”.

Người viết với người đọc quan niệm khác nhau; Vua Minh Mạng chưa muốn giao thiệp trực tiếp với một nước nào, trước khi có đủ binh thuyền để tự vệ. Khi được bức thư của Pháp đế, mới sai một vị quan hầu viết cho Bộ Ngoại giao[2] rằng:

“Tiểu quốc ở phương Nam, Đại quốc ở phương Tây, bờ cõi hai nước cách nhau xa, có mấy lớp biển. Dân của tiểu quốc thiếu những phương tiện đi sang Đại quốc, như ngày hoàng khảo đã cho đi; vì vậy nên tuy liên lạc có mấy mươi năm, mà dân trong nước vẫn chưa thông chữ Pháp. Nay được thư của Đại quốc, tiếc không có người dịch cho đúng nguyên văn; thành thử, quả nhân chỉ hiểu lờ mờ, không dám tự cho là có hiểu.

Còn vấn đề thương ước, thì có thể giải quyết theo lối thông thường: xuất cảng, nhập cảng, nước Đại Nam đã có lệ định rõ ràng, các nước ngoài vẫn đã áp dụng xưa nay, nếu muốn khỏi phiền phức cho cả hai bên, quả nhân tưởng không nên lập thêm, hay là lập riêng một thương ước khác…”.

Hai năm sau (1822), chiếc Cléopâtre chiến thuyền Pháp vào cửa Đà Nẵng, viên Tư lệnh thuyền trưởng muốn trực tiếp gặp Vua, có Nguyễn Văn Thắng làm tay trong mà vẫn không xin được phép.

Tháng 7 năm ấy, thuyền Anh Cát Lợi cũng đến, song không được dễ dàng như Xiêm La, đã vận động mở cuộc thông thương, mà bị Hải Vân quan đóng cửa.

Thấy rõ chính sách ngoại giao của Vua Minh Mạng, dầu ở lại cũng chẳng ích gì, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Chấn đều xin về ngày 15/11/1824.

Thấy nguyên liệu dồi dào cho các ngành công nghệ, như mèo thấy mỡ, nước nào cũng dòm ngó bên ngoài. Năm Ất Dậu (1825), vua Louis XVIII cho Thủy quân Đại tá De Bougainville đem quốc thư và phẩm vật sang, đi 2 chiếc thuyền Thétis và Espérance, đều vào cửa Hàn, để tìm cách đến Kinh đô thương thuyết. Vua Minh Mạng thấy nước Pháp, nước Anh đương xung đột, mà năm trước đã từ khước nước Anh, nên sắc[3] cho các quan tỉnh Quảng Nam lựa lời từ tạ Bougainville, nhưng cũng phải cung đốn[4] cho phu phỉ. Tuân theo mật lệnh, các quan tự mở màn đàm phán, theo lối ngoại giao: “Thủy quân ở xa đến, địa chủ lấy làm hân hạnh, có dịp đến tặng thổ nghi: mấy cặp heo bò, mấy cây hàng lụa. Còn quốc thư, vì trong nước không hiểu chữ Pháp, nên gởi về Kinh cũng chẳng ích gì”.

Năm sau (1826), Pháp Hoàng còn cho Eugène Chaigneau, con người anh Nguyễn Văn Thắng, sang làm Lãnh sự, cháu thay chân chú, để giữ địa vị cũ trên đất Việt Nam. Chẳng ngờ mới đến Sài Gòn đã bị quan Tổng trấn Nam kỳ[5] không công nhận. Eugène phải trở về Pháp, tức là ngày hai nước tuyệt giao.

Eugène Chaigneau, cháu của Jean-Baptiste Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng), được Pháp cử sang làm Lãnh sự ở Huế năm 1826 nhưng cũng không được tiếp kiến Vua Minh Mạng. Nguồn ảnh: Bulletin des Amis du Vieux Hué, tháng 1-3/1923

Đối với Mỹ

Năm Nhâm Thìn (1832), chiếc thuyền Mỹ vào vùng Lấm tỉnh Phú Yên, có sứ thần, có quốc thư, để xin thông thương giao hảo. Tin ấy đến Huế, cả triều lo nghĩ, chưa biết nên đối đãi thế nào, mới tâu lên Vua, xin cho Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phúc, hai thuộc viên bộ Hộ, đi vào hội đồng với các quan địa phương, dò xét tính tình người Hoa Kỳ, để tâu đổng tất.

Sau cuộc điều tra cẩn thận, Hội đồng tư trình về Cơ mật rằng: “Trên thuyền Mỹ có người tên Nghĩa Đức Môn (Edmund Roberts) và tên Đức Giai (Georges Thompson)[6], vâng mạng lệnh Quốc trưởng nước Hoa Kỳ đem thư sang, yêu cầu được lập thương ước. Hai người ấy cử chỉ nhã nhặn, có vẻ văn minh; duy bản quốc thư chúng tôi đã dịch ra chữ nho, đính theo đây, thì có nhiều câu không hiệp thể tấu đối”.

Bức quốc thư của nước Mỹ (bản dịch chữ nho):

An-đô (Andrew Jackson) Tổng thống nước Mỹ, kính gửi sang Bạn Chí quý Chí tôn.

Tôi giao bức thư này cho ông Nghĩa Đức Môn, là một công dân xứng đáng của Hiệp chúng quốc, và là Đặc sứ của Mỹ Lợi Kiên.

Tôi mong Bạn Chí quý Chí tôn, lấy lòng nhân đức, và đặt tín nhiệm vào người thay mặt cho tôi, khi người này cam đoan tấm lòng thành thực của tôi đối với Bạn Chí tôn Chí quý.

Vì muốn bảo đảm cả các phương diện, cho nên tôi có đóng ấn Hiệp chúng quốc vào bức thư này.

Viết tại thành Hoa Thịnh Đốn, ngày 21/1/1832, tức là năm thứ 56 kể từ ngày nước Mỹ ly Anh độc lập.

Thừa lệnh của vị Tổng thống, Quốc vụ khanh: Lê Vinh Tôn (Ed. Livingston) ký thế và áp quốc ấn”.

Bức thư ngoại giao đầu tiên của Tổng thống Mỹ Andrew Jackson gửi Vua Minh Mạng năm 1832. Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nguyệt san

Viện Cơ mật tra cứu lại 13 năm trước, John White đã đến Sài Gòn, có gửi về dâng lên Tiên Hoàng một vật báu của Mỹ. Nay Nghĩa Đức Môn đến, bất ngoại là tìm lối giao thông, để lập thương ước riêng; bèn phúc lại cho Hội đồng biết rằng: “Hoàng đế chuẩn cho Nguyễn Tri Phương, Lý Văn Phúc quyền lãnh chức Thương bạc để giao thiệp với Đặc sứ Mỹ, thay mặt cho Chính phủ Đại Nam. Nếu nước Mỹ muốn thông thương thì cứ theo thể lệ hiện hành, và thuyền phải vào vịnh Trà Sơn (cửa Hàn) để cho tiện bề kiểm soát”. Sau khi được lệnh, thì thuyền Mỹ nhổ neo đi.

Cách 3 năm, nhà cầm quyền Mỹ ký thương ước với Pháp, với Anh và Hà Lan; còn phái giao dịch hàng hóa với Á Đông, mới phái sang một sứ đoàn, cũng đặt Nghĩa Đức Môn làm Đoàn trưởng.

Năm Bính Thân (1836), thuyền Mỹ đến Xiêm, được trên vua hoan nghinh, ký liền một bản thương ước. Ngày 20/4 năm ấy, Nghĩa Đức Môn đến vịnh Trà Sơn, tuân theo huấn lệnh năm xưa, kỳ này, xứ đoàn mong cho được thành công hơn kỳ trước.

Vua Minh Mạng hỏi Thị lang Hoàng Quýnh: “Nên tiếp sứ đoàn Mỹ cách thế nào?”

Muốn cho vừa ý bề trên, nghĩa là không giao thiệp với người Âu người Mỹ, Hoàng Quýnh mới tâu: “Theo với bức thư năm trước, thì người Mỹ quỷ quyệt lắm. Đời nhà Hán không muốn cho Hung Nô phía bắc vào, đã phải đóng chặt Ngọc Môn quan[7]. Ngoài chính sách này, chúng thần trộm tưởng không có phương pháp gì hơn.”

Chẳng ngờ vua đã đổi chính sách ban lại với Hoàng Quýnh rằng: “Kỳ này, nếu ta còn cự tuyệt, thì người Mỹ sẽ cho dân tộc ta hèn nhát, sợ bạn phương xa. Vậy ta cho Đào Trí Phú và Lê Bá Thận lãnh chức Ngoại giao, vào cửa Hàn rước sứ đoàn của Mỹ.”

Vâng mạng đi vào Đà Nẵng, chẳng may Đoàn trưởng vi hòa[8]. Đào Trí Phú cho người đến hỏi thăm, bệnh nhân cũng cho người đi đáp tạ; song vì mỗi ngày mỗi thêm trầm trọng, cho nên thuyền Mỹ vội trở về.

Đối với tôn giáo

Vì không muốn cho đạo Gia Tô truyền bá, cho nên ngày tháng 2 năm Bính Tuất (1826), Vua Minh Mạng hạ chiếu thư rằng: “Đạo độc ác của phương Tây, có thể biến cải tính tình của dân bổn xứ. Mấy năm nay, các thuyền sang thương mại đã để lại trên đất những Cha, Cố, người Tây. Hạng người này đã làm cho mê muội lương dân, hư hại đến phong hóa nữa. Ta phải ngăn cấm, hễ ai không tuân huấn lệnh thì sẽ bị trọng hình”.

Năm Bính Thân, là năm Sứ đoàn Mỹ đến Việt Nam, Vua Minh Mạng còn ra huấn lệnh nghiêm thiết hơn: Hễ bắt được những Cha, Cố, người Tây tại chỗ nào thì nhà chức trách phải giết liền chỗ ấy. Ai còn dám dung túng sẽ bị xử chung một luật với người theo đạo Gia Tô.

Ngày 21 tháng Giêng năm 1838, các đấng bề trên Giáo hội gửi mật sớ[9] tâu với Pháp Hoàng rằng:

Từ 180 năm nay, người Bồ Đào Nha cùng chúng tôi nối nhau sang truyền đạo ở Viễn Đông. Tại Đường Ngoài có 35 vạn người, tại Đường Trong có hơn 10 vạn người đã vào Giáo hội. Trong thời kỳ Bắc – Nam tranh đấu đã bị tàn sát nhiều phen. Đến năm 1802, Vua Gia Long lập thành nước Việt Nam, thì chúng tôi được tự do truyền giáo.

Đến Vua Minh Mạng lên nối nghiệp, vì sẵn lòng ghét đạo Gia Tô cho nên coi giáo sĩ là người thù, từ năm 1823 trở về sau thì trừng trị triệt để.

Chúng tôi chưa kể đến người bổn xứ, chỉ kể người Pháp, đã có mấy trăm bị chém, bị xử lăng trì; có nhiều người mới bị bắt, chưa biết số phận thế nào; vì trong lúc giam cầm, phải thú nhận những điều không có. Còn 3 người nữa, trong số ấy có Đức Cha Havard đã thoát ngục trốn vào rừng, song sức gầy mòn, trót phải bỏ thây dưới hố.

Chẳng những là người Pháp, mà các giáo sĩ Bồ Đào Nha cũng có 3 người xác thịt không toàn, đã bị giết một cách tàn nhẫn.

Dầu ở đâu cũng vậy, chúng tôi phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Quốc vương, ngày nào cũng mong Bệ hạ giải phóng giáo đồ, để cho chúng tôi được an thân thể an linh hồn mà thờ Chúa.”

Một phần bức tranh mô tả vụ bắt bớ và xét xử ba giáo dân ở Ninh Bình năm 1838. Nguồn: Tổng Giáo phận Hà Nội

Ngoài bản mật sớ, còn có nhiều vị Giám mục gửi thư riêng, báo tin cho Thủ tướng Jean-de-Dieu Soult biết rằng: “Vua Minh Mạng sắp cho sứ mạng sang Pháp”.

Đức Giáo hoàng ở La Mã cũng cho người sang nhờ Vua Louis XVIII tìm cách điều đình với Sứ bộ của nước Đại Nam, để cho lương giáo tương an, loài người không vì đạo Gia Tô mà phải chết.

Sứ bộ Đại Nam sang Pháp

Vì muốn biết dư luận ở Âu châu đối với nước Đại Nam về vấn đề tôn giáo, cuối năm 1838, Vua Minh Mạng mới cho một phái đoàn sang Pháp sang Anh; lựa Tôn Thất Thường, người hoàng phái làm đầu, Phó sứ là Trần Viết Xương, và 2 người thông ngôn tiếng Anh, tiếng Pháp.

Vì không báo cáo trước, cũng không có ủy nhiệm thư, cho nên Pháp Hoàng không tiếp theo nghi lễ ngoại giao như tiếp sứ thần các nước. Dư luận đã xôn xao trên đất Pháp, ngờ là vì vấn đề tôn giáo, nên Vua Louis XVIII không tiếp sứ đoàn.

Ngày 26/11/1840, báo Armoricain[10] có đăng những đoạn sau này: “Có 4 người lạ mặt, tự xưng là quan của nước Đại Nam, da vàng, răng đen, áo rộng tay, dài tột gót, màu xanh, màu lục, thêu những hình hoa hình chim… Bốn người ấy kể chuyện rằng bên xứ họ, cả dân tộc ưa chiến đấu, trọng chiến công; trong nước binh nhiều, và có kỷ luật… Các hải cảng đều canh phòng nghiêm mật, mấy đội thủy quân thường xuyên đi tuần tiễu biên cương… Hàng của các nước chở đến nhiều, mà bán được rất ít vì dân không thích dùng ngoại hóa, còn nguyên liệu cũng ít bán ra ngoài, hay là bán với giá rất cao, cho nên các nước Âu châu không giao thông thương mại… Dân xứ họ giàu lòng tín ngưỡng, thờ Thần, thờ Phật, thờ Thiên Chúa, triều đình cho được tự do…”.

Nhiều báo lại đăng những bài công kích, có đoạn nói “Nước Đại Nam cũng như Trung Quốc, tàn sát giáo đồ theo đạo Gia Tô; dầu sao cũng có cuộc báo thù, muộn hay là sớm…” Vì chính phủ có can thiệp, hay là có mật lệnh thế nào, sợ nói thật mất lòng, nên mấy kỳ sau không thêm bài khác nữa.

Sứ bộ toan sang Anh Cát Lợi, vừa được tin Vua Minh Mạng thăng hà, phải vội trở về, để lãnh mạng lệnh của ngôi vua khác.■ (Còn nữa)

Ưng Trình

“Việt Nam ngoại giao sử cận đại”, 1970

 

Chú thích:

[1] Chiến quốc sách có câu: “Ninh vi kê khẩu, bất ninh vi ngưu hậu”

[2] Vì thư của Pháp Hoàng viết bằng chữ Pháp, nên vua Minh Mạng trả lời bằng chữ nho. Tại Paris, Abel Rémusat dịch lá thư này ra chữ Pháp, hiện còn tại viện Tàng cổ (theo bản Notions d’Histoire d’Annam của B. Maybon)

[3] Theo Minh Mạng Chính yếu

[4] Cung đốn: cung cấp thức ăn, vật dùng một cách bắt buộc và tốn kém, BTV

[5] Nam kỳ: theo Thật lục Chính biên, chữ Kỳ có từ triều Minh Mạng

[6] Trong Thật lục Chính biên đã phiên tiếng Mỹ ra chữ nho, tuy không đúng, mà vẫn là tên trong sử

[7] Một cửa ải phía tây bắc nước Tàu, về địa phận tỉnh Cam Túc.

[8] Trong mình thủy hỏa không điều hòa, có bệnh

[9] Theo báo Đô thành Hiếu cổ năm 1928

[10] Theo báo Đô thành Hiếu cổ năm 1928

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN